Hôm nay, Download.vn sẽ cung cấp Bài văn mẫu lớp 7: Dàn ý giải thích câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 7: Dàn ý giải thích câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn (3 mẫu)
Tài liệu gồm 3 mẫu dàn ý, rất hữu ích dành cho học sinh lớp 7. Mời tham khảo nội dung chi tiết ngay sau đây.
Dàn ý giải thích câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn
Dàn ý giải thích câu Uống nước nhớ nguồn – Mẫu 1
1. Mở bài
Dẫn dắt, giới thiệu câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”.
2. Thân bài
a. Giải thích
“Uống nước nhớ nguồn”: Lời nhắc nhở khuyên nhủ của ông cha ta đối với thế hệ sau sống phải có lòng biết ơn, quý trọng công ơn của người khác.
b. Tại sao “Uống nước phải nhớ nguồn?”
– Trong thiên nhiên và xã hội, không có một sự vật, một thành quả nào mà không có nguồn gốc, không do công sức lao động tạo nên.
– Của cải vật chất các thứ do bàn tay người lao động làm ra. Đất nước giàu đẹp do cha ông gây dựng, gìn giữ tiếp truyền. Con cái là do các bậc cha mẹ sinh thành dưỡng dục. Vì thế, nhớ nguồn là đạo lý tất yếu.
– Lòng biết ơn là tình cảm đẹp xuất phát từ lòng trân trọng công lao những người “trồng cây” phục vụ cho biết bao người “ăn trái”.
– Uống nước nhớ nguồn là nền tảng vững chắc tạo nên một xã hội nhân ái, đoàn kết. Lòng vô ơn, bội bạc sẽ khiến con người ích kỷ, ăn bám gia đình, xã hội.
c. Biểu hiện của đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”
– Tự hào với lịch sử anh hùng và truyền thống văn hóa vẻ vang của dân tộc, ra sức bảo vệ và tích cực học tập, lao động góp phần xây dựng đất nước.
– Gìn giữ bản sắc, tinh hoa của dân tộc Việt Nam mình, và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nước ngoài.
– Tiết kiệm, chống lãng phí khi sử dụng thành quả lao động của mọi người…
3. Kết bài
Khẳng định giá trị của câu tục ngữ trong tình hình thực tế đời sống hiện nay.
Dàn ý giải thích câu Uống nước nhớ nguồn – Mẫu 2
1. Mở bài
Nhân dân ta từ xưa đến nay luôn giữ gìn và phát huy được nhiều truyền thống tốt đẹp. Nổi bật trong số đó là tình cảm ân nghĩa, luôn biết ơn và kính trọng cội nguồn, tổ tiên. Tiêu biểu cho truyền thống đó là câu tục ngữ mà ông cha ta đã đúc kết để giảng dạy cho con cháu đời sau “Uống nước nhớ nguồn”.
2. Thân bài
– “Uống nước nhớ nguồn” ý là nhớ đến những người đã giúp đỡ, răn dạy mình chứ đừng đến lúc thành công thì lại phủ nhận công lao của người khác.
– Bất kì giọt nước nào cũng đều phải có nguồn cội của mình, cũng như con người có ông cha, tổ tiên.
– Con cháu đời sau thì phải luôn biết kính trọng, quý mến và biết ơn đến những người có công sinh thành, nuôi nấng mình.
– Ở phạm vi cả dân tộc ta mới thấy tinh thần “uống nước nhớ nguồn” luôn được nhân dân ta giữ gìn và phát huy một cách mạnh mẽ.
– Có được một cuộc sống hòa bình và ấm no như ngày hôm nay thì quân đội ta đã phải hy sinh rất nhiều, trong đó có cả ông cha, người thân của ta.
3. Kết bài
Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” là một bài học mà ông cha ta đã khéo léo gửi gắm để răn dạy con cháu đời sau phải biết sống nghĩa tình, biết kính trọng, yêu quý và biết ơn những người đã có công giúp đỡ và nuôi dạy mình.
Dàn ý giải thích câu Uống nước nhớ nguồn – Mẫu 3
I. Mở bài
Dẫn dắt, giới thiệu câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”.
II. Thân bài
1. Giải thích
– Nghĩa đen:
- “Uống nước”: uống, hưởng dòng nước mát.
- “Nguồn”: nơi khởi đầu của dòng nước.
=> “Uống nước nhớ nguồn”: Khi được uống, hưởng dòng nước mát thì hãy nhớ tới nơi khởi đầu cho ta dòng nước đó.
– Nghĩa bóng:
- “Uống nước”: hưởng những thành quả, thành tựu mà người khác tạo ra.
- “Nhớ nguồn”: Nhớ tới những người đã tạo ra thành quả đó.
=> “Uống nước nhớ nguồn”: Con người cần biết ơn, ghi nhớ những người đã giúp đỡ hoặc tạo ra thành quả để mình được hưởng.
2. Dẫn chứng
– Câu chuyện “Cây khế”: Chim thần ăn khế của anh nông dân nghèo nên đã đền ơn anh bằng cách chở anh tới đảo lấy vàng. Từ đó, vợ chồng anh ta sống ấm no, thoát cảnh nghèo khổ.
– Bác Hồ từng dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu nói đó thể hiện thái độ trân trọng, biết ơn đối với những hy sinh của thế hệ trước mà cụ thể là vua Hùng để từ đó rút ra trách nhiệm của bản thân, của thế hệ sau với tương lai đất nước.
– Hiện nay, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đền ơn đáp nghĩa tới những bà mẹ Việt Nam anh hùng nhằm ghi nhận những hy sinh lớn lao của họ cho nền độc lập nước nhà…
3. Liên hệ bản thân
– Tích cực rèn luyện bản thân về cả thể lực và trí lực, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, vững chắc.
– Phê phán những con người không biết trân trọng cuộc sống, lãng phí thành quả sức lao động của người khác.
III. Kết bài
Khẳng định giá trị tốt đẹp của đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”.