Sáng tác một truyện ngắn có tác dụng thiết thực đối với tuổi trẻ hiện nay là một trong những đề tài hay thuộc chương trình bài viết số 3 lớp 10 đề 4.
Bạn đang đọc: Bài viết số 3 lớp 10 đề 4: Sáng tác một truyện ngắn có tác dụng thiết thực đối với tuổi trẻ hiện nay
Sáng tác truyện ngắn có tác dụng với tuổi trẻ hiện nay gồm dàn ý chi tiết kèm theo 8 bài văn mẫu được Download.vn tuyển chọn từ bài làm hay của các bạn học sinh giỏi trên cả nước. Thông qua đó các bạn có thêm nhiều gợi ý để biết cách sáng tác một câu chuyện hay truyện ngắn để đạt kết quả cao trong bài viết số 3 lớp 10 sắp tới.
Sáng tác truyện ngắn có tác dụng thiết thực đối với tuổi trẻ
Dàn ý sáng tác câu chuyện thiết thực đối với tuổi trẻ
1. Mở bài
– Viết một câu mở đầu câu chuyện.
2. Thân bài
a. Giới thiệu về hoàn cảnh nhân vật chính:
– Cô 15 tuổi, tên là Hoàng Hôn, thi đỗ vào trường trung học phổ thông chuyên của tỉnh, phải xa nhà đi học.
b. Diễn biến:
– Ở chung ký túc xá với 3 người bạn, trong đó thân thiết nhất với Mỹ Huyền vừa là bạn cùng phòng kiêm bạn cùng lớp.
– Cô luôn học tốt, luôn nằm trong top đầu của lớp.
– Sự xuất hiện của Bình Minh và thành tích nổi trội của cô ấy trong lớp khiến Mỹ Huyền không vui, thường xuyên có ý bới móc người bạn này với cô, nhưng cô thường lảng đi.
– Cả 3 cô gái đều đăng ký thi tuyển học sinh giỏi bộ môn Hóa của trường, đồng thời tình cảm của cô và Mỹ Huyền dần trở nên có khoảng cách.
– Dù nỗ lực nhưng mỹ Huyền trượt, còn cô và Bình Minh đậu, Mỹ Huyền trở nên khó chịu và tức giận với cô, khiến cô thấy buồn vô cùng.
– Cô và Bình Minh dần trở nên thân thiết và thấu hiểu nhau hơn.
– Không ngờ rằng Mỹ Huyền vì ghen tỵ với cô mà để mảnh thủy tinh trên giường khiến tay cô bị thương, tuy nhiên sau đó cô không gặp được cô ấy, chỉ biết là cha mẹ Mỹ Huyền ly hôn, cô ấy phải sang Nhật.
– Cô muốn tìm Mỹ Huyền nói chuyện rõ ràng, nhưng bị từ chối, Mỹ Huyền chỉ nhắn nhủ cô ấy sẽ không xin lỗi và cô ấy vì cảm thấy không cam lòng nên mới làm vậy, mong cô đừng tìm gặp.
– Tình bạn đầu tiên của cô ở ngôi trường mới đã kết thúc không mấy vui vẻ, cô cũng nhận ra dược nhiều bài học đắt giá về cách nhìn người, chọn bạn, về lòng ích kỷ đã hại con người ta như thế nào.
3. Kết bài:
– Chọn viết kết truyện dạng mở hoặc đóng tùy ý.
Sáng tác truyện ngắn có tác dụng với tuổi trẻ – Mẫu 1
Mười lăm tuổi đầu cái tuổi chưa phải là người lớn nhưng cũng chẳng phải trẻ con nữa, đã đến lúc con người ta dần bước chân vào một thế giới rộng lớn hơn, nhiều cơ hội nhưng cũng có nhiều những chuyện khiến lòng người băn khoăn không dứt.
Mùa hè năm ấy, có một cô gái nhỏ rời nhà lên tỉnh để theo đuổi ước mơ học tập của mình, sau những cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ cuối cùng Hoàng Hôn cũng thi đậu vào trường trung học phổ thông chuyên duy nhất của tỉnh, thậm chí cô bé còn xuất sắc là một trong hai thủ khoa của cả khối. Điều này khiến cha mẹ cô tự hào lắm, dù rằng họ chưa bao giờ ép buộc con gái mình phải học lấy thực tích, thế nhưng cô không phải như những đứa trẻ cùng trang lứa khác, cô luôn nghĩ ngợi và suy tính nhiều cho tương lai, ngay cả việc sau này học đại học nào, ngành gì cũng không có dưới một lần cô nghĩ đến, mà việc đỗ vào trường chuyên chỉ là một trong những điểm khởi đầu. Nhưng có một rắc rối nho nhỏ ấy là cô buộc phải rời nhà vào ở ký túc xá của trường, bởi trường của cô cách nhà tới tận 40 km, việc đi về trong ngày khá là bất tiện, cha mẹ Hoàng Hôn lúc đầu cũng băn khoăn, nhưng dưới sự quyết tâm của con gái, họ đành để cô học nội trú. Ngày lên nhận phòng cả cha và mẹ đều đưa cô đi, nhưng đến nơi thì nhà có việc gấp họ buộc phải quay trở về, dĩ nhiên cô cũng không lấy đó làm buồn, bởi cô nghĩ rằng mình đã lớn, mọi chuyện đều đã tự sắp xếp được rồi, không phải lúc nào cũng cần cha mẹ đi theo. Ký túc xá của trường khá rộng tầm 60 phòng, mỗi phòng được ở 4 người, cô được xếp vào phòng 4.04, cùng với ba bạn khác, lúc cô đến thì mọi người cũng đã đông đủ đang bắt đầu sắp xếp đồ đạc. Cô tiến về chiếc giường còn trống, đặt đồ đạc rồi bắt đầu làm quen với mọi người, mấy cô gái nhỏ cũng đều niềm nở tươi cười chỉ riêng có một bạn nữ nhìn rất xinh xắn nhưng hơi lạnh lùng, chỉ chào cô một câu rồi thôi, cô cũng không chủ động trò chuyện nhiều, có lẽ học sinh giỏi đều vậy chăng?
Một tháng đầu cô có hơi nhớ nhà, cha mẹ cũng lên thăm cô hai lần, mang cho cô mấy thứ đồ ăn linh tinh rồi lại quay về đi làm. Việc học đầu năm cũng không có gì quá vất vả, chỉ có điều hàng tuần đều sẽ có bài kiểm tra đánh giá năng lực và xếp hạng, điều này khiến cô hơi áp lực, nhưng may mắn hai lần sát hạch vừa rồi cô vẫn nằm trong top 3 của lớp. Lên cấp 3 dường như mọi người ít trò chuyện với nhau hơn hẳn, ở lớp cô không chơi với nhiều người, chỉ duy có Lan Anh là bạn cùng phòng, lại cùng lớp tính tình cũng hòa đồng nên cô chơi thân hơn cả. Dần dà hai cô bé chơi chung học chung nên ngày càng gắn bó, Lan Anh học cũng không thua kém gì cô, cũng thường nằm trong top 5 của lớp. Sau khoảng 2 tháng học tập thì bỗng nhiên có một bạn từ ban Xã Hội chuyển vào học ban Tự Nhiên với các cô, ai nấy cũng tò mò và cô vô cùng bất ngờ khi đó lại là cô bạn lạnh lùng ở cùng phòng với mình tên là Đức Tuấn. Cả lớp bao gồm Lan Anh đều nghĩ rằng Đức Tuấn có lẽ sẽ khó theo kịp tiến độ học của lớp vì bọn cô đã đi được gần nửa học kỳ rồi, nhưng thật khó có thể ngờ đợt sát hạch cuối tháng Đức Tuấn lại nghiễm nhiên đứng thứ 3 lớp, cô đứng thứ hai. Còn Lan Anh tụt một hạng đứng thứ 6, có lẽ chuyện này khiến cô ấy không vui, hầu như suốt mấy ngày Lan Anh đều ở trạng thái lầm lì, ít nói, tối ngày chỉ vùi đầu vô sách vở. Cô cũng cảm thấy thật phiền não, chỉ là kết quả tạm thời thôi mà sao có thể khiến con người ta chán nản đến thế. Cô bỗng cảm thấy rất ngưỡng mộ Đức Tuấn, cô ấy không học nhiều, ngày thường cũng chỉ thấy đọc mấy cuốn sách chẳng liên quan gì đến bài vở, có bài tập cũng chỉ làm một thoáng là gấp lại rồi đi nghỉ ngơi, chẳng giống như bọn cô lúc nào cũng cảm thấy bài tập ngập đầu ngập cổ. Cô thầm nghĩ người thông minh, trời sinh thật có phúc, thế nhưng Lan Anh lại không nghĩ vậy, dạo này bọn cô vẫn nói chuyện thân thiết, nhưng dường như câu chuyện lúc nào cũng nhắm vào Đức Tuấn, cô tinh ý nhận ra rằng cô bạn thân của mình có vẻ không thích Đức Tuấn. Chính vì thế mỗi lần Lan Anh muốn nói đến Đức Tuấn, cô lại khéo léo lảng sang chuyện khác, bởi đơn giản cô không có thói quen bới móc người khác bao giờ.
Sang tháng 11, trường tổ chức đợt tuyển chọn đội thi học sinh giỏi cấp trường, ai vượt qua sẽ được cử đi thi tỉnh, thậm chí còn được một phần học bổng, cô khá hứng thú liền đăng ký vào bộ môn Hóa học để thử sức, Lan Anh trước giờ vẫn thích Hóa nên đăng ký đầu tiên, trong danh sách cũng có cả tên của Đức Tuấn nữa. Ban đầu cô cũng không hy vọng gì nhiều, nên cũng không dành nhiều công sức ôn tập, nhưng Lan Anh thì khác dường như lúc nào cũng thấy cô ấy tích cực ôn tập, thậm chí đến cả lúc đi ngủ sách vẫn không rời tay nửa bước. Cũng kỳ lạ, từ ngày bọn cô đăng ký chung một bộ môn thì hình như tình cảm cũng trở nên nhạt hơn lúc trước, các cô không hay nói chuyện với nhau nữa, càng buồn hơn là có vẻ Lan Anh đã tìm được bạn mới, thỉnh thoảng cô vẫn thấy họ cùng nhau đến thư viện, đi ăn vặt với nhau, tình cảm vô cùng tốt. Cô thoáng thấy buồn, nhưng dầu gì cô vẫn nghĩ Lan Anh mãi là bạn thân của mình. Ngày thi tuyển, cô bị cảm nên tinh thần không được tốt lắm, ngược lại Lan Anh lại vô cùng tự tin, còn Đức Tuấn thì vẫn lạnh lùng ít nói như ngày thường, nhưng thỉnh thoảng cô thấy cô ấy liếc nhìn mình, bị cô bắt gặp thì liền quay mặt đi. Thi xong, ra khỏi phòng, theo thói quen cô chạy đến hỏi thăm Lan Anh, nhưng không ngờ cô ấy sa sầm mặt đáp lại: “Cậu cứ kệ mình!” rồi bỏ đi mất, điều này khiến cô vừa xấu hổ vừa sửng sốt: “Có lẽ cậu ấy thi không tốt, thôi bỏ đi vậy”. Bỗng có người vỗ nhẹ vào vai cô: “Về chung không?”, Cô ngước khuôn mặt ảo não lên nhìn, càng bất ngờ hơn đó lại là Đức Tuấn. Hai cô bước trên con đường rợp bóng phượng, giờ này cây đang mùa thay lá, từng chiếc lá vàng li ti cứ thi nhau rơi lả tả xuống tóc, xuống vai, cảnh tượng cũng được xem là lãng mạn nhưng kết hợp với không khí giữa bọn cô thì có phần hơi kỳ lạ. Hai người cứ trầm mặc, không ai mở lời, bởi vì ngại ngùng, cuối cùng vẫn là cô lên tiếng:
“Cậu làm bài có tốt không?”
“Cũng tạm ổn, mình không để tâm mấy, coi như là thử sức”
“Mình cũng vậy, hôm nay mình còn bị ốm, xem ra là trượt mất rồi”
“Ừ, nhưng mà cậu với cô bạn Lan Anh không phải rất thân sao, dạo này không thấy hai người đi với nhau”. Đức Tuấn bâng quơ hỏi, vậy mà lại hỏi trúng tâm sự của cô.
“Mình không biết nữa, có lẽ bạn ấy bận học, đợt thi này là tâm huyết của cậu ấy nên chắc không có thời gian quan tâm đến chuyện khác”. Cô khẽ mỉm cười, nhưng có ai biết lòng cô đang như ăn phải mướp đắng vậy.
“Hy vọng là như thế”. Hai cô gái tiếp tục im lặng cho đến khi về đến phòng.
Một tuần sau thì có kết quả thi tuyển, cô mắt chữ A mồm chữ O nhìn danh sách, chẳng thể ngờ được rằng mình lại là một trong 5 người trúng tuyển, Đức Tuấn cũng đỗ, nhưng cô ấy chẳng lấy gì làm ngạc nhiên. Cô vừa liếc mắt, thì vô tình bắt gặp ánh mắt của Lan Anh, trong đó có gì rất lạ mà cô không thể nắm bắt, buồn bã, thất vọng và hình như còn có cả giận dữ. Cô bần thần cả người, hình như danh sách không có tên Lan Anh, không thể tin được cô ấy đã dành biết bao công sức vậy mà lại không hề trúng tuyển, còn cô lơ mơ thế mà lại đậu, không biết đây là cái vận số gì nữa. Cô lặng lẽ về phòng tính an ủi Lan Anh một chút, dù cô cũng cảm thấy rất khó xử, nhưng ai ngờ về phòng thì không có ai cả, cô chậm rãi thở ra một hơi. Tối hôm ấy, bất ngờ Đức Tuấn lại rủ cô đi ăn vặt, vốn dĩ ban ngày không vui nên cô nhận lời liền, hai cô gái cũng như bao thiếu nữ mới lớn, đều thích những món chua chua ngọt ngọt, đặc biệt là món trà sữa hấp dẫn. Các cô dần trở nên thân thiết hơn, Đức Tuấn cũng phá lệ nói cười nhiều hơn bình thường, lúc này cô mới thấy hóa ra cô ấy cũng chẳng phải lạnh lùng như cô nghĩ.
“Đức Tuấn, cậu cười lên thật là xinh, nhưng sao cậu lại ít khi cười vậy?” Cô giương đôi mắt tò mò nhìn cô bạn.
“Ha ha, cậu nói y như anh hai mình vậy, nhưng mà cha mẹ sinh con trời sinh tính, cậu thấy không, cha mẹ đặt mình tên Đức Tuấn để mong rằng mình mãi rực rỡ như ánh mặt trời, thế nhưng cuối cùng lớn lên mình lại thành cái đứa lầm lì ít nói, kể ra thì cũng buồn cười”
“Ừm, nhưng mà cậu như thế này cũng rất tốt, rất thu hút, không phải sửa đâu”
“Dĩ nhiên, mình cũng không nghĩ là phải thay đổi điều gì, nhưng sau này mình sẽ cười với cậu nhiều hơn, haha”
“Cậu mà cũng có lúc đáng yêu thế này ư, thật là mở mang tầm mắt quá đi!”
Hai cô bé say sưa trò chuyện, nhưng không biết rằng vẫn có một đôi mắt đang dõi theo. 10 giờ tối hai cô về trường thì thấy ký túc xá tối thui, nghe cô quản lý bảo hôm nay trường bảo trì thiết bị điện nên cắt điện một tối. Vì đi chơi về khá mệt nên hai cô về đến phòng chỉ muốn nằm lăn ra ngủ, theo thói quen cô trèo lên giường của mình thì bỗng thấy bàn tay đau nhói, liền hét lên một tiếng. “Hoàng Hôn cậu bị làm sao vậy?” Đức Tuấn hoảng hốt mở điện thoại chạy sang chỗ cô, chỉ thấy tay cô đầy máu, bên trên giường còn có mấy mảnh thủy tinh nhỏ xíu dính máu nằm chỏng chơ, nhìn thấy mà gai cả người. Hai người vội vã xuống phòng y tế băng bó, cũng may là cô không ấn tay xuống quá mạnh nên không bị thương đến gân cốt. Nhưng cô bỗng thấy trong lòng còn đau xót hơn cả bàn tay. Có nhất thiết phải như vậy không, phòng này ngoài cô, Đức Tuấn, một bạn đã chuyển ra khỏi ký túc từ tháng trước thì chỉ có Lan Anh có chìa khóa. Cô ấy thế mà lại… Đức Tuấn thấy cô sắc mặt nặng nề, định lên tiếng thì cô đã vội ngắt lời “Cậu đừng nói cho ai biết chuyện này nhé?”, Đức Tuấn thấy lạ nhưng cũng chiều theo ý cô. Sau đợt bị thương ở tay ấy, cô cũng không thấy Lan Anh về phòng, nghe nói là nhà có chuyện gấp, nên về một chuyến, và một chuyến đi này cô cũng không còn thấy Lan Anh quay lại nữa. Hỏi giáo viên chủ nhiệm mới biết rằng, cha mẹ Lan Anh ly hôn, bố cô ấy ngoại tình, mẹ cô ấy đang làm thủ tục dẫn theo cô ấy sang Nhật định cư, có lẽ không quay về nữa. Cô bỗng nhiên thấy lòng xót xa, hóa ra Lan Anh đã phải chịu đựng nhiều như vậy, cô chơi với Lan Anh bao nhiêu lâu mà vẫn không biết gì về bạn, nhưng chuyện tối ấy cô vẫn khó lòng chấp nhận được. Suy nghĩ mãi cô quyết định nhắn tin cho Lan Anh “Mình muốn gặp cậu trước khi cậu đi được không?”, thật lâu không có hồi âm, cô ngủ quên lúc nào không hay. Sáng hôm sau, mở điện thoại ra thì cô thấy có một tin nhắn mới, là của Lan Anh: “Mình không muốn xin lỗi cậu, mình cũng biết mình là đứa chẳng ra gì. Mình đã thầm ghen tị với cậu rất nhiều thứ, cậu có một gia đình hạnh phúc, việc học lúc nào cũng hàng top của lớp, tính tình lại nhu hòa thân thiện đến mức mình thấy khó chịu, đến cả việc thi tuyển học sinh giỏi, mình đã nỗ lực biết bao, thậm chí đến mơ cũng nhìn thấy toàn công thức hóa học, thế mà cũng không bằng cậu tùy tiện lật vài trang sách. Mình thật sự rất không cam lòng, vô cùng không cam lòng. Đức Tuấn và cậu, hai người dầu không cố gắng bao nhiêu nhưng lúc nào cũng hơn mình, may mắn hơn mình, điều ấy là mình cực kì khó chịu, cậu biết không. Cậu cũng đừng trách mình, mình không xứng làm bạn với cậu, nhưng mình cũng không muốn cúi đầu trước cậu. Đừng tìm gặp mình!”. Tin nhắn của Lan Anh khiến cô bần thần và hoang mang vô cùng, vậy là tình bạn đầu tiên của cô ở ngôi trường mới cứ thế mà tan vỡ trong những ký ức chẳng mấy vui vẻ gì. Đức Tuấn rõ ràng đã đoán ra mọi chuyện, nên hỏi cô: “Cậu vẫn coi Lan Anh là bạn?”, cô lắc lắc đầu: “Mình không biết phải gọi cậu ấy là gì, nhưng chắc không thể làm bạn như ngày xưa nữa rồi. Cô ấy sẽ không về đây nữa, chuyện này cứ vậy mà kết thúc thôi”. Đức Tuấn nhìn cô, rồi gật đầu “Ừ vậy là tốt nhất, đỡ phải khó xử”. Cô nhìn lòng bàn tay chưa lành sẹo, lòng lại ẩn ẩn đau, xem ra thế giới này vốn dĩ đã chẳng yên bình, người cô vẫn hằng tâm niệm là thân thiết thì lại khiến cô trở tay không kịp, người cô vốn nghĩ chẳng thể thân cận lại là người bên cô lúc cuối cùng. Xem ra người trẻ ra đời còn phải học thật nhiều điều, cô đã có một bài học đáng nhớ về tình bạn, cuộc đời vốn chẳng thể chỉ nhìn một phía mà con người ta phải nỗ lực quan sát trên nhiều bình diện để thấu hiểu nhau hơn. Cô cũng hiểu được lòng ích kỷ, tính ghen tỵ không ngờ có thể đẩy một con người vốn tươi sáng, hiền hòa trở nên thủ đoạn và cực đoan đến thế, chẳng những họ làm tổn thương người khác mà còn khiến bản thân mình mất đi những thứ quý giá trong cuộc đời. Cô thật sợ rằng một ngày nào đó cô hoặc một ai đó bên cạnh cô cũng bị lòng ích kỷ chi phối, bởi trước mắt các cô còn quá trẻ để nghĩ được nhiều điều, chỉ hy vọng rằng cô vẫn sẽ giữ được tấm lòng lương thiện này để bước tiếp những bước thật đẹp đến tương lai.
Cứ thế chuyện không vui cũng dần qua đi cô và Đức Tuấn trở thành cặp đôi “mặt trời” của cả khối vì hai cái tên đặc biệt, các cô cùng nhau đi qua những ngày tháng cấp 3 tuyệt đẹp và nhiều thử thách rồi cùng thi vào một trường đại học để viết tiếp những trang thanh xuân đẹp đẽ…
Sáng tác truyện ngắn có tác dụng với tuổi trẻ – Mẫu 2
Năm tôi 13 tuổi, bố gọi tôi và hai cậu em trai vào phòng đọc sách. Tôi rất lấy làm hứng chí. Gọi là phòng đọc sách nhưng chúng tôi biết thừa nó là phòng trò chơi, nơi những “người đàn ông” thường cùng đua xe, câu cá nhựa hoặc xem phim.
– Mỗi đứa mang một cuốn vở và một cái bút tới đây! – Bố ra lệnh ngay khi chúng tôi vừa bước tới cửa phòng.
Chúng tôi đứng sững nhìn nhau lo lắng! Yêu cầu của bố nghe rất bất thường và đáng e ngại – cứ như là sắp làm bài tập ấy.
Khi đã tìm được vở và bút cho mình, quay lại “phòng chơi”, chúng tôi thấy bố đã bày sẵn bàn với ba cái ghế nhựa, kèm theo một tấm bảng lớn treo trên tường. Bố chỉ chúng tôi ngồi vào ghế nhựa, chứ không phải là cái ghế đệm bông êm ái, dù nó chỉ cách chúng tôi có một gang tay.
– Bố muốn các con phải tập trung hết sức, bố nói như một buổi kinh doanh – đó là lý do các con cần ngồi ghế nhựa, chứ không phải là ghế đệm bông!
Ngay lập tức chúng tôi rên lên:
– Mẹ đâu rồi ạ? Hay là chúng ta đợi mẹ! – cậu em út tính kế hoãn binh.
– Có lâu không ạ? – Cậu em kế tôi thở dài.
Tôi thì chỉ ngồi im lặng trên ghế nhựa cứng đơ.
– Mẹ đi chợ phải vài tiếng nữa mới về, và việc này không liên quan đến mẹ, bố nói. – Và việc này kéo dài bao lâu là tùy thuộc ở các con. Các con càng hợp tác thì chúng ta càng hoàn thành nhanh chóng. Hiểu không?
– Rồi ạ! Chúng tôi đáp lại uể oải.
– Từ bây giờ chúng ta sẽ có buổi học vào các sáng thứ bảy. Chỉ “những người đàn ông” chúng ta mà thôi. Bố sẽ dạy các con những gì bố đã học về cuộc sống. Đó là trách nhiệm của bố để chuẩn bị cho các con thành những người đàn ông – những người sẽ đóng góp cho cộng đồng và cho cả thế giới. Trách nhiệm này, bố thấy rất quan trọng và nghiêm túc.
Tôi ngắt lời:
– Bố sẽ dạy bọn con mọi điều về cuộc sống ạ?
– Tất cả những gì có thể.
– Nhưng như thế thì mãi mãi cũng không học hết!
– Có thể…- Bố nói nhỏ, vẻ suy nghĩ, rồi bắt đầu viết lên bảng – có thể lắm…
Trong suốt ba năm, dù khoẻ hay ốm, bố vẫn giữ đúng lịch dạy chúng tôi về kỹ năng và những ứng xử đời sống vào thứ bảy hàng tuần. Bố dạy rất nhiều: Vệ sinh cá nhân, tuổi dậy thì, các nghi thức xã giao, cách đối xử bình đẳng, sự kính trọng người già, tôn trọng những người phụ nữ, đạo đức nghề nghiệp, quản lý tiền nong, trách nhiệm với cộng đồng… Chúng tôi viết kín hết cuốn vở này đến cuốn vở khác.
Năm nay, tôi đã 16 tuổi và đã trở thành một học sinh Trung học phổ thông, những bài học đã bớt dần đi. Tôi và các em cũng đã lớn lên dần. Chúng tôi bắt đầu bận rộn và cũng bắt đầu vấp váp với những khó khăn. Những lúc ấy, chúng tôi thường ngồi lại, nghĩ tới những điều bố cho ghi trong vở ngày xa, vì những điều ấy trước đây bố đã từng nhắc tới.
Mới đây, bố gọi riêng tôi ra và nói:
– Bố sẽ dạy con đến khi con 18 tuổi, phần còn lại của “bài học” con bắt đầu phải tự gom nhặt trong cuộc sống mà thôi!
Tôi khoanh tay lễ phép:
– Thưa bố! Giờ đây con đã hiểu những việc làm của bố từ trước đến nay. Con chỉ mong sau này mỗi khi đi xa trở về, bố lại chữa những bài tập về cuộc sống hết sức phong phú này cho con.
Sáng tác truyện ngắn có tác dụng với tuổi trẻ – Mẫu 3
Cha tôi vẫn luôn dạy rằng, mỗi người trên đời này, bằng cách nào đó mà sẽ gặp được nhau, làm quen và gần gũi với nhau. Tất cả đều là mang nợ nhau từ kiếp trước. Có lẽ đến tuổi mười lăm tuổi, tôi mới thực sự thấu hiểu lời cha nói.
Tôi vốn là dân ở tỉnh lẻ, cuộc sống trải qua những ngày tháng vô cùng yên ả. Tuổi thơ của những đứa trẻ như tôi ở làng quê miền núi gắn liền với những chiều hè oi ả lội bờ tung tăng bên bờ sông, những ngày trời xanh ngắt và nắng óng chiếu xiên qua vòm lá bưởi và mùi hương đồng nội đặc trưng sau những mùa gặt thoang thoảng ngọt ngào. Tôi đã từng suy nghĩ rằng, bất kỳ thời điểm nào của cuộc đời tôi cũng sẽ gắn liền với nơi này. Nhưng, một cơ duyên đưa đẩy dẫn con đường đời tôi đi theo một ngã rẽ mới. Mười lăm tuổi tôi trở thành học sinh của trường Nguyễn Tất Thành, nghĩa là tôi phải dời đổi nơi ở từ xóm núi thanh bình xuống thủ đô Hà Nội náo nhiệt. Sự kiện này thực sự đem lại một bất ngờ lớn cho tôi. Tính cách tôi vốn mang nét ôn hòa của cha và sự khép mình của mẹ, nên việc phải rời xa gia đình không khỏi khiến tôi hoang mang, lo lắng.
– “Không! Đây sẽ là một cơ hội mới cho mình. Nơi đó chắc chắn sẽ cho mình một môi trường tốt hơn!” – Tôi đã tự trấn an mình như vậy.
Cha tôi ngồi bên vỗ về tôi và khuyên rằng:
– Chẳng bao lâu là con sẽ có nhiều bạn mới. Phải cố gắng hòa nhập nhanh để học hành chứ con!
Mẹ tôi động viên thêm:
– Không sao đâu con, lên đó còn được gần với bà ngoại nữa.
Tuy cũng nghĩ như vậy nhưng thực sự tâm trạng của tôi không khá lên được mấy. Tôi hằng hi vọng mỗi ngày có thể dài thêm một chút, tôi vẫn còn những nỗi tiếc nuối vẩn vơ với nơi này.
Đã đến ngày tôi nhập trường, tâm trạng thật khó diễn tả, tôi không biết phải làm cách nào để tự tin hơn, để bắt đầu các mối quan hệ mới mẻ ở phía trước.
“Tùy cơ ứng biến vậy, mong là mọi việc sẽ suôn sẻ” – tôi tự trấn an bản thân trước khi bước tới bảng tin xếp lớp.
– Ồ! Lớp 10D2. Số 2 là số may mắn! Mong trời phù hộ cho, đây sẽ là một lớp học thú vị.
Sáng ngày hôm sau, tôi đến nhận lớp, trong lòng có chút thư thái hơn những ngày trước, linh tính báo hiệu rằng điều tốt lành đến với tôi như chính thời tiết đẹp tuyệt của ngày cuối hè này.
Tiếng trống trường vang lên gióng giả: “Tùng… tùng… tùng…”. Tôi nhanh chóng bước nhanh lên bậc thang cuối cùng hướng đến lớp học mà chỉ trong vài giây nữa thôi tôi sẽ trở thành thành viên chính thức. Khi vào lớp, tôi nhận ra đã có khá nhiều bạn đã đến sớm hơn, tôi tự tìm được chỗ ngồi cho mình ở bàn đầu tiên. Mọi người nói chuyện với nhau rất nhỏ, có lẽ vì các bạn cũng giống tôi, không quen biết nhiều bạn bè trong lớp.
– Cậu ơi! Tớ ngồi đây được không? – Một bạn nữ tiến đến.
– Cậu ngồi đi! Chỗ ấy chưa có ai ngồi cả – Tôi mời bạn ấy ngồi kèm theo nụ cười thân thiện nhất có thể, vì chắc đây sẽ là người đầu tiên tôi quen trong lớp. Tôi đang mừng thầm trong bụng thì một cô giáo bước vào, chắc hẳn đây là cô chủ nhiệm.
– Chào tất cả các em, cô xin tự giới thiệu, cô là cô giáo chủ nhiệm lớp mình. Cô tên là Thanh. Trước hết cô muốn xếp lại chỗ ngồi cho các em đã – Cô giáo mới của tôi có vẻ rất nhiệt tình.
Theo sự sắp xếp của cô, tôi chuyển xuống bàn cuối cùng, ngồi cạnh một bạn nam cao nhất lớp. Bạn này cao hơn tôi gần một cái đầu, thú thực đứng gần bạn ấy có phần hơi tự ti. Nhưng được một phần an ủi là bạn nữ vừa rồi ngồi ngay bàn phía trước tôi.
– Tớ với cậu lại được ngồi gần nhau này – Tôi gọi bạn ấy.
Và tôi nhận lại từ bạn gái đáng yêu ấy một nụ cười thật tươi. Tôi thấy lòng nhẹ nhõm hẳn, tan biến cả những cảm giác căng thẳng trĩu nặng suốt những ngày qua. Hóa ra làm quen với một môi trường mới không khó khăn như tôi từng nghĩ.
Qua một vài buổi học, tôi với bạn nữ ấy dần trở nên thân thiết. Bạn ấy tên là Diệu Trinh, cũng đến từ một nơi rất xa, xa hơn tôi – là vùng biển Vũng Tàu xinh đẹp. Có một sự việc trùng hợp đã khiến chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Đó là ngay buổi học thứ hai, cả hai đứa đều đi học muộn và bị phạt ở lại đóng cửa lớp – một hình phạt rất nhẹ nhàng, để nhắc nhở là chính. Khi ra về, không ngờ rằng hai đứa lại chung đường vì chỗ ở khá gần nhau. Tôi và Trinh nói chuyện khá hợp “cạ”, từ mấy vấn đề âm nhạc đến truyện tranh rồi kể về kỉ niệm quê nhà nữa… Những ngày sau, lớp học cũng trở nên vui vẻ hơn, vì các bạn đã dần hòa nhập và quen nhau dần.
Theo truyền thống của trường, học sinh khối 10 sẽ tham gia một khóa học quân sự trong một tuần để rèn luyện và để có cơ hội hòa đồng, gần gũi nhau hơn. Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa đối với chúng tôi.
Trước ngày khởi hành, mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi. Giờ tôi chỉ mong học kì quân sự sẽ giúp tôi có thêm nhiều bạn bè hơn.
Hôm ấy trời mưa rất to, thời tiết có vẻ chưa ủng hộ chúng tôi cho lắm. Chờ đợi một lúc lâu, cuối cùng chiếc xe dán số của lớp 10D2 đã đến. Chúng tôi nhanh chóng mang đồ đạc ra sau xe rồi từng người tìm chỗ yên vị cho mình. Sau khoảng hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi đã đến nơi. Điều khiến tôi thích thú đó là những bộ quân phục và giường ngủ hai tầng, chúng thật sự rất ấn tượng. Nhưng điều thú vị hơn cả đối với tôi đó là việc mỗi buổi chiều đi tập về lại hối hả đi đến “phòng tắm dịch vụ”. Ở mỗi phòng tắm này chúng tôi có thể có đến bốn hay năm người cùng ngồi đợi chờ xếp hàng. Chúng tôi có rất nhiều thời gian để chuyện trò, nên tôi nhanh chóng quen rồi thân với một cô bạn mới, có cái tên rất hay và lạ – Lan Nhi. Tôi, Nhi và Trinh trở thành bộ ba thân thiết. Vào những buổi tối nóng nực, ba đứa tôi trải chiếu nằm trên sàn cùng nhau, đi đâu cũng rủ nhau cùng đi. Cuộc sống sinh hoạt tập thể quả thực đã giúp chúng tôi gắn kết với nhau thật dễ dàng.
Thời gian trôi qua khá nhanh, mới ngày thứ hai hôm nào chúng tôi xuất phát lên đường, mà hôm nay đã đến ngày thứ bảy chúng tôi phải nói lời tạm biệt với nơi này. Trên chuyến xe trở về, tôi vừa lưu luyến, bâng khuâng với mảnh đất đã níu giữ một phần tâm hồn mình, lại cũng vừa vui mừng vì mình đã tìm được những người bạn thân đồng hành trong chặng đường sắp tới.
Bắt đầu từ đây, tình bạn giữa chúng tôi đơm hoa kết trái. Trở nên gần gũi lạ lùng bởi dường như duyên phận đã kết nối chúng tôi lại với nhau. Tôi đã từng đọc một câu như thế này: “ Tình bạn là tình yêu không có cánh”. Tôi rất thích sự so sánh này vì chúng tôi chẳng đứa nào có cánh cả nên nhất định chúng tôi sẽ mãi là bạn tốt của nhau. Tôi có cảm giác chúng tôi giống như con diều và cơn gió. Luôn nhẹ nhàng quấn quýt lấy nhau và tôn cao nhau lên. Một tình bạn mộc mạc giản dị nhưng bền vững và rất thấu hiểu nhau. Nhờ thế mà việc học tập của tôi ở môi trường mới mẻ này thuận lợi hơn rất nhiều. Chúng tôi được chia sẻ, động viên, giúp đỡ, và mỗi ngày lại thêm cứng cáp, trưởng thành…
Tôi nhớ lại mới ngày đầu tới lớp, sợ hãi vô cùng cái cảm giác lẻ loi xa lạ, còn bây giờ tôi không hề cô độc, tôi đã có một trong số những tài sản vô giá là “tình bạn đẹp tuổi học trò”. Một tình bạn đã được nuôi dưỡng không phải do năm tháng mà chính là do sự thấu hiểu và cảm thông với nhau khi cùng trải qua nhiều tình huống cả trong cuộc sống lẫn trong lớp học. Tôi lại nhớ câu nói mà cha tôi vẫn nói rằng: Mỗi người trên đời này, bằng cách nào mà gặp được nhau làm quen và gần gũi với nhau đều đã mang nợ nhau từ kiếp trước. Tôi và các bạn phải chăng cũng mang nợ lẫn nhau – một mối duyên nợ tuyệt vời.
Sáng tác truyện ngắn có tác dụng với tuổi trẻ – Mẫu 4
Có một ngày sắc màu của thế giới này bắt đầu tranh luận với nhau xem ai có gam màu đẹp nhất, quan trọng nhất, hữu dụng nhất và được yêu thích nhất. Đầu tiên là Xanh Lá cây nói:
– Tôi là quan trọng nhất. Tôi là dấu hiệu của sự sống và hy vọng. Tôi được chọn màu cho cỏ cây, hoa lá. Không có tôi, tất cả mọi loài trên thế gian này sẽ không thể tồn tại. Cứ hãy nhìn về cánh đồng kia, bạn sẽ thấy một màu xanh bạt ngàn của tôi”.
Xanh dương chen vào:
– Không, tôi mới là quan trọng nhất. Bạn có nghĩ về trái đất. Vậy bạn hãy nghĩ về bầu trời và đại dương xem sao. Nước chính là nguồn sống cơ bản nhất, được tạo ra bởi những đám mây hình thành bởi những vùng biển rộng lớn này. Hơn nữa, bầu trời sẽ cho khoảng không rộng lớn, hòa bình và sự êm ả.
Màu vàng cười lớn:
– Ôi các bạn cứ quan trọng hóa. Tôi thì thực tế hơn, tôi đem lại tiếng cười, hạnh phúc và sự ấm áp cho thế giới này. Này nhé, mặt trời màu vàng, mặt trăng màu vàng và các vì sao cũng màu vàng. Mỗi khi bạn nhìn vào một đóa hướng dương, bạn sẽ cảm thấy cả thế giới này đang mỉm cười. Không có tôi cá thế giới này sẽ không có niềm vui.
Màu cam không chịu thua cũng lên tiếng:
– Tôi là gam màu của sự mạnh khỏe và sức mạnh. Mặc dù lượng màu của tôi không nhiều bằng các bạn, nhưng tôi mới đáng giá nhất tôi là nhu cầu của sự sống. Tôi mang đến hầu hết các vitamin tôi quan trọng như cà rốt, cam, xoài, bí ngô, đu đủ… Tôi không ở bên ngoài nhiều nhưng khi bình minh hay hoàng hôn xuất hiện là màu sắc của tôi. Ở đây có bạn nào sánh kịp được với vẻ đẹp ấy không?
Màu đỏ không thể nhịn được cũng nhảy vào cuộc:
– Tôi là máu, cuộc sống này là máu. Tôi là màu sắc của sự đe dọa nhưng cũng là biểu tượng của lòng dũng cảm. Tôi mang lửa đến cho con người. Tôi sẵn sàng chiến đấu vì mục đích cao cả. Không có tôi, trái đất này sẽ trống rỗng như mặt trăng. Tôi là sắc màu của tình yêu và đam mê, của hoa hồng đỏ, của hoa anh túc.
Màu tím bắt đầu vươn lên góp tiền:
– Tôi tượng trưng cho quyền lực và lòng trung thành. Vua chúa thường chọn tôi vì tôi là dấu hiệu của quyền năng và sự xuất chúng. Không ai dám chất vấn tôi. Họ chỉ nghe lệnh và thi hành.
Cuối cùng, màu chàm lên tiếng, không ồn ào nhưng đầy quyết đoán:
– Hãy nghĩ đến tôi. Tôi là sắc màu im lặng và hầu như không ai chú ý đến tôi. Nhưng nếu không có tôi thì các bạn cũng chi là vẻ đẹp bên ngoài. Tôi tượng trưng cho suy nghĩ và sự tương phản, bình minh và đáy sâu của biển cả. Các bạn phải cần đến tôi để cân bằng cho bề ngoài của các bạn. Tôi chính là vẻ đẹp bên trong”.
Cứ thế các sắc màu cứ tiếp tục tranh luận, thuyết phục màu khác vẽ sự trội hơn của mình. Bỗng một ánh chớp sáng lóe trên nền trời, âm thanh dữ dội của sấm sét và mưa bắt đầu nặng hạt. Các sắc màu sợ hãi đứng nép sát vào nhau để tìm sự ấm áp. Mưa nghiêm nghị nói:
– Các bạn thật là ngớ ngẩn khi chi cố gắng vật lộn với chính các bạn. Các bạn không biết các bạn được tạo ra từ một mục đích thật đặc biệt, đồng nhất nhưng cũng khác nhau? Các bạn là những màu sắc thật tuyệt vời. Thế giới này sẽ trở nên nhàm chán nếu thiếu một trong các bạn. Nào, bây giờ hãy nắm lấy tay nhau và bước nhanh đến tôi.
Các màu sắc cùng nắm lấy tay nhau và tạo thành những màu sắc đa dạng. Mưa tiếp tục:
– Và từ bây giờ, mồi khi trời mưa tất cả các bạn sẽ vươn ra bầu trời bằng chính màu sắc của mình và phải hợp lại thành vòng đế nhắc nhở rằng các bạn phải luôn sống trong hòa thuận, và ta gọi đó lá cầu vồng. Cầu vồng tượng trưng cho niềm hy vọng của ngày mai.
Cứ như thế mỗi khi trời mưa, để gột rửa thế giới này, trên nền trời sẽ ánh lên những sắc cầu vồng làm đẹp thêm cho cuộc sống, để nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn tôn trọng lẫn nhau.
Sáng tác truyện ngắn có tác dụng với tuổi trẻ – Mẫu 5
Một cậu bé có tính rất xấu là hay nổi nóng. Một hôm, cha cậu bé đưa cho cậu một túi đinh rồi nói với cậu: “Mỗi khi con nổi nóng với ai đó thì hãy chạy ra sau nhà và đóng một cái đinh lên hàng rào gỗ”.
Ngày đầu tiên cậu bé đã đóng tất cả ba mươi bảy cái đinh lên hàng rào. Nhưng sau vài tuần, cậu bé đã tập kiềm chế dần cơn giận của mình và số lượng đinh cậu đóng lên hàng rào ngày một ít đi. Cậu nhận thấy rằng kiềm chế cơn giận của mình dễ hơn là phải đóng một cây đinh lên hàng rào.
Đến một ngày, cậu đã không nổi giận một lần nào trong suốt cả ngày. Cậu bé thưa với cha và ông bảo:
– Tốt lắm, bây giờ nếu sau mỗi ngày mà con không hề giận ai dù chỉ một lần, con hãy nhổ cây đinh ra khỏi hàng rào.
Ngày lại ngày trôi qua, rồi cũng đến một hôm cậu bé vui mừng hãnh diện báo với cha rằng đã không còn một cây đinh nào trên hàng rào nữa. Cha cậu liền đến bên hàng rào. Ở đó, ông nhỏ nhẹ nói với cậu:
– Con đã làm rất tốt, nhưng con hãy nhìn những lỗ đinh con để lại trên hàng rào. Hàng rào đã không giống như xưa nữa rồi. Nếu như con nói điều gì trong cơn giận dữ, những lời nói ấy cũng như những lỗ đinh này, chúng để lại những vết thương khó lành trong lòng người khác. Cho dù sau đó con có xin lỗi bao nhiêu lần đi nữa, vết thương đó vẫn còn lại mãi. Con hãy ghi nhớ rằng:
– Vết thương tinh thần còn đau đớn hơn cả những vết thương thể xác. Những người xung quanh ta, bạn bè ta là những viên đá quý. Họ giúp con cười và giúp con mọi chuyện. Họ nghe con than thở khi con gặp khó khăn, cổ vũ con và luôn sẵn sàng mở trái tim mình ra cho con.
Sáng tác truyện ngắn có tác dụng với tuổi trẻ – Mẫu 6
Một ngày mới lại bắt đầu, nghĩ đến năm tiết dạy buổi sáng ở trường dạy nghề là tôi lại cảm thấy mệt mỏi. Không hiểu nguyên nhân gì mà mấy ngày gần đây tôi không còn hứng thú với công việc giảng dạy của mình nữa. Dường như thời gian đã làm giảm lòng nhiệt tình của một thầy giáo vốn được coi là yêu nghề như tôi.
Mở máy di động của mình ra, có một tin nhắn rất lạ: “Chào thầy giáo, tôi có một việc muốn gặp thầy, nếu có thời gian rỗi xin thầy nhắn lại cho tôi theo số điện thoại này. Cảm ơn thầy! Mary”. Cố lục trong trí nhớ người có tên Mary nhưng không ra. “Có thể là một khách hàng muốn sửa xe” – Tôi thầm nghĩ. Vì ngoài thời gian giảng dạy, tôi còn nhận sửa xe cho khách hàng.
Trong khoảng thời gian rỗi ngồi ở văn phòng nhà trường trước khi vào lớp, tôi gọi điện lại cho người có tên Mary:
– Xin lỗi, đây có phải số máy của chị Mary không?
– Vâng, chính tôi đây.
– Chào chị, tôi là Mark, giáo viên ở trường dạy nghề sửa chữa ô tô, tôi nhận được tin nhắn của chị. Chắc chiếc xe của chị có vấn đề và cần tôi sửa?
– Ồ, xin chào thầy giáo, rất vui là thầy đã gọi điện lại cho tôi. Thầy có thể dành cho tôi vài phút được không? Khi nghe câu chuyện tôi kể, chắc chắn thầy sẽ rất vui. -Người phụ nữ đầu dây bên kia hào hứng.
– Có gì quan trọng thì chị cứ nói, nhưng tôi còn rất ít thời gian vì sắp phải vào lớp. – Tôi miễn cưỡng đáp khi nhìn đồng hồ thì chỉ còn vài phút nữa là phải vào lớp.
– Vâng, tôi sẽ nói ngắn gọn thôi. Tôi là Mary, y tá của một bệnh viện trong thành phố. Tối qua, trên đường về nhà, xe của tôi tự dưng bị hỏng giữa đường. Lúc đó đêm đã khuya, chỉ có một mình nên tôi rất lo lắng và không biết nên làm thế nào.
– Vậy tôi có thể giúp gì được?
– Dạ, thầy có thể nghe hết lời tôi nói không? Chỉ một chút thôi…
– Vâng, chị cứ tiếp tục đi. – Tôi lại nhìn đồng hồ và khó chịu.
– Đúng lúc tôi đang bối rối thì đằng sau tự dưng có hai thanh niên lái xe tới. Họ xuống xe và hỏi tôi chiếc xe bị làm sao, lúc đó tôi vô cùng sợ hãi. Thầy biết không, hai chàng trai trẻ đó đã lụi hụi sửa xe cho tôi và thật không ngờ, chiếc xe lại chạy được.
– Vậy, bây giờ chiếc xe của chị ra sao? Có cần phải sửa chữa gì không? Chị nên đi kiểm tra một lần nữa xem sao.
– Không, nó vẫn chạy tốt. Chả là, khi hai thanh niên đó sửa xe cho tôi xong, tôi gửi tiền công nhưng họ không lấy. Tôi hỏi tên, họ cũng không trả lời, họ chỉ nói với tôi họ là học trò cũ của thầy. Do đó tôi muốn cảm ơn thầy!
– Gì cơ? Học sinh cũ của tôi à? Chị không biết họ tên của họ à?
– Thật đáng tiếc, họ không nói. Họ chỉ đưa cho tôi tên và số điện thoại của thầy. Tôi chỉ muốn nói với thầy một câu: Cảm ơn thầy đã dạy dỗ được những học sinh tốt như vậy!
Trong mấy chục năm đứng trên bục giảng, không nhớ có bao nhiêu khoá học sinh tôi đã trực tiếp giảng dạy. Không chỉ dạy học sinh những kiến thức cơ bản về sửa chữa ô tô, tôi còn kể cho họ nghe những câu chuyện hay về đạo làm người. Nhưng không ngờ những học sinh đó vẫn còn nhớ những câu chuyện của tôi.
– Thầy giáo Mark, thầy còn nghe tôi nói không? Tôi chỉ muốn gặp thầy để nói lời cảm ơn.
– Không, chị Mary. Người nói lời cảm ơn phải là tôi.
Trên quãng đường lên lớp để tiếp tục công việc của mình, tôi dường như cảm thấy mình đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Lần đầu tiên trong suốt mấy chục năm làm giáo viên tôi mới ý thức được rằng công việc của mình thật cao quý và ý nghĩa. Và đối với một giáo viên như tôi, phần thưởng này tuy đến muộn nhưng lại là phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời.
Sáng tác truyện ngắn có tác dụng với tuổi trẻ – Mẫu 7
“Khao khát là khởi đầu của mọi thành công. Ước mơ là khởi đầu hành trình vượt ra khỏi những khuôn khổ”. (Napoleon Hill)
Trong khu vườn nọ, có một bông hoa Violet xinh xắn, luôn tỏa ngát hương thơm. Nàng sống hạnh phúc cùng với những người bạn láng giềng.
Một ngày nọ, ngắm nhìn chị Hoa Hồng kiêu sa với sắc đẹp rực rỡ làm sáng cả khu vườn, nàng Violet chợt thấy mình thật nhỏ bé. Nàng than thở:
– So với chị Hoa Hồng may mắn kia, mình chẳng là gì cả. Giá như mình được làm Hoa Hồng một lần trong đời nhỉ, một lần thôi để không phải nằm sát mặt đất thế này, mình cũng mãn nguyện lắm rồi.
Có một bà tiên tình cờ biết được sự tình bèn hỏi bông hoa bé nhỏ:
– Chuyện gì xảy ra với con vật ?
Nàng Violet cất giọng tha thiết:
– Con biết bà luôn nhân từ và đầy lòng yêu thương. Con cầu xin bà hãy biến con thành Hoa Hồng!
Bà tiên chăm chú nhìn bông hoa:
– Con có biết mình đang đòi hỏi điều gì không? Một ngày nào đó con sẽ hối hận đấy.
Nhưng Violet vẫn một mực nài nỉ. Động lòng trước khát khao của nàng, cuối cùng bà tiên đồng ý. Bà chạm ngón tay thần kỳ của mình vào thân Violet, và ngay lập tức Violet biến thành một cây hoa hồng xinh tươi, kiêu hãnh vươn cao với những bông hoa đỏ rực trên cành.
Một hôm, Giông Bão đi qua khu vườn, giật gãy các nhánh cây, làm bật gốc cả những cây cao to. Cả khu vườn bị vùi dập tơi tả trong gió bão, trừ những loài hoa nhỏ bé nằm sát mặt đất như Violet.
Bão tan. Bầu trời lại trong xanh. Các nàng Violet vẫy cành hoa tím, vui đùa bên nhau. Một nàng nhìn Hoa Hồng – là Violet ngày nào – thương xót:
– Các bạn nhìn kìa, cô ấy đang phải trả giá cho mong muốn nhất thời của mình đấy!
Nàng Hoa Hồng nằm quật dưới đất, thân hình gãy nát, hoa lá tả tơi, cố gắng dùng chút hơi thở cuối cùng thều thào:
– Tôi chưa bao giờ biết sợ Giông Bão. Khi còn là một cành Violet bé nhỏ, đã có những lúc tôi cảm thấy thoải mái và hài lòng với mình. Nhưng khi cứ mãi như vậy tôi chợt thấy mình nhỏ bé, nhàm chán và nhạt nhẽo. Tôi không muốn sống một cuộc đời mà quanh năm chỉ biết bám mình vào đất với vẻ sợ sệt, yếu đuối, và khi mùa đông đến sẽ vùi lấp dưới lớp tuyết trắng xóa. Hôm nay, tuy sắp phải từ giã các bạn nhưng tôi rất vui sướng và mãn nguyện vì đã biết thế nào là thế giới muôn màu trên cao. Tôi đã sống như một Hoa Hồng đích thực, đài ngẩng cao nhìn ánh Mặt Trời, nghe được lời thì thầm của chị gió và vui đùa với các chị Sương Mai. Tôi có thể chạm vào nếp áo của Thần Ánh Sáng bằng cánh hồng thơm ngát. Tôi sẽ chết nhưng tôi đã được đi đến tận cùng của khát vọng sống. Tôi đã thực hiện được ước mơ của mình. Đó là điều ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi.
Nói xong, nàng từ từ khép những cánh hồng héo úa lại và trút hơi thở cuối cùng với nụ cười mãn nguyện trên môi.
Sáng tác truyện ngắn có tác dụng với tuổi trẻ – Mẫu 8
Con người luôn mắc phải những sai lầm trong cuộc đời. Nhưng nếu chúng ta biết nhận ra sai lầm, chịu sửa chữa sai lầm thì đó sẽ là một bài học vô cùng quý giá trong cuộc sống. Qua sai lầm, con người sẽ ngày càng trưởng thành hơn.
Tôi là một cậu bé khá nghịch ngợm, không chịu học hành lại rất ham mê trò chơi điện tử. Do nhà không có máy tính nên thỉnh thoảng vào cuối tuần, tôi thường cùng với các bạn rủ nhau ra quán chơi. Bọn con trai chúng tôi một khi đã ngồi trước màn hình máy tính là dường như quên hết mọi chuyện.
Tôi vẫn còn nhớ như in kỷ niệm. Tối hôm đó là thứ hai đầu tuần. Trong khi ngồi học bài mà đầu tôi cứ nghĩ đến trận đấu ngày hôm qua với Long – cậu bạn thân cùng lớp. Long cũng là một cậu bạn ham mê chơi điện tử giống như tôi. Buổi chiều hôm qua, sau khi tan học về, chúng tôi đã cùng nhau quyết chiến. Nhưng trận chiến lại bất phân thắng bại. Càng nghĩ tôi cảm thấy không phục vì bản thân chơi giỏi hơn bạn ấy. “Không! Phải tập dượt cho thành thạo để chiến thắng, để “dằn mặt” cho Long bớt đi cái tính“đỡ kiêu ngạo” của mình” – Tôi thầm nghĩ.
Bông tôi nảy ra một ý tưởng rất hay. Tôi xuống dưới nhà, nói với mẹ:
– Mẹ ơi ! Bài Toán này khó quá ! Mẹ cho con sang nhà Long để hỏi, mẹ nhé!
Mẹ đang rửa bát trong bếp, thấy tôi thường ngày lười biếng, nay lại chủ động muốn sang nhà bạn hỏi bạn thì vui vẻ đồng ý và còn dặn tôi về sớm. Tôi chào mẹ rồi liền chạy vụt đi. Nhà Long ở cuối con phố, cách nhà tôi chỉ vài trăm mét. Tôi chạy sang nhà Long, không có ai ở nhà. Bố mẹ Long đi công tác đến ngày mai mới về. Chúng tôi nhanh nhảu đi ra quán điện tử. Chúng tôi chọn một chỗ thật đẹp rồi bắt đầu bước vào trận quyết chiến. Tôi cảm thấy phấn chấn lạ lùng, không giống như khi ngồi trước sách vở. Cả hai mải chơi đến quên cả thời gian. Chợt một bàn tay vỗ nhẹ vào vai khiến tôi giật mình:
– Nghỉ thôi cháu! Muộn quá rồi!
Bác chủ nhà nhắc nhở rồi chỉ tay lên đồng hồ. Mười một rưỡi. Đã muộn như vậy rồi ư? Tôi quay sang thì không thấy Long đâu cả. Chợt nhớ ra, sau khi thua trận, Long đã chán nản bỏ về từ lâu. Còn tôi thì vẫn say mê chơi tiếp. Bỗng nghĩ đến bố mẹ, lòng tôi đầy lo lắng và sợ hãi, nhanh chóng đứng dậy trả tiền rồi ra về.
Đường phố ban đêm yên lặng đến đáng sợ. Tôi vừa đi vừa tìm cách đối phó nhưng nghĩ mãi không ra. Bất chợt, có tiếng xe máy dừng ngay bên cạnh và giọng nói nghiêm túc của bố tôi cất lên:
– Hoàng, mau lên xe!
Hai đầu gối bủn rủn, tôi đứng như trời trồng, miệng lắp bắp:
– Bố… bố… đi tìm con ạ?
– Đúng vậy! Mẹ nói là con đến nhà Long nhờ bạn giảng bài, nhưng muộn quá không thấy con về nên nhờ bố đi đón con.
Giọng bố rất bình thản nhưng tôi biết là bố đang kìm nén cơn giận dữ. Một nỗi sợ hãi ghê gớm khiến em choáng váng. Như một cái máy, tôi leo lên xe để bố chở về nhà. Khi về đến nhà, tôi thấy mẹ vẫn chưa đi ngủ mà đang ngồi đợi mình. Chắc chắn mẹ đã rất lo lắng cho tôi. Tôi liền cảm thấy thật có lỗi. Bước vào nhà, tôi liền xin lỗi bố mẹ, rồi thành thật kể lại mọi chuyện. Bố liền nói với tôi:
– Tuổi trẻ thường hiếu thắng, thích hơn thua với bạn bè. Đó không phải là điều gì sai trái. Nhưng việc con nói dối mẹ để đi chơi là điều không đúng. Việc chơi game, bố mẹ không phản đối nhưng nếu con chơi quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe, hay việc học tập. Bố hy vọng con sẽ ý thức được điều đó!
Khi nghe những lời bố nói, tôi đã cảm thấy vô cùng hối hận. Nếu trước đó tôi chỉ cảm thấy sợ hãi vì nghĩ rằng sẽ phải chịu trận đòn roi từ bố như mọi lần. Thì lúc này, bố hoàn toàn không đánh tôi nữa. Lời tâm sự của bố khiến tôi nhận ra một bài học thật ý nghĩa. Đối với bố mẹ, tôi đã không còn là đứa trẻ ngày nào, không thể dạy dỗ bằng những trận đòn roi. Lời khuyên nhẹ nhàng mà sâu sắc của bố mẹ đã giúp tôi sống có ích thức hơn.