Phân tích đặc sắc nghệ thuật trong bài Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi gồm dàn ý chi tiết kèm theo 4 bài văn mẫu hay được Download.vn tổng hợp từ các bài văn hay của học sinh lớp 12 trên cả nước.
Bạn đang đọc: Văn mẫu lớp 12: Phân tích đặc sắc nghệ thuật trong bài Những đứa con trong gia đình
Những đứa con trong gia đình là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của Nguyễn Thi. Chỗ đặc sắc nhất của thiên truyện là ở đâu? Mời các bạn cùng Download.vn tham khảo bài viết dưới đây.
Phân tích đặc sắc nghệ thuật trong Những đứa con trong gia đình
Dàn ý phân tích đặc sắc nghệ thuật
I. Mở bài
– Những đứa con trong gia đình được nhà văn Nguyễn Thi sáng tác vào năm 1966, in trong tập Truyện và kí xuất bản năm 1978.
– Tác phẩm đã ghi lại sự tích anh hùng của thế hệ trẻ miền Nam trong thời kỳ đánh Mỹ cứu nước. Họ yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, khao khát giết giặc để trả thù nhà. Họ là những con người tiếp nối và phát huy truyền thống yêu nước, anh hùng và cách mạng của gia đình, làm vẻ vang cho truyền thống của tổ tiên. Nhưng ý nghĩa của truyện có sức khái quát cao hơn, đó là truyền thống yêu nước anh hùng của nhân dân ta.
– Cảm hứng tư tưởng này đã được nhà văn xây dựng bằng một hình thức nghệ thuật độc đáo có sức hấp dẫn mọi người.
II. Thân bài:
* Đặc sắc trong xây dựng tình huống truyện:
– Việt – một chiến sĩ giải phóng quân trẻ- trong một trận đánh, bị thương nặng, lạc đồng đội, phải nằm lại một mình trên chiến trường, nhiều lần ngất đi rồi tỉnh lại.
– Chính trong những lần ngất đi rồi tỉnh lại, tất cả những gì thân thương nhất của gia đình Việt đã hiện về sống động, ấm áp trong dòng nội tâm của anh. Đây là một tình huống tâm trạng đã tạo sự vận hành cho mạch truyện qua cách trần thuật riêng theo dòng ý thức của nhân vật.
* Đặc sắc qua nghệ thuật trần thuật:
Tác giả đã kể chuyện theo quan điểm, theo dòng ý thức của nhân vật Việt. Qua những lần mê rồi tỉnh, nhà văn đã nhập sâu vào hồi ức nhân vật, khơi thông mạch ngầm quá khứ với những kỉ niệm về mẹ, về chị, về chú Năm… Nhờ cách trần thuật này mà vách ngăn thời gian bị tháo gỡ đi nhường chỗ cho sự biến hóa linh hoạt của câu chuyện, dẫn người đọc
vào vào mạch truyện một cách tự nhiên mà bất ngờ, các sự kiện các nhân vật trong gia đình hiện lên với một màu sắc tình cảm thương yêu đậm đà => đời sống tâm hồn của nhân vật được hiển lộ.
* Đặc sắc trong nghệ thuật khắc họa nhân vật:
– Những nhân vật trong truyện có chung huyết thống và truyền thống nên có cùng một khuôn hình từ dáng người đến tính cách và tâm hồn; nhưng mỗi người lại có một sức hấp dẫn riêng.
– Điều dễ nhận thấy nhất, tất cả những con người cùng gia đình ấy đều có chung một bản chất, có cùng một vẻ đẹp tâm hồn. Ở họ toát lên phẩm chất cách mạng, yêu nước căm thù giặc, thủy chung với cách mạng, quyết tâm đánh giặc. Họ yêu thương, đùm bọc nhau, ai cũng tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình và viết tiếp truyền thống đó.
– Mỗi nhân vật là một con người cá thể, tùy vai vế, lứa tuổi, giới tính mà có một khuôn mặt riêng, một cá tính ( tham khảo các đề trên).
* Thành công cách sử dụng ngôn ngữ, độc thoại, đối thoại nhất là ngôn ngữ mang màu sắc Nam Bộ trong trần thuật và trong lời nhân vật
III. Kết bài:
– Những đứa con trong gia đình là những trang viết thành công về bình diện hình thức nghệ thuật. Tác phẩm của Nguyễn Thi có có sự hài hòa giữa nội dung và nghệ thuật nên là một tác phẩm hay.
– Những đứa con trong gia đình đã khẳng định: sáng tác hay, không chỉ đòi hỏi nhà văn có tấm lòng gắn bó sâu nặng, máu thịt với nhân dân, đất nước mà còn có vốn sống, sự hiểu biết sâu sắc về những gì mình miêu tả, kể chuyện và là một tài năng thực sự.
Phân tích những đặc sắc nghệ thuật – Mẫu 1
Những đứa con trong gia đình là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của Nguyễn Thi. Chỗ đặc sắc nhất của thiên truyện là ở đâu? Trước hết phải nói tới nghệ thuật kể chuyện độc đáo, linh hoạt của nhà văn Nguyễn Thi.
Tác phẩm kể chuyện một gia đình cách mạng, mọi thành viên đều là chiến sĩ diệt Mỹ kiên cường. Thù nhà nợ nước thống nhất làm một. Tình gia đình và tính cách mạng hòa lẫn với nhau: ba má Việt gặp nhau và lấy nhau vì cùng cầm súng giết giặc. Họ đều ngã xuống trong chiến đấu. Những đứa con của họ (Việt và Chiến) gắn bó với nhau trong tình ruột thịt và trong niềm tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình. Người mẹ nuôi con lớn lên để rửa thù cho cha. Những đứa con giành nhau nhập ngũ để trả thù cho ba má… Một câu chuyện như thế tuy cảm động, sẽ khá nặng nề, dễ đơn điệu và trùng lặp, nếu không sáng tạo ra một cách trần thuật độc đáo, linh hoạt.
Tác giả đã chọn lối trần thuật theo quan điểm của nhân vật, một chú lính trẻ tên là Việt. Chú giải phóng quân này bị trọng thương và lạc đồng đội, một mình nằm lại giữa chiến trường sau một trận ác chiến còn để lại khói lửa mịt mù và xác giặc ngổn ngang. Chú nhớ đồng đội, nhớ chị, nhớ chú Năm, nhớ những ngày ba má còn sống, nhớ những buổi bán chim, câu cá, bắt ếch, nhớ ngày cùng chị nhập ngũ và lên đường… Câu chuyện được thuật kể qua dòng hồi ức của chú khi đứt khi nối bởi vì chú nhiều lần ngất đi rồi lại tỉnh lại. Câu chuyện vì thế không diễn ra theo trật tự thời gian, không gian tự nhiên mà theo logic chủ quan của tâm trí nhân vật nên hết sức biến hóa. Các sự việc, các nhân vật của gia đình hiện lên với một màu sắc tình cảm đậm đà và hấp dẫn. Chuyện kể đến đâu thì tính cách nhân vật cũng hiện ra đùn đẩy một cách sinh động và đậm nét.
Đây là một thủ pháp nghệ thuật nhưng không phải ai cũng sử dụng được thành công. Phải am hiểu sâu sắc tâm lí nhân vật, phải nhập vai nhân vật và nói được đúng giọng nói của nhân vật. Đây là sở trường của Nguyễn Thi, nhà văn của người nông dân vùng đồng bằng Nam Bộ.
Bên cạnh nghệ thuật kể chuyện độc đáo vừa phân tích, Nguyễn Thi còn xây dựng được những tính cách nhân vật phong phú, hấp dẫn. Qua dòng hồi tưởng của Việt, một “đứa con trong gia đình” cách mạng, ta thấy hiện lên các nhân vật: ba, má Việt, chú Năm, chị Chiến và Việt. Rất dễ dàng cảm nhận thấy cả năm nhân vật đều cùng chung một bản chất căm thù giặc, thủy chung với cách mạng và tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình
Hơn nữa, ở những nhân vật chính diện của Nguyễn Thi thường có một tính chất chung này gọi là “chất Út Tịch”. Ấy là cái tinh thần kiên cường gan góc, say mê chiến đấu, căm thù ngùn ngụt, dường như sinh ra là để cầm súng giết giặc. Tuy nhiên, mỗi người lại có một gương mặt riêng, một cá tính khác nhau. Chỗ đặc sắc của nghệ thuật khắc họa các hình tượng nhân vật của Nguyễn Thi là ở đó. Đáng chú ý hơn cả là ba nhân vật chú Năm, Chiến và Việt.
Chú Năm đúng là một người nông dân Nam Bộ, thật thà, bộc trực, vui tính. Con người này rất giàu tình cảm và trí tưởng tượng lãng mạn, nhất là khi nổi cảm hứng và cất tiếng hò: Lúc đó, gân cổ chú nổi đỏ lên, tay chú đặt lên vai Việt, đôi mắt chú mở to, đọng nước, nhìn thẳng vào mắt Việt, đầu chú lắc lư, nhăn nhó, làm như Việt chính là nơi cụ thể để chú gửi gắm những câu hò đó, hoặc chính Việt là những câu hò đó. Theo từng câu hò, khi thì Việt biến thành tấm áo vá quàng hoặc con sông dài cá lội của chú, khi thì Việt biến thành người nghĩa quân Trương Định, ngọn đèn biển Gò Công, hoặc ngôi sao sáng ở Tháp Mười.
Chiến là một cô gái mới lớn, tính khí còn rất “trẻ con”: tranh công bắt ếch, tranh công bắn tàu giặc với em… Ngay trước khi nhập ngũ để trở thành một nữ giải phóng quân, vẫn giành nhau với em để đi bộ đội trước. Nhưng khác với đứa em trai, cô có thể ngồi lì suốt một buổi để đánh vần cuốn sổ ghi công của gia đình chú Năm – đấy là cái chất gan lì thừa hưởng từ mẹ. Ba má mất cả, cô là chị nên sớm biết nhường nhịn em, sớm biết tính toán lo liệu việc nhà. Điều này thể hiện rất rõ trong giờ phút cùng em lên đường đánh giặc để trả thù cho ba má. Không phải ngẫu nhiên mà Việt thấy chị nghĩ ngợi, nói năng nghe như in như má vậy, còn chú Năm thì thật sự thán phục: “Khôn! Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thất, đặng bề nước non”.
Ngoài ra, ở nhân vật này có một chất trẻ trung và duyên dáng của một thiếu nữ, thể hiện ở cái cử chỉ bịt miệng cười khi chú Năm cất tiếng hò, ở nét lông mày cau lại, chéo khăn hở ngang miệng, cặm cụi ngồi đánh vần cuốn sổ của chú Năm, ở cái tiếng hư một cái “cóc” khi cậu em bảo mình nói năng hệt như má vậy…
Việt thì tỏ ra là một cậu con trai của đồng quê, tính hiếu động (suốt ngày lang thang bán chim, câu cá, đi soi ếch, lúc nào cũng cái ná thun trong người, kể cả khi đã đi bộ đội), hiếu thắng (bắt ếch, đánh tàu giặc, ghi tên nhập ngũ bao giờ cũng tranh phần hơn). Là con trai, là em (quen được chiều chuộng) nên mọi việc đều ỷ lại chị. Chỉ kém chị một tuổi, Việt “trẻ con” hơn nhiều và vô tâm vô tính chẳng biết lo nghĩ gì, kể cả ngày nhập ngũ. Là con trai, Việt thường che giấu tình cảm ủy mị, nhưng bản chất rất giàu tình cảm. Nằm ở chiến trường, chú nhớ má, nhớ chú Năm, chị Chiến, nhớ thằng em út, nhớ đồng đội. Chí ước gì bây giờ lại được gặp má. Phải, ví như lúc má đang bơi xuồng, má sẽ ghé lại xoa đầu Việt, đánh thức Việt dậy, rối lấy xoong cơm đi làm đồng để ở dưới xuồng lên cho Việt ăn… Chú nhớ chị và thương chị vô cùng, tuy vẫn tranh phần hơn với chị, ở đơn vị, chú giấu biệt chị đi vì chỉ sợ lộ ra họ sẽ lấy mất chị… Cách thể hiện tình cảm đích đáng nhất ở Việt là đánh giặc. Đấy là cách thương má, thương ba, thương chị, thương chú Năm của Việt. Cho nên khi đồng đội tìm thấy Việt nằm ngất đi ở chiến trường, ngón tay chú vẫn đặt lên cò súng và một viên đạn đã lên nòng sẵn sàng bắn vào quân giặc…
Ngoài nghệ thuật kể chuyện, ngoài thành công trong xây dựng nhân vật, Những đứa con trong gia đình còn có những đoạn văn tuyệt hay. Ấy là đoạn Việt nhớ lại sau lúc chị em Việt ghi tên tòng quân chuẩn bị lên đường.
Đêm ấy hai chị em trò chuyện với nhau, thu xếp chuyện nhà chuyện cửa, chuyện gửi lại chú Năm bàn thờ má và thằng em út, chuyện hứa hẹn, khuyên nhủ nhau… Chị Chiến bỗng ăn nói nghiêm trang, xưng chị em (chứ không mày tao như mọi khi), bàn bạc, dặn dò em y hệt như giọng của mẹ xưa. Còn Việt thì vẫn rất trẻ con, mặc chị lo toan tất cả. Nhưng chú nhớ má vô cùng và tưởng như má cũng trở về để ngó coi chị em Việt tính chuyện nhà chuyện cửa như thế nào trước lúc lên đường. Đây là một đoạn đối thoại rất sinh động, vui và cảm động.
Sáng hôm sau, trước lúc lên đường, chị em Việt khiêng bàn thờ má sang gửi bên nhà chú Năm. Việt thương chị vô cùng, thương má vô cùng. Mối căm thù trĩu nặng trên vai như một trọng lượng cụ thể. Đây cũng là một đoạn văn có thể làm rớt nước mắt:
Chị Chiến ra đứng giữa sân, kéo cái khăn trên cổ xuống, cũng xắn tay áo để lộ hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng, rồi dang cả thân người to và chắc nịch của mình nhấc bổng một đầu bàn thờ má lên. Việt ghé vào một đầu. Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về. Việt khiêng trước. Chị Chiến khiêng bịch bịch phía sau. Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế. Còn mối thù thằng Mĩ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai.
Phân tích những đặc sắc nghệ thuật – Mẫu 2
Mỗi tác phẩm văn học đều được các tác giả xây dựng với những đặc sắc nghệ thuật riêng. Nó là kết tinh về tài năng của các nhà văn. Và tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” cũng để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc với những đặc sắc nghệ thuật hấp dẫn.
Trước hết, nghệ thuật đặc sắc của “Những đứa con trong gia đình” là nghệ thuật trần thuật mà Nguyễn Thi thể hiện trong tác phẩm này. Truyền ngắn được kể theo ngôi số 3 nhưng lại nương theo điểm nhìn và giọng điệu của nhân vật Việt. Việt là một chiến sĩ giải phóng quân, sau một trận chiến đấu ác liệt anh bị thương nặng, lạc đồng đội, phải nằm lại nơi chiến trường. Việt ngất đi rồi tỉnh lại, tỉnh dậy rồi lại ngất đi. Tác giả men theo dòng hồi tưởng của nhân vật Việt để kể lại dưới hình thức lời nửa trực tiếp. Những lời văn và giọng điệu kể chuyện dưới điểm nhìn của Việt. Với hình thức kể chuyện này đê rlaij nhiều ấn tượng sâu sắc. Nhà văn có thể vừa nhập tâm vào thế giới nội tâm của nhân vật để diễn tả các cung bậc cảm xúc, accs trạng thái phức tạp, sâu kín của tâm hồn.Qua cách trần thuật kể chuyện như vậy, Nguyễn Thi cũng tạo nên những trang văn giàu chất trữ tình. Những trang văn đầy ắp cảm xúc của nhân vật Việt. Đấy cũng là lý do mà tác phẩm để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Đồng thời, cách kể chuyện như vậy cũng giúp nhà văn không bị lệ thuộc vào trình tự thời gian. Các sự kiện nhà văn có thể xáo trộn mà không phải tuân theo bất cứ một trình tự thời gian nào. Vừa có quá khứ, hiện tại được đan xem vào trong những dòng cảm xúc của nhân vật. Dòng nội tâm của nhân vật Việt khi đứt khi nối, các sự việc luôn được đan xen giữa quá khứ và hiện tại rất tự nhiên và linh hoạt. Cũng từ điểm nhìn của nhân vật Việt mà Nguyễn Thi tạo nên cảm giác gần gũi thân thiện khách quan cho câu chuyện với độc giả.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng là một thành công của tác phẩm. Cách xây dựng nhân vật của Nguyễn Thi cũng chẳng thể lẫn với bất cứ nhà văn nào khác. Chiến và Việt tuy cùng sinh ra trong một gia đình nhưng cả hai nhân vật này lại có những tính cách rất trái ngược nhau. Nguyễn Thi chú ý tô đậm đến từng tính cách của các nhân vật. Nếu như Việt hiện lên với những nét hồn nhiên tinh nghịch và có những hành động vô cùng đáng yêu. Thì chị Chiến lại hiện lên là một cố gái mới lớn với đầy những tinh tế cùng lòng yêu nước căm giặc, lo toan tính toán từng việc nhỏ nhất trong gia đình.
Nguyễn Thi cũng thể hiện biệt tài trong việc miêu tả tâm lí nhân vật. Tâm lý của Việt trước đêm tòng quân, đặc biệt là lần tỉnh dậy thứ tư. Khi bị thương Việt hồi tưởng lại nhiều kỉ niệm và ngay cả khi bị thương mà tinh thần chiến đấu vẫn luôn sục sôi. Để rồi, khi nghe thấy tiếng súng của quân ta thì Việt lại trở về đúng với tính cách của một đứa trẻ.
Bên cạnh đó, “Những đứa con trong gia đình” còn thể hiện ngôn ngữ mang đậm hơi thở đời sống và giàu chất Nam Bộ. Tác giả kết hợp hài hòa giữa vốn ngôn ngữ phổ thông và với những sắc thái mang tính địa phương. Ví dụ như cách xưng hô “mày-tao”, “má”…Sự xuất hiện của nhiều phương ngữ như vậy cho thấy tác phẩm mang đậm hơi hướng Nam Bộ không thể trộn lẫn. Nguyễn Thi sử dụng với mức độ hợp lý, tinh tế và linh hoạt. Do vậy, khi bước vào tác phẩm, tác giả như được tiếp xúc và nói chuyện với những con người Nam Bộ. Và cũng phải sống và gắn bó sâu sắc với người dân Nam Bộ thì tác giả mới am hiểu sâu sắc đến như vậy.
Có thể thấy rằng, “Những đứa con trong gia đình” thành công với nhiều yếu tố nghệ thuật sâu sắc. Và cũng chính những đặc sắc ấy mà Nguyễn Thi cho thấy ông lôi cuốn người đọc cùng với những trang văn hào hùng về một thời đấu tranh giải phóng dân tộc.
Phân tích những đặc sắc nghệ thuật – Mẫu 3
Nhà văn Nguyễn Thi tên thật là Nguyễn Hoàng Ca, người Nam Hà. Ông vào Nam từ năm 1945, gia nhập quân đội và viết văn dưới bút danh Nguyễn Khọc Tấn. Tập kết ra Bắc năm 1954, năm 1962 ông trở lại miền Nam lần thứ hai, viết văn dưới bút danh Nguyễn Thi. Năm 1968, ông hy sinh tại Sài Gòn trong lúc ngòi bút còn đầy sung sức và nhiệt huyết. Là nhà văn chiến sĩ, Nguyễn Thi có nhiều đóng góp cho nền văn học cách mạng. Một trong những đóng góp đáng kể của ông về nghệ thuật là sự thể hiện thành công nghệ thuật đồng hiện ở truyện Những đứa con trong gia đình (1966).
Theo nghĩa đen “đồng hiện” là “cùng thể hiện”. Trong truyện, đây chỉ là một thủ pháp nghệ thuật quen thuộc về kết cấu tác phẩm, một yếu tố thuộc về hình thức. Như ta đã biết , kết cấu là việc tổ chức, sắp xếp các yếu tố nội dung trong văn bản tác phẩm để nó đạt hiệu quả nghệ thuật cao nhất. Thủ pháp đồng hiện góp một vai trò quan trọng trong công việc này. Nó là một trong những thủ pháp tạo ra được lối kết cấu độc đáo. Từ đó, cốt truyện, nhân vật, chủ đề được thể hiện, gây hiệu quả nghệ thuật tác động đến độc giả… Nét độc đáo của nghệ thuật đồng hiện là cùng một lúc các sự kiện, các tình tiết, các nhân vật (hay các nét tính cách của nhân vật) được thể hiện trong một thời gian, một không gian hay trong một mảnh thời gian và không gian khác nhau.
Trong truyện Những đứa con trong gia đình nghệ thuật đồng hiện được thể hiện khá tinh tế. Dựa trên kết cấu lấy dòng suy tưởng làm nền. Nguyễn Thi đồng thể hiện các sự kiện trong một thời điểm, các nhân vật (và các nét tính cách của nó) trong cả hai mảnh thời gian hiện tại và quá khứ đan xen nhau rất có hiệu quả.
Trước hết xin nói về cách đồng hiện các sự kiện trong một thời điểm ở truyện Những đứa con trong gia đình.
Sau cuộc giao tranh ác liệt giữa đơn vị của Việt và một chiến đoàn Mỹ, Việt bị thương nặng, ngất đi. Việt tỉnh dậy, trận địa vắng tanh, “trừ tiếng máy bay”. Chiến trường vẫn còn nguyên vẹn với những chiếc xe tăng, xe bọc thép cháy, những vỏ đạn tanh máu, xác lính Mỹ bốc mùi… “Việt cho mũi lê đi trước”, “Lên đạn”… sẵn sàng “phụ với các anh”, trận đánh được miêu tả hình như chưa kết thúc. Thời điểm để nhà văn chọn miêu tả thời gian trước và sau trận đánh hình như là thời điểm ở giữa thời gian này? Mặt khác, những chi tiết truyện, theo phân tích trên, không phải là đã kết thúc, cũng không phải là đang xảy ra. Nó là sự kiện đang xảy ra. đã xảy ra và được nhìn trong cái đã kết thúc, sắp kết thúc. Nói cho dễ hiểu hơn, người ta thấy được trận đánh đã và sẽ xảy ra như thế nào ở một thời điểm ở trong nó. Nhìn vào những gì xảy ra ở thời điểm đó, người ta thấy tất cả.
Bây giờ thì Việt đã ở quân y viện. Anh có thời gian trị vết thương, đồng thời cũng có cả thời gian để mà ôn lại, nhớ lại. Thành ra anh có thể thấy được cả mảng đời trong hiện tại của mình và có thể nhớ lại cả mảng đời của gia đình mình trong quá khứ. Anh như lần về quá khứ từ gần đến xa lắc. Thông qua dòng độc thoại diễn ra trong Việt ở các thời điểm nằm ở quân y viện kia bao nhiêu sự kiện vui buồn, bao nhiêu số phận con người trong chiến tranh như cùng về một lúc. Lần lượt nhưng không theo một trình tự nào, Những đứa con trong gia đình giàu truyền thống cách mạng của anh được tái hiện ở những nét tính cách chung và riêng rẽ như họ đang ở trước mặt.
Nhân vật trung tâm là Việt. Dù ở thời gian, không gian nào, nhân vật cũng được khắc họa song song hai nét tính cách cơ bản: chiến sĩ – trẻ thơ.
Ở quân y viện “Hai mắt còn khăng kín mít” dấu tích của người lính dũng cảm. Việt “với cây viết chì… mò mò viết thử”. Anh không dám nhờ người khác viết thư cho chị. Anh sợ cái tiếng “cậu tư”. Sợ mất “chị ba” quyết chiến. Anh “giấu chị như giấu của riêng vậy”. Thật là ngây thơ! Cái ngây thơ đáng yêu của một anh lính trẻ, dũng cảm thật đấy mà cũng khờ khạo thật đấy trước cuộc đời. Ngay cả chuyện đùa vui của anh em theo lối tếu táo của lính anh cũng tưởng là chuyện thật!
Trên chiến trường ngổn ngang xác giặc, Việt ngất đi rồi tỉnh lại nhiều lần dù đã kiệt sức, người lính trẻ ấy vẫn sẵn sàng chiến đấu tiếp nếu kẻ thù xuất hiện. Thế mà khi nghe “ếch nhái kêu dậy lên”, Việt bỗng trở thành chú bé con có “hai cái đèn soi, lóp ngóp đi” soi ếch cùng chị. “Chiến và Việt ai cũng giành phần nhiều là của mình “, em cũng không chịu nhường ai đi trước, chú Năm phải đứng ra “xin trên cứ ghi tên cho cả hai”…
Qua một vài điều đã nói trên, ta thấy thủ pháp nghệ thuật để thực hiện nghệ thuật đồng hiện trong khi khắc họa nhân vật Việt, chủ yếu dựa trên cơ sở của phép liên tưởng, phép bắc cầu từ sự kiện này sang sự kiện khác; từ chi tiết, nhân vật này sang chi tiết nhân vật kia… Trong sự liên kết đó, dòng hồi tưởng của nhân vật vẫn là sợi dây nối quan trọng nhất. Từ chi tiết anh em trong quân y viện gọi anh là “cậu tư”. Việt chợt nhớ tới chị Chiến, nhớ tới tiểu đội trưởng Tánh. Anh muốn viết thư cho chị nhưng khó có thế viết được vì hai mắt vẫn còn bị băng kín. Thế là Việt nhớ lại lần chị bị trúng bom, nhớ lại trận đánh của chính mình. Việt nhớ lại trong trận đánh, anh đã ngất đi; tỉnh lại, bỗng nghe thấy tiếng ếch và cùng lúc đó, tuổi thơ, những ngày xa xưa uất hận cùng ùa về trong trí nhớ… Các tình tiết truyện diễn ra rất tự nhiên. Thủ pháp nghệ thuật này ta đã gặp ở truyện: Đôi mắt của Nam Cao. Ở đó, câu chuyện cũng diễn ra theo dòng hồi tưởng của nhân vật Độ. Khác chăng là Nam Cao để Độ xưng “tôi” và tự kể. Còn ở đây, Nguyễn Thi trực tiếp miêu tả diễn biến tâm trạng Việt. Ông vừa miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật vừa để cho tâm trạng ấy nói lên câu chuyện mình muốn kể. Có lẽ đây cũng là một lối kể chuyện độc đáo, sáng tạo.
Vẫn bằng cách trên, theo dòng độc thoại của nhân vật Việt, tác giả lần lượt cho xuất hiện và đồng hiện các nhân vật Chiến, chú Năm, ba má Việt, Tánh.
Cũng như Việt, Chiến tòng quân và chiến đấu trong một tiểu đội bộ đội nữ địa phương. Chị đã chiến đấu dũng cảm, coi cái chết cũng chỉ như “chết giấc”, ‘như ta đang ngủ vậy”. Chiến chỉ khác Việt ở chỗ, là người chị cả trong gia đình nên sớm trường thành. Chị theo mẹ nuôi và dạy dỗ em, lo toan tính toán tất cả mọi việc trong nhà. Là người chị cả của gia đình, Chiến dứt khoát không nhường em là việc ghi tên để tòng quân. Nhớ và nghĩ về người chị, dòng tâm tưởng của Việt như cố dừng lại ở những kỉ niệm đẹp khó quên.
Chú Năm cũng chỉ là một nhân vật thoáng qua trong dòng tâm tưởng, gợi lên từ một tiếng ếch trên chiến địa đã im tiếng súng.. Mỗi lần Việt và Chiến soi ếch về, chú đều “kiếm con trọng trọng đem về nhậu”. Có hai đoạn văn đẹp như thơ là đoạn chú Năm “nhậu vào ba hột là chú nói tới”, hay “hò lên mấy cáu”. Câu hò khiến chú xúc động “đôi mắt mở to, đọng nước. Đoạn văn khác kể về cuốn sổ gia đình chú ghi, hầu để sau này “giao… cho chị em bây”. Cuốn sổ lần về quá khứ lẫn trong hiện tại, không theo năm tháng. Đó là chứng tích lịch sử được khơi dậy lại, chéo lại bởi cái nhìn, cái cảm, cái yêu, cái ghét của một tính cách Nam Bộ trọng nghĩa, bộc trực, sôi nổi, yêu đời.
Ba và má Việt hiện về trong Việt như những kỉ niệm về lòng yêu thương và căm thù. Tình yêu của ba má, con đường của ba và tội ác của giặc khiến chị em Việt không thể không lên đường cứu nước. Những đoạn văn này Nguyễn Thi như đồng cảm với nhân vật và viết nên bằng nước mắt. Đọc, thấy xúc động cùng nhân vật; đau nỗi đau cùng nhân vật…
Hai nét chính yếu của Nghệ Thuật đồng hiện trong Những đứa con trong gia đình mà ta vừa phân tích trên, có nhiều tác dụng đối với truyện. Chính nó làm cho câu chuyện thảm khốc và hào hùng, đậm đà tình người… tưởng như chập chờn, đứt nối, rời rạc., liền lại trong mạch ngầm tâm tường khá chặt chẽ. Chặt chẽ nhưng vẫn giữ được cái vẻ bề bộn của tầng tầng lớp lớp chi tiết trong cuộc sống thường và trong chiến trận hồi chiến tranh. Các mảng sự kiện, những đoạn đời trong quá khứ và hiện tại như được cố tình đan chéo vào nhau, bố sung cho nhau một cách hợp lí, làm cho tính cách nhân vật được khắc họa rõ nét và chủ đề truyện được bộc lộ khá nổi bật. Lối kết cấu đặc biệt này buộc tác giả phải đi đến tận cùng trong việc phân tích và diễn đạt diễn biến phức tạp nhưng tinh tế của tâm lí nhân vật. Nó cũng đòi hỏi nhà văn phải nhập thân như người trong cuộc, am hiểu và đồng cảm với nhân vật. Tất cả những điều này, Nguyễn Thi đều vượt qua và thể hiện rất thành công.
Nghệ thuật đồng hiện trong Những đứa con trong gia đình có tầm khái quát bởi những thủ pháp chính của lối kết cấu này hầu hết đã được Nguyễn Thi thể hiện thành công trong truyện. Thực ra lôi kết cấu này không mới. Cái mới ở đây là nó được thực hiện khá toàn diện và đạt được những đỉnh cao. Những đỉnh cao này ghi dấu những đóng góp quý báu của Nguyễn Thi trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam, đặc biệt là bộ phận văn học viết về đề tài chiến tranh và cách mạng.
Phân tích những đặc sắc nghệ thuật – Mẫu 4
Viết về đề tài gia đình trong chiến tranh, truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi được coi là một tác phẩm thành công, góp phần vào sự thành công của cả tác phẩm chính là nghệ thuật kể chuyện linh hoạt, độc đáo hấp dẫn.
Tác phẩm kể chuyện một gia đình cách mạng, mọi thành viên đều là chiến sĩ diệt Mĩ kiên cường. Thù nhà nợ nước thống nhất làm một. Tình gia đình và tình cách mạng hoà lẫn vào nhau: ba má Việt gặp và lấy nhau vì cùng cầm súng giết giặc. Họ đều ngã xuống trong chiến đấu. Những đứa con của họ (Việt và Chiến gắn bó với nhau trong tình ruột thịt và trong niềm tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình. Người mẹ nuôi con lớn lên để rửa thù cho cha. Những đứa con giành nhau nhập ngũ để trả thù cho ba má… Một câu chuyện như thế tuy cảm động nhưng khá nặng nề, dễ đơn điệu và trùng lặp, nếu không sáng tạo một cách trần thuật độc đáo, linh hoạt.
Tác giả đã chọn một lối trần thuật theo quan điểm của nhân vật, một chú lính trẻ tên Việt. Chú giải phóng quân này bị trọng thương và lạc đồng đội, một mình nằm giữa chiến trường sau một trận ác chiến còn để lại khói lửa mịt mù và xác giặc ngổn ngang. Chú nhớ đồng đội, nhớ chị, nhớ chú Năm, nhớ những ngày ba má còn sống, nhớ những buổi bắn chim, câu cá, bắt ếch, nhớ ngày cùng chị nhập ngũ và lên đường… câu chuyện được thuật kể qua dòng hồi ức của chú khi đứt khi nối bởi vì chú nhiều lần ngất đi rồi lại tỉnh lại. Câu chuyện vì thế không diễn ra theo trật tự thời gian, không gian tự nhiên mà theo logic chủ quan của tâm lí nhân vật nên hết sức biến hoá. Các sự việc, các nhân vật của gia đình hiện lên với màu sắc tình cảm đậm đà và hấp dẫn… Chuyện kể đến đâu thì tính cách nhân vật cũng hiện ra đến đây một cách sinh động và đậm nét.
Đây không phải thủ pháp nghệ thuật nhưng không phải ai cũng sử dụng được thành công. Phải am hiểu sâu sắc tâm lí nhân vật… phải nhập vai nhân vật và nói được đúng giọng nhân vật..Đây là sở trường của Nguyễn Thi, nhà văn của người nông dân vùng đồng bằng Nam Bộ.
Bên cạnh nghệ thuật kể chuyện độc đáo, vừa phân tích, Nguyễn Thi vừa xây dựng được những tính cách nhân vật phong phú, hấp dẫn. Qua dòng hồi tưởng của Việt, một “đứa con trong gia đình” cách mạng, ta thấy hiện lên các nhân vật: ba, má Việt, chú Năm, chị Chiến và Rất dễ dàng nhận thấy cả năm nhân vật đều cùng chung bản chất, xét về phương diện phẩm chất cách mạng: yêu nước, căm thù giặc, thuỷ chung với cách mạng và tự hào truyền thống mạng của gia đình.
Ngoài ra, những nhân vật chính diện của Nguyễn Thi thường có một tính :chất chung này gọi là: “Chất út Tịch”, ấy là cái tinh thần kiên cường gan góc, thù ngùn ngụt, say mê chiến đấu, dường như sinh ra là để cầm súng giết giặc. Tuy nhiên mỗi người lại có một gương mặt riêng, một tính cách khác nhau. Chỗ đặc sắc của nghệ thuật khắc hoạ hình tượng nhân vật của Nguyễn Thi là ở Đáng chú ý hơn cả là ba nhân vật chú Năm, Chiến và Việt.
Chú Năm đúng là một người nông dân Nam bộ, thật thà, vui tính, bộc trực, người này rất giàu tình cảm và trí tưởng tượng lãng mạn, nhất là khi nổi cảm hứng và cất tiếng hò: “Lúc đó, gân cổ chú nổi đỏ lên, tay chú đặt lên vai Việt, đôi mắt chú mở to, đọng nước, nhìn thẳng vào mặt Việt, đầu chú lắc lư, nhắn nhủ, làm chính Việt là nơi cụ thể để chú gởi gắm những câu hò ấy, hoặc chính Việt là những câu hò đó. Theo từng câu hò, khi thì Việt biến thành tấm áo quàng hoặc sông dài cá lội của chú, khi thì Việt biến thành người nghĩa quân Trương Định, ngọn đèn Biển Gò Công, hoặc ngôi sao sáng ở Tháp Mười”.
Chiến là một cô gái mới lớn lên, tính khí còn rất “trẻ con”: tranh công bắt ếch, tranh công bắn tàu giặc với em… Ngay trước khi nhập ngũ để trở thành một giải phóng quân, vẫn giành nhau với em để đi bộ đội trước… Nhưng khác với đứa em trai, cô có thể ngồi lì suốt một buổi chiều để đánh vần cuốn sổ ghi công đình của chú Năm – đây là cái chất gan lì thừa hưởng từ mẹ. Ba má mất cả, là chị nên sớm biết nhường nhịn em, sớm biết tính toán lo liệu việc nhà. Điều này thể hiện rất rõ trong giờ phút cùng em lên đường đánh giặc để trả thù ba má. Không phải ngẫu nhiên mà Việt thấy chị nghĩ ngợi, nói năng “nghe in như má vậy” còn chú Năm thì thật sự tán phục “Khôn! Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thất, đặng bề nước noa..”
Ngoài ra ở nhân vật này có một chất trẻ trung và cái duyên dáng của một cô thiếu nữ, thể hiện ở cái cử chỉ bịt miệng cười khi chú Năm cất tiếng hò, ở nét lông mày cau lại, chéo khăn hờ ngang miệng, cặm cụi ngồi đánh vần cuốn sổ chú Năm, ở cái tiếng “hứ một cái cóc” khi cậu em bảo mình nói năng hệt như má vậy…
Việt thì tỏ ra là một cậu con trai của đồng quê, tính hiếu động (suốt ngày lang thang bắn chim, câu cá, bắt ếch, lúc nào cũng có cái ná thun trong người, tể cả khi đã đi bộ đội…), hiếu thắng (Bắt ếch, bắn tàu giặc, ghi tên nhập ngũ bao giờ cũng tranh phần hơn). Là con trai, là em (quen được chiều chuộng) nên mọi việc đều được ỉ lại cho chị, cho chú; chỉ kém chị một tuổi, “trẻ con” hơn nhiều và vô tâm vô tính chẳng biết lo nghĩ gì, kể cả ngày nhập ngũ… Là trai, Việt thường che dấu tình cảm uỷ mị, nhưng bản chất rất giàu tình cảm. Nằm ở chiến trường, chú nhớ má, nhớ chú Năm, chị Chiến, nhớ thằng em nhớ anh em đồng đội. Chú “Ước gì bây giờ lại được gặp má. Phải, ví như má đang bơi xuồng, má sẽ ghé lại, xoa đầu Việt, đánh thức Việt dậy, rồi lấy xong cơm đi làm đồng để dưới xuồng lên cho Việt ăn…”. Chú nhớ chị thương chị vô cùng, tuy vẫn giành phần hơn với chị, ở đơn vị, chú giấu biệt chị đi vì chỉ sợ lộ ra họ sẽ lấy mất chị. Cách thể hiện tình cảm đích đáng nhất ở Việt là đánh giặc. Đấy là cách thương má, thương ba, thương chị, thương chú Năm của Việt cho nên khi đồng đội tìm thấy Việt nằm ngất đi ở chiến trường ngón tay chú vẫn đặt trên cò súng và một viên đạn đã lên nòng sẵn sàng bắn vào quân giặc…
Ngoài nghệ thuật kể truyện, ngoài thành công trong cách xây dựng nhân Những đứa con trong gia đình còn có những đoạn văn tuyệt hay ấy là đoạn Việt nhớ lại ngày chị em Việt ghi tên tòng quân và chuẩn bị lên đường.
Đêm ấy hai chị em trò chuyện với nhau, thu xếp chuyện nhà chuyện chuyện của, gửi lại chú Năm bàn thờ má và thằng em út, chuyện hứa hẹn, khuyên nhau… Chị Chiến bỗng ăn nói nghiêm trang, xưng chị em (chứ không mày tao như mọi khi), bàn bạc, dặn dò em y hệt như giọng của mẹ xưa. Còn Việt thì vẫn rất trẻ con, mặc cho chị lo toan tất cả. Nhưng chú nhớ má vô cùng và tưởng như má cũng trở về để ngó coi chị em Việt tính chuyện nhà chuyện cửa như thế nào trước lúc lên đường. Đây là một đoạn đối thoại rất sinh động, vui và cảm động.
Sáng hôm sau, trước lúc lên đường, chị em Việt khiêng bàn thờ má sang gửi bên chú Năm. Việt thương chị vô cùng, thương má vô cùng. Mối căm thù trĩu nặng trên vai như một trọng lượng cụ thể. Đây cũng là một đoạn văn có thể làm rơi nước mắt:
“Chị Chiến ra đứng giữa sân, kéo cái khăn trên cổ xuống, cũng xắn tay áo để lộ hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng, rồi dùng cả thân người to và chắc nịch của mình nhấc bổng một đầu bàn thờ má lên. Việt ghé vào một đầu. Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú. Chúng con đi đánh giặc trả thù cho mà đến chừng nào nước nhà độc lập con lại đưa má về. Việt khiêng trước. Chiến khiêng lịch bịch phía sau. Nghe tiếng chân chị Việt Thấy thương chị. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế. Còn mối thù thằng Mĩ thì có thể sờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai”.