Văn mẫu lớp 10: Thảo luận về một vấn đề đời sống có ý kiến khác nhau là chủ đề rất hay mang đến 2 bài thảo luận cực hay, giúp các bạn tham khảo nhanh chóng hoàn thiện bài làm của mình.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 10: Thảo luận về một vấn đề đời sống có ý kiến khác nhau
Để thảo luận về một vấn đề đời sống có ý kiến khác nhau các bạn cần phải xác định rõ vấn đề cần thảo luận, bao quát được diễn biến của cuộc thảo luận (những ý kiến đã nêu, những điều đã được làm rõ, những điều cần được trao đổi thêm,…), thể hiện được thái độ tán thành hay phản đối trước những ý kiến đã phát biểu; bêu được quan điểm, nhận định của bản thân về vấn đề (góc nhìn riêng và những phân tích, đánh giá cụ thể). Vậy dưới đây là 2 bài Thảo luận về một vấn đề đời sống có ý kiến khác nhau hay nhất mời các bạn cùng đón đọc.
Thảo luận về một vấn đề đời sống có ý kiến khác nhau hay nhất
Thảo luận về một vấn đề đời sống có ý kiến khác nhau – Mẫu 1
Bài thảo luận: Học tập – trách nhiệm hay nghĩa vụ của người học sinh
Xin chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là ……………….. học sinh lớp………..trường……………….
Hôm nay, tôi rất vui khi được tham dự buổi thảo luận: “Học tập – trách nhiệm hay nghĩa vụ của người học sinh” . Chủ đề hôm nay tôi muốn bàn luận với các bạn đó là: Hãy từ bỏ thói quen không làm bài tập ở nhà. Có lẽ chủ đề này vô cùng gần gũi và thiết thực với các bạn phải không nào?
Henry Brooks Adams từng nói: “Biết cách học là đủ chứng tỏ bạn thông thái”. Quả đúng là như vậy, phương pháp học tập đúng đắn sẽ tạo nên hiệu quả tích cực. Học tập là nhiệm vụ của học sinh. Để duy trì thành tích học tập tốt, bên cạnh việc chăm chú nghe giảng, học tập trên lớp, thời gian tự học thông qua làm bài tập về nhà cũng vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các học sinh có thói quen không làm bài tập ở nhà.
Vậy bạn có biết tại sao học sinh chúng ta ngày càng lười làm bài tập không? Với tôi, tôi cảm thấy bài tập về nhà rất khó và làm tốn rất nhiều thời gian, vì vậy tôi thường trì hoãn việc làm bài của mình. Vậy còn các bạn thì sao? Nhiều học sinh cho rằng học tập là một nhiệm vụ bắt buộc nên luôn thực hiện nó một cách đối phó. Cũng có nhiều học sinh cho rằng thời gian học tập trên lớp là đủ và không muốn phải tiếp tục học khi về nhà. Và cũng có những học sinh cảm thấy áp lực trong học tập, chán ghét và sợ hãi việc học. Đó là những lí do hình thành thói quen không làm bài tập về nhà ở phần lớn học sinh hiện nay. Sau mỗi buổi học trên lớp, giáo viên thường giao cho học sinh một số câu hỏi bài tập để củng cố thêm kiến thức. Tuy nhiên, chỉ cần bước chân ra khỏi lớp học, đôi khi chúng ta sẽ quên ngay mọi lời giáo viên nói. Và khi trở về nhà, chúng ta bị thu hút bởi những cuộc vui, bởi những trò chơi điện tử hay đơn giản là vì lười nên không muốn làm gì cả. Thói quen làm bài tập ở nhà của học sinh hiện nay chủ yếu là đối phó. Chúng ta thường tìm lời giải trên mạng rồi chép lại mang đến lớp nộp để giáo viên kiểm tra mà không hề tự cố gắng làm bài. Hoặc chăm hơn một chút, có những học sinh sẽ tự ngồi làm bài tập về nhà nhưng chỉ làm một cách qua loa, không đầu tư nhiều thời gian và công sức. Cũng có những bạn sẽ không làm ở nhà mà đến lớp, sát giờ học mở vở ra mới nhận ra có bài tập và vội vàng làm hoặc sẽ mượn bài của các bạn trong lớp chép. Và cũng sẽ có những bạn không quan tâm đến việc có bài tập, không làm và đến lớp học với một cái đầu trống rỗng. Có lẽ những biểu hiện trên đều đã từng xuất hiện trong chính chúng ta ít nhất một lần trong đời.
Không làm bài tập ở nhà là một thói quen xấu. Vậy nếu không thể từ bỏ thói quen ấy, điều gì sẽ xảy ra? Chắc hẳn chúng ta đều biết bất kì thói quen xấu nào cũng hình thành nên những tính cách xấu. Nếu không làm bài tập ở nhà dần trở thành một thói quen, chúng ta sẽ trở thành một con người lười biếng, ì trệ, luôn phụ thuộc vào người khác. Không chỉ trong học tập mà trong bất kì công việc nào của cuộc sống, thói quen trì hoãn sẽ khiến ta không bao giờ hoàn thành được điều mình mong muốn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Câu nói ấy đến nay vẫn còn nguyên những giá trị. Học tập và tiếp nhận lí thuyết ở trên lớp thôi chưa đủ, quan trọng chúng ta cần phải biết vận dụng những kiến thức được học vào thực hành làm bài tập và áp dụng trong cuộc sống. Tự mình hoàn thành bài tập ở nhà chính là một cách giúp chúng ta rèn luyện thực hành. Nhờ đó, kiến thức tiếp thu được ở trên lớp sẽ được hiểu sâu và kĩ hơn. Ngược lại, nếu không làm bài tập ở nhà, kiến thức chúng ta tiếp thu sẽ nhanh chóng bị lãng quên, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập. Việc hằng ngày đến lớp mượn vở bạn bè để chép đôi khi còn gây phiền hà với bạn bè xung quanh, đánh mất niềm tin ở bạn bè. Hơn nữa, nếu tất cả các học sinh đều không cố gắng ôn luyện làm bài tập, giáo viên sẽ không thể có những bài học hiệu quả. Việc thiếu ý thức làm bài tập ở nhà của học sinh không chỉ khiến bố mẹ buồn phiền mà thầy cô, nhà trường cũng vô cùng lo lắng.
Không làm bài tập ở nhà đang dần trở thành một thói quen xấu có ở mọi học sinh. Vậy chúng ta cần làm gì để loại bỏ thói quen ấy? Chúng ta biết rằng để từ bỏ một thói quen không phải là công việc dễ dàng. Vì vậy, hãy bắt đầu rèn luyện từ những điều nhỏ nhất. Trước hết, bạn hãy thiết kế cho mình một thời gian biểu hợp lý. Đối với bài tập về nhà, bạn đừng để khi hôm sau có tiết thì hôm nay mới làm, hãy hoàn thành nó vào ngay buổi tối mà các bạn học môn đó. Bởi đó là lúc kiến thức của bạn đang được lưu trữ tốt nhất và việc làm bài tập sẽ khiến bạn nhớ bài lâu hơn, học tập hiệu quả hơn. Như vậy, khi đến tiết học sau, bạn có thể chủ động và tự tin đến lớp khi tất cả các bài tập đã được hoàn thành. Bạn hãy tự tạo cho mình một không gian học tập hiệu quả bằng cách tách biệt với các thiết bị di động, những thứ có thể làm mình bị sao nhãng, ảnh hưởng. Trong một buổi tối, bạn có thể dành ra 1-2 tiếng để tự học và đặt thời gian nghỉ giữa giờ khoảng 10-15 phút. Với những bài tập khó, bạn có thể nhắn tin nhờ thầy cô hướng dẫn hoặc trao đổi với bạn bè. Một cách học hiệu quả đó chính là chúng ta học nhóm cùng với bạn bè của mình. Như vậy bạn vừa có thể tiếp thu kiến thức từ bạn bè, vừa có thể tự rèn luyện bản thân, nhận ra được những nhược điểm của mình và tìm cách khắc phục. Thay vì để bố mẹ, thầy cô nhắc nhở làm bài tập, chúng ta nên chủ động và tự giác hoàn thành công việc của mình. Bởi học tập là nghĩa vụ của học sinh, chúng ta phải có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình. Tuy nhiên, đừng nghĩ việc hoàn thành bài tập ở nhà như một trách nhiệm nặng nề, hãy nghĩ đó là quá trình bạn đang hoàn thiện mình. Kiến thức khi chúng ta tự học và chủ động tiếp nhận là những kiến thức được chúng ta lưu giữ lâu và hiệu quả nhất.
Có thể các bạn sẽ cho rằng thời gian học ở trên lớp là quá nhiều vậy còn học ở nhà làm gì? Hoặc các bạn sẽ cảm thấy việc học và làm bài tập liên tục như vậy sẽ giống như một con “mọt sách”. Cũng có những bạn cho rằng giáo viên giao quá nhiều bài tập khiến chúng ta cảm thấy áp lực và sợ hãi việc học. Những điều các bạn thắc mắc đều hợp lý với tâm lý của phần lớn học sinh hiện nay. Vậy bạn thử nghĩ mà xem, nếu một ngày giáo viên không giao cho các bạn những bài tập ôn luyện, nếu một ngày bạn đã lãng quên hoàn toàn việc tự học ở nhà và nếu một ngày, kiến thức của tất cả học sinh đều chỉ phụ thuộc vào những giờ phút học ít ỏi trên lớp, điều gì sẽ xảy ra? Kiến thức đến với con người nếu không được ôn tập và rèn luyện sẽ nhanh chóng tan biến. Như vậy, làm sao những học sinh có thể nắm vững tri thức để cống hiến cho cộng đồng? Làm sao nền giáo dục có thể phát triển? Làm sao con người và xã hội mới có thể trở nên văn minh? Việc không làm bài tập ở nhà có thể thấy chỉ là một thói quen rất nhỏ nhưng nếu không tìm cách từ bỏ, nó sẽ làm ảnh hưởng đến tính cách con người cũng như trình độ phát triển của xã hội. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy rằng hệ thống giáo dục cần đổi mới phương pháp giao bài tập để học sinh cảm thấy hứng thú hơn với việc học. Thay vì giao bài tập về nhà, giáo viên có thể giao nhiệm vụ chuẩn bị kiến thức cho buổi học sau. Như vậy, học sinh sẽ có được tâm thế chủ động hơn khi đến lớp. Thay vì giao những bài tập viết, giáo viên có thể giao học sinh những bài tập thực hành, làm việc theo nhóm để học sinh phát huy khả năng tư duy, sáng tạo. Như vậy, dù học tập theo hình thức nào, ý thức tự giác, chủ động của học sinh vẫn luôn là yếu tố vô cùng quan trọng.
Bài nói của tôi xin dừng lại tại đây. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe. Cuối cùng, tôi muốn gửi đến các bạn lời nhắn nhủ: Hãy rèn luyện cho bản thân sự tự giác, chủ động không chỉ trong học tập mà còn trong mọi mặt đời sống.
Thảo luận về một vấn đề đời sống có ý kiến khác nhau – Mẫu 2
Bài thảo luận: Văn hóa đọc và đời sống lớp học
Maxim Gorki từng viết: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Thật vậy, đọc sách là một việc làm không hề phức tạp mà lại có ý nghĩa vô cùng to lớn. Ai cũng biết sách chứa rất nhiều kiến thức trong cuộc sống, giúp chúng ta tư duy, nhận thức sâu sắc hơn, trưởng thành hơn và tích lũy được vốn từ ngữ phong phú. Thế nhưng trong môi trường lớp học ngay nay, văn hóa đọc sách không còn phổ biến mà thay vì đọc sách thì học sinh thường dành thời gian để lên mạng, chơi game,… Vậy chúng ta cần xây dựng văn hóa đọc trong lớp học như nào cho hợp lí?
Chúng ta đều biết, trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách đóng vai trò rất quan trọng. Sách được coi là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người; là người thầy thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh. Văn hóa đọc là một hoạt động văn hóa của con người thông qua việc đọc, sách, báo, tài liệu để tiếp cận được với thông tin và nguồn tri thức một cách khoa hoc. Văn hóa đọc góp phần to lớn vào việc bồi dưỡng, trau dồi kiến thức, kỹ năng trong đời sống, giúp hình thành và hoàn thiện nhân cách của con người.
Đọc sách có thể ươm mầm trong chúng ta những ý nghĩa cao thượng, những ý tưởng để làm việc trong nhiều lĩnh vực và hiểu biết sâu rộng, làm phong phú hơn trí tưởng tượng của bản thân. Rèn luyện thói quen đọc sách không chỉ mang lại cho ta những lợi ích vô cùng to lớn; mà nó còn là một thói quen tốt giúp cho bộ não của chúng ta được khỏe mạnh và linh hoạt hơn. Đọc sách cũng đem lại sự thư giãn, là nguồn gốc tuyệt vời của sự hưởng thụ, mọi nguồn cảm hứng, chỉ cho chúng ta mọi con đường đi với những kiến thức tuyệt vời, nó cũng giúp ta trở thành một người thành công trong cuộc sống này. Văn hóa đọc sách đang đứng trước một cơ hội và một nguy cơ. Cơ hội bởi mỗi người chúng ta đều được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ. Nhưng nó lại tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc vốn có bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn quá nhiều, quá hấp dẫn.
Thế nhưng hiện nay, văn hóa đọc sách đang phải đứng trước nguy cơ bị lãng quên; mọi người trở nên thờ ơ, lãnh cảm với đọc sách, nhất là giới trẻ. Có những bạn trẻ cho rằng đọc sách giấy là lạc hậu và đó là một sai lầm khi đa số các bạn trẻ cho rằng bây giờ là thời đại công nghệ thông tin thì phải lên mạng đọc vừa nhanh, vừa dễ, vừa đỡ tốn kém. Mỗi chúng ta đều có thể tiếp cận một khối lượng tri thức khổng lồ chỉ cần thông qua một thiết bị nghe nhìn đơn giản như chiếc điện thoại smartphone, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ làm mai một thói quen đọc sách truyền thống vốn có chính bởi sự lấn át của quá nhiều phương tiện truyền thông nghe nhìn hấp dẫn. Cũng bởi ít đọc, ít cập nhật thông tin qua sách báo, nên vốn văn chương của lớp trẻ bây giờ được đánh giá là hơi “cạn”. Những năm gần đây, sau mỗi đợt chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học lại rộ lên nhiều câu chuyện về những bài thi với câu văn ngô nghê, những cột mốc lịch sử bị sai lệch… đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay. Vậy sẽ có tương lai văn hóa đọc sách có còn tồn tại hay không?
Bạn thấy đấy, sách là kho tri thức không chối từ ai, chỉ cần ta hiểu được giá trị của kho tri thức ấy để rồi tự xây dựng cho mình thói quen đọc sách hàng ngày. Có thể nói, sách chính là người bạn tâm giao chia sẻ mọi nỗi vui, buồn sâu kín của mỗi con người. Đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội loài người trên thế giới. Sách là nguồn tri thức quý giá mà nhân loại đã trao tặng cho bạn. Nếu như bạn là người không có thói quen đọc sách hằng ngày thì có lẽ bạn đã bỏ qua nhiều lợi ích của việc đọc sách. Nhờ đọc sách, tôi tin chắc chắn chúng ta sẽ ngày một ưu tú hơn. Tùy theo nhu cầu công việc của mỗi người, chúng ta hãy lựa chọn cách đọc và khai thác thông tin phù hợp, không vì quá lệ thuộc công nghệ thông tin mà xa rời văn hóa đọc truyền thống.