Bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận về câu Thành công của người này là thất bại của người khác là tài liệu vô cùng hữu ích đã được chúng tôi tổng hợp lại và đăng tải tại đây.
Bạn đang đọc: Nghị luận về câu Thành công của người này là thất bại của người khác (3 mẫu)
Hy vọng rằng với tài liệu này thì các bạn sẽ có thêm nhiều cách làm bài văn nghị luận xã hội lớp 12, cũng như có thêm hành trang để bước vào kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới. Sau đây, mời quý thầy cô và các bạn cùng tham khảo một số bài văn mẫu nghị luận về câu Thành công của người này là thất bại của người khác.
Bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận về câu Thành công của người này là thất bại của người khác
Nghị luận về câu Thành công của người này là thất bại của người khác – Mẫu 1
Quá trình tiến hoá của xã hội loài người từ xưa tới nay luôn tuân theo những quy luật tự nhiên. Điển hình trong những quy luật đó là sự cạnh tranh không ngừng không nghỉ mọi lúc mọi nơi bất kể chỗ nào có sự sống. Xã hội loài người chúng ta sự cạnh tranh đó càng phong phú và quyết liệt hơn nhiều, có cả cạnh tranh lành mạnh và không lành mạnh. Chúng ta nên hiểu rằng mục đích cạnh tranh là sự thành công ở giai đoạn cuối cùng trong sự cạnh tranh đó. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Có khi sau một quá trình cạnh tranh người ta nhận một thất bại cay đắng. Vì vậy nhà văn nữ Ursula K Le Guin đã từng nói: “thành công của người này là thất bại của người khác…”
Cuộc sống quanh ta muôn màu muôn vẻ. Trong bức tranh sôi động đó luôn xen kẽ lẫn lộn những gam màu tối sáng khác nhau. Như chúng ta thấy rằng trên một đoạn đường giao thông, rất nhiều người tôn trọng luật đi đường nghiêm túc, song cũng không thiếu những cá nhân thường trực những hành vi vi phạm luật. Họ vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều và luôn để ý lực lượng kiểm tra giao thông. Mỗi lần thoát qua sự giám sát của lực lượng này, họ luôn tâm đắc và cho rằng mình đã thành công. Vậy thất bại ở đây là ai? Chắc chắn là những người tham gia giữ gìn trật tự giao thông và sau cùng là nền tảng pháp luật giao thông của toàn xã hội. than công của nhóm người này không thể là thành công của nhóm người khác. Bởi “thành công” là kết quả thắng lợi sau cùng như dự định sau khi ta đã trải qua một thời gian cố gắng và nỗ lực. “Thành công” và “thất bại” là hai tình trạng đối lập nhau.
Đã có “thành công” thì phải có “thất bại”. Chúng ta chỉ có thể nhận biết người này “thành công” khi chúng ta thấy người kia “thất bại” và ngược lại, chúng ta chỉ có thể cảm thấy thấm thía nỗi đau “thất bại” khi chúng ta hối tiếc vì không thể “thành công”. Mọi việc luôn xảy ra và tiếp diễn theo đúng quy luật của nó. Thành công và thất bại của mọi người thường hoán đổi cho nhau và không thể có tình trạng tất cả mọi người cùng thành công một lúc. Xét trường hợp khác, trong lĩnh vực kinh doanh, khi người bán chào mời một món hàng, người mua ngà giá cho đến khi đạt được một thỏa thuận mà cả hai bên đều cảm thấy hợp lý. Nếu người bán đã bán món hàng đó cao hơn giá trị thật của món hàng thì họ đã thành công. Như vậy người chỉ có thể là người mua và ngược lại, nếu người mua có thể mua món hàng đúng với giá trị thật của món hàng thì họ đã thành công và người bán là người thua. Hay trường hợp mà chúng ta đã biết, khi thế chiến thứ hai kết thúc sau sáu năm dài, kết quả là quân Đồng Minh đã chiến thắng trong khi đó, quân Phát Xít nhật thua trận. Không thể nào xảy ra việc quân Đồng Minh và Phát Xít cùng đạt được thành công khi họ đối lập nhau, dù họ đã đầu tư rất nhiều vào cuộc chiến đó.
Tuy nhiên không phải “thành công” và “thất bại” luôn đi đôi với nhau trong mọi trường hợp, phù hợp với mọi tình huống và đúng với mọi người. Đôi khi một việc xảy ra cho đến khi kết thúc, kết quả chỉ là thất bại hoặc thành công. Một người nuôi heo bán trong một thời gian dài, trong quá trình đó những con heo bị mắc bệnh dịch và không thể bán được, thì người nuôi heo đó đã thất bại. Mặc dù người ấy đã thất bại nhưng lại không ảnh hưởng đến người khác. Hay một học sinh nghèo dù trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn cố gắng vượt qua, chăm chỉ học tập và đạt được học bổng. Đó là một thành công lớn lao đối với học sinh đó nhưng không là thất bại của bất kỳ ai. Việc một thầy giáo dạy cho những học sinh của mình học giỏi, tiếp thu những kiến thức đúng để có thể giúp ích cho đất nước, quê hương thì đó không chỉ là thành công của người thầy giáo mà còn là thành công của những người mà thầy đã truyền dạy bằng tất cả tấm lòng của mình. Mọi việc không bao giờ tuyệt đối mà chỉ mang tính chất tương đối. Chúng luôn kết nối với nhau, xen kẽ lẫn nhau để từ đó thay đổi, phát triển cho phù hợp và tạo nên cuộc sống xã hội phong phú, đa dạng, tươi đẹp hơn.
Chúng ta không bao giờ biết rằng một điều mình làm có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác như thế nào. Dù chỉ là một lời nói vô tình, chúng ta đã có thể làm thay đổi một suy nghĩ, một hành động, một tính cách, một con người và cả sự thành công hay thất bại của người đó. Tuy nhiên dù thành công hay thất bại, chúng ta cũng phải biết quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau để xã hội càng ngày càng văn minh tiến bộ hơn.
Nghị luận về câu Thành công của người này là thất bại của người khác – Mẫu 2
Trong cuộc sống hằng ngày, xã hội luôn không ngừng thay đổi, có những con người nghị lực đã tự xây dựng nên cuộc sống ấm no,đã vun đắp ý chí, tạo lập nên được thành công cho riêng mình. Đó là những con người cần cù, tự lập, rất đáng để ta noi theo, học tập. Tuy nhiên, cuộc sống với nhiều khó khăn và biến đổi, không phải ai cũng đạt được thành công như mình mong muốn, bên cạnh thành công của người này có khi là thất bại của người khác. Cũng băn khoăn về những vấn đề này, nhà văn nữ người Pháp Ursula K.Le Guin đã từng nói: “Thành công của người này là thất bại của người khác”. Câu nói này cho rằng thành công và thất bại của mọi người thường hoán đổi cho nhau và không thể có tình trạng tất cả mọi người đều thành công cùng một lúc. Vậy thế nào là thành công, thế nào là thất bại, và tại sao thành công của người này là thất bại của người khác ?
Thành công là gì? Thành công có thể được hiểu qua nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Có người hiểu rằng thành công đích thực là đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp ,lại có bạn hiểu ngắn gọn rằng thành công là chỉ cần hoàn thành được những công việc mà mình đề ra. Theo em, thành công bao gồm tất cả những tính chất trên; không dừng lại ở đó, thành công không chỉ đơn thuần là đạt được mục đích mà còn gồm cả nỗ lực và ý chí của chính bản thân mình. Thành công cũng giống như những khát khao bình dị trong cuộc sống; như hình ảnh một cậu bé bị dị tật ở chân, không bao giờ đi lại bình thường được. Từ nhỏ, cậu đã ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Sau bao nỗ lực, cậu đã trở thành một cầu thủ dự bị trong một đội bóng nhỏ, nhưng chưa bao giờ được chính thức ra sân. Với cậu, đó đã là một thành công lớn, sự thành công trong sự bền bỉ và nghị lực của cậu bé đã giúp cậu theo đuổi ước mơ năm xưa. Vậy còn thất bại ? Nhiều người thường lầm hiểu cho rằng khi mình thất bại nghĩa là mình không có khả năng, là mình không thể hoàn thành công việc được giao phó. Như những sĩ tử khi bước vào kỳ thi tú tài, trong số họ, không ít người đã từng thất bại trong kỳ thi trước, thất bại đến với họ trong sự chủ quan, tâm lý hay thậm chí lo sợ, hồi hộp; nhưng nhờ thất bại, họ đã biết vượt qua, biết phấn đấu nhờ đó đã đạt được kết quả cao trong kỳ thi. Vì thế, thất bại không phải hoàn toàn tối nghĩa như ta thường nghĩ. Thất bại là cách học tập để chung sống với thành công, thành công sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu không từ thất bại đi lên. Và từ thất bại con người mới có thể vươn lên, mới biết sửa chữa sai lầm của mình. Vì vậy, thất bại chẳng qua là bài học đi lên thành công. Câu nói của nhà văn nữ người Pháp cũng thế, “thành công của người này là thất bại của người khác” là một lời tóm tắt phẩm chất, là dây nối mối liên quan giữa thành công và thất bại. ”Thành công của người này là thất bại của người khác”, câu nói của bà phản ánh chân thật phần nào chân dung của cuộc sống “có kẻ thắng người thua” đó mới là chân lý, là những gì đang diễn ra xung quanh ta. Như trong cuộc thi tuyển chọn giọng hát, có người nhờ chất giọng tốt, phong cách cá tính, họ đã vượt qua và trở thành những ngôi sao sáng. Còn đối với những người còn lại, họ là những người thua cuộc, không phải do họ không cố gắng nỗ lực mà do họ không gặp may. Cũng như thế, trong kỳ thi “Đường lên đỉnh Olympia”, người thắng cuộc luôn được trao vòng nguyệt quế, được đứng cao trong niềm vinh quang, với những thí sinh khác, tuy không đạt được gì nhưng họ vẫn ra về trong sự vui mừng của gia đình. Điều đó cho thấy “Thành công của người này là thất bại của người khác” là một chân lý. Tuy nhiên thành công không dành cho những kẻ ỷ lại, sống nhờ vào thành công của người khác, sống như thế cũng sẽ khiến cho họ mãi là những kẻ thất bại, không bao giờ đạt được mục đích trong cuộc
sống. Với những người không thành công, dẫu cho họ không gặp may mắn thuở ban đầu nhưng bằng nghị lực và ý chí thì họ cũng sẽ mang lại thành công cho riêng mình.
Câu nói của nhà văn nữ người Pháp như một lời động viên thiết tha, khuyên nhủ con người chớ nên vì thất bại mà từ bỏ mục đích, ước mơ mà mình theo đuổi. Câu nói cũng như lời nhắc nhở người đọc chớ nên sống trong thành công quá nhiều mà quên đi thất bại, nếu như có một lần thất bại thì chúng ta cũng coi nó như một lần bước lên nấc thang thành công.
Thanh niên ngày nay phải luôn biết gắng mình để xây dựng Tổ Quốc, đó còn là trách nhiệm chung của mỗi con người Việt Nam. Lời nói của nhà văn nữ người Pháp là một thông điệp giúp xây dựng nước ta ngày càng hoàn thiện hơn. Mọi người liệu có thành công được hay không? Đất nước ta có ngày tiến bộ được hay không? Điều đó sẽ không hoàn toàn chắc chắn nếu không nhờ câu nói của bà. Câu nói nhắc nhở mọi người phải không ngừng phấn đấu để đạt được mục đích.
Nghị luận về câu Thành công của người này là thất bại của người khác – Mẫu 3
Trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều cố gắng đạt được một thành quả nào đó, cố gắng thực hiện ước mơ của mình, đều muốn được thành công trong những việc mình làm. Tuy nhiên, không phải ai trong chúng ta đều thành công trong mọi việc. Nhà văn nữ người Pháp Ursula K.Le Guin đã từng nói: “Thành công của người này là thất bại của người khác.”
Câu nói này cho rằng thành công và thất bại của mọi người thường hoán đổi cho nhau và không thể có tình trạng tất cả mọi người đều thành công cùng một lúc. Không phải câu nói này sai, tuy nhiên, nó chỉ đúng trong một phạm vi nào đó, không phải lúc nào cũng chính xác. Có những trường hợp trong khi một người thành công thì một người khác lại thất bại. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra điều này trong đời sống hằng ngày. Thất bại của một người là khi người đó không đạt được mục đích mà mình đã đặt ra. Trong trường hợp trên, người hạng nhì cũng có thể coi là thất bại nếu như mục đích của họ là đạt một thứ hạng cao hơn.
Người thành công biết chính xác những gì mình muốn, tin tưởng vào khả năng của mình và sẵn sàng cống hiến hết thời gian của cuộc đời để đạt được điều đó. Có khả năng ảnh hưởng đến những người xung quanh và hợp tác với họ trong thái độ thân thiện. Chỉ bày tỏ ý kiến về những điều mình biết và họ hoàn toàn có thể thực hiện điều đó một cách rất khôn ngoan. Người thành công dung hoà quan hệ với tất cả mọi người mà không quan tâm đến lợi ích đạt được, luôn trao dồi kiến thức và mở rộng lòng khoan dung. Họ sống hướng đến quyền lợi chung của cộng đồng, theo kịp thời đại và xem đây là một trách nhiệm quan trọng để biết được điều gì đang diễn ra.
Người thất bại không có mục đích cụ thể cho cuộc sống, luôn tin rằng mọi thành công đều là kết quả của vận may và chỉ thật sự bắt tay vào việc khi có sự tác động từ bên ngoài tìm thấy khuyết điểm của mình ở người khác. Phát biểu ý kiến về mọi vấn đề mà họ chỉ biết chút ít hoặc hoàn toàn không có một chút kiến thức gì về chúng, chỉ nuôi dưỡng quan hệ với những ai mà từ đó họ sẽ có những thứ mà họ muốn. Người thất bại có trí tuệ hạn chế, sự vị kỷ chiến thắng lòng vị tha. Vì vậy họ tách khỏi những cơ hội thuận lợi và mối quan hệ thân thiện với xã hội, chỉ quan tâm đến bản thân với những nhu cầu trước mắt và bất chấp mọi thứ để thực hiện, không cần biết đó là điều tốt hay xấu.
Hai khái niệm đó cho thấy rằng giữa thành công và thất bại có khoảng cách rất mong manh, thành công của người này có thể là thất bại của người khác. Tuy nhiên còn phải tùy từng hoàn cảnh mới hiểu rõ câu nói của nhà văn Pháp Ursula K.Le Guin “Thành công của người này là thất bại của người khác” có hoàn toàn đúng hay không. Ở Asian Cup 2007 tổ chức ở Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Thái Lan, trong 4 nước đồng chủ nhà chỉ có Việt Nam lọt vào vòng tứ kết và cuối cùng để thất bại 0-2 trước IRAQ, tuy thất bại nhưng đối với nhiều người đó được coi là một sự thành công cho đội tuyển để ngày càng phát triển sau này. Nhắc đến vấn đề thành công hay thất bại chúng ta không thể quên nhắc đến Bill Gates một trong những người giàu nhất thế giới, ông đã từng thi rớt đại học đối với ông đó có thể là một thất bại, nhưng ông biết vượt qua thất bại để đứng lên tạo lập và xây dựng Microsoft thành một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới.
Như vậy, câu nói của nhà văn nữ người Pháp Ursula K.Le Guin có thể đúng khi định nghĩa thành công và thất bại một cách tuyệt đối: người thành công là người đạt một mục tiêu mà những người thất bại không đạt được hoặc khi người thất bại không biết nắm lấy cơ hội để thành công mà để vuột mất vào tay người khác. Ngoài ra thành công và thất bại cũng chỉ là khái niệm nhất thời, có thể chỉ thành công trong một thời điểm nào đó nhưng sau đó lại gặp thất bại.
Câu nói “Thành công của người này là thất bại của người khác” của nhà văn nữ người Pháp chỉ mang tính chất tương đối có nghĩa là không hoàn toàn đúng cũng không hoàn toàn sai mà nó tùy thuộc vào cách nhìn nhận thành công hay thất bại của từng người và còn phải tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể chứ không thể là lời đánh giá của một cá nhân.