Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 8 giúp các em học sinh lớp 8 ôn tập phần văn bản, văn nghị luận xã hội thật tốt, để đạt kết quả cao trong kỳ thi học sinh giỏi năm 2022 – 2023.
Bạn đang đọc: Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 8
Với các dạng đề ôn tập, cùng hướng dẫn xây dựng dàn ý chung, cách làm bài văn rất chi tiết, giúp các em nắm được những kiến thức trọng tâm để chuẩn bị cho kì thi học sinh giỏi sắp tới. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn nhé:
Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi Văn 8
Phần I. Ôn tập văn nghị luận xã hội
I. YÊU CẦU CHUNG:
– Bài làm phải đầy đủ ba phần: Mở bài, thân bài, kết bài.
– Giữa ba phần (mở bài, thân bài, kết bài) và giữa các luận điểm, các đoạn trong phần thân bài phải có sự liên kết chặt chẽ. Để làm được như vậy, cần phải:
- Sử dụng những từ ngữ, những câu văn… để chuyển ý.
- Câu chuyển ý thường ở đầu đoạn văn (Câu này thường có chức năng: liên kết với ý ở đoạn văn trước đó và mở ra ý mới trong đoạn văn).
- Không thể trình bày phần thân bài chỉ với một đoạn văn!
– Phải bảo đảm tính cân đối giữa ba phần (mở bài, thân bài, kết bài) trong toàn bộ bài văn cũng như giữa các luận điểm ở phần thân bài, tránh trường hợp làm bài kiểu “đầu voi đuôi chuột” (phần “mở bài, thân bài” lại nói nhiều, thiếu phần “kết bài”).
– Phải biết vận dụng kết hợp các thao tác lập luận trong bài văn: giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, bác bỏ, bình luận… Trước một đề bài cụ thể, cần suy nghĩ lựa chọn: Nên sử dụng các thao tác lập luận nào? Sắp xếp trình tự các thao tác ra sao?
– Để bài văn có sức thuyết phục, cần sử dụng một số phương thức biểu đạt như biểu cảm, tự sự, miêu tả, thuyết minh… hỗ trợ cho phương thức nghị luận chính.
II. ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG, VẤN ĐỀ NGHỊ LUẬN:
Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí:
- Vấn đề nhận thức: lí tưởng, mục đích sống…
- Vấn đề về đạo đức, tâm hồn, tính cách: lòng yêu nước, lòng nhân ái, vị tha, bao dung, độ lượng; tính trung thực, dũng cảm, chăm chỉ, cần cù, thái độ hòa nhã, khiêm tốn; thói ích kỉ, ba hoa, vụ lợi…
- Vấn đề về các quan hệ gia đình: tình mẫu tử, tình phụ tử, tình anh em…
- Vấn đề về các quan hệ xã hội: tình đồng bào, tình thầy trò, tình bạn…
- Vấn đề về cách ứng xử, đối nhân xử thế của con người trong cuộc sống.
III. ĐỊNH HƯỚNG DÀN Ý CHUNG:
1. Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí:
a. Mở bài:
- Dẫn dắt vào đề (…)
- Giới thiệu về tư tưởng, đạo lí nêu ở đề bài (…)
- Trích dẫn ý kiến, nhận định (nếu có) (…)
b. Thân bài:
* Giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn luận (…).
Tùy theo yêu cầu đề bài mà có thể có những cách giải thích khác nhau:
- Giải thích khái niệm, trên cơ sở đó giải thích ý nghĩa, nội dung vấn đề.
- Giải thích nghĩa đen của từ ngữ, rồi suy luận ra nghĩa bóng, trên cơ sở đó giải thích ý nghĩa, nội dung vấn đề.
- Giải thích mệnh đề, hình ảnh trong câu nói, trên cơ sở đó xác định nội dung, ý nghĩa của vấn đề mà câu nói đề cập.
* Phân tích và chứng minh những mặt đúng của tư tưởng , đạo lí cần bàn luận (…)
Bản chất của thao tác này là giảng giải nghĩa lí của vấn đề được đặt ra để làm sáng tỏ tới cùng bản chất của vấn đề. Phần này thực chất là trả lời câu hỏi: Tại sao? (Vì sao?) Vấn đề được biểu hiện như thế nào?
* Phê phán, bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề đang bàn luận (…)
* Bình luận, đánh giá (bàn bạc, mở rộng, đề xuất ý kiến…):
- Đánh giá vấn đề: Nêu ý nghĩa của vấn đề, mức độ đúng – sai, đóng góp – hạn chế của vấn đề.
- Từ sự đánh giá trên, rút ra bài học kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong học tập, trong nhận thức cũng như trong tư tưởng, tình cảm…
- Đề xuất phương châm đúng đắn…
c. Kết bài:
- Khẳng định chung về tư tưởng, đạo lí đã bàn luận ở thân bài (…)
- Lời nhắn gửi đến mọi người (…)
IV. MỘT SỐ ĐỀ BÀI THAM KHẢO
Đề 1: Giữa một vùng đất khô cằn sỏi đá, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở ra những chùm hoa thật rực rỡ.
Trình bày suy nghĩ của anh chị về hiện tượng trên.
Dàn ý
1. Mở bài:
- Câu nói miêu tả một hiện tượng thiên nhiên mà hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc, gợi ra nhiều suy tưởng đẹp.
- Đó là biểu tượng của nghị lực và ý chí vươn lên của con người trong những hoàn cảnh khó khăn, khốc liệt.
2. Thân bài:
A. Giải thích câu nói:
- Hình ảnh “vùng sỏi đá khô cằn”: gợi liên tưởng, suy nghĩ về môi trường sống khắc nghiệt, đầy gian khó. Nói cách khác, đó là nơi sự sống khó sinh sôi, phát triển.
- Hình ảnh “cây hoa dại”: Loại cây yếu ớt, nhỏ bé, cũng là loại cây bình thường, vô danh, ít người chú ý.
- Hình ảnh “cây hoa dại vẫn mọc lên và nở hoa”: Cây hoa dại sống giữa tự nhiên lặng lẽ mà kiên cường. Nó thích nghi với hoàn cảnh, vượt lên điều kiện khắc nghiệt để sống và nở hoa. Những bông hoa là thành quả đẹp đẽ, kết tinh từ sự chắt chiu, thể hiện sức sống mãnh liệt.
Như vậy, câu nói mượn hiện tượng thiên nhiên mà gợi ra suy nghĩ về thái độ sống của con người. Cho dù hoàn cảnh khắc nghiệt đến đâu, sự sống vẫn hiện hữu, cái đẹp vẫn tồn tại. Con người phải có ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
b. Phân tích, chứng minh ý nghĩa câu nói:
– Đây là một hiện tượng mà ta có thể tìm thấy ở nhiều nơi trong thế giới tự nhiên quanh mình. Cây cối, cỏ hoa xung quanh ta luôn ẩn chứa một sức sống mạnh mẽ, bền bỉ. Chúng sẵn sàng thích nghi với mọi điều kiện sống khắc nghiệt:
- Nơi sa mạc nóng bỏng, cây xương rồng vẫn mọc lên, vẫn nở hoa, những bông hoa nép mình dưới xù xì gai nhọn.
- Ở cánh đồng băng Nam Cực, các nhà khoa học sững sờ khi phát hiện dưới lớp băng dày vẫn có những đám địa y.
– Từ hiện tượng này, có thể liên hệ với những hiện tượng tồn tại trong cuộc sống con người:
- Những thử thách, những khó khăn của thực tế đời sống luôn đặt ra đối với mỗi con người. Cuộc sống không bao giờ bằng phẳng, luôn chứa đựng những bất ngờ, biến cố ngoài ý muốn. Vì vậy, quan trọng là cách nhìn, thái độ sống của con người trước thực tế đó. Ta không nên đầu hàng hoàn cảnh, không buông xuôi phó thác cho số phận. Trong hoàn cảnh “khắc nghiệt”, vẫn có những con người đích thực vẫn vươn lên.
- Chính trong thách thức của hiện thực cuộc sống, nghị lực và sức sống của con người càng được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Những đóng góp, cống hiến hay những thành tựu, kết quả đạt được trong điều kiện đó rất cần được tôn vinh như những tấm gương sáng cho mọi người học tập:
– Nhà văn Nga vĩ đại M. Go-rơ-ki đã có một cuộc đời sớm chịu nhiều cay đắng, gay go, đã không ngừng tự học, tự đọc để vươn lên khẳng định tài năng và đi đến thành công.
– “Hiệp sĩ công nghệ thông tin” Nguyễn Công Hoàng phải sống trong hoàn cảnh nghiệt ngã: không thể tự mình duy chuyển, khả năng ngôn ngữ hạn chế. Vậy mà người thanh niên đó đã sống bằng nghị lực, quyết tâm học tập và nghiên cứu phần mềm tin học. Cuối cùng anh đã thành công.
– Còn có rất nhiều tấm gương khác nữa, họ chấp nhận đương đầu với hoàn cảnh khắc nghiệt để sống và vươn lên, thể hiện những ước mơ cao đẹp.
c. Bình luận, đánh giá:
– Khẳng định sự sâu sắc của bài học: Đây là một bài học quý báu, bổ ích về thái độ sống của con người xuất phát từ hiện tượng tự nhiên.
– Phê phán:
- Sống trong môi trường, điều kiện sống thuận lợi, có người biết tận dụng nó để phát triển tối đa năng lực của mình, đóng góp cho cuộc sống. Song cũng có những người ỷ lại mà không nỗ lực cố gắng, chỉ biết hưởng thụ, dẫn đến lãng phí thời gian, tiền bạc, tâm huyết, tình cảm của người thân. Sự lãng phí ấy là vô cùng đáng trách.
- Không gặp được những thuận lợi trong cuộc sống, có người đã sống chán nản, buông xuôi và dẫn tới thất bại. Trường hợp này có thể cảm thông song không nên đồng tình vì tuy hoàn cảnh có vai trò quan trọng song những nỗ lực cố gắng của con người càng quan trọng hơn.
– Bài học rút ra:
- Để có thể vượt lên khó khăn mà có những đóng góp, cống hiến trong cuộc sống, con người cần có nghị lực, ý chí, năng lực. Song cũng rất cần sự động viên, khích lệ, tình yêu và niềm tin của những người thân và cả cộng đồng.
- Cộng đồng nên có cách nhìn nhận, đánh giá đúng đắn về những đóng góp của những người ở hoàn cảnh đặc biệt, đồng thời nên có những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ để họ nhanh chóng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
3. Kết bài:
- Sẽ thật bất hạnh khi gặp phải hoàn cảnh trớ trêu trong cuộc sống, nhưng sẽ bất hạnh hơn nếu như chúng ta thôi không cố gắng.
- Cũng như cây hoa dại kia rễ của nó đã đâm sâu dưới đất sỏi đá khô cằn nhằm tìm nguồn nước dẫu ít ỏi để tiếp tục tồn tại mà nở những chùm hoa đẹp.
- Hãy nhìn vào tấm gương của những bạn học sinh nghèo vượt khó, những hoàn cảnh bất hạnh nỗ lực vươn lên để tự soi lại chính mình.
Đề 2: “Tình thương là hạnh phúc của con người”
Bài làm
Trong cuộc sống giữa con người và con người chúng ta luôn tồn tại tình yêu thương. Tình yêu thương là cội nguồn đầu tiên của con người chúng ta cho đến ngày nay. Những tình yêu thương đẹp đẽ đó mang đến niềm hạnh phúc cho chúng ta. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu “tình thương là hạnh phúc của con người là gì?”.
Tình thương là sự cảm thông chia sẻ trong phạm vi gia đình, xã hội, nhà trường. Hạnh phúc là niềm vui, niềm sung sướng khi ta đạt được niềm mơ ước, phấn đấu trong cuộc sống. Khi chúng ta cho người khác tính thương hoặc khi chúng ta biết chia sẻ niềm vui nỗi buồn với người khác thì chúng ta sẽ nhận lại được từ họ sự sự biết ơn bởi cuộc sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.
Tình thương còn được thể hiện ở nhiều khía cạnh, ta thấy gần gũi nhất là gia đình, tình cảm của cha mẹ đối với con cái là vô cùng lớn lao vô bờ bến. Từ ngàn xưa cha ông ta đã có những câu ca dao đề cao tính yêu thương của cha mẹ; Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Núi cao to đồ sộ nước chảy nhiều như thế ta cũng không thể hình dung được tình yêu thương của cha mẹ lớn lao như thế nào bởi ta không bao giờ đong đo đếm được. Điều đó đã trở thành đạo lí bổn phận con chúng ta phải biết ghi nhớ công ơn của cha mẹ, vâng lời cha mẹ, cố gắng học tập thật tốt để làm cha mẹ vui lòng. Ta có thể thấy trong văn học, thuý Kiều vì thương cha mình đã phải bán thân chuột cha, Nguyễn Đình Chiểu khóc đến mù cả mắt khi hay tin mẹ mất. Ngoài ra tình yêu thương còn được thể hiện trong nhà trường: vâng lời, lễ phép với thầy cô người lớn tuổi hoàng thành nhiệm vụ mà thầy cô giáo, ghi nhớ công ơn thầy cô đã dạy cho ta những bài học đầu tiên, nhưng chữ đầu đời. Trong quan hệ bạn bè: cảm thông chia sẻ với những bạn có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ các bạn học yếu. Tong xã hội, biết chia sẻ cảm thông với những số phận bất hạnh, vận động kêu gọi mọi người quyên góp giúp đỡ đồng bào lũ lụt, quỹ nhà tình thương, vì người nghèo…
Vì sao chúng ta sống phải có tình thương: Vì tình thương là một trong những thứ cao đẹp nhất của con người, tình thương là sự cho đi đồng thời nhận lại, tình thương đem đến niềm tin lẽ sống, niềm hạnh phúc, sự ấm áp cho mọi người, có tình thương giúp con người sẽ xây dựng xã hội tốt đẹp, trật tự tình thương giúp con người hoàn thiện nhân cách của mình hơn.
Tuy nhiên tình thương phải biết đặt đúng chỗ vì không đặt đúng chỗ sẽ không là hạnh phúc mà là bất hạnh. Một người mẹ quá nuông chiều con sẽ khốn khổ vì con. Cho tiền nhưng kẽ dạng hành khất là tiếp tay cho lười biếng. Khoan hồng, dung tha cho những kẻ phạm tội nhưng chúng vẫn “ngựa quen đường cũ” thì thật là nguy hiểm cho xã hội. bên cạnh những người giàu lòng yêu thương vẫn còn vô vàn những kẻ ích kỉ, sống chỉ biết vì mình thật là đáng phê phán lên án.
“Tình thương là hạnh phúc của con người” câu nói tuy ngắn gọn nhưng bao hàm đầy đầy đủ ý nghĩa cho chúng ta tình thương là một trong những cảm xúc đẹp nhất của con người. Đừng sống vì mình mà hãy sống vì mọi người nhất là đối với những người chúng ta yêu thương, sẽ làm cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn mọi người cảm thấy yêu đời hơn.
Đề 3: Trong bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa Nguyễn Duy viết:
“Ta đi trọn kiếp con người
Vẫn không đi hết những lời mẹ ru”.
Câu thơ trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về tình mẫu tử?
Đòi hỏi vận dụng kiến thức, hiểu biết về nội dung và ý nghĩa của những lời ru; khả năng nhạy cảm để nhận biết bằng trái tim những mong ước và tình yêu thương của mẹ.
a. Ý nghĩa của lời mẹ ru: không chỉ là lời ca và giai điệu để dỗ dành trẻ nhỏ ngủ ngon mà còn là sự thể hiện tâm hồn, tấm lòng người hát ru. Tiếng ru của mẹ là tình cảm, là ước mong, là lời gửi gắm tâm tình của người mẹ với con mình. Nó chứa đựng trong đó cả một thể giới tinh thần mà người mẹ có được và muốn xây dựng cho đứa con:
- Là lời yêu thương: chứa đựng tình yêu vô bờ bến của mẹ dành cho con. Trong tình yêu ấy, con là tài sản quý giá nhất, là niềm tự hào lớn đẹp nhất, là cả cuộc sống của người mẹ.
- Là lời cầu nguyện, ước mong: lời ru là sự gửi gắm mong ước về tương lai của con với sự trưởng thành về thể chất và tâm hồn, sự thành công trong cuộc sống.
- Là lời nhắn nhủ, khuyên răn, dạy bảo: Chứa đựng trải nghiệm của cuộc đời người mẹ, sự hiểu biết, khát vọng truyền thụ hiểu biết, kinh nghiệm của mẹ cho con, sự hiểu biết và kinh nghiệm về đạo làm người, về lẽ sống ở đời, về lẽ phải cần phải tuân theo, về những giới hạn cần biết dừng lại, về những cạm bẫy nguy hiểm nên tránh, về những bước đường mỗi người phải đi qua…
Cho dù là lời yêu thương, lời cầu nguyện hay lời nhắn nhủ thì cũng là chuẩn bị của người mẹ cho những đứa con trên con đường đời hiện tại và sau này của nó, sự chuẩn bị không chỉ bằng kiến thức kinh nghiệm mà bằng cả tấm lòng và tình yêu. Lẽ tự nhiên, trong mỗi người mẹ luôn bao gồm cả một nhà giáo dục và một phương pháp giáo dục của trái tim thấm đẫm yêu thương.
b. Không đi hết: Không thấy hết, không dùng hết, không thể hiểu biết hết, không sống hết những gì mẹ đã chuẩn bị cho con qua lời ru ấy:
- Tấm lòng bao dung vô bờ của mẹ.
- Sự che chở, nâng đỡ, dìu dắt trọn đời của mẹ qua những lời ru.
- Cảm giác thấm thía của người con qua trải nghiệm cuộc đời khi nhìn nhận lại, cảm nhận lại những gì có được từ lời ru và tình yêu của người mẹ.
Lời tri ân của người con với mẹ là lời ca ngợi sự vô giá, vô bờ bến của tình mẫu tử mẹ dành cho con. Câu thơ đọc lên giản dị và thấm thía đủ để mỗi con người được ngồi lại trong yên tĩnh để cảm động, suy nghĩ.
Vai trò của tình mẫu tử:
- Là môi trường tốt nhất cho sự phát triển của tâm hồn và thậm chí cả trí tuệ của đứa con.
- Là điểm tựa cho lòng tin, sức mạnh của đứa con trong cuộc sống.
- Là cái gốc thiện, nguồn nuôi dưỡng lương tri, nhân phẩm của con người trong cuộc đời; có ý nghĩa cảnh giới con người khi đứng trước bờ vực của lầm lỡ và tội ác.
- Là nơi xuất phát và cũng là chốn về sau cùng của con người trong cuộc sống đầy bất trắc, hiểm nguy.
b. Biểu hiện của tình mẫu tử: Vô cùng đa dạng phong phú xong đều hướng tới cái đích cuối cùng là cho con, vì con.
c. Thái độ cần có đối với tình mẫu tử: Không chỉ là đón nhận và cần sống, trải nghiệm và tự điều chỉnh bản thân để góp phần làm toả sáng giá trị thiêng liêng của tình mẹ trong chính cái kết tinh của tình mẹ thiêng liêng ấy là tâm hồn và sự sống của bản thân mình.
Đề 4: Em hãy viết về tình mẫu tử.
Bài làm:
“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào” …Vâng, từ xưa đến nay mỗi khi nhắc đến hình tượng người mẹ, họ luôn nghĩ đến một tình cảm thật bao la, chân thành và ấm áp chứa chan bao tình yêu. Thật cao quý và may mắn biết bao đối với những ai còn mẹ.Lòng mẹ, cũng chính là tình mẫu tử. Đó là một thứ thiêng liêng, quý giá xuất phát từ tâm hồn long lanh như pha lê, dịu ngọt như dòng suối của mẹ dành cho đứa con thân yêu của mình. “Mẫu” là mẹ, “tử“ là con. Hai từ này hầu như chưa bao giờ xa cách, ví như cho dù họ có cách xa bao lâu, bao xa thì tâm hồn của mẹ và con luôn hòa quyện vào nhau.Khi con còn bé thơ, từ lúc vừa chào đời đã được bàn tay của mẹ dỗ dành, nâng niu. Một chút lớn nữa, mẹ cũng là người đỡ từng bước đi đầu tiên. Khi đi học, cũng có những lúc con ham chơi khiến mẹ buồn lòng nhưng bà vẫn không bao giờ buồn hay hờn trách con, luôn chỉ bảo cho con thứ gì đúng, thứ gì sai. Tất cả những điều ấy đã đều chứng minh được thế nào là tình mẹ. Và con cũng đã đáp lại tình cảm ấy bằng sự thành công, sự hiếu thảo mà mỗi người đều có thể đạt được bằng chính sự nỗ lực của mình. Nhưng tình con dành cho mẹ không bao giờ bằng tình mẹ dành cho con. Đó cho ta thấy sự tuyệt diệu về đức hy sinh của người “mẫu”, người mẹ mà ta không thể lý giải được.Không thể không nói đến một số trường hợp ngoại lệ. Cũng đã có nhiều người mẹ nhẫn tâm vứt bỏ đi cốt nhục, những đứa con ruột thịt của mình không lý do. Tôi không thể hiểu được tại sao lại có người như thế. Những việc như vậy có đã để bị xã hội chê trách không? Hay sâu trong tâm hồn của họ đang nghĩ những gì, có ăn năn hối hận không? Chúng chỉ là những đứa trẻ thơ cần tình thương ấm áp, dịu ngọt của mẹ thôi mà…. Họ đã vô tình làm vấy bẩn sự thiêng liêng cao quý của ba chữ vàng “tình mẫu tử“ mà chúng ta hằng nghĩ đến và yêu quý nó.Mẹ dành tình cảm cao quý, đầy sự hy sinh khắc khổ đó cho con thì con cũng phải đáp lại bằng những thứ thiêng như gần như thế. Mẹ không bao giờ đòi hỏi nhiều ở con, luôn mong con thành đạt, hạnh phúc thì đó cũng chính là niềm vui của mẹ. Và đồng thời con cũng là niềm tin, là hy vọng, hoài bão của mẹ. Tất cả những gì tốt nhất cũng đều dành cho con. Những ai đang còn mẹ thì hãy biết quý trọng và giữ gìn nó. Có những thứ khi đã qua rồi thì không bao giờ lấy lại được. Tình cảm của mẹ như ánh sáng trên cao, bóng mát trên cao, như dòng sữa ngọt ngào. Cuộc đời thật công bằng biết bao khi đã cho cho mỗi người chúng ta thứ gọi là “tình mẫu tử“
Đề 5: Biết lắng nghe – điều kì diệu của cuộc sống. Suy nghĩ của anh(chị) về vấn đề trên.
1. Giải thích:
- “Nghe” là sự tiếp nhận âm thanh bằng tai (thính giác).
- “Biết lắng nghe” là không chỉ nghe bằng tai mà còn nghe bằng cả khối óc và trái tim.
- “Biết lắng nghe – điều kì diệu của cuộc sống ” là một trong những cách tiếp nhận, học hỏi của con người nhằm làm cho bản thân ngày càng hoàn thiện.
- “Biết lắng nghe” tùy thuộc vào ý thức chủ quan của mỗi người. Đó là đức tính, là năng lực cần phải học hỏi, là yếu tố thúc đẩy để con người tự hoàn thiện nhân cách và trưởng thành hơn …do đó, “Biết lắng nghe” là điều kì diệu của cuộc sống.
2. Bình luận:
- “Biết lắng nghe” phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh nghiệm sống, vốn văn hóa, tầm nhìn, sự nhạy cảm, độ tinh tường, tinh thần cầu thị, quan niệm sống của con người,…
- “Biết lắng nghe” là điều kì diệu của cuộc sống: nghe để hiểu, để hành động, để hướng tới giá trị chân, thiện, mĩ. Chẳng hạn, biết nghe tiếng vọng về từ quá khứ, nghe những gì đang diễn ra ở hiện tại, nghe được cả tương lai; nghe được lời của thiên nhiên, đất trời, lời của cây cối, chim muông; nghe để phân biệt phải trái, hay dở, tốt xấu, nghe được cả tiếng trái tim mình…
- Không biết lắng nghe thì cuộc sống thật vô nghĩa, tẻ nhạt, ….
3. Bài học nhận thức và hành động:
- “Biết lắng nghe” có vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người, vì vậy, mỗi người cần phải có ý thức rèn luyện năng lực “lắng nghe”.
- Biết lắng nghe một cách chân thành, cầu thị để có thể chia sẻ, đồng cảm với người khác và làm cho cuộc sống của mình ngày càng có ý nghĩa…
- Chống tư tưởng chủ quan, bảo thủ và phê phán lối sống ích kỉ, “biết nghe mà vẫn giả điếc”…
Đề 6: W. Whitman từng tâm niệm: Hãy nhìn về phía mặt trời, bóng tối sẽ khuất sau lưng bạn.
Suy nghĩ của anh (chị) về nhận định trên.
1. Giải thích ý nghĩa của lời nhận định.
- Mặt trời là nguồn sáng đem lại hơi ấm và sự sống cho muôn loài. Mặt trời còn là biểu tượng cho những điều tươi sáng, đẹp đẽ, là niềm tin và hi vọng tốt đẹp ở tương lai trong cuộc đời con người.
- Bóng tối là màn đêm âm u, tăm tối. Bóng tối cũng là biểu tượng cho sự đen đủi, bi đát, bất hạnh, thiếu may mắn, những thất bại trong đường đời của con người.
- Ý nghĩa nhận định: Lời nhận định là một phương châm sống tích cực, một lời khuyên sâu sắc nhắc nhở ta phải biết vượt lên những bất hạnh, rủi ro, đau buồn, thất bại trong cuộc đời. Phải biết quên đi quá khứ đen tối mà hướng về tương lai tươi sáng, tốt đẹp ở cuộc sống phía trước.
2. Bàn luận, mở rộng vấn đề.
- Cuộc sống không phải lúc nào cũng là thảm đỏ trải đầy hoa hồng, cuộc sống là một trường tranh đấu. Bởi thế, cuộc đời mỗi con người cũng không thể tránh khỏi những gian nan, trắc trở, những khó khăn, thất bại.
- Mỗi người cần phải có ý chí, nghị lực, dũng khí để vượt lên những thất bại. Phải xem những gian nan, trắc trở như một thử thách để ta được rèn luyện, trưởng thành.
- Cần biết hướng về phía trước, lạc quan, tin tưởng vào tương lai, có bản lĩnh vững vàng để vượt lên những vấp ngã của bản thân. Đây là xu hướng phát triển, là yêu cầu tất yếu phù hợp với quy luật khách quan của cuộc sống. Nếu cứ đắm chìm trong những thất bại, đau buồn là tự hại mình.
- Phê phán những người không có niềm tin, không có ý chí phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
3. Bài học nhận thức và hành động.
- Cần phải có ý chí, nghị lực, niềm lạc quan tin tưởng vào tương lai để vững bước trong cuộc đời.
- Trong cuộc sống cũng như trong học tập phải biết vượt lên chính mình, không nên chùn bước trước những khó khăn thử thách. Sống cần có lý tưởng, khát vọng và ước mơ.
Đề 7: R.Ta-go, nhà thơ Ấn Độ cho rằng: Thà làm một bông hoa sen nở khi thấy mặt trời rồi mất hết tinh nhụy, còn hơn giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu của mùa đông.
Suy nghĩ của anh (chị) về nhận định trên.
1. Giải thích ý nghĩa của lời nhận định
- Hoa sen: ủ mầm trong bùn đất, tối khuất, nhơ bẩn nhưng mạnh mẽ vươn lên. Hoa sen là biểu tượng cho phẩm cách thanh sạch, biết vươn lên trong cuộc sống của con người.
- Mặt trời: Đó là ánh sáng vĩnh cửu đem lại sự sống cho vạn vật. Mặt trời tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ, sự huy hoàng.
- Nụ búp: ẩn dụ cho cái non nớt, nhút nhát, e sợ của con người.
- Sương lạnh vĩnh cửu: là môi trường lạnh giá, khắc nghiệt, ở đó vạn vật phải ẩn mình, thu mình, không thể sinh sôi phát triển. Vì thế nó tượng trưng cho những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
=> Ý nghĩa câu nói: Ý kiến của Ta- go là một triết lí sống mạnh mẽ, tích cực và tiến bộ. Trong cuộc sống có rất nhiều khó khăn thử thách, nhưng nếu biết sống và cống hiến hết mình ta sẽ nhận được thành quả xứng đáng. Nếu sống nhút nhát, thụ động thì cuộc đời thật nhạt nhẽo, vô nghĩa.
2. Bàn luận, mở rộng vấn đề
a. Tại sao nên chọn cách sống như “bông hoa sen”?
- Cuộc sống rất quý giá nhưng lại ngắn ngủi, và chỉ đến duy nhất một lần. Ta phải sống thế nào cho xứng đáng, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những tháng năm đã sống hoài, sống phí. Ta cần có một trái tim đầy nhiệt huyết để sống hết mình, để cảm nhận từng hơi thở trong khoảnh khắc của đời mình.
- Đã là con người thì cần phải có ước mơ, lý tưởng và khát khao thực hiện những điều đó. Tuy nhiên, cuộc sống luôn ẩn chứa những khó khăn, thử thách và những điều tốt đẹp không bỗng dưng mà có. Thay vì để khó khăn đánh bại, ta hãy đón nhận chúng như một cơ hội để rèn luyện bản lĩnh của chính mình, để ta thêm trưởng thành.
- Khi ta chọn làm “bông hoa sen nở trong ánh mặt trời” đó là lúc ta sống hết mình và cống hiến hết mình. Ta sẽ có cơ hội được toả sáng, được khẳng định, lưu lại dấu chân trên con đường đã đi và tận hưởng những điều tuyệt diệu mà cuộc sống mang lại. Đó cũng chính là cách khiến cuộc sống của ta thêm ý nghĩa và trở nên có ích. Đó mới là cuộc sống đích thực của con người.
b. Tại sao không nên chọn cách sống như “nụ búp”?
- Nếu ta không dám đối mặt trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống vì ta sợ sai lầm, sợ sẽ thất bại, sợ bị cười chê… để rồi mãi mãi ta sống trong vỏ bọc hèn nhát của mình. Đó là lối sống mòn, sống thừa, sống vô ích mà không được ai biết đến. Một “cuộc sống đang mòn ra, đang rỉ đi, đang nổi váng.”
- Cuộc sống không mục tiêu, ước mơ, hoài bão thật vô vị. Sống như thế thực chất chỉ là tồn sự tại mà thôi, là chết ngay cả khi đang sống.
c. Nâng cao
- Liệu có phải lúc nào ta cũng sống hết mình? Nếu cứ hết mình như thế sẽ có lúc ta kiệt sức. Vậy ta cần phải biết lượng sức mình, không phải lúc nào cũng nên lao về phía trước. Để đối mặt với mọi thử thách trên đường đời trước tiên ta phải trân trọng chính bản thân ta. Đừng nôn nóng theo đuổi mục đích mà quên mất bản thân mình.
- Có những phút giây ta nên thu mình lại khi đã cảm thấy mỏi mệt. Khi ấy không phải ta đang hèn nhát, chỉ là ta đang tìm kiếm chút bình yên cho tâm hồn, tìm được lại ý chí, lòng quyết tâm để tiếp tục tiến lên phía trước.
3. Bài học nhận thức và hành động
- Phê phán lối sống yếu mềm, thụ động, chỉ biết ngồi chờ vận may và sự thuận lợi.
- Cuộc sống của mỗi người được quyết định bởi sự tự nhận thức, bản lĩnh và nghị lực vươn lên không ngừng. Cuộc sống quá ngắn ngủi, hãy cứ cháy hết mình đến tận cùng của khát vọng, ước mơ.
Đề 8: Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa.
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.
+ Giới thiệu chung: cuộc sống có những người, những điều cao đẹp được nhiều người biết tới. Nó trở thành những thần tượng đối với con người. Nhưng người ta phải có thái độ như thế nào đối với thần tượng cho phải, bởi lẽ: ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa.
+ Giải thích:
– Thần tượng là những người, những điều được mọi người tôn sùng, chiêm ngưỡng. Nhưng thái độ của mọi người đối với thần tượng có thể dẫn tới những kết quả khác nhau: Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa.
– Tại sao Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa?
– Ngưỡng mộ khác với mê muội: người ngưỡng mộ vẫn giữ được sự tỉnh táo, sáng suốt, khách quan của tinh thần, do đó có thái độ đúng mực đối với thần tượng, trong khi người mê muội thì thường chủ quan, thiếu sự sáng suốt, tỉnh táo trong mối quan hệ với thần tượng, do đó dễ có những thái độ không đúng mực, không phù hợp.
– Trong việc ngưỡng mộ thần tượng, người ta dễ hiểu rõ cái đẹp của thần tượng và có sự ngưỡng mộ; người ta cũng hiểu rõ bản thân; do đó người ta có thể hoặc có sự thán phục, hoặc có nỗ lực để phấn đấu và để theo gương theo cách hiểu mình hiểu người, không có những hành vi thái độ quá đáng ảnh hưởng đến nhân cách của bản thân. Vì thế, đó là một nét đẹp văn hóa: cư xử văn minh, lịch sự đúng mực, phù hợp.
– Trong khi đó, mê muội thần tượng thì dễ khiến người ta chỉ nhìn thấy thần tượng một cách phiến diện (hào quang của những thần tượng ca nhạc) thường lại có những thái độ hành vi quá đáng và do đó nó ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân, có khi dẫn tới những tai họa lớn (ví dụ: tốn thời gian, tiền của và thậm chí cả sinh mạng).
+ Bình luận:
– Không nên sống trên đời mà không có thần tượng bởi vì ai cũng cần phải có một mục đích rõ ràng để sống, phải có những điều, những người tốt đẹp mà mình ngưỡng mộ, yêu mến, khâm phục để noi gương và phấn đấu. Có như vậy cuộc sống mới có thể dễ có ý nghĩa, có động lực thúc đẩy để phấn đấu. Không có thần tượng người ta dễ sống theo kiểu bèo dạt hoa trôi.
– Cũng cần thấy rõ ý nghĩa khái quát của thần tượng và sự hiện diện của thần tượng ở mọi lĩnh vực của đời sống (văn học, lịch sử, khoa học…) chứ không phải chỉ có thần tượng trong lĩnh vực âm nhạc, thể thao.
– Cần phải có thái độ đúng đắn đối với thần tượng đó là ngưỡng mộ thần tượng chứ không mê muội thần tượng.
+ Ý kiến của đề:
– Có ý nghĩa của một lời nhắc nhở, một lời khuyên rất thực tế, thời sự đối với mọi người, nhất là với giới trẻ hiện nay.
Đề 9: Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn.
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
– Giới thiệu ý kiến của đề bài: biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng xấu hổ còn quan trọng hơn.
– Giải thích:
- Tự hào: lấy làm hài lòng, hãnh diện về cái tốt đẹp mà mình có.
- Xấu hổ: cảm thấy hổ thẹn khi thấy mình có lỗi hoặc kém cỏi trước người khác.
- Ý kiến: thể hiện quan điểm của người phát biểu về quan hệ của tự hào với xấu hổ: tự hào thì cần thiết, xấu hổ quan trọng hơn.
– Phân tích, chứng minh:
+ Tự hào là cần thiết:
- Người tự hào thường là người hiểu rõ bản thân, nhất là sở trường, các tốt đẹp của bản thân. Do đó cũng dễ là người có thái độ tự tin.
- Tự hào thường mang lại những cảm xúc tích cực. Nó giúp người ta dễ phấn khởi trong hành động. Do đó cuộc sống dễ đạt được những thành công.
+ Biết xấu hổ còn quan trọng hơn:
+ Biết xấu hổ, người ta dễ tránh những lỗi lầm sai trái.
+ Biết xấu hổ, người ta dễ nỗ lực vươn lên để khắc phục những kém cỏi của bản thân.
+ Biết xấu hổ, người ta dễ có lòng khiêm tốn, có tinh thần trách nhiệm, có lương tâm.
+ Biết xấu hổ là một trong những biểu hiện của lòng tự trọng, của nhận thức về phẩm giá con người.
+ Biết xấu hổ, người ta cũng dễ biết kiềm chế bản thân trước các tình huống.
– Phê phán: Trong thực tế, có những người không biết tự hào, cũng chẳng tự trọng, vô cảm với mình, với người. Nguyên nhân thường do thiếu nhận thức, thiếu kỹ năng sống.
– Bình luận: Tự hào, tự trọng (mà biết xấu hổ là một biểu hiện của nó) là những phẩm chất đáng quý mà mỗi người cần có, trong đó cần nhận thức tự hào là cần thiết nhưng tự trọng thì quan trọng hơn.
– Làm sao để có lòng tự hào và tự trọng:
- Cần có hiểu biết và ý thức về giá trị con người và cuộc sống.
- Cần có hiểu biết về ý nghĩa quan trọng của phẩm giá cá nhân.
- Cần nỗ lực phấn đấu rèn luyện trau dồi những phẩm chất và kỹ năng sống cần thiết để sống tốt.
Đề 10: Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích.
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.
– Giới thiệu ý kiến của đề bài: Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích.
– Giải thích:
- Người nổi tiếng: là người có tiếng tăm được nhiều người biết đến.
- Người có ích: là người có cuộc sống có ích, có ý nghĩa, cũng cần thiết và có giá trị đối với người khác, gia đình, xã hội.
- Ý kiến là một lời khuyên về một trong những mục đích sống của con người: hãy sống với một mục đích sống chân chính đừng cố gắng theo đuổi tiếng tăm, danh vọng mà hãy quan tâm đến giá trị của cuộc sống, nhất là với mọi người.
– Phân tích chứng minh:
- Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng:
- Tiếng tăm, danh vọng: thường không phải là mục đích cao đẹp nhất của cuộc sống.
- Danh vọng có thể làm tha hóa con người, làm băng hoại đạo đức và đẩy con người ta vào tội lỗi.
- Để cố trở thành người nổi tiếng có những người đã đi vào những con đường bất chính, sử dụng những phương cách xấu xa. Do đó, nổi tiếng như thế chỉ là vô nghĩa.
- Trước hết, hãy là người có ích:
- Người sống có ích mang lại nhiều ích lợi cho người khác trong cuộc sống.
- Sống có ích sẽ làm thăng hoa giá trị con người, thăng hoa giá trị cuộc sống.
- Người có ích dù không được nổi tiếng nhưng cuộc sống của họ là cần thiết, có giá trị, có ý nghĩa đối với người khác, gia đình, xã hội. Ngay cả trong quan niệm của người xưa về “chí nam nhi”, chữ “danh” (Phải có danh gì với núi sông) luôn gắn với thực chất của hành động (Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ).
– Bình luận:
- Nổi tiếng cũng có mặt tốt, có tác dụng tốt. Tiếng nói của người nổi tiếng thường có tác động nhiều hơn, lớn hơn đối với người khác, xã hội.
- Nhưng đừng cố gắng chạy theo việc trở thành người nổi tiếng bằng mọi cách vì điều đó mang lại nhiều tác hại. Hãy để cho tiếng tăm được đến một cách tự nhiên bằng hành động có thực chất: hữu xạ tự nhiên hương.
- Làm sao để là người có ích:
- Hãy sống có lý tưởng;
- Hãy sống có đạo đức, có trách nhiệm;
- Hãy sống vì gia đình, vì xã hội, vì cộng đồng;
- Ý kiến này là một biểu hiện cụ thể của vấn đề danh và thực trong cuộc sống con người. Giải quyết tốt mối quan hệ của vấn đề nổi tiếng và có ích, của danh và thực, người ta sẽ dễ có cuộc sống bình an, hạnh phúc, chân chính.
Đây là một ý kiến có giá trị đúng đắn. Đồng thời nó cũng là một lời khuyên rất có tính thời sự, nhất là trước hiện tượng một bộ phận giới trẻ ngày nay đang có xu hướng tìm sự nổi tiếng bằng mọi giá.
……………..
Phần II. Ôn tập phần văn bản
BÀI 1:
KHÁI QUÁT VỀ VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỶ XX ĐẾN 1945
A: YÊU CẦU:
- Giúp học sinh có cái nhìn tổng quan về giai đoạn văn học Việt Nam từ thế kỷ XX đến 1945
- Rèn kỹ năng tổng hợp, khái quát vấn đề VH.
B: NỘI DUNG CƠ BẢN
1. Khái quát về tình hình xã hội và văn hoá Việt Nam những năm đầu thế kỷ.
2. Quá trình phát triển của dòng văn học Việt Nam đầu thế kỷ.
a) Chặng thứ nhất: Hai thập niên đầu thế kỷ XX.
b) Chặng thứ hai: Những năm hai mươi của thế kỷ XX.
c) Chặng thứ ba: Từ đầu những năm 30 đến CMT8- 1945.
3. Những đặc điểm chung của văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến CMT8 – 1945.
a) Văn học đổi mới theo hướng hiện đại hoá.
b) Văn học hình thành hai khu vực (hợp pháp và bất hợp pháp) với nhiều trào lưu cùng phát triển.
c) Văn học phát triển với nhịp độ đặc biệt khẩn trương, đạt được thành tựu phong phú.
4. Giới thiệu một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu cho từng trào lưu văn học:
– Trào lưu lãng mạn, nói lên tiếng nói của cá nhân giàu cảm xúc và khát vọng, bất hoà với thực tại ngột ngạt, muốn thoát khỏi thực tại đó bằng mộng tưởng và bằng việc đi sâu vào thế giới nội tâm. Văn học lãng mạn thường ca ngợi tình yêu say đắm, vẻ đẹp của thiên nhiên, của “ngày xưa” và thường đượm buồn. Tuy văn học lãng mạn còn những hạn chế rõ rệt về tư tưởng, nhưng nhìn chung vẫn đậm đà tính dân tộc và có nhiều yếu tố lành mạnh, tiến bộ đáng quý. Văn học lãng mạn có đóng góp to lớn vào công cuộc đổi mới để hiện đại hoá văn học, đặc biệt là về thơ ca.
– Tiêu biểu cho trào lưu lãng mạn trước 1930 là thơ Tản Đà, tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách; sau 1930 là Thơ mới của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính…và văn xuôi của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Thanh Tịnh, Nguyễn Tuân…
– Trào lưu hiện thực gồm các nhà văn hướng ngòi bút vào việc phơi bày thực trạng bất công, thối nát của xã hội và đi sâu phản ánh thực trạng thống khổ của các tầng lớp quần chúng bị áp bức bóc lột đương thời. Nói chung các sáng tác của trào lưu văn học này có tính chân thực cao và thấm đượm tinh thần nhân đạo. Văn học hiện thực có nhiều thành tựu đặc sắc ở các thể loại văn xuôi (truyện ngắn của Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Bùi Hiển; tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao; phóng sự của Tam Lang, Vũ Trọng Phụng …), nhưng cũng có những sáng tác giá trị ở thể thơ trào phúng (thơ Tú Mỡ, Đồ Phồn).
Hai trào lưu lãng mạn và hiện thực cùng tồn tại song song, vừa đấu tranh với nhau lại vừa ảnh hưởng, chuyển hoá nhau. Trên thực tế, hai trào lưu đó đều không thuần nhất và không biệt lập với nhau, càng không đối lập nhau về giá trị ở trào lưu nào cũng có những cây bút tài năng và tâm huyết.
Văn học khu vực bất hợp pháp gồm thơ văn cách mạng bí mật, đặc biệt là sáng tác thơ ca của các chiến sĩ trong nhà tù. Thơ văn cách mạng cũng có lúc, có bộ phận được lưu hành nửa hợp pháp, nhưng chủ yếu là bất hợp pháp, bị đặt ra ngoài pháp luật và ngoài đời sống văn học bình thường. Ra đời và phát triển trong hoàn cảnh luôn bị đàn áp, khủng bố, thiếu cả những điều kiện vật chất tối thiểu, nhưng văn học cách mạng vẫn phát triển mạnh mẽ, ngày càng phong phú và có chất lượng nghệ thuật cao, nhịp với sự phát triển của phong trào cách mạng. Thơ văn cách mạng đã nói lên một cách thống thiết, xúc động tấm lòng yêu nước, đã toát lên khí phách hào hùng của các chiến sĩ cách mạng thuộc nhiều thế hệ nửa đầu thế kỷ.
BÀI 2:
THANH TỊNH VÀ TÔI ĐI HỌC
A. NỘI DUNG
1. Khái quát kiến thức tác giả (tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp)
2. Củng cố lại vẻ đẹp về nội dung và nghệ thuật của áng văn giàu chất thơ “Tôi đi học”.
3. Luyện đề.
Đề 1: Hãy phân tích để làm sáng tỏ chất thơ của truyện “Tôi đi học” (Nâng cao ngữ văn trang 10)
Đề 2: Cảm nghĩ về truyện ngắn “Tôi đi học” (Nâng cao NV trang 13)
Đề 3: Tìm những nét tương đồng trong cảm xúc của nhà thơ Huy Cận trong bài “Tựu trường” và nhà văn Thanh Tịnh trong “Tôi đi học”.
B. PHƯƠNG PHÁP
1. Tài liệu tham khảo: Nâng cao NV8
– Các bài viết về đoạn trích “Tôi đi học”.
2. Đề văn nghị luận, chứng minh, tự sự, cảm nhận về 1 đoạn văn.
” Không biết bao nhiêu thế hệ học trò đã từng đọc, từng học và từng nhầm lẫn một cách rất đáng yêu rằng truyện ngắn “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh chính là bài tập đọc đầu tiên của mình. Sự nhầm lẫn vô lí mà lại hết sức có lí. Vô lí vì bài tập đọc đầu tiên hẳn phải là các câu văn, đoạn văn hay bài thơ khó có thể là cả một truyện ngắn. Còn có lí bởi học trò các thế hệ có thể quên đi nhiều bài tập đọc khác, nhưng hình như ít ai hoàn toàn quên được những cảm xúc trong trẻo nguyên sơ mà từng dòng từng chữ của “Tôi đi học” gợi lên trong miền kí ức tuổi thơ của mình. Liệu có phải Thanh tịnh cũng cảm thấy điều này không khi ông đã viết cả một truyện ngắn nhan đề “Tôi đi học” để rồi lại kết truyện bằng một câu như thế này: “Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm nhẩm đánh vần đọc: Bài viết tập: Tôi đi học”?
Bài tập đọc đầu tiên, buổi tựu trường đầu tiên, lần đầu tiên con đường “đã quen đi lại lắm lần” bỗng tự nhiên thấy lạ, lần đầu tiên đứng trước ngôi trường đã từng vào chơi bỗng cảm thấy vừa thân quen vừa lạ lẫm, cũng là lần đầu tiên chỉ rời mẹ một lát mà cảm thấy xa mẹ hơn cả những lần đi chơi xa mẹ cả ngày. Trong cuộc đời, có những cảm xúc đầu tiên mà mỗi người đều phải trải qua. Với “Tôi đi học”, Thanh Tịnh đã làm ngân lên một trong những cảm xúc đó trong lòng mỗi người đang là học trò hay đã từng là học trò: cảm xúc về ngày tựu trường đầu tiên. Tính chất đầu tiên của cảm xúc ấy đã được Thanh Tịnh diễn tả một cách giản dị mà lại hết sức tinh tế như chính tâm hồn trẻ thơ vậy. Đâu phải lần đầu tiên nhân vật “tôi” đi trên con đường làng, nhưng đây là lần đầu tiên “tôi” thấy “cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học”. Thanh Tịnh không miêu tả những cảnh tượng lạ, những âm thanh lạ hay những con người lạ lần đầu tiên nhân vật nhìn thấy, nghe thấy hay cảm thấy, mà ông miêu tả một cái cách “tôi” lần đầu khám phá ra trong những điều tưởng chừng như quá quen thuộc những cảm nhận lạ lùng. Cảnh vật, con người và từng sự kiện, từng chi tiết của ngày tựu trường được thuật lại một cách khá cặn kẽ tỉ mỉ, phần nào chứng tỏ chúng ta đã được soi chiếu qua cặp mắt háo hức tò mò của một cậu bé lần đầu tham dự ngày tựu trường. Cái ý thức về một ngày đặc biệt trong cuộc đời đã tạo lên tâm trạng vừa bỡ ngỡ vừa hồi hộp và không phải không pha chút tự hào của một cậu bé bỗng cảm thấy mình đang là một người lớn. Chính vì thế mà cậu bé con mới ngày hôm qua thôi chắc hẳn còn bé bỏng, nghịch ngợm và vô tâm xiết bao, ngày hôm nay đã biết để ý vẻ đẹp của thiên nhiên- “một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh”, đã cảm nhận được một cách thật sâu sắc vẻ “âu yếm” trong bàn tay người mẹ, vẻ hiền từ và cảm động” trong cái nhìn của ông đốc trường Mĩ Lí hay thái độ nhẹ nhàng của các thầy giáo, của các phụ huynh đối với mình và những cậu bé như mình… Dường như đây chính là lần đầu tiên cậu khám phá ra những điều đó vậy! Ngoài ra, cũng cần phải nói rằng “tôi đi học” vốn là những dòng hồi tưởng, cái hiện lên qua truyện ngắn không đơn thuần là một ngày tựu trường mà là những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường. Bên cạnh cái nhìn của nhân vật “tôi” trong quá khứ – cậu bé con lần đầu tiên đi học, còn có cái nhìn của nhân vật “tôi” trong hiện tại – người đang ngồi ghi lại những ký ức về buổi tựu trường đầu tiên của mình, đang dõi theo từng bước chân của “tôi’ trong quá khứ một cách bao dung (vì thế nên trong truyện ngắn mới có thể xuất hiện những chi tiết như: “Tôi muốn thử sức mình nên nhìn mẹ tôi: – Mẹ đưa bút thước cho con cần. mẹ tôi cúi đầu nhìn tôi với cặp mắt thật âu yếm: – Thôi để mẹ cầm cũng được . Tôi có ngay cái ý nghĩ vừa non nớt vừa ngây thơ này: chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước”. Chi tiết trên mặc dù được nhìn bằng cặp mắt của “tôi”- cậu bé trong quá khứ nhưng rõ ràng những nhận xét như “cái ý nghĩ vừa non nớt vừa ngây thơ” chỉ có thể là của tôi trong hiện tại). Sự đan xen hai cái nhìn này thật hoà hợp với phong cách của truyện ngắn, từ cách lựa chọn từ ngữ, cách so sánh ví von cho đến giọng văn đều toát lên vẻ trong trẻo mà lại hiền hoà. Đây phải chăng là một trong những lí do làm cho người đọc dù thuộc thế hệ nào, lứa tuổi nào cũng tìm thấy chính mình trong nhân vật “tôi” của truyện?
Bước vào khu vườn ký ức có cái tên “Tôi đi học”, ta dường như được một bàn tay tin cậy và êm ái dẫn dắt đi từ dòng đầu đến dòng cuối. Tôi đi học giống như một nốt lặng, một mảnh nhỏ, một góc khuất trong cuộc sống rộng lớn. Truyện ngắn không viết về những cái mới, cái lạ (có mới lạ gì đâu một ngày đầu tiên đi học mà học trò nào cũng phải trải qua?), nhưng nó đem lại cho người ta cái cảm giác đây là lần đầu tiên mình khám phá ra những điều như vậy. Và có khó tin quá không khi có những người nói rằng giữa bao bộn bề lo toan thường nhật, họ đã dần quên mất ngày tựu trường đầu tiên của mình, nhưng khi đọc “Tôi đi học”, những kỷ niệm tưởng đã ngủ yên trong ký ức lại hồi sinh, và họ bỗng nhớ lại ngày đó thật rõ ràng sống động dường như nó chưa bao giờ bị lãng quên cả, để rồi họ lại có thể bất giác ngâm nga một cách rất chân thành: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường…”
BÀI 3:
NGUYÊN HỒNG VÀ HỒI KÝ “NHỮNG NGÀY THƠ ẤU”
A.MỤC TIÊU:
- Củng cố lại những kiến thức cơ bản về nhà văn Nguyên Hồng và đoạn trích “Trong lòng mẹ”
- Mở rộng, luyện đề củng cố kiến thức chuyên đề.
B. NỘI DUNG:
1. Giới thiệu về tác giả Nguyên Hồng
Đọc “Từ cuộc đời và tác phẩm” trang 251 đến 256.
Giáo trình VHVN 30 – 45
Anh bình dị đến như là lập dị
Áo quần? Rách vá có sao đâu?
Dễ xúc động, anh thường hay dễ khóc
Trải đau nhiều nên thương cảm nhiều hơn.
(Đào Cảng)
– Nguyễn Tuân: “Tôi là một thằng thích phá đình phá chùa mà anh đúng là một người thích tô tượng đúc chuông”.
– Nguyễn Đăng Mạnh: Văn Nguyên Hồng bao giờ cũng lấp lánh sự sống. Những dòng chữ đầy chi tiết….thống thiết mãnh liệt.
2. Giới thiệu khái quát về “Những ngày thơ ấu”
a) Thể loại: Hồi ký là thể loại văn học mà người viết trung thành ghi lại những gì đã diễn ra trong cuộc sống của mình, tôn trọng sự thật. Đặc điểm của hồi ký là không thể hư cấu vì nếu thế tác phẩm sẽ không hay, sẽ tẻ nhạt nếu những gì diễn ra trong cuộc đời nhà văn không có gì đặc sắc. Những ngày thơ ấu là một tập hồi ký ghi lại những gì đã diễn ra thời thơ ấu của chính nhà văn. Ta có thể cảm nhận được tất cả những tình tiết, chi tiết trong câu chuyện đều có thật. Có nước mắt của Nguyên Hồng thấm qua từng câu chữ.
b) Tóm tắt hồi ký:
Chú bé Hồng – nhân vật chính – lớn lên trong một gia đình sa sút. Người cha sống u uất thầm lặng, rồi chết trong nghèo túng, nghiện ngập. Người mẹ có trái tim khao khát yêu đương đành chôn vùi tuổi thanh xuân trong cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Sau khi chồng chết, người phụ nữ đáng thương ấy vì quá cùng quẫn đã phải bỏ con đi kiếm ăn phương xa. Chú bé Hồng đã mồ côi cha lại vắng mẹ, sống thui thủi cô đơn giữa sự ghẻ lạnh, cay nghiệt của những người họ hàng giàu có, trở thành đứa bé đói rách, lêu lổng, luôn thèm khát tình thương yêu mà không có. Từ cảnh ngộ và tâm sự của đứa bé “côi cút cùng khổ”, tác phẩm còn cho thấy bộ mặt lạnh lùng của xã hội đồng tiền, cái xã hội mà cánh cửa nhà thờ đêm Nô-en cũng chỉ mở rộng đón những người giàu sang “khệnh khạng bệ vệ” và khép chặt trước những kẻ nghèo khổ “trơ trọi hèn hạ”; cái xã hội của đám thị dân tiểu tư sản sống nhỏ nhen, giả dối, độc ác, khiến cho tình máu mủ ruột thịt cũng thành khô héo; cái xã hội đầy những thành kiến cổ hủ bóp nghẹt quyền sống của người phụ nữ…
c) Giá trị nội dung và nghệ thuật.
…………….
Tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết