Đóng vai Thúy Kiều kể lại đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 nắm được nội dung chính, dễ dàng nhập vai Thúy Kiều kể lại đoạn trích thật hay.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 9: Đóng vai Thúy Kiều kể lại đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều
Qua đó, còn giúp các em rèn kỹ năng kể chuyện theo ngôi thứ nhất, cùng trí tưởng tượng của mình ngày càng thêm phong phú hơn. Vậy mời các em cùng theo dõi bài văn nhập vai Thúy Kiều kể lại Mã Giám Sinh mua Kiều trong bài viết dưới đây của Download.vn để rèn kỹ năng kể chuyện thật tốt:
Đóng vai Thúy Kiều kể lại đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều
Tôi là Vương Thúy Kiều, con gái đầu lòng của Vương Viên Ngoại. Khi viết những dòng này, gia cảnh nhà tôi đang lâm vào cảnh khốn cùng. Tất cả cũng là do tên bán tơ đã vu oan cho gia đình tôi chứa hàng quốc cấm. Bọn quan lại nghe lời vu oan của hắn, chưa kịp điều tra rõ ràng, đã bắt nhốt cha và em tôi. Còn bọn quan nha được dịp, trong lúc lục soát nhà tôi, đã vơ vét bao nhiêu tiền của. Giờ đây, cha và em tôi đang lâm vào tình trạng khốn khó, không có ba trăm lạng bạc thì làm sao cứu được họ đây. Trong hoàn cảnh này, tôi biết kiếm đâu ra ba trăm lạng bạc đây? Suy nghĩ mãi, và rồi, chẳng còn cách nào khác, tôi đành quyết định bán mình chuộc cha và em, đành phải phụ tình chàng Kim Trọng. Câu chuyện tôi bán mình chuộc cha và em có vẻ là đề tài nóng hổi cho cả vùng, từ xa đến gần, mọi người cứ xôn xao bàn tán…
Từ hôm ấy trở đi, chẳng hôm nào tôi có thể ăn được một bữa ngon, ngủ được một giấc yên lành. Cứ vừa chợp mắt, tôi lại nghĩ đến những ngày tiếp theo của cuộc đời mình, rồi sẽ ra sao đây. Tôi sẽ phải sống cuộc sống như thế nào trong suốt quãng đời còn lại, khi không còn được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, khi không còn chơi đùa vui vẻ cùng hai em nữa? Chắc tôi sẽ nhớ lắm, nhớ những ngày tháng êm đềm, trướng rủ màn che, nhớ những buổi chơi xuân cùng các em, và nhớ gia đình tôi nhiều lắm. Và rồi ai sẽ thay tôi chăm sóc cho ba mẹ? Họ cũng đã lớn tuổi rồi, lỡ có đau ốm mà không có tôi bên cạnh, họ sẽ phải làm sao. Rồi bất giác nghĩ đến người mình sắp phải lấy làm chồng, sẽ là ai đây, một người xa lạ nào đó, người mà tôi còn chưa hề biết mặt, người mà tôi không có một chút gì gọi là tình yêu cả. Càng nghĩ, tôi lại càng buồn. Nhìn ra cửa sổ ngắm nhìn ánh trăng sáng, tròn vằng vặc, trăng như đang soi rọi vào lòng tôi. Trăng đêm nay sáng quá! Nhưng sao cảnh vật lại có vẻ buồn bã và tiêu điều vậy nhỉ?
Bất giác, cái kỉ niệm ngày hôm đó chợt ùa về, vây lấy tôi, kỉ niệm vào cái đêm trăng rằm, tôi và Kim trọng đã cùng nhau uống chén rượu thề, cùng nhau hẹn ước sẽ thủy chung đến trọn đời. Vậy mà giờ đây, tôi đã phụ chàng. Chắc chàng sẽ giận tôi lắm, nhưng tôi nào còn cách khác. Mọi cảm xúc trong tôi giờ đây rối như tơ vò, đan lại vào nhau như một mê cung huyền bí mà tôi không cách nào có thể thoát ra được. Lo lắng. Bồn chồn. Và rồi, ngày đó cũng đến.
Ngày hôm đó. Trời không đẹp và sáng như mọi ngày. Mọi vật xung quanh như đều mang một vẻ lạnh lùng, u ám đến lạ thường. Trời u ám hay do lòng tôi đang u ám? Tôi cũng chẳng rõ. Nhưng rõ ràng, lòng tôi giờ đây đau lắm, trái tim tôi như muốn nổ tung ra khi nghĩ đến việc sắp phải làm vợ lẻ của người khác. Ngồi trong buồng, tôi cũng đã nghe được sự ồn ào của hắn ta cùng bọn hầu cận từ đằng xa đang đi lại. Nào là kèn, trống, láo nháo như một bọn tàn quân chẳng theo hàng ngũ gì, hệt như một gánh xiếc rong, chẳng có tôn ti trật tự. Tôi cũng chẳng rõ có chuyện gì xảy ra lúc đó, chỉ được nghe cô hầu gái kể lại trong lúc tôi đang ngồi trong buồng:
– Tiểu thư biết không, khi phu nhân hỏi tên hắn, hắn chỉ trả lời cộc lốc vỏn vẹn ba chữ: “Mã Giám Sinh”, cứ như tát nước vào mặt vào mặt phu nhân vậy. Rồi khi hỏi đến quê, hắn ta cũng chỉ trả lời y như vậy: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”. Lúc đó, em thấy bà mối nhìn hắn, giật tay áo của hắn có vẻ như hắn đã nói sai sự thật vậy. Mà mới vào nhà, hắn đã tót lên ngồi ngay ghế trên. Ai nấy cũng khó chịu mà chẳng dám nói gì. Chắc họ cũng hiểu chỉ có hắn mới có tiền để cứu lão gia và công tử.
Lòng tôi giờ đây còn tâm trí đâu mà nghe kể chuyện. Nhưng những điều hắn lắm vẫn khiến tôi phải suy nghĩ và cảm thấy thật khó chịu. Giám Sinh ư? Đó chẳng phải là tên gọi những học trò ở Quốc tử giám hay sao? Sao cách ăn nói của hắn thô lỗ, thiếu lễ nghi, hành động của hắn cứ như một kẻ vô học vậy. Còn nữa, tôi nhớ bà mối đã giới thiệu hắn là người ở phương xa tới kia mà. Vậy mà bây giờ hắn lại bảo quê hắn cũng gần. Thật đúng là một kẻ mập mờ, khó tin. Cảm thấy khó chịu vô cùng, tôi vẫn cố nén lại trong lòng. Vì rõ ràng, hắn chính là cơ hội duy nhất để cứu cha và em tôi. Tôi phải cố gắng nhẫn nhịn, không thể để cha và em phải chịu khổ trong chốn lao tù được nữa. Tôi đang miên man trong dòng suy nghĩ thì người hầu gái lại nói tiếp:
– Chưa hết đâu, cái cách ăn mặc của hắn cũng rất khó coi nữa. Nhìn qua, chắc hắn cũng đã ngoài bốn mươi rồi. Vậy mà mặt mày nhẵn thín, không có lấy một sợi râu. Ăn mặc thì lòe loẹt, lố lăng, bộ quần áo của hắn trông như những anh thanh niên chốn phong lưu vậy.
Nghe vậy, tôi lại càng khó chịu hơn. Đã hơn bốn chục tuổi mà còn ăn mặc như thế, thật chẳng đứng đắn chút nào! Một kẻ như vậy có thể là một phu quân tốt được chăng? Tôi buồn bã khi biết rõ câu trả lời chính xác trong đầu mình. Nhưng thôi, bây giờ thì còn suy nghĩ gì được nữa. Dù hắn có là người như thế nào, mình phải cố gắng cứu cha và em cho bằng được.
Tai tôi như ù đặc. Bất giác nhìn ra vườn, ngắm nhìn những cánh hoa đang khoe sắc, trông chúng thật đẹp và tràn đầy sức sống. Tôi thầm tủi thẹn với chúng. Tôi ước mình được như những cánh hoa kia thỏa sức mà khoe sắc, đón lấy ánh nắng mặt trời vàng óng và vui vẻ giữa cuộc đời. Nhưng, trước những ngày tháng vui vẻ đang chờ đợi và trước một cuộc tình đẹp vừa chớm nở, tôi đã phải bỏ hết tất cả lại phía sau. Trong gương, khuôn mặt tôi chẳng còn tươi sắc như những đóa hoa ngoài kia, giờ đây, nó xanh xao, gầy guộc và dường như dày hơn để đón nhận những lời chê bai, phỉ nhổ của người đời.
Mụ mối bước vào, trông thấy tôi tiều tụy chẳng còn chút sắc, mụ liền hối thúc người hầu trang điểm cho tôi. Tôi ngồi im, thẫn thờ. Tâm trạng tôi rối bời những cảm giác xấu hổ và nhục nhã đến ê chề, rồi sự lo lắng mơ hồ về con đường phía trước không biết sẽ ra sao. Như một cái máy, tôi hành động theo mọi sự điều khiển của mụ mối. Mụ dìu tôi xuống thềm nhà, lòng tôi cứ nhói lên từng cơn. Tôi cúi gằm mặt xuống đất, cảm giác hổ thẹn, phẫn uất dâng trào thành những dòng nước mắt. Tôi cứ mặc cho nó tuôn rơi theo mỗi bước chân tiến về đại sảnh. Từ nhỏ đến giờ, có bao giờ tôi phải đứng ra cho người ta ngắm nghía và bình phẩm như vậy đâu. Mụ mối hết vén tóc rồi lại bắt tay, bắt tôi xoay một vòng để mã Giám Sinh xem xét, cứ như đang giới thiệu hàng hóa vậy. Mã Giám Sinh ra chiều có vẻ hài lòng, khẽ mỉm cười. Nhưng rồi, hắn lấy lại được vẻ bình thản, kéo mụ mối lại, thầm thì to nhỏ cái gì đó. Rồi mụ mối bắt tôi đánh đàn cho hắn nghe. Tôi ngẩn người ra, bàng hoàng. Giờ phút này mà bắt tôi đánh đàn ư? Tôi nào có tâm trạng đâu chứ. Nhưng rồi, tôi cũng đành phải làm theo. Tôi cố gắng lắm mới dạo lên được hai khúc nhạc. Âm thanh của tiếng đàn hay chính là âm thanh của sự tuyệt vọng đang vang lên trong lòng tôi, âm thanh của tiếng đàn như đang nức nở, khóc thay cho những giọt nước mắt đang đọng lại giữa khóe mắt đang được tôi cố gắng kiềm lại để đừng tuôn trào ra. Tôi khẽ nhìn qua bên kia, mẹ tôi đang lặng lẽ ngồi khóc…
Tưởng đã xong, Mã Giám Sinh lại kêu bà mối bắt tôi làm thơ trên quạt. Tình cảnh này mà bắt tôi làm thơ trên quạt, thật là một tấn bi hài kịch. Nhưng nghĩ đến cha và em tôi, lòng tôi lại lẳng lặng làm theo.
Bài thơ làm xong. Mã Giám Sinh đón lấy đọc chăm chú. Sau đó, tỏ vẻ hài lòng, hắn ra giọng lịch sự hỏi:
– Xưa kia mua ngọc phải đến Lam Kiều. Vậy xin dạy cho tôi cần phải trả sính lễ bao nhiêu cho xứng đáng với nàng Kiều đây.
Thấy mẹ tôi thần người ra, không biết phải trả lời ra sao, bà mối liền nói đỡ:
– Kiều tài sắc vẹn toàn, giá đáng nghìn vàng cũng chưa chắc đã mua được. Nay gia cảnh nhà nàng đang gặp khó khăn. Dám xin công tử thương tình mà giúp đỡ.
Nghe vậy, hắn ta nhăn mặt có vẻ khó chịu, trả giá ngay:
– Cái gì cơ? Một nghìn à? Thật là quá đáng mà! Hai trăm thôi nhé.
– Ông thương tình cho. Hai trăm thì làm sao cứu được gia đình họ, huống chi còn tiền công của tôi nữa.
Suy nghĩ một lát, hắn nói:
– Vậy thì bốn trăm thôi. Giá chót đó.
– Ông giúp thêm cho một tí, gia đình nàng Kiều đang rất khó khăn…
Sau một hồi, họ cũng quyết định giá hơn bốn trăm lạng bạc. Nghe họ trả giá với nhau mà tôi cười ra nước mắt. Họ xem tôi là gì nhỉ? Một món hàng ư? Tôi giờ đây bị xem như một món hàng không hơn không kém, có thể tùy tiện ra giá và trả giá với nhau. Nỗi buồn và nhục nhã của tôi tuôn trào ra như một dòng chảy chảy khắp người tôi. Khẽ ngước nhìn lên, khuôn mặt Mã Giám Sinh lúc đầy vẻ thỏa mãn như mua được một món hàng với giá hời. Lòng tôi thắt lại, đau đớn đến tột cùng. Hắn đưa một tờ canh thiếp và phiếu để làm ghi. Hắn và bà mối đã bàn bạc là ba hôm nữa sẽ đến nạp tài…
Mã Giám Sinh và cả mụ mối đã đi rồi. Căn nhà tôi lại trở nên yên bình và tĩnh lặng như ngày nào. Lòng tôi giờ đây trống vắng đến tê dại. Tôi đã trở thành vợ của người khác. Tôi lại nhớ đến Kim Trọng. Tôi phải chia tay mối tình đầu thật đẹp chỉ vừa mới chớm nở. “Kim Trọng ơi, chàng ở nơi xa hãy thấu hiểu cho thiếp. Thiếp chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Tất cả cũng chỉ tại xã hội này, cái xã hội mà thế lực đồng tiền đã làm chủ tất cả, xã hội mà mọi người chỉ coi tiền là trên hết, tiền dường như đã có thể mua được mọi thứ, kể cả mua thịt bán người. Xã hội này đã khiến thiếp phải trở nên thế này. Sẽ không còn những ngày tháng cùng chàng vui vẻ, những lời hẹn thề chỉ còn là những kỉ niệm đẹp, những giấc mơ không thể nào thực hiện được. Thiếp chẳng biết rồi mình sẽ trôi về đâu trong cái dòng chảy của cuộc đời này”.