Văn mẫu lớp 6: Tưởng tượng và kể lại cuộc tranh luận giữa ôtô, xe máy, xe đạp gồm dàn ý, cùng 6 bài văn mẫu, giúp các em học sinh tham khảo, tích lũy vốn từ để hoàn thiện bài văn kể chuyện tưởng tượng của mình đạt kết quả cao.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 6: Tưởng tượng và kể lại cuộc tranh luận giữa ôtô, xe máy, xe đạp
Đề bài: Trong nhà em có ba phương tiện giao thông: xe đạp, xe máy và ô tô. Chúng cãi nhau, so bì hơn thua kịch liệt. Hãy tưởng tượng em nghe thấy cuộc cãi nhau đó và sẽ dàn xếp như thế nào?
Tưởng tượng và kể lại cuộc tranh luận giữa ôtô, xe máy, xe đạp
Dàn ý Kể câu chuyện về cuộc tranh luận giữa ô tô, xe máy, xe đạp
1. Mở bài:
– Giới thiệu về 3 phương tiện giao thông (xe đạp, xe máy, ô tô); (có thể) kết hợp giới thiệu ngôi kể (hoàn cảnh xảy ra)
2. Thân bài:
– Ích lợi của xe đạp và khuyết điểm
– Ích lợi của xe máy và khuyết điểm.
– Ích lợi của xe ô tô và khuyết điểm
– Sự xuất hiện của em và lời khuyên.
3. Kết bài: Có thể rút ra bài học cho chính bản thân
Kể câu chuyện về cuộc tranh luận giữa ô tô, xe máy, xe đạp – Mẫu 1
Ba em là Giám đốc công ty xây dựng số 1 của Sở xây dựng thành phố Hồ Chí Minh. Cơ quan cấp cho ba em một chiếc xe du lịch màu xanh hiệu Toyota để làm phương tiện đi lại. Mẹ em là giáo viên Văn trường chuyên Lê Hồng Phong. Ngày ngày, mẹ đi dạy bằng chiếc Honda đã cũ. Còn em đi học bằng chiếc xe đạp leo núi mà ba mua tặng hồi Tết.
Sáng nay chủ nhật, gia đình em có mặt đông đủ ở nhà. Sau bữa ăn sáng, ba vào phòng khách đọc báo, mẹ xách giỏ đi chợ chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Em lấy chiếc bình nước tưới cho mấy chậu hoa đặt trước lối vào nhà để xe. Chợt em nghe có tiếng trao đổi xì xầm. Lấy làm lạ, em nép ngoài cửa lắng nghe. Thì ra anh ôtô, chị xe máy và cậu xe đạp đang tranh hơn tranh kém với nhau.
Anh ôtô giọng ồm ồm kẻ cả:
– Cô cậu nghe đây! Chỉ so về hình thức, anh đã hơn hẳn rồi! Anh bệ vệ, sang trọng khó bì. Ông chủ mỗi khi đi đâu đều nhẹ nhàng, thảnh thơi, mưa không tới mặt, nắng chẳng tới đầu. Còn cô cậu thì kém anh đủ điều, so làm sao được? Cho nên ông chủ quý anh nhất là phải thôi!
Chị Honda không chịu lép:
– Anh nói chẳng sai! Nhưng tôi hỏi anh, ngoài những lúc đưa ông chủ đến sở làm hoặc đi công tác, anh được dùng vào việc gì nữa nào? Còn tôi, tôi được việc hơn anh nhiều! Này nhé! Sáng sáng, tôi đưa bà chủ đi dạy học. Rồi đi chợ, đi chơi, đi thăm người thân… lúc nào tôi cũng kề cận bên bà chủ. Tiện lợi biết bao! Tôi thấy tôi có ích nhất nhà.
Xe đạp nãy giờ đứng dựa vào tường nghe ôtô và xe máy tranh luận, giờ mới lên tiếng:
– Em tuy nhỏ bé nhưng rất có ích. Ngày ngày, em cùng anh Huy tới trường, tới câu lạc bộ. Thỉnh thoảng giúp anh ấy đi picnic với bạn bè ở trong hay ngoài thành phố. Dẫu có kẹt xe kẹt cầu, em vẫn luồn lách được, chứ cứ như anh ôtô với chị Honda thì đành chịu chết. Em lại chỉ miệt mài làm chứ không ăn uống tốn kém gì. Trong khi đó hai người phải uống no xăng mới chạy được. Lại còn xả khói gây ô nhiễm môi trường nữa chứ!
Ôtô và Honda nghe xe đạp nói vậy không bằng lòng. Cuộc tranh luận vẫn còn tiếp diễn.
Em bước vào nói:
– Các bạn không nên so bì như thế! Dù có những mặt mạnh, mặt yếu khác nhau nhưng ai cũng có ích cả. Ba mẹ tôi và tôi đều yêu quý các bạn như nhau. Các bạn có đồng ý với tôi không nào?
Ôtô, Honda và xe đạp nhìn nhau với ánh mắt thân thiện, cùng cười tươi rồi hô to: Đồng ý!
Kể câu chuyện về cuộc tranh luận giữa ô tô, xe máy, xe đạp – Mẫu 2
Một đêm, đang mơ màng ngủ bỗng tôi nghe thấy tiếng động từ phía nhà xe. Tiếng động mỗi lúc một lớn dần. Tò mò không hiểu chuyện gì đang xảy rạ, tôi lặng lẽ bước xuống giường. Đứng ngoài cửa, tôi ngạc nhiên khi thấy ba anh xe đạp, xe máy, ô tô đang cãi nhau, so bì hơn thua rất kịch liệt.
Khu nhà nhỏ bé phía sau là nơi cư trú của mấy chiếc xe nhà tôi, xe máy cũ của bố, xe đạp đi học của tôi. Đã mấy năm nay chúng luôn sống với nhau rất hoà thuận. Niềm vui hay nỗi buồn đều chia sẻ và giúp đỡ nhau. Nhưng từ khi chiếc ô tô mới về ở chung thì giữa các xe xuất hiện mâu thuẫn. Chúng ngấm ngầm chê bai nhau, so bì thiệt hơn qua từng việc nhỏ. Tôi biết điều đó nhưng không nghĩ rằng chúng lại cãi nhau kịch liệt đến vậy. Dường như bao nhiêu khó chịu trong lòng được chúng bộc bạch hết. Đêm nay, tôi mới tận mắt chứng kiến chúng cãi nhau. Ba xe, xe nào cũng cho ý kiến của mình đúng, đang cố tranh luận phản bác ý kiến nhau.
Đầu tiên là chiếc ô tô: “Các anh làm sao so bì được với tôi. Tôi hiện đại nhất, đẹp nhất và có nhiều tác dụng nhất. Tôi có đầy đủ tiện nghi trong người như một căn nhà di động, nào ti vi, đài phát thanh, máy điều hoà… Gia đình ông chủ lại có bốn người, đi đâu chơi mà dùng tôi thì tiện lợi quá rồi. Các anh liệu có làm được như thế không?”. Ô tô nói với giọng đầy kiêu hãnh, tự hào. Nghe vậy, xe máy liền lên tiếng: Dù anh có hiện đại đến đâu thì cũng không thể tiện lợi bằng tôi được. Tôi tuy không sang trọng như anh nhưng tôi chạy rất nhanh, những chỗ đông người hay ùn tắc anh chịu chết nhưng tôi vẫn có thể vượt qua dễ dàng. Anh cồng kềnh đi đâu cũng chiếm nhiều diện tích. Còn tôi, khiêm tốn và giản dị nên được mọi người sử dụng nhiều hơn. Mà bây giờ họ hàng nhà tôi được sản xuất ngày càng đa dạng, chất lượng cũng tốt hơn với nhiều kiểu dáng, màu sắc, không thua kém gì anh đâu nhé. Quan trọng, tôi đã gắn bó với ông chủ nhà suốt bao năm nay. Trải qua bao vất vả của những ngày nắng gắt, mưa giông tôi đều tận tình phục vụ ông chủ. Từ ngày chưa có anh, gia đình nhà chủ đều rất quí tôi, coi tôi là số một. Đã nhiều năm rồi nên tôi mới cũ đi và xấu xí như thế này đây. Chắc ông chủ không còn yêu tôi nữa…”. Nói đến đây, xe máy bật khóc nức nở. Có lẽ nó đang xúc động lắm khi nhớ về một thời đã xa. Không biết lúc này ô tô suy nghĩ gì. Im lặng một lát, cuối cùng, chiếc xe đạp cũ của tôi mới nhỏ nhẹ lên tiếng: “Các anh ai cũng cho mình đúng,mình tiện lợi nhất, tốt nhất nhưng không ai biết rằng trong chúng ta xe đạp tôi là người có mặt sớm nhất. Từ lâu lắm rồi, tôi được con người sáng tạo ra thay thế cho nhiều phương tiện khác. Lúc đó, ai có một chiếc xe đạp để đi thì thật hạnh phúc. Tôi gọn nhẹ nhất, đi lại dễ dàng, còn giúp con người tập thể dục khi sử dụng tôi nữa. Mà các anh ai cũng cần phải có “thức ăn” mới chịu chạy, nếu không thì đành đứng xó. Còn tôi, chẳng cần xăng dầu vẫn bon bon. Tôi cũng là người gắn bó lâu nhất với gia đình chủ, từ ngày họ còn khó khăn. Tôi cùng ông chủ đi làm, cùng ông đưa đón cậu chủ mỗi ngày, cùng bà chủ đi chợ hay đi đâu xa…. Cứ thế đã bao năm rồi…” Mỗi xe, xe nào cũng đưa ra những lí lẽ rất thuyết phục. Nhưng cả ba xe không ai chịu ai vẫn khăng khăng cho rằng mình tốt nhất, được gia đình chủ yêu nhất và xứng đáng là người được sử dụng nhiều nhất.
Chúng mải mê cãi cọ mà không biết tôi đứng nghe từ bao giờ. Tôi bước vào khi chúng vẫn còn tranh luận. Nhìn thấy tôi, chúng ngạc nhiên, sửng sốt. Nhìn một lượt những chiếc xe trong gia đình, tôi thấy những điều chúng nói đều có lí. Những chiếc xe này đã giúp gia đình tôi thật nhiều. Không chỉ vậy, chúng còn gắn bó cùng gia đình tôi với bao kỉ niệm từ thuở còn khó khăn. Tôi lại gần từng chiếc xe, vỗ về và âu yếm chúng. Chúng nằm yên ngoan ngoãn dõi theo tôi. “Các bạn xe ạ! Tôi đã nghe hết những điều các bạn nói. Ai cũng có ý kiến của mình và đều đúng cả. Các anh đều có ích với gia đình tôi. Thử hỏi, nếu thiếu các bạn thì không chỉ gia đình tôi mà bao nhiêu gia đình khác sẽ thế nào. Vì thế, các anh hãy bình tĩnh lại và lắng nghe nhau nói xem sao. Các anh sẽ hiểu nhau và thông cảm với nhau hơn đấy. Từ nay, gia đình tôi sẽ sử dụng đều tất cả các anh. Khi có dịp đi đâu xa, cả nhà tôi nhờ anh ô tô nhé. Còn anh xe máy, anh vẫn ngày ngày giúp bố đến cơ quan, anh xe đạp giúp tôi đến trường. Như thế ai cũng có việc riêng và vẫn phát huy được những chức năng của mình. Các anh hãy nhớ, không ai là người thừa cả và cũng không ai hơn thua ai vì mỗi người đều có sức mạnh riêng của mình… Những chiếc xe im lặng gật gù vẻ tán đồng. Chúng nhìn nhau thân thiện như để giảng hoà…
Cuộc cãi vã giữa những chiếc xe kết thúc từ đó. Ai cũng chăm chỉ làm công việc của mình. Chúng lại sống vui vẻ, hoà thuận bên nhau. Và cũng từ đó, để thể hiện lòng biết ơn với những người bạn nhỏ, gia đình tôi luôn chú ý giữ gìn và chăm sóc chúng tốt hơn.
Kể câu chuyện về cuộc tranh luận giữa ô tô, xe máy, xe đạp – Mẫu 3
Sáng nay khi vừa bước chân ra chỗ để xe, em đã lén nghe được cuộc tranh cãi kịch liệt giữa chị xe đạp, anh xe máy và anh ô tô. Chẳng là nhà tôi mới mua thêm chiếc ô tô, mọi người hay sử dụng nhiều hơn nên mới xảy ra cuộc tranh cãi này.
Chị xe đạp bao giờ cũng là người dậy sớm. Mỗi khi thức dậy chị vươn vai, cố ghé mình vào khe cửa để đón những tia nắng ấm áp đầu tiên, khoan khoái nói: “Chà chà! Thế là một ngày làm việc mới lại bắt đầu rồi!”. Vô tình anh xe máy cũng bị đánh thức, quá tức giận anh ta vừa ngáp vừa cười nhạo nghễ:
– Gớm! Dù ngày mới có đến thì cũng chẳng có ý nghĩa gì với loại xe đạp cũ kĩ như chị…!
Chị xe đạp quay quắt ra vẻ tức giận lắm:
– Cái gì mà cũ kĩ? Anh thì có gì hơn tôi?
Anh xe máy còn khoái chí cười to hơn:
– Cổ hủ! Quá cổ hủ! Chị đi chậm rì rì, đâu như tôi vừa nhanh lại vừa bảnh trai!
Nói rồi anh ta giơ vành xe sáng loáng ra rồi nói tiếp:
– Thấy chưa! Tôi được sơn màu bạc quý phái từ đầu đến chân. Đã thế tôi có động cơ chạy êm ru, ăn đứt cái bàn đạp lỗi thời của chị. A! Mà chị có muốn gặp các bạn của tôi không? Nào là SH, Spacy, Vespa… toàn là xe “xịn”!
Anh ô tô cũng thức dậy, cất tiếng nói vọng sang
– Có chuyện gì mà sáng sớm cãi nhau um sùm thế? – A, hóa ra hai anh chị đang cãi nhau – Anh chị như nhau cả thôi! Tranh luận làm gì cho mệt! Tôi đây mới là nhất này.
Anh xe máy và chị xe đạp trố mắt, anh ô tô lại tiếp lời:
– Tôi được trang trí điều hòa, lò sưởi, máy nghe nhạc, gương. Chà chà! Ngồi lên tôi mà lướt đi trên phố thì chỉ có mà an tâm, lại còn được những ánh mắt thèm muốn nhìn theo mà thôi! Trông tôi hoành tráng thế cơ mà!
Anh xe máy huýt một cái:
– Hoành tráng thật đấy! Xì! Có mà hoành tráng “béo” thì có. Trong giờ cao điểm thì loại xe “đồ sộ” như cậu đố mà qua được đấy! Nhẹ nhàng như tôi đây thì mới lướt được này, lúc như thế anh thử xem ai được ưa chuộng hơn ai.
Chị xe đạp nghe thấy cũng bực tức và lên giọng rằng:
– Các anh hơi quá đáng rồi đấy! Các anh tuy đi nhanh, nhưng thử nhìn lại đằng sau xem, các anh xả khói phì phì, ô nhiễm môi trường. Không có tôi thì làm gì có hình ảnh những dãy phố thanh bình. Tôi góp phần làm cho môi trường thêm xanh – sạch – đẹp. Người thanh lịch luôn lấy tôi làm lựa chọn hàng đầu.
Xe máy và ô tô có vẻ như hiểu ra chuyện, ô tô phân trần rằng:
– Thôi từ giờ chúng ta không cãi nhau nữa, tôi nhận thấy tất cả đều có ích, không ai hơn ai mà cũng chẳng ai kém ai. Xe máy cũng có lợi ích mà tôi và xe đạp không thể có, xe đạp cũng có lợi ích mà xe máy và ô tô không thể có. Vì vậy từ hôm nay chúng ta sẽ yêu thương tôn trọng lẫn nhau, cùng cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình để phục vụ lợi ích của con người.
Cả ba xe im lặng ra vẻ đồng ý. Tôi bước xuống lấy chiếc xe đạp, đạp đến trường, trong lòng có một cảm giác vui sướng đến lạ thường. Tôi không ngờ phương tiện giao thông cũng có ý thức đến như thể. Tôi thấy mình phải cố gắng học tập tốt, cố gắng giữ gìn phương tiện của mình, để nó gắn bó với tôi được lâu hơn.
Kể câu chuyện về cuộc tranh luận giữa ô tô, xe máy, xe đạp – Mẫu 4
Ở một đường phố trung tâm Hà Nội, có một cái thư viện đã được xây từ thế kĩ trước. Tôi vẫn hay đến đây cùng cô chủ nên quen thuộc chỗ này lắm! Nơi tôi nghỉ ngơi chờ cô chủ là bãi giữ xe của thư viện dưới gốc cây cổ thụ. À mà các bạn biết tôi là ai chưa nhỉ? Xin giới thiệu: Tôi là một chiếc Xe đạp! Một chiếc xe đạp Nhật hẳn hoi! Hôm nay tôi lại cùng cô chủ đến đây. Vì còn sớm nên bãi để Xe trống trơn. Trong bãi chỉ có một chiếc Ô tô bóng nhoáng đang đỗ bên một chiếc xe Máy cũng bóng nhoáng. Tôi chậm rãi tiến lại gần và dừng lại ngay cạnh họ.
Một lúc sau, Xe máy liếc nhìn tôi bằng nửa con mắt to đùng của mình, rồi nói với cái giọng nhè nhè:
– Chào anh bạn lỗi thời.
Tôi tròn mắt:
– Sao chú lại nói tôi lỗi thời.
– Còn gì n..ữ:..a nữa. – giọng Xe máy dài thêm – Anh lỗi thời quá đi chứ! Nhìn nè, cái kiểu xe gì mà có mỗi khung, trông rõ cũ kĩ, đi lại thì chậm chạp, làm sao phù hợp với thời đại văn minh, nếp sống công nghiệp bây giờ được chứ! Trời ơi! Ai dùng anh chắc là người hoài cổ?
Rồi Xe máy tiếp: “Thử so sánh tôi và anh xem sao? Nhìn tôi nè! Kiểu dáng thì đẹp, lớp vỏ ngoài bóng nhoáng, sành điệu làm sao! Chỉ cần mở khoá điện, dí phím đề, vào số là tôi đã thong dong trên đường phố. Bao con mắt nhìn tôi thèm muốn và khao khát. Tôi là hiện thân của phương tiện hiện đại mà lại rất phổ thông. Tôi có rất nhiều bạn, anh có muốn gặp không? Dream, Angel, Attila, Dylan, toàn là hàng cao cấp! Anh chỉ cần ra phô’ khẽ ngó cũng thấy trên đường phố toàn xe máy, chứng tỏ chúng tôi rất được mọi người ưa chuộng nhé! Từ người bình thường đến người giàu có đều chọn tôi để dùng. Tôi chở bình thường là hai người nhưng khi chủ nhân bốc lên, tôi có thể chở đến bốn người. Dáng tôi thon nhỏ, tốc độ lại nhanh, dễ luồn lách làm xiêu lòng các cô cậu nhỏ. Tôi thật đáng được tôn vinh sùng bái! Trên đời này không ai bằng.
Xe máy định nói tiếp thì bị Ô tô ngắt lời:
– Kiêu ngạo, quá kiêu ngạo! Thật đáng thương cho anh Xe đạp phải đứng nghe chê bai! – Ô tô nói với cái giọng miệt thị khinh khỉnh; rồi quay sang Xe máy: – Công nhận cậu nói về Xe đạp thì.. chẳng sai, nhưng không nên tôn vinh mình như thế. Xe máy, cậu tuy được ưa chuộng thật nhưng có nhiều tác hại thật. Các cậu có quá nhiều, là một trong những nguyên nhân gây nạn ùn tắc giao thông, gây ô nhiễm môi trường, là tác giả của các vụ tai nạn do lạng lách, đèo nặng, vượt ẩu. Tôi mới là phương hiện hữu ích nhất và sang trọng nhất được dùng trong cuộc sống đặc biệt là những dịp đi xa, dã ngoại, cưới hỏi,… Người bình thường thì thuê xe, người sang, người giàu có thì mua xe. Mưa không tới mặt, nắng chẳng tới đầu. Chỗ ngồi thì êm ái, thoải mái. Có thể nghe đài, nghe nhạc hoặc xem phim và thậm chí ngủ trên xe. Thế mới gọi là sành điệu, sự lựa chọn của thế hệ mới!
Nãy giờ nghe họ tự đề cao về mình mà tôi tức nghẹn cổ. Nhẹ nhàng tôi nói:
– Đúng là các cậu sang trọng và hiện đại thật. Như các cậu thấy đấy, tôi có nhiều nhược điểm về tốc độ, giá trị vật chất hay văn minh hiện đại nhưng tôi cũng quan trọng với cuộc sống con người. Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ chúng tôi đã tải lương thực, tải đạn dược, quân giới… ra tiền tuyến. Thời bình, tôi là phương tiện của các em học sinh, là xe thồ của các anh phụ hồ. Không những thế, tôi còn gìn giữ sức khỏe cho mọi người. Các cụ già vẫn đạp xe để đi vòng quanh Hồ Tây vài vòng chẳng phải là đã tập thể dục rèn luyện thân thể. Trong các đại hội thể dục thể thao tôi cũng là một trong những môn thi thiết yếu của đại hội. Chậm mà an toàn nhất trong các phương tiện tham gia giao thông, không gây ô nhiễm môi trường, không tốn kém vì nguyên liệu, không gây ùn tắc giao thông, bê, cất và để rất thuận tiện và nhẹ nhàng. Mọi người ở mọi lứa tuổi có thể dễ dàng điều khiển.
– Tôi mỉm cười với bài văn chứng minh của mình.
Bỗng cây si già nãy giờ vẫn im lặng che chở cho cả ba chúng tôi cất tiếng nói ồm ồm. Dường như cây đã nghe hết lời chúng tôi nói.
– Tôi đã sống hơn trăm năm nay, biết nhiều điều, chứng kiến và giải thích được nhiều thứ khó hiểu, nhưng tôi không biết ai trong các cậu là phương tiện tốt nhất, hữu hiệu nhất trong các phương tiện tham gia giao thông. Nhưng có lẽ các cậu đều đáng quý như nhau, có công lớn trong cuộc sống con người. Các cậu giúp con người đi nhanh hơn, mang vác được nhiều hơn mà không mất sức. Các cậu đã tự giới thiệu về mình, nhưng không nên cãi nhau như thế, mà phải cùng nhau giúp ích cho con người. Mỗi phương tiện có một vai trò không thể thiếu được trong xã hội. Tôi có một lời khuyên cho các cậu: Dù là phương tiện nào đi nữa cũng phải chấp hành thật tốt Luật Giao thông và bảo vệ môi trường một cách hữu hiệu nhất! Rồi cây si im lặng.
Lời cây Si già làm ba chúng tôi thấm thía. Chúng tôi bỗng dưng im bặt, không ai nói thêm một lời nào. Tôi thầm hứa với cây Si già sẽ cố gắng thực hiện tốt luật lệ giao thông và nhắc nhở hai anh bạn Ô tô, Xe máy phải cùng thực hiện và có ý thức giữ gìn môi trường, không nhả khói bừa bãi trên đường. Kìa cô chủ của tôi đã ra, tôi phải về rồi, xin tạm biệt mọi người nhé.
Kể câu chuyện về cuộc tranh luận giữa ô tô, xe máy, xe đạp – Mẫu 5
Trong nhà tôi có ba phương tiện giao thông là bác ô tô, chú xe máy và anh xe đạp. Một hôm, trời nóng bức, tôi leo lên người bác ô tô mở tung hết cánh cửa xe ra để nằm cho mát. Tôi chợt nghe thấy có tiếng rên rỉ của bác ô tô: “Kít! Kít! Đau quá! Đau quá!”.
Nghe thấy tiếng bác ô tô rên rỉ, anh xe đạp ở bên cạnh thì thầm với chú xe máy:
– Bác ô tô sướng thật, suốt ngày nằm ở nhà, chẳng vất vả gì. Thỉnh thoảng, nhà chủ phải đi bốc hàng thì mới phải đi còn những ngày thường thì được tắm rửa sạch sẽ, có khi còn được mua quần áo mới cho nữa. Chẳng bù cho tôi, tôi là người khổ nhất, người tôi gầy gò, ốm yếu nhất trong ba người, thế mà ngày nào cũng phải cùng ông chủ tập thể dục vào buổi chiều, ngày nào cũng phải đi bốn, năm cây số chứ ít gì đâu. Chân tay tôi lúc nào cũng ra rời. Có lần chân tay còn bị chảy máu vì dẫm phải đinh hay vấp hòn đá nhọn giữa đường, ông chủ phải mang tôi đi băng bó vết thương cho lành lại. Bác ô tô mới có thế mà đã kêu toáng cả lên.
Bác ô tô nghe thấy nhưng vẫn lờ đi, coi như không có chuyện gì cả. Được thể, chú xe máy lên tiếng:
– Ừ, chẳng bù cho tôi suốt ngày phải làm việc, luôn chân luôn tay, chẳng mấy khi được nghỉ ngơi. Buổi sáng thì chở cô chủ đến trường, trưa về lại cùng bà chủ ra chợ, đến chiều bà chủ lại bắt mang hàng đi cất. Đợt vừa rồi, chắc làm việc quá sức nên tôi bị ốm, ông chủ bà chủ không mang hàng đi cất được, buộc phải chờ tôi khoẻ hẳn. Tuy tôi to hơn anh thật đấy nhưng lại phải làm việc nặng hơn, nhiều hơn. Trong số chúng ta, tôi mới là người khổ nhất.
Bác ô tô nghe thấy hết, không chịu được nữa, định cho mỗi người một cái bạt tai nhưng may là bác ấy trấn tĩnh lại được, chứ không thì… Bác nghĩ mình là người có tuổi, không nên làm như vậy, chi bằng giải thích để mọi người hiểu. Bác ô tô cất giọng từ tốn và nghiêm khắc nói:
– Các anh vừa nói gì với nhau tôi đều đã nghe thấy cả. Nhưng tôi thắc mắc là, chẳng hiểu các nhà nghiên cứu đã phát minh ra chúng ta làm gì cơ chứ? Họ bỏ công sức và tiền của làm ra chúng ta là để làm cảnh hay sao? Chẳng nhẽ chúng ta lại là một lũ vô tích sự?
Sau những câu hỏi của ô tô đưa ra, xe đạp và xe máy liếc nhìn nhau, mặt người nào người nấy đỏ bừng, không nói được câu nào. Bác ô tô lại nói tiếp:
– Các nhà nghiên cứu phát minh ra chúng ta để phục vụ cho cuộc sống con người, giúp con người thuận tiện hơn khi đi lại, mua bán, giao tiếp. Còn bản thân tôi, tôi cũng phải làm việc, thậm chí là những công việc nặng nhọc, nhiều hơn các anh. Mà nào tôi có hé răng kêu ca với ai, thỉnh thoảng có đau mỏi quá thì kêu lên một mình đấy thôi! Phải biết rằng con người vất vả lắm mới kiếm ra được hạt cơm hạt gạo chứ chẳng ai không dưng lại có mà ăn!
Nói xong, bác ô tô ho lấy ho để. Thấy thế, anh xe đạp và chú xe máy vội chạy lại xoa bóp cho bác ô tô và xin lỗi rối rít.
Từ đó họ không còn kêu ca, phàn nàn nữa, ai cũng cố gắng làm việc.
Kể câu chuyện về cuộc tranh luận giữa ô tô, xe máy, xe đạp – Mẫu 6
Một lần đi học về, em bỗng nghe thấy có tiếng cãi nhau ầm ĩ. Tò mò, em tiến lại gần, nấp dưới cửa sổ, nhìn trộm vào trong nhà thì thấy các phương tiện giao thông đang tranh cãi nhau kịch liệt.
Cô xe đạp thì đang rên rỉ:
– Tôi là phương tiện bị coi là thô sơ nhất. Nhưng tôi lại giúp ích cho mọi người. Đứa trẻ nào cũng tập đi xe đạp. Tuy tôi thô sơ nhưng lại tránh cho ô nhiễm môi trường, lại tốt cho sức khoẻ, kể cả người già cũng dùng tôi để tập thể dục. Những người béo có thể tập đi xe đạp để giảm cân và tốt cho sức khoẻ. Vậy mà mọi người dường như quên mất công dụng của tôi. Tôi như bị lãng quên.
Xe đạp còn đang nói thì chú xe máy ngắt lời:
– Ôi! Thời của chị lạc hậu mất rồi. Bây giờ có ai còn đi xe đạp nữa đâu. Xe máy bây giờ mới là tối ưu. Chị cứ nhìn ngoài đường xem, chủ yếu là xe máy. Họ hàng nhà tôi càng ngày càng cải tiến mẫu mã. Chúng tôi trở nên đẹp hơn, thon thả hơn và nhiều công dụng hơn. Đi xe máy vừa nhanh, vừa tiện lợi.
Xe máy đang thao thao kể về sự hữu ích của mình thì xe đạp ngắt lời:
– Anh đừng tự khoe khoang. Anh xem họ nhà anh đã xả bao nhiêu khí thải ra đường. Đường phố toàn mùi xăng, không khí bị ô nhiễm một phần cũng tại các anh thôi. Hơn nữa, từ khi có các anh, sự yên tĩnh bị phá vỡ. Các thanh niên hư hỏng nhờ có các anh mới tổ chức đua xe, lạng lách khiến tai nạn giao thông gia tăng, kéo theo bao người bị thiệt mạng.
Cô xe đạp chỉ trích chú xe máy gay gắt. Nghe xong, chú xe máy vội phân bua:
– Ôi! Chị hiểu nhầm rồi. Chúng tôi được phát minh ra để tiện cho việc đi lại thôi. Những thanh niên hư hỏng đã dùng chúng tôi sai mục đích. Oan cho chúng tôi quá. Tôi thấy sướng nhất là bác ô tô. Lúc nào cũng được trọng vọng.
Bác ô tô giờ mới lên tiếng:
– Các cô chú chẳng hiểu cho tôi, lại đi so bì với tôi. Tôi được cải tiến hiện đại cũng chỉ phục vụ cho cuộc sống của con người mà thôi. Tôi giúp cho con người đỡ vất vả trong những chuyến đi xa.
Bác ô tô không hề gắt gỏng như chị xe đạp và chú xe máy. Bác nhẹ nhàng nói với họ:
– Sao các cô, chú lại cãi nhau như vậy. Tất cả chúng ta đều là phương tiện giao thông, chúng ta phải biết yêu quý, giúp đỡ lẫn nhau. Tuy chúng ta ở ba thế hệ khác nhau nhưng chúng ta đại diện cho sự tiến bộ của xã hội. Mỗi chúng ta đều có nhiệm vụ riêng. Chúng ta hãy đoàn kết lại để giúp đỡ con người trong khả năng của mình.