Văn mẫu lớp 11: Phân tích bài thơ Tình ca ban mai của Chế Lan Viên mang đến gợi ý cách viết chi tiết kèm theo bài văn mẫu khác nhau cực hay. Qua đó giúp các em có thể tham khảo để nâng cao trình học văn học của mình với những bài văn mẫu hay và sáng tạo.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 11: Phân tích bài thơ Tình ca ban mai
Tình ca ban mai của Chế Lan Viên đã cho chúng ta thấy được khúc ca của một tiếng lòng rạo rực nỗi yêu thương, của một tình yêu sáng trong nồng đượm như một buổi sáng sớm mai, của một niềm tin tha thiết vào sự vĩnh cửu của tình yêu đẹp đẽ. Bên cạnh đó các bạn xem thêm bài văn mẫu Phân tích bài thơ Sông Đáy.
Phân tích Tình ca ban mai của Chế Lan Viên
Dàn ý phân tích bài thơ Tình ca ban mai
I. Mở bài
Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm.
II. Thân bài
1. Khái quát chung
– Tác giả Chế Lan Viên (tiểu sử cuộc đời, sự nghiệp văn học, phong cách sáng tác/ nghệ thuật,..)
– Tác phẩm Tình ca ban mai (hoàn cảnh sáng tác, nhan đề, khái quát nội dung,..)
2. Phân tích tác phẩm
– Bốn khổ thơ đầu: là tầm quan trọng và sức mạnh của em đã làm thiêu đốt trái tim anh; làm cho tình yêu trong anh thêm cháy bỏng và tha thiết nhớ thương em.
– Bốn khổ thơ sau:
=> Tưởng chừng như bốn khổ thơ đầu và bốn khổ thơ sau sẽ có sự đối lập hoàn toàn với nhau, nhưng Chế Lan Viên đã làm cho độc giả bất ngờ khi lấy cái phủ định để khẳng định, bổ sung, củng cố thêm vững vàng và chắc chắn cho bài thơ.
– Câu thơ cuối cùng: Em chính là sự kết tinh của cái đẹp, là ánh sáng của sự sống => Cách viết khéo léo, tài hoa.
– Tổng kết lại giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
– Giá trị thẩm mĩ mà tác giả mang lại.
III. Kết bài
Nêu cảm nghĩ của bản thân em sau khi học xong bài thơ.
Phân tích bài thơ Tình ca ban mai
Sinh ra ở trên đời, không ai lại không có một lần nguyện ước cho riêng mình điều chân thành như thế. Lạc vào thế giới huyền diệu trăm màu trăm sắc ấy, ta như ngợp đi giữa những yêu thương, giữa niềm khát khao hạnh phúc, giữa biết bao nỗi nhớ ngập tràn. “Tình ca ban mai” của Chế Lan Viên là bản nhạc lòng luôn tấu lên giai điệu ngọt ngào giữa muôn vàn thanh điệu của tình yêu.
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”
(Sóng – Xuân Quỳnh)
Ngay tên để bài thơ đã gợi cho ta sự sâu lắng, cái dịu ngọt và rất đỗi êm đềm: “Tình ca ban mai”. Chế Lan Viên không chọn một tiêu đề nào khác, nhà thơ viết bài thơ như một bài ca ca ngợi tình yêu của một thời tuổi trẻ đầy sôi nổi, đầy niềm đam mê cháy bỏng. “Tình ca ban mai” phải chăng là khúc ca của một tiếng lòng rạo rực nỗi yêu thương, của một tình yêu sáng trong nồng đượm như một buổi sáng sớm mai, của một niềm tin tha thiết vào sự vĩnh cửu của tình yêu đẹp đẽ?.
Bài thơ tự nó đã chia thành hai phần, mà trong đó bóng dáng nhà thơ Chế Lan Viên ẩn sau những tâm sự chân thật của người đang yêu:
“Em đi như chiều đi,
Gọi chim vườn bay hết.”
Sự vận động không phải là của riêng em nữa mà đã nhuốm cả sang cảnh vật. Em đi “như chiều đi” để “chim vườn bay hết”. Sự sống như đang mất dần, đang bị tàn lụi bởi em là quầng sáng duy nhất có thể tạo nên sự sống. Em bước đi “đánh cắp” trong lòng anh niềm yêu và nỗi nhớ da diết. Câu chữ như khắc khoải và như đong đầy niềm thương nhớ. “Em đi – như chiều đi”. Em là trung tâm của sự sống, vắng bóng em chỉ còn niềm cô đơn choáng ngợp tâm hồn, trong mỗi ánh nhìn của anh sự vật như không còn tồn tại. Có thể nói ngay ở câu thơ đầu tiên vai trò và sức mạnh của bóng hình em đã hằn in trong tâm khảm của anh. Em đi thì chan chứa nỗi nhớ da diết đến thế, khi em về liệu anh có vui hơn?.
“Em về, tựa mai về,
Rừng non xanh lộc biếc”
Khổ thơ thứ hai khác hẳn với khổ thơ thứ nhất, khi có em niềm vui ào vào trong lòng anh rợn ngợp và sự sống thì đang vươn đầy trên cảnh vật. Không còn là niềm khắc khoải, không còn là nỗi buồn tê tái; bao nhiêu nỗi nhớ trong anh kết lại thành niềm vui, niềm sung sướng dâng tràn.
Em về mang theo ánh sáng của buổi bình minh ùa về, gieo những mầm xanh trên cây cỏ, sự sống đang tái sinh khi có bóng em. Thật tuyệt làm sao mỗi khi em về không chỉ xoá nỗi nhớ và niềm cô đơn trong anh, còn khiến cỏ cây cũng vươn mình đón những giọt nhựa sống.
Khi em đi, khi em về đều tạo những biến chuyển; như cung đàn im tiếng bỗng thánh thót khúc nhạc vui. Tất cả đang trở nên đẹp hơn trong niềm hạnh phúc của anh; tất cả đang chào mừng em đấy và chờ mong em ở lại:
“Em ở, trời chưa ở,
Nắng sáng màu xanh che”
Đúng là không gì đẹp hơn dưới con mắt của người đang yêu, mọi vật như bừng sáng từ khi “em về” đến “em ở”. Em chính là quầng sáng tinh tú nhất xua tan màn đêm mờ mịt. Cái đẹp đang hiện hữu trước mắt anh là “màu xanh che” của “nắng sáng”, vẫn là cảnh vật thường ngày, vẫn là màu nắng quen thuộc, nhưng “em ở” mọi vật trở nên đẹp hơn thanh tao hơn.
Sự vận động của em: “em đi” – “em về” – “em ở” kéo theo sự vận động của thời gian: chiều – sáng – trưa. Em mang theo ánh sáng của sự sống, thổi tắt ngọn nến le lói cháy khi em đi và nhóm lên ngọn lửa niềm tin khi em về và em ở. Sức mạnh mà em có đâu chỉ là bóng hình mà từ chính tâm hồn dịu dàng của em:
“Tình em như sao khuya
Rải hạt vàng chi chít”
Từ đầu bài thơ, Chế Lan Viên sử dụng một loạt các hình ảnh so sánh để nâng cao vị trí của em trong tình yêu thương nồng đượm của anh. Đã không chỉ là em mà là “tình em” , sự tồn tại của em chính là sự tồn tại của một trái tim nhất mực thuỷ chung “như sao khuya”. Đúng là lúc nào cũng là quầng sáng khi có em, dù chỉ là những đốm sáng bé nhỏ “rải hạt vàng chi chít” cũng đủ để biết tình yêu của em sâu đậm biết nhường nào. Chế Lan Viên không chọn so sánh “tình em” với “vầng trăng”; bởi trăng dù sáng đến mấy cũng có khi mờ; còn cánh đồng sao “chi chít” thì hàng đêm vẫn nhấp nháy, âm thầm mà lan tỏa như chính tâm hồn em vậy.
Bốn khổ thơ đầu là sức mạnh của em, sức mạnh dịu dàng mà thiêu đốt trái tim anh; là tình yêu và nỗi nhớ chân thành của anh dành cho em. Chế Lan Viên đã chọn cho mình cách nói riêng, cách bày tỏ tình cảm riêng, qua một loạt các biện pháp so sánh, ẩn dụ. Câu thơ ngắn gọn, lời lẽ cô đọng, đúc kết mà sao tình dàn trải, thắm đượm mênh mông. Em là quầng sáng chứa bao niềm tin và hy vọng của anh, để anh thấy nhớ cồn cào và mãnh liệt khi em đi, để anh tìm thấy niềm sung sướng và hạnh phúc khi em về và em ở. Khó mà cắt nghĩa được hết nỗi lòng của anh, có những lúc lòng ngập buồn khi thiếu vắng em, nhưng có những lúc lại thấy vững một niềm tin:
“Sợ gì chim bay đi,
Mang bóng chiều bay hết”
Đặt “sợ gì” lên đầu câu thơ là anh đã lấy hết sự can đảm trong lòng để bật thành lời; nhưng nói “sợ gì” dường như lại là “sợ hơn”. Cách nói nửa vời, ngập ngừng ấy là anh đang cố tạo cho mình sự tĩnh tâm nếu “em đi”. Hầu hết, bốn khố thơ sau đều là sự lặp lại tương phản, đối lập với bốn khổ thơ đầu tiên. Bao nhiêu hụt hẫng vắng em, bao nhiêu nỗi nhớ thương anh gắng ghìm nén chặt trong lòng, anh đang tự tạo cho mình một niềm tin vững chắc:
“Tình ta như lộc biếc
Gọi ban mai lại về
Dù nắng trưa không ở
Ta vẫn còn sao khuya”
Anh càng cố quên em mà thấy nhớ em hơn, càng cố coi nhẹ tầm quan trọng của em mà thấy em càng quan trọng bao nhiêu. Nếu như ở bốn khổ thơ trước chỉ thấy xuất hiện “em” , “tình em” thì ở bốn khổ thơ sau đã nâng cao lên một bước “tình ta”. Tình yêu song phương có anh và em, chứ không còn đơn lẻ bóng dáng và tình cảm của riêng em nữa. Thực ra, anh xuất đầu lộ diện ngay từ những mất mát, hụt hẫng khi “em đi” ở đầu bài thơ, chỉ bây giờ anh mới dám khẳng định chắc chắn “tình ta”.
Vẫn là một loạt những hình ảnh của đoạn thơ đầu: “chim, bóng chiều, lộc biếc, ban mai, nắng trưa, sao khuya” cùng với cách nói phủ định lấp lửng: “sợ gì; tình ta … gọi; dù … ta vẫn còn” ta càng thấy tình yêu của anh và em sâu đậm và mãnh liệt biết bao. Niềm tin vào em và niềm tin em gieo cho anh đã xua đi những nỗi sợ hãi, lo âu mơ hồ. Tình yêu nồng thắm từ hai phía sẽ vượt lên tất cả như những ánh mai buổi sáng, như trời cao “rải hạt vàng chi chít”:
“Hạnh phúc trên đầu ta,
Rải hạt vàng chi chít”
Chế Lan Viên đã nói hộ biết bao nhiêu tiếng lòng, bao nhiêu những nhịp đập nồng say của những con tim luôn khắc khoải nỗi chờ mong. Tình yêu chân thành, đằm thắm là kim chỉ nam xuyên suốt hạnh phúc của anh và em. Tình yêu hướng ta đến sự sống, niềm tin và ánh sáng, để không chỉ riêng tình em như sao khuya, mà anh cũng quên đi nỗi buồn, sự cô đơn, trống vắng.
Bốn khổ thơ đầu tiên và bốn khổ thơ sau tưởng chừng đối lập hoàn toàn nhau, nhưng lại bổ sung và hoàn thiện cho nhau, nói cái phủ định để khẳng định thêm vững vàng và chắc chắn. Chính bởi cách kết cấu như thế đã kết lại câu thơ cuối cùng đứng riêng thành một khổ:
“Mai/ hoa em lại về”
Đặt dấu phẩy sau chữ “mai” là tiếp thêm niềm tin sắt đá trong anh. Và cũng chỉ riêng nhà thơ Chế Lan Viên mới chọn cách nói “hoa em” hay và tài tình đến thế. Ta mới chỉ nhắc đến gót hoa, lệ hoa, mắt hoa, mặt hoa … mà chưa hề có ai nói tới “hoa em” . Cách viết của Chế Lan Viên cho ta thấy sự khéo léo trong câu chữ của nhà thơ, chỉ một chữ thôi mà gói ghém nhiều điều. Em là sự kết tinh của cái đẹp, sự sống, nguồn sáng nên anh gọi là “hoa em” .
Em là bông hoa đẹp giữa cuộc đời thực, không bao giờ tàn lụi mà luôn nở rộ. Anh vẫn chất chứa niềm tin “hoa em” sẽ chắp cánh cho sự sống ngày mai tươi đẹp hơn. Cái đẹp của “hoa em” là cái đẹp sáng trong bình dị, tồn tại vĩnh cửu cùng với sức mạnh của tình yêu.
Bài thơ thể hiện được sức sáng tạo của Chế Lan Viên trong mảng thơ tình yêu thiên phú với các thủ pháp nghệ thuật, cấu trúc các dòng thơ tương xứng, nhẹ nhàng… đã tạo được nét riêng đầy ấn tượng. Cái “tôi” trữ tình sâu lắng của nhà thơ là mối đồng cảm với những thế hệ trẻ luôn khát khao yêu thương và hạnh phúc.
Chỉ với một bài thơ xinh xắn viết về tình yêu, “Tình ca ban mai” của Chế Lan Viên đã ngân lên những tiếng tơ rung dịu dàng sâu lắng mãi khôn nguôi.