Văn mẫu lớp 10: Phân tích nhân vật thầy Ha-men trong Buổi học cuối cùng

Văn mẫu lớp 10: Phân tích nhân vật thầy Ha-men trong Buổi học cuối cùng

Văn mẫu lớp 10: Phân tích nhân vật thầy Ha-men trong Buổi học cuối cùng mang đến dàn ý và bài văn mẫu hay nhất của các bạn học sinh giỏi. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều tư liệu tham khảo, trau dồi kiến thức để biết cách viết bài văn phân tích hay.

Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 10: Phân tích nhân vật thầy Ha-men trong Buổi học cuối cùng

Văn mẫu lớp 10: Phân tích nhân vật thầy Ha-men trong Buổi học cuối cùng

Buổi học cuối cùng là tác phẩm lấy bối cảnh từ một sự kiện lịch sử: sau chiến tranh Pháp – Phổ, nước Pháp thua trận, hai vùng Andat và Loren giáp biên giới Phổ được nhập vào Phổ. Buổi học cuối cùng thể hiện tình yêu nước, ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ ngôn ngữ của dân tộc. Vậy dưới đây là dàn ý và bài văn mẫu phân tích thầy Ha-men, mời các bạn cùng đón đọc tại đây.

Phân tích nhân vật thầy Ha-men hay nhất

    Dàn ý phân tích nhân vật thầy Ha-men

    A. Mở bài

    – Giới thiệu về tác phẩm và đoạn trích

    – Nêu cảm nhận chung về nhân vật

    B. Thân bài

    * Phân tích đặc điểm nhân vật

    – Là một người thầy tâm huyết, tận tâm với nghề

    • Dù là buổi học cuối nhưng thầy vẫn lên lớp dạy như bao ngày trước kia
    • Thầy nhẹ nhàng, dịu dàng nhắc nhở học trò
    • Thầy kiên nhẫn truyền đạt hết những kiến thức cho học trò

    – Là một người có tấm lòng yêu nước, yêu ngôn ngữ dân tộc thiết tha

    • Thầy nói với học trò của mình về vẻ đẹp của tiếng Pháp
    • Khi cho học sinh viết tập, thầy đã chuẩn bị những “tờ mẫu mới tinh”
    • Khi nghe thấy tiếng kèn của lính Phổ bên ngoài thầy xúc động mạnh.
    • Thầy cầm phấn viết lên bảng dòng chữ “nước Pháp muôn năm” rồi giơ tay ra hiệu kết thúc

    * Nghệ thuật xây dựng nhân vật

    • Sử dụng ngôi kể thứ nhất, xưng tôi giúp cho nhân vật được bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc một cách chân thực, rõ nét
    • Nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo: khắc hoạ nhân vật thông qua trang phục, cử chỉ, hành động, lời nói.

    C. Kết bài

    Đánh giá về nhân vật thầy Hamen.

    Phân tích nhân vật thầy Ha-men

    Đoạn trích “Buổi học cuối cùng” trích từ tác phẩm “Chuyện kể của một em bé người An-dát” đã mang đến cho độc giả một câu chuyện cảm động về buổi học cuối cùng của các em vùng An-dát. Thông qua đoạn trích, nhà văn người Pháp An-phông-xơ Đô-đê còn khắc họa rõ nét hình ảnh người thầy Ha-men – một người có lòng yêu nước, yêu ngôn ngữ dân tộc tha thiết.

    Bốn mươi năm làm nghề giáo viên, thầy Ha-men luôn hết lòng phụng sự, dốc trọn nhiệt huyết. Vì thế, vào buổi học cuối cùng, thầy vẫn đến lớp như bao ngày. Thầy ăn vận trang trọng, lịch sự “mặc chiếc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục, diềm lá sen gấp nếp mịn và đội cái mũ tròn bằng lụa đen thêu mà thầy chỉ dùng vào những hôm có thanh tra hoặc phát phần thưởng”. Có thể thấy, thầy Ha-men luôn quý trọng từng giây, từng phút được đứng trên bục giảng để chỉ bảo kiến thức cho học trò. Dù ngày hôm ấy là buổi học cuối cùng nhưng thầy vẫn tâm huyết, tận tình. Thầy không tỏ thái độ giận dữ khi học trò mắc lỗi như mọi hôm mà chỉ nhẹ nhàng bảo ban “Phrăng, vào chỗ nhanh lên con; lớp sắp bắt đầu học mà vắng mặt con”. Trong giờ học, thầy vẫn kiên nhẫn giảng giải tất cả kiến thức “Cứ như thể trước khi ra đi, con người tội nghiệp muốn truyền thụ toàn bộ tri thức của mình”. Có thể thấy, tấm lòng yêu nghề, khát khao cống hiến luôn rực cháy tận trong sâu thẳm con người thầy Ha-men.

    Bên cạnh đó, thầy Ha-men còn là một người có lòng yêu nước, yêu ngôn ngữ dân tộc da diết. Khi buổi học diễn ra, thầy không quên nói về vẻ đẹp của tiếng Pháp. Thầy nhắc nhở, dặn dò học trò của mình “phải giữ lấy nó trong chúng ta và đừng bao giờ quên”. Hay trong giờ viết tập, thầy còn chuẩn bị “những tờ mẫu mới tinh, trên có viết bằng chữ rông thật đẹp: Pháp, An-dát, Pháp, An-dát.”. Thầy hi vọng học trò của mình luôn biết yêu mến, nâng niu, trân trọng ngôn ngữ dân tộc. Từ đây, ta có thể cảm nhận được tình yêu da diết mà thầy Ha-men dành cho tiếng mẹ đẻ – “ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất”. Giây phút tiếng kèn của lính Phổ vang lên ngoài cửa sổ, thầy đã không kìm nổi nỗi xúc động ở bản thân “đứng dậy trên bục, người tái nhợt”. Lúc này đây, mọi lời nói đã nghẹn ứ nơi cổ họng. Sau cùng, bằng tất cả ý chí và quyết tâm, thầy đã cầm phấn viết lên bảng dòng chữ “NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM!”. Như vậy, tận sâu trong thâm tâm và trái tim thầy là hình bóng Tổ quốc và tiếng nói dân tộc. Hình ảnh thầy đứng dựa vào tường, chẳng nói một lời mà chỉ giơ tay ra hiệu “Kết thúc rồi… đi đi thôi!” làm chúng ta không khỏi cảm động.

    Để làm nổi bật hình tượng nhân vật Ha-men, nhà văn Đô-đê đã sử dụng nhiều hình thức nghệ thuật độc đáo. Trước hết, ông đã rất thành công trong việc xây dựng nhân vật. Nhân vật thầy Ha-men hiện lên thật chân thực, rõ nét qua các chi tiết miêu tả trang phục, cử chỉ, lời nói, hành động,… Ngoài ra, việc sử dụng ngôi kể thứ nhất xưng “tôi” cũng giúp Phrăng dễ dàng bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc về thầy Ha-men và buổi học cuối cùng.

    Mỗi khi nhắc tới đoạn trích “Buổi học cuối cùng”, chúng ta sẽ chẳng thể nào quên hình bóng người thầy Ha-men yêu nghề, yêu tiếng nói dân tộc và yêu Tổ quốc tha thiết. Mong rằng, những giá trị nhân văn, tốt đẹp của tác phẩm sẽ luôn sống mãi theo dòng chảy thời gian.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *