Thơ hay về cuộc sống

Thơ hay về cuộc sống

Viết về cuộc sống là một đề tài khá rộng lớn, có rất nhiều tác phẩm hay. Hôm nay, Download.vn sẽ tổng hợp tài liệu: Thơ hay về cuộc sống.

Bạn đang đọc: Thơ hay về cuộc sống

Thơ hay về cuộc sống

Những bài thơ hay về cuộc sống

Nội dung bao gồm một số bài thơ hay viết về cuộc sống của một số tác giả nổi tiếng, bạn đọc có thể tham khảo để biết tăng thêm vốn hiểu biết.

Thơ hay về cuộc sống

    1. Vội vàng (Xuân Diệu)

    a. Tác giả

    – Xuân Diệu (1916 – 1985), còn có bút danh là Thảo Tra, tên thật là Ngô Xuân Diệu.

    – Ông lớn lên ở Quy Nhơn. Sau khi tốt nghiệp tú tài, ông đi dạy học tư và làm viên chức ở Mĩ Tho (nay là Tiền Giang), sau đó ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn, là thành viên của Tự lực văn đoàn.

    – Xuân Diệu tham gia mặt trận Việt Minh trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, hăng say hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

    – Ông là Ủy viên của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II, III. Năm 1983, ông được bầu là Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật Cộng hòa dân chủ Đức.

    – Xuân Diệu được mệnh danh là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh), là “ông hoàng của thơ tình yêu Việt Nam”.

    – Một số tác phẩm nổi tiếng:

    • Các tập thơ: Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945), Ngọn quốc kỳ (1945), Một khối hồng (1964), Thanh ca (1982)…
    • Văn xuôi: Phấn thông vàng (1939, truyện ngắn), Trường ca (1945, bút ký), 9 bài, Miền Nam nước Việt (1945, 1946, 1947, bút ký)…
    • Tiểu luận phê bình: Thanh niên với quốc văn (1945), Tiếng thơ (1951, 1954), Những bước đường tư tưởng của tôi (1958, hồi ký), Ba thi hào dân tộc (1959)…
    • Ngoài ra còn có thơ dịch của các tác giả như Victor Hugo, Aleksandr Pushkin, Hồ Chí Minh…

    b. Tác phẩm

    Tôi muốn tắt nắng đi
    Cho màu đừng nhạt mất;
    Tôi muốn buộc gió lại
    Cho hương đừng bay đi.

    Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
    Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
    Này đây lá của cành tơ phơ phất;
    Của yến anh này đây khúc tình si;
    Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
    Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
    Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
    Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
    Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

    Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
    Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
    Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất.
    Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
    Không cho dài thời trẻ của nhân gian;
    Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
    Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
    Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
    Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
    Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
    Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt….
    Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
    Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi ?
    Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
    Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa ?
    Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…

    Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
    Ta muốn ôm
    Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
    Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
    Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
    Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
    Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
    Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
    Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
    – Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

    (In trong tập Thơ thơ, 1938)

    2. Chuyện cổ tích về loài người (Xuân Quỳnh)

    a. Tác giả

    – Xuân Quỳnh sinh năm 1942 và mất năm 1988, tên khai sinh là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh.

    – Quê ở làng An Khê, ven thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).

    – Xuân Quỳnh từng làm diễn viên múa của Đoàn Văn công nhân dân Trung ương. Tại đây, Xuân Quỳnh bắt đầu làm thơ. Những bài thơ đầu tiên của Xuân Quỳnh bộc lộ một tâm hồn tươi trẻ, nồng nhiệt, phong phú và giàu khát vọng.

    – Từ năm 1963, Xuân Quỳnh chuyển sang làm báo, làm biên tập ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới, được bầu vào Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam khóa III.

    – Xuân Quỳnh mất đột ngột cùng chồng là Lưu Quang Vũ vì tai nạn giao thông ở Hải Dương.

    – Bà là một trong những nhà thơ nữ xuất sắc của Việt Nam, được mệnh danh là nữ hoàng thơ tình yêu của Việt Nam.

    – Thơ của Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, là tiếng nói của một tâm hồn giàu trắc ẩn, hồn hậu, chân thực và luôn da diết khát vọng hạnh phúc đời thường.

    – Một số tác phẩm tiêu biểu:

    • Các tập thơ: Chồi biếc (1963), Hoa dọc chiến hào (1968), Lời ru trên mặt đất (1978), Chờ trăng (1981), Tự hát (1984). Trong đó có một số bài thơ đặc biệt nổi tiếng: Thuyền và biển, Sóng, Tiếng gà trưa, Thơ tình cuối mùa thu…
    • Một số tác phẩm viết cho thiếu nhi: Mùa xuân trên cánh đồng (truyện thiếu nhi, 1981), Bầu trời trong quả trứng (thơ văn thiếu nhi, 1982)… Mảng sách này mang đến cho trẻ em những tình cảm trong trẻo, trìu mến và một cái nhìn hóm hỉnh, thông minh.

    b. Tác phẩm

    Trời sinh ra trước nhất
    Chỉ toàn là trẻ con
    Trên trái đất trụi trần
    Không dáng cây ngọn cỏ
    Mặt trời cũng chưa có
    Chỉ toàn là bóng đêm
    Không khí chỉ màu đen
    Chưa có màu sắc khác

    Mắt trẻ con sáng lắm
    Nhưng chưa thấy gì đâu!
    Mặt trời mới nhô cao
    Cho trẻ con nhìn rõ
    Màu xanh bắt đầu cỏ
    Màu xanh bắt đầu cây
    Cây cao bằng gang tay
    Lá cỏ bằng sợi tóc
    Cái hoa bằng cái cúc
    Màu đỏ làm ra hoa
    Chim bấy giờ sinh ra
    Cho trẻ nghe tiếng hót
    Tiếng hót trong bằng nước
    Tiếng hót cao bằng mây
    Những làn gió thơ ngây
    Truyền âm thanh đi khắp
    Muốn trẻ con được tắm
    Sông bắt đầu làm sông
    Sông cần đến mênh mông
    Biển có từ thuở đó
    Biển thì cho ý nghĩ

    Biển sinh cá sinh tôm
    Biển sinh những cánh buồm
    Cho trẻ con đi khắp
    Đám mây cho bóng rợp
    Trời nắng mây theo che
    Khi trẻ con tập đi
    Đường có từ ngày đó
    Nhưng còn cần cho trẻ
    Tình yêu và lời ru
    Cho nên mẹ sinh ra
    Để bế bồng chăm sóc
    Mẹ mang về tiếng hát
    Từ cái bống cái bang
    Từ cái hoa rất thơm
    Từ cánh cò rất trắng
    Từ vị gừng rất đắng
    Từ vết lấm chưa khô
    Từ đầu nguồn cơn mưa
    Từ bãi sông cát vắng…

    Biết trẻ con khao khát
    Chuyện ngày xưa, ngày sau
    Không hiểu là từ đâu
    Mà bà về ở đó
    Kể cho bao chuyện cổ
    Chuyện con cóc, nàng tiên
    Chuyện cô Tấm ở hiền
    Thằng Lý Thông ở ác…
    Mái tóc bà thì bạc
    Con mắt bà thì vui
    Bà kể đến suốt đời
    Cũng không sao hết chuyện

    Muốn cho trẻ hiểu biết
    Thế là bố sinh ra
    Bố bảo cho biết ngoan
    Bố dạy cho biết nghĩ
    Rộng lắm là mặt bể
    Dài là con đường đi
    Núi thì xanh và xa
    Hình tròn là trái đất…

    Chữ bắt đầu có trước
    Rồi có ghế có bàn
    Rồi có lớp có trường
    Và sinh ra thầy giáo…
    Cái bảng bằng cái chiếu
    Cục phấn từ đá ra
    Thầy viết chữ thật to
    “Chuyện loài người” trước nhất.

    (In trong Lời ru trên mặt đất, 1978)

    3. Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải)

    a. Tác giả

    – Thanh Hải (1930 – 1980) quê ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

    – Ông hoạt động văn nghệ trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và là một trong số những cây bút có công xây dựng nền văn học cách mạng ở miền Nam thời kỳ đầu.

    b. Tác phẩm

    Mọc giữa dòng sông xanh
    Một bông hoa tím biếc
    Ơi con chim chiền chiện
    Hót chi mà vang trời
    Từng giọt long lanh rơi
    Tôi đưa tay tôi hứng.

    Mùa xuân người cầm súng
    Lộc giắt đầy quanh lưng
    Mùa xuân người ra đồng
    Lộc trải dài nương mạ
    Tất cả như hối hả
    Tất cả như xôn xao…

    Ðất nước bốn nghìn năm
    Vất vả và gian lao
    Ðất nước như vì sao
    Cứ đi lên phía trước.

    Ta làm con chim hót
    Ta làm một cành hoa
    Ta nhập vào hoà ca
    Một nốt trầm xao xuyến.

    Một mùa xuân nho nhỏ
    Lặng lẽ dâng cho đời
    Dù là tuổi hai mươi
    Dù là khi tóc bạc.

    Mùa xuân – ta xin hát
    Câu Nam ai, Nam bình
    Nước non ngàn dặm mình
    Nước non ngàn dặm tình
    Nhịp phách tiền đất Huế.

    (Trong Thơ Việt Nam 1945 – 1985)

    4. Hạt gạo làng ta (Trần Đăng Khoa)

    a. Tác giả

    – Trần Đăng Khoa (sinh năm 1958), quê ở Ðiền Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Thanh, Hải Dương.

    – Trần Đăng Khoa được biết đến vai trò là một nhà thơ, nhà báo, biên tập viên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

    – Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là một thần đồng thơ văn, lên tám tuổi đã có thơ được đăng báo.

    – Năm 1968, khi mới chỉ mười tuổi, tập thơ đầu tay là “Từ góc sân nhà em” được NXB Kim Đồng cho xuất bản.

    – Ông ba lần được tặng giải thưởng thơ của báo Thiếu niên tiền phong (các năm 1968, 1969, 1971), Giải nhất báo Văn nghệ (1982) và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2000).

    – Một số tác phẩm tiêu biểu của ông:

    • Từ góc sân nhà em (thơ, 1968)
    • Góc sân và khoảng trời (thơ, 1968)
    • Thơ Trần Ðăng Khoa (tập 1, 1970)
    • Khúc hát người anh hùng (trường ca, 1974)
    • Trường ca Giông bão (trường ca, 1983)
    • Chân dung và đối thoại (tiểu luận phê bình, 1998)…

    b. Tác phẩm

    Kính tặng chú Xuân Diệu

    Hạt gạo làng ta
    Có vị phù sa
    Của sông Kinh Thầy
    Có hương sen thơm
    Trong hồ nước đầy
    Có lời mẹ hát
    Ngọt bùi đắng cay…

    Hạt gạo làng ta
    Có bão tháng bảy
    Có mưa tháng ba
    Giọt mồ hôi sa
    Những trưa tháng sáu
    Nước như ai nấu
    Chết cả cá cờ
    Cua ngoi lên bờ
    Mẹ em xuống cấy…

    Hạt gạo làng ta
    Những năm bom Mỹ
    Trút trên mái nhà
    Những năm cây súng
    Theo người đi xa
    Những năm băng đạn
    Vàng như lúa đồng
    Bát cơm mùa gặt
    Thơm hào giao thông…

    Hạt gạo làng ta
    Có công các bạn
    Sớm nào chống hạn
    Vục mẻ miệng gàu
    Trưa nào bắt sâu
    Lúa cao rát mặt
    Chiều nào gánh phân
    Quang trành quết đất

    Hạt gạo làng ta
    Gửi ra tiền tuyến
    Gửi về phương xa
    Em vui em hát
    Hạt vàng làng ta…

     (In trong tập Góc sân và khoảng trời, 1968)

    5. Tự nguyện (Trương Quốc Khánh)

    Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng
    Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương
    Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm
    Là người, tôi sẽ chết cho quê hương.

    Là chim, tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm
    Từ nam ra ngoài bắc báo tin nối liền
    Là hoa, tôi nở tình yêu ban sớm
    Cùng muôn trái tim ngất ngây hoà bình.

    Là mây, theo làn gió tôi bay khắp trời
    Nghìn xưa oai hùng đó tôi xin tiếp lời
    Là người, xin một lần khi nằm xuống
    Nhìn anh em đứng lên phất cao ngọn cờ.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *