Bài văn mẫu lớp 7: Miêu tả một bức tranh

Bài văn mẫu lớp 7: Miêu tả một bức tranh

Bài văn mẫu lớp 7: Miêu tả một bức tranh là những gợi ý hữu ích cho các em học sinh lớp 7 hoàn thiện bài văn này trước khi đến lớp.

Bạn đang đọc: Bài văn mẫu lớp 7: Miêu tả một bức tranh

Đây là tài liệu vô cùng hữu ích, gồm 3 bài văn mẫu được chúng tôi tổng hợp từ những bài văn mẫu hay nhất của các bạn học sinh trên toàn quốc. Hi vọng qua tài liệu này các bạn đã có được những sự tham khảo để làm văn tốt hơn. Chúc các bạn thành công, học tập tốt.

Miêu tả một bức tranh – Mẫu 1

Mùng hai Tết vừa qua, em được mẹ cho đi theo đến nhà cô Thủy chúc Tết. Phòng khách trang hoàng thật thanh nhã. Trên bàn là cây mai bonsai nhỏ xíu nở đầy hoa. Ngồi ở sa lông, em có thể ngắm rất rõ bức tranh sơn dầu của họa sĩ nổi tiếng Trần Văn Cẩn có tên là Em Thúy, treo giữa bức tường đối diện, vẽ một cô bé ngồi trên chiếc ghế mây. Tuy không có năng khiếu hội họa nhưng em cảm nhận rằng đây là một bức chân dung rất đẹp.

Cô bé trong tranh khoảng gần mười tuổi, mặc bộ váy áo màu trắng. Mái tóc dài chấm vai, gương mặt trái xoan, đôi má thoáng sắc hồng của hoa đào, vầng trán cao, lông mày thanh tú. Chiếc mũi dọc dừa xinh xinh và đôi môi mọng tạo cho gương mặt vẻ tươi tắn rất đáng yêu. Đặc biệt là đôi mắt mở to, đen láy, linh động như thật. Em thử thay đổi vị trí nhưng dù ngồi ở chỗ nào thì đôi mắt ấy cũng như dõi theo em.

Phải nói rằng họa sĩ vẽ bức tranh này rất tài tình. Ông thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn của cô bé qua đôi mắt trong sáng, thông minh và dịu dàng khó tả. Nét ngây thơ, hồn nhiên cùng sức sống mơn mởn bộc lộ qua từng đường nét. Em rất thích cái dáng ngồi của cô bé trong tranh. Cô bé ngồi trên chiếc ghế mây, hai bàn tay với những ngón thon dài đan vào nhau trên đầu gối. Tư thế ấy vừa tự nhiên, vừa pha chút e thẹn, ngại ngùng, rất là con gái.

Càng ngắm kĩ, em càng thấy đây quả là một bức chân dung hoàn hảo. Không hiểu sao bất chợt em lại nảy ra ý nghĩ là trông Thúy giống như một nụ hồng bạch vừa hé nở, có vẻ đẹp vừa mộc mạc vừa cuốn hút. Lạ lùng hơn nữa là em cảm thấy dường như bạn ấy rất gần gũi, quen thuộc với em. Hằng ngày, Thúy vẫn cùng em, tung tăng cắp sách, tới trường.

Miêu tả một bức tranh – Mẫu 2

Thiên nhiên giản dị, tươi đẹp miền thôn dã muôn đời nay vẫn là người bạn gắn bó của các thi nhân – dù cho thi nhân ấy có là một nhà vua đi chăng nữa. Trong bài thơ “Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra” tức “Thiên Trường vãn vọng” của nhà vua Trần Nhân Tông, khung cảnh thiên nhiên hiện lên thanh bình yên ả khiến lòng người thấy tĩnh tâm lạ thường.

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
Bóng chiều man mác có đường không
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

Trần Nhân Tông là một vị vua nổi tiếng đời nhà Trần sống ở thế kỉ XIII của dân tộc. Ông là người yêu dân, yêu nước và nổi tiếng khoan hòa, êm ái. Dưới triều đại của mình, ông chẳng những đã đoàn kết được tướng sĩ, nhân dân đánh thắng giặc Mông – Nguyên mà còn xây dựng cho nhân dân đời sống ấm no, yên ổn. Sau khi rời ngai vàng, ông lên núi Yên Tử tĩnh tu và được tôn là tổ sư của thiền phái Trúc Lâm… Tương truyền rằng sau khi lãnh đạo dân ta chống giặc Mông – Nguyên thắng lợi, đất nước trở lại yên bình, nhân dịp thăm quê cũ ở Thiên Trường, vua Trần Nhân Tông đả tức cảnh sinh tình mà viết nên “Thiên Trường vãn vọng”. Bài thơ được viết theo thể thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt, âm điệu bài thơ nhẹ nhàng, hài hòa, thanh thoát.

Phủ Thiên Trường, Nam Định vốn là quê cũ của nhà Trần. Đó là một miền quê yên ả, thanh bình. Trong bài thơ, tác giả đã vẽ lên một bức tranh thôn dã vào lúc chiều tả, hoàng hôn đang kéo đến:

“Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
Bóng chiều man mác có dường không”

Trong nguyên văn chữ Hán, cụm từ bán vô bán hữu nghĩa là nửa như có nửa như không gợi phong cảnh mờ ảo; vừa như có lại như không; vừa thực lại vừa hư. Quang cảnh gợi lên ở đây là làng xóm đang mờ trong sương khói. Thôn xóm, nhà tranh, làng quê nối nhau, san sát, sum vầy phía trước, phía sau, khói phủ nhạt nhòa, mờ tỏ, nửa như có, nửa như không. Khói tỏa ra từ đâu vậy? Phải chăng, đây chính là khói bếp nhà tranh và lớp sương chiều làng đang hòa quyện với nhau thành một làn sương – khói trắng mờ, êm dịu bay nhẹ nhàng khiến người ta cảm thấy chỗ tỏ, chỗ mờ, lúc có lúc không? Tâm hồn người lâng lâng bởi cảnh hay chính lòng người đang lâng lâng, mơ mộng nên nhìn thấy xóm làng thanh bình, êm ả đến? Cảnh tượng trong hai câu thơ đầu trầm lặng làm sao! Cảnh có nét thực nhưng lại có nét ảo. Chính điều này tạo lên sự mơ màng, nên thơ rất độc đáo của câu thơ.

Đến hai câu sau đã có sự xao động trong cảnh vật:

“Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng”.

Cách nơi nhà vua đứng không xa, mấy chú bé chăn trâu đang lùa trâu về làng, vừa ngồi trên lưng trâu vừa thổi sáo. Tiếng sáo vi vu, văng vẳng, cất lên làm xao động lòng người. Xa xa, trên cánh đồng lúa, mấy cánh cò trắng đang từng đôi một sà xuống như muốn tìm mồi hay định nghỉ ngơi! Người, vật, đồng ruộng, màu sắc, âm thanh…, tất cả đã hòa nhập với nhau để vẽ non bức tranh quê hương thanh bình, êm vắng mà thật có hồn.

Qua bức tranh được miêu tả, có thể nhận thấy cảnh tượng nhìn từ phủ Thiên Trường thật nên thơ. Đứng trước cảnh thiên nhiên ấy, tác giả như chìm đắm say sưa trong cảnh vật. Ngắm nhìn, thưởng thức nét đẹp của xóm thôn mà vui mừng với cuộc sống không vướng bận binh đao.

Tác giả của bài thơ là một ông vua có tâm hồn thi sĩ. Đọc bài thơ, ta thấy hoàn toàn không có sự ngăn cách nào giữa một người lãnh đạo cao nhất của một quốc gia với một người nông dân thuần phác (cảnh dược nhìn và miêu tả ở những nét gần gũi và dân dã nhất). Điều đó cho thấy, nhà vua rất gần dân chúng, rất yêu dân, yêu chuộng sự thanh bình. Phải chăng vì các vị vua Trần rất thân dân, yêu dân như con mà mỗi khi đứng trước hoạ xâm lăng (nhất là trong ba lần quân Nguyên – Mông xâm lược nước ta) nhà Trần đều lãnh đạo nhân dân chống xâm lược thành công.

“Thiên Trường vãn vọng” (Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra) của Trần Nhân Tông là một bức tranh phong cảnh làng quê xinh xắn. Nó đã gợi được cái hồn, cái cốt của làng quê Việt Nam. Bài thơ phảng phất chất thiền thể hiện tâm hồn sâu lắng, thanh cao của bậc vua hiền tài nhân ái Trần Nhân Tông.

Miêu tả một bức tranh – Mẫu 3

Trong cuộc sống của mình, đã có rất nhiều lần những hình ảnh vô tình để lại trong kí ức những ấn tượng khó phai. Đó là những hình ảnh đẹp đẽ, những hình ảnh ấn tượng, có sức hút hay đơn giản những hình đó khiến cho chúng ta ám hay hay khiến chúng ta rung cảm, chạm được vào nơi sâu nhất đối với trái tim của mỗi người. Đối với bản thân của tôi cũng thế, trong nhà, trên đường đi học, ở trường hay bất cứ nơi đâu cũng xuất hiện những hình ảnh ấn tượng mà dù chỉ thoáng qua nhưng rất lâu sau đó em đều có ấn tượng vô cùng rõ rệt. Nói về những hình ảnh mà em đã chứng kiến, đã cảm nhận mà em ấn tượng sâu sắc nhất, có thể kể đến bức tranh minh họa trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp tám, tập một. Đó là hình ảnh minh họa về mẹ con của cậu bé Hồng trong đoạn trích “Trong lòng mẹ”.

Văn bản “Trong lòng mẹ” trích Những ngày thơ ấu của nhà văn Nguyên Hồng là một trong những bài học đầu tiên được đưa vào chương trình học môn ngữ văn của học sinh lớp tám. Sau khi học bài này tôi đã vô cùng xúc động trước tình cảm sâu đậm của cậu bé Hồng dành cho mẹ của mình, dù bị bà cô “tiêm nhiễm” bao thứ xấu xa giả dối về người mẹ của mình nhưng tình cảm ấy vẫn không hề mảy may bị thay đổi, tác động. Và cũng chính hình ảnh hiền từ của người mẹ cùng những tình cảm yêu thương âm thầm, nhưng sâu sắc mạnh mẽ của người mẹ dành cho đứa con của mình khiến cho tôi cảm động hơn nguôi.

Góp phần minh họa, hỗ trợ cho nội dung bài học, hình ảnh minh họa của văn bản cũng là một khoảnh khắc ấn tượng, tạo ra sự ám ảnh sâu sắc về tình cảm mẫu tử thiêng liêng của cậu bé Hồng với người mẹ của mình. Nói về nội dung của tác phẩm, ta có thể tóm tắt như sau: Chú bé Hồng là kết quả của một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, cha của Hồng lớn tuổi hơn mẹ của Hồng và giữa họ không hề tồn tại tình yêu. Khi bố của Hồng mất, trước sự đối xử hà khắc của nhà chồng mà mẹ của Hồng phải bỏ lại Hồng mà đi tha hương cầu thực.

Cuộc sống của bé Hồng vô cùng bất hạnh, mất cha, mẹ lại tha hương nơi đất người không rõ tình hình. Không chỉ vậy, Hồng còn có một bà cô vô cùng cay độc, tàn nhẫn, không chỉ đối xử tàn nhẫn khiến cho mẹ của Hồng vì quá khổ sở mà bỏ con mà đi. Nhưng ngay với Hồng, đứa cháu ruột thịt của bà ta thì bà ta cũng đối xử hết sức vô tình, lạnh lùng. Hàng ngày, bà cô tiếp cận Hồng và nói với Hồng những điều không hay ho về người mẹ đáng thương của Hồng. Rằng có người nhìn thấy mẹ của Hồng đã có gia đình mới nên sẽ không còn yêu thương, chăm sóc Hồng, vì vậy mà đến giờ vẫn chưa chịu về thăm Hồng, hơn nữa mẹ Hồng cũng đã có em riêng nên việc Hồng sẽ bị lãng quên.

Tuy nhiên những lời nói đầy cay độc của bà cô không làm cho cậu bé trở nên chán ghét mẹ như mong muốn của bà ba mà ngược lại càng làm cho Hồng thương mẹ nhiều hơn. Sự nhẫn nhịn chịu đựng của cậu bé Hồng khiến chúng ta cảm động khôn nguôi. Dù Hồng và mẹ xa nhau trong khoảng cách không gian nhưng trong cảm nhận của Hồng thì hình ảnh của mẹ luôn luôn ở bên, đâu đó xung quanh cuộc sống của Hồng. Cũng chính vì vậy mà trong một lần tan học, hình ảnh thoáng qua của một người phụ nữ ngồi trên chiếc xe kéo thì Hồng đã nhận ngay ra người mẹ đáng thương của mình mà vụt chạy theo.

Hình ảnh cậu bé Hồng chạy theo chiếc xe làm cho người đọc phải thổn thức vì nó quá xúc động. Tình yêu của em thật lớn lao, thật thiêng liêng khiến cho hình ảnh thân quen của mẹ chỉ thoáng vụt qua cũng khiến cho em nhận thức được. Hình ảnh minh họa cho đoạn trích “Trong lòng mẹ” chính là hình ảnh một người phụ nữ ngồi trên chiếc xe kéo, âu yếm ôm Hồng đầy tình cảm thương yêu. Hình ảnh tuy chỉ được phác họa bằng hai tông màu chính, hình ảnh cũng không phải quá chau chuốt, đẹp đẽ nhưng với tôi, cái làm nên cái “Thần” của bức tranh này chính là tình cảm thương yêu của tình mẫu tử đã thấm đượm qua từng chi tiết.

Trong bức tranh, cậu bé Hồng ngồi nép sát vào lòng mẹ, cảm xúc bị dồn nén lâu nay như một con thác ào ào tuôn chảy. Bao nhiêu tủi thân, mà trên hết là yêu thương, chỉ khi trước mặt mẹ thì Hồng mới dám bộc lộ ra, khác hẳn với một cậu bé thâm trầm, nhẫn nhịn trước đó. Hình ảnh người mẹ tiều tụy, xác xơ khác hẳn với lời miêu tả của bà cô, chứng tỏ người mẹ này đã phải trải qua một cuộc sống bươn chải không hề dễ dàng. Người mẹ ôn tồn nhìn con bằng ánh mắt hiền từ, yêu thương nhất. Người mẹ ấy lau đi dòng nước mắt cho con, bàn tay vuốt từ trán xuống cằm, gãi rôm ở sống lưng cho Hồng.

Những hình ảnh hết sức giản đơn nhưng nó lại là minh chứng cho một tình mẫu tử bất diệt. Bởi trong cảm nhận của tôi, chỉ khi tình cảm của con người đủ lớn, đủ cao cả thiêng liêng thì những hành động giản đơn ấy mới được ghi nhớ, khắc sâu đến vậy. Và hình ảnh minh họa của mẹ con Hồng đã cho tôi thấy được sự mãnh liệt trong tình cảm đó. Tuy chi tiết kết thúc đoạn trích là khoảnh khắc Hồng ngã vào lòng mẹ, nhưng với tình cảm mẫu tử của mẹ con Hồng hoàn toàn cho ta một cảm nhận khác, đó chính là một niềm tin vào tương lai đoàn tụ, một tương lai tươi sáng hơn cho cả Hồng và mẹ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *