Một đất nước có nền kinh tế phát triển, kéo theo nhiều thứ cũng phát triển theo. Đời sống của con người được cải thiện, nâng cao. Có một thuật ngữ mà chúng ta hay dùng để nói về lối sống thời thượng của giới trẻ đó là “sành điệu”.
Bạn đang đọc: Bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận về lối sống sành điệu của giới trẻ trong xã hội hiện nay
Và hôm nay chúng ta hãy cùng Download.vn tham khảo bài văn mẫu: Nghị luận về lối sống sành điệu của giới trẻ trong xã hội hiện nay. Tài liệu bao gồm dàn ý kèm theo 3 bài văn mẫu. Hy vọng với tài liệu này các em học sinh lớp 12 có thêm nhiều tài liệu tham khảo, củng cố kiến thức để đạt được kết quả cao trong các bài kiểm tra, bài thi THPT Quốc gia sắp tới.
Dàn ý nghị luận xã hội về lối sống sành điệu
* Giới thiệu khái quát vấn đề nghị luận
* Giải thích sành điệu:
* Những quan niệm về sành điệu:
– Sành điệu là ăn mặc đúng mốt và đi trước mốt, là dùng đồ vật đắt tiền và khác người:
+ Ăn mặc đúng mốt, đi trước mốt, dùng đồ vật đắt tiền, khác người là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của mỗi con người.
+ Tuy nhiên quan niệm sành điệu ấy thường dẫn đến cách ăn mặc phản cảm, lố lăng, tiêu tốn tiền bạc, lối sống vội, sống gấp, sống thử, làm mất đi nét đẹp tuổi trẻ, ảnh hưởng đến nhân cách…(dẫn chứng).
+ Đó là cái sành điệu do những vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài mang lại, chưa phải là tiêu chuẩn, cái đích hướng tới, là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, vẻ đẹp thực sự của một con người do đó cần lên án, phê phán.
– Sành điệu nhất chính là biết chấp nhận thử thách và dấn thân vào thử thách cuộc đời:
+ Xã hội ngày càng phát triển đi lên, kiến thức nhân loại ngày một phong phú. Nếu con người không chịu học hỏi vươn lên sẽ nhanh chóng tụt hậu so với thời đại.
+ Thước đo đánh giá một con người có thể căn cứ vào rất nhiều yếu tố nhưng trong đó sự hiểu biết là rất quan trọng, do vậy con người cần học để biết, để làm, để chung sống, để khẳng định bản thân mình.
+ Quá trình học tập là vô cùng gian nan, nhiều chông gai thử thách, do vậy con người cần biết chấp nhận, dấn thân. Đó là quan niệm sống thiên về nội dung bên trong của một con người, là quan niệm sống có trách nhiệm với bản thân và mọi người, cần được cổ vũ, khuyến khích (dẫn chứng).
* Quan niệm cá nhân của người viết về “sành điệu”
Nghị luận về lối sống sành điệu của giới trẻ – Mẫu 1
Trong cuộc sống hiện nay để theo kịp “mốt” thời thượng nhiều bạn cho rằng mỗi chúng ta phải biết sống sành điệu. Bởi họ quan niệm: Sành điệu là cái mốc đầu tiên để đánh giá một con người trong thời đại @. Vậy thế nào mới là sành điệu thật sự? Là ăn mặc đúng mốt và đi trước mốt với những đồ vật đắt tiền, khác người hay là biết chấp nhận dấn thân vào thử thách cuộc đời.
Hai từ “sành điệu” đã tồn tại trong cuộc sống của chúng ta quen thuộc đến nỗi thậm chí còn được coi là câu cửa miệng của một số người: “chuyện, sành điệu mà” hay “sành điệu mới là tôi”… Nói đến “sành điệu”, thường ta nghĩ về mặt vật chất tức là cái bề ngoài của con người như dùng điện thoại di động “xịn”, ăn mặc “style”, dám chơi trội,… mà ít ai quan niệm sành điệu về mặt tâm hồn. Chẳng hạn như chúng ta không nói một người đã vượt lên thử thách của cuộc sống là “anh thật là sành điệu”. Mặc dù đó có thể là một lời khen nhưng người nghe lại không nghĩ như vậy. Đơn giản vì từ sành điệu thâm nhập vào cuộc sống được hiểu chủ yếu theo nghĩa đen của nó, tức là phải ăn mặc cho hợp mốt, đi trước mốt. Quan niệm này xuất hiện phổ biến trong giới trẻ. Vì với giới trẻ, sành điệu là cách để thể hiện đẳng cấp “pro”, để tự hào mình là một người thời thượng, hơn nữa tâm lý của giới trẻ là thích cái mới, cái lạ nên họ tiếp thu rất nhanh “mốt”. Cứ thế, như những con vi rút, các kiểu mốt cứ lan truyền trong cộng đồng “teen” đánh vào tâm lí của họ tạo nên lối sống sành điệu.
“Quê rồi, sành điệu ngày nay là phải ăn mặc như tao vầy nè”. Tôi choáng váng khi nhìn cô bạn 17 tuổi của mình mặc thứ quần bò rách lỗ chỗ, túi lằng nhằng những xích, đi giày cao cả tấc, chưa kể tóc tai lợn xoăn màu mè chẳng giống ai. Sành điệu kiểu ấy thì tôi xin chịu. Nếu sành điệu mà chỉ khiến người khác thấy phản cảm, sành điệu mà biến mình thành một người ngoài hành tinh thì đó là sành điệu “dởm”. Sành điệu không có nghĩa là phải dùng đồ đắt tiền, xài hàng hiệu. Muốn gây ấn tượng cho người khác không phải đeo kính Gucci (mà giá thấp nhất cũng từ 100 – 300 đô), đeo đồng hồ Swatch, mặc đồ hiệu D&G…. Bởi đôi khi nó còn trở nên kệch cỡm nếu người dùng nó không biết cách phối hợp thời trang. Sành điệu như thế đối với nhiều “teen” mà nói là quá sức với hoàn cảnh gia đình. Cho nên, mới có nhiều bi kịch xung quanh chuyện teen “lỡ sành điệu” mà không dám trở lại với con người thật của mình vì bạn bè chê cười. Đừng để mình trở thành “trưởng giả học làm sang” như trong vở kịch của Mô-li-e bạn nhé!
Suy cho cùng sành điệu trong ăn mặc làm mình đẹp hơn. Vậy tại sao bạn không thử ăn mặc giản dị, trang nhã nhưng vẫn hợp mốt? Một chiếc áo thun kết hợp với một chiếc quần jean lửng sẽ làm bạn trẻ trung, năng động đến dường nào, hay là một chiếc áo ít hoạ tiết nhưng có những điểm nhấn nổi bật,.. sẽ gây ấn tượng hơn bao giờ hết. Thực tế cho thấy, rất nhiều người ăn mặc giản dị mà vẫn rất đẹp. Cái đẹp của sành điệu là cái đẹp tạo cho người nhìn cảm giác dễ chịu, bắt mắt chứ không phải là cái đẹp kì dị, khác người,..
Có thể khẳng định rằng nhu cầu ăn mặc sành điệu là nhu cầu chính đáng của giới trẻ trong xã hội hiện nay. Nhưng mỗi chúng ta phải biết cách sành điệu và sành điệu như thế nào cho đúng, cho hợp với chính mình mới là vấn đề quan trọng. Sành điệu trong cách ăn mặc, đồ dùng đắt tiền chỉ là cái bề ngoài nên nó không có giá trị lâu dài với thời gian. Sành điệu nhất chính là mỗi chúng ta phải biết chấp nhận thử thách và dấn thân vào thử thách của cuộc đời. Như vậy, chúng ta không chỉ đạt đến cái đích đến “cuối cùng” của “sành điệu” mà bản thân bạn cũng khám phá ra rất nhiều điều về chính mình như lòng dũng cảm, sự tự tin, lối sống có trách nhiệm… Một phóng viên trẻ tuổi mới vào nghề dám thâm nhập thực tế để lấy tư liệu về vụ tham nhũng của doanh nghiệp X mà không sợ nguy hiểm; một người kinh doanh trẻ sẵn sàng đầu tư tiền vào công ty mà mọi người đều cho rằng nó không mấy khả quan chỉ vì anh tin rằng công ty ấy tuy nhỏ nhưng đầy tiềm năng phát triển; một bạn gái tật nguyền ở chân nhưng vẫn không từ bỏ ước mơ một ngày nào đó được đứng trên bục giảng trở thành một giáo viên… Tất cả họ đều là những người sống đẹp – lối sống ấy mới thực là lối sống khiến chúng ta ngẫm nghĩ và đáng để noi theo.
Nếu bạn là “fan” của những bộ phim hoạt hình Walt Disney nổi tiếng thì chắc hẳn bạn phải biết Disney đã từng tất bại cay đắng ngay từ những ngày đầu mới vào nghề, khi bị ông chủ toà soạn báo sa thải vì khả năng sáng tạo kém “Khi đó tôi mới 21 tuổi, không tiền bạc, không danh vọng. tôi gần như sụp đổ khi ngày nào cũng phải ngủ trên chiếc sô pha rách tươm, ăn mãi một món khoai tây nghiền và phải sống trong căn nhà ổ chuột”. Walt Disney đã từng phải sống như vậy trong cả thời gian dài để tên tuổi của ông mới được mọi người biết đến và nổi tiếng như ngày hôm nay. (Theo Hạt giống tâm hồn).
J. Rowlinh – tác giả của tập truyện Harry Porter – một trong những nhà văn giàu có nhất trong lịch sử với tổng tài sản hơn một tỉ đô la – trước đây cũng chỉ là một bà mẹ nghèo sống bằng tiền trợ cấp của xã hội. Bà đã không từ bỏ ước mơ trở thành nhà văn cho dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, dù tác phẩm của bà bị từ chối đến 12 lần trước khi xuất bản. Bà cũng như Walt Disney đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng thành công nào cũng phải trả giá bằng sự cố gắng, nỗ lực. Để trưởng thành hơn và khẳng định mình cần phải biết chấp nhận thử thách và dấn thân vào thử thách cuộc đời.
Sành điệu ngày nay, mà có lẽ là ở thời đại nào cũng vậy chính là sống không bao giờ được nói hai từ “gục ngã”. Anh sẽ khẳng định được chính mình trên lĩnh vực mà anh thành công, mọi người sẽ nhắc đến tên anh đầy tự hào nếu anh sống một cuộc sống có ý nghĩa. Cái bề ngoài của quần áo hay đồ vật đắt tiền có thể là mốt lúc này nhưng có ai dám chắc là sau năm năm, mười năm nó sẽ không trở nên lỗi thời? Giá trị vật chất chỉ là cái hào nhoáng bên ngoài, nó dẽ thu hút các bạn trẻ nhưng rồi cũng dễ trở nên nhàm chán và là đồ cũ. Người ta chỉ sẽ nhớ đến nó trong hoài niệm: À, nó đã từng là đồ mốt của một thời nào đó… Nói cho cùng, để có để sống được hàng ngày, tất nhiên phải nhờ vào những giá trị tức thời. Nhưng cho có phẩm hạnh, có cốt cách nhất định phải dựa vào những giá trị bền vững (Nguyễn Khải).
Tôi không phản đối quan niệm của người tuổi trẻ về cách sống sành điệu thời trang, nhưng cũng không hoàn toàn đồng tình. Ý nghĩa thực sự của sành điệu thiết nghĩ là để mỗi chúng ta biết nhận thức được đâu là giá trị bền vững và đâu là con đường đi đến sành điệu khôn ngoan nhất. Người khôn ngoan sẽ là người chọn con đường đi bằng tinh thần hơn là con đường thể hiện mình theo kiểu “tốt nước sơn”. Bạn nghĩ sao? Bạn sẽ chọn con đường nào để chứng tỏ mình trong cuộc sống?
Nghị luận về lối sống sành điệu của giới trẻ – Mẫu 2
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của con người trở nên cao hơn, từ “ăn no mặc ấm” đã tiến đến “ăn ngon mặc đẹp”. Chính vì thế, nhiều người, nhất là các bạn trẻ cho rằng, chúng ta phải biết ăn mặc sành điệu, chơi sành điệu, sống sành điệu để bắt kịp với nhịp sống hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, sành điệu ở ăn – mặc – chơi liệu có đúng với ý nghĩa của nó?
Đầu tiên, chúng ta hãy đi tìm hiểu thế nào là “sành điệu”. Đó là từ để chỉ những người vừa có kiến thức, có hiểu biết về cách ăn mặc, biết cách phối hợp đồ một cách tinh tế và phù hợp nhất với bản thân người mặc. Tuy nhiên, với đa số giới trẻ ngày nay, thì từ “sành điệu” được gán cho những thứ mới mẻ, lạ lẫm và những điều mà ở tuổi mình không ai dám làm.
Ăn mặc đẹp sẽ giúp cho bạn tự tin hơn vào ngoại hình của mình, giúp bạn có được thiện cảm của mọi người ngay cả những người chỉ mới gặp mặt. Ông cha ta đã nói: “Người đẹp vì lụa”. Mặc phù hợp với bản thân, với hoàn cảnh sẽ khiến chúng ta tự tin thể hiện bản thân. Ví dụ như khi đi chơi với bạn bè thì bạn không nên mặc vest mà nên mặc những quần áo năng động, thoải mái, dễ hoạt động, hoặc là đi tiệc thì bạn không nên mặc váy đi giày thể thao… Ngoại hình không phải là tất cả, nhưng cũng khá quan trọng và cho thấy bạn là một người thông minh, tinh tế.
Các bạn trẻ thường cho rằng, sành điệu tức là nhuộm tóc, dùng quần áo đắt tiền, hút thuốc, làm những điều ấy để khẳng định bản thân, dù những thứ ấy chẳng phù hợp với lứa tuổi và bản thân mình. Những bộ cánh lòe loẹt, những khuôn mặt trẻ con nhưng đầy son phấn đã khiến các bạn mất đi nét hồn nhiên của tuổi học trò. Chính những nhận thức sai lầm đã khiến các bạn a dua theo chúng bạn, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra. “Sành điệu” không phải là như vậy.
Có những bạn luôn luôn bắt mình phải theo những thứ mốt mới nhất, đắt tiền nhất mà chẳng quan tâm đến tình hình tài chính, hoàn cảnh gia đình và điều kiện bản thân. Có những người mẹ hàng ngày cặm cụi tiết kiệm từng đồng gửi lên cho con mà không biết con mình dùng những đồng tiền ấy để ăn chơi, mua sắm đồ đạc cho bằng bạn bằng bè. Hay tệ hơn, khi gia đình không chu cấp đủ, các bạn này trở thành những người ăn trộm ăn cắp, làm đủ mọi cách để có tiền “sành điệu”. Những vụ án thương tâm đã xảy ra, những tội phạm vị thành niên đã làm cho cả xã hội đau lòng, sửng sốt. Có những bạn thì lại do thiếu sự quan tâm của gia đình, bị bạn bè lôi kéo rủ rê và từ đó “sành điệu” thành nghiện rượu. Chắc bởi vì thế, nhiều khi từ “sành điệu” bị mọi người dùng với ý nghĩa châm chọc, mỉa mai.
Ăn mặc đẹp không có nghĩa là ăn mặc đắt tiền. Biết uống rượu hút thuốc không xấu nhưng cũng không phải là thứ tốt cho các bạn học sinh, sinh viên. Các bạn chỉ đẹp khi các bạn ăn mặc, cư xử phù hợp với lứa tuổi của mình. Và nét đẹp tâm hồn còn đẹp hơn nhiều so với vẻ đẹp bên ngoài. Thay vì giành thời gian mua sắm, tụ tập, các bạn hãy giành thời gian để tự trau dồi kiến thức, tự hoàn thiện bản thân để có thể theo đuổi những gì mà mình mơ ước. “Sành điệu” về tâm hồn sẽ khiến cho con người bạn luôn luôn đẹp, luôn luôn nhận được sự yêu mến, tin tưởng của thầy cô, bạn bè và những người xung quanh.
Là những người trẻ, chúng ta hãy “sành điệu” thông minh, để trở thành những người có ích cho gia đình, cho xã hội.
Nghị luận về lối sống sành điệu của giới trẻ – Mẫu 3
Một đất nước có nền kinh tế phát triển, kéo theo nhiều thứ cũng phát triển theo. Đời sống của con người được cải thiện, nâng cao. Những nhu cầu về “ăn ngon mặt đẹp” sống “sang chảnh” cũng vì thế xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống. Có một thuật ngữ mà chúng ta hay dùng để nói về lối sống thời thượng của giới trẻ đó là “sành điệu”. Và hôm nay chúng ta hãy cùng nhau nghị luận về lối sống sành điệu của giới trẻ trong xã hội hiện nay.
Sành điệu chính là một cách sống am hiểu sự đời, với những phong cách tác phong khiến người đời phải ngưỡng mộ. Những người sành điệu là những người có lối sống thời thượng, luôn biết cách làm nổi bật mình hơn so với những người khác. Luôn tỏ ra rằng mình là một người am hiểu mọi lĩnh vực, và bắt nhịp kịp xu thế của thời đại.
Tuy nhiên thuật ngữ “sành điệu” đối với giới trẻ hiện nay nó được sử dụng nhưng như là một sự lạm dụng quá mức. “Sành điệu” ở đây nó chính là được khởi nguồn từ phong cách ăn mặc luôn tỏ ra một sự quý phái, bắt kịp xu hướng thời đại, và luôn phô diễn đúng nơi đúng thời điểm. Các ăn mặc này sẽ khiến những bạn trẻ khác phải ngưỡng mộ, và rất muốn đua đòi học hỏi.
Chính vì cái hiệu ứng thời thượng “sành điệu” này, nó trở thành một chủ đề “hot” có tính lây lan cao. Nhiều bạn trẻ từ lối sống đơn giản, ăn mặc đơn giản chuyển sang một lối sống mới ăn nói có vẻ am hiểu sự đời, ăn mặc thì rất sang chảnh. Họ đang thể hiện một lối sống “sành điệu” thực sự.
Sành điệu của giới trẻ hiện nay không chỉ thể hiện nổi bật ở phong cách ăn mặc nó còn thể hiện trong ẩm thực. Có nghĩa là những bạn trẻ rất sành sỏi, biết thưởng thức những món ăn ngon. Nói đến chỗ nào ăn ngon là cũng biết, biết ăn như thế nào. Sự tinh tế, cảm nhận về phong cách ăn uống của họ thực sự “sành điệu” khiến nhiều bạn trẻ khác cũng phải ngưỡng mộ, cũng phải trầm trồ.
Nhiều người vẫn cho rằng sành điệu chỉ là cái mã bề ngoài mà người đó phô ra bên ngoài. Thực ra không phải vậy, sành điệu thực sự phải toát lên từ nhân phẩm bên trong của người đó. Là sự hiểu biết, tế nhị, hiểu thời cuộc, phán xét mọi chuyện một cách thời đại nhất. Bởi vậy mà có nhiều người còn nhầm lẫn sành điệu với ăn chơi. Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Việc đua đòi, chạy theo mốt mới trên thị trường của nhiều người để tự khẳng định mình có thể là ăn chơi. Nhưng sự hiểu biết về trang phục đó, món ăn đó lại không phải ăn chơi. Đó chình là hai phong thái khác nhau.
Rất nhiều người trẻ hiện nay cho rằng nhuộm tóc, uốn tóc, ăn mặc phong cách là sành điệu, là theo kịp với thời đại. Thực sự không phải như vậy vì sành điệu cần sự hiểu biết và thông minh thì bạn mới trở thành một người sành điệu đúng chất.
Những bạn trẻ từ quê ra thành phố đua đòi, a dua theo những bạn khác có điều kiện hơn từ đầu tóc, trang phục đến son phấn để không bị chê cười. Các bạn gọi đấy là sự sành điệu. Điều này là không đúng, sành điều luôn biết mình cần gì, phù hợp với điều gì và bản thân mình có đáp ứng được với điều đó hay không.
“Sành điệu” bản chất của nó là sự am hiểu, bắt kịp với xu thế. Thuật ngữ này nhiều khi người ta nói về “mặt xấu” của nó. Nhưng thực tế đừng hiểu sai về nó, những người thể hiện mình “sành điệu” là những người thông minh, luôn biết cách bắt nhịp với cuộc sống.
Còn những người chẳng qua luôn gọi là có sự khoe mẽ, hay nửa vời thì chỉ là những “sành điệu dởm”. Và giới trẻ hiện nay cũng cần nhận thức sâu hơn về lối sống “sành điệu”. Không phải cứ khoa trương, ăn mặc thật đẹp, nói chuyện thật am hiểu mới thể hiện sự “sành điệu”. Bởi một lối sống đơn giản, giản gị nhưng vẫn có thể toát lên vẻ am hiểu, một lối sống “sành điệu”.