Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn cảm nhận khổ 2 bài Sang thu (4 mẫu)

Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn cảm nhận khổ 2 bài Sang thu (4 mẫu)

Viết đoạn văn cảm nhận khổ 2 bài Sang thu gồm 4 mẫu hay nhất, mang tới những thông tin bổ ích giúp các em học sinh lớp 9 thấy rõ tình cảm nhẹ nhàng mà tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh trước thiên nhiên, cuộc đời

Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn cảm nhận khổ 2 bài Sang thu (4 mẫu)

Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn cảm nhận khổ 2 bài Sang thu (4 mẫu)

Với những hình ảnh đặc sắc, từ ngữ diễn tả cảm giác rất đạt, khổ 2 bài thơ Sang thu đã giúp người đọc cảm nhận được những biến chuyển trong không gian lúc sang thu. Vậy mời các em cùng tham khảo 4 đoạn văn cảm nhận khổ 2 bài thơ Sang thu trong bài viết dưới đây của Download.vn:

Viết đoạn văn cảm nhận khổ 2 bài Sang thu hay nhất

    Đoạn văn cảm nhận khổ 2 bài thơ Sang thu

    Nếu khổ thơ đầu bài “Sang thu” thể hiện tín hiệu thu sang, thì tới khổ thơ thứ hai hình ảnh, sự vật, không gian được mở rộng và có chiều sâu hơn thông qua cảm nhận và quan sát tinh tế của Hữu Thỉnh. Hình ảnh dòng sông “dềnh dàng” tiếp nối chuỗi hình ảnh mơ hồ sương khói ở khổ một nhưng lại mang cảm giác thư thái, thảnh thơi của con sông sau những ngày bận rộn chảy trôi trong mùa mưa lũ. Sự dềnh dàng phải chăng cũng chính là con người trước khoảnh khắc giao mùa muốn lắng mình lại, để suy tư về cuộc đời và để lại dấu ấn đẹp cho cuộc sống. Đối lập với hình ảnh đó là hình ảnh “chim bắt đầu vội vã”. Những cánh chim, tiếng hót líu lo vui nhộn của mùa hè giờ đây dường như bận rộn hơn, để tìm nơi ấm áp tránh cái lạnh của mùa mới. Nhưng kết tinh đẹp nhất là hai câu thơ: “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”. Sức gợi của câu thơ là vô hạn khi gợi lên trong lòng người đọc về hình ảnh chiếc cầu giao mùa mỏng manh như đẹp và nên thơ. Ranh giới vô hình trong khoảnh khắc giao mùa tác giả bắt trọn vẹn khoảnh khắc đó để rồi cô kết trong câu thơ mềm mại, uyển chuyển như chính hình ảnh mà tác giả vẽ lên trong bài.

    Viết đoạn văn cảm nhận khổ 2 Sang thu

    Mùa thu mang lại cho nhiều nhà thơ sự rung động, cảm hứng để họ viết nên những áng thơ hay. Thời khắc chuyển mùa được Hữu Thỉnh cảm nhận tinh tế và nhạy cảm qua bài thơ Sang thu, đặc biệt khổ thơ thứ 2 thể hiện rõ nét thời khắc chuyển mùa từ hạ sang thu.

    “Sông được lúc dềnh dàng
    Chim bắt đầu vội vã
    Có đám mây mùa hạ
    Vắt nửa mình sang thu.”

    Sự cảm nhận của tác giả đã trở nên mở rộng hơn, còn sông không còn dữ dội mạnh mẽ như mùa hè mà đã trở nên dềnh dàng, con sông như trầm lặng, nhẹ nhàng hơn trôi. Trên bầu trời cao những đàn chim vội vã bay về hướng Nam, từ “bắt đầu” ám chỉ thời điểm mới sang thu nên đàn chim cũng không quá vội vàng di chuyển tránh rét. Vẫn là không gian trên không đó là những đám mây mùa thu nhẹ nhàng trôi lững lờ, mềm mại và “vắt nửa mình sang thu”, hình ảnh đầy sự sáng tạo và độc đáo trước đây chưa từng có. “Vắt nửa mình sang thu” hình ảnh tinh tế có được nhờ sự cảm nhận riêng đầy tinh tế. nhạy cảm của tác giả. Cảnh vật lúc này chỉ là chớm thu khi mùa hạ còn chưa hết, mùa thu đang sang, thiên nhiên có sự nhẹ nhàng, tĩnh lặng và êm đềm như chính bản chất của mùa thu. Nếu như khổ đầu tiên sự cảm nhận về sắc thu vẫn còn mơ hồ thì trong khổ 2 người đọc nhận thấy mùa thu đang trở về một cách đầy đủ và mới mẻ hơn. Khổ thơ thứ 2 được cảm nhận với sự tinh tế và mới lạ từ chính Hữu Thỉnh. Cảnh vật sang thu được tác giả cảm nhận với những nét mới lạ, độc đáo từ chính Hữu Thỉnh, cảnh vật vừa gần gũi, quen thuộc của miền quê vừa có những nét rất riêng.

    Đoạn văn cảm nhận khổ 2 Sang thu

    Đại đa số những nhà thơ văn thường lấy cảm hứng về mùa thu khi mùa thu đã ôm trọn đất trời. Nhưng trong bài Sang Thu của Hữu Thỉnh lại khác, ông chọn thời điểm giao mùa, khoảnh khắc hạ và thu quấn quýt, lưu luyến lẫn nhau, khi đất trời mới chớm sang thu chứ chưa vào thu. Nếu như ở câu thơ cuối của khổ thơ thứ nhất, tác giả còn đang hoài nghi “Hình như thu đã về” thì ngay trong câu mở đầu của khổ hai, tác giả đã đính chính một điều chắc chắn rằng thu đã về với hình ảnh: “Sông được lúc dềnh dàng/ Chim bắt đầu vội vã”. Không phải lá vàng, gió heo may hay bầu trời cao vút mây xanh, Hữu Thỉnh chọn dòng sông để nói về khởi đầu của mùa thu. Dòng chảy của con sông được miêu tả qua từ “dềnh dàng”, và đặc biệt hơn là từ nhấn mạnh thời điểm “được lúc”. Ta hiểu rằng, không phải dòng sông ở bất cứ thời điểm nào cũng có thể dềnh dàng, mà chỉ có thời điểm bước sang mùa thu sông mới được thong thả, chậm chạp như đang nghỉ ngơi, thảnh thơi trôi chảy. Giống như con sông đã phải vất vả cả một mùa hè đầy sôi nổi, chở đầy nước đi khắp muôn nơi, đến bây giờ khi những cơn mưa đã bớt xối xả, dòng chảy ổn định hơn, lúc này con sông mới được bình thản dạo chơi. Hình ảnh tương phản giữa dòng sông dềnh dàng và cánh chim vội vã giúp ta cảm nhận rõ nét những đặc trưng lúc sang thu. Đàn chim “bắt đầu” vội vã tìm đường bay về phương Nam để tránh cái rét của mùa đông ở miền Bắc. “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu” Câu thơ hay và ấn tượng không chỉ bởi cách gọi tên đám mây mà còn hay ở cách sử dụng từ ngữ chuyển đổi cảm giác. Đám mây trên trời cũng có sự theo mùa, mây còn vương nhiều nắng nên vẫn còn là mây của mùa hạ nhưng bầu trời lúc này đã sang thu nên đám mây trên bầu trời ấy đang vắt mình sang, chưa hẳn sang thu mà vẫn còn quyến luyến bên mùa hạ. Qua đoạn thơ thứ hai này ta cảm nhận rõ cảm xúc của tác giả đã ngập tràn trong mọi không gian đất trời, từ dòng sông đến cánh chim trên trời, tất cả đều đang trong ranh giới mỏng manh, mơ hồ nhưng lại rõ nét và chắc chắn rằng chỉ trong tích tắc đất trời sẽ bước sang mùa thu.

    Đoạn văn phân tích khổ 2 bài Sang thu, trong đó có sử dụng thành phần tình thái

    Có lẽ mùa thu đã sang, là mùa thu của đất trời và mùa thu của lòng người mênh mang, nhiều tâm trạng. Đến khổ thơ thứ hai thì dường như mùa thu đã hiện rõ ra từng đường nét hình khối trong cảm nhận của tác giả: Sông được lúc dềnh dàng Chim bắt đầu vội vã Có đám mây mùa hạ Vắt nửa mình sang thu Nước mùa thu dâng lên theo mùa “dềnh dàng”, những cánh chim trời bắt đầu “vội vã” bay. Thiên nhiên khi mùa thu về có chút gì đó vội vàng, gấp gáp hơn và trĩu nặng hơn nhưng vẫn giữ được thần thái đặc trưng nhất. Đường nét của mùa thu hiện lên rất rõ nét, không còn mơ hồ như ở khổ thơ thứ nhất nữa. Đây cũng là quá trình và là sự chuyển biến trong thiên nhiên và trong nhận thức của tác giả. Sự quan sát tinh tế, tỉ mỉ của tác giả còn thể hiện ở cách nhìn “đám mây mùa hạ” như “vắt” sang thu. Thật tài hoa, thật khéo léo và dường như ông động lòng với mùa thu, khí thu, vị thu rất nhiều nên mới tưởng tượng ra viễn cảnh đám mây cao trên trời như đang chuyển mình cùng nhịp đập của mùa thu. Từ “vắt” dùng rất hay, rất độc đáo đã diễn tả được quá trình chuyển mình của mùa thu rất uyển chuyển, nhịp nhàng. Mùa thu có chút gì đó độc đáo, tinh nghịch và cũng không kém phần duyên dáng qua cảm nhận của Hữu Thỉnh. Mùa thu đã đến thật rồi, mùa thu mang theo những gì tinh khôi, nhẹ nhàng và dịu êm nhất. Bức tranh chuyển mùa qua lời thơ Hữu Thỉnh thực sự mềm mại, nhẹ nhàng và uyển chuyển biết bao. Đó chính là cái Tài của tác giả, tài dùng chữ vẽ tranh.

    Lưu ý:

    – Thành phần biệt lập: in đậm.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *