Bài viết số 1 lớp 9 đề 4: Thuyết minh về một nét đặc sắc trong di tích thắng cảnh quê em

Bài viết số 1 lớp 9 đề 4: Thuyết minh về một nét đặc sắc trong di tích thắng cảnh quê em

TOP 5 bài Thuyết minh về một nét đặc sắc trong di tích thắng cảnh quê em hay, đặc sắc nhất, giúp các em học sinh lớp 9 rèn kỹ năng viết văn thuyết minh thật tốt, để nhanh chóng hoàn thiện bài viết số 1 lớp 9 đề 4 thật hay.

Bạn đang đọc: Bài viết số 1 lớp 9 đề 4: Thuyết minh về một nét đặc sắc trong di tích thắng cảnh quê em

Bài viết số 1 lớp 9 đề 4: Thuyết minh về một nét đặc sắc trong di tích thắng cảnh quê em

Mỗi di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh lại gắn liền với những sự kiện lịch sử, câu chuyện. Với 5 bài Thuyết minh nét đặc sắc trong di tích thắng cảnh quê em dưới đây sẽ giúp các em có thêm nhiều ý tưởng mới, nhanh chóng viết bài văn thuyết minh thật hay!

Thuyết minh về một nét đặc sắc trong di tích thắng cảnh quê em

    Dàn ý thuyết minh về nét đặc sắc trong di tích quê em

    I. Mở bài

    Giới thiệu chung về di tích, thắng cảnh ở quê em (vị trí, đặc điểm chung về di tích, danh lam thắng cảnh).

    II. Thân bài

    1. Nguồn gốc

    • Di tích đó được phát hiện, xây dựng vào thời điểm nào?
    • Những sự kiện lịch sử, câu chuyện gắn liền với sự ra đời của di tích.

    2. Nét đặc sắc

    • Miêu tả những nét đặc sắc nhất, độc đáo nhất (về kiến trúc, ẩm thực, lễ hội…)
    • Đôi nét về những cảnh quan thiên nhiên xung quanh

    3. Vai trò, ý nghĩa đối với đời sống tinh thần của địa phương

    • Phương diện vật chất
    • Phương diện tinh thần

    III. Kết bài

    Tình cảm của em đối với danh lam, thắng cảnh đó.

    Thuyết minh về nét đặc sắc trong di tích quê em – Mẫu 1

    Vịnh Hạ Long là một vùng biên đảo thuộc Bắc Bộ, phía Đông giáp với biển Đông, phía Bắc giáp với Trung Quốc, phía Tây giáp với đảo Cát Bà. Với diện tích gần 2000 km2 và hàng trăm đảo lớn nhỏ. Vịnh Hạ Long của chúng ta đã được UNESCO công nhận hai lần là “Di sản văn hoá thế giới”, một lần vào năm 1994 và một lần vào năm 2000. Với hai lần danh dự ấy, vịnh đã vượt qua vạn dặm để thế giới biết đến nó, để có thể sánh vai với các đại danh lam khác trên địa cầu này, mà đất mẹ đã ban tặng cho con người.

    Khí hậu nhiệt đới gió mùa rõ rệt với hai mùa: mùa hè nóng ẩm, mùa đông lạnh khô. Đây là một kiểu khí hậu đặc trưng cho khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Mưa nhiều gần như quanh năm nên chúng ta đã vô tình tạo nên các động thạch nhũ hùng vĩ. Với chiều dài, chiều cao, chiều sâu rất lớn, cùng với các tầng nối tiếp nhau, làm cho du khách tham quan cứ ngỡ đây là một mê cung khổng lồ. Ở vài tầng, người ta còn thấy những cột thạch nhũ bán kính gần hai mét. Lại có một số nơi, người ta thấy có những khối thạch nhũ, với dáng vóc như một ông lão đang ngồi câu cá, hay một con rùa già đang nằm đó suy nghĩ cùng với thời gian. Quả thật, đâu có ai ngờ, những hạt mưa bé nhỏ, tưởng chừng như vô hại kia lại có thể khoét núi, đục đất, gò đẽo đá thành những kì quan hùng vĩ đến thế.

    Về ý nghĩa của tên vịnh, tôi cũng đã có lần tìm hiểu, tương truyền rằng ngày xưa, có một con rồng rất to lớn, trên mình của nó là những vây nhọn. Con rồng bay lên trời và thấy vùng đất xinh đẹp này thì rất thích và qua một vài biến cố, nó quyết định đáp xuống nơi này và hoá thành vịnh Hạ Long như ngày nay. Những chiếc vảy của nó hoá thành những ốc đảo nhỏ, nhô lên khắp mặt vịnh. Câu chuyện ấy được dân gian truyền đi với rất nhiều dị bản, song chi tiết con rồng là không thể sai. Những ốc đảo ấy, người ta lại truyền rằng: chúng có linh hồn và gắn bó với một truyền thuyết nào đó. Ông cha ta phải có đầu óc sáng tạo phi thường khi thổi vào đấy những thứ vô tri vô giác ấy một sức sống, một linh hồn.

    Trong mắt những nhà khoa học thì vịnh Hạ Long là một núi kiến thức khổng lồ, chờ họ khai thác. Với các dạng địa hình và hoá chất tồn tại trong đất, đây đã trở thành một nơi nghiên cứu địa chất.

    Không những vậy, đối với các nhà sinh học vịnh Hạ Long đang ôm trong nó một đa dạng sinh học khổng lồ với hàng trăm, hàng vạn các loài động thực vật, vi sinh vật sinh sống, trong đó có rất nhiều loài đặc trưng cho Việt Nam.

    Nét nên thơ của vịnh Hạ Long cũng cuốn hút những thi sĩ. Nếu như ai đã từng ngắm trăng trên thuyền, đã từng có một lần đi trong sương sớm, hay dạo quanh hồ trong bóng xế tà thì chắc hẳn họ cũng muốn trở thành một thi sĩ để thể hiện lại nét lãng mạn, nét quyến rũ của vịnh Hạ Long. Một nét quyến rũ mà có lẽ chỉ với tự nhiên mới thể hiện được. Nét đẹp ấy không chỉ tác động đến con người Việt Nam mà nó còn lan xa, toả rộng đến khắp năm châu bốn bể và trở thành một biểu tượng đẹp của ngành du lịch Việt Nam.

    Vịnh Hạ Long không chỉ đẹp về vật chất mà nó còn ẩn chứa một nét đẹp về tinh thần. Nếu đã có may mắn ghé thăm “Thần Rồng”, xin hãy im lặng để không làm tỉnh giấc vị thần ấy, và cũng để nghe được nhịp đập của sự sống, sức sống của tự nhiên và một tâm hồn Việt đang ẩn chứa đâu đó xung quanh “Thần Rồng”. Là những hậu duệ, ta phải biết gìn giữ “di sản văn hoá”, để nó có thể trường tồn với thời gian, để đời sau có thể ngắm nhìn một Hạ Long thực thụ, chứ không phải là một hình ảnh lu mờ của quá khứ; để con cháu ta có thể nghe được thiên âm của đất mẹ mà gió là đàn, đá là trống, nước là một giọng hát trong trẻo, tất cả cùng hoà vang khúc nhạc của sự sống, khúc nhạc của tự nhiên.

    Thuyết minh về nét đặc sắc trong di tích quê em – Mẫu 2

    Việt Nam – mảnh đất hình chữ S với biết bao nhiêu những danh lam thắng cảnh đặc sắc. Nhưng có lẽ, đối với riêng tôi, mảnh đất Hà Nội – quê hương đã gắn bó với nhiều kỉ niệm tuổi thơ là đẹp nhất.

    Hà Nội mang trong mình nét đẹp hài hòa giữa sự cổ kính và hiện đại. Trải qua những năm tháng chiến tranh hào hùng, thành phố đã được đổi tên nhiều lần Đông Đô, Thăng Long để đến với cái tên Hà Nội như ngày hôm nay.

    Hà Nội cổ được biết đến với ba mươi sáu phố phường. Trong những bức hoạ nổi tiếng về Hà Nội, hình ảnh những con phố cổ nhỏ quanh co với những ngôi nhà mái ngói ngả màu rêu phong đã trở thành một nét riêng, một phần trong tâm hồn người Hà Nội, mà mỗi khi nhìn thấy, người ta không thể không cảm thấy một nỗi xao xuyến khó tả. Phố cổ Hà Nội được đặt tên theo các mặt hàng mà con phố đó buôn bán. Nào là hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay.. Ngày nay vẫn còn những tên phố duy trì được đặc trưng này. Có những phố, hầu hết các gia đình đều theo một nghề thủ công. Nghề được cha truyền con nối và tồn tại đến tận ngày nay.

    Nét cổ Hà Nội còn được thể hiện qua những công trình kiến trúc đẹp và độc đáo. Nằm giữa lòng thành phố là Hồ Hoàn Kiếm với hai địa danh nổi tiếng là Tháp Rùa và đền Ngọc Sơn. Khi nhắc đến Hồ Gươm người ta nhớ đến “Truyền thuyết Hồ Gươm” kể về việc vua Lê Lợi được Rùa Vàng cho mượn gươm đánh giặc. Ta cũng không quên nhắc đến Văn Miếu – ngôi trường đại học cổ nhất của Việt Nam. Với những tấm bia tiến sĩ ghi lại tên tuổi các vị tiến sĩ qua từng triều đại. Ngoài ra, đó còn là ngôi chùa Trấn Quốc, nằm trên một dải đất nhỏ trên Hồ Tây. Chùa là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội với những bàn thờ các đức Phật uy nghiêm bên trong, cùng lăng tẩm của các vị chân tu qua nhiều đời trụ trì. Mênh mông xung quanh là nước, ngôi chùa nằm trên đường Thanh Niên này được xây dựng từ thế kỉ thứ 6. Hay như đền Quán Thánh gần đó được xây dựng vào năm 1010. Ngôi đền thu hút được sự ngưỡng mộ của du khách nhờ bức tượng Huyền Thiên (một trong bốn vị tướng trấn thành Thăng Long) được đúc bằng đồng đen cao 3,72m, nặng bốn tấn. Đây là một trong những tác phẩm độc đáo mà các nghệ nhân đúc đồng cổ Hà Nội để lại cho con cháu. Ngắm nhìn bức tượng, các nghệ nhân ngày nay cũng phải thầm cảm phục sự khéo léo của các bậc tiền bối bởi bức tượng khổng lồ này hoàn toàn được đúc bằng tay với những dụng cụ rất thô sơ của thế kỷ XVII. Chùa Kim Liên ở phủ Tây Hồ cũng là một di tích độc đáo…

    Bên cạnh vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc, Hà Nội còn khoác lên mình một vẻ đẹp hiện đại. Đó chính là vẻ đẹp của kiến trúc Pháp. Với một loạt các công trình mang đậm dấu ấn phương Tây như: Nhà Thờ Lớn, Bắc Bộ Phủ, Nhà Hát Lớn… Ngoài ra, sự hiện đại của thủ đô cũng thể hiện qua việc ngày càng có nhiều những tòa nhà cao tầng được xây dựng.

    Nét đẹp của Hà Nội dù hiện đại hay cổ kính đều có những vẻ đẹp riêng biệt. Mỗi chúng ta, hãy luôn trân trọng vẻ đẹp của một thủ đô ngàn năm văn hiến.

    Thuyết minh về nét đặc sắc trong di tích quê em – Mẫu 3

    Huế được biết đến là nơi phong cảnh hữu tình với những nét đặc sắc về danh lam, thắng cảnh của một kinh thành cổ xưa. Tuy nhiên, nếu nói đến vẻ đẹp đặc trưng nhất ở Huế, chắc hẳn phải kể đến kiến trúc của Kinh thành Huế.

    Kiến trúc kinh đô Huế là một quần thể kiến trúc rộng lớn bao gồm: Hoàng thành, các cung điện, lăng tẩm… được xây dựng dựa trên sở thích của các vua. Kiến trúc cung đình đa phần sử dụng những mẫu trang trí mang tính quy phạm gắn với tư tưởng Nho giáo. Bên cạnh kiến trúc cung đình là những làng cổ được xây dựng cách không xa Hoàng thành. Rất nhiều làng nghề thời này làm ra những sản phẩm để sử dụng trong cung đình. Một số nghệ thuật thời này đã phát triển đa dạng như điêu khắc, đồ hoạ, hội hoạ nhằm trang trí cho cung đình nơi cố đô.

    Kinh Thành Huế được xây dựng vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long và được kéo dài gần 30 năm đến thời vua Minh Mạng. Kinh Thành được quy hoạch bên bờ Bắc sông Hương, xoay mặt về hướng Nam, với diện tích mặt bằng 520ha. Vòng thành có chu vi khoảng 10km, cao 6,6m và dài 21m. Bên ngoài vòng thành có một hệ thống hào bao bọc. Thành gồm có mười cửa chính. Bên trong kinh thành bao gồm: Phòng thành (xây dựng từ những năm 1805 – 1817), Hoàng thành và Tử cấm thành (1840), đàn Nam Giao… Và cả những lăng tẩm, phủ chúa nổi tiếng như lăng Gia Long (1814 – 1820) lăng Minh Mạng (1820 – 1840), lăng Tự Đức (1864 -1867) rất uy nghi, tráng lệ.

    Hoàng Thành là vòng thành thứ hai bên trong kinh thành Huế. Đây là ở của vua và hoàng gia, cũng là nơi làm việc của triều đình. Ngoài ra Hoàng thành cũng là nơi thờ tự tổ tiên và các vị vua nhà Nguyễn. Kế tiếp là Tử Cấm Thành là vòng thành trong cùng, nằm trong Hoàng thành. Tử Cấm thành nguyên gọi là Cung Thành, được khởi công xây dựng từ năm Gia Long thứ 2 (1803), năm Minh Mạng thứ 2 (1821) đổi tên thành Tử Cấm Thành. Thành có hình chữ nhật, cạnh nam và bắc dài 341m, cạnh đông và tây dài 308m, chu vi 1298m. Bên trong Tử Cấm thành bao gồm hàng chục công trình kiến trúc với quy mô lớn nhỏ khác nhau, được phân chia làm nhiều khu vực. Ngoài ra, còn có nhiều di tích khác bên trong kinh thành như: Kỳ Đài, Trường Quốc Tử Giám, Điện Long An, Bảo tàng Mỹ Thuật cung đình Huế…

    Một vài nét độc đáo khác như: Cửa Ngọ Môn cũng là một tác phẩm lớn, trang nghiêm. Hơn nữa thiên nhiên và cảnh quan luôn được coi trọng, tạo ra một nét riêng của kiến trúc cung đình Huế. Bên lăng Tự Đức, hàng trăm cây lớn bé, xanh um. Ở đây có những hồ rộng khoảng vài chục mét vuông, uốn lượn. Bên hồ là lầu để trước đây vua đến chơi nghỉ; những tảng đá phẳng được dùng như những bộ bàn ghế kê ở ven hồ. Những tranh ghép sứ kính trong lăng Khải Định gồm những bức lớn, màu sắc ẩn hiện rất độc đáo. Những hình trang trí thì cầu kỳ, màu sắc sặc sỡ. Hình bao gồm chủ yếu là rồng vây quanh cột, in trên tương và rải rác theo dọc tường là những khung chữ Nho.

    Kiến trúc của kinh thành Huế đã trở thành một nét đẹp độc đáo thu hút khách du lịch khám phá và tìm hiểu khi đến với thành phố Huế.

    Thuyết minh về nét đặc sắc trong di tích quê em – Mẫu 4

    “Ai về đến huyện Đông Anh,
    Ghé xem phong cảnh Loa Thành Thục Vương.
    Cổ Loa hình ốc khác thường,
    Trải qua năm tháng, nẻo đường còn đây.”

    Mỗi khi nghe bài ca dao này, em không khỏi cảm thấy tự hào khi nghĩ về quê hương mình. Chắc hẳn, là một người dân Việt Nam, ai cũng đã từng nghe đến truyền thuyết về vua An Dương Vương xây dựng thành Cổ Loa với sự giúp đỡ của thần Kim Quy. Trải qua năm tháng, thành Cổ Loa vẫn còn nguyên những giá trị về lịch sử, văn hóa.

    Thành Cổ Loa được xây dựng vào khoảng thế kỷ III TCN, dưới thời trị vì của An Dương Vương, do sự chỉ đạo trực tiếp của Cao Lỗ. Thành tọa lạc tại một khu đất đồi nằm ở tả ngạn sông Hoàng – vốn là một nhánh lớn của sông Hồng. Ở thời Âu Lạc thì vị trí của Cổ Loa nằm ngay tam giác châu thổ sông Hồng, là nơi giao lưu giữa đường thủy và đường bộ. Đây được coi là vị trí có thể kiểm soát được cả đồng bằng lẫn vùng núi nên được chọn làm kinh đô.

    Có lẽ, nếu nói đến nét đặc sắc nhất khi nhắc đến thành Cổ Loa, ai cũng sẽ phải công nhận đó là ở kiến trúc của thành. Theo tương truyền, thành bào gồm chín vòng xoáy trôn ốc. Tuy nhiên,căn cứ trên dấu tích hiện còn, các nhà khoa học nhận thấy thành chỉ có ba vòng. Trong đó, vòng thành nội rất có thể được làm về sau, dưới thời Ngô Quyền. Chu vi vòng ngoài là 8km, vòng giữa là 6,5km, vòng trong là 1,6 km, diện tích trung tâm lên tới 2km². Thành được xây theo phương pháp đào đất đến đâu, khoét hào đến đó, thành đắp đến đâu, lũy xây đến đó. Mặt ngoài lũy, dốc thẳng đứng, mặt trong xoải để đánh vào thì khó, trong đánh ra thì dễ. Lũy cao trung bình từ 4m – 5m, có chỗ cao đến 8m – 12 m. Chân lũy rộng 20m – 30m, mặt lũy rộng 6m – 12 m. Khối lượng đất đào đắp ước tính 2,2 triệu mét khối.

    Thành có cấu tạo gồm ba phần: thành nội, thành chung và thành ngoại. Thành nội có hình chữ nhật, cao trung bình 5m so với mặt đất, mặt thành rộng từ 6m -12m, chân rộng từ 20m – 30m, chu vi 1.650 m và có một cửa nhìn vào tòa kiến trúc “Ngự triều di quy”. Kế tiếp là thành trung xây dựng theo một vòng thành không có khuôn hình cân xứng, dài 6.500 m, nơi cao nhất là 10m, mặt thành rộng trung bình 10m. Thành có năm cửa ở các hướng đông, nam, bắc, tây bắc và tây nam, trong đó cửa đông ăn thông với sông Hoàng. Thành ngoài cũng không có hình dáng rõ ràng, dài hơn 8.000m, cao trung bình 3m – 4m (có chỗ tới hơn 8m). Mỗi vòng thành đều có hào nước bao quanh bên ngoài, hào rộng trung bình từ 10m đến 30m, có chỗ còn rộng hơn. Các vòng hào đều thông với nhau và thông với sông Hoàng.

    Bên trong thành là các khu đình, đền bao gồm: đền Thượng (đền thờ An Dương Vương) được dựng trên khu đất rộng 19.138,6m2. Tại vị trí lối lên cửa giữa của đền đặt đôi rồng đá, mang phong cách nghệ thuật thời Lê – Mạt. Trong đền còn lưu giữ năm tấm bia đá và năm mươi ba hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc. Kiến trúc đền bao gồm tiền tế theo kiểu ba gian, hai chái. Hệ khung kết cấu gỗ, mái lợp ngói mũi hài. Trên hệ mái đắp các đầu đao cong, tượng nghê chầu. Các bộ vì chính được làm theo kiểu giá chiêng, sơn son thếp vàng, chạm họa tiết “rồng vờn mây”; trung đường đấu mái liền với hậu cung, tạo thành dạng thức kiến trúc kiểu “chuôi vồ”, bên trong đặt tượng An Dương Vương, bằng đồng, nặng khoảng 200kg, đúc năm 1897. Tiếp đến là đình Cổ Loa (hay còn gọi là Ngự Triều Di Quy) có bố cục mặt bằng nền hình chữ “Đinh”, gồm đại đình và hậu cung. Đại đình gồm năm gian, hai chái. Kết cấu khung gỗ, mái lợp ngói mũi hài, với bốn góc đao cong vút. Các bộ vì nóc được kết cấu theo kiểu “giá chiêng, chồng rường”, với sáu hàng chân cột. Hậu cung nối liền với đại đình qua bộ cửa bức bàn phía dưới và đấu mái ở phía trên. Các đề tài trang trí trên kiến trúc này mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ XVIII. Kế tiếp là Am Mỵ Châu (am Bà Chúa hay đền thờ Mỵ Châu) nằm tọa lạc trên khu vực rộng 925,4m2. Mặt bằng kiến trúc được bố cục theo dạng “tiền Nhất, hậu Đinh”, gồm các tòa tiền tế, trung đường và hậu cung. Chùa Cổ Loa hay Bảo Sơn tự được khởi dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVII. Bố cục mặt bằng nền theo dạng “nội Công, ngoại Quốc”, gồm các hạng mục với tiền đường, thiêu hương, thượng điện, hậu cung, gác chuông, tháp mộ, cổng hậu, nhà Tổ, nhà ni, nhà khách. Chùa Mạch Tràng (Quang Linh tự) được dựng vào thời Hậu Lê, trên diện tích rộng 4.922,4m2. Chùa quay hướng Nam, bao gồm các hạng mục: Tam bảo, tiền đường, thượng điện, nhà Mẫu, giải vũ, hành lang… Cuối cùng, đình Mạch Tràng: tọa lạc trên một khu đất cao, có diện tích 6.198,4m2, gồm các hạng mục tiền tế, đại đình và hậu cung.

    Thành Cổ Loa có giá trị về nhiều mặt. Về quân sự, thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc bảo vệ đất nước. Về văn hóa, thành Cổ Loa trở thành một di sản văn hóa. Một bằng chứng về sự sáng tạo cũng như trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ.

    Thành Cổ Loa chính là di tích lịch sử thể hiện nét đẹp không chỉ của quê hương em mà còn là của đất nước Việt Nam.

    Thuyết minh về nét đặc sắc trong di tích quê em – Mẫu 5

    Chỉ riêng trong lòng Hà Nội, cái nôi của văn chương văn hiến, từng mảnh đất hay phố phường cũng có thể làm tâm hồn ta rung cảm và ngẫm nghĩ… Hà Nội bây giờ đã khác xưa, ồn ã và tấp nập hơn nhưng vẫn mang trong mình nét cổ kính, trầm mặc mà vang ngân với những mái chùa rêu phong cổ kính như chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ… Trong số đó có một ngôi chùa mà khi nghe tên người ta đã nghĩ ngay đến một Hà Nội sâu lắng, một “hồn sâu Hà Nội”: chùa Một Cột.

    Chùa Một Cột xưa nằm ở phía Tây thành Thăng Long, thuộc thôn Ngọc Thanh, Ngọc Hà, nay là địa điểm phía sau Lăng Bác. Chùa Một Cột là một quần thể kiến trúc gồm chùa và tòa đài giữa hồ, được biết đến cái tên chùa Diên Hựu và đài Liên Hoa. Chùa được dựng trên một hồ hình vuông. giữa hồ có một cột đá, cao chừng hai trượng, chu vi chín thước; đầu trụ đặt một tòa chùa ngói nhỏ, hình trông như một đóa sen dưới nước mọc lên vì thế chùa có tên là chùa Nhất Trụ hay chùa Một Cột.

    Chùa được xây dựng từ năm 1049, tức năm đầu niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo vua Lí Thái Tông. Tục truyền khi ấy vua Thái Tông tuổi đã cao mà chưa có con nên thường đến cầu tự ở các chùa. Một đêm vua nằm chiêm bao thấy Đức Phật Quan Âm hiện trên đài hoa sen trong một cái hồ vuông ở phía Tây thành, tay bế một bé trai kháu khỉnh trao cho nhà vua. Sau đó quả nhiên nhà vua sinh con trai. Thấy ứng nghiệm, vua liền cho lập chùa để thờ Phật Bà Quan Âm. Khi chùa làm xong, vua triệu tập tất cả các tăng ni phật tứ ở kinh thành đứng chầu xung quanh, tụng kinh suốt bảy ngày đêm và dựng thêm một ngôi chùa lớn bên cạnh để thờ Phật gọi là chùa Diên Hựu (kéo dài cõi phúc). Đến năm 1105, chùa được tu bổ hoàn toàn. Quá trình xây dựng tiếp chùa Một Cột đã được Binh bộ Thượng thư Nguyễn Công Bật viết và mô tả tỉ mỉ: “…Đào hồ thơm Linh Chiêu, giữa hồ trồi lên cột đá, đỉnh cột nở đóa hoa sen nghìn cánh, trên hoa sen dựng tòa điện màu xanh đặt pho tượng. Vòng quanh hồ là dẫy hành lang. Lại đào ao Bích Trì, mỗi bên đều có cầu vồng để bắc đi qua. Phía sân cầu đằng trước, hai bên tả hữu xây tháp lưu li”. Hai tháp báu này xây bằng gạch nung đất trắng, một cạnh gạch có chạm rồng (kiểu rồng thời Lí), ngoài cũng phủ men trắng mà khoảng năm 1954 đã được tìm thấy trong khuôn viên chùa Diên Hựu. Như vậy thì quy mô Liên Hoa Đài thời Lí to hơn bây giờ nhiều, cả những bộ phận hợp thành và hình dạng cũng phong phú hơn.

    Thực tế chùa Một Cột đã qua nhiều lần sửa chữa. Đúng vào ngày 11-9- 1954 đen tối ấy, dưới bàn tay quái ác của thực dân Pháp, chùa Một Cột di tích liệt hạng của Hà Thành đã sụp đổ sau một tiếng nổ long trời lở đất. May mắn thay, sau ngày tiếp quản Thủ đô, để đáp ứng nguyện vọng của toàn dân, Chính phủ đã cho sửa chữa, phục chế lại toàn bộ chùa Một Cột. Và đến tháng 4-1955, chùa Một Cột đã được dựng lại hoàn toàn như cũ. Bông sen quý của cả dân tộc ấy đã hồi sinh lại. Để ghi nhớ những đóng góp to lớn của chùa Một Cột cho toàn dân tộc, ngày 28-4-1962, chùa đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, nghệ thuật kiến trúc.

    Chùa Một Cột không chỉ là biểu tượng cho Thăng Long Hà Nội ngàn năm văn hiến mà còn mang rất nhiều ý nghĩa tâm linh của các bậc tiền bối gửi gắm cho con cháu đời sau. Hình tượng chùa Một Cột gắn liền với hình tượng một bông hoa sen trong sạch, cao quý của cõi Phật. Nơi nào có hoa sen là nơi đó có Phật Bồ Tát ngự trị; nơi nào có dấu sen là nơi đó có hiền nhân; nơi nào có hồ sen nhất định phải là nơi thanh tịnh. Và chính hoa sen đã được người đời tôn quý để ví với những người có tâm hồn thanh cao, sống nơi bụi trần đầy danh lợi mà không bị những thứ ô uế cám dỗ, ràng buộc. Hoa sen có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, đến nỗi nó đã được dùng làm tựa đề cho một bộ kinh cao thâm của Phật giáo Bại thừa: Kinh Diệu Pháp Liên hoa. Như vậy, chùa Một Cột quả là một tác phẩm nghệ thuật thần kì, thể hiện trọn vẹn cái tâm linh độc đáo của dân tộc.

    Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Một Cột vẫn đứng đó như một bông sen nhỏ bé hết tàn lại nở. Và cùng với Hồ Gươm, chùa Một Cột đã trở thành biểu tượng cho Thăng Long ngàn năm văn hiến. Ai đến thăm chùa cũng không khỏi ngạc nhiên: “Chùa bé thế thôi ư?”. Vâng chỉ bé thế thôi. Nhưng cái giá trị về vật chất lẫn tinh thần mà ngôi chùa đó đem lại thì thật to lớn biết bao!

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *