Bộ câu hỏi đọc hiểu Ngữ văn lớp 9

Bộ câu hỏi đọc hiểu Ngữ văn lớp 9

Bộ câu hỏi đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 giúp các em hệ thống lại kiến thức, luyện trả lời các phiếu bài tập đọc hiểu trong chương trình Ngữ văn 9. Với 271 trang, cùng các phiếu bài tập của 25 tác phẩm văn học lớp 9 sẽ giúp các em ôn tập thật tốt.

Bạn đang đọc: Bộ câu hỏi đọc hiểu Ngữ văn lớp 9

Bộ câu hỏi đọc hiểu Văn 9 được chia theo 6 chủ đề: Văn bản nhật dụng, Truyện hiện đại, Thơ hiện đại, Thơ trung đại, Văn bản nghị luận, Văn học nước ngoài sẽ giúp thầy cô dễ dàng giao phiếu ôn tập cho học sinh của mình. Chi tiết mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:

Bộ câu hỏi đọc hiểu Ngữ văn lớp 9

    Chủ đề: Văn bản nhật dụng

    PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH – LÊ ANH TRÀ

    PHIẾU SỐ 1:

    Phần I (4,0 điểm)

    Trong bài Phong cách Hồ Chí Minh, sau khi nhắc lại việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với văn hóa nhiều nước, nhiều vùng trên thế giới, tác giả Lê Anh Trà viết:

    … “Nhưng điều kỳ lạ lạ tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hóa dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại”…

    (Trích Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)

    1. Ở phần trích trên, tác giả đã cho thấy vẻ đẹp của phong cách Hồ Chí Minh được kết hợp hài hòa bởi những yếu tố nào? Em hiểu được điều gì về tình cảm của tác giả dành cho Người?

    2. Xác định hai danh từ được sử dụng như tính từ trong phần trích dẫn và cho biết hiệu quả nghệ thuật của cách dùng từ ấy.

    3. Em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng 2/3 trang giấy thi) về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

    GỢI Ý:

    1

    Ở phần trích trên, tác giả đã cho thấy vẻ đẹp của phong cách Hồ Chí Minh được kết hợp hài hòa bởi những yếu tố nào? Em hiểu được điều gì về tình cảm của tác giả dành cho Người?

    Vẻ đẹp phong cách Hồ Chí Minh được kết hợp hài hòa giữa những ảnh hưởng văn hóa Quốc tế và gốc văn hóa dân tộc.

    – Qua đó tác giả Lê Anh Trà thể hiện tình cảm kính trọng, ca ngợi Bác Hồ, tự hào về Người như một đại diện của một con người ưu tú Việt Nam.

    2

    Xác định hai danh từ được sử dụng như tính từ trong phần trích dẫn và cho biết hiệu quả nghệ thuật của cách dùng từ ấy.

    Hai danh từ được sử dụng như tính từ: Việt Nam, Phương Đông. Cách dùng từ ấy có hiệu quả nghệ thuật cao

    Tác giả nhấn mạnh bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, bản sắc Phương Đông trong con người Bác.

    3

    Em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng 2/3 trang giấy thi) về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

    Trách nhiệm thế hệ trẻ đối với việc giữ gìn văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập:

    – Giải thích: thời kỳ hội nhập: các nền kinh tế thế giới mở cửa, hội nhập dẫn đến sự giao lưu, ảnh hưởng văn hóa giữa các nước.

    – Trách nhiệm thế hệ trẻ:

    + Gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc;

    + Nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc, niềm tự hào về những truyền thống văn hóa tốt đẹp: truyền thống yêu nước; Uống nước nhớ nguồn; văn hóa lễ hội truyền thống; phong tục tập quán; di sản, di tích lịch sử,…

    + Tiếp tục những ảnh hưởng tích cực từ văn hóa nước ngoài đồng thời gạn lọc những ảnh hưởng tiêu cực từ văn hóa ngoại lai.

    – Đánh giá: đây là PHIẾU SỐ quan trọng đòi hỏi ý thức và nhận thức của thế hệ trẻ cùng đồng lòng, chung tay góp sức.

    PHIẾU SỐ 2:

    Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:

    “Trong cuộc đời đầy truân chuyên của mình, chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với văn hóa nhiều nước, nhiều vùng trên thế giới, cả phương Đông và phương Tây. Trên những con tàu vượt trùng dương, Người đã ghé lại nhiều hải cảng, đã thăm các nước châu Phi, châu Á, châu Mĩ. Người đã từng sống dài ngày ở Pháp, ở Anh. Người nói và viết thạo nhiều thứ tiếng ngoại quốc: Pháp, Anh, Hoa, Nga… và Người đã làm nhiều nghề. Có thể nói ít có vị lãnh tụ nào lại am hiểu nhiều về các dân tộc và nhân dân thế giới, văn hóa thế giới sâu sắc như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến đâu Người cũng học hỏi, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật đến một mức khá uyên thâm. Người cũng chịu ảnh hưởng của tất cả các nền văn hóa, đã tiếp thu mọi cái đẹp và cái hay đồng thời với việc phê phán những tiêu cực của chủ nghĩa tư bản. Nhưng điều kì lạ là tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hóa dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại.”

    Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên là gì?

    Câu 2: Qua đoạn trích tác giả đã cho thấy vẻ đẹp của phong cách Hồ Chí Minh được kết hợp hài hòa bởi các yếu tố nào?

    Câu 3: Kể tên các tác phẩm do Hồ Chí Minh viết được đưa vào chương trình SGK Ngữ văn THCS?

    Kể tên các tác phẩm – Tác giả viết về Bác mà em đã học trong chương trình Ngữ văn THCS.

    Câu 4: Từ đoạn trích, em rút ra được bài học gì cho bản thân về cách học tập, tiếp thu văn hóa nhân loại?

    GỢI Ý

    1

    Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên là gì?

    Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn: nghị luận

    2

    Qua đoạn trích tác giả đã cho thấy vẻ đẹp của phong cách Hồ Chí Minh được kết hợp hài hòa bởi các yếu tố nào?

    Vẻ đẹp phong cách Hồ Chí Minh được kết hợp hài hòa giữa những ảnh hưởng văn hóa quốc tế với cái gốc văn hóa dân tộc; giữa sự bình dị rất Việt Nam, rất phương Đông với cái hiện đại và mới mẻ.

    3

    Kể tên các tác phẩm do Hồ Chí Minh viết được đưa vào chương trình SGK Ngữ văn THCS?

    Kể tên các tác phẩm – Tác giả viết về Bác mà em đã học trong chương trình Ngữ văn THCS.

    – Tác phẩm do Hồ Chí Minh viết:

    + Cảnh khuya – Rằm tháng giêng

    + Ngắm trăng – Tức cảnh Pác Bó – Đi đường

    + Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (bút danh Nguyễn Ái Quốc)

    + Tinh thần yêu nước của nhân dân ta

    + Thuế máu

    – Tác phẩm – tác giả viết về Hồ Chí Minh

    + Đức tính giản dị của Bác Hồ – Phạm Văn Đồng

    + Đêm nay Bác không ngủ – Minh Huệ

    + Phong cách Hồ Chí Minh – Lê Anh Trà

    + Viếng lăng Bác – Viễn Phương

    4

    Từ đoạn trích, em rút ra được bài học gì cho bản thân về cách học tập, tiếp thu văn hóa nhân loại?

    HS có thể trình bày ý kiến theo nhiều cách, nhưng cần thể hiện được các ý:

    + Phải chăm chỉ rèn luyện, học tập, nắm vững kiến thức, học đi đôi với thực hành, vận dụng lí thuyết vào giải quyết PHIẾU SỐ cuộc sống. Học hỏi, tìm hiểu, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại đồng thời phê phán những ảnh hưởng tiêu cực từ văn hóa ngoại lai.

    + Không ngừng học tập và làm theo tấm gương phong cách, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh: sống giản dị, giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tránh xa lối sống sính ngoại, chây lười ỉ lại, buông thả, chạy theo mốt mà quên đi những giá trị văn hóa tốt đẹp mang bản sắc dân tộc.

    PHIẾU SỐ 3:

    Cho câu văn sau:

    “Nếp sống giản dị và thanh đạm của Bác Hồ, cũng như các vị danh nho xưa, hoàn toàn không phải là một cách tự thần thánh hóa, tự làm cho khác đời, hơn đời, mà đây là lối sống thanh cao, một cách di dưỡng tinh thần, một quan niệm thẩm mĩ về cuộc sống, có khả năng đem lại hạnh phúc thanh cao cho tâm hồn và thể xác.”

    (SGK Ngữ văn 9, tập một)

    1. Câu văn trên trích trong văn bản nào? Tác giả là ai ? “di dưỡng tinh thần” được dùng ở đây có nghĩa là gì?

    2. Văn bản chứa câu văn trên đề cập đến chủ đề gì?

    3. Lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông của Bác Hồ được biểu hiện như thế nào?

    4. Có bạn cho rằng, học tập theo lối sống cao đẹp của Bác, mỗi chúng ta cần nên ép mình vào cuộc sống khắc khổ. Em có đồng ý với suy nghĩ đó không? Vì sao?

    5. Viết một văn bản ngắn (khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về một trong các bài học mà em rút ra được từ câu văn trên?

    GỢI Ý:

    1

    Câu văn trên trích trong văn bản nào? Tác giả là ai ? “di dưỡng tinh thần” được dùng ở đây có nghĩa là gì?

    – Văn bản: Phong cách Hồ Chí Minh

    – Tác giả: Lê Anh Trà

    – “Di dưỡng tinh thần”: bồi bổ cho sảng khoái về tinh thần, giữ cho tinh thần vui khoẻ

    2 Văn bản chứa câu văn trên đề cập đến chủ đề gì?
    Hội nhập và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

    3

    Lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông của Bác Hồ được biểu hiện như thế nào?

    – Sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa thế giới nơi con người của Bác

    – Lối sống của Bác, của một vị “vua”, nhưng lại rất bình dị và rất

    đỗi đời thường, như phong cách sống đạo đứa, giống với phong cách sống của những bậc hiền tiết ngày xưa: vua Nghiêu, vua Thuấn,…

    4

    Có bạn cho rằng, học tập theo lối sống cao đẹp của Bác, mỗi chúng ta cần nên ép mình vào cuộc sống khắc khổ. Em có đồng ý với suy nghĩ đó không? Vì sao?

    Em vừa đồng tình, vừa không đồng tình với suy nghĩ đó

    – Đồng tình vì chúng ta nên học tập theo lối sống giản dị, thanh cao của Bác. Đây là 1 lối sống đẹp

    – Không đồng tình với việc “mỗi chúng ta cần nên ép mình vào cuộc sống khắc khổ”. Bởi cách sống của Bác là giản dị nhưng khác xa hoàn toàn với lối sống khổ sở, khắc khổ

    5

    Viết một văn bản ngắn (khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về một trong các bài học mà em rút ra được từ câu văn trên?

    Câu văn tuy ngắn nhưng để ại nhiều bài học trong lòng người đọc. Một trong số đó lối sống giản dị và hiểu cho đúng về lối sống ấy.

    Trong xã hội hiện đại với các xu thế không ngừng thay đổi thì đức tính giản dị là điều cần thiết mà mỗi con người nên có. Đó là đức tính hướng về những thứ tự nhiên, không chú trọng vật chất bên ngoài, không cầu kì hay xa hoa, kiểu cách, sống chân phương phù hợp với hoàn cảnh của bản thân. Đức tính giản dị mang lại những ý nghĩa to lớn đối với cuộc sống con người. Trước hết, con người sẽ dễ hòa nhập với cộng đồng, dễ được mọi người quan tâm, gần gũi, sẻ chia và giúp đỡ khi cần thiết. Chắc hẳn những người không cầu kì, kiểu cách sẽ mang lại thiện cảm đối với người đối diện nhiều hơn. Đồng thời nó còn tạo cho con người một tâm hồn thư thái, bình yên trong tâm hồn giữa xã hội ngày một xô bồ này. Con người sẽ không phải chạy theo đồng tiền, theo vật chất xa hoa, không sống quá thực dụng mà luôn trân trọng những thứ mình có. Giản dị không chỉ biểu hiện trong cuộc sống hàng ngày mà còn trong suy nghĩ, trong tiềm thức, trong phong cách sống của mỗi người. Bản thân chúng ta có thể học tập đức tính này ở Bác Hồ – một người nổi tiếng với lẽ sống giản dị trong cả sinh hoạt lẫn tác phong công việc.

    Tuy nhiên, giản dị cũng không đồng nghĩa với sự gò bó, lạc hậu, càng không đồng nghĩa với tiết kiệm 1 cách thái quá, hà tiện.

    Vậy nên mối người cần nhận thức sao cho đúng về lối sống thanh cao, giản dị của Bác và học tập điều đó.

    PHIẾU SỐ 4:

    Đọc kĩ đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

    “Nếp sống giản dị và thanh đạm của Bác Hồ, cũng như các vị danh nho xưa, hoàn toàn không phải là một cách tự thần thánh hóa, tự làm cho khác đời, hơn đời, mà đây là lối sống thanh cao, một cách di dưỡng tinh thần, một quan niệm thẩm mĩ về cuộc sống, có khả năng đem lại hạnh phúc thanh cao cho tâm hồn và thể xác”.

    Câu 1: Đoạn trích trên trích trong văn bản nào? Ai là tác giả?

    Câu 2: Giải nghĩa cụm từ “phong cách” trong văn bản chứa đoạn trích trên?

    Câu 3: Vì sao có thể nói lối sống của Bác là sự kết hợp giữa giản dị và thanh cao?

    Câu 4: Trong chương trình Ngữ văn THCS mà em đã học cũng có một tác phẩm nói về phẩm chất tốt đẹp của Bác Hồ. Đó là văn bản nào?

    GỢI Ý:

    1

    Đoạn trích trên trích trong văn bản nào? Ai là tác giả?

    – Trích trong văn bản: “Phong cách Hồ Chí Minh”

    – Tác giả: Lê Anh Trà

    2

    Giải nghĩa cụm từ “phong cách” trong văn bản chứa đoạn trích trên?

    – Giải nghĩa “phong cách”: lối sống, cách sinh hoạt, làm việc, ứng xử… tạo nên cái riêng của một người hay một tầng lớp người nào đó.

    3

    Vì sao có thể nói lối sống của Bác là sự kết hợp giữa giản dị và thanh cao?

    – Lối sống của Bác là sự kết hợp giữa giản dị và thanh cao, bởi vì đó không phải là:

    + Cách tự thần thánh hóa

    + Tự làm cho khác đời, hơn đời.

    – Mà đó là:

    + Cách di dưỡng tinh thần.

    + Một quan niệm thẩm mĩ về cuộc sống.

    + Có khả năng đem lại hạnh phúc thanh cao cho tầm hồn và thể xác.

    4

    Trong chương trình Ngữ văn THCS mà em đã học cũng có một tác phẩm nói về phẩm chất tốt đẹp của Bác Hồ. Đó là văn bản nào?

    – Tác giả: Phạm Văn Đồng

    – Tác phẩm: “Đức tính giản dị của Bác Hồ”.

    PHIẾU SỐ 5:

    Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 4

    (1) Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và có lẽ là cả thế giới, có một vị Chủ tịch nước lấy chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh chiếc ao làm “cung điện” của mình.(2) Quả như một câu chuyện thần thoại, như câu chuyện về một vị tiên, một con người siêu phàm nào đó trong truyện cổ tích. (3) Chiếc nhà sàn đó cũng chỉ vẻn vẹn có vài phòng tiếp khách, họp Bộ Chính trị, làm việc và ngủ, với những đồ đạc rất mộc mạc, đơn sơ. (4) Và chủ nhân chiếc nhà sàn này cùng trang phục hết sức giản dị, với bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ như của các chiến sĩ Trường Sơn đã được một tác giả phương Tây ca ngợi như một vật thần kì. (5) Hàng ngày, việc ăn uống của Người cũng rất đạm bạc, với những món ăn dân tộc không chút cầu kì như cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa.

    (Trích Phong cách Hồ Chí Minh, Lê Anh Trà, Ngữ văn 9)

    Câu 1: Xác định nội dung đoạn văn. Đoạn văn trên gợi em nhớ đến văn bản nào đã học ở lớp 7?

    Câu 2: Trong đoạn văn, tác giả đã dẫn lại lời một người khác. Xác định lời dẫn và cho biết cách dẫn mà tác giả sử dụng.

    Câu 3: Tác giả đã kết hợp yếu tố biểu cảm qua những câu văn nào trong đoạn? Qua đó, em hiểu nhà văn bộc lộ tình cảm gì đối với Bác?

    Câu 4: Xác định và nêu tác dụng của các biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (4) (5).

    GỢI Ý:

    1

    Xác định nội dung đoạn văn. Đoạn văn trên gợi em nhớ đến văn bản nào đã học ở lớp 7?

    – Nội dung: đức tính giản dị của Bác trong sinh hoạt

    – Bài “Đức tính giản dị của Bác Hồ” – Phạm Văn Đồng.

    2

    Trong đoạn văn, tác giả đã dẫn lại lời một người khác. Xác định lời dẫn và cho biết cách dẫn mà tác giả sử dụng.

    – Lời dẫn: Và chủ nhân chiếc nhà sàn này cùng trang phục hết sức giản dị, với bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ như của các chiến sĩ Trường Sơn đã được một tác giả phương Tây ca ngợi như một vật thần kì

    – Cách dẫn: gián tiếp

    3

    Tác giả đã kết hợp yếu tố biểu cảm qua những câu văn nào trong đoạn? Qua đó, em hiểu nhà văn bộc lộ tình cảm gì đối với Bác?

    – Câu văn kết hợp yếu tố biểu cảm:

    – Tình cảm của tác giả: trân trọng, ngợi ca

    4

    Xác định và nêu tác dụng của các biện pháp tu từ được sử dụng trong câu (4) (5).

    – Biện pháp: so sánh (4) và liệt kê (5)

    – Tác dụng:

    + Diễn đạt giàu hình ảnh, dễ hiểu

    + Khẳng định vẻ đẹp giản dị trong lối sống của Bác.

    …………..

    Chủ đề: Truyện Hiện đại

    LẶNG LẼ SAPA

    PHIẾU SỐ 1

    Đọc kĩ đoạn văn và trả lời câu hỏi;

    “Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Vả, khi ta việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất. Còn người thì ai mà chả “thèm” hở bác? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc? Đấy, cháu tự nói với cháu thế đấy.”

    (Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long)

    Câu 1. Đoạn văn có hình thức ngôn ngữ nào: Đối thoại hay độc thoại hay độc thoại nội tâm? Chỉ ra dấu hiệu giúp em nhận biết hình thức ngôn ngữ đó?

    Câu 2. Chỉ ra câu có sử dụng khởi ngữ trong đoạn trên?

    Câu 3. Trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa Nguyễn Thành Long đã để cho bác lái xe giới thiệu với ông họa sĩ, cô kĩ sư về anh thanh niên là “Người cô độc nhất thế gian”. Em có đồng ý như vậy không? Cách giới thiệu như vậy có tác dụng gì?

    Câu 4. Lời tâm sự của nhân vật anh thanh niên gợi cho em những suy nghĩ gì? Về cách ứng xử với mọi người? Trình bày suy nghĩ của em bằng một đoạn văn khoảng ½ trang giấy thi.

    GỢI Ý:

    1

    Đoạn văn có hình thức ngôn ngữ nào: Đối thoại hay độc thoại hay độc thoại nội tâm? Chỉ ra dấu hiệu giúp em nhận biết hình thức ngôn ngữ đó?

    Đoạn văn sử dụng hình thức ngôn ngữ đối thoại.

    Dấu hiệu giúp em nhận biết:

    · Đây là cuộc trò chuyện giữa anh thanh niên với ông Họa sĩ.

    · Lời nói phát thành tiếng.

    · Có gạch ngang đầu dòng.

    2

    Chỉ ra câu có sử dụng khởi ngữ trong đoạn trên?

    Có khởi ngữ: Còn người thì ai mà chả “thèm” hở bác?

    3

    Trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa Nguyễn Thành Long đã để cho bác lái xe giới thiệu với ông họa sĩ, cô kĩ sư về anh thanh niên là “Người cô độc nhất thế gian”. Em có đồng ý như vậy không? Cách giới thiệu như vậy có tác dụng gì?

    Nếu xét trên phương diện nghĩa của từ: “Người cô độc” là con người cô đơn độc thân, sống một mình, không có ai bầu bạn thì Bác lái xe đúng.

    Nhưng khi theo dõi câu chuyện ta hiểu rằng anh thanh niên không hề cô độc, không hề một mình. Ta hãy nghe anh thanh niên nói: khi ta việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia.

    Tác dụng: Nhà văn để Bác lái xe giới thiệu như vậy là một sự sáng tạo. Nó đem đến cho người đọc sự thú vị và gợi được trí tò mò của độc giả.

    4

    Lời tâm sự của nhân vật anh thanh niên gợi cho em những suy nghĩ gì? Về cách ứng xử với mọi người? Trình bày suy nghĩ của em bằng một đoạn văn khoảng ½ trang giấy thi.

    Từ nhân vật Anh thanh niên ta học tập được cách giao tiếp ứng xử với mọi người. Giao tiếp ứng xử là sự chia sẻ thông tin và tạo quan hệ giữa con người với con người

    Qua tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa ta thấy được

    · Thái độ cởi mở chân thành khi trò chuyện tâm sự.

    · Tính khiêm nhường khi tự nói về mình.

    · Tình cảm gắn bó sự tôn trong dành cho mọi người của anh thanh niên. Anh thanh niên thể hiện một con người có lối sống đẹp, biết cách giao tiếp, ứng xử

    · Từ hình tượng nhân vật anh thanh niên ta học tập được điều gì?

    PHIẾU SỐ 2:

    Đọc đoạn trích sau:

    “Họa sĩ nghĩ thầm: “Khách tời bất ngờ, chắc cu cậu chưa kịp quét tước dọn dẹp, chưa kịp gấp chăn chẳng hạn”… ông rất ngạc nhiên khi bước lên bậc thang bằng đất, thấy người con trai đang hái hoa. Còn cô kĩ sư chỉ “ô” lên một tiếng! Sau gần hai ngày, qua ngót bốn trăm cây số đường dài cách xa Hà Nội, đứng trong mây mù ngang tầm với chiếc cầu vồng kia, bỗng nhiên lại gặp hoa dơn, hoa thược dược, vàng, tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong… ngay lúc dưới kia đang mùa hè, đột ngột và mừng rỡ, quên mất e lệ, cô chạy đến bên người con trai đang cắt hoa. Anh con trai, rất tự nhiên như với một người bạn đã quen thân, trao bó hoa đã cắt cho người con gái, và cũng rất tự nhiên, cô đỡ lấy”.

    (Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long, SGK lớp 9)

    Câu 1: Nêu hoàn cảnh ra đời của truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” và nhận xét về tình huống truyện.

    Câu 2: Phân tích ngữ pháp câu văn cuối của đoạn trích trên. Xét theo câu tạo ngữ pháp, đó là kiểu câu gì?

    Câu 3: Qua đoạn trích trên, em có cảm nhận gì về nhân vật anh thanh niên?

    Câu 4: Một bạn học sinh đã viết câu mở đầu đoạn văn như sau: “Trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long, có những nhân vật không xuất hiện trực tiếp mà chỉ được giới thiệu gián tiếp qua lời kể của anh thanh niên, nhưng cũng góp phần thể hiện chủ đề tác phẩm.”

    Hãy viết khoảng 10 câu văn tiếp theo câu mở đầu ấy để tạo thành đoạn văn lập luận theo phương pháp Tổng – Phân – Hợp. Trong đoạn văn có sử dụng một câu phủ định và thành phần khởi ngữ (gạch dưới câu phủ định và thành phần khởi ngữ).

    GỢI Ý

    1

    Nêu hoàn cảnh ra đời của truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” và nhận xét về tình huống truyện.

    Hoàn cảnh sáng tác, tình huống truyện:

    – Hoàn cảnh sáng tác: Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả của chuyến đi lên Lào Cai mùa hè năm 1970 của Nguyễn Thành Long giữa lúc miền Bắc đang xây dựng CNXH, miền Nam bước vào giai đoạn đánh Mĩ ác liệt nhất.

    – Tình huống truyện: Cuộc gặp gỡ giữa ông họa sĩ, cô kĩ sư, bác lái xe với anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn ở Sa Pa.

    – Nhận xét về tình huống:

    + Tình cờ, nhẹ nhàng

    · + Hoàn cảnh thuận lợi để tác giả khắc họa chân dung anh thanh niên, nhân vật chính, một cách khách quan, chân thực không chỉ qua hành động, việc làm của anh mà còn qua những cảm xúc, suy nghĩ của các nhân vật khác.

    2

    Phân tích ngữ pháp câu văn cuối của đoạn trích trên. Xét theo câu tạo ngữ pháp, đó là kiểu câu gì?

    Phân tích cấu tạo câu: “Anh con trai, rất tự nhiên như với một người bạn đã quen thân, trao bó hoa đã cắt cho người con gái, và cũng rất tự nhiên, cô đỡ lấy”:

    Câu trên thuộc kiểu câu ghép

    3

    Qua đoạn trích trên, em có cảm nhận gì về nhân vật anh thanh niên?

    Nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích:

    – Anh thanh niên là người cởi mở, thân thiện, hiếu khách.

    – Nhân vật anh thanh niên là người có nếp sống, phong cách sống đẹp -> Tinh thần lạc quan, yêu đời.

    => Lời văn thể hiện sự khâm phục, yêu quý, ngợi ca nhân vật.

    4

    Một bạn học sinh đã viết câu mở đầu đoạn văn như sau: “Trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long, có những nhân vật không xuất hiện trực tiếp mà chỉ được giới thiệu gián tiếp qua lời kể của anh thanh niên, nhưng cũng góp phần thể hiện chủ đề tác phẩm.”

    Hãy viết khoảng 10 câu văn tiếp theo câu mở đầu ấy để tạo thành đoạn văn lập luận theo phương pháp Tổng – Phân – Hợp. Trong đoạn văn có sử dụng một câu phủ định và thành phần khởi ngữ (gạch dưới câu phủ định và thành phần khởi ngữ).

    Viết đoạn văn làm rõ: Tình yêu công việc, tinh thần trách nhiệm cua các nhân vật:

    – Trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long, có những nhân vật không xuất hiện trực tiếp mà chỉ được giới thiệu gián tiếp qua lời kể của anh thanh niên, nhưng cũng góp phần thể hiện chủ đề tác phẩm.

    – Ông kĩ sư vườn rau Sa Pa: Ngồi một mình hàng ngày để nghiên cứu cách thụ phấn của ong để cốt tìm ra cái giống su hào ngọt, to hơn.

    – Anh cán bộ nghiên cứu sét: Mười một năm ròng không một ngày rời cơ quan, không về quê thăm gia đình, không nghĩ đến chuyên vợ con, chỉ cốt nghiên cứu sét để tìm tài nguyên cho quê hương, đất nước.

    – Anh bạn đồng nghiệp lặng lẽ cống hiến trên đỉnh Phan-xi-păng cao 3142 mét

    · – Ông kĩ sư, anh cán bộ nghiên cứu sét cùng với anh thanh niên đều là những con người cống hiến âm thầm, lặng lẽ cho vùng đất Sa Pa, làm cho Sa Pa không hề lặng lẽ như tên gọi của nó mà luôn luôn sôi động với một nhịp sống khẩn trương của những con người hết mình hăng say lao động, cống hiến cho quê hương đất nước.

    …………….

    Chủ đề thơ hiện đại

    ĐỒNG CHÍ

    PHIẾU SỐ 1:

    Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

    Đêm nay rừng hoang sương muối
    Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
    Đầu súng trăng treo.

    (Đồng chí – Chính Hữu, Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục, 2010)

    1. Khi nêu xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác bài thơ Đồng chí có bạn học sinh viết:

    Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu trích từ tập thơ “Vầng trăng quầng lửa” và được sáng tác trong thời kì kháng chiến chống Mĩ.

    Em hãy sửa lỗi kiến thức của câu văn trên.

    2. Hãy ghi lại tên tác phẩm đã học (ghi rõ tên tác giả) sáng tác cùng năm với bài thơ Đồng chí.

    3. Về câu thơ cuối của bài thơ, nhà thơ Chính Hữu kể rằng lúc đầu ông viết là “Đầu súng mảnh trăng treo”, sau đó bớt đi một chữ. Chữ nào trong câu thơ đã được bớt đi? Theo em, vì sao tác giả lại bớt đi như vậy.

    4. Hãy viết một đoạn văn khoảng 12 câu theo cách lập luận tổng – phân – hợp với chủ đề: Ba câu kết bài thơ là bức tranh đẹp về tình đồng chí, là biểu tượng đẹp về cuộc đời người chiến sĩ. Trong đoạn có sử dụng câu cảm thán và phép nối để liên kết (gạch dưới câu cảm thán và từ ngữ dùng làm phép nối).

    GỢI Ý:

    1

    Khi nêu xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác bài thơ Đồng chí có bạn học sinh viết:

    Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu trích từ tập thơ “Vầng trăng quầng lửa” và được sáng tác trong thời kì kháng chiến chống Mĩ.

    Em hãy sửa lỗi kiến thức của câu văn trên.

    – Tập thơ “Đầu súng trăng treo”

    – Sáng tác trong thời kì kháng chiến chống Pháp

    2

    Hãy ghi lại tên tác phẩm đã học (ghi rõ tên tác giả) sáng tác cùng năm với bài thơ Đồng chí.

    – Tác phẩm “Làng” (0,25đ)

    – Tác giả: Kim Lân (0,25đ)

    3

    Về câu thơ cuối của bài thơ, nhà thơ Chính Hữu kể rằng lúc đầu ông viết là “Đầu súng mảnh trăng treo”, sau đó bớt đi một chữ. Chữ nào trong câu thơ đã được bớt đi? Theo em, vì sao tác giả lại bớt đi như vậy.

    Tác giả bớt chữ “mảnh” bởi câu thơ “Đầu súng trăng treo” vẫn gọi được hình ảnh vầng trăng treo trên đầu mũi súng. Hơn nữa, khi bớt đi một chữ, câu thơ trở nên gọn, chắc, giàu nhịp điệu. Bốn chữ này có nhịp điệu như nhịp lắc của một cái gì lơ lửng, chông chênh, góp phần diễn tả sinh động hình ảnh vầng trăng như treo lơ lửng trên đầu mũi súng

    4

    Hãy viết một đoạn văn khoảng 12 câu theo cách lập luận tổng – phân – hợp với chủ đề: Ba câu kết bài thơ là bức tranh đẹp về tình đồng chí, là biểu tượng đẹp về cuộc đời người chiến sĩ. Trong đoạn có sử dụng câu cảm thán và phép nối đề liên kết (gạch dưới câu cảm thán và từ ngữ dùng làm phép nối).

    Phần mở đoạn đạt yêu cầu (0,25đ)

    Phần thân đoạn gồm khoảng 12 câu với đầy đủ dẫn chứng và lí lẽ để làm rõ:

    · Bức tranh đẹp về tình đồng chí: người lính đứng cạnh bên nhau, truyền cho nhau hơi ấm, sức mạnh để chiến thắng cái khắc nghiệt của thiên nhiên, chiến thắng kẻ thù.

    · Biểu tượng đẹp về cuộc đời người chiến sĩ: sự hòa hợp giữa súng và trăng toát lên vẻ đẹp trong tâm hồn, trong cuộc đời người chiến sĩ cách mạng. Súng và trăng là chiến sĩ và thi sĩ, là hiện thực và lãng mạn…

    Phần kết đoạn đạt yêu cầu

    * Có sử dụng phép nối (gạch dưới)

    * Có một câu cảm thán (gạch dưới)

    PHIẾU SỐ 2:

    Cho câu thơ sau:

    “Quê hương anh nước mặn, đồng chua”

    Câu 1: Chép tiếp để hoàn thành khổ thơ trên. Cho biết tên và hoàn cảnh sáng tác bài thơ.

    Câu 2: Giải thích từ Hán Việt “tri kỷ” và tìm một từ thuần Việt đồng nghĩa với nó. Theo em, có thể thay từ thuần Việt đó cho từ “tri kỷ” được không? Vì sao?

    Câu 3: Câu thơ thứ sáu của đoạn thơ trên có từ “tri kỷ”. Một bài thơ đã học trong chương trình Ngữ văn lớp 9 – Tập 1 cũng có câu thơ dùng từ “tri kỷ”. Em hãy chép lại câu thơ đó và cho biết tên bài thơ. Cách sử dụng từ “tri kỷ” ở hai bài thơ có gì khác nhau?

    Câu 4: Nếu phân loại theo cấu tạo ngữ pháp, dòng thơ cuối là kiểu câu gì? Nêu tác dụng của việc sử dụng kiểu câu đó trong văn cảnh trên?

    Câu 5: Đoạn thơ trên đã cho thấy cơ sở hình thành tình đồng chí giữa những người lính Cách mạng thời kì kháng chiến chống Pháp. Em hãy cho biết tình đồng chí đó được xây dựng dựa trên những cơ sở nào?

    Câu 6: Bằng một đoạn văn Tổng – Phân – Hợp (khoảng 12 câu), hãy làm rõ nội dung đoạn thơ vừa chép. Trong đoạn văn có sử dụng một câu bị động và một câu ghép.

    Câu 7: Từ cảm nhận về đoạn thơ trên, hãy phát biểu suy nghĩ của em về một tình bạn đẹp. (Trình bày bằng một đoạn văn khoảng 8-10 câu).

    GỢI Ý

    1

    Chép tiếp để hoàn thành khổ thơ trên. Cho biết tên và hoàn cảnh sáng tác bài thơ.

    Chép tiếp để hoàn thành khổ thơ:

    “Quê hương anh nước mặn đồng chua
    Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
    Anh với tôi đôi người xa lạ”
    Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,
    Súng bên súng, đầu sát bên đầu,
    Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ.
    Đồng chí!’’

    – Bài thơ “Đồng chí” của tác giả Chính Hữu.
    – Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ sáng tác năm 1948, thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, khi tác giả là chính trị viên Đại đội tham gia chiến dịch Việt Bắc 1947.

    2

    Giải thích từ Hán Việt “tri kỷ” và tìm một từ thuần Việt đồng nghĩa với nó. Theo em, có thể thay từ thuần Việt đó cho từ “tri kỷ” được không? Vì sao?

    – Tri kỷ: (xét trong câu thơ) thân thiết, hiểu bạn như hiểu mình. Từ thuần Việt đồng nghĩa với từ tri kỷ là “bạn thân”.
    – Không thề thay từ “bạn thân” cho từ “tri kỷ” vì nếu thay sẽ làm mất đi sự trang trọng, thiêng liêng…

    3

    Câu thơ thứ sáu cùa đoạn thơ trên có từ “tri kỷ”. Một bài thơ đã học trong chương trình Ngữ văn lớp 9 – Tập 1 cũng có câu thơ dùng từ “tri kỷ”. Em hãy chép lại câu thơ đó và cho biết tên bài thơ. Cách sử dụng từ “tri kỷ” ở hai bài thơ có gì khác nhau?

    Trong “Ánh trăng” Nguyễn Duy cũng sử dụng từ “tri kỷ”.

    “hồi chiến tranh ở rừng
    vầng trăng thành tri kỷ”

    Cách dùng từ: Từ “tri kỷ” trong hai câu thơ có cùng nghĩa chỉ đôi bạn thân thiết, thấu hiểu tâm tư tình cảm cùa nhau. Nhưng trong mỗi trường hợp cụ thể có nét nghĩa khác nhau, ở câu thơ của Chính Hữu: “tri kỷ” chỉ tình cảm giữa người với người. Còn câu thơ cùa Nguyễn Duy: “tri kỷ” lại chỉ tình bạn giữa vầng trăng với người.

    4

    Nếu phân loại theo cấu tạo ngữ pháp, dòng thơ cuối là kiểu câu gì? Nêu tác dụng của việc sử dụng kiểu câu đó trong văn cảnh trên?

    – Cấu tạo: Dòng thơ cuối thuộc kiểu câu đặc biệt
    – Tác dụng: Câu đặc biệt như một lời khẳng định, một phát hiện sự kết tinh tình cảm của người lính. Câu đặc biệt con như bản lề gắn kết hai khổ thơ => Bộc lộ chủ đề tác phẩm.

    5

    Đoạn thơ trên đã cho thấy cơ sở hình thành tình đồng chí giữa những người lính Cách mạng thời kì kháng chiến chống Pháp. Em hãy cho biết tình đồng chí đó được xây dựng dựa trên những cơ sở nào?

    – Sự tương đồng cảnh ngộ nghèo khó
    – Chung lí tưởng, mục đích cao cả: chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc
    – Chung hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của đời lính

    6

    Bằng một đoạn văn Tổng – Phân – Hợp (khoảng 12 câu), hãy làm rõ nội dung đoạn thơ vừa chép. Trong đoạn văn có sử dụng một câu bị động và một câu ghép.

    – Mở đầu bằng hai câu thơ đối nhau rất chỉnh:

    “Quê hương anh nước mặn đồng chua
    Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”

    – Những người lính đều là con em nông dân từ các miền quê nghèo hội tụ về đây trong một đội ngũ cùng hoàn cảnh nghèo khó.

    “Anh với tôi đôi người xa lạ
    Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”

    – Từ “đôi” chỉ hai người, hai đối tượng chẳng thể tách rời nhau kết hợp với từ “xa lạ” làm cho ý xa lạ được nhấn mạnh hơn.
    – “Tự phương trời” tuy chẳng quen nhau nhưng cùng đồng điệu trong nhịp đập của trái tim, cùng tham gia chiến đấụ, giữa họ đã nảy nở thứ tình cảm cao đẹp: Tình đồng chí – tình cảm ấy không phải chỉ là cùng cảnh ngộ mà còn là sự gắn kết trọn vẹn cả về lý trí, lý tưởng và mục đích cao cả: chiến đấu giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

    “Súng bên súng, đầu sát bên đầu
    Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.
    Đồng chí!”

    – Từ “chung” bao hàm nhiều ý: chung cảnh ngộ, chung giai cấp, chung chí hướng, chung một khát vọng…
    – Câu đặc biệt “Đồng chí” làm cho đoạn thơ kết thúc thật đặc biệt, sâu lắng => như một nốt nhạc làm bừng sáng cả bài thơ, là kết tinh của một tình cảm cách mạng mới mẻ chỉ có ở thời đại mới.

    7

    Từ cảm nhận về đoạn thơ trên, hãy phát biểu suy nghĩ của em về một tình bạn đẹp. (Trình bày bằng một đoạn văn khoảng 8-10 câu).

    a. Khẳng định: Tình đồng chí trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Chính Hữu là một biểu hiện của tình bạn đẹp.

    b. Giải thích khái niệm:

    – Tình bạn là tình cảm gắn bó thân thiết giữa những người có nét chung về sở thích, tính tình, ước mơ, lý tưởng…

    – Tình bạn đẹp là tình bạn gắn bó, yêu thương, sẻ chia, đồng cảm, trách nhiệm và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Tình bạn đẹp phải trên cơ sở tôn trọng, chân thành và tin cậy lẫn nhau.

    c. Biểu hiện:

    – Luôn chia sẻ với nhau mọi niềm vui, nỗi buồn, biết động viên, an ủi, khích lệ..

    – Giúp đỡ nhau trong cuộc sống, trong học tập, biết chỉ ra khuyết điểm, sai lầm để bạn sửa chữa, không a dua, che giấu cho khuyết điểm của bạn, luôn mong muốn bạn tiến bộ…

    d. Ý nghĩa:

    – Làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn, mang lại niềm vui,

    – Trở thành động lực giúp nhau thành công

    e. Lên án tình bạn chưa đẹp:

    – Dân gian có câu “Giàu vì bạn, sang vì vợ” nhưng cũng có câu “Tin bạn mất bò” bởi lẽ có nhiều người tưởng như là bạn nhưng thật ra lại lợi dụng ta để mưu cầu lợi ích cá nhân.

    – Chọn người bạn tốt mà chơi để tránh xa những kẻ trục lợi, lừa thầy phản bạn

    f. Khẳng định, liên hệ hành động:

    Suy nghĩ, hành động bản thân: có ý thức và có hành động cụ thể để xây dựng và giữ gìn tình bạn đẹp.

    PHIẾU SỐ 3

    Trong bài thơ Đồng chí, Chính Hữu đã viết rất xúc động về người chiến sỹ thời kháng chiến chống Pháp:

    […] Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
    Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay

    Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
    Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

    Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.

    Áo anh rách vai quần tôi có vài mảnh vá
    Miệng cười buốt giá
    Chân không giày

    Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.

    Câu 1: Từ “Đồng chí” nghĩa là gì? Theo em, vì sao tác giả lại đặt tên bài thơ của mình là “Đồng chí”?

    Câu 2: Trong câu thơ “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”, nhà thơ đã sử dụng phép tu từ gì? Nêu rõ hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ ấy.

    Câu 3: Dựa vào đoạn thơ trên, hãy viêt một đoạn văn (khoảng 10 câu) theo cách lập luận tồng hợp – phân tích – tổng hợp trong đó có sử dụng phép thế và một câu phủ định đề làm rõ sự đồng cảm, sẻ chia giữa những người đồng đội (Gạch dưới câu phủ định và những từ ngữ làm phép thế).

    Chủ đề: Truyện thơ Trung đại

    CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG

    Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu sau:

    “Phan nói:

    – Nhà cửa tiên nhân của nương tử, cây cối thành rừng, phần mộ tiên nhân của nương tử, có gai rợp mắt. Nương tử dù không nghĩ đến, nhưng tiên nhân còn mong đợi nương tử thì sao?

    Nghe đến đây, Vũ Nương ứa nước mắt khóc, rồi quả quyết đổi giọng mà rằng:

    – Có lẽ không thể gửi hình ấn bóng ở đây được mãi, để mang tiếng xấu xa. Và chăng, ngựa Hổ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành nam. Cảm vì nỗi ấy, tôi tất phải tìm về có ngày.”

    (Theo Ngữ văn 9, NXBGD Việt Nam, 2017)

    Câu 1. Đoạn văn trên trích từ văn bản nào? Tác giả là ai?

    Câu 2. Cuộc đối thoại của Vũ Nương với Phan Lang diễn ra trong hoàn cảnh nào?

    Câu 3. Từ “tiên nhân” trong đoạn văn trên chỉ những ai?

    Câu 4. Tìm các phép liên kết câu trong lời thoại sau:

    ” – Có lẽ không thể gửi hình ấn bóng ở đây được mãi, để mang tiếng xấu xa. Và chăng, ngựa Hồ gái gió bắc, chim Việt đậu cành nam. Cảm vì nỗi ấy, tôi tất phải tìm về có ngày.”

    Câu 5. Cảm nhận vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương trong đoạn trích trên.

    GỢI Ý:

    1.

    Đoạn văn trên trích từ văn bản Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ

    2.

    Cuộc đối thoại của Vũ Nương với Phan Lang diễn ra trong hoàn cảnh Phan Lang trò chuyện với Vũ Nương: Phan Lang gặp nạn được Linh Phi cứu và đưa xuống thủy cung, tại đây Phan Lang đã nhận ra Vũ Nương là người cùng làng và hỏi han Vũ Nương.

    3.

    Từ “Tiên nhân”

    – Từ “tiên nhân” đầu: chỉ ông cha, tổ tiên.

    – Từ “tiên nhân” sau: chỉ Trương Sinh

    4.

    Các phép liên kết câu trong lời thoại sau:

    – Phép nối: vả chăng

    – Phép thế: “ngựa Hồ gái gió bắc, chim Việt đậu cành nam” – “nỗi ấy”

    ” – Có lẽ không thể gửi hình ấn bóng ở đây được mãi, để mang tiếng xấu xa. Vả chăng, ngựa Hồ gái gió bắc, chim Việt đậu cành nam. Cảm vì nỗi ấy, tôi tất phải tìm về có ngày.”

    5.

    Vũ Nương vẫn thiết tha với gia đình, muốn trở về quê cũ

    – Ở thuỷ cung, nàng vẫn nhớ quê hương, có ngày tất phải tìm về.

    – Tìm về là để giải bày nỗi oan với chồng, với mọi người.

    – Nhưng nàng không thể trở về với nhân gian được nữa.

    Chủ đề: Văn bản nghị luận

    BÀN VỀ ĐỌC SÁCH – CHU QUANG TIỀM

    Phần I. Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu bên dưới:

    Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ. Nếu đọc được 10 quyển sách không quan trọng, không bằng đem thời gian, sức lực đọc 10 quyển ấy mà đọc một quyển thật sự có giá trị. Nếu đọc được mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần. “Sách cũ trăm lần xem chẳng chán – Thuộc lòng, ngẫm kĩ một mình hay”, hai câu thơ đó đáng làm lời răn cho mỗi người đọc sách. Đọc sách vốn có ích riêng cho mình, đọc nhiều không thể coi là vinh dự, đọc ít cũng không phải là xấu hổ. Đọc ít mà đọc kĩ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích lũy, tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất; đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm cho mắt hoa ý loạn, tay không mà về.

    (Ngữ Văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam 2016, trang 4, 5)

    Câu 1. Nêu xuất xứ của đoạn trích trên. Xác định nội dung chính của đoạn trích.

    Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của một nét nghệ thuật đặc sắc trong câu văn sau: “Nếu đọc được mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần”.

    Câu 3. Từ tinh thần của đoạn trích trên, hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng ½ trang) theo kiểu Tổng – phân – hợp, trình bày suy nghĩ của bản thân về phương pháp đọc sách sao cho hiệu quả.

    GỢI Ý:

    1.

    – Đoạn trích nằm trong văn bản Bàn về đọc sách của Chu Quang Tiềm.

    – Nội dung chính của đoạn trích: Đọc sách không cốt nhiều mà quan trọng là chọn tinh, đọc kĩ.

    2.

    Trong câu: “Nếu đọc được mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần” sử dụng biện pháp so sánh nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc sách cho kĩ để tiếp thu được hết những tinh hoa chứa đựng trong một quyển sách.

    3.

    Yêu cầu về hình thức:

    – Viết đúng đoạn tổng phân hợp và dung lượng mà đề bài yêu cầu.

    – Diễn đạt trôi chảy, luận điểm sáng rõ.

    Yêu cầu về nội dung:

    a. Thế nào đọc sách có hiệu quả?

    – Đọc sách có hiệu quả là khả năng tích lũy được những tri thức, rút ra được điều gì cho riêng mình, có ích đối với bản thân trong quá trình đọc sách.

    – Mục đích và vai trò của việc có phương pháp đọc sách hiệu quả: Để đọc sách có hiệu quả thì bản thân mỗi người cần phải có phương pháp và xây dựng được chiến lược đọc sách cho riêng mình. Mỗi người phù hợp với một phương pháp riêng. Việc tìm được và vận dụng phương pháp đọc sách phù hợp sẽ nâng cao khả năng đọc và tiếp thu vốn tri thức mà sách mang lại.

    b. Phương pháp đọc sách sao cho hiệu quả:

    * Cần xác định được các bước đọc sách:

    – Bước 1: Xác định mục đích đọc sách

    – Bước 2: Tìm hiểu địa chỉ và review về cuốn sách, lời giới thiệu, lời tựa, lời nói đầu của cuốn sách.

    – Bước 3: Đọc một vài đoạn.

    – Bước 4: Đọc thực sự (đọc sâu): Một vài kĩ năng: Đọc lướt qua, Đọc có trọng điểm, Đọc toàn bộ nhưng không nghiền ngẫm kĩ; Đọc nghiền ngẫm nội dung cuốn sách; Đọc thụ động; Đọc chủ động; Đọc nông; Đọc sâu,…

    * Tích cực tư duy khi đọc.

    * Tập trung chú ý cao độ khi đọc sách.

    * Rèn luyện khả năng đọc và có kĩ thuật đọc hợp lí: Chọn loại sách phù hợp, không gian đọc, tư thế đọc và chuẩn bị một quyển sổ để ghi chép những điều đáng lưu tâm vừa đọc được.

    * Ghi chép một cách khoa học những điều đã đọc.

    – Bản thân Lê-nin là người có trí nhớ tuyệt vời nhưng luôn ghi chép đầy đủ những điều đã đọc, đã nghĩ.

    – Mendelev nói: “Ý nghĩ không được ghi chép lại chỉ là một kho báu bị giấu biệt”.

    => Ghi chép sau khi đọc là quá trình tái hiện và tái tạo tri thức, giúp người đọc có khả năng hệ thống lại, nghiền ngẫm, thậm chí là vận dụng để tạo ra những tri thức mới.

    c. Liên hệ bản thân: Bản thân em đã đọc sách có hiệu quả chưa? Phương pháp mà em đã dùng để đọc sách có hiệu quả là gì?…

    Chủ đề: Văn học nước ngoài

    MÂY VÀ SÓNG

    Trong một văn bản đã học có các câu:

    – Con hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”.

    – Con hỏi: “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”.

    Câu 1. Những câu trích trên thuộc văn bản nào? Tác giả là ai?

    Câu 2. Đặt trong văn bản, những lời hỏi của người con chứa hàm ý gì?

    Câu 3. Từ nội dung văn bản có chứa những câu trích trên, kết hợp với hiểu biết xã hội của bản thân, trong khoảng 2/3 trang giấy thi, em hãy trình bày suy nghĩ về bản lĩnh của mỗi người trước những cám dỗ cuộc đời.

    GỢI Ý:

    1.

    – Tác phẩm: Mây và sóng

    – Tác giả: Ta-go.

    2.

    – Hàm ý lời hỏi của người con: làm cách nào để đạt được những ước mơ của mỗi người.

    3.

    – Yêu cầu hình thức:

    + Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận xã hội để tạo lập đoạn văn.

    + Đoạn văn dài khoảng 2/3 trang; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

    – Yêu cầu nội dung:

    + Giới thiệu vấn đề nghị luận: bản lĩnh của mỗi người trước những cám dỗ.

    + Giải thích:

    ./ Bản lĩnh: là sự tự khẳng định mình, bày tỏ những quan điểm cá nhân và có chính kiến riêng trong mọi vấn đề

    ./ Cám dỗ: những thú vui khêu gợi lòng ham muốn đến mức làm cho bản thân sa ngã vào những việc làm xấu, ảnh hưởng đến xã hội và liên quan đến pháp luật hay đạo đức con người.

    + Biểu hiện của người sống bản lĩnh:

    ./ Quyết đoán, không vì người khác nói ra nói vào mà lung lay ý chí quyết tâm của mình.

    ./ Người có bản lĩnh thường nói là làm và không nói hai lời.

    ./ Khi gặp khó khăn thường không than khóc oán trách số phận hay đổ lỗi cho người này, người kia mà là người tự dám nhận lỗi về mình tự mình khắc phục khó khăn để bước tiếp.

    ./ Dám theo đuổi ước mơ dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống

    + Ý nghĩa của việc sống bản lĩnh:

    ./ Sống bản lĩnh giúp cho bản thân có được sự tự tin trong cuộc sống, từ đó đề ra những mục tiêu và dám thực hiện chúng.

    ./ Bên cạnh đó, người bản lĩnh cũng dễ dàng thừa nhận những sai sót, khuyết điểm của mình và tiếp thu những cái hay, cái mới, cái hay.

    ./ Trước những cám dỗ của cuộc sống, người bản lĩnh hoàn toàn có thể tự vệ và tự ý thức được điều cần phải làm.

    + Mở rộng: Là học sinh, bản lĩnh được biểu hiện qua nhiều hành vi khác nhau. Đó là khi bạn cương quyết không để cho bản thân mình quay cóp, chép bài trong giờ kiểm tra. Đó là khi bạn sẵn sàng đứng lên nói những sai sót của bạn bè và khuyên nhủ họ. Khi mắc sai lầm, bạn tự giác thừa nhận và sửa sai.

    + Liên hệ bản thân: nhận thức được những cám dỗ và bản lĩnh để vượt qua.

    ……………………

    Tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *