Giáo án Mĩ thuật 11 sách Kết nối tri thức với cuộc sống

Giáo án Mĩ thuật 11 sách Kết nối tri thức với cuộc sống

Giáo án Mĩ thuật 11 Kết nối tri thức với cuộc sống được biên soạn rất cẩn thận, trình bày khoa học bài 5 Thiết kế trang trí bao bì bằng giấy theo chương trình sách giáo khoa mới. Qua đó giúp thầy cô tham khảo để soạn giáo án dạy môn Mĩ thuật lớp 11 năm 2023 – 2024 cho học sinh của mình.

Bạn đang đọc: Giáo án Mĩ thuật 11 sách Kết nối tri thức với cuộc sống

Giáo án Mĩ thuật 11 Kết nối tri thức với cuộc sống giúp học sinh tiếp thu kiến thức tốt nhất. Đồng thời giúp giáo viên có một cách dạy mạch lạc, rõ ràng, dễ hiểu khiến các bạn học sinh tiếp thu kiến thức tốt nhất.

Giáo án Mĩ thuật 11 Kết nối tri thức

Ngày soạn:…/…/…

Ngày dạy:…/…/…

NỘI DUNG: LÍ LUẬN VÀ LỊCH SỬ MĨ THUẬT

BÀI 1: KHÁI QUÁT VỀ LÍ LUẬN MĨ THUẬT

I. MỤC TIÊU

1. Kiến thức

Sau bài học này, HS sẽ:

  • Biết được một số đặc điểm về lí luận mĩ thuật.
  • Hiểu được một số công việc của nhà nghiên cứu lí luận mĩ thuật.

2. Năng lực

Năng lực chung:

  • Năng lực giao tiếp và hợp tác: khả năng thực hiện nhiệm vụ một cách độc lập hay theo nhóm; Trao đổi tích cực với giáo viên và các bạn khác trong lớp.
  • Năng lực tự chủ và tự học: biết lắng nghe và chia sẻ ý kiến cá nhân với bạn, nhóm và GV. Tích cực tham gia các hoạt động trong lớp.
  • Giải quyết vấn đề và sáng tạo: biết phối hợp với bạn bè khi làm việc nhóm, tư duy logic, sáng tạo khi giải quyết vấn đề.

Năng lực riêng:

  • Xác định được đối tượng nghiên cứu và một số cách tiếp cận trong lĩnh vực lí luận mĩ thuật.
  • Lập dàn ý bài viết giới thiệu một tác phẩm mĩ thuật.
  • Vận dụng được kiến thức, kĩ năng đã học trong tìm hiểu vẻ đẹp, giá trị của di sản mĩ thuật.

3. Phẩm chất

  • Yêu thích lĩnh vực lí luận mĩ thuật và có khả năng giới thiệu về nền mĩ thuật trong một giai đoạn cụ thể.

II. THIẾT BỊ DẠY HỌC

1. Đối với giáo viên

  • SHS, SGV Mĩ thuật 11.
  • Một số tư liệu, sản phẩm, tác phẩm mĩ thuật.
  • Máy tính, máy chiếu.

2. Đối với học sinh

  • SHS Mĩ thuật 11.
  • Bài thuyết trình.
  • Ảnh tư liệu về tác phẩm mĩ thuật đã sưu tầm

III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC

A. HOẠT ĐỘNG 1: KHÁM PHÁ

a. Mục tiêu: Thông qua hoạt động, HS:

– Biết được mối liên hệ giữa lí luận mĩ thuật và các thành phần liên quan.

– Biết đến công việc của nhà nghiên cứu lí luận mĩ thuật.

b. Nội dung:

– HS tìm hiểu và thuyết trình về mối quan hệ giữa lí luận mĩ thuật với các thành phần liên quan qua cấu trúc sơ đồ tư duy.

– Tìm hiểu đặc điểm của một số công việc liên quan đến lĩnh vực lí luận mĩ thuật.

c. Sản phẩm: Bài thuyết trình và hình minh họa theo cảm nhận về mối quan hệ giữa lí luận mĩ thuật với hệ thống tri thức về mĩ thuật, trải nghiệm nghệ thuật, cũng như các công việc liên quan của nhà nghiên cứu lí luận mĩ thuật.

d. Tổ chức thực hiện:

Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập

– GV chia HS cả lớp thành 3 nhóm.

– GV yêu cầu các nhóm thảo luận, thực hiện nhiệm vụ cụ thể sau :

+ Nhóm 1: Nêu mối quan hệ giữa lí luận mĩ thuật và hệ thống tri thức về mĩ thuật.

+ Nhóm 2 : Phân tích mối liên hệ giữa lí luận mĩ thuật và trải nghiệm mĩ thuật.

+ Nhóm 3: Nêu hiểu biết của bản thân về công việc của các nhà lí luận mĩ thuật.

– GV lưu ý: Việc trình bày có phần tư liệu ảnh sưu tầm để minh họa cho nội dung trình bày.

Bước 2: HS tiếp nhận, thực hiện nhiệm vụ học tập

– HS các nhóm phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên các nhóm.

– GV quan sát việc tham gia hoạt động học tập trên lớp của HS:

+ Chuẩn bị bài thuyết trình của mỗi nhóm.

+ Sự tham gia của mỗi thành viên trong nhóm.

+ Sự tham gia của HS trong lớp.

+ Sự tích cực đặt câu hỏi, trả lời trong phần thảo luận.

Bước 3: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập

– GV mời đại diện 3 nhóm lần trình bày kết quả thảo luận về các nội dung:

+ Mối quan hệ giữa lí luận mĩ thuật và hệ thống tri thức về mĩ thuật.

+ Mối liên hệ giữa lí luận mĩ thuật và trải nghiệm mĩ thuật.

+ Công việc của các nhà lí luận mĩ thuật.

– GV yêu cầu các HS khác lắng nghe, nhận xét, nêu ý kiến bổ sung hoặc đặt câu hỏi cho nhóm bạn (nếu có).

Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập

GV nhận xét, đánh giá và chuẩn kiến thức:

– Lí luận mĩ thuật là hệ thống những tri thức về mĩ thuật đã được khái quát, đáng tin cậy liên quan đến bản chất, biểu hiện, nhận thức về cái đẹp và trải nghiệm nghệ thuật.

à Lí luận mĩ thuật giúp nhà nghiên cứu mĩ thuật có cơ sở để đánh giá các ý tưởng, hình thức biểu đạt và quá trình sáng tạo của nghệ sĩ thông qua tác phẩm, góp phần giúp công chúng biết, hiểu và nâng cao năng lực, thị hiếu thâm mĩ của bản thân.

– Mối quan hệ giữa lí luận mĩ thuật với các thành phần liên quan:

– Công việc của nhà nghiên cứu lí luận mĩ thuật:

+ Giảng viên lí luận mĩ thuật dạy học các môn lí luận trĩ thuật ở các cơ sở đào tạo nghệ thuật.

+ Nghiên cứu viên có nhiệm vụ nghiên cứu, khảo cứu các di sản và tác phẩm nghệ thuật từ đó đi đến kết luận, thông cáo tác phẩm trên các tư liệu in ấm….

+ Biên tập viên có nhiệm vụ chỉnh sửa, rà soát, đính chính những nội dung bài viết về mĩ thuật ở các cơ quan thông tấn báo chí, nhà xuất bản,…

+ Giám tuyển nghệ thuật có nhiệm vụ giám định, tuyển chọn các tác phẩm nghệ thuật có giá trị tại các bảo tàng, phòng triển lãm mĩ thuật.

à Các nhà nghiên cứu tham gia nhiều hoạt động như giao lưu, kết nối, toạ đàm trao đổi học thuật, viết bài, hệ thống hoá dữ liệu về nguồn tin tác giả, tác phẩm phục vụ cho công việc lí luận và phê binh mĩ thuật; thường trình bày quan điểm của cá nhân về chủ đề, phong cách, xu hướng mĩ thuật trên cơ sở những dữ liệu về tác giả, tác phẩm thu thập được.

HOẠT ĐỘNG 2: NHẬN BIẾT

a. Mục tiêu: Thông qua hoạt động, HS:

– Hiểu biết về đối tượng nghiên cứu trong lĩnh vực lí luận mĩ thuật.

– Biết đến một số cách tiếp cận và lập được dàn ý bài viết trong giới thiệu tác phẩm mĩ thuật.

b. Nội dung:

– Những kiến thức cơ bản về đối tượng nghiên cứu trong lĩnh vực lí luận mĩ thuật.

– Cách tiếp cận trong tìm hiểu tác giả, tác phẩm.

– Cách thiết lập dàn ý bài viết giới thiệu tác phẩm mĩ thuật.

c. Sản phẩm: Bài luận ngắn giới thiệu về một tác phẩm mĩ thuật.

d. Tổ chức thực hiện:

HOẠT ĐỘNG CỦA GV – HS

DỰ KIẾN SẢN PHẨM

Nhiệm vụ 1: Đối tượng nghiên cứu của lí luận mĩ thuật

Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập

GV yêu cầu HS thảo luận cặp đôi, khai thác thông tin về đối tượng nghiên cứu của lí luận mĩ thuật SHS tr.7 và cho biết:

– Trình bày những hiểu của em về đối tượng nghiên cứu của lí luận mĩ thuật.

– Theo em, trong các đối tượng nghiên cứu của lí luận mĩ thuật, đối tượng nào là quan trọng nhất? Vì sao?

Bước 2: HS tiếp nhận, thực hiện nhiệm vụ học tập

– HS thảo luận cặp đôi, đọc thông tin SHS kết hợp sưu tầm thông tin, tư liệu, hình ảnh để tìm hiểu về đối tượng nghiên cứu của lí luận mĩ thuật.

– GV quan sát việc tham gia hoạt động học tập trên lớp của HS:

+ Sự tham gia của mỗi thành viên trong nhóm đôi.

+ Sự tích cực đặt câu hỏi, trả lời trong phần thảo luận.

Bước 3: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập

– GV mời đại diện một số HS trình bảy về đối tượng nghiên cứu của lí luận mĩ thuật.

– GV yêu cầu các HS khác lắng nghe, nhận xét, nêu ý kiến bổ sung hoặc đặt câu hỏi cho nhóm bạn (nếu có).

Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập

– GV kết luận: Lí luận mĩ thuật đáp ứng nhu cầu, sự quan tâm của nghệ sĩ và công chúng nghệ thuật về sáng tạo, thưởng thức tác phẩm mĩ thuật. Vì vậy, đối tượng của lí luận mĩ thuật gắn liền với việc tìm hiểu tác giả, tác phẩm, quá trình sáng tạo và giá trị thẩm mĩ.

– GV chuyển sang nhiệm vụ mới.

Nhiệm vụ 2: Cách tiếp cận trong tìm hiểu tác phẩm mĩ thuật

Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập

– GV yêu cầu HS làm việc cá nhân, đọc thông tin SHS tr.7, kết hợp tìm hiểu bài viết giới thiệu tác phẩm mĩ thuật Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ SHS tr.8 và trả lời câu hỏi: Trình bày một số cách tiếp cận trong tìm hiểu tác phẩm mĩ thuật.

– GV hướng dẫn HS: Trong mỗi cách tiếp cận, HS tìm hiểu, khai thác mặt tích cực, hạn chế, khả năng phù hợp với bản thân.

Bước 2: HS tiếp nhận, thực hiện nhiệm vụ học tập

– HS đọc thông tin SHS, kết hợp hợp khai thác bài viết giới thiệu tác phẩm mĩ thuật để tìm hiểu về cách tiếp cận trong tìm hiểu tác phẩm mĩ thuật.

– GV quan sát, hướng dẫn, hỗ trợ HS (nếu cần thiết).

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động, thảo luận

– GV mời đại diện 1 – 2 HS trình bày về các cách tiếp cận trong tìm hiểu trong TPMT.

– GV yêu cầu các HS khác lắng nghe, nhận xét, nêu ý kiến bổ sung (nếu có).

Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập

– GV nhận xét, đánh giá, chuẩn kiến thức.

– GV kết luận:

+ Thông qua lí luận mĩ thuật, người học tiếp nhận kiến thức về chuyên môn, nâng cao cái nhìn về cuộc sống và giá trị của di sản/tác phẩm mĩ thuật, nâng cao kĩ năng thực hành.

+ Có nhiều cách tiếp cận khi giải thích, xác định đặc điểm, phân tích làm rõ những giá trị tác phẩm mĩ thuật.

– GV chuyển sang nhiệm vụ mới.

Nhiệm vụ 3: Lập dàn ý bài viết giới thiệu một tác phẩm mĩ thuật yêu thích

Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập

– GV hướng dẫn HS làm việc cá nhân, đọc thông tin SHS tr.9 để tìm hiểu về dàn ý bài viết một tác phẩm mĩ thuật yêu thích.

– GV yêu cầu HS thảo luận cặp đôi, tìm dữ liệu thực hiện lựa chọn tác phẩm và viết bài giới thiệu.

– GV hướng dẫn HS đánh giá bài viết sẽ theo những tiêu chí xác lập trong nội dung của mục này (xác định đối tượng, lựa chọn cách tiếp cận, xây dựng dàn ý bài viết).

Bước 2: HS tiếp nhận, thực hiện nhiệm vụ học tập

– HS tìm hiểu các bước lập dàn ý giới thiệu một tác phẩm yêu thích.

– HS thực hiện tìm dữ liệu thực hiện lựa chọn tác phẩm và viết bài giới thiệu.

– GV quan sát, hướng dẫn, hỗ trợ HS (nếu cần thiết).

Bước 3: Báo cáo cáo kết quả hoạt động thảo luận

– GV mời đại diện 1 – 2 HS tìm hiểu các bước lập dàn ý giới thiệu một tác phẩm yêu thích.

– GV mời đại diện 1 -2 HS trình bày lựa chọn tác phẩm.

– GV yêu cầu các HS khác lắng nghe, nhận xét, nêu ý kiến bổ sung (nếu có).

Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập

– GV nhận xét, đánh giá, chuẩn kiến thức.

– GV chuyển sang nhiệm vụ mới.

Nhiệm vụ 4: Viết bài luận giới thiệu về tác phẩm mĩ thuật

Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập

GV giao nhiệm vụ cho HS thực hiện:

– Lựa chọn tác phẩm mĩ thuật.

– Lựa chọn các tiếp cận.

– Xây dựng dàn ý bài viết.

– Tìm tư liệu (bài viết, dữ liệu) liên quan.

Bước 2: HS tiếp nhận, thực hiện nhiệm vụ học tập

– HS thực hiện bài viết dựa vào sự chuẩn bị và lựa chọn của mình.

– GV hướng dẫn, hỗ trợ HS (nếu cần thiết).

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động, thảo luận

HS hoàn thành bài luận giới thiệu về tác phẩm mĩ thuật.

Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập

GV nhận xét, đánh giá.

NHẬN BIẾT

1. Đối tượng nghiên cứu của lí luận mĩ thuật

– Tìm hiểu tác giả: Thành tựu, dấu mốc gắn với cuộc đời, sự nghiệp, quan điểm, hoạt động trí tuệ…. để tạo ra tác phẩm một cách sáng tạo.

– Nội dung, hình thức tác phẩm: phân tích ngôn ngữ tạo hình thể hiện tư tưởng, ý nghĩa của tác phẩm thông qua hình thức, cấu trúc, bố cục, kết cấu, bề mặt,…

– Quá trình sáng tác: những yếu tố tác động đến bối cảnh, quá trình sáng tạo, thực hiện tác phẩm.

– Giá trị thẩm mĩ: biểu hiện qua khả năng khơi gợi niềm vui khi được đánh giá qua những trải nghiệm nghệ thuật.

2. Cách tiếp cận trong tìm hiểu tác phẩm mĩ thuật

Tiếp cận theo hình thức thể hiện tác phẩm thông qua ngôn ngữ tạo hình, kĩ thuật thực hiện.

Tiếp cận theo cảm xúc trên cơ sở phản ứng tâm lí và kinh nghiệm khi thưởng thức tác phẩm.

Tiếp cận trên cơ sở kết hợp giữa hình thức tác phẩm và cảm xúc khi thưởng thức tác phẩm.

3. Lập dàn ý bài viết giới thiệu một tác phẩm mĩ thuật yêu thích.

– Tìm hiểu thông tin về tác phẩm như: tên tác phẩm, tên tác giả, bối cảnh xã hội khi tác phẩm được sáng tác.

– Tìm hiểu về hình thức biểu đạt của tác phẩm (nội dung, hình thức, kĩ thuật, chất liệu tạo hình,…).

– Tìm hiểu về tính sáng tạo của nghệ sĩ qua việc xem xét tác phẩm có thúc đẩy trí tưởng tượng, liên tưởng khi thưởng thức hay không.

– Tìm hiểu ý nghĩa của tác phẩm đối với nền văn hóa và đời sống xã hội đương thời và thời gian sau đó.

4. Viết bài luận giới thiệu về tác phẩm mĩ thuật

HS hoàn thành bài luận giới thiệu về tác phẩm mĩ thuật.

HOẠT ĐỘNG 3: THẢO LUẬN

a. Mục tiêu: Trên cơ sở bài viết giới thiệu về tác phẩm mĩ thuật đã thực hiện, HS củng cố kiến thức về nội dung lí luận mĩ thuật.

b. Nội dung: GV tổ chức cho HS thực hiện trao đổi theo câu hỏi định hướng SHS tr.9.

c. Sản phẩm: Nhận thức của HS về lí luận mĩ thuật.

d. Tổ chức thực hiện:

Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập

– GV chia HS cả lớp thành 4 nhóm.

– GV giao nhiệm vụ cụ thể cho các nhóm thực hiện:

+ Lí luận có vai trò thế nào trong thưởng thức, sáng tác mĩ thuật?

+ Để có hiểu biết về lí luận mĩ thuật cần trang bị những kiến thức, kĩ năng nào?

+ Khi viết bài giới thiệu về tác phẩm mĩ thuật yêu thích, cần lưu ý điều gì? Vì sao?

Bước 2: HS tiếp nhận, thực hiện nhiệm vụ học tập

– HS thảo luận theo nhóm, vận dụng kiến thức đã học về lí luận mĩ thuật để trả lời câu hỏi.

– GV quan sát việc tham gia hoạt động học tập trên lớp của HS:

+ Sự tham gia của mỗi thành viên trong nhóm.

+ Sự tích cực đặt câu hỏi, trả lời trong phần thảo luận.

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động, thảo luận

– GV mời đại diện các nhóm lần lượt trả lời theo các nội dung:

– GV yêu cầu các HS khác lắng nghe, nhận xét, nêu ý kiến bổ sung (nếu có).

Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập

– GV nhận xét, đánh giá, chuẩn kiến thức:

+ Vai trò của lí luận mĩ thuật trong thưởng thức, sáng tác mĩ thuật:

  • Giúp nhà nghiên cứu mĩ thuật có cơ sở để đánh giá các ý tưởng, hình thức biểu đạt và quá trình sáng tạo của nghệ sĩ thông qua tác phẩm.
  • Giúp công chúng biết, hiểu và nâng cao năng lực, thị hiếu thâm mĩ của bản thân.

+ Để có hiểu biết về lí luận mĩ thuật, người học cần nâng cao cái nhìn về cuộc sống; nâng cao cao cái nhìn về giá trị của di sản/ tác phẩm mĩ thuật; nâng cao kĩ năng thực hành (giải thích, xác định đặc điểm, phân tích hay làm rõ giá trị tác phẩm mĩ thuật).

+ Khi viết bài giới thiệu về tác phẩm mĩ thuật yêu thích, cần lưu ý:

  • Lựa chọn tác phẩm mĩ thuật phù hợp với khả năng và trình độ của bản thân.
  • Lựa chọn các tiếp cận phù hợp.
  • Xây dựng dàn ý bài viết cụ thể.
  • Tìm tư liệu (bài viết, dữ liệu) liên quan.

– GV chuyển sang nhiệm vụ mới.

HOẠT ĐỘNG 4: VẬN DỤNG

a. Mục tiêu: HS sử dụng kiến thức đã học về lí luận mĩ thuật để viết bài giới thiệu về nền mĩ thuật hiện đại Việt Nam trong một giai đoạn cụ thể.

b. Nội dung: Củng cố kiến thức, kĩ năng liên quan đến lĩnh vực mĩ thuật và ứng dụng trong sản phẩm bài viết cụ thể.

c. Sản phẩm: Bài viết giới thiệu về nền mĩ thuật hiện đại Việt Nam trong một giai đoạn cụ thể.

d. Tổ chức thực hiện:

Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập

(1) Hoạt động ở lớp:

– GV nêu nhiệm vụ cho HS thực hiện: Sử dụng kiến thức lí luận mĩ thuật để viết bài giới thiệu về nền mĩ thuật hiện đại Việt Nam trong một giai đoạn cụ thể.

– GV cho HS lựa chọn một giai đoạn cụ thể của nền mĩ thuật hiện đại Việt Nam và nêu cảm nhận ban đầu.

+ 1925 – 1945.

+ 1945 – 1954.

+ 1954 – 1975.

+ 1975 – 1986.

+ 1986 – nay.

– GV không đánh giá đúng/ sai với phần trình bày liên quan đến thường thức mĩ thuật

của HS.

(2) Hoạt động ở nhà:

– GV hướng dẫn HS lựa chọn tìm hiểu qua các kênh thông tin như: sách, báo, tạp chí,

hình ảnh về dấu ấn, thành tựu mĩ thuật hiện đại Việt Nam qua các thời kì để có sự hệ thống, dữ liệu cần thiết khi viết bài.

– GV lưu ý HS:

+ Sử dụng kiến thức đã có để thực hiện viết một bài luận giới thiệu về nên mĩ thuật hiện đại Việt Nam hiện nay.

+ Trong quá trình thực hành, HS ghi lại những khó khăn hoặc đề xuất, trao đổi với các

nhóm, các cá nhân và với GV.

Bước 2: HS tiếp nhận, thực hiện nhiệm vụ học tập

– HS sưu tầm qua sách, báo, tạp chí, hình ảnh về dấu ấn, thành tựu mĩ thuật hiện đại Việt Nam qua các thời kì để viết bài giới thiệu về nền mĩ thuật hiện đại Việt Nam trong một giai đoạn cụ thể.

– GV hướng dẫn, hỗ trợ HS (nếu cần thiết).

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động, thảo luận

HS báo cáo sản phẩm vào tiết học sau.

Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập

GV nhận xét, đánh giá và kết thúc tiết học.

HƯỚNG DẪN VỀ NHÀ

– Ôn lại kiến thức đã học:

+ Một số đặc điểm về lí luận mĩ thuật.

+ Một số công việc của nhà nghiên cứu lí luận mĩ thuật.

– Hoàn thành bài giới thiệu về nền mĩ thuật hiện đại Việt Nam trong một giai đoạn cụ thể.

– Đọc và tìm hiểu trước nội dung Bài 2: Tìm hiểu tác giả trong lĩnh vực mĩ thuật.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *