Bộ đề đọc hiểu Ngữ văn 7 Cánh diều (Có đáp án)

Bộ đề đọc hiểu Ngữ văn 7 Cánh diều (Có đáp án)

Bộ đề đọc hiểu Ngữ văn 7 Cánh diều bao gồm 25 đề đọc hiểu Ngữ văn ngoài chương trình SGK có gợi ý đáp án kèm theo. Qua đó, giúp các em học sinh lớp 7 tham khảo, luyện tập thật tốt phần đọc hiểu ngoài chương trình.

Bạn đang đọc: Bộ đề đọc hiểu Ngữ văn 7 Cánh diều (Có đáp án)

Với 25 đề đọc hiểu ngoài chương trình Ngữ văn 7 Cánh diều còn giúp thầy cô tham khảo để giao đề ôn tập cho học sinh của mình. Đồng thời đây cũng là tư liệu cực kì hữu ích giúp các bạn học sinh ôn tập để đạt kết quả cao trong các bài kiểm tra, bài thi sắp tới. Vậy mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn nhé.

Bộ đề đọc hiểu Ngữ văn 7 Cánh diều

    Đề đọc hiểu Văn số 1

    Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

    “Một người đàn ông dừng lại trước cửa hàng bán hoa để đặt mua hoa và gửi điện hoa về cho mẹ, người đang sống cách anh 200 dặm. Khi bước ra khỏi ôtô, anh chú ý đến một bé gái đang ngồi khóc nức nở. Anh đến để hỏi xem có điều gì không ổn và bé gái trả lời: “Con muốn mua tặng một bông hồng đỏ cho mẹ. Nhưng con chỉ có bảy mươi lăm xu, mà một bông hồng giá tớihai đô la.”

    Người đàn ông mỉm cười rồi nói: “Lại đây nào, chú sẽ mua cho con một bông hồng”. Anh mua cho bé gái một bông hồng và đặt hoa gửi tặng mẹ anh. Khi họ chuẩn bị đi, anh đề nghị được đưa cô bé về nhà. Bé gái trả lời: “Vâng ạ. Chú có thể dẫn cháu đến gặp mẹ cháu”. Cô bé chỉ đường cho anh tới một nghĩa trang rồi cô đặt bông hồng lên trên một phần mộ mới xây.

    Người đàn ông quay lại tiệm hoa, hủy bỏ dịch vụ điện hoa, rồi cầm bó hoa và lái xe hơn 200 dặm để về nhà tặng mẹ anh.

    (Trích Quà tặng cuộc sống)

    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên.

    Câu 2. Nêu nội dung chính của văn bản.

    Câu 3. Theo em, vì sao người đàn ông ban đầu đã đặt dịch vụ điện hoa gửi về cho mẹ, sau đó hủy bỏ dịch vụ điện hoa, rồi cầm bó hoa và lái xe hơn 200 dặm để về nhà tặng mẹ anh?

    Câu 4. Từ nội dung văn bản ở phần Đọc – hiểu cùng với sự tưởng tượng của mình, em hãy viết một đoạn văn ngắn (3-5 câu) kể tiếp phần sau của câu chuyện đó.

    Gợi ý trả lời

    Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: tự sự

    Câu 2 : Câu chuyện kể về tình cảm yêu thương, kính trọng, biết ơn…của những người con dành cho mẹ.

    Câu 3:

    – Người đàn ông nhớ mẹ đã mua hoa gửi về tặng mẹ vì bận công việc. Nhưng khi chia sẻ với cô bé có mẹ mất sớm thì anh nhận ra tình yêu người con dành cho mẹ không chỉ là những bông hoa hoa mà còn là nỗi nhớ thương. Anh thay đổi quyết định ban đầu, muốn tự lái xe về nhà để gặp mẹ vì anh nhận thấy khi còn mẹ là niềm hạnh phúc nhất và thứ mẹ anh muốn là được gặp anh chứ không phải chỉ đơn giản là những thứ vật chất.

    Câu 4

    HS có thể tưởng tượng linh hoạt phần kết truyện phù hợp với diễn biến có sẵn của câu chuyện.

    – Trong phần kể của học sinh kể linh hoạt nhưng cần thể hiện được một số nội dung cơ bản để toát lên tình cảm của con dành cho mẹ và mẹ dành cho con. Từ đó cho thấy tình mẫu tử vô cùng thiêng liêng…. Ví dụ HS có thể kể tiếp:

    – Tình cảm yêu kính của người con( người đàn ông) đi hai trăm cây số để về thăm mẹ như thế nào?

    – Cảm xúc của người mẹ như thế nào khi thấy con về ….

    Đề đọc hiểu Văn số 2

    Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi bên dưới:

    ĐÔI TAI CỦA TÂM HỒN

    Một cô bé vừa gầy vừa thấp bị thầy giáo loại khỏi dàn đồng ca. Cũng chỉ tại cô bé ấy lúc nào cũng chỉ mặc mỗi bộ quần áo vừa bẩn, vừa cũ lại vừa rộng nữa. Cô bé buồn tủi ngồi khóc một mình trong công viên. Cô bé nghĩ: Tại sao mình lại không được hát? Chẳng lẽ mình hát tồi đến thế sao? Cô bé nghĩ mãi rồi cô cất giọng hát khe khẽ. Cô bé cứ hát hết bài này đến bài khác cho đến khi mệt lả mới thôi.

    – Cháu hát hay quá, một giọng nói vang lên: “Cảm ơn cháu, cháu gái bé nhỏ, cháu đã cho ta cả một buổi chiều thật vui vẻ”. Cô bé ngẩn người. Người vừa khen cô bé là một ông cụ tóc bạc trắng. Ông cụ nói xong liền chậm rãi bước đi.

    Hôm sau, khi cô bé tới công viên đã thấy ông già ngồi ở chiếc ghế đá hôm trước. Khuôn mặt hiền từ mỉm cười chào cô bé. Cô lại hát, cụ già vẫn chăm chú lắng nghe. Ông vỗ tay lớn: “Cảm ơn cháu, cháu gái bé nhỏ của ta, cháu hát hay quá!” Nói xong cụ già lại một mình chậm rãi bước đi. Như vậy, nhiều năm trôi qua, cô bé giờ đây đã trở thành một ca sĩ nổi tiếng. Cô gái vẫn không quên cụ già ngồi tựa lưng vào thành ghế đá trong công viên nghe cô hát. Một buổi chiều mùa đông, cô đến công viên tìm cụ nhưng ở đó chỉ còn lại chiếc ghế đá trống không. Cô hỏi mọi người trong công viên về ông cụ:

    – Ông cụ bị điếc ấy ư? Ông ấy đã qua đời rồi, một người trong công viên nói với cô.

    Cô gái sững người, bật khóc. Hóa ra, bao nhiêu năm nay, tiếng hát của cô luôn được khích lệ bởi một đôi tai đặc biệt: đôi tai của tâm hồn. 

    Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?

    Câu 2. Truyện được kể theo ngôi thứ mấy?

    Câu 3. Tình huống bất ngờ trong câu chuyện là sự việc nào?

    Câu 4. Ý nghĩa mà câu chuyện gửi tới chúng ta là gì?

    Gợi ý trả lời

    Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Tự sự:

    Câu 2. Ngôi kể: Thứ ba. Tác dụng: làm cho câu chuyện khách quan, hay hơn

    Câu 3. Tình huống bất ngờ trong câu chuyện: Cô gái sững người khi nhận ra người bấy lâu nay luôn khích lệ, động viên cho giọng hát của cô lại là một ông cụ bị điếc

    Câu 4. Ý nghĩa câu chuyện gửi tới người đọc:

    – Trước khó khăn, thử thách, con người cần có niềm tin, nghị lực vượt lên hoàn cảnh để chiến thắng hoàn cảnh.

    – Truyện còn đề cao sức mạnh của tình yêu thương con người.

    Đề đọc hiểu Văn số 3

    Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

    Các bạn lớp tôi thường gọi Lộc là “Lộc còi” vì Lộc bé lắm, mười một tuổi mà bằng đứa chín tuổi. Hẳn vì “còi” nên Lộc có vẻ yếu, thường hôm nào học năm tiết, tiết học hát cuối cùng là Lộc hát chẳng ra hơi, có khi cứ dựa vào tập thể mà Lộc chỉ lí nhí hoặc mấp máy mồm hát theo thôi. Người ta bảo thể lực yếu thì thường học kém, thế mà Lộc học chẳng kém. Còn tôi, trông tôi có vẻ cao lớn hơn Lộc thì học lại chẳng giỏi giang gì. Tôi kém nhất là môn Toán. Cô giáo phân công Lộc giúp đỡ tôi về môn này. Không hiểu sao, mỗi lần giúp tôi học, Lộc thích đến nhà tôi hơn là tôi đến nhà Lộc. Nói cho đúng thì từ đầu năm học, tôi chưa đến nhà Lộc lần nào. Tính Lộc rủ rỉ ít nói. Mẹ tôi rất mến Lộc. Mẹ thường hay nêu Lộc để làm gương cho tôi. Mẹ làm tôi lắm khi tự ái. Mẹ nói là Lộc bé mà học giỏi, chăm, ngoan, lại nền nếp, cẩn thận… Có thể những điều trên mẹ tôi nói đúng, nhưng riêng cái điểm cẩn thận thì tôi không chịu. Tôi nghĩ rằng Lộc “ki bo” thì có. Cả lớp tôi chúng nó đều nhận xét thế. Lộc có cái cặp sách đã cũ mà cứ quý như vàng, không bao giờ vứt cặp xuống đất, không bao giờ dám ngồi lên cặp. Có cái bút máy Trường Sơn nét đã to bè, thế mà cứ viết viết, cất cất chi chút, chỉ dám viết cái bút ấy vào những buổi kiểm tra bài, còn ngày thường thì Lộc viết bút chấm mực. […]

    Cuối học kì hai, Lộc báo cho tôi một tin chả vui gì:

    – Bố tớ sắp mù hẳn rồi, Viện mắt người ta bảo phải mổ mới khỏi. Mấy hôm nữa bố tớ vào viện. Tớ phải làm thay cả phần việc của bố ở nhà để kiếm sống, lại còn phải chăm sóc bố nữa chứ. Chắc tớ chả tiếp tục học được nữa. – Lộc giúi vào tay tôi cái bút Trường Sơn: – Cậu cầm lấy cái này mà dùng, tớ giữ mà không dùng nó phí đi!

    Lúc này giọng Lộc đã run run, không còn bình tĩnh như trước. Tôi nắm chặt tay Lộc và nói:

    – Cậu cứ giữ lấy cái bút này. Cậu cần phải tiếp tục học. Tớ sẽ giúp cậu trong thời gian bố cậu vào viện. Sau giờ học ở trường, tớ sẽ về nhà cậu, chúng mình cùng học, cùng làm. Vả lại cái việc sửa dép cũng dễ thôi, cậu bảo tớ vài lần là tớ làm được. Mẹ tớ sẽ rất vui lòng nếu như tớ giúp được cậu. Mẹ tớ quý và thương cậu lắm.

    (Bạn Lộc, Xuân Quỳnh, Văn học và Tuổi trẻ, số tháng 10 năm 2021, tr.48-51)

    Câu 1. Xác định ngôi kể được sử dụng trong đoạn trích.

    Câu 2. Chỉ ra số từ trong câu “Vả lại cái việc sửa dép cũng dễ thôi, cậu bảo tớ vài lần là tớ làm được” và đặt một câu khác với số từ đó.

    Câu 3. Trong đoạn trích, mẹ của nhân vật tôi nhận xétLộc là người như thế nào?

    Câu 4. Xác định và nêu chức năng của thành phần trạng ngữ trong câu văn sau: Sau giờ học ở trường, tớ sẽ về nhà cậu, chúng mình cùng học, cùng làm.

    Câu 5. Thông tin Lộc có cái cặp sách đã cũ mà cứ quý như vàng, không bao giờ vứt cặp xuống đất, không bao giờ dám ngồi lên cặp giúp em hiểu gì về Lộc?

    Câu 6. Nhân vật tôi và Lộc đã có một tình bạn đẹp. Theo em, cần làm gì để có thể xây dựng được một tình bạn đẹp? Viết câu trả lời trong một đoạn văn ngắn (khoảng 3 – 5 câu).

    Gợi ý làm bài

    Câu 1: Ngôi kể thứ nhất.

    Câu 2: Số từ trong câu là “vài” (Đây là số từ chỉ số lượng không xác định).

    Đặt câu: – Tôi đã đến Hạ Long vài lần rồi.

    – Đã vài năm trôi qua, em Mi đã không còn là cô bé hay nhõng nhẽo như trước nữa.

    Câu 3:

    Trong đoạn trích, mẹ của nhân vật tôi nhận xétLộc bé mà học giỏi, chăm, ngoan, lại nền nếp, cẩn thận…

    Câu 4:

    Câu văn: Sau giờ học ở trường, tớ sẽ về nhà cậu, chúng mình cùng học, cùng làm.

    – Thành phần trạng ngữ trong câu là: Sau giờ học ở trường

    – Chức năng của trạng ngữ: bổ sung ý nghĩa về thời gian.

    Câu 5:

    – Thông tin “Lộc có cái cặp sách đã cũ mà cứ quý như vàng, không bao giờ vứt cặp xuống đất, không bao giờ dám ngồi lên cặp” giúp em Lộc là cậu bé có tính cách cẩn thận, nền nếp, biết quý trọng những đồ dùng học tập.

    Câu 6. HS viết đoạn văn theo yêu cầu đề bài

    – Hình thức: đảm bảo dung lượng số dòng, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành;

    – Nội dung: Cần làm gì để có thể xây dựng được một tình bạn đẹp?

    + Cần lắng nghe, tôn trọng bạn và dành thời gian để vun đắp tình bạn.

    + Biết an ủi, chia sẻ, giúp đỡ khi bạn gặp khó khăn; biết tha thứ những lỗi lầm của nhau.

    + Góp ý chân thành khi bạn mắc khuyết điểm để cùng nhau tiến bộ.

    + Đối xử với nhau chân thành, thân ái, có thiện ý, biết hi sinh cho nhau; không tính toán, vụ lợi.

    Đề đọc hiểu Văn số 4

    Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

    MIẾNG BÁNH MÌ CHÁY

    Khi tôi lên 8 hay 9 tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét. Một tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than. Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng và lên tiếng hay không. Nhưng cha tôi chỉ ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì.

    Và tôi không bao giờ quên được những gì cha tôi nói với mẹ tôi: “Em à, anh thích bánh mì cháy mà.”

    Đêm đó, tôi đến bên chúc cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy. Cha tôi khoác tay qua vai tôi và nói:“Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai trách móc cay nghiệt đấy.”

    Rồi ông nói tiếp: “Con biết đó, cuộc đời đầy rẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn. Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được sinh nhật hay ngày kỷ niệm như một số người khác. Điều mà cha học được qua nhiều năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Đó là chìa khóa quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững con ạ.

    Cuộc đời rất ngắn ngủi để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.”

    (Theo Quà tặng cuộc sống)

    Câu 1. Xác định ngôi kể trong văn bản trên.

    Câu 2. Theo em, vì sao người cha lại nói với vợ:“Em à, anh thích bánh mì cháy mà.”

    Câu 3. Qua câu nói sau, người cha muốn nhắn nhủ con điều gì?

    “Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai trách móc cay nghiệt đấy.”

    Câu 4. Em hãy rút cho cho mình thông điệp ý nghĩa nhất qua câu chuyện trên.

    Gợi ý làm bài

    Câu 1: Ngôi kể thứ nhất.

    Câu 2:

    – Người cha nói vậy vì ông biết người vợ làm việc cả ngày rất mệt mỏi nên không thể chuẩn bị bữa tối tốt cho gia đình.

    – Người cha đã đặt mình vào hoàn cảnh của vợ để thông cảm cho những điều chưa hoàn hào của vợ.

    Câu 3: Ý nghĩa của câu nói: những lời chê bai, trách móc sẽ để lại những tổn thương rất lớn cho con người, vì vậy, hãy tha thứ cho nhau khi có thể.

    Câu 4: Học sinh có thể tuỳ chọn một trong các thông điệp của câu chuyện:

    – Tình thương yêu trong gia đình;

    – Sự tha thứ, lòng cảm thông;

    – Cách chấp nhận những khiếm khuyết của người khác;

    Đề đọc hiểu Văn số 5

    Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ 5 đến 8

    Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời
    Lúc người còn sống, tôi lên mười;
    Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
    Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.

    Hình dáng me tôi chửa xóa mờ
    Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
    Nét cười đen nhánh sau tay áo
    Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa.

    (Nắng mới, Lưu Trọng Lư, Theo Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh, Hoài Chân, NXB Văn học, 1994

    Câu 1: Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào?

    Câu 2: Chỉ ra những câu thơ miêu tả hình ảnh người mẹ?

    Câu 3: Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu: Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội? Tác dụng của biện pháp đó?

    Câu 4:Câu Nét cười đen nhánh sau tay áo trong đoạn thơ gợi lên điều gì?

    GỢI Ý ĐÁP ÁN

    Câu 1: Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ bảy chữ.

    Câu 2: Những câu thơ miêu tả hình ảnh người mẹ:

    – Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,

    Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.

    – Nét cười đen nhánh sau tay áo

    Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa

    Câu 3: – Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội: Nhân hóa.

    – Tác dụng: Hình ảnh nắng mới cất tiếng reo vui miêu tả một không gian sinh động, rực rỡ, vui tươi; qua đó thấy được sự náo nức, thiết tha trong nỗi nhớ của tác giả.

    Câu 4: Câu thơ Nét cười đen nhánh sau tay áo là một bức họa đẹp chứa đầy sức gợi – hình ảnh người mẹ vừa lấp lánh tỏa sáng, vừa e ấp, kín đáo trong nụ cười tươi tắn, hiền hậu, mang nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam xưa.

    ………….

    Tải file tài liệu để xem thêm đề đọc hiểu ngoài chương trình Ngữ văn 7 Cánh diều 

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *