Phân tích ý nghĩa bãi xe tăng hỏng trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là tài liệu hữu ích được Download.vn tuyển chọn từ bài làm hay của các bạn học sinh giỏi trên cả nước. Qua bài văn mẫu này các em có thêm nhiều gợi ý ôn tập, củng cố kỹ năng viết văn ngày một hay hơn.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 12: Phân tích ý nghĩa bãi xe tăng hỏng trong Chiếc thuyền ngoài xa
Hình ảnh bãi xe tăng hỏng trong Chiếc thuyền ngoài xa là chi tiết đặc sắc giàu ý nghĩa. Bãi xe tăng hỏng trên bãi biển là những dấu tích của chiến tranh, qua đó thấy được chiến tranh mới được lùi xa, và cuộc sống mới cũng vừa được bắt đầu. Bên cạnh đó các em xem thêm bài văn mẫu phân tích Chiếc thuyền ngoài xa, phân tích vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài.
Ý nghĩa bãi xe tăng hỏng trong Chiếc thuyền ngoài xa
Chiếc thuyền ngoài xa là truyện ngắn tiêu biểu minh chứng cho vai trò người “dẫn đường tinh anh” trong giai đoạn đổi mới văn học của nhà văn NGuyễn Minh Châu thời hậu chiến. Trong truyện ngắn, bên cạnh câu chuyện về gia đình người đàn bà hàng chài, nhà văn còn xây dựng được những chi tiết đặc sắc giàu ý nghĩa, một trong số đó có thể kể đến là hình ảnh của bãi xe tăng hỏng.
Trong truyện, từ bãi xe tăng hỏng bước ra là người đàn ông cao lớn, thô kệch và một người đàn bà xấu xí, khốn khổ, đây cũng là nơi diễn ra cảnh bạo lực mà Phùng vô tình bắt gặp. Bãi xe tăng hỏng chỉ xuất hiện thoáng qua, không được chú ý miêu tả một cách chi tiết nhưng lại mở cho người đọc bao cảm nhận phong phú, sâu sắc.
Bãi xe tăng hỏng trên bãi biển là những dấu tích của chiến tranh, qua đó thấy được chiến tranh mới được lùi xa, và cuộc sống mới cũng vừa được bắt đầu. Chiến tranh đã lùi xa, Phùng và những người đồng đội của mình đã cùng nhau chiến đấu để chống lại thế lực bạo tàn, vô lí, mang lại độc lập tự do cho nhân dân, giải phóng đất nước. Những tưởng khi bước vào giai đoạn hòa bình con người sẽ không phải đối diện với những đau khổ, mất mát nữa thế nhưng hoàn cảnh sống mới lại nảy sinh ra những hoàn cảnh éo le mới. Con người không còn khổ đau vì chiến tranh, chia lìa nhưng cái đói, cái khổ vẫn dai dẳng tạo nên bao bi kịch của cuộc đời.
Phùng từng cầm súng chiến đấu mang lại tự do cho đất nước thế nhưng khi hòa bình lập lại anh lại chẳng thể giải phóng cho những người phụ nữ nghèo khổ, giúp họ thoát khỏi cảnh bạo lực gia đình. Anh bất lực trong việc tìm ra giải pháp để giúp đỡ người đàn bà ngoài việc cố gắng giúp chị ta bỏ đi người chồng vũ phu, bạo lực.
Những chiếc xe tăng hỏng cũng là vật chứng cho cái bạo tàn mà chiến tranh mang lại. Chiến tranh kéo dài không chỉ gây mất mát về người và của mà nó còn hủy hoại sự phát triển của cả một đất nước, khiến cho con người rơi vào tình cảnh đói nghèo, bế tắc không lối thoát. Chiếc xe tăng hỏng cũng là nhân chứng cho tất cả những đau khổ, bi kịch, trái khoáy trong cuộc sống của con người, những chiếc xe tăng chứng kiến tất cả cuộc sống của người dân, chứng kiến vẻ đẹp yên bình và cả những hành động bạo lực, dã man của người đàn ông hàng chài.
Chiến tranh không bao giờ tốt và những chiếc xe tăng – biểu tượng của chiến tranh cũng vậy. Những chiếc xe tăng làm khuất lấp đi sự thật tàn nhẫn, dù vô tình nhưng nó đã tham gia che giấu hành vi bạo lực của người đàn ông. Hình ảnh người đàn ông dùng thắt lưng đánh liên tục vào mặt, vào người đàn bà cũng được diễn ra sau bãi xe tăng hỏng để tránh để những đứa con phát hiện, và nếu không cố nán lại để quan sát khung cảnh của biển Phùng cũng không nhận ra một sự thực nghịch lí đang diễn ra đằng sau bức tranh hoàn mĩ mà mình chụp được.
Thông qua hình ảnh bãi xe tăng cũ nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tha thiết kêu gọi con người hãy ngăn chặn cuộc chiến tranh tâm hồn bởi cuộc chiến tranh chống lại cái ác, cái bạo tàn mà con người tự mang đến cho nhau còn gay gắt và mạnh mẽ hơn cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.