Kết bài Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du gồm 13 mẫu kết bài ấn tượng nhất. Qua đó giúp các bạn lớp 10 có thêm nhiều gợi ý tham khảo, trau dồi ngôn ngữ, nhanh chóng biết cách kết bài hay, ấn tượng nhất.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 10: Tổng hợp kết bài Đọc Tiểu Thanh kí
“Độc Tiểu Thanh ký” là một bài thơ để lại những thương cảm trong lòng người đọc về số phận bất hạnh của những con người tài hoa nhưng bạc mệnh. Đồng thời qua đây, tác giả cũng đã phản ánh thực trạng xã hội phong kiến tàn ác đã đẩy con người vào những bước đường cùng, chà đạp lên nhân phẩm và lãng quên những giá trị mà họ đã để lại cho đời.
Kết bài Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du
Kết bài cảm nhận bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí
Kết bài phân tích Đọc Tiểu Thanh kí
Kết bài cảm nhận về nhân vật Tiểu Thanh
Kết bài cảm hứng nhân đạo trong bài Độc Tiểu Thanh kí
Kết bài cảm nhận bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí
Kết bài mẫu 1
“Đọc Tiểu Thanh kí” là tiếng khóc thương người đồng thời cũng là tiếng khóc thương mình, đó là trái tim nhân đạo bao la vừa mênh mông vừa sâu thẳm của Nguyễn Du. Bài thơ tuân thủ những quy tắc nghiêm túc và chặt chẽ của quy luật thơ Đường, từ ngữ cô đọng, hàm súc, hình ảnh giàu tính biểu tượng đã làm nên sức sống nghìn thu của “Đọc Tiểu Thanh kí” và trên hết là tấm lòng nhân đạo sâu sắc của thi hào dân tộc Nguyễn Du.
Kết bài mẫu 2
Bài thơ có kết cấu đặc biệt: hai câu đầu là cảnh vật, sự kiện, còn 6 câu sau nặng một khối tình. Khối tình ấy xét riêng ra thì là sự xót xa cho số kiếp Tiểu Thanh và những băn khoăn về cuộc đời chính tác giả. Nhưng ở tầng sâu khái quát nó là nỗi niềm của cả một lớp kẻ sĩ tài hoa, tài tử mà nhân ái bao la.
Kết bài mẫu 3
Bài thơ là lời ký thác tâm sự của Nguyễn Du, con người đầy tài năng, hoài bão lớn mà luôn gặp hoạn nạn, trắc trở trên con đường đời gập ghềnh giữa đêm đen xã hội phong kiến. Con người ấy giàu lòng yêu thương nhân hậu, luôn khao khát sự cảm thông của người đời.
Kết bài mẫu 4
Thơ hoài cổ thường là tiếng khóc dành cho những cố nhân. Thơ Nguyễn Du không hoàn toàn như vậy. Nhớ đến, thương đến cố nhân, tác giả chạnh lòng thương chính bản thân mình và những người nghệ sĩ. Nó chính là khởi nguồn cho cảm hứng nhân văn cao cả của bài thơ. Độc Tiểu Thanh kí còn là sự day dứt cả đời của Nguyễn Du. Đó là niềm day dứt của thi nhân về nỗi bấp bênh của thế thái nhân tình. Niềm day dứt ấy phải vì thế mà ôm trọn sự bế tắc của “thời đại Nguyễn Du”.
Xem thêm: Cảm nhận bài thơ Độc Tiểu Thanh kí
Kết bài phân tích Đọc Tiểu Thanh kí
Kết bài mẫu 1
“Đọc Tiểu Thanh ký” là bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú. Nó phản ánh rõ ràng về một xã hội đầy rẫy sự bất công và tàn độc. Đồng thời, Nguyễn Du cũng đã khéo léo mượn hình ảnh của nàng Tiểu Thanh để bày tỏ những nỗi niềm trong tận đáy lòng của ông về số phận bất hạnh của người phụ nữ có tài văn chương trong xã hội phong kiến vướng phải. Tất cả điều đó đã nói lên một phương diện quan trọng trong chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du: xót xa cho những giá trị tinh thần bị chà đạp.
Kết bài mẫu 2
Độc Tiểu Thanh kí đã để lại trong lòng người đọc những thương xót về số phận của nàng Tiểu Thanh có sắc đẹp lẫn tài năng nhưng bất hạnh. Đồng thời Nguyễn Du cũng lên án về xã hội phong kiến tàn ác chà đạp lên những người tài và nỗi thương xót sâu sắc của Nguyễn Du đối với số phận tài hoa bạc mệnh. Tiếng lòng ấy của ông vẫn còn vang vọng mãi trong tâm khảm mỗi người về sự đau xót bất lực của con người trước trò đùa của con tạo xoay vần. Đến mãi đến ngày hôm nay, vượt qua mọi quy luật băng hoại của thời gian, những trang viết của Nguyễn Du vẫn làm rung động lòng người
“Tiếng thơ ai vọng đất trời
Nghe như non nước vọng vào nghìn thu
Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thơ như tiếng mẹ ru những ngày”
(Kính gửi cụ Nguyễn Du – Tố Hữu)
Kết bài mẫu 3
Với tám câu thơ chữ Hán thất ngôn bát cú, ngôn từ trang trọng, tinh tế, Nguyễn Du đã lên án, tố cáo mạnh mẽ sự bất công của xã hội phong kiến với những phụ nữ tài sắc vẹn toàn. Bài thơ mang đến cho người đọc sự đồng cảm xót xa trước số phận hồng nhan bạc mệnh của người phụ nữ. Từ đó, mỗi người chúng ta biết trân trọng, yêu mến, có ý thức giữ gìn trước những giá trị tài năng, sáng tạo của người xưa và nay.
Kết bài mẫu 4
“Độc tiểu thanh ký” là một bài thơ để lại những thương cảm trong lòng người đọc về số phận bất hạnh của những con người tài hoa nhưng bạc mệnh. Đồng thời qua đây, tác giả cũng muốn nói lên thực trạng xã hội phong kiến tàn ác đã đẩy con người vào những bước đường cùng, chà đạp lên nhân phẩm và hòng bóp chết những tài năng của họ.
Kết bài mẫu 5
Như vậy qua bài thơ ta thấy được số phận của người con gái hồng nhan bạc mệnh ấy. Đồng thời ta cũng thấy được những tâm sự của nhà thơ Nguyễn Du về sau này. Và thực tế đã cho thấy người đời ngày nay vẫn ca tụng đến ông với sự tài hoa qua truyện Kiều.
Xem thêm: Phân tích bài thơ Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du
Kết bài cảm nhận về nhân vật Tiểu Thanh
Kết bài mẫu 1
“Phong vận kì oan” là nỗi oan lạ lùng của những người hào hoa phong nhã. Những nét đẹp lẽ ra được cuộc đời tôn vinh, nhưng rốt cục lại phải chịu hậu quả nghiệt ngã. Một nàng Tiểu Thanh phải lìa đời lúc còn xuân sắc, một thi nhân có tài văn chương mà không có mệnh thành đạt như Nguyễn Du thì khác gì nhau? Đó là bất công ở đời. Một gia đình phong kiến hà khắc không dung nạp nổi con người tài sắc như Tiểu Thanh. Xã hội phong kiến hẹp hòi không dung nạp nổi Nguyễn Du.
Kết bài mẫu 2
Bài thơ là tiếng khóc thương của Nguyễn Du cho cuộc đời nàng Tiểu Thanh- người cố nhân chịu nhiều oan trái. Qua đó, không chỉ khắc hoạ được hình ảnh nàng Tiểu Thanh tài hoa bạc mệnh mà còn thấy được cảm hứng nhân văn cao cả của một tấm lòng thiết tha với cuộc đời, với con người.
Kết bài cảm hứng nhân đạo trong bài Độc Tiểu Thanh kí
Kết bài mẫu 1
Bài thơ Độc Tiểu Thanh kí được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, đó là nỗi niềm của một tài năng trước sự vùi dập của xã hội phong kiến. Sự đồng cảm với số phận của Tiểu Thanh trong bài thơ cũng chính là những xót xa của Nguyễn Du suy tư về số phận bất hạnh, oan trái của người phụ nữ có tài sắc. Qua đó, ta thấy được giá trị nhân đạo sâu sắc trong thơ văn Nguyễn Du.
Kết bài mẫu 2
Nguyễn Du đã chọn “chi phấn” và ông đã nhân cách hoá son phấn để suy tưởng. “Chi phấn” có thần chắc phải xót xa vì nó đã gắn bó với con gái bạc mệnh thế nên “Chi phấn” là một cách nói hoán dụ để nói về tài và tâm hồn nàng. “Hữu thần” từ chỉ sự việc cuộc đời Tiểu Thanh và rồi “liên tử hận” nói lên cái chết oan ức của Tiểu Thanh. Chỉ bằng một câu thơ, Nguyễn Du đã tái hiện lại được bi kịch cuộc sống của Tiểu Thanh.
Xem thêm: Cảm hứng nhân đạo trong Độc Tiểu Thanh kí