Bài văn mẫu: Kể về chuyến du lịch trong thế giới cổ tích là tài liệu vô cùng hữu ích mà Download.vn muốn giới thiệu đến các bạn học sinh lớp 7 cùng tham khảo.
Bạn đang đọc: Kể về chuyến du lịch trong thế giới cổ tích
Đây là chủ đề rất hay và hữu ích, bao gồm 4 bài văn mẫu kể một chuyến du lịch trong thế giới cổ tích, gặp gỡ với nhân vật mà em yêu mến nhất. Tài liệu được viết bởi các em học sinh lớp 7 có trong chương trình giảng dạy bậc THCS giúp thầy cô có thêm nhiều ý tưởng cho bài giảng đồng thời giúp các em học sinh củng cố thêm vốn từ của bản thân. Chúc các bạn học tốt!
Kể về chuyến du lịch trong thế giới cổ tích – Mẫu 1
Em đã có rất nhiều chuyến du lịch, tham quan nhiều nơi cùng bạn bè, người thân nhưng có lẽ chuyến đi đáng nhớ nhất của em chính là hành trình trở về thế giới của những câu chuyện cổ tích, được gặp công chúa Quỳnh Nga xinh đẹp, dịu hiền, gặp chàng Thạch Sanh anh dũng giết chằn tinh. Tất cả đều như một giấc mơ có thực, em được gặp mặt, lắng nghe những tâm sự của chính những nhân vật trong câu chuyện cổ tích Thạch Sanh mà em đã được đọc.
Sau khi đọc xong tác phẩm truyện cổ tích Thạch Sanh, em vô cùng ngưỡng mộ chàng Thạch Sanh tốt bụng, dũng cảm, mưu trí. Yêu quý Thạch Sanh bao nhiêu thì em lại thấy bất bình trước hành vi độc ác của mẹ con Lí Thông bấy nhiêu, đã rất nhiều lần, vì lợi ích của bản thân mình, Lí Thông đã đẩy Thạch Sanh vào con đường chết, nhưng nhờ sự mưu trí, dũng cảm thì hết lần này đến lần khác Thạch Sanh đều có thể vượt qua. Cuối cùng thì cái thiện cũng chiến thắng, Thạch Sanh hạnh phúc bên cạnh công chúa Quỳnh Nga, còn mẹ con Lí Thông phải nhận lấy quả báo khi gây ra những việc độc ác.
Em ngồi đọc truyện rồi thiếp đi lúc nào không biết, trong cơn mơ màng em chợt nghe tiếng đàn đầy não nề, da diết cùng tiếng hát đầy bi thương, tuyệt vọng của ai đó:
“Đàn kêu tích tịch tình tang
Ai mang công chúa dưới hang trở về”
Tiếng đàn vọng lại khiến em thấy có gì đó rất quen thuộc, hình như em đã nghe thấy ở đâu đó rồi. Em giật mình tỉnh giấc thì thấy mình đang trong một không gian vô cùng xa lạ, đó là một nhà giam ẩm ướt, hiện lên trước mắt em là một chàng trai khôi ngô tuấn tú đang ngồi đánh đàn và hát lên khúc ca đầy bi thương. Em ngờ ngợ nhận ra một điều gì đó quen thuộc, chàng trai này rất giống với nhân vật Thạch Sanh mà em vừa đọc trong cuốn truyện lúc nãy. Tỉnh dậy trong một không gian hoàn toàn xa lạ nhưng em không hề sợ hãi mà ngược lại có chút tò mò, muốn khám phá.
Ngay khi tiếng đàn kết thúc, em đã lại gần và hỏi thăm chàng trai nọ, đúng như em dự đoán, đó chính là Thạch Sanh, nhân vật trong cuốn truyện cổ tích, được bước vào trong thế giới cổ tích có lẽ đó chính là điều may mắn nhất mà em từng gặp. Em sẽ tranh thủ cơ hội này để hiểu hơn về thế giới của những nhân vật cổ tích mà em hằng yêu thích.
Qua lời kể của Thạch Sanh, em biết được vì bị hồn ma Chằn tinh hãm hại, vu oan nên Thạch Sanh bị bắt vào trong nhà lao chờ ngày xét xử. Trước những điều kém may mắn xảy đến với mình thì chàng mang cây đàn mà vua Thủy Tề tặng cho mình để dãi bày những tâm sự thầm kín. Thạch Sanh buồn vì bị chính người anh em kết nghĩa mà mình yêu thương phản bội, hãm hại. Chỉ vì muốn tranh công mà Lí Thông nhẫn tâm dùng đá chèn vào miệng hang, may mà có vua Thủy Tề giúp đỡ nên chàng mới có thể an toàn ra khỏi hang động của đại bàng.
Nhưng tai họa mới đi qua thì những biến cố lại tiếp tục ập đến, chàng bị vu oan hãm hại, cuộc sống đầy bất công khiến cho chàng chán chường mệt mỏi. Vì vậy mà tiếng đàn, lời ca của chàng lại sầu thảm, bi thương đến vậy. Khi em và Thạch Sanh đang ngồi nói chuyện thì bỗng có quan binh đến và mang theo Thạch Sanh vào trong cung điện, thấy vậy em liền vội vàng chạy theo. Trước mặt em lúc này chính là một vị vua đầy quyền uy, mặc long bào và ngồi trên ngai vàng đầy cao quý, sang trọng. Bên cạnh nhà vua chính là một cô gái xinh đẹp, đoan trang, trên mặt còn vương lại những giọt lệ ngọc.
Theo như suy đoán của em thì đó chính là công chúa Quỳnh Nga, thì ra công chúa từ khi được cứu về từ hang động của đại bàng thì trở nên u sầu, không nói không cười khiến cho vua cha vô cùng lo lắng. Chỉ đến khi nghe được tiếng đàn của Thạch Sanh thì công chúa mới cất tiếng nói, nhà vua thấy vậy bèn cho người dẫn Thạch Sanh đến để diện kiến. Trước mặt nhà vua, Thạch Sanh đã nói ra hết tất cả sự thật, rằng chính chàng mới là người cứu công chúa ra khỏi sự giam hãm của Đại bàng tinh, và lời kể này được chính công chúa Quỳnh Nga thừa nhận.
Để trả ơn cho Thạch Sanh, nhà vua đã quyết định gả công chúa Quỳnh Nga cho chàng, còn mẹ con Lí Thông thì bị đày về quê, trên đường đi bị sét đánh trúng nên đã hóa thân thành hai con bọ hung. Thạch Sanh và công chúa Quỳnh Nga đã có một cuộc sống hạnh phúc, nhưng chẳng được bao lâu thì quân đội mười tám nước chư hầu kéo đến xâm chiếm. Vâng lệnh của vua cha, Thạch Sanh đã dùng tiếng đàn để làm nhụt ý chí chiến đấu của quân giặc, sau đó thì tiếp đãi chu đáo và ban ngựa cho quân lính về nước.
Sau đó Thạch Sanh đã được nhà vua truyền cho ngôi báu, có một cuộc sống hạnh phúc bên cạnh công chúa Quỳnh Nga. Em đã có dịp nói chuyện và chứng kiến tận mắt những sự kiện diễn ra trong câu chuyện, tuy đã biết trước tất cả những diễn biến nhưng khi được chứng kiến tận mắt thì cảm xúc của em sống động hơn, chân thực hơn, đây là một chuyến đi vô cùng đáng nhớ của em.
Kể về chuyến du lịch trong thế giới cổ tích – Mẫu 2
Đêm trăng gió mát, tôi cùng ông nội mang cái chõng tre ra ngoài sân nằm hóng mát vì trong nhà muỗi nhiều quá. Ông kể cho tôi những câu chuyện cổ tích thật thú vị. Tôi nhẹ nhàng chìm vào giấc mơ tự bao giờ không hay, đó là những giấc mơ cổ tích thật đẹp hiện lên trong đầu tôi những nàng công chúa, hoàng tử, ông Bụt hiền lành tốt bụng và cả những tên yêu tinh, yêu quái xấu xa. Giá như tôi có thể được gặp nàng tiên trong mộng bước ra từ quả thị bấy lâu nay tôi thường mơ thấy.
Tôi ngửi thấy mùi thị thơm phức, từ trong quả thị bước ra một nàng Tấm thật xinh đẹp. Trước giờ tôi chỉ gặp Tấm trong câu chuyện của ông kể, trong những bài học ở lớp. Hôm nay, tôi mới thấy tận mắt. Tấm mỉm cười thật duyên dáng và chạy lại nắm tay tôi. Tôi hỏi: “Sao chị vui thế?”. Tấm trả lời: “Vì không còn phải ở cùng với mẹ con Cám nữa, bây giờ chị được tự do rồi”. Tôi liền hỏi tiếp: “Sao chị không ở cùng hoàng tử?”. Tấm đáp rằng: “Ta trốn chàng ra đây chơi với em đấy” rồi ra hiệu nháy mắt “suỵt”. À, thì ra là vậy. Chúng tôi cùng vui đùa trong vườn hoa thật nhiều quả ngọt và mùi hương nồng nàn của các loài hoa.
Tôi mải mê đuổi theo mải mê bắt bướm rồi lạc vào rừng sâu không biết. Tôi đi mãi, đi mãi thì gặp Thánh Gióng – một chàng trai thật khỏe mạnh và cường tráng. Tôi liền hỏi:
“Ngài có phải là Thánh Gióng không?”
Thánh Gióng đáp: “Chính ta đây, sao ngươi lại lạc vào tận rừng sâu thế này?”
Tôi liền òa khóc: “Ta bị lạc đường, ngài có thể đưa ta về nhà không?”
Thánh Gióng cười ha hả: “Được thôi, ta sẽ đưa ngươi về nhà”
Rồi tôi như được thổi lên yên ngựa, được vi vu trong gió, cảm giác như được chạm vào từng tầng mây. Tôi hỏi Thánh Gióng tại sao ngài có thể vươn vai một cái đã trở thành tráng sĩ to lớn như vậy?!. Ngài cười sang sảng và đáp tôi:
“Ta cảm ơn nhà ngươi có một câu hỏi rất hay ngưỡng mộ ta. Thực ra cũng không có bí quyết gì ở đây. Cơm gạo nhà ta không đủ ăn nên phải nhờ hàng xóm góp lại, ba nong cà, bảy nong cơm thì ta mới đủ ăn. Ta thực sự biết ơn bà con hàng xóm. Đó cũng thể hiện tình đoàn kết, tương thân tương ái lẫn nhau của dân tộc ta. Các phương tiện để đánh giặc được nhà vua sắm sửa kĩ càng và chu đáo: ngựa sắt, roi sắt và áo giáp sắt. Công lao đâu chỉ của riêng ta.”
Định hỏi ngài thêm một câu nữa nhưng đã đến nơi, tôi tạm biệt ngài. Tôi lại được đắm chìm vào tiếng sáo du dương của một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tôi vội vàng hỏi: “Có phải chàng Sọ Dừa đang thổi sáo chăn trâu kia không nhỉ?”
Thánh Gióng liền đáp: “Đúng đấy, cậu ta đang chăn trâu ở ngọn đồi phía bên kia”
Rồi ngài phi ngựa đặt tôi xuống ngọn đồi và tạm biệt tôi. Tôi hỏi Sọ Dừa:
“Anh có phải Sọ Dừa không?”
Chàng Sọ Dừa gật đầu tôi và vẫn mải mê thổi sáo. Tôi như bị thôi miên bởi tiếng sáo đó. Bên cạnh là cô út hiền lành, giàu tình yêu thương và lòng nhân hậu đứng cạnh. Mỗi buổi trưa hè, cô không ngần ngại nắng nôi, đường sá xa xôi để đưa cơm cho chàng Sọ Dừa, rồi từ lúc nào cô đã thương thầm Sọ Dừa và đã trở thành vợ của Trạng nguyên
Bỗng nhiên, tiếng chó sủa ngoài sân làm tôi giật mình, ông tôi vẫn nằm đấy quạt đều đều cho tôi ngủ. “Cháu yêu ông nhiều lắm, nhờ những câu chuyện cổ tích của ông mà cháu đã có một giấc mơ thật đẹp”.
Kể về chuyến du lịch trong thế giới cổ tích – Mẫu 3
Đã bao giờ bạn gây tổn thương cho ai đó mà các bạn yêu quý chưa? Riêng tôi, chỉ mới đây thôi, tôi đã gây ra một việc làm để phải day dứt và thấm thía cái rét cắt da cắt thịt cùng mùi vị của những que diêm cháy lên từ ước mơ. Dù việc đó chỉ trong một giấc mơ nhưng tôi vẫn xin kể để mọi người cùng được biết.
Đang ngồi đọc sách trong phòng chợt tôi thấy một cánh cửa lạ kì xuất hiện trên tường. Tôi giật mình, cái cửa nào đây, cửa mở, một luồng gió mạnh hút tôi vào trong. Mắt tôi hoa lên, trong sự mơ màng ấy tôi chỉ kịp nhận ra mình đang nằm trên tuyết khí có một cánh tay lay tôi dậy:
– Luck dậy đi nào? Sao lại ngủ ở đây?
– Tôi… tôi ở đâu thế này! ông là ai?
– Thôi đi ông tướng, cha mày đây mà mày không nhận ra à? Rõ….
Người đàn ông cau mày. Tôi nhận ra trên khuôn mặt ông ấy sự bực bội rõ rệt. Tôi lại gặp câu hỏi:
– Đây là đâu?
– Đầu óc mày có làm sao không đấy? Đây là Copenhagen, nơi mà mày và tao đang sinh sống ở ngôi nhà đằng kia.
Tay ông chỉ phía những dãy nhà ổ chuột.
– Tao là cha mày đây.
Ngưng một lát ông nói:
– Thôi về nào, ông dịu giọng – về nào con!
Thế là tôi đã hiểu ra. Tôi đang ở đất nước Đan Mạch xa xôi, nơi có những bông tuyết rơi và truyện cổ tích. Nơi mà tôi từng mong đợi tới để gặp nhân vật cổ tích yêu thích: cô bé bán diêm, chú lính chì dũng cảm,… Khi tôi còn bé, giờ thì tôi đã thực hiện được một phần mơ ước. Tôi đã bình tĩnh trở lại, miễn cưỡng đi theo ông – người gọi tôi là con về nhà. Đi qua những dãy hàng tạp hoá, những ngôi nhà sang trọng tôi thấy có những cây thông giáng sinh trang trí thật đẹp mắt và những món quà nhiều màu.
Phải rồi, đêm nay là đêm Nô-en. Tôi nhận ra những tiếng hát bài thánh ca từ nhà thờ vang lên. Bước đi lạo xạo trong tuyết, tôi thấy ngón chân tôi cứng đờ, nhìn xuống chân tôi thấy đôi giày mình đã rách nát hết. Tưởng chừng chỉ vài bước nữa là chiếc giày sẽ bung ra. Tôi kéo lê từng bước về đến một ngôi nhà tối om, ọp ẹp. Không hề có một ngọn nến, một món quà hay một thứ gì của giáng sinh, chỉ có một chiếc chuông đồ chơi sứt mẻ. Thế đấy, đêm nay tôi phải xa nhà để đến nơi tồi tàn này chịu cái rét cắt da cắt thịt chẳng để làm gì. Phải rồi! Có lẽ ông trời đã giúp tôi đến đây để gặp được nhân vật cổ tích yêu thích mà bao lần tôi mong ước. Đến mười hai giờ đêm, khi những hồi chuông nhà thờ vang lên tôi rón rén bước ra khỏi nhà. Dù bị lạnh tê tái nhưng tôi vẫn muốn đi tìm gặp nhân vật cổ tích nào. Chỉ một thôi cũng dược, trong thâm tâm tôi nghĩ như vậy nhưng liệu có thực hiện được và biết bao giờ tôi mới trở về nhà được? Tôi vẫn cứ đi, hai bên đường đèn sáng đủ màu, thỉnh thoảng có những cỗ xe ngựa phóng qua, những nơi tiệc tùng, hò hẹn. Tôi cảm thấy lạnh buốt ở những ngón chân.
Giày tôi đã rách tung ra rồi tôi phải đi chân đất. Đang đi bỗng nhiên tỏi gặp một cồ bé mặc bộ váy rách nát, đi đôi giầy to gấp hai lần chân cô. Tôi đã không chịu đựng nổi sự lạnh giá nữa vì tôi sống ở miền nhiệt đới. Trong đầu tôi lúc ấy chỉ nghĩ cách nào ủ ấm cho đôi chân của mình. Vừa thấy cô bé đi qua, tôi liền ngáng chân cho cô bé vấp ngã, cô bé ngã xuống tuyết, cái giỏ đựng diêm rơi ra. Tôi vội cướp ngay lấy một chiếc giày còn chiếc giày kia tôi giật mạnh khiến nó văng ra giữa đường. Một cỗ xe ngựa chạy qua kéo theo cả chiếc giày đó. Tôi chạy vội đi, tôi hơi hối hận vì đã làm một việc không tốt. Nhưng tôi lại nghĩ chắc gì cô bé đã cần đến chiếc giày này. Nó to như thế chắc cô bé đã có mấy chiếc giày nhỏ đi bên trong và cả tất ấm nữa. Tôi đi chiếc giày vào bên chân trái, vừa đi tôi vừa nghĩ liệu cô bé còn chiếc giày nào không, cứ nhìn bộ váy rách rưới là đủ biết cô bé nghèo và cả vẻ mặt xanh xao nữa. Chắc cô bé đã đi bán diêm cả ngày, vẫn chưa được ăn uống gì. Có thể cô bé cũng sống trong ngôi nhà ổ chuột nào đó. Chắc hẳn cô bé không thể đi nữa vì quá lạnh và lại không có giày. Mình làm như thế có nên không? Nhưng nếu mình không có chiếc giày này thì cũng sẽ cứng đơ chân mất thôi. Tôi dừng lại, đầu óc phân vân, đúng lúc tói cảm thấy có một cánh tay đẩy mạnh vai tôi. Tôi ngã nhào xuống tuyết và lập thức chiếc giày ở chân tôi bị giật mất. Một cậu trạc tuổi tôi đã lấy chiếc giày đó và chạy thật nhanh. Tôi lồng lộn bật dậy đuổi theo cậu ta. Chưa bao giờ tôi chạy nhanh đến thế, tôi đã đuổi kịp và xô cậu ta ngã để giật lại chiếc giày. Tôi lại chạy về phía cửa hiệu tạp hoá nơi tôi đã lấy chiếc giày của cô bé. Tôi nhận thấy mình đã làm một việc thật hèn hạ và tôi cần phải trao trả ngay chiếc giày cho cô bé. Tôi lần theo những vết chân trên tuyết, đi mãi từ khu phố này sang khu phố khác tôi đã tưởng mình mất dấu. Tôi vẫn kiên trì đi tìm, qua những gian nhà sáng ánh điện, mùi ngỗng quay thơm nức, tôi rẽ vào một con đường, tôi bắt gặp cô bé ở một cái hẻm giữa hai ngôi nhà. Cô bé ngồi sát vào tường cố thu đôi tay và đôi chân lại để chống chọi với gió rét. Tôi định cầm chiếc giày thể thao trả cho cô bé nhưng rồi lại lo sợ. Tôi sợ phải đối diện với cô, với những gì mà tôi đã gây ra. Thế đấy! Mỗi khi càn đến sự dũng cảm thì nó mất tiêu và thay vào đó luôn là nỗi lo sợ, sự hèn nhát. Tôi ngồi nép vào tường và quan sát cô bé. Cô bắt đầu lấy ra từng que diêm và quẹt. Đến lúc này tôi đã nhận ra rồi, có bé ấy chính là cô bé bán diêm mà tôi luôn mong được gặp. Vậy nên ngay từ đầu tôi đã thấy có gì đó thân quen ở cô. Ánh lửa loé lên, cô hơ đôi tay, tôi thấy trong mắt cô bé ánh lên niềm vui. Miệng cô xuýt xoa, tôi biết lúc đó cô đang nhìn thấy lò sưởi bằng đồng, sáng loáng, ôi! Cô bé tội nghiệp. Những ngón tay cô cố cầm que diêm thật lâu. Que diêm tàn và cô bé lại quẹt những que khác, những hình ảnh về ngỗng quay, cây thông dần hiện trong tâm trí tôi. Tôi cảm thấy một mối giao cảm rõ rệt. Thật lạ kì, đến que diêm thứ tư, bà của cô bé hiện lên rõ mồn một. Bà cô thật đẹp lão và hiện lên. Rồi cô nói gì đó với bà những lời nói xuất phát tự đáy lòng. Rồi cô quẹt tiếp tất cả những que diêm còn lại, ánh lửa nối tiếp hiện lên cảnh tượng huy hoàng, bà cô hiện ra dang tay đón cô. Tôi thả chiếc giày xuống và quay mặt chạy đi. Tôi không đủ can đảm để nhìn cảnh tượng thần kì đó nữa. Lòng tôi vừa chan chứa niềm cảm thương và những câu tự trách mình. Không, tôi không muốn cô bé chết, không! Tôi hét thật to.
Tôi bừng tỉnh vì cái lay dậy của bố. Mồ hôi lạnh toát sống lưng. Tôi nắm chặt lấy bàn tay ấm áp của bố. Trái tim tôi muốn thốt lên những lời này: Giá như, giá như có thể một lần nữa quay lại con sẽ cứu được cô bé, giá như cuộc sống không nghiệt ngã đến thế. Nước mắt tôi tràn ra hai gò má, lòng tôi như thắt lại.
Kể về chuyến du lịch trong thế giới cổ tích – Mẫu 4
Đêm mùa hè, vầng trăng dịu dàng tỏa khắp nơi. Ánh trăng chảy tràn qua kẽ lá, đọng từng giọt lung linh trên chiếc chõng tre, nơi bà cháu em đang nằm hóng mát. Bà em có cả một kho truyện cổ tích mà lúc nào em cũng háo hức đón nghe. Tiếng bà kể chậm rãi thủ thỉ bên tai; em thấy mình bồng bềnh lơ lửng trong thế giới thần kì.
Tiếng trống đồng rộn rã đâu đây. A, hôm nay là ngày vua Hùng mở hội chọn người kế vị. Hai mươi vị hoàng tử đã vào cung, các lễ vật lần lượt được dâng lên. Chao ôi, toàn những sản vật quý hiếm trên rừng dưới biển, những ngọc ngà châu báu lấp lóa dưới ánh mặt trời. Vua Hùng vẫn như còn băn khoăn điều gì. Vừa lúc đó, Lang Liêu bước vào. Khá với các anh, Lang Liêu vẫn mặc bộ quần áo nâu giản dị thường ngày. Chàng kính cẩn mở mâm lễ vật dâng vua cha. Một mùi thơm vừa mộc mạc vừa tinh khiết dậy lên. Vua Hùng tươi nét mặt và phán rằng:
– Đây chính là thứ lễ vật quý giá ta từng mong đợi! Lang Liêu, con xứng đáng là người nối ngôi cha!
Lạ lùng quá! Lễ vật gì đã khiến cho vua Hùng hài lòng đến thế?
Em vội vã bước tới gần Lang Liêu:
– Lang Liêu ơi, chàng đã dâng vua cha lễ vật gì vậy?
Lang Liêu mỉm cười:
– Cô bé ơi, có gì đâu! Tôi đã dùng gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, để làm ra hai thứ bánh dâng lên vua cha. Bánh chưng vuông tượng trưng cho mặt đất, bánh giầy tròn là hình ảnh của bầu trời. Bằng chính sức lao động của mình, tôi muốn dâng lên Tiên Vương và cả vua cha trời đất này!
– Chà! Hay thật! Lang Liêu ơi! Chàng sẽ là vị vua hiền tài nhất của muôn dân.
Tạm biệt Lang Liêu, em bước tiếp. Đang mải mê ngắm nhìn cỏ cây, hoa lá, em bỗng giật mình nghe tiếng khóc tức tưởi đâu đây. Kia rồi… bên bờ giếng có một cô gái quần áo rách rưới đang khóc. Chẳng lẽ chị Tấm đây sao?! Em khe khẽ hỏi:
– Chị Tấm ơi, chị có điều chi oan ức vậy?
Chị Tấm ôm mặt nức nở:
– Mẹ con nhà Cám đã giết Bống của tôi rồi! Hu… hu…
Em lau nước mắt cho chị:
– Nín đi chị Tấm! Một con cá Bống bé nhỏ, có gì mà chị phải tiếc thương đến thế!
– Nhưng đối với tôi lúc này, Bống là tất cả! Bống là người bạn tâm tình, là niềm an ủi. Mất Bống, tôi đau khổ lắm!
Hiểu được nỗi lòng của chị, em dịu dàng khuyên:
– Một cô gái chăm ngoan, nhân hậu như chị nhất định sẽ được hạnh phúc, chị Tấm ạ!
Chị Tấm nhìn em, mắt ánh lên niềm hi vọng và tin tưởng.
Bỗng nhiên, một vầng hào quang lóe sáng, Bụt xuất hiện ngay trước mặt. Đưa tay chậm rãi vuốt chòm râu bạc trắng như bông, Bụt ân cần nói với chị Tấm:
– Cháu đừng buồn nữa! Cháu hãy tì xương Bống bỏ vào lọ rồi chôn xuống chân giường. Ít lâu sau, điều kì diệu sẽ đến với cháu đấy, cháu ạ!
Chị Tấm chưa kịp cảm ơn thì Bụt đã biến mất sau làn khói sương hư ảo. Em cùng chị tìm xương Bống nhưng tìm hoài không thấy. May sao con gà tốt bụng đã giúp chị tìm ra. Chi Tấm làm theo lời Bụt dặn. Lúc chia tay, em chúc chị gặp nhiều may mắn.
Em lại thong dong bước tiếp. Trên bãi cỏ non xanh, một bầy hươu đang nhởn nhơ gặm cỏ. Em mải mê bước theo chú hươu sao có cặp sừng tuyệt đẹp. Một khu rừng hiện ra trước mắt em. Tiếng chim hót ríu rít, suối chảy róc rách, những bông hoa rực rỡ lạ kì đang ngả đầu vào nhau thì thầm trò chuyện. Em dừng lại trước một tảng đá lớn màu trắng đục. Cạnh tảng đá là một cây cau cao vút, tàu cau rủ xuống như âu yếm, chở che. Một dây trầu với những chiếc lá xanh mượt mềm mại quấn chặt lấy thân cau như chẳng muốn rời. Em thốt lên thích thú:
– Ồ! Thì ra anh em, vợ chồng nhà họ Cao đã gặp nhau ở chốn này!
– Đúng đấy cô bé ạ!
Em giật mình ngẩng lên. Ngọn cau lắc lư thổ lộ tâm tình.
– Cô bé ơi, ta đã nghi ngờ vợ và em trai, những người thân yêu nhất của ta. Ta đã mắc phải một lỗi lầm không thể tha thứ. Nhưng điều may mắn cuối cùng là gia đình ta đoàn tụ ở đây thành một tổ ấm vĩnh hằng. Cô bé ơi, hãy trân trọng tình máu thịt và đừng để tâm hồn bị vấy bẩn bới những điều nghi kị xấu xa…
Một giọt nước trong suốt như nước mắt từ tàu cau rơi xuống lá trầu không rồi rơi xuống tảng đá. Mắt em bỗng cay cay. Tình cảm yêu thương gắn bó của ba con người tội nghiệp này làm cho em cảm động.
Em tiếp tục cuộc phiêu du. Đến khi mỏi chân, em dừng lại trước cảnh tượng kì lạ: Một chàng trai tuấn tú nằm trên chiếc võng đào mắc giữa hai thân cây đang say sưa thổi sáo. Trên triền đồi, đàn bò đông đúc đang thong dong gặm cỏ. Em vạch kẽ lá ra nhìn, sợ rằng một tiếng động mạnh lúc này sẽ phá hỏng mọi chuyện. Tiếng sáo vẫn dìu dặt như tâm tình, như mời gọi.
Bỗng có tiếng cành cây khô gãy dưới bước chân. Chàng trai biến mất, chỉ còn Sọ Dừa lăn lóc trên đám cỏ xanh. Có lẽ đây là chàng Sọ Dừa trong câu chuyện cổ tích bà kể cho em nghe nhiều lần.
Lát sau, một cô gái xinh đẹp tươi cười bước tới bên chàng. Nàng mở chiếc giỏ mây ra, lấy cơm canh ân cần mời chàng ăn. Sọ Dừa ăn uống ngon lành. Trong khi đó, cô gái nhìn chàng với ánh mắt đầy thiện cảm. Khi cô gái ra về, em vội vàng chạy theo và hỏi:
– Chị ơi! Chị có phải là nàng Út con gái phú Ông không? Tại sao chị lại yêu chàng Sọ Dừa xấu xí?
Nàng Út tươi cười đáp:
– Em lạ lắm phải không? Lần đầu gặp Sọ Dừa , chị cũng có cảm giác sợ hãi như mọi người. Nhưng thấy ai cũng xa lánh chàng, mà chàng có tội tình gì nên chị lại thấy thương thương. Chàng phải chịu thiệt thòi quá nhiều. Chị muốn làm vơi đi phần nào nỗi cô đơn buồn tủi của chàng. Dần dần, chị đã quên hẳn cái vỏ ngoài xấu xí của chàng. Chị nhận thấy chàng là một con người hiếu thảo, siêng năng và có một tâm hồn đẹp đẽ. Chị say mê tiếng sáo của chàng và chị đã yêu chàng từ lúc nào chẳng rõ.
– Ôi! Chị xinh đẹp và nhân hậu quá! Em chúc chị và chàng Sọ Dừa của chị được sống hạnh phúc bên nhau!
Em vừa dứt lời thì một đám mây ngũ sắc sà xuống bao quanh Sọ Dừa. Thoáng chốc mây tan, một chàng trai tuấn tú hiện ra. Chàng dịu dàng nắm tay nàng Út. Nàng Út bối rối định rụt tay lại thì một giọng nói trầm ấm quen thuộc vang lên:
– Nàng đừng sợ! Ta chính là Sọ Dừa đây! Tấm lòng nhân hậu của nàng và lời cầu chúc chân thành của cô bé đã giúp ta trở lại làm người.
Nàng Út nắm tay em và thốt lên sung sướng:
– Trời ơi! Chị biết lấy gì để đền ơn em đây!
– Em xin chúc mừng anh chị!
Em choàng tỉnh dậy. Bà vẫn nằm bên cạnh, miệng móm mém nhai trầu. Mùi trầu nồng ấm phảng phất xung quanh. Em ôm chặt lấy bà rồi thì thầm: “Bà ơi! Bà chính là bà tiên đầy phép màu nhiệm. Bà đã cho cháu những giấc mơ thật tuyệt vời!”.