Văn mẫu lớp 12: Phân tích chất liệu văn hóa dân gian trong đoạn trích Đất nước

Văn mẫu lớp 12: Phân tích chất liệu văn hóa dân gian trong đoạn trích Đất nước

Văn mẫu lớp 12: Phân tích chất liệu văn hóa dân gian trong đoạn trích Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm mang đến gợi ý cách viết chi tiết kèm theo bài văn mẫu siêu hay.

Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 12: Phân tích chất liệu văn hóa dân gian trong đoạn trích Đất nước

Văn mẫu lớp 12: Phân tích chất liệu văn hóa dân gian trong đoạn trích Đất nước

Chất liệu văn hóa dân gian trong bài thơ Đất Nước góp phần tô đậm sáng tạo nghệ thuật thơ của Nguyễn Khoa Điềm qua nghệ thuật chắt lọc tinh tế, khẳng định một chân lí văn hóa dân gian là bầu sữa nuôi dưỡng sự sáng tạo và tài năng nghệ thuật. Bên cạnh đó để nâng cao kỹ năng viết văn các bạn xem thêm phân tích bài thơ Đất nước, phân tích 9 câu đầu Đất nước.

Chất liệu văn hóa dân gian trong đoạn trích Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm

    Dàn ý chất liệu văn hóa dân gian trong bài Đất nước

    1. Mở bài

    – Giới thiệu về: nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, tác phẩm Mặt đường khát vọng và đoạn thơ Đất Nước:

    • Nguyễn Khoa Điềm là một trong những cây bút tiêu biểu trong nền thơ ca kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ ông hấp dẫn bởi sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam.
    • Trường ca Mặt đường khát vọng được tác giả hoàn thành ở chiến khu Trị – Thiên năm 1971, in lần đầu năm 1974, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiếm miền Nam về non sông đất nước, về sứ mệnh của thế hệ mình trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.
    • Đoạn thơ trên thuộc chương V – chương Đất nước của bàn trường ca; thể hiện những nhận thức sâu sắc về đất nước, trong đó nổi bật là hình ảnh đất nước hiện lên trong quan hệ gắn bó với mỗi con người.

    – Dẫn dắt nhận định: Chất liệu văn hóa dân gian trong đoạn thơ Đất Nước được sử dụng vừa quen thuộc vừa mới lạ.

    2. Thân bài

    Nhà thơ đã vận dụng thành công chất liệu văn hóa dân gian. Những chất liệu ấy vừa quen thuộc (gần gũi với cuộc sống của mỗi con người Việt Nam) vừa mới lạ (với những sáng tạo mới mẻ, hấp dẫn)

    – Chất liệu dân gian được sử dụng rất đa dạng, phong phú, tất cả đều gần gũi, quen thuộc với mỗi con người Việt Nam

    • Có phong tục, lối sống, tập quán sinh hoạt, vật dụng quen thuộc (miếng trầu, tóc bới sau đầu, cái kèo, cái cột, hạt gạo xay, giã, giần, sàng, hòn than, con cúi,…).
    • Có ca dao, dân ca, tục ngữ, truyền thuyết, cổ tích.

    – Cách vận dụng độc đáo, sáng tạo:

    + Vận dụng ca dao, tục ngữ nhưng dẫn dắt khéo léo, khi lấy nguyên vẹn toàn bài khi chỉ mượn ý mượn tứ để khẳng định, tôn vinh những nét đẹp trong sinh hoạt và tâm hồn con người Việt Nam. Đó là sự chăm chỉ chịu thương, chịu khó; là tấm lòng thủy chung son sắt trong tình yêu; là sự duyên dáng, ý nhị trong từng lời ăn tiếng nói…

    Ví dụ:

    – “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn” lấy ý từ bài ca dao “Tay nâng chén muối đĩa gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau” hay “Muối ba năm muối hãy còn mặn, gừng chín tháng gừng hãy còn cay/ Đôi ta tình nặng nghĩa dày/ Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”

    – “Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng”

    – “Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm” lấy ý từ bài ca dao “Khăn thương nhớ ai/ Khăn rơi xuống đất…”

    + Liệt kê hàng loạt những câu chuyện từ xa xưa trong truyền thuyết, cổ tích dân tộc để làm nổi bật vẻ đẹp trù phú của đất nước, những truyền thống quý báu của nhân dân ta đồng thời khẳng định vai trò to lớn của nhân dân trong việc “làm ra Đất Nước”

    Ví dụ: Truyền thống đoàn kết, tinh thần cảnh giác cao độ trước kẻ thù “dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”, tinh thần uống nước nhớ nguồn “Hằng năm ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”. Hoặc tô đậm sự trù phú tươi đẹp của quê hương:

    “Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu

    Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”

    – Chất liệu văn hóa, văn học dân gian được sử dụng đậm đặc đã tạo nên một không gian nghệ thuật riêng của đoạn trích, vừa bình dị, gần gũi, hiện thực, lại vừa giàu tưởng tượng, bay bổng, mơ mộng. Hơn nữa, có thể nói chất dân gian đã thấm sâu vào tư tưởng và cảm xúc của tác giả, tạo nên một đặc điểm trong tư duy nghệ thuật ở đoạn trích này.

    – Bằng việc sử dụng đậm đặc chất liệu văn hóa dân gian, bên cạnh việc lí giải, định nghĩa Đất Nước ở nhiều bình diện [không gian, thời gian lịch sử, truyền thống văn hóa] nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm còn làm nổi bật một tư tưởng mới mẻ: “Đất Nước của nhân dân/ Đất Nước của ca dao thần thoại”

    3. Kết bài

    – Nhận định được nêu ra trong bài là một cơ sở quan trọng để khám phá, tìm hiểu tác phẩm nói chung và đoạn thơ nói riêng. Qua đoạn trích, ta thấy được tư tưởng sâu sắc, mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm. Đoạn thơ kết tinh tư tưởng yêu nước, niềm tự hào dân tộc của nhà thơ, cũng là đóng góp lớn của ông đối với thơ ca dân tộc. Đoạn thơ khẳng định tài năng sáng tạo, sự am hiểu tường tận về văn hóa dân gian của tác giả.

    – Thành công đòi hỏi ở nhà thơ Nguyễn Khoa Điểm một vốn sống, vốn văn hóa phong phú. Một sự nhận thức sâu sắc, mới mẻ về Đất nước, về Nhân Dân. Đồng thời đòi hỏi ở nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có một tài năng, một bản lĩnh của người cầm bút.

    – Qua đoạn thơ, để lại bài học sâu sắc về cuộc sống: biết trân trọng những giá trị văn hóa dân gian; bài học về sáng tạo nghệ thuật: đem đến những sáng tạo, mới mẻ từ những giá trị gần gũi, quen thuộc.

    Chất liệu văn hóa dân gian trong đoạn trích Đất nước

    Nói đến Nguyễn Khoa Điềm, ai cũng dễ dàng hình dung ra một phong cách thơ đậm chất triết luận xuất phát từ vốn tri thức uyên bác và bề sâu văn hóa trong mối liên tưởng vừa sắc sảo triết lí lại vừa huyền ảo thấp thoáng bóng dáng văn hoá cổ xưa của hồn dân tộc. Thật đúng như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nhận xét rằng: “Thơ ca nguyễn Khoa Điềm chứa đựng nhiều chất liệu văn học và văn hoá dân gian. Câu thơ dù ở thể thơ truyền thống hay thơ tự do bao giờ cũng phảng phất phong vị của ca dao, tục ngữ. Chất hiền minh của trí tuệ dân gian thấm đẫm trong từng từ”. Nguyễn Khoa Điềm lại được sinh ra và lớn lên giữa lòng chiếc nôi văn hoá Huế. Chính cái chất Huế thâm trầm, hoàng thành rêu phong ngả bóng làm nhuộm tím nước con sông Hương biếc xanh càng khiến thơ Nguyễn Khoa Điềm sâu kín và loáng thoáng chút bí ẩn mơ hồ. Nguyễn Xuân Nam đã có một nhận xét khá rõ nét: “Thơ Nguyễn khoa Điềm… có sức liên tưởng mạnh. Anh thường dẫn người đọc đi từ quá khứ đến tương lai, từ khổ đau đến hạnh phúc, từ sách vở đến đời sống”. Giàu vốn tri thức sách vở Đông Tây, ngồn ngộn chất liệu đời thực là một thế mạnh tạo nên nhiều khoảnh khắc loé sáng trong những liên tưởng độc đáo của thơ Nguyễn Khoa Điềm.

    Trong chương “Đất Nước”, ngôn ngữ thơ được sử dụng từ chất liệu văn học dân gian với tần số lớn. tuy nhiên chất liệu văn học dân gian trong thơ Nguyễn Khoa Điềm không còn trong chính dạng bản thân của nó, một sự sao chép sản phẩm cộng đồng mà nó đã được chuyển hóa vào lời chữ, giọng điệu, cách cảm, cách nghĩ của nhà thơ tạo nên bản sắc riêng trong thơ ông.

    Chúng ta có một kho tàng ca dao tục ngữ đậm đà phong vị trữ tình, kết tinh những tình cảm cao quý của nhân dân, những kinh nghiệm lao động sản xuất và đấu tranh. Ca dao tục ngữ đã thấm vào Nguyễn Khoa Điềm một cách tự nhiên trong cách nhìn nhận về Đất Nước – một đất nước giàu truyền thống văn hóa. Dấu tích của ca dao tục ngữ liên tục được triển khai trong mỗi câu thơ. Lí giải về cội nguồn của Đất Nước, nhà thơ bắt đầu bằng những kí ức tuổi thơ để hình dung ra một sự tồn tại của Đất Nước trong nhận thức và tình cảm tự nhiên nhất của con người. Những vẻ đẹp được khơi lên từ mạch tâm tình thấm đẫm hơi thở ca dao dân ca, huyền tích sử thi của dân tộc. Đó là một loạt những hình ảnh có ý nghĩa biểu trưng nhưng rất gần gũi:

    “Đất Nước có trong những cái “ ngày xửa ngày xưa…”
    mẹ thường hay kể.
    Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
    Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
    Tóc mẹ thì bới sau đầu
    Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
    Cái kèo, cái cột thành tên
    Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
    Đất Nước có từ ngày đó…”

    Sức gợi từ những hình ảnh đã dựng lên cả một không gian văn hoá truyền thống mang theo hơi thở tâm tình của ca dao “Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau” thấm thía tình nghĩa thuỷ chung. Mạch nguồn ấy tiếp tục quá trình trưởng thành của từng cá nhân, từ thuở cắp sách đến trường, đến khoảnh khắc rung động đầu đời. Tất cả đều xuất phát một cách rất tự nhiên, nôn nao ngọt ngào kỉ niệm:

    “Đất là nơi anh đến tường
    Nước là nơi em tắm
    Đất Nước là nơi ta hò hẹn
    Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm.”

    Đan xen với khoảnh khắc thời gian, không gian hiện tại là sự thức tỉnh của ý thức cộng đồng, với sự tổng hoà những vẻ đẹp trong đời sống tinh thần, tâm linh của người Việt. Vẻ đẹp quê hương đất nước được tái hiện trong những lời ca dao toát lên lòng tự hào về non sông gấm vóc, về cha Rồng mẹ Tiên, gắn với lòng biết ơn tổ tiên đã ăn sâu vào tiềm thức từng người Việt:

    “Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
    Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
    Thời gian đằng đẵng
    Không gian mênh mông
    Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
    Đất là nơi chim về
    Nước là nơi rồng ở
    Lạc Long Quân và u Cơ”

    Và vì thế, cội nguồn dân tộc, gốc gác tổ tiên luôn nhắc nhở mọi người Việt rằng:

    “Hàng năm ăn đâu làm đâu
    Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”

    Bái vọng tổ tiên, yêu quê cha đất tổ, chính là những yếu tố góp phần làm nên truyền thống yêu nước Việt Nam.

    Những câu thơ hình như không có gì. Câu nào cũng diễn lại ca dao, tục ngữ, cổ tích mà sao đọc lên vẫn thấy âm vang, thấm thía và xúc động? Những điều hiển nhiên như chân lí bỗng sáng lên giá trị vĩnh hằng, sức trường cửu của dân tộc trên số phận của mỗi người dân vô danh trong lớp lớp thời gian. Trong thơ Nguyễn Khoa Điềm, Đất Nước được phô bày với tất cả vẻ đẹp lung linh của truyền thống văn hoá vừa gần gũi, cụ thể vừa thiêng liêng, huyền ảo. Nguyễn Khoa Điềm đã biết khai thác chất liệu văn học dân gian ở những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết có tác dụng như việc sử dụng các điển tích, điển cố văn học nhằm làm cho ngôn ngữ thơ thêm cô đọng, hàm súc, tạo nên màu sắc dân gian rất riêng cho thơ ông.

    Nhà thơ đã khơi dậy những trầm tích đã đắp bồi nên Đất Nước để thổi bùng ngọn lửa tự hào, yêu nước trong lòng tuổi trẻ đô thị miền Nam những năm Đất nước còn bị chia cắt. Dụng công của tác giả là lấy những chất liệu văn hoá dân gian – cái đặc trưng nhất để làm bật lên tầng sâu văn hoá lịch sử của đất nước mà không một thế lực nào, hiểm hoạ nào có thể xói mòn, sạt lở. Đất nước như thế hiển như một thứ gia tài thiêng liêng của tổ tiên để lại cho con cháu. Mọi hình sông thế núi, sự tích huyền thoại đều được soi nhìn từ khát vọng gửi gắm, trao truyền cho các thế hệ nối tiếp đến vô tận vô cùng.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *