Đề thi học kì I môn Ngữ Văn lớp 10 nâng cao dành cho các lớp D (Đề 01) – THPT Chu Văn An (2012 – 2013)

Đề thi học kì I môn Ngữ Văn lớp 10 nâng cao dành cho các lớp D (Đề 01) – THPT Chu Văn An (2012 – 2013)

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NỘI
TRƯỜNG THPT CHU VĂN AN

(Đề thi số 01)

Bạn đang đọc: Đề thi học kì I môn Ngữ Văn lớp 10 nâng cao dành cho các lớp D (Đề 01) – THPT Chu Văn An (2012 – 2013)

ĐỀ THI HỌC KỲ I NĂM HỌC 2012- 2013
Môn: Ngữ Văn – Lớp 10 Nâng cao
Dành cho các lớp D, chuyên xã hội, Anh, Pháp, Nhật

Thời gian: 120 phút (không kể thời gian giao đề)
Buổi thi: Sáng ngày 21/12/2012

ĐỀ THI:

Câu 1 (3 điểm):

Suy nghĩ của anh/chị về chữ “thẹn” trong bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão.

Câu 2 (7 điểm):

Phân tích bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí (Độc Tiểu Thanh kí) để thấy được “tâm sự xót thương, day dứt của Nguyễn Du đối với nỗi oan của những kiếp tài hoa và với chính mình”(Sách giáo khoa Ngữ văn nâng cao tập 1).

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI:

Câu 1: Học sinh cần trình bày những ý sau:

– Thẹn: là cảm xúc xấu hổ với người hoặc với mình khi chưa được bằng người khác hoặc chưa làm được điều mình trông đợi.

– Trong bài thơ, “thẹn” chỉ cảm xúc của tác giả. Phạm Ngũ Lão xấu hổ khi nghe chuyện Vũ Hầu – tức Gia Cát Lượng, vị quân sư tài giỏi đã giúp Lưu Bị lập nên nhà Thục Hán. Có lẽ tác giả thấy mình chưa lập được sự nghiệp lớn lao, chưa giúp đỡ được nhiểu cho vua, cho đất nước như Vũ Hầu. Vì thế mà tác giả thấy thẹn với người đời, với chủ tướng Trần Hưng Đạo với chính mình. Đây là cái thẹn của một nhân cách lớn. (1,5điểm)

– Nói thẹn với Vũ Hầu chính là gián tiếp muốn lấy Vũ Hầu là tấm gương để nỗ lực noi theo. Vì thế, câu thơ có thể hiểu là lời thề suốt đời tận tụy, suốt đời phấn đấu vì chủ tướng. Đằng sau chữ “thẹn” là khát vọng lập công lớn lao, là lẽ sống cao đẹp của trai thời loạn. (1 điểm)

– Từ xuất thân bình dân, Phạm Ngũ Lão đã lập được những chiến công lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên và công cuộc bảo vệ biên giới phía Nam. Ông đã sống một cuộc đời không phải hổ thẹn với bất cứ ai bởi lẽ ông đã có những cảm xúc “thẹn” rất đáng quý, đáng trọng đến như vậy. (0.5 điểm)

* Chú ý: Khuyến khích học sinh có những kiến giải riêng hợp lí.

Câu 2: Học sinh cần làm sáng tỏ những ý sau:

* Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và nhận định.

* Phân tích bài thơ:

Về nội dung:

– Hai câu đề: Tiếng thở dài của tác giả trước lẽ biến thiên “dâu bể” của cuộc đời và sự thổn thức của một tấm lòng nhân đạo: vạn vật đổi thay, Tiểu Thanh đã bị vùi lấp trong quên lãng nhưng nhà thơ đã nhớ và viếng nàng qua “nhất chỉ thư”.

– Hai câu thực: Nỗi xót xa cho một kiếp tài hoa bạc mệnh gợi nhớ cuộc đời, số phận bi thương của Tiểu Thanh: tài hoa, nhan sắc hơn người nên bị đố kị, phải làm lẽ và bị đày ải đến chết vẫn không được buông tha.

– Hai câu luận: Niềm cảm thông đối với những kiếp hồng nhan, những người tài hoa bạc mệnh: từ số phận của Tiểu Thanh, nhà thơ khái quát về quy luật nghiệt ngã “tài mệnh tương đố”, “hồng nhan bạc phận” và tự thấy mình cũng là kẻ “cùng hội cùng thuyền” với Tiểu Thanh, là nạn nhân của nỗi oan khiên lạ lung để bộc lộ mối đồng cảm sâu xa.

– Hai câu kết: tiếng lòng khao khát tri âm: khóc Tiểu Thanh, Nguyễn Du đồng thời khóc cho chính mình, nhà thơ hướng về hậu thế bày tỏ nỗi khao khát tri âm của mọi kiếp người tài hoa mà phải chịu đau khổ trên đời.

→ Bài thơ là tâm sự xót thương, day dứt của Nguyễn Du không chỉ đối với nỗi oan của những kiếp tài hoa mà còn đối với chính mình (giá trị nhân đạo và nhân bản sâu sắc).

Về nghệ thuật:

– Sử dụng tài tình phép đối, khả năng thống nhất những mặt đối lập trong từ ngữ, ngôn từ.

– Ngôn ngữ trữ tình đậm chất triết lí…

* Chú ý: khi làm bài, học sinh kết hợp phân tích nội dung và nghệ thuật, không diễn xuôi thơ. Đây là bài thơ mà nội dung có nhiều cách kiến giải khác nhau vì thế huyến khích học sinh có những phát hiện, suy ngẫm mới mẻ sâu sắc.

Download tài liệu để xem thêm chi tiết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *