Bộ câu hỏi trắc nghiệm Lịch sử 11 Chân trời sáng tạo (Cả năm)

Bộ câu hỏi trắc nghiệm Lịch sử 11 Chân trời sáng tạo (Cả năm)

Bộ câu hỏi trắc nghiệm Lịch sử 11 Chân trời sáng tạo là tài liệu vô cùng hữu ích, mang tới những câu hỏi trắc nghiệm theo bài, đầy đủ cả năm học. Qua đó, giúp thầy cô tham khảo để giao đề ôn tập cho học sinh của mình.

Bạn đang đọc: Bộ câu hỏi trắc nghiệm Lịch sử 11 Chân trời sáng tạo (Cả năm)

Trắc nghiệm Lịch sử 11 Chân trời sáng tạo cả năm có đáp án kèm theo, giúp các em luyện trả lời câu hỏi trắc nghiệm theo bài, nhằm củng cố kiến thức Lịch sử lớp 11 thật tốt. Qua đó có định hướng học tập, ôn luyện đạt được kết quả cao trong các bài kiểm tra, bài thi sắp tới. Vậy dưới đây là trọn bộ câu hỏi trắc nghiệm Lịch sử 11 Chân trời sáng tạo, mời các bạn cùng theo dõi.

Câu hỏi trắc nghiệm Lịch sử 11 Chân trời sáng tạo

    Trắc nghiệm Lịch sử 11 Bài 1

    Câu 1. Ở Bắc Mỹ, phương thức kinh doanh trong các đồn điền tại những bang miền Nam đã dẫn đến sự hình thành của tầng lớp nào?

    A. Quý tộc phong kiến
    B. Quý tộc mới.
    C. Chủ nô.
    D. Nông nô.

    Đáp án đúng là: C

    Ở Bắc Mỹ, phương thức kinh doanh trong các đồn điền tại những bang miền Nam đã dẫn đến sự hình thành của tầng lớp chủ nô.

    Câu 2. Tầng lớp quý tộc phong kiến và quý tộc mới ở Anh (thế kỉ XVII) có sự tương đồng về

    A. quyền lực chính trị.
    B. nguồn gốc xuất thân.
    C. phương thức kinh doanh.
    D. thái độ với nhà nước phong kiến.

    Đáp án đúng là: B

    – Tầng lớp quý tộc phong kiến và quý tộc mới ở Anh (thế kỉ XVII) có sự tương đồng về nguồn gốc xuất thân.

    – Một số điểm khác biệt giữa quý tộc mới và quý tộc phong kiến:

    + Quyền lực chính trị:

    ▪ Quý tộc mới: quyền lực chính trị yếu, không tương xứng với thực lực kinh tế.

    ▪ Quý tộc phong kiến: nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong triều đình phong kiến.

    + Phương thức kinh doanh:

    ▪ Quý tộc mới: kinh doanh theo phương thức tư bản chủ nghĩa.

    ▪ Quý tộc phong kiến: vẫn duy trì quan hệ sản xuất phong kiến.

    + Thái độ với nhà nước phong kiến:

    ▪ Quý tộc mới: muốn lật đổ nhà nước phong kiến chuyên chế, thiết lập chế độ mới tiến bộ hơn.

    ▪ Quý tộc phong kiến: có quyền lợi gắn bó chặt chẽ với nhà nước phong kiến chuyên chế, nên ra sức ủng hộ, bảo vệ chế độ phong kiến chuyên chế.

    Câu 3. Lực lượng nào sau đây không thuộc Đẳng cấp thứ ba trong xã hội Pháp (cuối thế kỉ XVIII)?

    A. Giai cấp tư sản.
    B. Nông dân.
    C. Tăng lữ Giáo hội.
    D. Bình dân thành thị.

    Đáp án đúng là: C

    – Cuối thế kỉ XVIII, xã hội Pháp phân chia thành ba đẳng cấp:

    + Đẳng cấp thứ nhất là: tăng lữ Giáo hội.

    + Đẳng cấp thứ hai là: quý tộc phong kiến.

    + Đẳng cấp thứ ba, bao gồm: giai cấp tư sản, bình dân thành thị, nông dân,…

    Câu 4. Cách mạng tư sản Anh (thế kỉ XVII) bùng nổ trên cơ sở tiền đề xã hội nào sau đây?

    A. Mâu thuẫn giữa quần chúng nhân dân với các thế lực phong kiến chuyên chế.
    B. Mâu thuẫn giữa đẳng cấp thứ ba với đẳng cấp Tăng lữ Giáo hội và Quý tộc.
    C. Mâu thuẫn dân tộc giữa nhân dân thuộc địa với chính quyền thực dân xâm lược.
    D. Mâu thuẫn giai cấp giữa quý tộc phong kiến với nông dân và bình dân thành thị.

    Đáp án đúng là: A

    – Tiền đề xã hội của Cách mạng tư sản Anh (thế kỉ XVII):

    + Giai cấp tư sản và quý tộc mới có thế lực về kinh tế nhưng không có quyền lực chính trị tương xứng, nên họ mong muốn lật đổ chế độ phong kiến chuyên chế, thiết lập một chế độ mới tiến bộ hơn.

    + Giai cấp nông dân, tầng lớp bình dân thành thị, tiểu tư sản,… bị bóc lột, chèn ép bới các chính sách cai trị hà khắc của nhà nước phong kiến chuyên chế.

    => Mâu thuẫn giữa quần chúng nhân dân với các thế lực phong kiến chuyên chế đã thúc đẩy sự bùng nổ của Cách mạng tư sản Anh.

    Câu 5. Quan sát bức tranh dưới đây và trả lời câu hỏi:

    Câu hỏi: Nội dung nào dưới đây không được phản ánh thông qua bức tranh biếm họa “Tình cảnh người nông dân Pháp trước cách mạng”?

    A. Sự lạc hậu trong sản xuất nông nghiệp ở Pháp.
    B. Giai cấp nông dân chịu nhiều tầng áp bức bóc lột.
    C. Tăng lữ và Quý tộc được hưởng nhiều đặc quyền.
    D. Sản xuất nông nghiệp phát triển, mùa màng bội thu.

    Đáp án đúng là: D

    – Một số nội dung được phản ánh thông qua bức tranh biếm họa “Tình cảnh người nông dân Pháp trước cách mạng”:

    + Sự lạc hậu trong sản xuất nông nghiệp ở Pháp (thể hiện ở chi tiết: chiếc cuốc đã bị mòn vẹt; mùa màng bị phá hoại bởi các con vật như: chuột, chim, thỏ,…)

    + Giai cấp nông dân chịu nhiều tầng áp bức bóc lột (thể hiện ở chi tiết: người nông dân già nua, ốm yếu nhưng lại phải cõng trên lưng mình hai người đàn ông to béo, khỏe mạnh – hình tượng cho hai đẳng cấp quý tộc và tăng lữ trong xã hội Pháp trước cách mạng).

    + Tăng lữ và Quý tộc được hưởng nhiều đặc quyền (thể hiện ở chi tiết: 2 người đàn ông to béo, nét mặt sung sướng, thỏa mãn; ăn mặc màu mè, diêm dúa; trong túi quần và túi áo của họ lộ ra những loại văn bản vay nợ, cho thuê ruộng,…).

    Câu 6. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng tiền đề về kinh tế của cuộc Cách mạng tư sản Anh (thế kỉ XVII)?

    A. Các ngành luyện kim, thiếc, đóng tàu phát triển nhanh.
    B. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.
    C. Luân Đôn là trung tâm công – thương nghiệp, tài chính lớn.
    D. Kinh tế tư bản chủ nghĩa không xâm nhập vào nông nghiệp.

    Đáp án đúng là: D

    – Tiền đề về kinh tế của cuộc Cách mạng tư sản Anh (thế kỉ XVII):

    + Từ giữa thế kỉ XVI, nông nghiệp ở Anh đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và hỗ trợ cho sự phát triển của công – thương nghiệp.

    + Các ngành luyện kim, thiếc, đóng tàu phát triển nhanh. Trước năm 1640, sản lượng khai thác than ở Anh chiếm 4/5 tổng sản lượng than ở châu Âu.

    + Luân Đôn trở thành một trong những trung tâm công – thương nghiệp, tài chính lớn ở Anh.

    Câu 7. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng về tình hình kinh tế của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ trong các thế kỉ XVII – XVIII?

    A. Nhiều trung tâm công nghiệp hình thành ở miền Bắc và miền Trung.
    B. Kinh tế đồn điền và trang trại phát triển mạnh mẽ ở miền Bắc.
    C. Bắc Mỹ là nơi cung cấp nguyên liệu và thị trường tiêu thụ của Anh.
    D. Nền công – thương nghiệp tư bản chủ nghĩa ngày càng phát triển.

    Đáp án đúng là: B

    13 thuộc địa ở Bắc Mỹ là nơi cung cấp nguyên liệu (bông, thuốc lá,…) và thị trường tiêu thụ hàng hóa của Anh.

    – Trong các thế kỉ XVII – XVIII, nền công – thương tư bản chủ nghĩa ngày càng phát triển ở Bắc Mỹ:

    + Nhiều trung tâm công nghiệp hình thành ở miền Bắc và miền Trung.

    + Kinh tế đồn điền, trang trại phát triển mạnh mẽ ở miền Nam.

    Câu 8. Đoạn tư liệu dưới đây cho em biết điều gì về tình hình nước Pháp cuối thế kỉ XVIII?

    Tư liệu. Ở Pháp, vương quyền là đỉnh cao của lâu đài phong kiến và chuyên chế. Nhà vua luôn có quyền hành chuyên chế và vô hạn;… quyết định mọi công việc đối nội và đối ngoại của quốc gia. Triều vua Lu-I XVI là một sự chuyên chế cao độ. Theo những “mật lệnh có ấn vua” nhằm khủng bố nhân dân, hàng trăm người bị bắt, bị tù đày ở các nơi trong nước”.

    (A. Man-phờ-rét, Đại Cách mạng Pháp 1789, NXB Khoa học, 1965, tr.18-19)

    A. Chính sách cai trị của nhà nước phong kiến chuyên chế gây bất mãn cho nhân dân.
    B. Sự tồn tại của nhà nước quân chủ lập hiến gây bất mãn cho tầng lớp quý tộc mới.
    C. Mâu thuẫn giữa đẳng cấp thứ ba với đẳng cấp tăng lữ và quý tộc ngày càng sâu sắc.
    D. Nhà nước phong kiến do vua Lu-I XVI đứng đầu thi hành nhiều chính sách tiến bộ.

    Đáp án đúng là: A

    – Đoạn tư liệu trên cho biết về tình hình chính trị ở nước Pháp cuối thế kỉ XVIII:

    + Đến cuối thế kỉ XVIII, Pháp vẫn là một nước quân chủ chuyên chế do vua Lu-I XVI đứng đầu. Nhà vua có quyền lực tối cao và tuyệt đối.

    + Sự tồn tại của nhà nước phong kiến chuyên chế đã kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Pháp; đồng thời gây nên những bất mãn sâu sắc trong quần chúng nhân dân.

    Câu 9. Đến giữa thế kỉ XVII, người đứng đầu Giáo hội Anh (Anh giáo) là

    A. vua Sác-lơ I.
    B. vua Lu-I XVI.
    C. vua Sác-lơ II.
    D. vua Lu-I XIII.

    Đáp án đúng là: A

    Đến giữa thế kỉ XVII, Anh vẫn là một nước quân chủ chuyên chế do vua Sác-lơ I đứng đầu. Nhà vua có quyền lực tối cao và tuyệt đối. Vua Sác-lơ I đứng đầu Giáo hội Anh (Anh giáo), tiến hành đàn áp các tín đồ Thanh giáo (tôn giáo cải cách), lập ra các tòa án để buộc tội những người chống đối.

    Câu 10. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng những tiền đề về xã hội của các cuộc cách mạng tư sản thời cận đại?

    A. Xuất hiện các lực lượng xã hội mới đại diện cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
    B. Mâu thuẫn giữa các lực lượng xã hội mới với chế độ phong kiến hoặc chủ nghĩa thực dân.
    C. Quần chúng nhân dân sẵn sàng đi theo giai cấp tư sản và quý tộc mới… để làm cách mạng.
    D. Xuất hiện các giai cấp, tầng lớp mới…, đại diện cho phương thức sản xuất phong kiến.

    Đáp án đúng là: D

    – Tiền đề về xã hội của các cuộc cách mạng tư sản thời cận đại:

    + Sự phát triển của nền kinh tế đã làm biến đổi xã hội, dẫn đến sự xuất hiện của các giai cấp, tầng lớp mới, đại diện cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Ví dụ: giai cấp tư sản, tầng lớp quý tộc mới,…

    + Giai cấp tư sản và đồng minh (quý tộc mới/ chủ nô,…) tuy giàu có về kinh tế nhưng không có quyền lực chính trị tương xứng; lại bị chính quyền phong kiến chuyên chế hoặc chế độ thực dân kìm hãm,… do đó họ có sự bất bình và tìm cách tập hợp quần chúng nhân dân để làm cách mạng, nhằm xác lập một chế độ mới tiến bộ hơn.

    + Quần chúng nhân dân bị bóc lột, chèn ép bởi chính sách cai trị của nhà nước phong kiến chuyên chế/ thực dân,… nên sẵn sàng đi theo tư sản và quý tộc mới… để làm cách mạng.

    …………..

    Trắc nghiệm Lịch sử 11 Bài 2

    Câu 1. Đến cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, Anh được mệnh danh là “đế quốc mà Mặt Trời không bao giờ lặn”, do

    A. hệ thống thuộc địa của Anh bị thu hẹp về vùng xích đạo.
    B. phần lớn thuộc địa của Anh tập trung ở vùng xích đạo.
    C. hệ thống thuộc địa của Anh trải rộng ở khắp các châu lục.
    D. nhà nước Anh tập trung vào phát triển năng lượng Mặt Trời.

    Đáp án đúng là: C

    Đến cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, do có hệ thống thuộc địa trải rộng ở khắp các châu lục, nên đế quốc Anh được mệnh danh là “đế quốc mà Mặt Trời không bao giờ lặn”.

    Câu 2. Cuối thế kỉ XVIII, chủ nghĩa tư bản

    A. được xác lập ở Hà Lan và Anh.
    B. mở rộng ra ngoài phạm vi châu Âu.
    C. được xác lập ở I-ta-li-a và Đức.
    D. trở thành một hệ thống thế giới.

    Đáp án đúng là: B

    – Cuối thế kỉ XVIII, chủ nghĩa tư bản mở rộng ra ngoài phạm vi châu Âu và xác lập ở Pháp.

    Câu 3. Cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, ở nhiều nước tư bản, sự tập trung sản xuất và tập trung nguồn vốn lớn đã dẫn đến sự xuất hiện của các

    A. thương hội.
    B. phường hội.
    C. công trường thủ công.
    D. tổ chức độc quyền.

    Đáp án đúng là: D

    – Đến cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, ở nhiều nước tư bản, quá trình tích tụ và tập trung tư bản diễn ra mạnh mẽ, dẫn đến sự hình thành của các tổ chức độc quyền dưới nhiều hình thức khác nhau, như: cácten, xanhđica ở Đức và Pháp, tơrớt ở Mỹ.

    Câu 4 Nội dung nào sau đây phản ánh đúng về các tổ chức độc quyền ở các nước tư bản vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX?

    A. Tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, như: các-ten, xanh-đi-ca, tơ-rớt,…
    B. Đánh dấu chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn độc quyền sang tự do cạnh tranh.
    C. Không có khả năng chi phối đời sống kinh tế – chính trị của các nước tư bản.
    D. Chỉ hình thành các liên kết ngang giữa những xí nghiệp trong cùng một ngành kinh tế.

    Đáp án đúng là: A

    – Tổ chức độc quyền là sự liên minh giữa các nhà tư bản lớn để tập trung phần lớn việc sản xuất hoặc tiêu thụ hàng hóa nhằm thu lợi nhuận cao. Các tổ chức độc quyền tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, như: các-ten, xanh-đi-ca, tơ-rớt,… Sự phát triển của các tổ chức độc quyền tạo ra cơ sở vật chất cho bước chuyển của chủ nghĩa tư bản từ tự do cạnh tranh sang độc quyền. Cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, các tổ chức tư bản độc quyền đã chi phối sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế của các nước tư bản.

    – Khi mới bắt đầu quá trình độc quyền hoá, các tổ chức độc quyền hình thành theo liên kết ngang, nghĩa là mới chỉ liên kết những doanh nghiệp trong cùng một ngành, nhưng về sau theo mối liên hệ dây chuyền các tổ chức độc quyền đã phát triển theo liên kết dọc, mở rộng ra nhiều ngành khác nhau. Hiện nay, do sự phát triển của lực lượng sản xuất và khoa học – công nghệ nên đã diễn ra quá trình hình thành những sự liên kết giữa các doanh nghiệp theo cả hai chiều: chiều dọc và chiều ngang; ở cả trong nước và ngoài nước.

    Câu 5 Hình thức tiêu biểu của các tổ chức độc quyền ở Đức và Pháp vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, là

    A. các-ten và tơ-rớt.
    B. xanh-đi-ca và các-ten.
    C. tơ-rớt và công-xooc-xi-om.
    D. con-sơn và công-gô-lô-mê-rết.

    Đáp án đúng là: B

    – Đến cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, ở nhiều nước tư bản, quá trình tích tụ và tập trung tư bản diễn ra mạnh mẽ, dẫn đến sự hình thành của các tổ chức độc quyền dưới nhiều hình thức khác nhau, như: cácten, xanhđica ở Đức và Pháp, tơrớt ở Mỹ.

    Câu 6 Vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, sự kiện nào dưới đây đã góp phần mở rộng phạm vi của chủ nghĩa tư bản ở khu vực châu Á?

    A. Nhật Bản tiến hành cuộc Duy tân Minh Trị.
    B. Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời.
    C. Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam thành công.
    D. Duy tân Mậu Tuất (1898) ở Trung Quốc thành công.

    Đáp án đúng là: A

    – Cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, chủ nghĩa tư bản mở rộng phạm vi sang khu vực châu Á, thông qua một số sự kiện tiêu biểu như: Duy tân Minh Trị ở Nhật Bản; Cải cách, canh tân đất nước ở Xiêm; Cách mạng Tân hợi ở Trung Quốc;…

    Câu 7. Cuộc cách mạng công nghiệp (cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XIX) có tác động như thế nào đến sự phát triển của chủ nghĩa tư bản?

    A. Đánh dấu sự xác lập của chủ nghĩa tư bản ở các quốc gia Anh, Pháp, Đức,…
    B. Đánh dấu sự mở rộng của chủ nghĩa tư bản ra ngoài phạm vi châu Âu.
    C. Góp phần khẳng định sự thắng lợi của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu và Bắc Mĩ.
    D. Dẫn đến sự xác lập của chủ nghĩa tư bản trên phạm vi toàn thế giới.

    Đáp án đúng là: C

    Câu 8. Vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, đế quốc nào dưới đây được mệnh danh là “đế quốc mà Mặt Trời không bao giờ lặn”?

    A. Pháp.
    B. Đức.
    C. Anh.
    D. Mĩ.

    Đáp án đúng là: C

    Trong quá trình xâm lược thuộc địa, các nước đế quốc đã thiết lập hệ thống thuộc địa ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh. Trong số các nước đế quốc, nước Anh có hệ thống thuộc địa rộng lớn nhất (khoảng 33 triệu km2 với 400 triệu người, chiếm 1/4 diện tích và 1/4 dân số thế giới, gấp 12 lần thuộc địa của Đức và 3 lần thuộc địa của Pháp) được mệnh danh là “đế quốc mà Mặt Trời không bao giờ lặn”.

    Câu 9. Cuộc Duy tân Minh Trị ở Nhật Bản (bắt đầu từ năm 1868) đã

    A. xóa bỏ quyền lực chính trị của bộ phận quý tộc tư sản hóa, lật đổ ngôi vua.
    B. lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, đưa tới sự xác lập của chế độ cộng hòa.
    C. lật đổ ách thống trị của thực dân Anh, giành lại nền độc lập dân tộc.
    D. đưa Nhật Bản từ một nước phong kiến trở thành một nước tư bản chủ nghĩa.

    Đáp án đúng là: D

    Cuộc Duy tân Minh Trị bắt đầu từ năm 1868, đưa Nhật Bản từ một nước phong kiến trở thành nước tư bản chủ nghĩa.

    Câu 10. Cuộc Cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc (năm 1911) đã

    A. lật đổ ách thống trị của các nước thực dân phương Tây.
    B. mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.
    C. lật đổ triều đại Mãn Thanh, xác lập chế độ quân chủ lập hiến.
    D. mở đường cho Trung Quốc phát triển theo hướng xã hội chủ nghĩa.

    Đáp án đúng là: B

    Ở Trung Quốc, Cách mạng Tân Hợi (1911) đã lật đổ triều đại Mãn Thanh, chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại lâu đời ở Trung Quốc, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển ở quốc gia lớn nhất, đông dân nhất châu Á.

    ………..

    Tải file tài liệu để xem thêm Trắc nghiệm Lịch sử 11 Chân trời sáng tạo 

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *