Download.vn muốn giới thiệu tài liệu Bài văn mẫu lớp 8: Đoạn văn nêu cảm nhận về một hình ảnh đặc sắc trong một bài thơ thu của Nguyễn Khuyến.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 8: Đoạn văn nêu cảm nhận về một hình ảnh đặc sắc trong một bài thơ thu của Nguyễn Khuyến
Tài liệu dành cho các bạn học sinh lớp 8 tham khảo để có thêm ý tưởng bài viết. Nội dung ngay sau đây.
Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) nêu cảm nhận của em về một hình ảnh đặc sắc trong một bài thơ thu của Nguyễn Khuyến.
Cảm nhận về một hình ảnh đặc sắc trong một bài thơ thu của Nguyễn Khuyến
Cảm nhận của em về một hình ảnh đặc sắc – Mẫu 1
Khi đọc bài thơ “Thu điếu”, tôi cảm thấy ấn tượng nhất với hình ảnh của nhân vật trữ tình trong hai câu thơ cuối:
“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”
Nhà thơ Nguyễn Khuyến đã khắc họa hình ảnh nhân vật trữ tình đang ngồi câu cá. Cụm từ “tựa gối ôm cần” gợi ra tư thế của người câu cá, cũng là một tâm thế nhàn của một nhà thơ đã thoát vòng danh lợi. Âm thanh “cá đâu đớp động”, thêm từ “đâu” gợi lên sự mơ hồ, xa vắng và chợt tỉnh. Người câu cá phải chăng cũng chính là tác giả – một con người yêu nước thương dân nhưng bất lực trước thời cuộc, không cam tâm làm tay sai cho thực dân Pháp nên đã cáo bệnh, từ quan. Và rồi, tâm hồn bỗng chợt tỉnh trở về thực tại khi “cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Không gian có lẽ phải vô cùng yên tĩnh mới có thể lắng nghe được tiếng cá đớp động. Nhờ có không gian tĩnh lặng đó đã góp phần diễn tả tâm trạng buồn bã, cô quạnh trong lòng nhà thơ.
Cảm nhận của em về một hình ảnh đặc sắc – Mẫu 2
Khi đọc bài thơ Thu điếu, tôi cảm thấy ấn tượng nhất với hình ảnh bức tranh thu được tác giả khắc họa:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”
Tác giả Nguyễn Khuyến đã khắc họa bức tranh thu nơi làng quê Bắc bộ bằng những hình ảnh giản dị, quen thuộc. Ao thu hiện lên với làn nước trong veo, mang dáng vẻ lạnh lẽo của mùa thu. Nổi bật ở đó là chiếc thuyền câu “bé tẻo teo”. Sự đối lập về kích thước giữa ao thu rộng lớn với chiếc thuyền câu bé nhỏ khiến không gian câu thơ càng thêm rộng mở và trống trải. Điểm nhìn của nhân vật trữ tình từ gần mở rộng ra xa. Trên cao, bầu trời xanh ngắt, cao vợi đem lại cảm giác thoáng đãng vô cùng. Tác giả đã lấy chiếc thuyền câu nhỏ bé làm trung tâm, dường như nhân vật trữ tình đang ở đó để quan sát khung cảnh thiên nhiên, từ đó phóng tầm mắt ra xa là trời cao, ao rộng – các chiều kích không gian đều được khai mở toàn phần. Tất cả kết hợp với nhau, tạo nên bức tranh mùa thu tĩnh lặng đến lạ lùng.
Cảm nhận của em về một hình ảnh đặc sắc – Mẫu 3
Trong bài Thu vịnh của Nguyễn Khuyến, mùa thu được phác họa với không gian thoáng đãng:
“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.”
Mùa thu của phương Bắc có bầu trời cao, xanh ngắt. Không gian mở ra thăm thẳm “mấy tầng cao”. “Cần trúc” (trúc chứ không phải là tre) vươn lên trên nền trời thu “xanh ngắt”. Nét cong mềm của “cần trúc” vươn lên một cách thanh cao, không ủy mị như rặng liễu đìu hiu buông xuống trong thơ mùa thu của Xuân Diệu. Từ láy “lơ phơ” gợi tả vẻ thưa thớt của những lá trúc lay động bởi gió heo may mùa thu. Còn từ láy “hắt hiu” lại gợi được sự rung động của cành trúc hay còn là sự rung động của tâm hồn thi nhân trước cảnh thu, trời thu đượm buồn.
Cảm nhận của em về một hình ảnh đặc sắc – Mẫu 4
Trong bài thơ Thu ẩm của Nguyễn Khuyến, tôi đặc biệt ấn tượng với hình ảnh:
“Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt,
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.”
Ở đây, nhà thơ đã miêu tả khung cảnh bầu trời và cảnh mình. Dường như bầu trời và con người đều bị một thế lực vô hình nào đó làm cho biến đổi. Da trời không biết ai nhuộm mà xanh ngắt, mắt mình không vầy sao cũng đỏ hoe. Chữ “ai” trong câu thơ mang tính phiếm chỉ, không rõ là ai. Còn nhà thơ thì đang trĩu nặng trước cảnh đất nước bị lũ giặc ngoại xâm giày xéo. Hình ảnh trên đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc.