Để giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo khi học môn Ngữ văn, Download.vn đã tổng hợp 75 bài văn mẫu dành cho học sinh lớp 6.
Bạn đang đọc: 75 bài văn mẫu lớp 6 hay nhất
Kính mời các bạn học sinh tham khảo nội dung chi tiết sẽ được chúng tôi đăng tải ngay dưới đây.
Những bài văn mẫu lớp 6
Bài 1: Kể lại một trải nghiệm đáng nhớ về người thân trong gia đình
Tôi có rất nhiều kỉ niệm đẹp về những người thân trong gia đình. Những kỉ niệm đó đã đem lại cho tôi rất nhiều bài học quý giá về cuộc sống.
Người tôi gắn bó nhất trong gia đình là anh trai của tôi. Hiện tại, anh trai tôi đang là một sinh viên đại học. Anh tên là Tùng. Anh không chỉ đẹp trai mà còn học rất giỏi. Nếu nói đến học lực thì anh là một tấm gương điểm sáng để cho lũ trẻ em hàng xóm noi theo. Nhưng nhắc đến anh trai, tôi sẽ nghĩ về những trải nghiệm cùng anh thực hiện khi còn nhỏ.
Nhớ nhất là khi tôi lên năm tuổi, anh trai đã đưa tôi đi câu cá ở con sông gần làng. Đây là lần đầu tiên tôi được đi câu cá. Chính vì vậy, tôi cảm thấy rất háo hức. Đầu tiên, hai anh em đã đi ra vườn để đào giun đất làm mồi câu. Sau đó, cả hai cùng nhau ra sông câu cá. Anh Tùng đã dạy tôi cách gắn mồi câu, cách câu cá. Khi nhìn anh làm, tôi cảm thấy vô cùng khâm phục. Anh trai của tôi thật giỏi. Chúng tôi đã ngồi câu rất lâu. Vì là lần đầu tiên, nên tôi còn gặp phải nhiều khó khăn. Từ việc gắn lưỡi câu, mồi câu… Nhưng nhờ có anh Tùng kiên nhẫn dạy mà lần đầu tiên tôi đã câu được một con cá. Đó là một trải nghiệm thật tuyệt với tôi.
Bố mẹ bận rộn công việc, anh trai là người luôn dạy cho tôi nhiều điều bổ ích. Không chỉ giảng bài cho tôi, anh còn dạy tôi học võ nữa. Anh bảo con gái phải biết tự bảo vệ bản thân mình. Biết bao nhiêu là kỉ niệm đẹp đẽ như vừa mới xảy ra thôi. Những năm anh học đại học, phải xa nhà thường xuyên, tôi thấy nhớ anh. Nhớ những lúc anh nấu cơm dỗ tôi ăn khi tôi bị ốm còn bố mẹ bận công chuyện, những lần anh dạy tôi học bài… Nhờ có anh mà tuổi thơ của tôi luôn cảm thấy hạnh phúc.
Đối với tôi, anh trai là một người vô cùng quan trọng. Tôi luôn dành cho anh sự yêu mến, tự hào. Và tôi mong rằng chúng tôi sẽ có thêm nhiều kỉ niệm hạnh phúc hơn nữa.
Bài 2: Kể lại một trải nghiệm giúp tâm hồn em trở nên phong phú hơn
Tết đến, xuân về – đây là thời điểm mà mọi người háo hức bắt đầu chuẩn bị đi mua sắm Tết. Những khu chợ trở nên đông vui nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Đặc biệt nhất là khu chợ hoa Tết thu hút nhiều người đến mua. Năm nay, em đã có một trải nghiệm thú vị, đó là đi chợ hoa Tết cùng bố.
Từ hai lăm đến ba mươi Tết, khi ra đường là đã thấy các cửa hàng bán hoa. Những người người đến xem đông như trẩy hội. Nào là hoa cúc, hoa mai, đào, cẩm chướng, lay ơn, thược dược… Muôn loài hoa đang khoe sắc để chào đón một năm mới sang. Khoảng chín giờ sáng hai mươi sáu Tết, bố nói với mẹ sẽ ra chợ để sắm hoa Tết. Em thuyết phục bố cho đi cùng. Sau mười lăm phút đưa ra đủ lý do, bố cũng đồng ý. Hai bố con đi khoảng mười lăm phút là tới nơi. Chợ hoa ngày cuối năm nhộn nhịp và náo nhiệt không kém chợ tết là mấy. Chợ hoa Tết cũng đông vui không kém những khu chợ khác. Người mua, kẻ bán cười nói rôm rả, xôn xao khắp cả chợ.
Những chiếc xe chở phía sau những chậu quất, cành đào ra vào tấp nập. Gương mặt của mọi người đều tươi rói, hớn hở vì một mùa xuân mới lại sắp về. Bên cạnh những gian hàng bán đào và quất là các gian bán hoa tươi. Các loại hoa được bày bán rất đa dạng. Hoa hồng, hoa cúc, hoa vi-ô-let, hoa lan, hoa dơn, hoa thược dược… Tất cả tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc cho chợ hoa. Đắt Những quầy bán hoa thu hút rất đông người mua. Bởi có lẽ mọi người đều muốn chọn cho mình những bông hoa tươi nhất, đẹp nhất để về đặt lên bàn thờ tổ tiên trong ngày tết.
Người bán hồ hởi mời chào khách mua hoa, người mua vừa chiêm ngưỡng những đóa hoa đẹp nhất vừa đắn đo lựa chọn những bó hoa đủ mọi sắc màu. Người ta đi chợ hoa như đi trẩy hội để dành cho mình những sắc hương đẹp nhất mang về trang hoàng và mang không khí tết về với gia đình. Đông đúc nhất phải là những khu bán đào, mai và quất. Bởi đây là những loại cây đặc trưng của ngày tết, nên mọi người đều muốn mua một chậu đào, mai hoặc quất về chơi Tết. Những chậu cây được tạo với nhiều hình dáng độc đáo. Những nụ hoa đào, hoa mai đã bắt đầu bung nở trong những cơn mưa xuân.
Hai bố con đi dạo một vòng quanh khu chợ. Thỉnh thoảng, bố dừng lại trước một khu bán đào hay bán quất để ngắm. Cuối cùng, bố em cũng chọn được một chậu đào rất đẹp. Khi bố mang chậu hoa về, em cảm thấy rất thích nó. Chợ hoa Tết chính là một nét đẹp của dịp Tết cổ truyền dân tộc. Trải nghiệm được đi chợ hoa vào những ngày giáp Tết khiến em không chỉ cảm nhận được không khí Tết đang về. Mà còn cảm thấy tự hào hơn về một nét đẹp cần giữ gìn của dân tộc.
Đã bao đời nay, Tết trở thành một lễ hội nằm trong niềm mong đợi và không thể thiếu của con người Việt Nam. Và những khu chợ hoa cũng đã trở thành một nét đặc trưng không thể thiếu của những ngày tết.
Bài 3: Viết bài văn kể về một chuyến đi đáng nhớ của em
Kì nghỉ hè năm nay, tôi được bố mẹ thưởng cho một chuyến du lịch. Đây là lần đầu tiên tôi được đi đến biển chơi, nên em cảm thấy vô cùng háo hức và mong chờ. Em hy vọng sẽ có nhiều kỉ niệm đẹp cùng với bố mẹ.
Đúng năm giờ sáng, xe xuất phát từ Hà Nội. Khoảng đến gần trưa thì xe đã đến nơi. Em cùng các bạn nhỏ cùng tuổi mình cảm thấy vô cùng thích thú vì sau một hành trình dài cuối cùng cũng đến Sầm Sơn. Sau khi đến khách sạn nhận phòng và cất đồ đạc. Mọi người cùng nhau đi ăn trưa, rồi nghỉ ngơi.
Buổi chiều, mọi người trong đoàn cùng đi tắm biển. Thật kì diệu! Em đang đứng trước một bài biển rộng mênh mông. Nước biển xanh và trong. Đứng gần biển em có thể nhìn thấy từng đợt sóng đánh vào bờ. Nhìn ra xa phía chân trời, bầu trời và biển như hòa vào làm một. Gió biển lồng lộng, cùng với tiếng sóng vỗ nghe thật vui tai. Bên cạnh bãi biển, núi Trường Lệ – một địa danh khá nổi tiếng ở đây, đứng sừng sững chạy dài theo mép nước. Phía nam dãy Trường Lệ còn có bãi tắm Tiên Ẩn, một thung lũng nhỏ với cảnh quan gần như nguyên sơ. Cuối bãi là đền Độc Cước cổ kính uy nghi, tọa lạc trên một hòn núi đá. Tất cả đều tuyệt đẹp như những bức ảnh mà em đã được xem trên mạng khi tìm hiểu về Sầm Sơn.
Bờ biển lúc này thật đông người. Tiếng nói cười rộn vang khắp cả không gian. Người lớn thích thú bơi lội dưới nước. Trẻ em thì nghịch cát, xây thành những tòa lâu đài tuyệt đẹp. Em cùng các bạn nhỏ mỗi người một chiếc phao, rồi nhảy xuống tắm biển. Nước biển mát lạnh khiến em cảm thấy vô cùng dễ chịu. Sau khi tắm biển xong, mọi người cùng nhau đi ăn đồ hải sản nướng. Các món ăn đều rất ngon và mang đậm hương vị của biển.
Thời gian trôi qua thật nhanh. Chuyến du lịch ba ngày hai đêm đã kết thúc. Nhưng em cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì đã có những trải nghiệm vô cùng thú vị ở đây. Em mong sẽ có thêm nhiều chuyến du lịch như vậy cùng với gia đình của mình.
Bài 4: Viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện
Giờ Trái Đất là một sự kiện được hưởng ứng ở địa phương em cũng như trên toàn bộ đất nước Việt Nam.
Sự kiện “Giờ Trái Đất” được ra đời từ nhiều năm về trước. Vào năm 2004, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế Ô-xtrây-li-a tìm kiếm phương pháp truyền thông mới để đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào hoạt động tuyên truyền. Sang năm 2005, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế Ô-xtrây-li-a cùng công ty Lê-ô Bớc-net Xít-ni xây dựng ý tưởng về dự án “Tiếng tắt lớn”. Đến năm 2006, nhà quảng cáo Lê-ô Bớc-net đặt tên cho chiến dịch là “Giờ Trái Đất”. Vào ngày 31 tháng 3 năm 2007, lễ khai mạc sự kiện giờ trái đất được tổ chức tại Xít-ni, Ô-xtrây-li-a. Vào ngày 29 tháng 3 năm 2008, chiến dịch được tổ chức ở 371 thành phố, thị trấn, hơn 35 quốc gia, 50 triệu người và trong đó có Việt Nam. Một năm sau đó (2009), hơn 4000 thành phố, 88 quốc gia trên thế giới tham gia tắt đèn trong 1 giờ đồng hồ.
Mục đích của sự kiện “Giờ Trái Đất” nhằm đề cao việc tiết kiệm điện năng, giảm lượng khí thải đi-ô-xít các-bon – một khí gây ra hiệu ứng nhà kính, đồng thời thu hút sự chú ý của mọi người về ý thức bảo vệ môi trường. Chiến dịch này cũng nhằm khẳng định quan điểm cho rằng mỗi một hành động cá nhân khi được nhân lên trên diện rộng có thể giúp làm thay đổi môi trường sống của chúng ta theo hướng ngày càng tốt hơn.
Một số việc thường làm khi diễn ra sự kiện “Giờ Trái Đất” như tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong khoảng một tiếng đồng hồ (theo quy định của ban tổ chức); Tăng cường sử dụng các phương tiện di chuyển xanh (như tăng thời gian đi bộ, sử dụng xe đạp, xe buýt công cộng…); Vận động gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… cùng tham gia hưởng ứng Giờ Trái Đất…
Như vậy, “Giờ Trái Đất” là một sự kiện tốt đẹp, cần được phổ biến rộng rãi hơn trên toàn thế giới.
Bài 5: Tả lại một trận bóng đá mà em đã chứng kiến
Ngày 15 tháng 12 năm 2018, trận chung kết bóng đá lượt về trong khuôn khổ Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á đã diễn ra tại sân Mỹ Đình ở thủ đô Hà Nội. Trận đấu giữa hai đội bóng xuất sắc là Đội tuyển Quốc gia Việt Nam và Đội tuyển Quốc gia Malaysia.
Từ sớm, cả gia đình của em đã đến sân để cổ vũ cho đội nhà. Sân vận động được nhuộm đỏ bởi sắc màu của những lá quốc kì. Các cầu thủ của đội tuyển Việt Nam ra sân với trang phục áo đỏ, quần đỏ. Còn các cầu thủ Malaysia ra sân với trang phục áo vàng, quần vàng.
Trận đấu bắt đầu sau tiếng còi khai cuộc của trọng tài. Ngay từ những phút đầu tiên, đội bạn đã tấn công để tìm kiếm bàn thắng. Nhưng hàng thủ của đội tuyển Việt Nam vẫn thi đấu tập trung. Vào phút thứ sáu, từ đường chuyền của cầu thủ Nguyễn Quang Hải, cầu thủ Nguyễn Anh Đức đã giúp Việt Nam dẫn trước 1- 0. Cuộc đấu vẫn diễn ra trong thế trận ngang bằng. Đội tuyển Malaysia liên tục tấn công để tìm kiếm bàn gỡ hòa. Nhưng hàng phòng ngự chắc chắn của đội tuyển Việt Nam khiến cho đối thủ bất lực. Hiệp một kết thúc với tỉ số 1 – 0 nghiêng về đội chủ nhà.
Mười lăm phút giải lao kết thúc, hiệp hai bắt đầu. Đội bạn đã có tình huống đá phạt rất thuận lợi để quân bình tỉ số. Nhưng thủ môn Đặng Văn Lân đã xuất sắc cứu thua cho đội nhà. Nhiều tình huống sau đó cũng vậy. Thời gian gần trôi về những phút cuối cùng. Hiệp hai có bốn phút bù giờ. Những khán giá ở trên sân đều đếm ngược để chờ trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu.
Khi tiếng còi vang lên, khán giả trên sân reo vang “Việt Nam vô địch”. Các cầu thủ chạy đến cảm ơn người hâm mộ. Huấn luyện viên Park Hang-seo được các học trò tung lên cao. Một hành động tri ân dành cho người thầy đáng kính đã góp phần làm nên thành công này. Những lá cờ đỏ sao vàng tung bay. Sân vận động Mỹ Đình vào lúc này thật đẹp.
Bài 6: Kể về một chuyến tham quan mà em nhớ mãi
Chủ nhật tuần này, em cùng với chị Thu đã có một chuyến tham quan ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Sau chuyến tham quan, em đã biết thêm rất nhiều kiến thức bổ ích.
Hai chị em đi xe buýt mất khoảng một tiếng là đến nơi. Bước qua cánh cổng bảo tàng, em nhìn thấy một khối nhà mái vòm rất lớn. Phía trên có in một dòng chữ bằng đá rất nổi bật: “Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam”. Chị Thu đã đi mua vé tham quan. Sau đó, chúng em đã đi tham quan bảo tàng theo sơ đồ hướng dẫn.
Bảo tàng được chia làm ba khu trưng bày chính: tòa nhà Trống Đồng, khu trưng bày ngoài trời (Vườn Kiến trúc) và tòa Cánh diều (khu trưng bày Đông Nam Á). Em và chị Thu lần lượt tham quan các khu trưng bày. Đầu tiên là tòa nhà Trống Đồng là nơi trưng bày, giới thiệu bản sắc năm mươi tư dân tộc. Tại đây có khoảng nhiều hiện vật, thước phim và hình ảnh miêu tả đời sống sinh hoạt, trang phục, y phục, nông cụ và tôn giáo tín ngưỡng cũng như các tục lệ của đồng bào dân tộc.
Sau khi ra khỏi tòa nhà Trống Đồng, chúng em nhìn thấy một khoảng sân lớn, đó chính khu trưng bày ngoài trời. Em đã được chiêm ngưỡng những kiến trúc độc đáo của người nhiều dân tộc nhà rông của người Ba-na, nhà sàn dài của người Ê-đê, nhà sàn của người Tày, nhà nửa sàn nửa đất của người Dao, nhà trệt lợp ván pơmu của người H’mông, nhà ngói của người Việt, nhà sàn thấp của người Chăm, nhà trình tường của người Hà Nhì, nhà mồ tập thể của người Giarai và nhà mồ cá nhân của người Cơtu… Em và chị Thu đã chụp khá nhiều bức ảnh kỉ niệm cùng với những ngôi nhà sàn độc đáo này.
Cuối cùng là khu trưng bày Đông Nam Á. Tòa nhà này gồm có bốn tầng được mô phỏng theo hình Cánh diều. Nơi đây thường trưng bày về các văn hóa ngoài Việt Nam (Văn hóa Đông Nam Á, Tranh kính Indonesia, Một thoáng châu Á và Vòng quanh thế giới)…; ngoài ra còn có hội trường, phòng chiếu phim, phòng đa phương tiện. Đây cũng là không gian mà em thích nhất.
Kết thúc một ngày tham quan rất bổ ích. Em đã có rất nhiều trải nghiệm thú vị. Em mong rằng mình sẽ có thêm nhiều chuyến đi như vậy hơn.
Bài 7: Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình
Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đôi khi thường xảy ra các xung đột. Điều đó đòi hỏi mỗi thành viên cần có những giải pháp để giải quyết các xung đột, xây dựng một gia đình hòa thuận và hạnh phúc.
Đầu tiên, nguyên nhân của xung đột trong gia đình đến từ sự khác biệt trong về nhận thức, quan điểm hay suy nghĩ giữa cha mẹ và con cái. Từ đó đã tạo nên những xung đột về tâm lý là đặc điểm nổi bật mang tính quy luật. Điều đó là do hoàn cảnh sống, thời gian sống và sự khác nhau về thế hệ, sự chênh lệch về kinh nghiệm sống đã tạo nên khoảng cách dẫn đến xung đột.
Cha mẹ luôn mong muốn con cái phải nghe theo những quy định mình đặt ra từ khi con còn bé. Trong suy nghĩ, cha mẹ luôn cho rằng con cái là còn bé bỏng nên cha mẹ cần phải kiểm soát mọi hoạt động, con cái phải phụ thuộc vào mọi quyết định của mình. Đồng thời, nhiều cha mẹ chưa có sự hiểu biết cần thiết về những thay đổi về tâm sinh lí của con. Cha mẹ muốn duy trì sự phụ thuộc của con cái vào cha mẹ trong các hoạt động của cuộc sống hàng ngày…
Về phía con cái, trong độ tuổi dậy thì, tâm sinh lý sẽ có sự thay đổi, nhiều bạn cho đã suy nghĩ “về sự trưởng thành” và có cảm giác “mình là người lớn”. Ở độ tuổi này, nhận thức về “cái tôi cá nhân” và “quyền riêng tư” với những nhu cầu độc lập của bản thân cũng tăng lên rõ rệt. Từ sự thay đổi trên dẫn đến con cái muốn vượt qua sự kiểm soát, quản lý của bố mẹ.
Điều này sẽ khiến cho mối quan hệ của các thành viên trong gia đình không được tốt đẹp. Bởi vậy mà cần phải có những biện pháp phù hợp, tích cực. Đầy tiên, cha mẹ phải là người chủ động thay đổi. Cha mẹ vẫn duy trì những nề nếp quy định của gia đình nhưng phải phù hợp với cuộc sống hiện đại. Bên cạnh đó. cha mẹ cần trở thành những người bạn của con – thấu hiểu và chia sẻ với con mọi vấn đề trong cuộc sống. Từ đó, cha mẹ mới có thể đưa ra những đánh giá, lời khuyên cho con cái. Bản thân chúng ta cũng cần phải hiểu được những mong muốn tốt đẹp của cha mẹ. Hãy chia sẻ cởi mở, suy nghĩ về những lời khuyên và tránh những hành vi tiêu cực: giận dỗi, cãi lời… cha mẹ.
Một gia đình hạnh phúc là một gia đình luôn có sự thấu hiểu, chia sẻ. Mỗi người hãy biết cách xây dựng và bảo vệ gia đình của mình trở nên tốt đẹp hơn.
Bài 8: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích
Sau khi cha mẹ mất, tôi và anh trai sống cùng nhau. Chúng tôi chăm chỉ làm lụng nên cũng đủ ăn. Từ ngày có vợ, anh của tôi đâm ra lười biếng. Vợ chồng tôi phải làm lụng vất vả mới có của ăn của để.
Một hôm, anh trai gọi tôi đến bàn bạc chuyện chia gia tài. Vì là phận em, tôi xin được nghe theo lời anh. Tôi nhận được một túp lều nhỏ, ở trước cửa có một cây khế. Dù khó khăn, nhưng tôi và vợ vẫn sống hạnh phúc, êm đềm. Hằng ngày, tôi và vợ vẫn thay nhau chăm sóc cây khế. Đến mùa, những chùm quả chín lúc lỉu trên cây. Tôi và vợ bàn nhau hái khế ra chợ bán. Sáng hôm đó, tôi ra vườn cây để hái khế thì nghe thấy trên ngọn cây có tiếng rung mạnh như có người. Tôi gọi vợ ra xem, thì nhìn thấy một con chim lớn đang ăn khế chín. Tôi lấy làm lạ lắm, chưa bao giờ thấy một con chim nào to như vậy. Tôi liền bảo vợ cứ đợi cho chim ăn xong mới ra hái. Suốt một tháng trời, hằng ngày chim cứ đến ăn vào lúc sáng sớm.
Vợ tôi xót ruột. Một hôm thấy chim đang ăn khế, liền chạy ra nói:
– Ông chim ơi, ông ăn như thế thì nhà cháu còn khế đâu mà bán! Cả nhà cháu chỉ nhờ vào cây khế thôi!
Chim nói:
– Ăn một quả trả một cục vàng, may túi ba gang mang đi mà đựng!
Nghĩ đây chắc hẳn là chim thần, tôi bảo vợ làm theo lời chim nói. Sáng sớm hôm sau, chim thần bay đến. Tôi xách túi ra, chim nằm rạp xuống đất cho tôi trèo lên. Tôi ngồi trên lưng chim mà lòng có chút lo lắng. Chim bay qua bao nhiêu là miền, hết đồng ruộng đến rừng xanh, hết rừng xanh đến biển cả. Ra tới giữa biển, chim rẽ vào một cái đảo, rồi đáp xuống cửa một cái hang.
Chim ra hiệu cho tôi bước vào. Ngay từ cửa đã có rất nhiều thứ đá trong như thủy tinh và hổ phách đủ thứ màu. Tôi thấy hang sâu và rộng nên không dám vào, chỉ dám nhặt ít vàng, kim cương ở ngoài rồi ra ngoài. Tôi bảo chim thần bay về. Chim lại cất cánh đưa tôi về nhà. Từ đó, cuộc sống của gia đình tôi trở nên khá giả hơn trước. Chúng tôi còn giúp đỡ được rất nhiều người dân nghèo khổ.
Một hôm, anh trai của tôi đến chơi. Tôi đoán biết anh nghe được chuyện nên đến hỏi thăm. Nghe anh hỏi chuyện, tôi liền kể cho anh nghe. Anh liền thương lượng để đổi tài sản của mình lấy túp lều và cây khế. Thầy anh nài nỉ mãi, tôi cũng ưng thuận.
Kể từ đó, anh trai và chị dâu của tôi dọn đến ở trong túp lều. Tôi nghe người trong làng kể lại. Hằng ngày, họ chỉ ngồi ăn rồi chờ chim đến. Một buổi sáng nọ, khi thấy luồng gió mạnh nổi lên, và ngọn cây khế rung chuyển. Họ biết là chim thần đến liền nói:
– Chim thần ơi, cả nhà tôi trông vào cây khế, bây giờ chim ăn thì tôi lấy gì mà sống?
Chim thần cũng nói y như với tôi:
– Ăn một quả trả một cục vàng, may túi ba gang mang đi mà đựng!
Anh trai và chị dâu của tôi cứ bàn qua tính lại. Rồi cuối cùng họ quyết định may cái túi to gấp ba lần, như một cái tay nải lớn. Sáng hôm sau, chim thần đến đưa anh tôi ra hòn đảo. Nhìn thấy vàng bạc, kim cương, anh trai tôi cố nhặt cho đầy túi. Không chỉ vậy, anh ta còn cho cả vào túi quần, túi ào. Trên đường về, vì quá nặng lại gặp gió lớn, chim đâm bổ xuống biển. Anh trai tôi bị sóng cuốn trôi, bao nhiêu của cải mất hết. Còn chim thần chỉ bị ướt lông, ướt cánh nên lại vùng lên trời bay đi. May có người dân đánh cá ngang qua mới cứu được. Anh trai tôi trở về, kể rõ sự tình cho tôi nghe và tỏ ra rất hối hận.
Bài 9: Tả lại một cảnh sinh hoạt
Năm nay, em được về quê ngoại ăn Tết. Em đã có rất nhiều trải nghiệm thú vị bên những người thân yêu.
Chiều ba mươi Tết, mọi người trong gia đình đều bận rộn. Ông, bố và anh trai của em thì dọn dẹp nhà cửa. Còn bà và mẹ thì lo chuẩn bị mâm cơm cúng Tất niên. Em chạy quanh nhà giúp đỡ mọi người những công việc nhỏ. Ai cũng đều háo hức đón chờ một năm mới sắp đến. Chẳng mấy chốc, nhà cửa đã sạch sẽ, gọn gàng. Mâm cơm cúng Tất niên cũng rất đầy đủ, đẹp mắt. Mọi người ăn mặc thật chỉnh tề, và đứng trước bàn thờ gia tiên để thắp hương cho ông bà tổ tiên. Em cảm nhận được không khí vô cùng thiêng liêng, trang trọng.
Sau đó, cả gia đình cùng quân quần bên mâm cơm Tất niên. Đầu tiên, ông thay mặt cả gia đình tổng kết lại một năm. Khuôn mặt các thành viên hết sức nghiêm trang. Bầu không khí vô cùng yên tĩnh. Chỉ có giọng nói của ông vẫn ôn tồn, vang vọng. Sau khi ông phát biểu, mọi người cùng nâng ly để chúc mừng năm mới. Tiếng hô vang: “Chúc mừng năm mới” khiến em cảm nhận được Tết đã sắp đến gần.
Sau bữa cơm giao thừa, cả gia đình của em quây quần bên chiếc vô tuyến để xem các chương trình Tết. Mọi người vừa xem vừa trò chuyện rôm rả. Không khí thật ấm cúng biết bao. Đến mười hai giờ, em sẽ chúc Tết ông bà, bố mẹ và nhận được những phong bao lì xì đỏ thắm.
Khung cảnh sinh hoạt vào dịp Tết thật rộn ràng, vui tươi. Dịp Tết cũng là khoảng thời gian để con người sum vầy bên gia đình. Mỗi kỉ niệm cùng với người thân đều vô cùng đáng quý. Từ đó chúng ta càng biết yêu mến và trân trọng hơn gia đình.
Bài 10: Kể lại một trải nghiệm đáng nhớ về người thân trong gia đình
Tôi có rất nhiều kỉ niệm đẹp về những người thân trong gia đình. Những kỉ niệm đó đã đem lại cho tôi rất nhiều bài học quý giá về cuộc sống.
Người tôi gắn bó nhất trong gia đình là anh trai của tôi. Hiện tại, anh trai tôi đang là một sinh viên đại học. Anh tên là Tùng. Anh không chỉ đẹp trai mà còn học rất giỏi. Nếu nói đến học lực thì anh là một tấm gương điểm sáng để cho lũ trẻ em hàng xóm noi theo. Nhưng nhắc đến anh trai, tôi sẽ nghĩ về những trải nghiệm cùng anh thực hiện khi còn nhỏ.
Nhớ nhất là khi tôi lên năm tuổi, anh trai đã đưa tôi đi câu cá ở con sông gần làng. Đây là lần đầu tiên tôi được đi câu cá. Chính vì vậy, tôi cảm thấy rất háo hức. Đầu tiên, hai anh em đã đi ra vườn để đào giun đất làm mồi câu. Sau đó, cả hai cùng nhau ra sông câu cá. Anh Tùng đã dạy tôi cách gắn mồi câu, cách câu cá. Khi nhìn anh làm, tôi cảm thấy vô cùng khâm phục. Anh trai của tôi thật giỏi. Chúng tôi đã ngồi câu rất lâu. Vì là lần đầu tiên, nên tôi còn gặp phải nhiều khó khăn. Từ việc gắn lưỡi câu, mồi câu… Nhưng nhờ có anh Tùng kiên nhẫn dạy mà lần đầu tiên tôi đã câu được một con cá. Đó là một trải nghiệm thật tuyệt với tôi.
Bố mẹ bận rộn công việc, anh trai là người luôn dạy cho tôi nhiều điều bổ ích. Không chỉ giảng bài cho tôi, anh còn dạy tôi học võ nữa. Anh bảo con gái phải biết tự bảo vệ bản thân mình. Biết bao nhiêu là kỉ niệm đẹp đẽ như vừa mới xảy ra thôi. Những năm anh học đại học, phải xa nhà thường xuyên, tôi thấy nhớ anh. Nhớ những lúc anh nấu cơm dỗ tôi ăn khi tôi bị ốm còn bố mẹ bận công chuyện, những lần anh dạy tôi học bài… Nhờ có anh mà tuổi thơ của tôi luôn cảm thấy hạnh phúc.
Đối với tôi, anh trai là một người vô cùng quan trọng. Tôi luôn dành cho anh sự yêu mến, tự hào. Và tôi mong rằng chúng tôi sẽ có thêm nhiều kỉ niệm hạnh phúc hơn nữa.
Bài 11: Kể lại một trải nghiệm vui của em
Những trải nghiệm giúp con người trân trọng cuộc sống hơn. Đặc biệt, những trải nghiệm vui vẻ thường khiến mỗi người nhớ mãi. Em cũng có một trải nghiệm như vậy.
Tết cổ truyền đến là dịp để mỗi người có thời gian sum vầy bên gia đình. Năm nay, gia đình em sẽ về quê ngoại để ăn Tết. Mọi năm, gia đình em thường ăn Tết ở quê nội – trên thành phố. Nhưng năm nay, em đã được trải nghiệm không khí Tết ở một vùng nông thôn. Em cảm thấy rất tuyệt vời và thú vị.
Những ngày giáp Tết, quê hương của em như được khoác lên mình một chiếc áo mới. Các con đường trong thôn được trang trí cờ hoa rực rỡ. Xe cộ đi lại đông đúc, tấp nập hơn những ngày bình thường. Lần đầu tiên, em được theo mẹ đi chợ Tết. Khu chợ nào cũng đông đúc, nhộn nhịp. Các mặt hàng như thịt cá, rau củ, bánh kẹo… được bày bán rất nhiều. Người mua, người bán rộn ràng không kém với thành phố. Không khí vui tươi khiến em cảm thấy thật háo hức, rộn ràng.
Hai mươi tám Tết, mọi người trong gia đình cùng nhau gói bánh chưng. Mẹ đã đi chợ mua sẵn các nguyên liệu gồm lá dong, lạt mềm, gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ. Lần đầu tiên trong đời, em được xem và gói bánh chưng. Mọi người trong gia đình vừa gói bánh, vừa trò chuyện thật vui vẻ. Công đoạn gói quả thật khó khăn. Ông ngoại vừa gói bánh, vừa hướng dẫn em từng bước một. Sau khoảng ba mươi phút, em đã hoàn thành. Chiếc bánh chưng dù còn chưa được đẹp đẽ, nhưng em cảm thấy rất vui. Sau hơn hai tiếng đồng hồ, công việc gói bánh đã xong xuôi.
Bố chuẩn bị một chiếc nồi thật to, rồi cho từng chiếc bánh vào. Sau đó, bố còn đổ nước vào để luộc bánh. Chiếc bánh của em cũng được cho vào luộc. Bố nói rằng phải mất hơn một ngày bánh mới chín. Em cùng chị gái háo hức ngồi canh nồi bánh chưng. Giữa tiết trời se lạnh, ngồi bên bếp lửa hồng, em cảm thấy vô cùng ấm cúng và hạnh phúc.
Đêm giao thừa, cả nhà cùng quây quần bên mâm cơm Tất niên. Những món ăn truyền thống của dân tộc được bà và mẹ chuẩn bị vô cùng công phu. Mọi người vừa ăn, vừa trò chuyện vui vẻ. Không khí thật ấm cúng, thiêng liêng. Khoảnh khắc năm mới đang đến rất gần rồi.
Một trải nghiệm đáng nhớ, khiến em thêm yêu quê hương của mình. Không chỉ vậy, em cũng thêm trân trọng những nét đẹp truyền thống của đất nước nhiều hơn.
Bài 12: Kể lại một trải nghiệm buồn của em
Đối với mỗi người, những trải nghiệm sẽ đem đến thật nhiều bài học. Và chắc hẳn trong cuộc đời, chúng ta cũng đã từng trải qua những trải nghiệm buồn.
Nghỉ hè năm nay, em được về quê ngoại chơi. Em đã có trải nghiệm thú vị. Buổi sáng, em được ra đồng gặt lúa cùng bác Sáu. Đến chiều, em đã đi câu cá cùng ông ngoại. Em cảm thấy rất thích thú.
Nhưng có lẽ, trải nghiệm khiến em nhớ nhất là lần đầu tiên được bơi lội dưới sông. Hồi ở thành phố, em mới chỉ được tập bơi trong bể bơi. Em đã vô cùng thích thú khi được hòa mình dưới dòng nước mênh mông, mát mẻ. Hôm đó, chúng em còn tổ chức một cuộc thi bơi lội. Với kinh nghiệm năm năm học bơi, em đã đánh bại tất cả các đối thủ, ngoại trừ Đức – một đối thủ ngang sức ngang tài.
Trận thi đấu cuối cùng sẽ quyết định người chiến thắng. Bạn Tùng được chọn làm trọng tài. Em tự nhủ sẽ đánh bại Đức. Sau khi Tùng thổi còi bắt đầu hiệp đấu. Chúng em ra tư thế chuẩn bị vào cuộc đua. Tiếng hô hào, cổ vũ vang vọng khắp con sông. Cả hai không ai chịu kém ai nên vẫn đang bơi song song nhau. Em rất tự tin mình sẽ giành chiến thắng. Khi đã gần về đích, em cảm thấy thấm mệt. Nhưng nhìn thấy Đức đã sắp vượt mình, em quyết định tăng tốc. Bỗng nhiên, chân của em bị chuột rút, không cử động được. Em dần bơi chậm lại rồi dần tụt lùi phía sau. Lúc này, em chỉ còn biết đập tay vùng vẫy, uống phải không biết bao nhiêu là nước. Trong đầu cảm thấy vô cùng sợ hãi và lo lắng. Có tiếng ai hoảng hốt kêu lên: “Hình như thằng Cường bị chuột rút rồi”. Thế rồi, nhanh như cắt, Đức bơi đến cứu và đưa em vào bờ. Một phen thoát chết ngoạn mục. Khi đã ở trên bờ, em cảm thấy buồn bã và hối hận vô cùng.
Đây quả là một trải nghiệm đáng nhớ. Nhờ vậy, em đã học được bài học quý giá. Không chỉ vậy, em còn có thêm một người bạn thân thiết.
…….. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết tại file tải dưới đây……..