Đoạn văn cảm nhận về 3 cô gái trong Những ngôi sao xa xôi (5 mẫu)

Đoạn văn cảm nhận về 3 cô gái trong Những ngôi sao xa xôi (5 mẫu)

TOP 5 Đoạn văn cảm nhận về 3 cô gái trong Những ngôi sao xa xôi SIÊU HAY, giúp các em học sinh có thêm nhiều thông tin hữu ích, thấy rõ vẻ đẹp rạng ngời của 3 cô gái trẻ Phương Định, Thao, Nho.

Bạn đang đọc: Đoạn văn cảm nhận về 3 cô gái trong Những ngôi sao xa xôi (5 mẫu)

Đoạn văn cảm nhận về 3 cô gái trong Những ngôi sao xa xôi (5 mẫu)

Ba cô gái trẻ trung, đầy nhiệt huyết, dũng cảm là biểu tượng của thế hệ trẻ năm nào trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu sâu sắc truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê học trong chương trình Văn 9, Bài 7 sách Ngữ văn 8 Kết nối tri thức với cuộc sống Tập 2. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm đoạn văn cảm nhận về nhân vật Phương Định.

Viết đoạn văn cảm nhận về 3 cô gái trong Những ngôi sao xa xôi

    Đoạn văn cảm nhận về 3 cô gái thanh niên xung phong – Mẫu 1

    Truyện ngắn “những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê viết về tổ trinh sát mặt đường gồm ba cô gái: Nho, Phương Định, và chị Thao. Công việc của họ là đo khối lượng đất đai và san lấp mặt đường, đánh dấu những quả bom chưa nổ nếu cần thì phá bom, họ đến Trường Sơn tạo thành tổ trinh sát và cùng nhau sống trong những cái hang dưới chân cao điểm. Hoàn cảnh sống khó khăn, công việc nguy hiểm và tinh thần chiến đấu của họ vô cùng dũng cảm. Suốt ngày đối mặt với đạn và bom, họ đã vượt qua tất cả là nhờ những nét tính cách đáng yêu, sự hồn nhiên, mơ mộng. Nho cô em út nhỏ tuổi nhỏ nhẹ, dịu dàng, duyên dáng: “trông nước mắt như một que kem trắng”, Nho thích ăn kẹo và rất cứng cỏi, kiên quyết trong công việc. Còn Phương Định, là cô gái Hà Nội trẻ trung yêu đời: ” Cô thích ngắm mặt mình trong gương, thích hát dân ca quan họ bắc ninh, dân ca Ý đặc biệt là” bài ca Ca – chiu – sa”. Trong cuộc sống mơ mộng là vậy nhưng cô gái này rất dũng cảm trong công việc cụ thể là trong những lần phá bom ” tôi có nghĩ đến cái chết nhưng một cái chết mờ nhạt không cụ thể còn cái chính liệu mìn có nổ, bom có nổ không”. Cuối cùng, chị Thao là người lớn tuổi nhất cũng là đội trưởng. Ở chị có những nét dễ nhớ, ấn tượng. Chị thích làm đẹp “Tỉa lông mày nhỏ như cái tăm, thích thêu thùa, thích chép bài hát… tuy công việc chị điều hành dứt khoát: “Lần này nó bỏ ít, Định ở nhà hai đứa đi cũng đủ”. Như vậy vẻ đẹp trong cuộc sống chiến đấu của tổ trinh sát mặt đường: Nho, Phương Định, chị Thao chính là vẻ đẹp của thế hệ trẻ thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ mà Lê Minh Khuê đã tả lại rất thành công.

    Đoạn văn cảm nhận về 3 cô gái thanh niên xung phong – Mẫu 2

    Những ngôi sao xa xôi đã để lại trong lòng người đọc những cảm xúc sâu sắc về nhân vật Phương Định, Nho và chị Thao – những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn những năm tháng chiến tranh. Trước hết, họ đều là những con người dũng cảm, đương đầu với gian khổ, khó khăn và sẵn sàng hi sinh vì lí tưởng. Trong câu chuyện, ta thấy được rằng công việc của họ là vô cùng nguy hiểm, luôn phải đối diện với tử thần khi mà họ phải quan sát máy bay địch ném bom, đo khối lượng đất đá để san lấp hố bom do địch gây ra, đánh dấu những quả bom chưa nổ và phá bom. Ta còn bắt gặp ở họ tình đoàn kết, yêu thương, chăm sóc nhau như những người thân trong một gia đình. Phương Định bồn chồn, lo lắng khi chờ chị Thao và Nho đi trinh sát trên cao điểm. Khi Nho bị thương, Phương Định và chị Thao Đã lo lắng, băng bó chăm sóc Nho cẩn thận với niềm xót xa như chị em ruột thịt và cảm thấy “đau hơn người bị thương”. Mặc dù hoàn cảnh sống chiến đấu vô cùng khắc nghiệt nhưng những chiến sĩ ấy vẫn giữ được tâm hồn trẻ trung, trong sáng, yêu đời. Họ có cuộc sống nội tâm phong phú, đáng yêu, dễ xúc cảm, nhiều mơ ước. Họ thích làm đẹp cho cuộc sống của mình ngay cả trong hoàn cảnh chiến trường ác liệt. Hình ảnh những chiến sĩ thanh niên xung phong đã góp phần làm nên vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kháng chiến chống Mĩ trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Họ đã tạm gác lại sau lưng những giấc mơ, những dự định, hoài bào khác để lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Trong trái tim ấy luôn rực cháy một ngọn lửa của tinh thần yêu nước bất diệt. Đọc tác phẩm ta càng cảm thấy biết ơn và trân trọng những người chiến sĩ ấy biết bao nhiêu.

    Đoạn văn cảm nhận về 3 cô gái thanh niên xung phong – Mẫu 3

    Những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn là biểu tượng cho thế hệ trẻ những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hình ảnh của họ đã được tác giả Lê Minh Khuê dựng lại qua hình ảnh của ba cô gái Nho, Thao, Phương Định trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của mình. Như chúng ta đã biết, Nho, Thao, Phương Định là những nữ trinh sát mặt đường, làm việc trên một cao điểm của tuyến đường trọng điểm Trường Sơn. Họ phải sống trong “một hang dưới chân cao điểm” nơi mà máy bay Mỹ rè rè ném bóng hàng giờ. Nhiệm vụ của các cô là “đo khối lượng đất lấp hố bom, đếm bom chưa nổ, và khi cần thì phá bom”. Nhiệm vụ ấy phải được thực hiện ngay sau những đợt máy bay Mỹ ném bom xuống cao điểm nên vô cùng nguy hiểm, vất vả và khó khăn. Thế nhưng, các cô gái ấy vẫn ngời sáng những vẻ đẹp anh hùng. Họ vô cùng dũng cảm, dù phải “chạy trên cao điểm cả ban ngày”, đối mặt với thần chết từng giờ từng phút. Họ cũng là những cô gái có trách nhiệm rất cao với công việc của mình. Chỉ cần nghe tiếng bom nổ là họ lao ra ngay cao điểm, mặc kệ nguy hiểm, bởi họ hiểu tầm quan trọng của công việc mình làm, của tuyến đường trọng điểm họ đang làm nhiệm vụ. Họ là những cô gái trẻ, chỉ mới 17, 18, thế nên tâm hồn họ lúc nào cùng hồn nhiên và trong sáng vô cùng. Thao, Nho, Phương Định còn có tình đồng đội thắm thiết, họ hiểu nhau, nắm bắt được từng sở thích, nỗi sợ của nhau, lo lắng khi đồng đội bị thương. Chị Thao biết Phương Định thích hát, còn Phương Định lại biết chị Thao rất điệu “áo lót của chị cái nào cũng thêu chỉ màu” nhưng lại rất sợ “thấy máu, thấy vắt”. Còn Nho, cô là em út của cả đội, Phương Định yêu quý cô, coi cô như cô em gái nhỏ, “như một cây kem trắng”. Khi Nho bị thương, Phương Định và Thao đã chăm sóc cô hết lòng, pha sữa cho cô uống, băng bó vết thương cho cô. Thế nhưng, mỗi cô gái lại mang trong mình những nét đẹp riêng. Thao thì điệu đà nhưng trong công việc thì “cương quyết, táo bạo” khiến ai cũng phải “gờm”. Mỗi khi nghe thấy tiếng bom là chị “bình tĩnh đến phát bực”, phân công công việc rõ ràng cho đồng đội và chạy ngay ra ngoài cao điểm thực hiện nhiệm vụ của mình. Còn Nho, cô là em út, lúc nào cũng ngây thơ, trong sáng, thích ăn kẹo và cũng dũng cảm vô cùng. Bị thương, nhưng cô không hề kêu ca, cũng không hề than trách. Còn Phương Định – người con gái Hà thành xinh đẹp, rất yêu ca hát, thuộc nhiều bài từ “dân ca quan họ mềm mại, dịu dàng”, “Ca-chiu-sa của Hồng quân Liên Xô” hay “dân ca Ý trữ tình giàu có”, … Cô là người con gái gan dạ, dũng cảm, một mình đối mặt với quả bom to trên đồi cũng không hề sợ hãi. Cô “đàng hoàng” thằng người bước tới cạnh quả bom và phá nó nhanh chóng, chính xác. Lê Minh Khuê đã tái hiện hình ảnh của những cô gái thanh niên xung phong Trường Sơn hết sức sống động, chân thực thông qua những ngôn từ trẻ trung cũng như cách kể chuyện theo ngôi kể thứ nhất rất tự nhiên. Ba cô gái Nho, Thao, Định là những đoá hoa xinh đẹp, biểu tượng cho thế hệ trẻ ở Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm nào.

    Đoạn văn cảm nhận về 3 cô gái thanh niên xung phong – Mẫu 4

    Ba cô gái thanh niên xung phong trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” chính là đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mỹ. Họ sống và chiến đấu trong một giai đoạn vô cùng khó khăn, phải rời xa quê hương để ra chiến trường. Ba cô gái trẻ ở trong một cái hang ngay dưới chân cao điểm của tuyến đường Trường Sơn máu lửa. Nơi đây, “đường bị đánh lở loét”, “hai bên đường không có lá xanh”, “những thân cây bị tước khô cháy”,… Tất cả đã nói lên sự khó khăn, hiểm nguy mà họ phải đối diện. Không chỉ vậy, nhiệm vụ của họ cũng hết sức nguy hiểm. Việc phá bom giống như đang chơi đùa với tử thần: dễ dàng bỏ mạng bất cứ lúc nào. Ấy vậy nhưng vượt lên trên hoàn cảnh, những cô gái vẫn sáng lên với bao vẻ đẹp đáng quý. Đó là sự dũng cảm, gan trường, sự trách nhiệm trong công việc và tình đồng đội keo sơn, gắn bó. Đặc biệt, phải kể đến tâm hồn mộng mơ, lạc quan, yêu đời của người thiếu nữ – thứ mà bom đạn chiến trường không thể nào vùi lấp được. Ngoài ra, mỗi cô gái cũng có cho mình những đặc điểm nổi bật riêng: sự yêu kiều của người con gái Hà Nội – Phương Định; sự cương quyết, táo bạo của chị Thao; sự trong sáng, lạc quan của Nho. Có thể thấy, cả ba cô gái chính là những đại diện tiêu biểu cho thanh niên Việt Nam thời chiến. Qua đó, người đọc càng thêm biết ơn công lao của các thế hệ trước. Từ đó, trân trọng hơn nền độc lập ngày nay.

    Đoạn văn cảm nhận về 3 cô gái thanh niên xung phong – Mẫu 5

    Tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của nhà văn Lê Minh Khuê viết về 3 cô gái, ba nữ thanh niên xung phong gan dạ, dũng cảm làm việc trên tuyến đường Trường Sơn. Họ là những bông hoa xinh đẹp của núi rừng đại ngàn mặc dù phải sống và chiến đấu trong một hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm và khắc nghiệt. Thao, Nho, Phương Định là ba cô gái thuộc “tổ trinh sát mặt đường”, làm việc trên một cao điểm ở tuyến đường huyết mạch Trường Sơn. Họ phải sống trong “một hang dưới chân cao điểm” và thực hiện nhiệm vụ “đo khối lượng đất lấp hố bom, đếm bom chưa nổ và khi cần thì phá bom”. Cuộc sống và nhiệm vụ nguy hiểm là thế nhưng ba cô gái ấy vẫn ánh lên những vẻ đẹp rạng ngời. Họ vô cùng can đảm, gan dạ, trong bất cứ tình huống nào, chỉ cần nghe thế tiếng “máy bay trinh sát rè rè. Phản lực gầm gào lao theo sau” là họ chuẩn bị tinh thần chạy ngay ra cao điểm để thực hiện nhiệm vụ. Cả 3 cô gái đều có trách nhiệm cao với công việc của mình. Bởi họ hiểu rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ của mình, chỉ khi đường thông, những chiếc xe chở vũ khí đạn dược mới có thể tiến vào miền Nam an toàn. Vậy nên dù có phải “chạy trên cao điểm cả ban ngày”, họ vẫn luôn mạnh mẽ, dũng cảm, đối mặt với thần chết. Với họ, cái chết nơi chiến trường này “mờ nhạt và không cụ thể” bởi trong họ là lý tưởng cống hiến hết mình cho Tổ quốc, giải phóng miền Nam. Ba cô gái luôn quan tâm nhau, cùng nhau kề vai sát cánh chiến đấu, và tình đồng đội, đồng chí của họ cứ thế sâu đậm tự khi nào. Họ hiểu rõ nhau từ sở thích đến nỗi sợ, từ những điều nhỏ bé nhất. Như Thao hiểu rõ Phương Định thích hát đến nhường nào, còn Phương Định lại hiểu rõ Thao sợ máu, sợ vắt đến nhường nào. Thậm chí, Phương Định còn biết Thao là một cô gái rất điệu đà, “áo lót của chị cái nào cũng thêu chỉ màu”. Nhưng họ – ba cô gái ấy vẫn mang trong mình những nét đẹp riêng. Thao thì luôn “cương quyết, táo bạo” trong công việc, là một người đội trường vững vàng. Nho thì trẻ trung, ngây thơ như một đứa trẻ nhỏ, nhưng trong công việc thì gan dạ, dũng cảm vô cùng. Còn Phương Định, người con gái Hà Nội kiên trung, xinh đẹp, thích hát, luôn thực hiện nhiệm vụ của mình hết sức chính xác và nhanh chóng. Ba cô gái được Lê Minh Khuê xây dựng bằng cảm hứng hào hùng những năm tháng kháng chiến cứu quốc, bằng những lời văn trẻ trung, chân thực và sống động và bằng cách kể chuyện tự nhiên, chân thành. Nho, Thao, Phương Định sẽ mãi là những biểu tượng của tuổi trẻ rạng ngời trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa năm nào.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *