Văn mẫu lớp 11: Hình ảnh con người Nguyễn Khuyến qua bài Câu cá mùa thu

Văn mẫu lớp 11: Hình ảnh con người Nguyễn Khuyến qua bài Câu cá mùa thu

Nguyễn Khuyến là một nhà thơ của làng cảnh Việt Nam, ông nổi tiếng với chùm thơ thu và được mệnh danh mang trong mình một tâm hồn trong sáng và một tình yêu với quê hương đất nước, con người đó thể hiện qua phong cách nghệ thuật sáng tác thơ ca của ông.

Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 11: Hình ảnh con người Nguyễn Khuyến qua bài Câu cá mùa thu

Văn mẫu lớp 11: Hình ảnh con người Nguyễn Khuyến qua bài Câu cá mùa thu

Để giúp các bạn hiểu rõ hơn về hình ảnh con người Nguyễn Khuyến, Download.vn giới thiệu bài văn mẫu Phân tích hình ảnh con người Nguyễn Khuyến qua bài Câu cá mùa thu. Tài liệu bao gồm dàn ý chi tiết kèm theo 6 bài văn mẫu được Download.vn tổng hợp từ các bài làm hay nhất của học sinh lớp 11 trên cả nước. Ngoài ra các bạn tham khảo thêm một số bài văn mẫu khác như: phân tích bài thơ Câu cá mùa thu, phân tích cảnh thu và tình thu. Chúc các bạn học tốt.

Hình ảnh con người Nguyễn Khuyến qua bài Câu cá mùa thu

    Dàn ý hình ảnh con người Nguyễn Khuyến

    1. Mở bài

    – Giới thiệu tác giả Nguyễn Khuyến và bài thơ Câu cá mùa thu, dẫn dắt vào đề: Tác giả Nguyễn Khuyến là tác giả nổi bật trong thi ca Việt Nam bởi sở hữu cho mình chùm ba bài thơ thu, trong số chùm ba bài thơ thu đó có tác phẩm “Câu cá mùa thu”.

    2. Thân bài

    – Khái quát chung và những cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ

    – Khái quát chung: Bài thơ là một bức tranh mùa thu đầy sự sống động và chân thực, không kém những nét bình dị đơn sơ mà thân thuộc

    – Tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước. Tác giả hơn nữa rất thành công trong việc lột tả mùa thu ấy bởi chính ông đang cảm nhận vẻ đẹp ấy trên mảnh đất quê hương của mình

    – Tâm trạng thời thế của tâm hồn thanh cao: Tâm trạng ấy mang trong mình nỗi u hoài, đôi khi lặng lẽ trầm ngâm, lúc thì giật mình thảng thốt

    3. Kết bài

    – Nêu cảm nhận chung về tâm hồn Nguyễn Khuyến: Qua bài thơ “Câu cá mùa thu” chúng ta cảm nhận được trong tâm hồn của nhà thơ Nguyễn Khuyến là sự gắn bó tha thiết với thiên nhiên.

    Hình ảnh con người Nguyễn Khuyến – Mẫu 1

    Mùa thu là cảm hứng vô tận cho các thi nhân. Riêng Nguyễn Khuyến đã có một chùm thơ thu vô cùng đặc sắc: Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm. Nhà thơ lấy cảnh thu, tình thu mà nói lòng mình vậy. Và cùng qua thơ thu ta thấy hiện lên một phần đáng trân trọng trong con người Nguyễn Khuyến. Trong bài thơ Thu điếu – Câu cá mùa thu, Nguyễn Khuyến hiện lên với tấm lòng sâu nặng nghĩa tình đối với đất nước.

    Thơ thu xưa chẳng khi nào vui cả. Nhắc đến thơ thu là nhắc đến những tâm trạng u hoài, man mác. Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến cũng vậy.

    Thơ gợi tình người mà người buồn thì thơ vui sao được? Bài thơ ra đời khi Nguyễn Khuyến đã quá bất mãn với xã hội mà lui về ở ẩn ở quê nhà. Xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến cướp đi quyền tự chủ của nước nhà, gieo rắc bao đau thương mất mát cho đất nước, con người Việt Nam. Buồn vì thảm cảnh”, bất hợp tác với thực dân Pháp, Nguyễn Khuyến thể hiện khí tiết học ông ngư về quê câu cá. Bài thơ Câu cá mùa thu bước ra từ một tâm sự, một nỗi niềm như thế để giãi bày với hồn thiêng sông núi quê hương một tấm lòng yêu nước thiết tha, day dứt.

    Điều dễ thấy trong Câu cá mùa thu là cảnh tuy buồn nhưng vô cùng đẹp đẽ. Điều đó thể hiện tấm lòng yêu nước ưu ái với thiên nhiên của thi nhân.

    Bức tranh mùa thu hiện lên trong trẻo, xinh xắn làm sao.

    Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

    Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

    Cái se lạnh của mùa thu làm làn nước ao “lạnh lẽo” “trong veo”. Câu thơ không chỉ nói đến cái lạnh mà còn nhắc đến cái tĩnh lặng, cái vắng vẻ, cái buồn buồn của khí trời, của cảnh vật. Phải rồi, “ao thu lạnh lẽo” thì mọi loài cũng chỉ muốn lặn mình xuống đáy, đâu muốn tung tăng bơi lội nô đùa? Vì thế, làn nước “trong veo” – trong trẻo, tĩnh lặng, cái trong có hình có khối. Tưởng đôi mắt Thúy Kiều – “làn thu thủy” – cũng chỉ trong đến thế.

    Mở đầu bài thơ là hình ảnh cái ao làng mùa thu – một hình ảnh hết sức quen thuộc ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Và từ đây, mọi cảnh vật trong bài thơ đều xoay quanh cái ao ấy, lấy cái ao làm điểm nhìn nghệ thuật. Hơi thu man mác, lạnh lẽo, trầm buồn từ làn nước mùa thu “trong veo” đang lan tỏa thấm dần vào từng hơi gió.

    Trên nền ao thu vốn đã rất nhỏ là “Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”. Chỉ là “một chiếc” thôi không hơn. số từ “một” khiến chiếc thuyền câu bơ vơ đơn độc. Mà “một chiếc thuyền câu” lại “bé tẻo teo” nên càng mong manh tội nghiệp.

    Điểm xuyết cho bức tranh thu xinh xắn là gợn “sóng biếc” là chiếc lá vàng. Tưởng rằng thêm vào sẽ bớt vắng vẻ đìu hiu nhưng ở đây, làn sóng biếc, chiếc lá vàng càng gợi cái nhỏ bé mong manh của sự vật. Bởi “sóng biếc” thì “theo làn hơi gợn tí”, chỉ “hơi” gợn, chăm chú lắm mới thấy, mà còn là “gợn tí” một chút cỏn con… Còn lá vàng thì “đưa vèo” như chỉ tạo ra một vệt sáng vàng rồi nhanh chóng nằm lặng im nơi nào đó.

    Chiếc “lá vàng” ấy là lá gì? Là lá trúc, lá tre chăng? Có thể lắm bởi bờ ao đồng bằng Bắc Bộ thường có những lũy tre xanh tỏa bóng êm dịu. Càng có thể bởi ở hai câu sau nhà thơ đã viết:

    Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
    Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

    Không gian được mở rộng lên chiều cao, sang bề rộng. Vậy nhưng cũng không bớt vắng vẻ cô đơn. Mây trắng “lơ lửng” giữa không trung không về với trời; chẳng sà xuống thấp, lẻ loi trôi dạt trong bao la. Sắc trời “xanh ngắt” – xanh rất đậm, xanh như có hình khối, sắc xanh tuyệt đối ấy càng khẳng định cái đơn côi lẻ loi của sự vật.

    Trời xanh cao mà buồn quá. Hạ tầm nhìn xuống thấp mong chờ sự giao hòa đồng cảm nhưng nhà thơ chỉ thấy “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”.

    Đường làng vốn đã rất nhỏ này lại quanh co khúc khuỷu, tưởng như một dải lụa cố xoắn mình tự thu nhỏ lại. Đường vắng vẻ, vắng lắm, “vắng teo” Nếu chẳng “vắng teo”, dẫu có bóng người có lẽ cũng nhỏ bé, đơn độc lắm.

    Một bức tranh thu xinh xắn hài hòa. Sự vật gì cùng thu mình lại để nhỏ hơn, để hoà hợp hơn với khuôn hình của sự vật khác. Đặc biệt, cách dùng vần “eo” rất tinh tế: “lạnh lẽo” “trong veo” “tẻo teo” “đưa vèo”…, ở đây có sự thống nhất giữa nội dung và hình thức: vần “eo” khiến cảnh vật càng bé nhỏ, mong manh đơn côi hơn. Bức tranh thiên nhiên xinh xắn, đẹp đẽ thể hiện một tâm hồn thi nhân tinh tế, nhạy cảm. Hơn thế còn bộc lộ một con người đồng cảm với thiên nhiên, yêu thiên nhiên tha thiết.

    So sánh thiên nhiên trong Câu cá mùa thu với những bài thơ thu khác ta còn trân trọng hơn tấm lòng Nguyễn Khuyến. Thơ xưa tả mùa thu thường mượn lá ngô đồng, rừng phong đỏ để gợi tứ gợi tình “Một chiếc lá ngô đồng rụng/ Ai cũng biết là mùa thu đã về” “Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san”. Bích Khê của “thơ mới” cũng vần gò thơ theo khuôn như vậy.

    Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng
    Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông.

    Ai cũng biết “lá ngô đồng” “rừng phong đó” là hình ảnh ước lệ tả mùa thu, hai hình ảnh ấy tượng trưng cho mùa thu Trung Quốc. Các nhà thơ trung đại Việt Nam theo lối “tập cổ” mà vẫn ưu ái những hình ảnh ấy. Thiên nhiên trong bài thơ của Nguyễn Khuyến thì khác. Không một chút vay mượn, chỉ có cái thuần cảnh vật quê hương. Ao làng, bụi trúc, lá vàng rơi… những hình ảnh ấy giản dị, quen thuộc với người dân đồng bằng Bắc Bộ lắm. Đưa chúng vào thơ, Nguyễn Khuyến đã thể hiện tấm lòng yêu thiên nhiên quê nhà tha thiết, lòng tự hào về cảnh sắc quê hương. Tình yêu ấy cảm động ở việc đã phá bỏ những lề lối ước lệ bền chắc xưa cũ.

    Chưa hết, một bài thơ Đường luật năm mươi sáu chữ không một chữ nào không thuần Việt. Chẳng ai -tìm được một từ Hán Việt nào, nhà thơ hoàn toàn dùng ngôn ngữ của đất nước để vẽ nên bức tranh tuyệt mỹ về quê hương. Chẳng những vậy, nhà thơ còn vận dụng rất tài tình vần “eo” – vần thơ rất đặc biệt, nó nôm na xa lạ với thơ cổ nhưng lại đạt hiệu quả nghệ thuật rất cao. Sự tài tình trên chỉ có thể có ở một nhà thơ yêu tiếng mẹ đẻ, trân trọng dân tộc, tự hào về đất nước mình.

    Thiên nhiên, đẹp đẽ nhưng tầng sâu của nó là một nỗi buồn, một tâm sự của thi nhân. Cảnh đẹp nhưng sao buồn thế! Mọi vật đều hững hờ, đơn côi đến vô tình. Nguyễn Du đã có một câu thơ thật hay “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Ở đây, cảnh thu cũng vậy. Nguyễn Khuyến buồn thì có cớ gì để cảnh vui? Cảnh buồn, cảnh cô đơn bởi nhà thơ cũng đang mang nặng cảm giác ấy giữa cuộc đời biến động. Bất mãn với xã hội, khinh bạc chốn quan trường nhưng vẫn nặng lòng lo cho an nguy của Tổ quốc. Vậy nên, đầu lui về ở ẩn tâm hồn nhà thơ vẫn canh cánh một niềm riêng.

    Có lẽ vì nỗi buồn lớn quá, nhà thơ không thể gửi gắm mãi vào thiên nhiên. Hai câu cuối bài thơ hạ xuống cùng là lúc bài thơ vén lên bức màn để lộ một con người với niềm ưu tư day dứt:

    Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
    Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

    Tư thế “tựa gối ôm cần” là tư thế mang nặng tâm trạng. Chờ hoài không có cá nên buồn bã, thất vọng “tựa gối” nhưng còn mong mỏi đợi chờ nên vẫn “ôm cần”. Nhưng có phải thi nhân đang câu cá? Nếu phải, tại sao lại có cảm nhận mơ hồ “cá đâu đớp động dưới chân bèo?”. Thực ra, Nguyễn Khuyến câu cá đâu phải vì muốn câu cá. (Thế nên mới có cái ngơ ngác nhìn quanh: cá ở đâu đớp động dưới chân bèo vậy? – Chăm chú câu cá sẽ không có chi tiết này). Nhà thơ làm ông ngư chỉ vì muốn lánh đời. Nhưng cuộc đời ở ẩn không làm tan đi nỗi ưu tư với đời. Câu cá mà không tập trung câu cá, tâm hồn vẫn chơi vơi nơi đâu không ở lại nơi cái ao làng nhỏ bé này.

    Thi nhân ưu tư điều gì? Ưu tư về vận nước, ưu tư về lẽ đời. Niềm ưu tư dai dẳng, khắc khoải dứt áo ở ẩn vẫn không nguôi trăn trở. Nguyễn Khuyến, một con người có tấm lòng yêu nước sâu nặng.

    Con người Nguyễn Khuyến qua Câu cá mùa thu hiện lên ở nhiều góc cạnh: yêu thiên nhiên đất nước, yêu tiếng mẹ đẻ, trân trọng và tự hào về dân tộc, luồn trăn trở băn khoăn với vận nước, với cuộc đời. Tựu trung lại, bài thơ đã thể hiện một tâm hồn yêu nước khắc khoải, trăn trở đầy xúc động.

    Thơ Nguyễn Khuyến đa dạng về nội dung, nhiều màu vệ trong cách thể hiện nhưng sẽ còn mãi với thời gian. Và do đó, Câu cá mùa thu cũng luôn là một trong những “kiệt tác xinh xắn” của thơ ca Việt Nam.

    Hình ảnh con người Nguyễn Khuyến – Mẫu 2

    “Gió vàng hiu hắt cảnh tiêu sơ
    Lẻ tẻ bên trời bóng nhạn thưa
    Giếng ngọc sen tàn bông hết thắm
    Rừng phong lá rụng tiếng như mưa.”

    Có thể nói thu là bức ảnh thiên nhiên đặc sắc trong bức tranh bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Cũng vì lẽ đó mà từ bao đời nay, mùa thu luôn là đề tài muôn thuở của biết bao thi nhân, là nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm của họ. Trong văn học trung đại cũng thế, bên cạnh các tác phẩm có đề tài mùa thu như “Thu dạ” của Nguyễn Du hay “Ngẫu hứng” của Nguyễn Bỉnh Khiêm thì sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến mà nổi bật là bài “Thu điếu”. Qua bài thơ ta thấy được tâm trạng thời thế và tấm lòng sâu nặng của Nguyễn Khuyến đối với đất nước.

    Xưa nay, khi nói đến mùa thu, các thi nhân thường sử dụng những hình ảnh đẹp tráng lệ như sen tàn, từng phong lá đỏ, lá ngô đồng rụng nhưng đối với “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến thì hoàn toàn khác, ông đưa vào thơ những khung cảnh quen thuộc như ao thu, ngõ trúc, lá vàng những cảnh vật tuy giản dị nhưng lại phản ánh rất thực mùa thu của làng quê Việt Nam, toát lên được cái hồn dân tộc. Cảnh thu trong thơ Tam Nguyên hiện lên với cái vẻ đẹp thanh sơ, dịu nhẹ nhưng vẫn có nét hấp dẫn riêng, đầy vẻ thuần Việt chứ không phải mùa thu mượn ở nơi khác.

    Con người yêu thiên nhiên của Nguyễn Khuyến được thể hiện qua những vần thơ miêu tả cảnh vật rất thực của ông. Trong “Thu điếu” tác giả đã đặt điểm nhìn của mình từ ao thu lên bầu trời xanh ngắt rồi từ vùng trời ấy trở lại ao, trở lại với chiếc thuyền câu. Nguyễn Khuyến cảm nhận mùa thu từ gần ra xa rồi từ xa trở lại gần nhằm khái quát cảnh vật nhưng vẫn không làm mất đi vẻ yên ắng của mùa thu.

    Đầu bài thơ ông viết:

    “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
    Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

    Điểm sơ qua ta nhận ra hình ảnh ngư ông ngồi câu cá trong khí thu lạnh lẽo giữa chiếc ao thu nhỏ hẹp nhưng ẩn chứa trong hai câu thơ vốn là bối cảnh đất nước đương thời. Người xưa có câu: “Thủy chí thanh tắc vô ngư” nghĩa là nước trong thì không có cá. Dù vậy, trong “Thu điếu”, tuy là “nước trong veo” nhưng ngư ông vẫn ôm cần, đó là một việc không thể, tác giả đang làm một việc vô thưởng, vô phạt, đang đối mặt với một tình cảnh đau xót đó là tuy ông là người học rộng tài cao nhưng phải bó tay trước cảnh nước mất mà về dạy học, không mang tài năng ra phụ dân, làm quan vì thời này làm quan chỉ để trở thành con rối cho kẻ khác giật dây. Nguyễn Khuyến luôn mang trong mình mong ước có thể giúp nước nhưng hoài bão ấy không thể cất cánh trong xã hội nhiễu nhương bấy giờ, tất cả đều vô vọng như việc câu cá nước trong.

    Đúng như ván cờ đang vào hồi bế tắc trong bài “tự trào” của ông “cờ đương dở cuộc không còn nước” – “ Bạc chửa thâu canh đã chạy làng”. Trong mạch cảm xúc ấy, tác giả viết tiếp:

    “Sóng nước theo làn hơi gợn tí
    Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”

    “Sóng nước theo làn” dùng để tả cảnh mặt nước gợn sóng theo làn gió thu, tưởng chừng như tác giả muốn nói đến cái chuyển động khe khẽ của mặt hồ gợn sóng nhưng thực ra đó chính là thái độ sống mà Nguyễn Khuyến muốn người đời thông cảm, cảm thông cho hành động cáo quan về quê thay thái độ “bình chân như vại” trước cảnh đất nước rơi vào tay giặc, thậm chí có lúc ông phải dạy học trong dinh của ông quan theo Pháp nhưng tất cả những điều đó chỉ là vài làn sóng gợn trong cuộc đời trong sạch như ao thu của Nguyễn Khuyến, ông vẫn thanh khiết như làn nước kia, vẫn một lòng hướng về Tổ quốc và giữ vững hào khí của người quân tử.

    Gam màu lạnh lúc này bị đâm ngang bởi màu vàng của chiếc lá. Nhiều người cho rằng chiếc lá đã khẽ đưa thì không thể có độ “vèo” nhưng thực chất chi tiết này lại rất hợp lí, chữ “vèo” vốn được dùng để gợi tả vẻ thanh mảnh của chiếc lá khi bay hay cũng chính là hiện thực đất nước rơi vào tay giặc quá nhanh, thời thế thay đổi trong chớp mắt, khiến tác giả không khỏi bàng hoàng xót xa trước tình cảnh đất nước đầy đau thương. Nguyễn Khuyến e rằng rồi đất nước này sẽ như chiếc lá vàng kia, mục nát trên nền đất thu.

    Cùng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, cảnh thu được tác giả miêu tả qua hai câu thơ tiếp:

    “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
    Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”

    Trong cái vận nước điên đảo đương thời, ông quan thanh liêm về hưu liệu có giúp gì cho nước, ông đau xót, tủi hổ và muốn gửi gắm tâm sự vào khung cảnh thu như bầu trời xanh ngắt hay ngõ trúc kia để làm vơi đi phần nào nỗi buồn vì bất lực. Song những hình ảnh mộc mạc của làng quê lại càng làm ông day dứt vì trách nhiệm của bản thân. Hình ảnh ngõ trúc lúc này gợi lên một sự cô đơn, trống vắng khôn cùng, vắng khách hay ý Nguyễn Khuyến muốn nói tới sự vắng mặt của nhân tài, vắng đi những tâm huyết của nho sĩ lúc bấy giờ.

    Tâm trạng thời thế của Nguyễn Khuyến được thể hiện rõ nhất qua hai câu cuối:

    “Tựa gối buông cần lâu chẳng được
    Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

    Qua hai câu thơ, ta thấy được tâm thế nhàn “tựa gối buông cần” song song với tư thế chờ đợi “lâu chẳng được”, khát vọng phục vụ quê hương của Nguyễn Khuyến luôn dâng trào khiến ông không thể kiên nhẫn ngồi chờ thời. Cõi lòng tác giả bấy giờ như đắm vào dòng suy tư trong khí thu yên ắng, tịch mịch đến nỗi chỉ một tiếng cá đớp động cũng đủ làm ông thảng thốt. Tiếng cá ở đây cũng có thể xem là tia hy vọng sáng lên giữ bầu không gian có phần yên ắng, ảm đạm, một niềm tin khách quan đưa người đọc đến với bầu không khí đầy hy vọng, một tín hiệu chuyển biến của thời cuộc, một phép màu xuất hiện ngay lúc canh lạc đang bế tắc và thay đổi tất cả.

    Qua bài thơ, ta thấy được tài năng của Nguyễn Khuyến trong phần gieo vần “eo” vốn là từ vận oái ăm nhưng phù hợp với tâm trạng hẹp dần, đầy uẩn khúc của tác giả. Cạnh đó, thủ pháp lấy động tả tĩnh cũng được ông vận dụng một cách tài tình.

    Bài “Câu cá mùa thu” đã vẽ nên nét thu đẹp tĩnh lặng nơi làng quê xưa, bộc lộ một mối tình thu đẹp mà tràn đầy uẩn khúc của một nhà nho yêu thiên nhiên, một lòng vì nước vì dân.

    Hình ảnh con người Nguyễn Khuyến – Mẫu 3

    Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam, ông nổi tiếng với chùm thơ thu, ông được mệnh danh và mang trong mình một tâm hồn trong sáng và một tình yêu với quê hương đất nước, con người đó thể hiện qua phong cách nghệ thuật sáng tác thơ ca của ông.

    Nguyễn Khuyến là một con người tài hoa, với một phong cách nghệ thuật cũng vô cùng độc đáo, ông tài hoa trong việc cảm thụ để sáng tác lên những tác phẩm nghệ thuật gần gũi và tạo cho con người có một cảm giác rất nhẹ nhàng và vô cùng tinh tế, đó đều là những hình ảnh thể hiện một thái độ rất say mê với nghệ thuật. Trong tác phẩm câu cá mùa thu, ông đã thể hiện được phong cách nghệ thuật của mình, qua cách sử dụng ngôn ngữ, và qua đó người đọc cũng đánh giá được một con người có tầm quan sát tinh tế và một thái độ ung dung:

    Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
    Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
    Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
    Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

    Tác giả đang cảm thụ từng khoảng không gian của thiên nhiên, nó đang trôi chảy nhẹ nhàng qua từng con chữ, với hình ảnh của ao thu lạnh lẽo, ở đây tác giả đang thể hiện tâm hồn của mình, với một cảm xúc có chút cô đơn, và tâm trạng của thi sĩ cũng đang hòa nhập với không khí chung của không gian, tất cả đang tạo nên một cảm giác mới mẻ, và cũng vô cùng hấp dẫn người đọc, người thi sĩ đi câu cá, nhưng mang trong mình nhiều cảm xúc, ở đây có thể hiểu đó là cảm xúc của những con người trước hoàn cảnh của thời cuộc, tác giả đang hình dung ra những điều mới mẻ, trong thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên để nói lên cảm xúc của chính mình. Đúng như thi sĩ cổ đã từng nói: “ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

    Đúng như vậy thi sĩ cũng đang mang trong mình những suy tư và biết bao nhiêu cảm xúc đang xen lẫn vào dòng tâm trạng và cảm xúc của chính tác giả, tác giả đang thể hiện những nỗi lòng sâu lắng nhất đối với dân tộc và đối với khung cảnh nơi đây:

    Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
    Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
    Tựa gối ôm cần lâu chẳng đặng,
    Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

    Trong những câu thơ trên tác giả vừa thể hiện được vùng cảnh của thiên nhiên vùng nông thôn Bắc Bộ, và còn tiếp tục thể hiện nỗi lòng của những người thi sĩ trước những cảnh sắc thiên nhiên, đang mang đậm những dòng cảm xúc và biết bao nhiêu sự cô đơn, và hiu quạnh trong lòng người, có thể thấy được những điều đó qua biết bao nhiêu những cảm xúc sâu sắc và mang lại nhiều cái nhìn mới mẻ riêng của chính tác giả và không gian thanh bình nơi đây.

    Những cảm xúc cô đơn đang xen lẫn là những hoài niệm xa xôi, những cảm xúc của thời cuộc, mặc dù viết về vùng nông thôn vùng Bắc Bộ nhưng tâm trạng của thi sĩ nơi đây cũng mang một nỗi lòng nặng gánh với biết bao nhiêu lo toan, và những cái nhìn mới mẻ nhất, đọc thơ của Nguyễn Khuyến, chúng ta vừa thấy cảnh sắc thiên nhiên đang hiện ra và nó còn mang nhiều cảnh sắc của tâm hồn đang mang nặng những dòng cảm xúc riêng, đó là những cảm xúc của những con người với thời cuộc.

    Khung cảnh nơi đây thơ mộng, nhưng khách lại vắng teo, nó cũng để chứng tỏ một điều đó là nơi đây đất nước đang rơi vào những khó khăn, nhưng những người hiền tài, chưa thấy có, chính vì vậy, tâm hồn của tác giả đang mang nặng những mối lo và suy tư về cuộc đời, cuộc đời của tác giả đang ngập tràn trong những cảm xúc riêng, và nó thể hiện một tâm trạng thời thế của chính tác giả.

    Với những dòng cảm xúc riêng tác giả đang thể hiện những cảm xúc của mình qua khung cảnh thiên nhiên, viết về đề tài thiên nhiên nhưng khung cảnh thiên nhiên, và cảm xúc của con người vẫn đang rất thấm đẫm trong đó, nó thể hiện những cảm xúc riêng và đặc biệt, tâm hồn của tác giả đang lạc vào một thế giới cảm xúc lẫn lộn, giữa đời người và thiên nhiên vô hạn. Tâm trạng thời thế của Nguyễn Khuyến như chúng ta thấy nó hiện rõ lên ở hai câu cuối:

    Tựa gối buông cần lâu chẳng được
    Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

    Hai câu cuối đã mang đậm tâm trạng để nói về một tình yêu đất nước không bao giờ nguôi ngoai của tác giả, dù cho thi sĩ của ngắm cảnh vãng lai, nhưng lúc nào cũng luôn nghĩ về đất nước, muốn phục vụ cho đất nước. Ngồi thẫn thờ và suy ngẫm về đất nước điều đó làm cho tác giả bỗng giật mình khi thấy tiếng cá, đớp chân bèo, đây là cảm xúc và một tâm hồn yêu cái đẹp, nhưng tâm hồn luôn nghĩ về quê hương, biết lo cho quê hương, đó là tất cả những gì mà tác giả đã thể hiện trong tác phẩm của mình.

    Tác giả đã thể hiện nỗi lòng của mình qua tác phẩm, đó là những tâm trạng thời thế, và biết bao nhiêu cảm xúc, và dòng tâm trạng đang thấm đẫm trong dòng cảm xúc của từng lời thơ, cảm xúc đó đã tạo nên những khung cảnh riêng và đậm giá trị nhân văn sâu sắc trong từng giai điệu của tác phẩm.

    Hình ảnh con người Nguyễn Khuyến – Mẫu 4

    Nhắc tới Nguyễn Khuyến người ta nhớ đến những sáng tác của ông về mùa thu. Trong đó có nhiều bài thơ viết về mùa thu bằng chữ Hán và chữ Nôm.Bài thơ “Thu điếu” là một trong ba bài thơ Nôm nổi tiếng: Thu điếu, Thu ẩm và Thu vịnh. Chính chùm thơ về mùa thu này đã giúp Nguyễn Khuyến bước lện vị trí hàng đầu trong các nhà thơ viết về mùa thu. Những câu thơ nhẹ nhàng dễ đi vào lòng người, sẽ không ai có thể quên, khi nhắc tới thơ về mùa thu Việt Nam, Thu điếu cũng góp phần thể hiện góc nhìn và tâm tư tình cảm của tác giả được gửi gắm qua đó.

    Được mệnh danh là một nhà thơ của làng cảnh Việt Nam,ba bài thơ về mùa thu của Nguyễn Khuyến đặc biệt là Thu điếu đã trở thành một trong những bức tranh mùa thu đặc sắc của văn học Việt Nam. Vẻ đẹp của mùa thu được thi vị hóa, trở thành một bức tranh độc đáo. Giống như mọi thứ đang diễn ra trước mắt, hình ảnh nước trong veo, mặt hồ phẳng lặng là những đặc trưng của mùa thu

    Mỗi khung cảnh mỗi nét thơ cho ta một vẻ độc đáo riêng,mỗi cảnh có một sự thể hiện riêng nhưng có một sự thật không thể phủ nhận đó chính là mỗi bài thơ thu của Nguyễn Khuyến đều mang một dáng vẻ riêng. Riêng Thu điếu, mà nhà thơ Xuân Diệu đã khẳng định là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam, là bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc: Cảnh mùa thu quê hương, tình yêu thiên nhiên, yêu mùa thu đẹp gắn liền với tình yêu quê hương tha thiết. Những hình ảnh trong sáng những đường nét mang chi tiết gợi rất lớn khiến cho bài thơ càng thêm có hồn

    Cả ao được nhuộm bởi sắc thu và không khí của mùa thu, ao thu đó có chút lạnh lẽo không một chút gợn để chúng ta thấy được nước mùa thu nó có thê xuyên tận đáy. Cảnh sắc mùa thu có thể hiển diện rõ nhất là màu nước và khung cảnh thiên nhiên từ đó mà lan tỏa. Bên cạnh đó cảm hứng của nhà thơ hoàn toàn đắm chìm trong cảnh sắc mùa thu, một cảnh trong và tĩnh gần như tuyệt đối, hình ảnh nước trong veo, trời xanh ngắt, khách vắng teo, giác quan của nhà thơ cực kì tinh nhậy và hết sức chăm chú thì mới nhận ra được những biểu hiện nhỏ nhặt tinh vi chỉ làm tôn thêm cho cái trong và tĩnh của một khung cảnh đầy màu sắc:

    Trong bài thơ của Nguyễn Khuyến, những câu thơ ra đời trong hoàn cảnh tác gải lui về ở ẩn để giữ tâm hồn thanh cao, có một lối sống giản dị. Cho nên bài thơ giống như một cái cớ để ông giãi bày nỗi niềm của mình với sông núi với quê hương, đó là tình yêu quê hương đất nước day dứt. Khung cảnh trong thơ độc đáo nhưng gợn buồn, ngôn từ của nó cũng được tắm trong nỗi buồn vô cớ.

    Mọi thứ chỉ hơi gợn không một chút biến đổi mạnh nào, màu của sóng biếc pha trộn với sắc vàng của lá vẽ nên bức tranh quê đơn sơ mà lộng lẫy. Nghệ thuật trong phần thực rất điêu luyện, lá vàng với sóng biếc, tốc độ vèo của lá bay tương ứng với mức độ tí của gợn sóng. Cách hiệp vần ở mỗi cuối câu khiến cho ta đọc lên cảm thấy không gian vừa rất tĩnh lại vừa thu hẹp lại,tâm điểm của bài thơ được nổi bật và tập trung điểm nhìn hơn.

    Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
    Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

    Không gian dường như được mở rộng, bức tranh thu có thêm chiều cao của bầu trời xanh ngắt với những từng mây lơ lửng trôi theo chiều gió nhẹ. Bầu trời xanh ngắt là một đặc trưng của thơ miêu tả thu của Nguyễn Khuyến. Xanh ngắt là xanh mà có chiều sâu và thăm thẳm. Xanh ngắt đã gợi ra cái sâu, cái lắng của không gian, cái nhìn vời vợi của nhà thơ, của ông lão đang câu cá. Không gian thu hẹp lại khi ông lơ đãng đưa mắt nhìn về bốn phía làng quê. Xóm thôn vắng lặng, tĩnh mịch, con đường quanh co, heo hút, không một bóng người qua lại.

    Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

    Mọi thứ trong bài thơ như thu lại,với việc sử dụng từ thuần việt bài thơ kết hợp với vần “eo” đã vẽ ra bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp nhưng lại buồn bã, nỗi buồn sâu kín trong chính lòng tác giả.cho nên hai câu cuối là 2 câu mà tâm sự của tác giả được thể hiện mãnh liệt nhất.

    Cảnh vật càng trở nên êm đềm, thoáng một nỗi buồn cô tịch, hiu hắt chìm vào không khí vắng lặng của mùa thu. Tất cả cảnh vật, từ mặt nước đến ao thu lạnh lẽo đến chiếc thuyền câu bé tí teo, từ sóng biếc đến lá vàng, từ tầng mây lơ lửng đến ngõ trúc… đều hiện lên với đường nét, màu sắc, âm thanh có chút bâng khuâng, man mác, rất gần gũi, thân thiết với mọi người Việt Nam. Những hình ảnh đó dường như đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam mỗi khi nhớ về kỉ niệm tuổi thơ, và nó cũng gắn liền với nỗi buồn không đáy.Biết bao thời gian trôi qua trong không gian của sáng tĩnh mịch ấy, nhưng tư thế ngồi của người buông cần câu như cũng bất động trong thời gian:

    Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
    Cá đâu đớp động dưới chân bèo

    Tư thế của người câu cá là tư thế tựa gối ôm cần, và không có chút gì là thay đổi tư thế,như ông đang chờ đợi điều gì xảy ra rất lâu và cứ thế, bình tĩnh để nhìn thấy kết quả. Hình ảnh này cũng mang dáng dấp của những người vui thú khi về ở ẩn, sống một cuộc sống đạm bạc. Bài thơ Thu điếu này cũng thể hiện khát vọng câu thanh, câu vắng cho tâm hồn của một nha thơ có phẩm chất thanh cao. Cái âm thanh cá đớp động gợi lên sự mơ hồ xa vắng, đánh thức tỉnh.

    Qua bài thơ ta thấy được một Nguyễn Khuyến với giàu lòng yêu nước và cũng gắn bó thiết tha với quê hương đất nước. Mọi hình ảnh chi tiết dáng dấp đều là để thể hiện nỗi lòng sâu kín của tác giả, đó là một tâm hồn yêu thiên nhiên,yêu con người yêu sự yên bình nhưng cũng sẵn sàng phản kháng mạnh mẽ trước thời cuộc bằng chính vũ khí thơ văn của mình.

    Hình ảnh con người Nguyễn Khuyến – Mẫu 5

    Nhắc đến Nguyễn Khuyến người ta nhớ ngay đến một nhà thơ được mệnh danh là “nhà thơ của làng cảnh Việt Nam” của miền quê Bắc Bộ. Và cũng khi nhắc đến ông, người ta nhớ ngay đến chùm thơ thu gồm ba bài: Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm. Ba bài thơ được coi là “nức danh nhất” trong các sáng tác của ông. Mỗi bài thơ miêu tả bức tranh làng cảnh ở một góc nhìn, một khía cạnh khác nhau nhưng đều gặp nhau ở hình ảnh một Nguyễn Khuyến có tình yêu thiên nhiên tha thiết, một Nguyễn Khuyến với những nỗi niềm tâm sự riêng, nặng lòng vì nước. Đến với “Thu điếu” (Câu cá mùa thu) ta sẽ càng hiểu rõ hơn về con người ấy.

    “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
    Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
    Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
    Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
    Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
    Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
    Tựa gối buông cần lâu chẳng được
    Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.

    Bài thơ dựng lên một bức tranh thiên nhiên ở vùng đồng bằng Bắc Bộ trong một không gian rất đặc trưng là ao thu. Cái nhìn của bài thơ cũng được đặt từ đây để hướng ra xa rồi lên cao rồi lại quay trở lại điểm nhìn thật gần. Trung tâm của bức tranh mùa thu là hình ảnh “một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”, một ngư ông ngồi “tựa gối buông cần”. Từ một cái thuyền con giữa lòng ao, cái nhìn của nhà thơ bao quát ra xung quanh: mặt nước ao thu lạnh lẽo, trong veo đến hết độ sắc trong, sóng biếc chỉ hơi khẽ gợn, ngang tầm mắt người là “thu rứt lá gọi mùa đi”, hướng lên trên cao để thu vào một khoảng trời trong xanh vời vợi, lơ lửng như yên tĩnh tự muôn đời; bao quát để nhìn thấy cái quanh co của những ngõ trúc uốn lượn. Và tầm nhìn cuối cùng quay về thu lại ở chiếc thuyền câu cá bởi tiếng “đớp động dưới chân bèo”. Bằng ngòi bút tinh tế cùng cách sử dụng ngôn từ, cách gieo vần tài tình nhà thơ đã đưa những thi liệu vốn quen thuộc trong thơ ca cổ (thu thuỷ, thu thiên, thu diệp, ngư ông) để tạo nên những vần thơ vừa cổ điển lại vừa hiện đại. Bút pháp lấy điểm tả diện, lấy động tả tĩnh được sử dụng một cách đắc địa. Bức tranh thiên nhiên hiện lên tĩnh lặng gần như tuyệt đối. Phải tĩnh lặng mới thấy rõ cái “hơi gợn tí” của mặt ao và chút “khẽ đưa vèo” của lá vàng. Tĩnh đến độ con người và thiên nhiên nghe thấy tiếng đớp động của chân bèo để mà giật mình sực tỉnh. Người đọc ấn tượng về một cảnh thu thanh vắng, quạnh hiu, dường như chỉ có một thi nhân trong vai ông già ngồi câu cá đối diện trước cảnh thiên nhiên thu nhỏ để lắng vào cõi suy tư. Phải có một tâm hồn tinh tế và yêu thiên nhiên sâu sắc, Nguyễn Khuyến mới có thể khám phá những đường nét trong bức tranh thiên nhiên hài hoà đến vậy. Hồn quê xứ sở đã thấm vào hồn thơ để tạo nên một ấn tượng đặc biệt. “Cái thú vị của bài “Thu điếu” là ở các điệu xanh, xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh tre, xanh trời, xanh bèo, có một màu vàng đám ngang của chiếc lá thu rơi” (Lê Trí Viễn). “Diệp lạc tri thu”. Chỉ thoáng một chiếc lá vàng gọi hồn thu vĩnh cửu trong thơ thu sách vở, và các gam màu xanh thì thật dân dã, đồng quê, gần gũi.

    Bài thơ thiên về gợi nhiều. Không chỉ bức tranh thiên nhiên từ điểm gợi ra được hiện mà từ bức tranh thiên nhiên ấy, hình ảnh thi nhân cũng được gợi ra một cách rất cụ thể, chân thực và sinh động. Phải đến hai câu thơ cuối cùng hình ảnh nhà thơ trong vai trò của một ngư ông mới được miêu tả trực tiếp nhưng người ta đã bắt gặp bóng hình của ông thấp thoáng hiện hữu trước đó. Đó là ánh mắt chăm chú dõi theo mọi chuyển động tinh vi của thiên nhiên, sự sống từ đầu đến cuối bài thơ. Và còn là hình ảnh của một thi nhân trầm ngâm, tư lự. Người ngồi trên thuyền trầm ngâm tĩnh lặng đến mức không làm cho chiếc thuyền động đậy. Cái chuyển động của sóng nước mặt ao chỉ là hơi gợn tí, nhưng cũng là do gió mà thôi. Nhà thơ cùng với con thuyền câu như hóa thành một bức tượng mà chỉ có sự sống xung quanh là vận động, tuy buồn, tuy quạnh hiu, vắng vẻ nhưng vẫn cứ gợi nhiều cảm xúc. Hẳn phải có cái gì đó lôi cuốn thi nhân ghê gớm lắm mới có thể khiến ông bị cuốn toàn bộ tâm trí vào như vậy. Đến đây, Nguyễn Khuyến đã bộc lộ hình ảnh của một con người “đau” đang có rất nhiều tâm trạng. Dường như có gì đó tương đồng giữa cảnh “Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo” của nhà thơ với tâm trạng của Tản Đà trước sự biến ảo, đổi thay của thời thế trong câu thơ “Vèo trông lá rụng ngoài sân”. Có cái gì đó như buồn, như nuối tiếc trước cái đổi thay, rối ren của thời thế. Hình ảnh “bầu trời xanh ngắt” không chỉ xuất hiện trong bài “Câu cá mùa thu”. Đó là màu đặc trưng rất thu trong một không gian thu thoáng đãng. Nhưng trước suy tư miên man của người trong cuộc, dường như trời xanh ấy, và cả đám mây lững lờ trôi cũng chứa đầy tâm trạng. Thơ Nguyễn Khuyến đã xuất hiện không ít lần câu thơ bày tỏ nỗi day dứt, “vò đầu mấy bạn làm thơ đi về”. Và phải chăng cái “lửng lơ”, “quanh co”, “vắng teo” chính là tâm trạng cô quạnh, cô đơn của nhà thơ, là nỗi niềm, là tâm trạng thời thế được gửi gắm kín đáo và sâu xa? Chút “khẽ đưa vèo” của lá vàng

    Mải mê với suy tư đến mức thi nhân phải giật mình bởi một thứ âm thanh gần như rất mơ hồ:

    “Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

    Bài thơ viết về câu cá mùa thu mà đến tận hai câu thơ cuối cùng mới đề cập đến chuyện câu cá. Mà đề cập đến thì cũng chỉ là cái giật mình sửng sốt của người đi câu trước tiếng đớp động. Thì ra là vậy! Người đi câu nhưng đâu có để ý đến việc câu cá, bởi tâm hồn đang nặng trĩu suy tư. Đi câu chỉ là một cái cớ để nhà thơ có thời gian yên tĩnh một mình, chiêm nghiệm về cuộc đời, về những nỗi niềm tâm sự thầm kín. “Thơ là âm nhạc của tâm hồn, nhất là những tâm hồn cao cả và đa cảm” (Vôn-te). Bài thơ là tiếng lòng của một người thơ lúc nào cũng luôn nặng trĩu suy tư.

    Phải hiểu được hoàn cảnh riêng của nhà thơ và bối cảnh thời đại bấy giờ mới thấy hết được tâm sự cũng như cái thanh cao trong tâm hồn Nguyễn Khuyến. Là một nhà thơ có khí tiết thanh cao nhưng lại sinh ra vào thời buổi: “Vua chèo còn chẳng ăn ai/ Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề” ông chọn con đường cáo quan về ở ẩn để, giữ nguyên khí tiết. Nhưng nhàn thân mà chẳng nhàn tâm. Ý thức của một nhà nho và một tâm hồn yêu nước, luôn nặng suy tư đã khiến ông luôn mang mặc cảm của người: “Cờ đang dở cuộc không còn nước/ Bạc chửa thâu canh đã chạy làng”. Trở về vườn Bùi chốn cũ, tâm hồn ấy vẫn còn nặng lòng với thời cuộc: “Ngọn gió đông ngoảnh lại lệ đầm khăn/ Tình thương hải tang điền qua mấy lớp?”. Là một người tài năng, một nhà nho yêu nước có cốt cách thâm trầm, khí phách thanh cao, ông gửi gắm tất cả nỗi niềm của mình vào trong cảnh vật. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Thế nên bức tranh thiên nhiên mới có độ thanh vắng, quạnh hiu, gợi nỗi buồn sâu đến vậy. Thế nên đi câu là đi câu lấy cái tĩnh, cái thanh, cái trong, cái lắng, cái nhàn trong tâm hồn nhưng tiếng “cá đâu đớp động” đã phá vỡ không gian im vắng. Cậu cá để câu nhàn mà dường như không thể, bởi nhàn trước hoàn cảnh hiện tại, đối với một nhà thơ như Nguyễn Khuyến là một điều không thể thực hiện được.

    “Câu cá mùa thu” cho ta biết thêm về Nguyễn khuyến, một tâm hồn thiết tha với quê hương, đất nước.

    Hình ảnh con người Nguyễn Khuyến – Mẫu 6

    Tác giả Nguyễn Khuyến là tác giả nổi bật trong thi ca Việt Nam bởi sở hữu cho mình chùm ba bài thơ thu, trong số chùm ba bài thơ thu đó có tác phẩm “Câu cá mùa thu”, có thể nhận định rằng, đây là một tác phẩm đại diện cho các bài thơ nói về mùa thu của làng quê đồng bằng Bắc bộ Việt Nam. Thông qua bài thơ, chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp của bức tranh mùa thu, đồng thời cũng cảm nhận được một vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ Nguyễn Khuyến.

    Bài thơ là một bức tranh mùa thu đầy sự sống động và chân thực, không kém những nét bình dị đơn sơ mà thân thuộc, bởi nó được thể hiện qua sự cảm nhận và gợi tả rất tinh tế của tác giả về cảnh sắc mùa thu làng quê đồng bằng Bắc bộ. Trong sự cảm nhận rất tinh tế đó, ta nhận ra được tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước, cũng như tâm trạng đối với thời thế của Nguyễn Khuyến.

    Trước hết, nói về tình yêu thiên nhiên và yêu quê hương đất nước, để bộc lộ rõ điều này nhà thơ Nguyễn Khuyến đã không ngại dùng nhiều giác quan của mình để cảm nhận mùa thu, vừa dùng thị giác, thính giác, lại cả xúc giác và hòa trộn những cảm giác đó với nhau, ví dụ như các câu thơ: “Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”, “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo”. Tác giả hơn nữa rất thành công trong việc lột tả mùa thu ấy bởi chính ông đang cảm nhận vẻ đẹp ấy trên mảnh đất quê hương của mình, bài thơ phản ánh tình yêu của ông đối với thiên nhiên của chính quê hương mình. Và chắc hẳn Nguyễn Khuyến đã rất gắn bó, tha thiết và có tình cảm sâu nặng đối với quê hương của mình mới cảm nhận một cách chận thật nhất những cảnh sắc quê hương và lột tả vẻ đẹp ấy bằng sự chân thật và tinh tế. Bài thơ ấy mang trong mình vẻ đẹp của hồn dân tộc bởi chính có tình yêu thiên nhiên đất nước của tác giả trong đó.

    Trong bài thơ, ta cũng có thể nhận ra tâm trạng thời thế của tác giả hay chính là một tâm hồn thanh cao. Tâm trạng ấy mang trong mình nỗi u hoài, đôi khi lặng lẽ trầm ngâm, lúc thì giật mình thảng thốt “Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”, “Cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Nỗi u hoài ấy của nhà thơ từ trong tâm trạng lan tỏa và bao trùm ra ngoài mọi cảnh vật, làm cho cảnh vật tuy đẹp những vẫn có nét hiu quạnh, thanh sơ.

    Tư thế xuất hiện của người câu cá cùng với cảnh vật đều mang một nỗi man mác buồn, người câu cá không ngồi ở tư thế bình thường mfaf lại gò bó tựa gối, vốn đi đâu cá để tạo ra cảm giác thoải mái nhưng chính ông lại không được thoải mái, hình ảnh cúi người mặt tựa lên đầu gối chắc hẳn là đang có suy nghĩ một điều gì đó. Chính không gian tĩnh lặng ấy đã giúp cho người đọc phần nào cảm nhận được nỗi cô quạnh trong tâm hồn tác giả, khi tác giả là một vị Tam nguyên Yên Đồ lại trở về sống cảnh làng quê, sống trong cảnh thôn dã là vậy những lòng vẫn nặng trĩu những vấn đề thời cuộc, suy nghĩ về tình hình đất nước và luôn đau đáu một nỗi “thẹn” vì sự bất lực của mình.

    Sự chờ đợi của người câu cá cũng toát lên những tâm trạng sâu thẳm trong lòng tác giả, đó là một sự chờ đợi mòn mỏi trong vắng lặng, chỉ lẻ loi có một tiếng động của cá dưới chân bèo, mọi thứ trở nên trống không, im ắng lạ thường, nó góp phần làm tăng thêm sự tĩnh lặng và vắng vẻ của không gian mùa thu. Có thể thấy cảnh câu cá mùa thu là một cảnh đẹp nhưng lại đượm buồn, mọi cảnh vật, chuyển động đều rất khẽ, cái tĩnh lặng đã bao trùm mọi cảnh vật những lại được gợi lên bằng chính những cái động rất khẽ. Đây là một thủ pháp nghệ thuật rất đặc sắc, lấy động tả tĩnh, bên cạnh đó việc sử dụng những từ “eo” trong bài thơ lại càng tạo nên sự vắng lặng, im lìm trong khung cảnh mùa thu, càng thu nhỏ không gian hẹp lại.

    Qua bài thơ “Câu cá mùa thu” chúng ta cảm nhận được trong tâm hồn của nhà thơ Nguyễn Khuyến là sự gắn bó tha thiết với thiên nhiên, bộc lộ tấm lòng yêu quê hương, đất nước thầm kín. Khung cảnh mùa thu được vẽ ra rất giản dị và yên bình, đơn sơ, mang nét đặc trưng của mùa thu làng quê Bắc bộ Việt Nam.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *