10 LỢI ÍCH CỦA HỆ THỐNG THƯƠNG MẠI WTO
Bạn đang đọc: 10 lợi ích của hệ thống thương mại WTO
1. Hệ thống này giúp gìn giữ hoà bình
Hòa bình phần nào là một thành quả của hai nguyên tắc cơ bản nhất của hệ thống thương mại: giúp thương mại được thuận buồm xuôi gió và đưa đến cho các nước một lối thoát bình đẳng và mang tính xây dựng để giải quyết những bất đồng về các vấn đề thương mại. Đó cũng là một kết quả của sự hợp tác và lòng tin quốc tế do hệ thống này tạo ra và duy trì.
Lịch sử bị vấy bẩn bởi những tranh chấp thương mại dẫn đến chiến tranh. Một trong những ví dụ sống động nhất là cuộc chiến tranh thương mại những năm 1930, khi các nước cạnh tranh với nhau nhằm tăng thêm các hàng rào mậu dịch để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước và để trả đũa rào cản của các nước khác. Điều này càng làm cho cuộc đại suy thoái thêm tồi tệ và cuối cùng góp phần làm bùng nổ Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Hai bước phát triển ngay Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã giúp tránh được nguy cơ những căng thẳng thương mại thời kỳ trước chiến tranh xuất hiện trở lại. Thứ nhất, ở châu Âu, hợp tác quốc tế phát triển trong các ngành công nghiệp than, sắt và thép. Thứ hai, trên phạm vi toàn cầu, Hiệp định chung về thương mại và thuế quan (GATT) đã hình thành.
Cả 2 bước phát triển trên đều tỏ ra thành công, thành công đến mức hiện nay chúng được mở rộng rất mạnh – một trở thành Liên minh châu Âu và một trở thành Tổ chức Thương mại Thế giới.
Hệ thống GATT/WTO là một chủ thể kiến tạo niềm tin quan trọng. Các cuộc chiến tranh thương mại những năm 1930 là bằng chứng cho thấy rằng chủ nghĩa bảo hộ có thể dễ dàng đẩy các nước vào một tình thế trong đó không có kể thắng mà chỉ toàn người thua. Quan điểm bảo hộ thiển cận cho rằng việc bảo vệ một số khu vực nhất định chống lại hàng nhập khẩu là rất có lợi. Những quan điểm này lại lờ đi chuyện các nước khác sẽ phản ứng như thế nào. Thực tế dài hạn hơn cho thấy rằng một bước bảo hộ của một quốc gia có thể dễ dàng dẫn đến hành động trả đũa từ các quốc gia khác, dẫn đến mất mát niềm tin vào thương mại từ do hơn và làm cho tất cả, bao gồm cả các khu vực được bảo hộ ngay từ đầu – sa lầy vào rắc rối kinh tế nghiêm trọng.
Niềm tin là chìa khoá giúp tránh được viễn cảnh không có kẻ thắng ấy. Khi các chính phủ đều tin tưởng rằng các nước khác sẽ không tăng cường các hàng rào mậu dịch thì chính họ cũng sẽ không có ý định làm như vậy. Hệ thống thương mại WTO đóng vai trò sống còn trong việc tạo ra và củng cố niềm tin đó. Đặc biệt quan trọng là những cuộc thương lượng đưa đến những thoả thuận trên cơ sở nhất trí ý kiến và tập trung vào việc tuân thủ các nguyên tắc.
2. Giải quyết các mâu thuẫn thương mại một cách xây dựng
Do thương mại tăng lên về khối lượng, số lượng sản phẩm được trao đổi, và số lượng các nước và công ty tham gia thương mại, nên có thêm nhiều cơ hội để những tranh chấp thương mại nảy sinh. Hệ thống WTO giúp giải quyết các tranh chấp này một cách hoà bình và mang tính xây dựng.
Nếu để mặc chúng thì những tranh chấp này có thể dẫn đến những xung đột nghiêm trọng. Một trong những nguyên tắc của WTO là các thành viên có nghĩa vụ phải đưa những tranh chấp của mình tới WTO và không được đơn phương giải quyết. Khi họ đưa ra các tranh chấp ra giải quyết tại WTO, thủ tục giải quyết của WTO là tập trung chú ý của họ vào các nguyên tắc. Một khi nguyên tắc được thiết lập, các nước phải chú trọng nỗ lực tuân thủ nguyên tắc, và có lẽ sau đó tái thương lượng về các nguyên tắc – chứ không phải là tuyên chiến với nhau. Gần 200 tranh chấp đã được đưa ra giải quyết ở WTO kể từ khi tổ chức này thành lập. Nếu thiếu một phương tiện giải quyết các tranh chấp này một cách xây dựng và đồng bộ, một số tranh chấp đã có thể dẫn đến những cuộc xung đột chính trị nghiêm trọng hơn.
3. Một hệ thống dựa trên những nguyên tắc chứ không phải là sức mạnh để làm cho cuộc sống dễ dàng hơn với tất cả mọi người
WTO không thể tuyên bố sẽ làm cho tất cả các nước đều bình đẳng. Nhưng WTO thực sự làm giảm bớt một số bất bình đẳng, giúp các nước nhỏ hơn có nhiều tiếng nói hơn. Đồng thời cũng giải thoát cho các nước lớn khỏi sự phức tạp trong việc thoả thuận các hiệp định thương mại với các đối tác của mình.
Các quyết định và hiệp định của WTO được thực hiện bằng nhất trí ý kiến. Các hiệp định này áp dụng cho mọi người. Các nước giàu cũng như nước nghèo đều có thể bị chất vấn nếu họ vi phạm một hiệp ước, và họ có quyền chất vấn các nước khác trong quy trình giải quyết tranh chấp của WTO. Thiếu một cơ chế đa phương kiểu hệ thống WTO, các nước mạnh hơn sẽ càng được tự do đơn phương áp đặt ý muốn của mình cho các nước yếu hơn. Các nước lớn hơn cũng được hưởng những lợi ích tương xứng. Các cường quốc kinh tế có thể sử dụng diễn đàn duy nhất của WTO để thương lượng với tất cả hay với hầu hết các đối tác thương mại của họ cùng một lúc.
Trên thực tế, có riêng một hệ thống nguyên tắc áp dụng với tất cả các nước thành viên, điều đó đã đơn giản hoá rất nhiều toàn bộ cơ chế thương mại.
4. Thương mại tự do hơn giúp giảm chi phí cuộc sống
Hệ thống toàn cầu WTO đã giảm bớt các hàng rào mậu dịch thông qua thương lượng và áp dụng nguyên tắc không phân biệt đối xử. Kết quả là chi phí sản xuất giảm, giá hàng hoá thành phẩm và dịch vụ giảm và cuối cùng là chi phí cuộc sống thấp hơn.
Cho đến nay, các hàng rào mậu dịch đã giảm đi rất nhiều so với trước đây. Các hàng rào này còn tiếp tục được giảm và tất cả chúng ta đều có lợi.
5. Đem đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn, và phạm vi chất lượng rộng hơn để lựa chọn
Hiện nay chúng ta có thể có được tất cả các hàng hoá bởi chúng ta có thể nhập khẩu chúng. Nhập khẩu cho phép chúng ta có nhiều lựa chọn hơn – cả hàng hoá và dịch vụ lẫn phạm vi chất lượng. Thậm chí chất lượng của hàng sản xuất nội địa có thể nâng lên do chính sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu. Nhiều lựa chọn hơn không đơn giản là vấn đề người tiêu dùng mua hàng thành phẩm của nước ngoài. Hàng nhập khẩu còn được sử dụng làm nguyên liệu, linh kiện và thiết bị cho sản xuất trong nước.
Điều này mở rộng phạm vi của các thành phẩm và dịch vụ do các nhà sản xuất trong nước làm và nó làm tăng phạm vi những công nghệ mà họ có thể sử dụng. Chẳng hạn, khi thiết bị điện thoại di động trở nên phổ biến, các dịch vụ phát triển mạnh, thậm chí ngay tại nước không hề sản xuất thiết bị. Đôi khi, sự thành công của một sản phẩm hay dịch vụ nhập khẩu tại thị trường trong nước cũng có thể khuyến khích các nhà sản xuất trong nước cạnh tranh, làm gia tăng lựa chọn nhãn hàng hoá sẵn có cho người tiêu dùng cũng như tăng phạm vi hàng hoá và dịch vụ sản xuất trong nước. Nếu thương mại cho hép chung ta nhập khẩu nhiều hơn, nó cũng cho hép những người khác mua nhiều hàng sản xấut của chúng ta hơn. Nó làm tăng thu nhập của chúng ta, cung cấp cho cũng ta những phương tiện dể hưởng sự lựa chọn gia tăng đó.
6. Thương mại làm tăng thu nhập
Giảm bớt hàng rào thương mại cho phép thương mại tăng trưởng, điều này làm tăng thu nhập – cả thu nhập quốc dân và thu nhập cá nhân.
Dự tính của WTO về tác động của các thoả thuận thương mại tại vòng đàm phán Uruguay 1994 là thu nhập của thế giới có thêm từ 109 tỷ USD đến 510 tỷ USD.
Thương mại cũng làm nảy sinh những thách thức khi các nhà sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Nhưng thực tế rằng có nguồn thu nhập bổ sung có nghĩa là sẵn có nhiều nguồn lực để các chính phủ tái phân phối lợi nhuận từ những người được lợi nhiều nhất, chẳng hạn để giúp các công ty và công nhân thích ứng bằng cách trở nên năng suất và có khả năng cạnh tranh hơn trong lĩnh vực mà họ đã và đang làm, hoặc bằng cách chuyển sang các hoạt động mới.
7. Thương mại kích thích tăng trưởng kinh tế và đó có thể là tin tốt lành cho vấn đề việc làm
Trên thực tế đã có bằng chứng căn cứ trên sự việc cho thấy rằng việc giảm các rào cản thương mại là điều kiện tốt cho công ăn việc làm. Nhưng bức tranh này rất phức tạp do nhiều yếu tố. Tuy nhiên, bảo hộ cũng không phải là cách để giải quyết các vấn đề việc làm.
Có ít nhất hai luận điểm được chỉ ra về vấn đề này. Thứ nhất, sẽ có những nhân tố khác xuất hiện. Chẳng hạn, tiến bộ công nghệ cũng có tác động mạnh đến việc làm và năng suất lao động, làm lợi cho một số loại công việc song lại làm tổn thương một số khác. Thứ hai, trong khi thương mại rõ ràng là làm tăng thu nhập quốc dân (và sự thịnh vượng), điều này không phải luôn đựơc hiểu là tạo ra công ăn việc làm mới cho những người bị mất việc do sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu.
Có nhiều tình huống cho thấy rằng cơ hội đã được nắm bắt – đó là những trường hợp thương mại tự do hơn có lợi cho việc làm. Uỷ ban EU tính toán rằng việc thiết lập thị trường duy nhất của nó có nghĩa là có thêm khoảng từ 300.000 đến 900.000 việc làm nữa so với lúc không có thị trường duy nhất. Thực tế cũng cho thấy, chế độ bảo hộ đã làm hại công ăn việc làm như thế nào. Ví dụ điển hình là ngành công nghiệp xe hơi của Mỹ. Các hàng rào mậu dịch được thiết lập để bảo vệ việc làm ở nước này bằng cách hạn chế nhập khẩu từ Nhật Bản lại dẫn đến việc làm cho xe hơi ở Mỹ đắt thêm, lượng xe hơi vì thế được bán ít đi và việc làm giảm.
8. Các nguyên tắc cơ bản làm cho hệ thống có hiệu quả hơn, và giảm bớt chi phí
Thương mại cho phép thực hiện phân công lao động giữa các nước. Nó cho phép sử dụng một cách phù hợp và hiệu quả các nguồn lực vào sản xuất. Nhưng hệ thống thương mại WTO còn đem lại nhiều hơn như thế. Nó giúp làm tăn hiệu quả và thậm chí còn giảm bớt chi phí nhiều hơn bởi những nguyên tắc quan trọng được thiết lập trong hệ thống.
Không phân biệt đối xử chỉ là một trong những nguyên tắc của hệ thống thương mại WTO. Những nguyên tắc khác gồm có:
* Minh bạch. Thông tin rõ rằng về các chính sách, nguyên tắc và quy định.
* Tin chắc vào các điều kiện thương mại. Những cam kết cắt giảm các hàng rào thương mại và làm tăng khả năng tiếp cận các thị trường của một số nước cho các nước khác có sự ràng buộc pháp lý.
* Đơn giản hoá và chuẩn hoá các thủ tục hải quan, xoá bỏ tình trạng quan liêu, tập trung hoá cơ sở dữ liệu thông tin và các biện pháp khác được thiết lập nhằm đơn giản hoá thương mại theo phương châm “kích thích thương mại”.
Tất cả những nguyên tắc này làm cho thương mại đơn giản hơn, giảm bớt phí tổn cho các công ty, tăng niềm tin vào tương lai. Đổi lại, điều đó cũng có nghĩa là có nhiều việc làm hơn, người tiêu dùng có hàng hoá và dịch vụ tốt hơn.
9. Hệ thống này bảo vệ các chính phủ khỏi những quyền lợi hẹp hòi
Hệ thống GATT/WTO phát triển trong nửa cuối của thế kỷ XX giúp cho các chính phủ có một nhãn quan cân bằng hơn về chính sách thương mại. Các chính phủ vững vàng hơn trong việc tự bảo vệ mình tránh khỏi những vận động ngoài hành lang của những nhóm có quyền lợi hẹp hòi bằng việc tập trung vào những cân đối vì lợi ích của tất cả mọi người trong nền kinh tế.
Một trong những bài học nổi bật của chủ nghĩa bảo hộ nổi bật trong những thập kỷ đầu thế kỷ XX là có thể gây ra thiệt hại nếu những quyền lợi cục bọ hẹp hòi chiếm ưu thế về ảnh hưởng chính trị. Kết quả là một chính sách ngày càng hạn chế mà đã dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại không có ai thắng chỉ toàn kẻ bại. Các chính phủ phải được vũ trang để chống lại sức ép của những nhóm quyền lợi hẹp hòi, và hệ thống thương mại WTO có thể giúp được điều này.
Hệ thống GATT/WTO bao trùm một phạm vi rất rộng. Vì vậy, nếu trong một cuộc thương lượng thương mại GATT/WTO có một nhóm áp lực vận động chính phủ của mình phải coi nhóm là một trường hợp đặc biệt cần được bảo hộ thì chính phủ có thể chống lại sức ép bảo hộ bằng cách lập luận rằng chính phủ cần phải có một thoả thuận trên phạm vi rộng để bảo đảm rằng mọi khu vực trong nền kinh tế đều có lợi.
10. Hệ thống khuyến khích chính phủ hoạt động tốt
Theo các nguyên tắc của WTO, khi đã có cam kết tự do hoá một khu vực thương mại nào đó, thì khó có thể đảo ngược được. Các nguyên tắc cũng không khuyến khích những chính sách thiếu thận trọng. Đối với giới kinh doanh, điều này có nghĩa là độ chắc chắn cao hơn và rõ ràng hơn về các điều kiện thương mại. Đối với các chính phủ, điều này thường đồng nghĩa với kỷ luật tốt.
Các cam kết bao gồm những cam kết không sa vào những chính sách thiếu thận trọng. Chủ nghĩa bảo hộ nhìn chung không phải là một giải pháp khôn ngoan bởi những thiệt hại do nó gây ra trong nước và trên trường quốc tế.
Một hình thức hàng rào thương mại đặc biệt gây thêm thiệt hại vì chúng tạo cơ hội cho tham nhũng và những mô hình chính phủ xấu xa khác.
Mộ loại rào cản thương mại mà các nguyên tắc của WTO cố gắng giải quyết là hạn ngạch. Do hạn ngạch hạn chế cung nên đẩy giá cả tăng lên một cách giả tạo, đồng thời tạo ra một số lợi nhuận lớn khác thường. Các nhà kinh tế gọi đó là “thuế hạn ngạch”. Lợi nhuận này có thể được dùng để gây ảnh hưởng đối với các chính sách, vì cũng có nhiều tiền hơn để thực hiện các cuộc vận động ngoài hành lang. Nói cách khác, hạn ngạch là một biện pháp hạn chế thương mại đặc biệt tồi tê. Thông qua các nguyên tắc của WTO các chính phủ đã nhất trí rằng họ không khuyến khích sử dụng hạn ngạch.
Tuy nhiên, nhiều loại hạn ngạch khác nhau vẫn được áp dụng ở hầu hết các nước, và nhiều chính phủ lập luận rằng hạn ngạch rất cần thiết. Song họ bị các hiệp định của WTO ràng buộc và có nhữn cam kết giảm bớt hay loại bỏ nhiều loại hạn ngạch, đặc biệt là đối với ngành dệt.
Nhiều lĩnh vực khác của các hiệp định WTO cũng có thể giúp giảm bớt tệ tham nhũng và chính phủ xấu xa. Sự minh bạch, các tiêu chí rõ ràng hơn về các quy định đối với sự an toàn và chuẩn mực của sản phẩm, và sự không phân biệt đối xử cũng giúp giảm bớt tình trạng gian dối và việc ra quyết định mang tính độc đoán.
Thực sự các chính phủ đã dùng WTO như là một sức ép bên ngoài đáng được hoan nghênh đối với các chính sách của họ.
Download tài liệu để xem thêm chi tiết