Văn mẫu lớp 12: Nghị luận về bữa cơm gia đình bao gồm 4 mẫu cực hay kèm theo gợi ý cách viết chi tiết nhất. Qua đó giúp cho các em học sinh tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kĩ năng về văn nghị luận về một vấn đề xã hội ngày một hay, đạt điểm cao hơn.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 12: Nghị luận xã hội về bữa cơm gia đình (Dàn ý + 4 Mẫu)
TOP 4 mẫu nghị luận về tầm quan trọng của bữa cơm gia đình dưới đây được viết rất hay với văn phong rõ ràng, dễ hiểu có thể tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức, sẽ giúp các em học môn Ngữ văn tốt hơn và có sự chuẩn bị tốt hơn khi học. Ngoài ra các bạn xem thêm: nghị luận về sự đồng cảm và sẻ chia trong xã hội, nghị luận về vai trò của gia đình, nghị luận xã hội về thái độ sống tích cực.
Nghị luận về bữa cơm gia đình hay nhất
Dàn ý nghị luận về bữa cơm gia đình
I. Mở bài: Giới thiệu, dẫn dắt vấn đề nghị luận (tầm quan trọng của những bữa cơm gia đình) có thể dẫn dắt qua tầm quan trọng của gia đình trong xã hội
II. Thân bài:
Ý 1: Bữa cơm gia đình là gì? (là hoạt động tưởng chừng là thường ngày nhưng đối với xã hội hiện đại ngày nay thì đó có thể là cả một vấn đề lớn và hiếm có đông đủ thành viên gia đình) Bữa cơm gia đình thường có những gì? Vào những ngày đặc biệt hơn thì bữa cơm gia đình có gì khác biệt?
Ý 2: Bữa cơm gia đình là biểu hiện của điều gì?
- Là biểu hiện của một gia đình ấm êm, hạnh phúc, hòa thuận
- Là bữa cơm quây quần, sum họp của các thành viên gia đình sau những bộn bề, vất vả
- Bữa cơm gia đình quây quần là nét văn hóa đặc trưng, là nét đẹp trong phong cách con người Việt Nam, là nơi những ngọn lửa yêu thương được bùng cháy và nuôi dưỡng
Ý 3: Vai trò và tầm quan trọng của bữa cơm gia đình:
- Tạo môi trường thuận lợi cho các thành viên gia đình được hạnh phúc, phát triển
- Là nơi khởi nguồn của yêu thương, sự gắn kết và thấu hiểu
- Với những đứa con xa nhà, bữa cơm là sự ao ước, mong muốn, là gửi gắm nhung nhớ và yêu thương trong đó
Ý 4: Dẫn chứng: lấy ví dụ về bữa cơm gia đình => tạo nên gia đình hạnh phúc ( có thể liên hệ đến cá nhân)
Ý 5: Phản đề: phê phán những người không biết trân trọng khoảnh khắc gia đình, thường bỏ bê, nhậu nhẹt
III. Kết bài: Liên hệ trách nhiệm của bản thân: cần nâng niu, tôn trọng, biết ơn và gìn giữ những bữa cơm gia đình đó, từ đó ý thức về trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc gìn giữ hạnh phúc gia đình
Nghị luận xã hội về bữa cơm gia đình – Mẫu 1
Đối với mỗi người chúng ta, bữa cơm gia đình chiều là một bữa cơm vô cùng đặc biệt. Đó không chỉ là bữa ăn bình thường mà nó còn là dịp để mọi thành viên trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau sau một ngày bận rộn vất vả với những lo toan bộn bề của cuộc sống.
Cứ bao giờ xẩm tối, cái bộn bề chóng mặt của cuộc sống lại lặng lẽ lùi xa để thay vào đó là không khí của tình thân gia đình, của sự gắn kết yêu thương giữa những thành viên trong gia đình. Bữa cơm thường ngày nhà em ba bữa, sáng trưa tối nhưng thật tình em yêu thích nhất khoảnh khắc vui vẻ với người thân quanh mâm cơm chiều tối.
Tuy không nhiều món cao sang, chỉ một đĩa rau luộc, một bát canh xương mẹ nấu và một đĩa thịt, em đã cảm thấy nó ngon hơn bất kì các món sơn hào hải vị em từng nghe. Làn khói nóng từ thức ăn thơm phức tỏa lên, đôi khi em hít lấy hít để. Xếp ghế, bát đũa, và mời thật to mọi người ngồi vào bàn ăn. Trong bữa ăn, em của em năm nay đã lên 6 nhưng nó thường rất thích thi đấu ai ăn nhanh hơn với em, nhiều khi em cố tình để nó thắng và nó đạt được mong muốn cười khúc khích. Cả nhà vì thế mà cũng cười tươi.
Bữa cơm chiều tối là dịp để đông đủ mọi thành viên trong gia đình em được quây quần bên nhau. Với mỗi người thì được ăn uống cùng bố mẹ thật hạnh phúc và em cũng vậy.
Bài văn nghị luận về bữa cơm gia đình – Mẫu 2
Cuộc sống của con người luôn có những điều quan trọng khác nhau. Có những điều to lớn có tác động to lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến những giá trị quanh ta. Lại có những điều nhỏ bé nhưng mang lại giá trị tinh thần lo lớn mà đôi khi ta vô ý không để tâm tới. Một trong số đó phải kể đến chính là giá trị tinh thần của bữa cơm gia đình.
Bữa cơm gia đình là bữa cơm mà những thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau chia sẻ những niềm vui nỗi buồn, những khoảnh khắc của cuộc sống. Bữa cơm gia đình giúp gắn kết tình cảm yêu thương của con người lại với nhau hơn. Bữa ăn gia đình trước hết là phù hợp với khẩu vị từng người, từng gia đình. Đồng thời, qua bữa cơm lại giáo dục cho mỗi thành viên, đặc biệt là trẻ em, biết nhường nhịn, có miếng gì ngon cần chú ý để phần cho người khác.
Bữa cơm là dịp cả gia đình đoàn tụ sau những giờ học tập, làm việc mệt mỏi có thể được thư giãn, thoải mái, cùng nhau chia sẻ khoảnh khắc đời thường vô cùng bình dị nhưng đó sẽ là chỗ dựa tinh thần cho mỗi người.
Bữa cơm gia đình giúp gắn kết tình cảm giữa các thành viên. Nếu không có bữa cơm gia đình, mỗi người đều chỉ biết lo cho cuộc sống riêng, chạy theo đam mê, thú vui của bản thân thì cuộc sống này sẽ ngày càng lạnh lùng, tẻ nhạt.
Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người chưa biết tôn trọng những bữa cơm gia đình, chưa hiểu được giá trị, ý nghĩa to lớn mà bữa cơm gia đình mang lại để rồi sau này hối tiếc muộn màng. Mỗi chúng ta trước khi là công dân của xã hội thì đều là người con của gia đình. Chính vì thế ta cần trân trọng ý nghĩa của bữa cơm gia đình vì đó sẽ là những kỉ niệm tốt đẹp nhất nuôi dưỡng tâm hồn ta.
Bữa cơm gia đình tuy đơn giản, có thể là những hành động hằng ngày nhưng nó đã và đang âm thầm chiếm một phần vô cùng quan trọng trong cuộc sống của ta. Hãy biết trân trọng bữa cơm gia đình ngay từ hôm nay.
Nghị luận về bữa cơm gia đình – Mẫu 3
Nói đến hạnh phúc gia đình chúng ta thường mô tả bằng những từ thật đẹp đẽ và được thể hiện qua những giá trị đạo đức rất đáng trân trọng như tình yêu, lòng chung thuỷ, tình nghĩa vợ chồng, lòng yêu thương, hy sinh cho con cái, sự quý trọng, hiếu đễ của con cháu với cha mẹ, ông bà… Điều đó là đúng, nhưng đồng thời hạnh phúc gia đình cũng được thể hiện qua những việc làm nho nhỏ trong cách ứng xử, đối xử giữa các thành viên, qua những nét sinh hoạt cụ thể, diễn ra hàng ngày trong đời thường, như ăn uống, nghỉ ngơi, chuyện trò, vui chơi của gia đình. Vì vậy, chúng ta không thể xem nhẹ ý nghĩa của bữa cơm hàng ngày đối với việc xây dựng hạnh phúc gia đình.
Ông cha ta thường nói bữa cơm gia đình đơn sơ, đạm bạc nhưng cơm dẻo canh ngọt, mùa hè có bát canh rau cải ngọt ăn với vài miếng đậu phụ sao mà ngon thế? Mùa đông thì cơm nóng canh sốt, tuy chẳng phải là cao hương mỹ vị nhưng thật phù hợp với yêu cầu của các thành viên. Vì Sao vậy? Bởi vì bữa cơm tuy không có nhiều món ăn cầu kỳ đắt tiền, nhưng thường người nấu ăn, trước hết là người vợ, người mẹ luôn quan tâm đến sở thích của chồng con: con nhỏ thích ăn trứng rán, chồng thích vài miếng thịt luộc ăn với đĩa dưa chua, bát canh riêu cá nấu dấm chua. Mùa hè, cả nhà thích ăn đậu phụ với rau muống luộc, có bát canh đánh dấm chua, chấm với nước mắm chanh, ớt, tỏi… Thỉnh thoảng cả nhà mới có bữa ăn “cải thiện”, giò chả cho trẻ con, hay nem rán, thịt quay cho người lớn… Như vậy bữa ăn gia đình trước hết là phù hợp với khẩu vị từng người, từng gia đình, tuy có chiếu cố đến số đông, nhưng không quên có thành viên không thích ăn món này, món kia, để chú ý cho họ có cái gì ăn phù hợp.
Ăn bữa cơm, mỗi người được thoả mãn nhu cầu vật chất của mình thấy vui vẻ, phấn chấn, ăn ngon, ăn no, và rất thoải mái trong khi ăn, thích ăn gì thì gắp, tự do lựa chọn, không phải khách sáo. Đồng thời, qua bữa cơm lại giáo dục cho mỗi thành viên, đặc biệt là trẻ em, biết nhường nhịn, có miếng gì ngon cần chú ý để phần cho người khác, không dành lấy ăn hết. Đó là cách giáo dục cụ thể, thiết thực, đời thường, về ý thức san sẻ vui thú hay khổ đau giữa anh em trong gia đình rồi sau toả rộng ra ngoài xã hội, cộng đồng.
Bữa cơm là dịp cả gia đình đoàn tụ sau một ngày sống xa nhau, người lớn làm việc, trẻ em đi học. Hiện nay, có nhiều gia đình, buổi trưa cha mẹ ăn ở cơ quan, con lại ăn ở lớp học bán trú. Cả ngày chỉ đến buổi tối cả gia đình mới lại gặp nhau ở bữa ăn, chuyện trò hàn huyên, thông tin cho nhau về những sự kiện diễn ra trong ngày: con cái đi học điểm bài ra sao, bố mẹ ở cơ quan xí nghiệp có chuyện gì đáng lưu ý… Tất nhiên, lúc ăn nên nói để tránh quá ồn ào, nói bắn hạt cơm sang người bên cạnh… Nhưng rõ ràng bắt đầu bữa cơm là chuyện trò rộn rã và sau bữa cơm lại những câu chuyện dài hơn. Rồi sau đó con cái đi học bài, đi ngủ sớm, bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, tắm giặt, xem ti vi mỗi người một việc. Do vậy, nếu không có những phút tụ tập cả gia đình xung quanh mâm cơm thì họ chẳng còn lúc nào gặp đủ mặt nhau để hàn huyên. Cũng vì vậy đến bữa ăn, khi thiếu một thành viên nào, mọi người đều nhắc nhở, hỏi thăm lý do vì sao chưa về ăn cơm…
Bữa cơm ăn tại gia đình khác ăn ở khách sạn, hàng quán, nơi đó sang trọng hơn, đẹp đẽ hơn, nhưng tại gia đình trong khung cảnh sống quen thuộc, gần gũi, với cách nấu ăn, món ăn quen thuộc lại tạo nên sự ấm cúng đặc biệt.
Hạnh phúc gia đình được xây dựng đơn giản như vậy đó! Nhưng để có được hạnh phúc đơn giản ấy, thì người chủ gia đình, đặc biệt người phụ nữ, cần chăm lo cho bữa ăn có ý nghĩa thật sự. Những món ăn không phải cầu kỳ, nhưng cách chọn, cách nấu cần phù hợp với sở thích các thành viên, vừa với túi tiền gia đình, vừa sạch sẽ, ngon lành (nghệ thuật nấu ăn rất có ý nghĩa ở đây, kể cả có chút tài khéo léo bày biện trông đẹp mắt, ngon miệng, không quá xô bồ, thô kệch), biết đổi món ăn cho phù hợp với thời tiết nóng, lạnh. Không chỉ chú ý đến sở thích của các thành viên mà quan tâm lưu ý đến sức khoẻ từng người, gặp lúc ốm đau, mệt mỏi, đau bụng, tiêu hoá không tốt… để mỗi thành viên ngồi vào mâm cơm thấy có thể ăn một chút gì đó dù ốm đau (cháo, mì cho người ốm…) khiến họ rất cảm kích trước sự chăm nom, săn sóc của gia đình, đặc biệt của người vợ, người mẹ.
Tổ chức tốt bữa ăn thường ngày trong gia đình không chỉ là cung cấp năng lượng vật chất cần thiết cho sự sinh tồn của các thành viên, bồi dưỡng sức khoẻ cho họ mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần tâm lý, tình cảm sâu sắc. Đó là sự quan tâm đến tâm trạng vui buồn của mỗi cá nhân, là vun đắp những mối quan hệ tình cảm ấm áp giữa các thành viên. Đó cũng chính là hạnh phúc gia đình đơn sơ, mộc mạc nhưng lại đáng quý biết bao!
Nghị luận về bữa cơm gia đình – Mẫu 4
Với mỗi chúng ta, hạnh phúc nhất là được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương của những người thân yêu trong gia đình. Trong cuộc sống ai cũng muốn được quây quần bên gia đình, khi xa nhà ai cũng cảm thấy nhớ, mong ước được sống trong cái cảm giác được sum vầy bên gia đình thân yêu. Và khi ta cảm thấy mệt mỏi với những bộn bề lo toan của cuộc sống, gia đình cũng là chốn đầu tiên ta muốn tìm về. Mỗi gia đình được coi là một tế bào của xã hội, mỗi gia đình hạnh phúc góp một phần làm nên một xã hội phồn vinh, phát triển thịnh vượng. Hạnh phúc của mỗi gia đình là vô cùng quan trọng, ngày 28/6 hàng năm được lấy là ngày gia đình Việt Nam nhằm nhắc nhở mỗi cá nhân, mỗi gia đình tôn vinh hạnh phúc gia đình của chính mình. Trong từng khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình, hạnh phúc nhất là khoảnh khắc trong bữa cơm gia đình tràn ngập tiếng cười, khi mà mọi thành viên góp mặt đông đủ.
“ Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương ” ! Bữa cơm gia đình là khoảng thời gian mà mọi thành viên trong gia đình sum vầy ngồi ăn cùng nhau. Bữa cơm gia đình không chỉ đơn giản là một bữa ăn cung cấp năng lượng để hoạt cho cơ thể mà nó còn là nơi gắn kết yêu thương của các thành viên trong gia đình, thể hiện văn hóa truyền thống của một gia đình, của một đất nước. Nơi mà tất cả mọi người đều cảm nhận được tình thương thực sự, sự quan tâm lẫn nhau, sự kết nối giữa cha mẹ và con cái, giữa thế hệ này và thế hệ khác. Đó chính là bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương.
Có những bữa cơm gia đình tuy đơn sơ, đạm bạc nhưng rất đầm ấm và đầy tình nghĩa. Sau một ngày lao động, làm việc và học tập vất vả, tập trung vào công việc riêng của mỗi người thì bữa ăn chính là thời gian dành cho gia đình yêu thương. Đó là lúc mọi người trở về tổ ấm của mình và bởi gia đình là chốn bình yên và hạnh phúc nhất để con người tìm về. Bữa cơm là thời gian quý báu nhất trong ngày mà cha mẹ và con cái có thể gần gũi và trò chuyện, bộc bạch tâm sự, những câu chuyện dễ dàng được đưa ra bình luận, thậm chí là đưa ra những quan điểm về nhiều vấn đề trong ngày. Và đó cũng là lúc cha mẹ tìm hiểu về việc học hành của con cái, các mối quan hệ bạn bè cũng như mong ước của con trẻ, thấy con lớn lên từng ngày qua cách ứng xử của con trong mỗi bữa ăn. Bữa cơm gia đình giúp mỗi thành viên vui vẻ, thư giãn, gạt đi hết những muộn phiền, tìm thấy được những yêu thương và sự chia sẻ. Bữa cơm gia đình giúp con người nạp thêm năng cả về thể chất lẫn tinh thần. Thật dễ hiểu khi mỗi bữa cơm gia đình đều tràn ngập tiếng cười, những câu chuyện vui những chia sẻ không bao giờ kết thúc. . . Đó là nền tảng của hạnh phúc gia đình !
Qua bữa cơm gia đình, trẻ em được giáo dục nhiều đức tính: biết nhường nhịn và dành miếng ngon cho người khác, tập những thói quen tốt trong khi ăn. Ngay từ khi còn nhỏ thì con cái đã được cha mẹ rèn cho thói quen tốt biết: “ ăn trông nồi, ngồi trông hướng ”, biết lễ giáo quanh mâm cơm. Còn đối với người lớn, đây chính là lúc chia sẻ với nhau những khó khăn vướng mắc sau một ngày làm việc vất vả, hay là kể cho nhau nghe những câu chuyện thú vị của cuộc sống, góp ý cho nhau để cùng nhau hoàn thiện và vươn lên. Và hơn hết bữa cơm gia đình là chìa khóa, là ngọn lửa gìn giữ hạnh phúc gia đình. Những giá trị vật chất và tinh thần sau mỗi bữa cơm là vô giá, là chất xúc tác gắn kết một gia đình hạnh phúc. Ở bữa cơm, quan trọng nhất là việc gia đình quây quần đông đủ, chuyện trò hàn huyên về những việc diễn ra trong ngày. Dù xã hội hiện đại đến đâu nhưng những giá trị truyền thống tốt đẹp mà cụ thể là bữa cơm gia đình luôn chiếm một vị trí quan trọng trong mọi thời điểm. Hãy trân trọng và biết tận dụng những điều rất nhỏ nhặt từ bữa cơm gia đình trong việc giữ gìn tổ ấm và nuôi dưỡng tâm hồn vì điều đó sẽ tạo nên một hạnh phúc rất lớn !
Cuộc sống là một dòng chảy không ngừng nghỉ, con người luôn mải miết với công việc riêng của mỗi người và trở nên bận rộn. Để có được một bữa cơm đầy đủ thành viên vui vẻ dần cũng trở nên hiếm hoi. Luôn sẵn có những lí do được coi là thường tình cho người ta chối từ một bữa cơm gia đình ấm áp. Họ viện cớ cuộc sống còn khó khăn để lao vào vòng kiếm tìm vật chất, thỏa mãn ham muốn vật chất mà quên mất, coi nhẹ giá trị tinh thần, coi nhẹ không khí đầm ấm của bữa cơm gia đình. Con cái với lịch học thêm dày đặc, hoạt động ngoại khóa, bố mẹ bận công việc, làm thêm giờ, kẻ ăn trước, người ăn sau, hay dù ăn cơm chung nhưng lại phải ăn vội ăn vàng, ăn cho có lệ, ăn tranh thủ vì quá bận rộn, làm mất đi bầu không khí trò chuyện vui vẻ, thân mật, đầm ấm. Chính vì thế bữa cơm chung thân mật, đầm ấm trong gia đình Việt một thời còn thiếu thốn giờ đang dần biến mất vì thừa kinh tế, thiếu thời gian. Và cũng thật đáng tiếc khi nhiều bữa cơm gia đình ngày nay không còn được ấm áp tình người nữa.
Thực tế thì thật đáng buồn là những bữa cơm gia đình đang dần mất đi, có nghĩa là hạnh phúc những gia đình đó có nguy cơ đang bị đe dọa, chúng ta đang rất cần một giải pháp hữu ích cho vấn đề này. Ngay hôm nay mỗi chúng ta phải sắp xếp lại thời gian biểu cho công việc và học tập cùng thời gian cho bữa cơm gia đình hợp lí. Khi chúng ta quá bận rộn đến mức cả bữa tối cũng không thể ăn cùng gia đình thì dù muốn dù không thì sự quá bận rộn đó cũng ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Có một câu chuyện thực tế xót xa về việc ông bố thiếu thời gian ăn cơm chung với đứa con nhỏ như sau: Ông bố đi làm suốt ngày, tới tối muộn vẫn chưa về nhà. Cậu bé con ở nhà một mình thấy tối rồi mà bố chưa về, đói, cậu đi pha mì tôm ăn. Khi ăn được nửa bát mì cậu bé chợt nhớ ra là bố cậu đi làm chắc giờ cũng chưa ăn tối, nghĩ vậy câu liền bưng nửa bát mì còn lại đem ủ vào trong chăn để lúc bố cậu về ăn thì mì vẫn còn nóng. Khi ông bố đi làm về, quá mệt mỏi sau một ngày làm việc liền lên giường lật chăn đi ngủ thì bát mì tôm tung đổ ra giường. Quá tức giận, ông liền lôi con ra đánh cho một trận, khi hỏi lí do cậu con trai trả lời, ông bố mới chợt nhận ra sai lầm của minh, không nói lên lời.
Tất cả các thành viên đều có trách nhiệm và quyền lợi tham gia vào bữa cơm gia đình, hãy tạo ra một không gian ấm cúng cho bữa ăn gia đình để các thành viên cảm thấy bữa ăn thực sự là khoảng thời gian hạnh phúc không thể bỏ qua.