Từ ngày 01/07/2023 mức lương cơ sở mới đã chính thức được áp dụng chính vì thế mức lương và phụ cấp của giáo viên cũng tăng lên đáng kể. Vậy ngoài mức lương giáo viên được hưởng những loại phụ cấp gì? Mời quý thầy cô cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Bạn đang đọc: Các khoản phụ cấp dành cho giáo viên 2023
Phụ cấp lương chính là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lương. Vậy dưới đây là 6 khoản phụ cấp dành cho giáo viên và cách tính chi tiết mời các bạn cùng theo dõi. Ngoài ra các bạn xem thêm bảng lương giáo viên.
Các khoản phụ cấp dành cho giáo viên 2023
1. Quy định về phụ cấp ưu đãi năm 2023
Nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan Nhà nước, Đảng, tổ chức chính trị – xã hội được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động thì được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề dành cho giáo viên.
Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề này được thể hiện cụ thể tại Thông tư liên tịch số: 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC theo công thức tính như sau:
Mức phụ cấp ưu đãi = Mức lương cơ sở x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.
Trong đó, lương cơ sở trong năm 2023 được áp dụng với hai mức độ:
Từ nay đến hết 30/6/2023: Lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP.
Từ 01/7/2023 lương cơ sở mới là 1,8 triệu đồng/tháng – tăng thêm 310.000 đồng/tháng.
Tỷ lệ phụ cấp ưu đãi được quy định tại Quyết định 244/2005/QĐ-TTg đối với giáo viên mầm non, phổ thông như sau:
Mức hưởng 30% đối với người giảng dạy tại trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở đồng bằng, thành phố, thị xã.
Mức hưởng 35% đối với người giảng dạy tại trường mầm non, tiểu học ở đồng bằng, thành phố, thị xã; tại trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành dự thảo, theo đó giáo viên mầm non thuộc đối tượng này được tăng phụ cấp ưu đãi lên mức 70%.
Mức hưởng 50% đối với giáo viên giảng dạy tại trường mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
Tại dự thảo mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất đối tượng giáo viên mầm non này cũng được hưởng phụ cấp ưu đãi 70%.
Đối với giáo viên mầm non, phổ thông công tác tại vùng đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp ưu đãi 70%.
Tại dự thảo mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất giáo viên mầm non công tác ở vùng khó khăn được hưởng phụ cấp ưu đãi 100%.
2. Quy định về phụ cấp thâm niên 2023
Phụ cấp thâm niên của giáo viên được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 77/2021/NĐ-CP như sau:
Mức tiền phụ cấp thâm niên = (Hệ số lương theo chức danh nghề nghiệp + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng) x Mức lương cơ sở x Mức (%) phụ cấp thâm niên được hưởng.
Trong đó: Mức lương cơ sở trong năm 2023 gồm 02 mức: Đến hết 30/6/2023 là 1,49 triệu đồng/tháng; từ 01/7/2023 trở đi là 1,8 triệu đồng/tháng.
Hệ số phụ cấp thâm niên: Thấp nhất là 5% khi có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 05 năm; từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm khi đủ 12 tháng sẽ được tính thêm 1%.
Lưu ý: Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên là thời gian giảng dạy có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thời gian đi nghĩa vụ quân sự mà trước đó đang được hưởng phụ cấp thâm niên nghề.
Riêng thời gian tập sự; nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên; nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời gian; đi học, thực tập, công tác; bị đình chỉ, bị tạm giữ, tạm giam… sẽ không được tính để hưởng phụ cấp thâm niên.
3. Quy định về phụ cấp thâm niên vượt khung
Nhà giáo nếu công tác đến bậc lương cuối cùng, nếu đủ tiêu chuẩn còn được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung.
Căn cứ quy định tại điểm 1.1 tiểu mục 1 Mục III Thông tư 04/2005/TT-BNV (bổ sung bởi khoản 3 Điều 2 Thông tư 03/2021/TT-BNV) quy định:
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau 02 năm xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức, viên chức loại B và loại C và ngạch nhân viên thừa hành, phục vụ thì cách tính mức hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung là:
Mức hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung = 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch.
Sau đó, cứ từ năm thứ 3 trở đi, mỗi năm có đủ 02 tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung được tính hưởng thêm 1%.
Ví dụ, đối với giáo viên trung học phổ thông hạng III với bậc lương cuối cùng trong ngạch có hệ số lương là 4,98 thì mức phụ cấp thâm niên vượt khung 5% được hưởng như sau:
Hiện nay, theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP thì mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng thì công chức này được hưởng mức phụ cấp thâm niên vượt khung là: 5% x (1.490.000 x 4,98) = 371.010 đồng.
Từ 01/7/2023, tăng lương cơ sở lên 1.800.000 đồng/tháng (tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành). Vì vậy, từ ngày 01/7/2023, mức phụ cấp thâm niên vượt khung được hưởng đối với trường hợp trên sẽ được tăng lên như sau: 5% x (1.800.000 x 4,98) = 448.200 đồng.
4. Quy định về phụ cấp chức vụ
Đối với trường trung học phổ thông
Hiệu trưởng: Trường hạng I hưởng phụ cấp chức vụ 0,7; trường hạng II phụ cấp chức vụ 0,6; trường hạng III phụ cấp chức vụ 0,45.
Phó hiệu trưởng: Trường hạng I hưởng phụ cấp chức vụ 0,55; trường hạng II phụ cấp chức vụ 0,45; trường hạng III phụ cấp chức vụ 0,35 (trường chuyên biệt tỉnh hưởng như trường hạng I).
Tổ trưởng chuyên môn và tương đương (không phân biệt hạng trường) phụ cấp chức vụ 0,25; tổ phó chuyên môn và tương đương (không phân biệt hạng trường) phụ cấp chức vụ 0,15.
Đối với trường trung học cơ sở:
Hiệu trưởng: Trường hạng I hưởng phụ cấp chức vụ 0,55; trường hạng II phụ cấp chức vụ 0,45; trường hạng III phụ cấp chức vụ 0,35.
Phó hiệu trưởng: Trường hạng I hưởng phụ cấp chức vụ 0,45; trường hạng II phụ cấp chức vụ 0,35; trường hạng III phụ cấp chức vụ 0,25 (trường chuyên biệt tỉnh hưởng như trường hạng I).
Tổ trưởng chuyên môn và tương đương (không phân biệt hạng trường) phụ cấp chức vụ 0,2; tổ phó chuyên môn và tương đương (không phân biệt hạng trường) phụ cấp chức vụ 0,15.
Đối với trường tiểu học:
Hiệu trưởng: Trường hạng I hưởng phụ cấp chức vụ 0,5; trường hạng II phụ cấp chức vụ 0,4; trường hạng III phụ cấp chức vụ 0,3.
Phó hiệu trưởng: Trường hạng I hưởng phụ cấp chức vụ 0,4; trường hạng II phụ cấp chức vụ 0,3; trường hạng III phụ cấp chức vụ 0,25.
Tổ trưởng chuyên môn và tương đương (không phân biệt hạng trường) phụ cấp chức vụ 0,25; tổ phó chuyên môn và tương đương (không phân biệt hạng trường) phụ cấp chức vụ 0,15.
Đối với trường mầm non:
Hiệu trưởng: Trường hạng I hưởng phụ cấp chức vụ 0,5; trường hạng II phụ cấp chức vụ 0,35.
Phó hiệu trưởng: Trường hạng I hưởng phụ cấp chức vụ 0,35; trường hạng II phụ cấp chức vụ 0,25.
Tổ trưởng chuyên môn và tương đương (không phân biệt hạng trường) phụ cấp chức vụ 0,25; tổ phó chuyên môn và tương đương (không phân biệt hạng trường) phụ cấp chức vụ 0,15.
5. Phụ cấp đối với giáo viên dạy trẻ khuyết tật
Căn cứ vào Nghị định 113/2015/NĐ-CP và Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH, giáo viên dạy học cho người khuyết tật sẽ được hưởng 02 loại phụ cấp là phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp ưu đãi công việc. Cụ thể mức hưởng trong năm 2023 sẽ như sau:
Phụ cấp trách nhiệm: đối với giáo viên dạy người khuyết tật trong lớp học dành riêng cho người khuyết tật được hưởng phụ cấp trách nhiệm 0,3, đối với giáo viên dạy người khuyết tật trong lớp hòa nhập được hưởng phụ cấp mức 0,2.
Về phụ cấp ưu đãi dành cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật thì giáo viên chuyên trách sẽ được hưởng 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); giáo viên không chuyên trách sẽ được hưởng phụ cấp bằng 40% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);
6. Quy định về phụ cấp kiêm nhiệm công đoàn
Tổng Liên đoàn Lao động ban hành Quyết định 5692/QĐ-TLĐ ngày 08/12/2022 quy định về chế độ phụ cấp đối với cán bộ công đoàn các cấp có hiệu lực từ ngày 01/01/2023, thay thế Quyết định 3226/QĐ-TLĐ ngày 20/9/2021.
Quy định nêu rõ, đối tượng chi phụ cấp trách nhiệm gồm:
– Chủ tịch và phó chủ tịch công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận (nếu có);
– Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở, ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận (nếu có);
– Tổ trưởng, tổ phó công đoàn.
Hệ số phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn cơ sở được xác định theo số lượng đoàn viên công đoàn, kết quả nộp đoàn phí công đoàn của năm trước liền kề, thực hiện theo khung số lượng đoàn viên như sau:
– Đối với chức danh chủ tịch công đoàn cơ sở: nếu cơ quan dưới 50 công đoàn viên được hưởng mức phụ cấp tối đa 0,14; đối với công đoàn từ 50- dưới 200 công đoàn viên được hưởng phụ cấp tối đa 0,28;…
Đối với các chức danh cán bộ công đoàn cơ sở khác.
Hệ số phụ cấp này sẽ do ban chấp hành công đoàn cơ sở căn cứ nguồn chi được duyệt để cụ thể hóa hệ số chi phụ cấp trong quy chế chi tiêu nội bộ của công đoàn cơ sở, theo khung số lượng đoàn viên, đối tượng được chi phụ cấp, xếp thứ tự ưu tiên gắn với trách nhiệm từ cao đến thấp (chủ tịch, phó chủ tịch,…) và đánh giá kết quả hoạt động của đối tượng hưởng phụ cấp.
Thời gian tính chi phụ cấp có thể thực hiện theo tháng, quý, 6 tháng hoặc năm.
Công đoàn cơ sở khu vực hành chính, sự nghiệp nhà nước:
Mức phụ cấp hằng tháng = Hệ số phụ cấp trách nhiệm x Mức lương cơ sở
Mức lương cơ sở 2023 áp dụng như sau:
+ Từ ngày 01/01 – 30/6/2023: 1.490.000 đồng/tháng.
+ Từ ngày 01/7/2023: 1.800.000 đồng/tháng.
Theo mức lương cơ sở nêu trên thì phụ cấp trách nhiệm cao nhất cho cán bộ công đoàn cơ sở trong khu vực nhà nước là 1.800.000 đồng/tháng (áp dụng từ ngày 01/7/2023).
Còn mức phụ cấp trách nhiệm cho chủ tịch công đoàn cơ sở trong khu vực hành chính sự nghiệp đối với đơn vị dưới 50 đoàn viên tối đa là 252.000 đồng/tháng (áp dụng từ ngày 01/7/2023).