TOP 8 Đề ôn thi học kì 2 môn Ngữ văn 6 sách Cánh diều, có đáp án kèm theo, giúp thầy cô tham khảo, dễ dàng xây dựng đề thi học kì 2 năm 2023 – 2024 cho học sinh của mình theo chương trình mới.
Bạn đang đọc: Bộ đề ôn thi học kì 2 môn Ngữ văn 6 sách Cánh diều
Với 8 Đề ôn thi học kì 2 môn Văn 6 Cánh diều, các em dễ dàng luyện giải đề thi học kì 2 thật nhuần nhuyễn, để ôn thi học kì 2 môn Văn 6 năm 2023 – 2024 thật tốt. Vậy mời thầy cô và các em học sinh cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Đề ôn thi học kì 2 môn Ngữ văn 6 sách Cánh diều
Đề ôn thi học kì 2 môn Ngữ văn 6 sách Cánh diều – Đề 1
Phần I: Đọc – hiểu
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
“Anh đội viên mơ màng
Như nằm trong giấc mộng
Bóng Bác cao lồng lộng
Ấm hơn ngọn lửa hồng”
(Trích Đêm nay Bác không ngủ, SGK Cánh diều – Ngữ Văn 6/T2)
Câu 1: Khổ thơ trên trích trong bài thơ nào, của ai? Trình bày hoàn cảnh sáng tác văn bản.
Câu 2: Bài thơ em vừa tìm được kể về chuyện gì? Qua điểm nhìn của ai?
Câu 3: Tìm những từ láy trong đoạn thơ trên
Câu 4. Phát hiện biện pháp tu từ trong đoạn thơ trên, xác định kiểu và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ đó.
Phần II: Tập làm văn
Hãy viết một đoạn văn trình bày giá trị nội dung và nghệ thuật văn bản em vừa tìm được.
ĐÁP ÁN GỢI Ý
Phần I: Đọc – hiểu
Câu 1:
– Bài thơ: Đêm nay Bác không ngủ
– Tác giả: Minh Huệ
– Năm 1950, trong chiến dịch Biên giới, Bác Hồ đã trực tiếp ra mặt trận chỉ huy cuộc chiến đấu. Đẩu năm 1951, Minh Huệ ở Nghệ An, một người là bộ đội vừa từ Việt Bắc về. Người bạn ấy kể cho nhà thơ một kỉ niệm được gặp Bác trong một đêm trên đường đi chiến dịch Biên giới. Câu chuyện gây xúc động cho Minh Huệ và ông đã dựa vào đó để sáng tác bài thơ.
Câu 2:
– Bài thơ kể về một đêm không ngủ trên đường đi chiến dịch của Bác qua điểm nhìn của anh đội viên
Câu 3:
– Từ láy: mơ màng, lồng lộng
Câu 4:
– Biện pháp tu từ: So sánh
+ Anh đội viên mơ màng
Như nằm trong giấc mộng
→ So sánh ngang bằng
+ Bóng Bác cao lồng lộng
Ấm hơn ngọn lửa hồng
→ So sánh không ngang bằng
– Tác dụng: Hai câu thơ đầu “Anh đội viên mơ màng, Như nằm trông giấc mộng” sử dụng phép so sánh để diễn tả trạng thái mơ màng nửa thức nửa ngủ của anh đội viên. Chính trong trạng thái ấy mà anh thấy hình ảnh Bác hiện lên vừa lung linh lớn lao: “Bóng Bác cao lồng lộng – Ấm hơn ngọn lửa hồng”, tình cảm của Bác được so sánh “ấm hơn” ngọn lửa, tình cảm ấy đã sưởi ấm, xua tan cái giá lạnh, cái hoang vu của rừng khuya, cái nhọc nhằn của người chiến sĩ trong đêm đông giá lạnh.
→ gợi tả hình ảnh Bác vĩ đại gần gũi, vừa thể hiện tình cảm thân thiết ngưỡng mộ của anh đội viên với Bác
Phần II: Tập làm văn
Gợi ý:
Mở đoạn: Bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” mang giá trị nội dung, nghệ thuật đặc sắc
Thân đoạn:
Nội dung
Qua câu chuyện về một đêm không ngủ của Bác Hồ trên đường đi chiến dịch, bài thơ đã thể hiện tấm lòng yêu thương sâu sắc, rộng lớn của Bác với bộ đội và nhân, đồng thời thể hiện tình cảm yêu kính, cảm phục của người chiến sĩ đối với lãnh tụ
Nghệ thuật
– Nhà thơ lựa chọn, sử dụng thể thơ năm chữ, kết hợp biểu cảm, tự sự và miêu tả.
– Minh Huệ lựa chọn, sử dụng lời thơ giản dị, có nhiều hình ảnh thể hiện tình cảm tự nhiên, chân thành.
– Bài thơ có nhiều từ láy tạo giá trị gợi hình và gợi cảm, khắc họa hình ảnh cao đẹp về Bác Hồ kính yêu.
Kết đoạn: Khẳng định giá trị nội dung, nghệ thuật của văn bản đã làm cho em thêm kính yêu và tự hào về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc
Đề ôn thi học kì 2 môn Ngữ văn 6 sách Cánh diều – Đề 2
I. PHẦN ĐỌC- HIỂU (5 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi.
“Trong gian phòng lớn tràn ngập ánh sáng, những bức tranh của thí sinh treo kín bốn bức tường. Bố, mẹ tôi kéo tôi chen qua đám đông để xem bức tranh của Kiều Phương đã được đóng khung, lồng kính. Trong tranh, một chú bé đang ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. Mặt chú bé như tỏa ra một thứ ánh sáng rất lạ. Toát lên từ cặp mắt, tư thế ngồi của chú không chỉ sự suy tư mà còn rất mơ mộng nữa. Mẹ hồi hộp thì thầm vào tai tôi:
– Con có nhận ra con không?
Tôi giật sững người. Chẳng hiểu sao tôi phải bám chặt lấy tay mẹ. Thoạt tiên là sự ngỡ ngàng, rối đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ. Dưới mắt em tôi, tôi hoàn hảo đến thế kia ư? Tôi nhìn như thôi miên vào dòng chữ đề trên bức tranh: “Anh trai tôi”. Vậy mà dưới mắt tôi thì…
– Con đã nhận ra con chưa? – Mẹ vẫn hồi hộp.
Tôi không trả lời mẹ vì tôi muốn khóc quá. Bởi vì nếu nói được với mẹ, tôi sẽ nói rằng: “Không phải con đâu. Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy”.
(Trích Bức tranh của em gái tôi, SGK Cánh diều – Ngữ Văn 6/T2)
Câu 1. Nhận biết
Nêu tên tác phẩm và phép tu từ nào được sử dụng trong đoạn trích trên? (1 điểm)
Câu 2. Thông hiểu
Nêu nội dung đoạn trích? (1 điểm)
Câu 3. Thông hiểu
Em hãy giải thích tâm trạng của người anh khi đứng trước bức tranh của em gái: “Thoạt nhiên là sự ngỡ ngàng, rối đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ” (1 điểm)
Câu 4. Nhận biết
Xác định các thành phần chính trong câu sau: Trong tranh, một chú bé đang ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. (1 điểm)
Câu 5. Vận dụng
Từ câu chuyện của người anh trong câu chuyện, em rút ra được bài học gì cho bản thân của mình? (1,0 điểm)
II. PHẦN TẬP LÀM VĂN (5 điểm) Vận dụng cao
Kể lại một lần em vô tình mắc lỗi
ĐÁP ÁN GỢI Ý
Câu 1. Nhận biết
– Tác phẩm: Bức tranh của em gái tôi
– Biện pháp:
+ So sánh: Mặt chú bé như tỏa ra một thứ ánh sáng rất lạ
+ Liệt kê: là sự ngỡ ngàng, rối đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ
Câu 2. Thông hiểu
Nội dung: Bức tranh đạt giải nhất của Kiều Phương và tâm trạng người anh khi nhìn bức tranh đó.
Câu 3. Thông hiểu
Trước hết, người anh ngỡ ngàng vì không thể tin được chú bé ngồi trong bức tranh kia là mình. Sau sự ngỡ ngàng ban đầu ấy, người anh thấy hãnh diện, hãnh diện vì mình là chủ đề chính của bức tranh đoạt giải nhất trong cuộc thi vẽ quốc tế. Ngỡ ngàng, hãnh diện rồi cuối cùng là cảm giác xấu hổ. Người anh nhận ra mình không được đẹp, hoàn hảo như những gì em gái đã thể hiện. Đặc biệt, người anh xấu hổ khi thấy mình không xứng đáng với tình cảm trong sáng của Kiều Phương.
Câu 4. Nhận biết
Bài học: Bài học có thể rút ra từ truyện ngắn này là: Trước thành công hay tài năng của người khác, mỗi người cần vượt qua những thói xấu như ganh ghét, đố kị hay mặc cảm tự ti để hòa chung niềm vui với mọi người. Lòng nhân hậu và sự độ lượng, vị tha giúp con người tự vượt lên bản thân để sống thanh thản, tốt đẹp hơn.
Câu 5. Vận dụng
Từ câu chuyện của người anh trong câu chuyện, em rút ra được bài học gì cho bản thân của mình? (1,0 điểm)
II. PHẦN TẬP LÀM VĂN (5 điểm) Vận dụng cao
Bài làm tham khảo
Cuối năm học vừa qua, em được nhận phần thưởng Học sinh xuất sắc. Thầy cô và bạn bè khen ngợi nhưng cũng chính những lời khen ấy lại làm cho em xấu hổ vô cùng. Chuyện là thế này:
Em vốn là học sinh giỏi Toán. Bài kiểm tra nào em cũng đạt điểm 9, điểm 10. Mỗi lần thầy yêu cầu xướng điểm, em trả lời rất rành rọt trước sự thán phục của bạn bè trong lớp. Một hôm, trong giờ ôn tập, em chủ quan không học bài cũ. Theo thường lệ, thầy giáo gọi học sinh lên bảng. Em đã có điểm kiểm tra miệng nên tin chắc là thầy sẽ chẳng gọi đến mình. Vì vậy em ung dung ngồi ngắm trời qua khung cửa sổ và tưởng tượng đến trận đá bóng chiều nay giữa đội lớp em với lớp 6B.
Nhưng một chuyện bất ngờ xảy ra. Thầy giáo yêu cầu cả lớp lấy giấy ra làm bài. Biết làm sao bây giờ? Mọi khi làm bài một tiết, thầy thường báo trước. Còn hôm nay, sao lại thế này? Đây đó trong lớp nổi lên tiếng xì xào thắc mắc của một số bạn. Em ngơ ngác nhìn quanh một lượt. Bạn Hoa ngồi cạnh huých cùi tay vào sườn, nhắc nhở: “Kìa, chép đề đi chứ!”
Em có cảm giác là tiết kiểm tra như kéo dài vô tận. Em loay hoay viết rồi lại xóa. Vì mất bình tĩnh nên đầu óc cứ rối tinh lên. Thời gian đã hết, em nộp bài mà lòng cứ thắc thỏm, lo âu.
Tuần sau, thầy giáo trả bài. Như mọi lần, em nhận bài từ tay thầy để phát cho các bạn. Liếc qua bài mình, thấy bị điểm 3, tim em thắt lại. Em không để cho ai kịp nhìn thấy và cố giữ nét mặt thản nhiên, vẻ mặt ấy che giấu bao nhiêu bối rối trong lòng. Thật là chuyện chưa từng có. Ăn nói làm sao với thầy, với bạn, với bố mẹ bây giờ? Em quay cuồng lo nghĩ và bất chợt nảy ra một ý…
Thầy giáo gọi điểm vào sổ. Đến tên em, em bình tĩnh xướng to: Tám ạ! Thầy gọi tiếp bạn khác. Em thở phào nhẹ nhõm và tự nhủ chắc thầy giáo sẽ không để ý vì có gần chục bài bị điểm kém cơ mà!
Để xóa sạch mọi dấu vết, tối hôm ấy em làm lại bài rồi lấy bút đỏ ghi điểm 8 theo nét chữ của thầy. Ngày qua ngày, cứ nghĩ đến lúc thầy giáo yêu cầu xem lại bài mà em lạnh cả người. May sao, mọi chuyện rồi cũng trôi qua và tưởng chừng em đã quên bẵng chuyện ấy.
Cuối năm, em đạt danh hiệu Học sinh xuất sắc. Những tràng vỗ tay, những lời khen ngợi chân thành, vẻ hài lòng và tự hào của cha mẹ. Tất cả những điều ấy vô tình khơi dậy sự day dứt và xấu hổ trong em. Em không xứng đáng. Em muốn nói lên sự thật xấu xa ấy nhưng không đủ can đảm.
Thời gian đã đẩy lùi mọi chuyện vào dĩ vãng nhưng nỗi ân hận vẫn còn nguyên đó. Giờ em kể lại chuyện này mà lòng chưa hết day dứt. Mong thầy cô, cha mẹ và các bạn tha thứ cho em. Em hứa không bao giờ mắc lỗi lầm đó nữa.
Đề ôn thi học kì 2 môn Ngữ văn 6 sách Cánh diều – Đề 3
Phần I: Đọc – hiểu
Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
“Choắt không dậy được nữa, nằm thoi thóp. Thấy thế, tôi hoảng hốt quỳ xuống, nâng đầu Choắt lên mà than rằng:
– Nào tôi đâu biết cơ sự lại ra nông nỗi này! Tôi hối lắm. Tôi hối hận lắm! Anh mà chết là chỉ tại cái tội ngông cuồng dại dột của tôi. Tôi biết làm thế nào bây giờ? Tôi không ngờ Dế Choắt nói với tôi một câu như thế này:
– Thôi, tôi ốm yếu quá rồi, chết cũng được. Nhưng trước khi nhắm mắt, tôi khuyên anh: ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy. Thế rồi Dế Choắt tắt thở. Tôi thương lắm. Vừa thương vừa ăn năn tội mình.”
(Trích Bài học đường đời đầu tiên, SGK Cánh diều – Ngữ Văn 6/T2)
Câu 1: Đoạn văn trích trong văn bản nào? Xác định ngôi kể của văn bản đó.
Câu 2: Cho biết phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên.
Câu 3: Nhân vật Dế Choắt trong đoạn văn lâm vào tình cảnh gì? Vì sao?
Câu 4: Tìm các từ láy và xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn trên. Trình bày tác dụng của biện pháp tu từ đó.
Câu 5: Dế Choắt khuyên Dế Mèn điều gì? Qua đó, em thấy Dế Choắt là người như thế nào?
Phần II: Tập làm văn
Câu 1: Trao đổi về vấn đề: “Chơi game chỉ có hại. Đúng hay sai”
ĐÁP ÁN GỢI Ý
Phần I: Đọc – hiểu
Câu 1:
– Đoạn văn trên trích từ văn bản Bài học đường đời đầu tiên
– Ngôi kể: Ngôi thứ nhất
Câu 2:
– Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn: Tự sự
Câu 3:
– Nhân vật Dế Choắt bị chị Cốc dung mỏ mổ oan đến thoi thóp rồi phải bỏ mạng
– Nguyên nhân: Chỉ vì trò nghịch dại không suy nghĩ
– trêu chị Cốc của Dế Mèn
Câu 4:
– Các từ láy trong đoạn văn: thoi thóp, hoảng hốt. nông nỗi, dại dột, hung hăng, bậy bạ, ăn năn
– Biện pháp tu từ: Nhân hóa
=> Tác dụng: khiến các nhân vật trong đoạn văn:Dế Mèn và Dế Choắt vốn là các loài vật trở nên gần gũi với con người, hiện ra như những con người biết hành động, suy nghĩ, buồn vui. Làm cho câu chuyện diễn ra chân thực, sinh động, hấp dẫn.)
Câu 5:
– Dế Choắt khuyên Dế Mèn:
+ Không được hung hăng kiêu ngạo
+ Trước khi làm việc gì đó phải suy nghĩ thật kĩ càng
=> Qua đó, em thấy Dế Choắt là là một người nhân hậu. Dế Mèn đã gây ra cái chết cho Dế Choắt nhưng Dế Choắt không hề trách cứ hay tỏ thái độ căm giận. Ngược lại Dế Choắt còn chân thành khuyên nhủ Dế Mèn. Dế Choắt quả là một người có trái tim độ lượng.
Phần II: Tập làm văn
Câu 1: Trao đổi về vấn đề: “Chơi game chỉ có hại. Đúng hay sai”
Bài làm tham khảo
Xin chào thầy cô và các bạn. Tôi nghĩ rằng đến 90% hay thậm chí 99% các bạn ở đây đã từng chơi một game gì đó. Tuy nhiên, chơi game có lợi hay hại? Theo tôi, việc chơi game tích cực hay tiêu cực đều phụ thuộc vào việc bạn chơi game như thế nào.
Trò chơi điện tử (tiếng Anh: electronic game) là một trò chơi sử dụng các thiết bị điện tử để tạo ra một hệ thống tương tác mà người dùng có thể chơi. Chúng ta có thể điểm tên một số game khá nổi tiếng như fifa, liên minh huyền thoại, boom,…
Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà chơi game mang lại. Có một sự thật mà chúng ta phải công nhận rằng các từ ngữ tiếng Anh trong game được các bạn học sinh sử dụng một cách thành thạo (kể cả khi học sinh ấy học không giỏi tiếng Anh). Vì chỉ có biết và hiểu các công dụng cũng như học tiếng Anh với niềm say mê hứng thú như vậy thì việc học mới hiệu quả. Hơn nữa, có rất nhiều trò chơi điện tử mang tính trí tuệ và sáng tạo cao như cờ vua, cờ caro, giải mã,… Việc chơi game tăng khả năng phản xạ của học sinh cũng như phát triển tư duy và sự sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề. Đặc biệt, chơi game giúp mọi người giải tỏa căng thẳng (đặc biệt là khi chơi cùng một vài người bạn). Sau những giờ học hay giờ làm việc căng thẳng, việc chơi game sẽ giúp bạn giải tỏa tâm lí ấy. Bạn sẽ quên đi những mệt mỏi để hòa nhập vào thế giới ảo mộng, phi thực tế.
Tuy nhiên, game cũng mang nhiều những tác hại. Thứ nhất, chơi game ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mọi người. Việc ngồi quá lâu trước máy tính hay thức đêm sẽ ảnh hưởng đến thị lực hoặc một số bộ phận như tim, gan,… của con người. Sự cáu giận khi bị thua game có thể khiến bạn stress hơn và không giữ được bình tĩnh. Hơn nữa, nếu như dành quá nhiều thời gian cho game, tất cả những công việc khác của bạn sẽ bị đình trệ. Bạn bị cuốn vào những cuộc vui và sự thú vị của trò chơi mà quên mất thời gian trôi nhanh. Đôi khi sự bỏ lỡ một công việc nào đó sẽ khiến bạn hối hận sau này. Hoặc với lứa tuổi học sinh của chúng ta, nếu chơi game mà quên học thì kết quả học tập sẽ xuống dốc không phanh. Điều cuối cùng mà tôi muốn nhấn mạnh: chơi game tiềm tàng khả năng hao hụt về tài chính. Điều này là bởi vì nếu muốn có được đồ đẹp, xịn, chơi được vui hơn thì đa phần các nhà sản xuất sẽ thúc đẩy người chơi nạp tiền vào tài khoản. Nếu hết, bạn lại muốn nạp thêm để trải nghiệm tiếp.
Như vậy, chơi game có cả hai mặt lợi và hại. Nếu chúng ta có cách quản lí việc chơi game để không ảnh hưởng cuộc sống thực tại thì game sẽ không phải vấn đề gì quá to lớn. Mỗi ngày chỉ nên chơi vài tiếng để giảm stress chứ không nên dành quá nhiều thời gian, tiền bạc, công sức,… vào đó. Hãy trở thành một người chơi thông minh. Đó là suy nghĩ của tôi, còn các bạn thì sao?
Tài liệu vẫn còn, mời các bạn tải về để xem tiếp