Bài tập Tết môn Ngữ Văn lớp 6 năm 2023 – 2024 mang tới các dạng bài tập, có đáp án kèm theo, giúp các em học sinh lớp 6 ôn tập, củng cố kiến thức môn Ngữ văn thật tốt để tránh quên bài sau kỳ nghỉ Tết 2024 dài ngày.
Bạn đang đọc: Bài tập Tết môn Ngữ Văn lớp 6 năm 2023 – 2024
Bài tập Tết môn Ngữ văn 6 tổng hợp lý thuyết, các câu hỏi đọc hiểu, ôn tập văn tả cảnh. Ngoài ra, có thể tham khảo thêm bài tập Tết 2024 môn Tiếng Anh. Vậy mời thầy cô và các em theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Ôn tập Tết môn Ngữ Văn lớp 6 năm 2023 – 2024
Ôn tập lý thuyết Ngữ Văn lớp 6
I. Văn bản
– HS xem lại nội dung các văn bản đã học: Bài học đường đời đầu tiên, Sông nước Cà Mau.
II. Tiếng Việt
Ôn tập lí thuyết:
– HS xem lại nội dung kiến thức các bài đã học: Phó từ, So sánh trong phần ghi nhớ ở SGK.
Ôn tập phần Đọc hiểu Ngữ Văn 6
Bài 1:
Đọc kĩ đoạn văn và trả lời câu hỏi:
“Càng đổ dần về hướng mũi Cà Mau thì sông ngòi, kênh rạch càng bủa giăng chi chít như mạng nhện. Trên thì trời xanh, dưới thì nước xanh, chung quanh mình cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá. Tiếng rì rào bất tận của những khu rừng xanh bốn mùa, cùng tiếng sóng rì rào từ Biển Đông và vịnh Thái Lan ngày đêm không ngớt vọng về trong hơi gió muối […]. Dòng sông Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng. Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận.”
(Trích Sông nước Cà Mau, Đoàn Giỏi, Ngữ văn 6, tập 2)
a. Các từ Cà Mau, Thái Lan, Năm Căn thuộc từ loại gì?
b. Tìm những câu văn sử dụng biện pháp so sánh trong đoạn văn trên?
c. Cảnh sông nước Cà Mau qua đoạn văn là một bức tranh như thế nào?
Bài 2: Em hãy đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu ở bên dưới:
“Giời chớm hè. Cây cối um tùm. Cả làng thơm. Cây hoa lan nở hoa trắng xóa. Hoa giẻ từng chùm mảnh dẻ. Hoa móng rồng bụ bẫm thơm như mùi mít chín ở góc vườn ông Tuyên. Ong vàng, ong vò vẽ, ong mật đánh lộn nhau để hút mật ở hoa. Chúng đuổi cả bướm. Bướm hiền lành bỏ chỗ lao xao. Từng đàn rủ nhau lặng lẽ bay đi.”
(Duy Khán, Lao xao, SGK Ngữ văn 6 – Tập 2)
a. Trong đoạn văn, tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào? Nêu tác dụng của các biện pháp nghệ thuật ấy?
b. Đoạn văn đã khơi gợi trong em tình cảm gì với thiên nhiên, vạn vật xung quanh? Bản thân em cần phải làm gì để bảo vệ thiên nhiên và giữ gìn môi trường sống trong lành?
Bài 3: Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi ở dưới:
“Xa quá khỏi Hòn một đỗi là bãi Tre. Thấp thoáng những cây tre đằng ngà cao vút, vàng óng, những cây tre lâu nay vẫn đứng đấy, bình yên và thanh thản, mặc cho bao nhiêu năm tháng đã đi qua, mặc cho bao nhiêu gió mưa đã thổi tới. Sau rặng tre ấy, biển cả còn lâu đời hơn, vẫn đang giỡn sóng, mang một màu xanh lục”.
(Phong cảnh Hòn Đất – Anh Đức)
a. Nêu nội dung của đoạn văn?
b. Tìm các phó từ trong đoạn văn trên?
c. Từ đoạn văn, em hãy nêu những việc cần làm để góp phần giữ gìn, bảo vệ thiên nhiên?
Bài 4: Viết đoạn văn ngắn (từ 4-6 dòng) chủ đề quê hương có sử dụng phó từ. Gạch chân dưới phó từ.
Bài 5: Viết đoạn văn ngắn (từ 4-6 dòng) miêu tả cảnh dòng sông quê em có sử dụng phép tu từ so sánh. Gạch chân dưới phép tu từ so sánh.
Gợi ý:
Con sông ở quê em là một con sông trong và sạch. Nhìn từ xa, dòng sông như một dải lụa đào quanh co, uốn khúc. Con sông là một nhánh của sông Hồng. Nó chảy qua bao nhiêu xóm làng, qua những cánh đồng xanh mướt lúa khoai rồi chảy qua làng em. Mặt nước mênh mông vẫn lặng lẽ dõi theo từng dòng chảy. Thi thoảng, từng chú cá bông lại quẫy nhẹ dưới dòng nước mát lành. Vì nó đã gắn bó với em rất lâu nên em coi con sông này như là một người bạn thật vậy. Vào buổi sáng, mỗi khi ông Mặt Trời thức giấc, từng vầng hồng rạng rỡ mọc lên ở phía đằng đông, dòng sông sáng bừng lên dưới những ánh ban mai, ánh sáng ở dưới nước lúc này lấp lánh như là những viện kim cương vậy. Em rất yêu con sông quê em.
Ôn tập Văn tả cảnh lớp 6
1. Tả cảnh là dựng lại bằng ngôn ngữ một cách sinh động, cụ thể bức tranh về thiên nhiên, về hoạt động của con người. Trong tả cảnh có rất nhiều loại như tả cảnh đẹp (phong cảnh), thời tiết, tả cảnh sinh hoạt…
2. Muốn tả cảnh, người viết cần phải:
- Xác định được đối tượng miêu tả (Cảnh nào? Ở đâu? Vào thời điểm nào?)
- Quan sát, lựa chọn được những hình ảnh tiêu biểu.
- Trình bày những điều quan sát được theo một thứ tự nhất định.
3. Bố cục bài tả cảnh thường có 3 phần:
- Mở bài: giới thiệu cảnh được tả.
- Thân bài: tập trung tả cảnh vật chi tiết theo một thứ tự (có thể theo trình tự không gian: từ gần tới xa hoặc ngược lại; hoặc trình tự thời gian: những gì quan sát trước tả trước, những gì quan sát sau tả sau…).
- Kết bài: nêu ấn tượng hoặc cảm tưởng về cảnh vật đó.
4. Lập dàn ý cho bài văn: Hãy tả lại cây hoa đào mỗi dịp Tết đền xuân về bằng cách trả lời và hoàn chỉnh các ý:
Gợi ý cách lập dàn ý như sau:
I. Mở bài:
- Ở phần mở bài con phải viết nội dung gì?
II. Thân bài:
– Tả khái quát cây hoa đào:
- Cây được trồng ở đâu? Xuất xứ như thế nào?
- Cây đào thuộc loại nào nào?Đặc trưng riêng của cây là gì?
- Tình cảm và sự quan tâm của những người trong gia đình dành cho cây như thế nào?
– Tả chi tiết:
- Kích thước
- Hình dáng (thế của cây)
- Thân cây: to hay nhỏ, màu sắc
- Cành: hướng mọc, hình dáng
- Lá cây: Màu sắc, kích thước, nhiều/ít…
- Hoa đào: Màu sắc (có thể miêu tả màu sắc theo trình tự thời gian); cánh hoa như thế nào? Nhụy hoa? Cần miêu tả kĩ hoa đào
- Mùi hương
* Chú ý: Lựa chọn các từ ngữ có tình tạo hình, các tính từ chỉ màu sắc, từ láy tượng hình và kết hợp với các biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa để miêu tả được sinh động.
– Cảm nghĩ về cây hoa đào: Trình bày về ý nghĩa, công dụng của hoa đào trong ngày Tết và trong đời sống hằng ngày
III. Kết bài
- Ở phần kết bài con phải viết nội dung gì?