Văn mẫu lớp 12: Dàn ý nghị luận về vấn đề con người cần được sống là chính mình bao gồm 2 mẫu chi tiết đầy đủ nhất để các em học sinh tham khảo, ôn luyện kiến thức để biết cách triển khai bài văn nghị luận xã hội hay.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 12: Dàn ý nghị luận về vấn đề con người cần được sống là chính mình
Hãy sống với chính mình, đừng đào bới sự cô đơn trong tâm hồn đã chết, đừng tô điểm thêm gì cho tượng gỗ vô hồn, đừng theo đuổi cái giả dối thiếu chân thực, đừng hùa theo trào lưu phù phiếm xã hội. Vậy sau đây là 2 dàn ý sống là chính mình mời các bạn cùng theo dõi. Ngoài ra các bạn xem thêm dàn ý giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Dàn ý nghị luận về vấn đề con người cần được sống là chính mình
Dàn ý nghị luận sống là chính mình
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: hãy sống là chính mình.
Lưu ý: học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào khả năng của bản thân.
2. Thân bài
a. Giải thích
Câu nói mang ý nghĩa: mỗi người sinh ra có những đặc điểm riêng, sứ mệnh riêng, chúng ta không nên nhòm ngó cuộc sống của người khác hoặc cố gắng trở thành ai đó cả.
b. Phân tích
Mỗi con người sinh ra đều có khuôn mặt khác nhau, hoàn cảnh riêng, điều kiện sống khác nhau từ đó hình thành những tính cách, suy nghĩ khác nhau. Chính vì những sự khác nhau này tạo nên đặc điểm nhận dạng riêng biệt của người đó.
Nếu xã hội này ai cũng phấn đấu đến một hình tượng chung, một tính cách chung mà không là chính mình sẽ khiến cho xã hội trở nên một màu, khó có thể phát triển bản thân và xã hội.
Xã hội phát triển là do sự khác biệt của con người tạo nên, mỗi người một cá tính góp phần làm cho cuộc sống muôn màu muôn vẻ hơn.
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người sống là chính mình, tự tin về bản thân mình và đạt được nhiều thành công để minh họa cho bài làm của mình.
Lưu ý: dẫn chứng xác thực, nổi bật, tiêu biểu, được nhiều người biết đến.
d. Phản biện
Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người tự ti vào bản thân, hay soi xét cuộc sống của người khác và cố gắng trở thành bản sao của người nào đó. Lại có những người vì tham vọng của bản thân mà đánh mất chính mình,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn phê phán, chỉ trích.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề nghị luận: hãy sống là chính mình; đồng thời rút ra bài học, liên hệ đến bản thân mình.
Dàn ý sống là chính mình
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề nghị luận: Mỗi người sinh ra đều là một cá thể riêng biệt, không ai giống ai vì vậy chúng ta cần phải “sống là chính mình”
2. Thân bài
* Giải thích
– “Sống là chính mình” ở đây giống với một khái niệm trong tâm lý học là “sống thật”. Tức là nó xuất phát từ việc bạn thực sự là ai.
* Phân tích:
– Tại sao cần phải sống là chính mình?
- Hãy tự đặt ra câu hỏi bạn có muốn trở thành bản sao của người khác không?
- Nếu không được sống là chính mình, bạn sẽ phải đeo những chiếc mặt nạ giả dối để đối diện với mọi người xung quanh.
* Bàn luận mở rộng vấn đề:
– Có những người tự ti, không dám sống là chính mình vì có những người xung quanh không chịu chấp nhận bản chất thật của những người bên cạnh họ. Luôn phán xét, kì thị họ khiến họ trở nên tự ti vào chính mình.
– Sống là chính mình không có nghĩa là bảo thủ và đề cao cái tôi cá nhân.
3. Kết bài
Khẳng định lại vấn đề: Hãy biết cách nhìn nhận đúng đắn giá trị của bản thân mình.