Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ là tài liệu vô cùng hữu ích, giúp các em học sinh củng cố kỹ năng tạo lập văn bản, kỹ năng viết tốt bài văn nghị luận về đoạn thơ, bài thơ.
Bạn đang đọc: Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ
Qua đó nâng cao chất lượng học môn Ngữ văn để đạt được kết quả cao trong các bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn, bồi đắp niềm tin, tình yêu thơ văn cho học sinh. Vậy sau đây là nội dung chi tiết tài liệu, mời các em cùng theo dõi tại đây.
Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ
I. Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ là gì
Nghị luận về bài thơ, đoạn thơ là trình bày những nhận xét, đánh giá của mình về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ ấy.
Nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ được thể hiện qua ngôn từ hình ảnh, giọng điệu. Bài nghị luận cần phân tích những yếu tố ấy để có những nhận xét, đánh giá cụ thể xác đáng.
II. Đặc điểm của văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ
Đề bài của bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ thường có những đặc điểm sau:
– Dạng bài phân tích toàn bộ bài thơ:
Người ra đề thường lựa chọn những vấn đề hoặc khía cạnh nổi bật của bài thơ.
Ví dụ: Phân tích hình ảnh người lính trong tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật.
– Dạng bài phân tích một đoạn thơ:
Người ra đề thường chọn đoạn thơ đặc sắc về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật nổi bật của bài thơ.
Ví dụ: Em hãy viết đoạn văn nêu cảm nhận của mình về khổ thơ cuối cùng trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” để làm rõ tình cảm của tác giả đối với quê hương, đất nước.
– Dạng bài phân tích một hình ảnh trong đoạn thơ, bài thơ:
Hình ảnh được lựa chọn phải giàu ý nghĩa biểu tượng và giá trị nội dung.
Ví dụ: Ba câu kết trong bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu với hình ảnh “Đầu súng trăng treo” là bức tranh đẹp về tình đồng chí, là biểu tượng đẹp đẽ về cuộc đời người chiến sĩ. Em hãy viết một đoạn văn ngắn khoảng 12 câu phân tích hình ảnh đặc sắc đó.
– Dạng bài so sánh giữa hai đoạn thơ, bài thơ.
Hai ngữ liệu được lựa chọn sẽ có nét tương đồng, gần gũi.
Ví dụ: Trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, Thanh Hải có viết:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập trong hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”
Có những điểm gặp gỡ trong tư tưởng với nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ “Một khúc ca xuân”:
“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào có vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”
Em hãy so sánh hai khổ thơ trên để thấy được những điểm gặp gỡ của hai nhà thơ.
III. Yêu cầu cơ bản khi làm bài nghị luận về đoạn thơ, bài thơ
Muốn làm tốt bài văn nghị luận về đoạn thơ, bài thơ cần có năng lực cảm thụ văn chương, đồng thời phải nắm vững, thành thục phương pháp làm một bài văn nghị luận. Bài nghị luận về đoạn thơ, bài thơ cần gắn với sự cảm thụ, bình giảng, chỉ ra những nhận xét, đánh giá cái hay, cái đẹp cụ thể của tác phẩm (về nội dung cảm xúc, về ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu…)
Tìm hiểu phân tích thơ là một việc khó, đánh giá về thơ lại càng khó và phức tạp hơn bởi lẽ thơ là sản phẩm của cảm xúc, trí tưởng tượng mang dấu ấn cá nhân. Quá trình tiếp nhận thơ ca cũng đồng thời là một quá trình tiếp nhận mang tính chủ quan sâu sắc. Vì vậy, bài nghị luận cần có sự kết hợp giữa việc trình bày hiểu biết về những “dấu ấn cá nhân” của tác giả, đồng thời phải nói nên được những cảm nhận, đánh giá chủ quan của người viết.
Kiến thức thể hiện trong một bài nghị luận về đoạn thơ, bài thơ là kiến thức tổng hợp, kết hợp của nhiều hiểu biết trong đó có hiểu biết về đặc trưng thể loại, về tác giả, về hoàn cảnh sáng tác… Vấn đề bám sát vào đặc trưng thể loại thơ (đặc trưng về từ ngữ, hình ảnh, cách ngắt nhịp, cấu tứ…) để phân tích nghị luận là rất quan trọng.
Khi giới thiệu bài thơ nên để ở phần mở bài với tên bài thơ. Để tìm hiểu giá trị bài thơ (bao gồm giá trị nội dung và nghệ thuật). Học sinh có thể chọn cách phân tích cắt ngang (tức là theo bố cục- các đoạn thơ), hoặc bổ dọc (tức là theo các ý trong bài thơ). Với cách phân tích thứ nhất, cần nắm chắc bố cục của bài thơ, từ đó phân tích từng đoạn cho đến hết bài thơ. Còn cách thứ 2 trước hết cần bao quát được hệ thống ý (cũng có thể đó là những biểu hiện diễn biến cảm xúc của nhân vật trữ tình), sau đó tập hợp phân tích những câu thơ có cùng nôi dung cảm xúc ấy.
Quá trình phân tích, cảm nhận phải theo một trình tự từ nghệ thuật đến nội dung. Đây là quá trình đi ngược lại với quá trình sáng tác của nhà thơ, là quá trình trong việc góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Người đọc tự giải mã những tín hiệu ngôn ngữ để tìm đến tư tưởng, nội dung cảm xúc mà nhà thơ gửi gắm. Đồng thời cần đánh giá được vị trí vai trò của đoạn thơ. Bài văn nghị luận cần có hệ thống luận điểm rõ ràng, mạch lạc, những luận cứ đúng đắn, sinh động và lập luận thuyết phục. Lời văn bài nghị luận về đoạn thơ, bài thơ cần chuẩn xác trong sáng, thể hiện rung cảm chân thành, tự nhiên của người viết.
Năng lực nghị luận thơ tuỳ thuộc rất lớn vào trình độ hiểu biết văn chương, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ diễn đạt cũng như các thao tác, phương pháp, kiến thức lí luận…Viết bài văn nghị luận đúng, trúng và hay bao giờ cũng dành cho người nắm được kĩ năng. Nghị luận thơ mà không có phương pháp thì khó bề đặt chân đến bờ chân – thiện – mĩ của thi phẩm. Muốn vậy, Giáo viên cần hiểu biết vững sâu về thơ, có nhiệm vụ cung cấp vốn kiến thức lí luận về thơ cho học sinh.
a. Ngôn ngữ Thơ
Ngôn ngữ trong thơ thường cô đọng, hàm súc lời ít ý nhiều mang dấu ấn riêng của mỗi người nghệ sĩ. Ngôn ngữ thơ phải chính xác, giàu hình tượng và biểu cảm tạo nên tính họa, tính nhạc trong thơ. Đây là yếu tố cơ bản và quan trọng nhất của hình thức chất liệu ngôn từ. Bởi vì mọi nội dung cần thể hiện của tác phẩm văn học không có cách nào khác là nhờ vào hệ thống này. “Văn học là nghệ thuật ngôn từ” do tầm quan trọng ấy mà người ta xem nhà văn nhà thơ là người lao động chữ nghĩa. Không cần lý giải dài dòng vẫn thấy vai trò quan trọng của từ ngữ thơ. Đó là những từ “sáng”, từ “đắt”, những “ nhãn tự” làm nên giá trị nội dung thơ .
Giáo viên cần chỉ ra cho hoc sinh chú ý không thoát li từ ngữ, phát hiện và phân tích từ ngữ thơ bằng cách đặt ra các câu hỏi:
– Tại sao tác giả không dùng từ này mà lại là từ khác ?
Ví dụ :
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió xe”
(Sang Thu – Hữu Thỉnh)
– “Phả”: động từ có nghĩa là tỏa vào trộn lẫn. Người ta có thể dùng các từ: lan, tan, bay, tỏa…thay cho từ “phả” nhưng cả bấy nhiêu từ không có cái nghĩa đột ngột bất ngờ…Từ “phả“cho thấy mùi hương ổi ở độ đậm đặc nhất, thơm nồng quyến rũ hòa trong gió heo may lan tỏa khắp không gian tạo nên mùi hương ngọt mát của những trái ổi chín vàng rộ, gợi ta liên tưởng đến những khu vườn xum xuê trái ngọt ở nông thôn Bắc Bộ.
Hay câu thơ :
“Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm”
(Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật )
“chông chênh” là từ láy giàu giá trị gợi tả, gợi cảm. Từ “chông chênh” gợi tư thế không bằng phẳng, không chắc chắn, gợi sự nguy hiểm của người lính trên đường lái xe ra tuyền tuyến. Đây là nét vẽ hiện thực được Phạm Tiến Duật tái hiện lại cuộc đời gian khổ của người lính lái xe Trường Sơn. Trong hoàn cảnh chiến đấu cam go họ phải ăn – những bữa ăn vội vàng, xoàng xĩnh, phải ngủ – những giấc ngủ tranh thủ, ngắn ngủi trên xe hay dọc đường đi giữa làn mưa bom bão đạn quân thù…Song từ: “chông chênh”còn gợi tả phong thái ung dung của người lính. Bom đạn của quân thù không thể hủy diệt sự sống ngược lại sự sống không chỉ tồn tại mà còn tồn tại bất diệt trong một tư thế kiêu hãnh, hiên ngang, tư thế của người chiến thắng của chính nghĩa… Như vậy, từ ngữ thơ mang thần thái của thi phẩm và tài năng thơ của người sáng tác.
b. Hình ảnh thơ :
Hình ảnh thơ không phải là tổng số của nhiều hình ảnh mà chính sự chọn lọc những hình ảnh có giá trị biểu cảm, giàu sức gợi có tính hàm xúc, thể hiện tư tưởng, tinh thần, cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ.
Khi giảng văn, giáo viên gợi cho học sinh nhận ra đâu là hình ảnh cần phân tích, cảm nhận .
Ví dụ : Viết về mùa xuân, Nguyễn Du đã miêu tả hình ảnh nào?
Cảm nhận của em về bức tranh mùa xuân qua các hình ảnh ấy?
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du )
Viết về Mùa xuân chỉ bằng hai câu thơ tuyệt bút, Nguyễn Du đã phác họa bức tranh xuân tươi tắn, tràn ngập ánh sáng, màu sắc. Hình ảnh đặc trưng của mùa xuân: thảm cỏ non xanh vô tận chân trời là gam nền cho bức tranh xuân. Trên nền màu xanh non ấy, điểm xuyết vài bông hoa lê trắng, màu sắc hài hòa tới mức tuyệt đối: mới mẻ, tinh khôi, giàu sức sống, khoáng đạt, trong trẻo (xanh tận chân trời), nhẹ nhàng, tinh khiết (vài bông hoa trắng ). Chữ “ điểm”làm cho cảnh vật trở nên sinh động chứ không tĩnh tại.
c. Giọng điệu:
“Giọng điệu trong thơ là một phương diện biểu hiện quá trình chủ thể sáng tạo. Giọng điệu thể hiện thái độ lập trường, cách nhìn của chủ thể phát ngôn về đối tượng được nói đến”(Thuật ngữ văn học )
Giáo viên hướng dẫn học sinh nhận ra giọng điệu của từng nhà thơ qua đọc hiểu văn bản để thấy được phong cách sáng tác, cái khác biệt của người nghệ sĩ. Từ đó nhận ra đặc điểm âm hưởng thơ của một thời đại văn học, một giai đoạn lịch sử dân tộc, cốt cách tâm hồn một lớp thế hệ, một địa phương. Giọng điệu được thể hiện qua nhịp thơ, ngôn ngữ thơ và nội dung thơ…
Ví dụ : Phạm Tiến Duật có giọng thơ mang tính khẩu ngữ, đậm chất lính tráng, khoẻ khoắn, dạt dào sức sống, tinh nghịch vui tươi, giàu suy tưởng.
“Không có kính, ừ thì có bụi.
Bụi phun tóc trắng như người già.
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc.
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”.
( Bài thơ về Tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật)
Giọng điệu thơ Thanh Hải tha thiết, trìu mến, trữ tình như hồn phách con người cố đô:
“Ơi con chim chiền chiện.
Hót chi mà vang trời.
Từng giọt long lanh rơi.
Tôi đưa tay tôi hứng.”
(Mùa Xuân nho nhỏ – Thanh Hải)
Thơ Viễn Phương chân thành, nhẹ nhàng, giọng điệu trang trọng và thiết tha tinh tế, giàu cảm xúc. Thơ Y Phương đẹp như một bức tranh thổ cẩm nhiều màu sắc, mang cái hồn cái vía của con người vùng cao. Thơ Bằng Việt trong trẻo, mượt mà thường khai thác những kỉ niệm và mơ ước của tuổi trẻ nên rất gần gũi với người đọc…. Nắm được đặc điểm giọng điệu của từng nhà thơ, làm rõ đặc điểm đó qua văn bản đôi khi chỉ cần một khổ thơ cũng đủ minh chứng cho phong cách thơ tác giả ấy.
d. Biện pháp tu từ:
Muốn làm bài văn phân tích thơ đúng, hay và sâu, học sinh phải có kiến thức vững về tiếng việt, nhận biết và cảm được vai trò của biện pháp tu từ trong việc diễn đạt nội dung thơ. Các biện pháp tu từ chính là những phương tiện quan trọng để thực hiện nhiệm vụ trang điểm cho ngôn từ văn học. Phân tích biện pháp tu từ chính là chỉ ra 6 tính hiệu quả của cách viết, cách nói ấy chứ không đơn thuần là gọi được tên, liệt kê các biện pháp mà nhà thơ sử dụng.
Giáo viên cung cấp kiến thức khái niệm lí luận về các biện pháp tu từ trên kết hợp với dẫn chúng cụ thể, giao bài tập thực hành kiểm tra đánh giá kết quả (kiến thức về biện pháp tu từ các em đã học từ lớp 6,7,8 vì vậy thông qua các tiết giảng văn giáo viên lồng ghép để khắc sâu kiến thức thêm.)
* Ví dụ về biện pháp tu từ so sánh:
Biện pháp nghệ thuật này khá phổ biến trong thơ. Thế mạnh của biện pháp so sánh góp phần gợi ra trí tưởng tượng của người đọc những hình ảnh cụ thể, những liên tưởng thú vị, chính xác về đối tượng được nói đến.
Ví dụ: Nguyễn Du sử dụng biện pháp nghệ thuật gì để miêu tả không khí tết Thanh minh?
Câu thơ:
“Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”
(Truyện Kiều -Nguyễn Du)
– “Ngựa xe như nước’, Nguyễn Du mượn dòng nước để tả dòng ngựa xe tấp nập trong tết thanh minh. “Quần áo” là hình ảnh hoán dụ chỉ con người. Câu thơ đã diễn tả không khí nhộn nhịp của tết thanh minh. Người đông đúc, san sát với nhau, còn ngựa xe thì tấp nập trên mọi ngả đường. Cái vui chung hướng ngoại ấy làm nền cho cái buồn riêng của Kiều (khi Kiều gặp mộ Đạm Tiên và được Đạm Tiên báo mộng).
Ví dụ: Cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ: “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận. Cảnh mặt trời lặn được miêu tả thật độc đáo và ấn tượng. Nghệ thuật so sánh, nhân hóa cho thấy cảnh biển hoàng hôn vô cùng tráng lệ, hùng vĩ. Mặt trời được ví như một hòn lửa khổng lồ đang từ từ lặn xuống. Trong hình ảnh liên tưởng này, vũ trụ như một ngôi nhà lớn, màn đêm buông xuống là tấm cửa khổng lồ, những lượn sóng là then cài cửa. Bóng tối dần bao trùm nhưng biển cả không kì bí mà đẹp đẽ, thân thiện, là người bạn lớn của con người.
“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi.
Câu hát căng buồn cùng gió khơi”.
Đoàn thuyền chứ không phải chỉ một con thuyền ra khơi đã tạo ra sự tấp nập trên biển. Chữ “lại”vừa khẳng định nhịp điệu lao động của người dân chài thường xuyên, thói quen thành nề nếp, vừa thể hiện sự đối lập đất trời đi vào trạng thái nghỉ ngơi cũng là lúc bắt đầu công việc của người ngư dân. Tác giả đã vẽ nên một hình ảnh khỏe, gắn kết ba sự vật: Câu hát, cánh buồm và gió khơi. Người ngư dân căng buồm và cất câu hát lên, nhà thơ có cảm giác như chính câu hát đó đã làm căng cánh buồm. Câu hát mang theo niềm vui, sự phấn chấn của người lao động được làm chủ biển trời quê hương đất nước trở thành sức mạnh cùng với gió biển làm căng cánh buồm để con thuyền lướt sóng ra khơi.
IV. Phương pháp, kỹ năng làm văn nghị luận về đoạn thơ, bài thơ.
1. Tìm hiểu đề, tìm ý:
a. Tìm hiểu đề: Đây là bước đầu tiên và rất quan trọng nhưng từ xưa đến nay nhiều khi học sinh thường bỏ qua dẫn đến tình trạng làm lệch hướng, lạc thể loại của đề bài yêu cầu (lạc đề). Vậy, chúng ta phải làm thế nào?
– Xác định thể loại, kiểu bài nghị luận? (chú ý từ: suy nghĩ, phân tích, cảm nhận để thực hiện đúng phương pháp làm bài)
– Tìm nội dung bàn luận? (Nội dung và nghệ thuật bài thơ, đoạn thơ? Hoặc nét đặc sắc về nghệ thuật trong bài thơ…hay một khía cạnh nào đó của bài thơ, đoạn thơ)
– Tìm phạm vi kiến thức để phục vụ cho vấn đề bàn luận mà đề yêu cầu? (tác phẩm nào? Của ai? Hoặc kiến thức thuộc lĩnh vực nào?…
Ví dụ:
Đề bài: Phân tích cái hay, cái đẹp của đoạn thơ sau:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
………………………………
Mà sao nghe nhói ở trong tim”
(“Viếng lăng Bác”-Viễn Phương)
* Đề bài trên thuộc thể loại nghị luận gì?
– Nghị luận về một đoạn thơ.
* Nội dung nghị luận là vấn đề gì?
– Phân tích nội dung của đoạn thơ thông qua các từ ngữ, hình ảnh, các biện pháp tư từ.
* Phạm vi kiến thức nằm ở tác phẩm nào?
– Trong bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương.
b. Tìm ý: Tức là tìm những ý chính cần triển khai trong bài văn
– Nghị luận về đoạn thơ, bài thơ phải tìm hiểu nhà thơ, cuộc đời sự nghiệp, phong cách sáng tác, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, đặc biệt phải bám sát bố cục của bài để tìm luận điểm.
– Một bài nghị luận tác phẩm văn học nói chung và nghị luận về đoạn thơ, bài thơ nói riêng cần phải xác định rõ ràng các ý có bản của đề bài qua đó giúp người viết trình bày theo từng ý sao cho hợp lý nhất. Sau khi đọc kĩ bài thơ, đoạn thơ, khám phá ra được cái hay, cái đẹp, cái đăc sắc trong từng yếu tố nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ, HS tự đặt ra và trả lời những câu hỏi để có những ý lớn, ý nhỏ…. của bài văn .
Dưới đây là các dạng câu hỏi gợi ý, giúp HS tìm ý :
– Bước 1: Tìm hiểu về tác giả:
Nêu vài nét về tác giả? (Tên, quê quán, sự nghiệp sáng tác…)
– Bước 2: Hoàn cảnh ra đời tác phẩm, xác định vị trí đoạn trích, nêu khái quát nội dung:
Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh nào?
Đoạn trích nằm ở vị trí nào của tác phẩm?
Nêu khái quát nội dung bài thơ, đoạn thơ?
– Bước 3: Tìm hiểu về nội dung những từ ngữ, hình ảnh :
Xác định nội dung chính của đoạn thơ, bài thơ là gì?
Trong đoạn thơ, bài thơ có những từ ngữ, hình ảnh nào đặc sắc?
Hình ảnh, từ ngữ nào toát nên vẻ đẹp của đoạn thơ, bài thơ?
– Bước 4: Tìm hiểu về nghệ thuật:
Em có nhận xét gì về nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ?
– Bước 5: Khẳng định sự thành công của đoạn thơ, bài thơ:
Tác phẩm đem lại cho chúng ta điều gì?
Dưới đây là các dạng câu hỏi gợi ý, giúp HS tìm ý một đề cụ thể:
b.1. Những câu hỏi về tác giả, xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác?
* Tác giả của đoạn thơ, bài thơ sẽ nghị luận là ai? Có những nét gì nổi bật trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác? Sống trong thời kì nào? Có nét riêng, nét độc đáo gì về phong cách cá nhân? (Chuyên sáng tác về mảng đề tài nào? Sự nghiệp sáng tác ra sao?)
VD: Viễn Phương quê ở An Giang là nhà thơ trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thơ viễn Phương mang giọng điệu thiết tha, giàu tình cảm….
* Bài thơ, đoạn trên được trích từ đâu? Được sáng tác trong hoàn cảnh nào? Tác phẩm được đánh giá như thế nào? Có phải là tác phẩm tiêu biểu cho sự sáng tác văn chương của tác giả không? …
VD: Bài thơ “Viếng lăng Bác” được sáng tác năm 1976, khi đất nước vừa được thống nhất và lăng chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành. Hai khổ thơ trên nằm ở vị trí đầu bài thơ diễn tả cảm xúc chân thành thiết tha nhất khi tác giả đứng trước không gian và cảnh vật bên ngoài lăng Bác
b.2. Câu hỏi tìm giá trị nội dung:
* Ý nghĩa cụ thể, ý nghĩa khái quát của từng đoạn thơ là gì? Những ý nào tập trung biểu hiện chủ đề, tư tưởng của bài thơ, đoạn thơ? Nội dung đó được thể hiện được những hình ảnh và ngôn ngữ tiêu biểu nào? Có giá trị nhân văn như thế nào?
VD:
– Cảm xúc và sự tôn kính trang nghiêm của tác giả khi đứng trước lăng Bác:
+ Hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi: “ mặt trời” => để ca ngợi sự vĩ đại của Bác Hồ (như mặt trời) vừa thể hiện sự tôn kính của nhà thơ và nhân dân với Bác.
+ Hình ảnh dòng người đi trong thương nhớ với bao xúc động bồi hồi trong lòng tiếc thương kính cẩn và nặng trĩu nỗi nhớ thương…..
+ “Dâng bảy mươi chín mùa xuân” là hình ảnh hoán dụ mang ý nghĩa tượng trưng…..
– Diễn tả cảm xúc và suy nghĩ của tác giả khi vào trong lăng Bác:
+ Khung cảnh và không khí thanh tĩnh như ngưng kết cả thời gian và không gian ở bên trong lăng Bác đã được nhà thơ gợi tả bằng hình ảnh thơ giản dị: “ Bác nằm trong…trăng sáng dịu hiền”. => Câu thơ diễn tả chính xác và tinh tế sự yên tĩnh, trang nghiêm và ánh sáng dịu nhẹ trong trẻo…. Bác đang ngủ giấc ngủ bình yên thanh thản giữa vầng trăng sáng dịu hiền. => Đó là giấc ngủ vĩnh hằng của con người cống hiến …
=> Gam màu khổ thơ ba không rực rỡ chói lọi như khổ hai mà trở nên dịu dàng, mềm mại… gợi nên hình ảnh Người gắn bó với thiên nhiên, với vầng trăng…. gợi tả tâm hồn cao đẹp sáng trong của Người…
+ Cảm xúc ngưỡng mộ như lắng xuống nhường chỗ cho nỗi đau xót không thể kìm nén: “Vẫn biết trời……. trong tim”
=> Trời xanh, mặt trời, vầng trăng là hình ảnh vũ trụ kì vĩ, vĩnh hằng…ẩn dụ gợi suy ngẫm về cái cao cả, vĩ đại, bất diệt và trường tồn của Bác…. Người đã hoá thân vào thiên nhiên đất nước, dân tộc Việt Nam.
=> Dù tin như vậy, trái tim nhà thơ vẫn nhói đau. Đó là nỗi đau vô hạn, rất thật, nỗi đau tinh thần được cụ thể hoá thành nỗi đâu vật chất….
b.3. Câu hỏi tìm giá trị nghệ thuật:
* Bài thơ, đoạn thơ được viết theo thể loại nào? Nhịp điệu, ngôn ngữ, giọng điệu ra sao? Hình ảnh, biện pháp tu từ gì?
– Bài thơ được viết theo thể thơ 8 chữ, nhịp điệu 2/2/2/2 chậm rãi kết hợp với hình ảnh ẩn dụ đã thể hiện sự trang nghiêm thành kính phù hợp với tình cảm, cảm xúc vừa sâu lắng vừa tự hào thể hiện đúng tâm trạng xúc động của nhà thơ khi vào lăng viếng Bác.
b.4. Câu hỏi gợi mở:
* Có thể so sánh, đối chiếu với những tác giả, tác phẩm nào để phân tích tác phẩm được sâu rộng, toàn diện hơn?
– Liên hệ với các tác phẩm khác …
Với những câu hỏi đó, không thể nào GV giảng giải một cách cặn kẽ, tỉ mỉ trong quá trình phân tích một đề bài trên lớp. Do đó, đòi hỏi người GV phải biết chọn lựa nhưng câu hỏi tìm ý cho phù hợp, có tác dụng khơi nguồn cảm xúc cho các em HS, giúp cho các em HS biết cách khám phá, tiếp cận tác phẩm. Với những câu hỏi tìm ý gợi mở trên, HS có thể tự tìm và trả lời các câu hỏi tìm ý cho bất kì đề bài văn nghị luận nào.
Sau khi đã có được ý, bước kế tiếp GV phải hướng dẫn cho các em biết cách sắp xếp các ý (luận điểm, luận cứ, luận chứng …..) theo một trình tự hợp lí. Việc làm này gọi là lập dàn ý.
2. Lập dàn bài.
Lập dàn ý là khâu rất quan trọng để sắp xếp các ý đã tìm được ở bước tìm ý theo một trình tự thích hợp lí và xác định mức độ trình bày mỗi ý theo tỉ lệ thoả đáng giữa các ý.
Bố cục của bài văn nghị luận gồm 3 phần rõ ràng:
* Mở bài: Giới thiệu được đoạn thơ, bài thơ và bước đầu nhận xét, đánh giá của mình.( Nếu phân tích đoạn thơ nêu rõ vị trí của đoạn thơ ấy trong tác phẩm và khái quát nội dung cảm xúc của nó)
* Thân bài: Lần lượt trình bày những suy nghĩ, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ.
* Kết bài: Khái quát giá trị, ý nghĩa của đoạn thơ, bài thơ.
Điểm lưu ý trong cách làm bài văn nghị luận là trong bài văn không phải bao giờ các ý cũng được trình bày dàn đều nhau mà nên có chỗ nhấn, lướt có trọng tâm tránh lan man. Cho nên, ngay ở khâu lập dàn ý, sau khi sắp xếp ý, ta nên cân nhắc, định trước tỉ lệ dành cho mỗi ý trong bài để chủ động xây dựng một bài văn cân đối, có chiều sâu, tạo được điểm nhấn hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Thông thường ý được nói kĩ là trọng tâm. Ví như với đề bài:
Ví dụ:
Đề bài: Phân tích cái hay của đoạn thơ sau:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
………………………………
Mà sao nghe nhói ở trong tim.”
(“Viếng lăng Bác”- Viễn Phương)
GV có thể hướng dẫn HS lập dàn bài như sau:
A. Mở bài:
* Em hãy giới thiệu vài nét về tác giả và sự nghiệp sáng tác Viễn Phương?
– Viễn Phương quê ở An Giang là nhà thơ trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thơ viễn Phương mang giọng điệu nhỏ nhẹ, giầu tình cảm ….
* Nêu hoàn cảnh ra đời và nội dung tác phẩm và vị trí đoạn trích? (Hoặc là nhận định về nội dung bài thơ?)
Bài thơ “Viếng lăng Bác” được sáng tác năm 1976, khi đất nước vừa được thống nhất và lăng chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành. Bài thơ thể hiện tấm lòng thành kính và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và mọi người với Bác. Hai khổ thơ trên nằm ở giữa bài thơ diễn tả cảm xúc chân thành thiết tha nhất khi tác giả đứng trước không gian, cảnh vật bên ngoài lăng Bác đồng thời diễn tả cảm xúc và suy nghĩ khi vào trong lăng Bác
B. Thân bài:
– Lần lượt phân tích trình bày những nhận xét, đánh giá của mình về giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ ấy.
– Dựa vào bố cục bài thơ để tìm hệ thống luận điểm, luận cứ.
Với đề bài này, chúng ta phải triển khai những luận điểm và tương ứng với những luận cứ dưới dạng những câu hỏi sau sau:
* Trong hai đoạn thơ trên được trình bày những luận điểm nổi bật nào? Những luận điểm đó được trình bày bằng những luận cứ nào?
– Luận điểm 1: Cảm xúc của tác giả trước dòng người vào lăng viếng Bác (khổ thơ 2)
+ Hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi: “mặt trời” -> để ca ngợi sự vĩ đại của Bác Hồ (như mặt trời) vừa thể hiện sự tôn kính của nhà thơ và nhân dân với Bác.
+ Hình ảnh “dòng người đi trong thương nhớ” với bao xúc động bồi hồi trong lòng tiếc thương kính cẩn và nặng trĩu nỗi nhớ thương…Hình ảnh dòng người vào lăng viếng Bác kết thành tràng hoa vô tận là hình ảnh ẩn dụ đẹp, sáng tạo của nhà thơ…
+ “Dâng bảy mươi chín mùa xuân” là hình ảnh hoán dụ mang ý nghĩa tượng trương…..
– Luận điểm 2: Diễn tả cảm xúc và suy nghĩ của tác giả khi vào trong lăng Bác:
+ Khung cảnh và không khí thanh tĩnh như ngưng kết cả thời gian và không gian ở bên trong lăng Bác đã được nhà thơ gợi tả bằng hình ảnh thơ giản dị: “Bác nằm trong…trăng sáng dịu hiền” => Câu thơ diễn tả chính xác và tinh tế sự yên tĩnh, trang nghiêm và ánh sáng dịu nhẹ trong trẻo….Bác đang ngủ giấc ngủ bình yên thanh thản giữa vầng trăng sáng dịu hiền => Đó là giấc ngủ vĩnh hằng của con người cống hiến …
=> Gam màu khổ thơ ba không rực rỡ chói lọi như khổ 2 mà trở nên dịu dàng, mềm mại…..gợi nên hình ảnh Người gắn bó với thiên nhiên, với vầng trăng…. gợi tả tâm hồn cao đẹp sáng trong của Người…
+ Cảm xúc ngưỡng mộ như lắng xuống nhường chỗ cho nỗi đau xót không thể kìm nén: “Vẫn biết trời…trong tim”
=> Trời xanh, mặt trời, vầng trăng là hình ảnh vũ trụ kì vĩ, vĩnh hằng…ẩn dụ gợi suy ngẫm về cái cao cả, vĩ đại, bất diệt và trường tồn của Bác…..Người đã hoá thân vào thiên nhiên đất nước, dân tộcVN
=> Dù tin như vậy, trái tim nhà thơ vẫn nhói đau. Đó là nỗi đau vô hạn, rất thật, nỗi đau tinh thần được cụ thể hoá thành nỗi đâu vật chất…
* Em có nhận xét gì nghệ thuật và nội dung của tác phẩm?
– Luận điểm 3: Đánh giá:
+ Nghệ thuật: Bài thơ được viết theo thể thơ 8 chữ, nhịp điệu 2/2/2/2, nhịp thơ chậm rãi, giọng thơ vừa trang nghiêm, sâu lắng, vừa thiết tha, đau xót, tự hào kết hợp cả hình ảnh thực và ẩn dụ, hoán dụ có ý nghĩa khái quát cao đã diễn tả tình cảm, cảm xúc vừa sâu lắng vừa tự hào thể hiện đúng tâm trạng xúc động của nhà thơ khi vào lăng viếng Bác.
+ Nội dung: Hai khổ thơ với hình ảnh đẹp, ngôn ngữ trong sáng đã diễn tả được cảm xúc đau xót, chân thành thiết tha và sâu lắng của nhà thơ khi vào thăm lăng Bác.
C. Kết bài: Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ.
Người viết dựa vào việc phân tích giá trị, nét đặc sắc của bài thơ, đoạn thơ để đánh giá tổng quát về nội dung bình luận, phân tích. Và đưa ra ý kiến của riêng mình về giá trị bài thơ.
3. Viết bài.
– Khi thực hiện bước này, nhất thiết người viết phải bám sát vào dàn bài đã lập để triển khai hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng.
– Về hình thức bài văn: Bố cục của bài viết, các đoạn trong bài phải được trình bày theo trình tự lô gíc, có sự liên kết chặt chẽ cả nội dung lẫn hình thức, các câu trong đoạn phải thống nhất với nội dung của đoạn. Các đoạn trong bài được trình bày theo các cách lập luận (diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, song hành…)
– Về nội dung của bài văn: tùy từng yêu cầu của đề bài và phần dàn ý đã lập mà chúng ta triển khai các luận điểm rõ ràng. Tránh tình trạng diễn nôm bài thơ. Từ dàn ý đã có sẵn, các em có thể viết thành đoạn, thành bài. Các em được GV hướng dẫn viết từng đoạn tiêu biểu: đoạn mở bài, đoạn thân bài, đoạn kết bài
* Đoạn mở bài: là đoạn văn khởi đầu của bất cứ bài văn nào. Nó là đoạn giới thiệu vấn đề được nghị luận trong bài văn, đồng thời khơi gợi, lôi cuốn người đọc sự chú ý đối với vấn đề đó.
+ Nguyên tắc mở bài:
– Cần nêu đúng vấn đề đặt ra trong đề bài
– Chỉ được phép nêu những ý khái quát (HS không được lấn sang phần thân bài: giảng giải, minh hoạ hay nhận xét, đánh giá ý kiến nêu trong đề bài.
Có rất nhiều cách mở bài. Tuỳ dụng ý của người làm mà có thể vận dụng một trong những cách sau đây:
– Mở bài trực tiếp: Giới thiệu ngay vấn đề cần nghị luận (còn gọi là trực khởi)
– Mở bài gián tiếp: Nêu ra những ý kiến có liên quan đến vấn đề cần nghị luận (từ khái quát đến cụ thể, so sánh đối chiếu, tương đồng, tương phản….)
=> Sau đây là mấy cách mở bài tham khảo cho đề bài:
Đề bài: Phân tích cái hay, cái đẹp của đoạn thơ sau:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
…………………………………
Mà sao nghe nhói ở trong tim.”
(“Viếng lăng Bác”- Viễn Phương)
=> Cách trực tiếp:
* Mở bài: Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại, vị cha già đáng kính của cả dân tộc Việt Nam. Vì thế, sự ra đi của Bác là một sự mất mát to lớn của toàn thể dân tộc. Đã có rất nhiều vần thơ thể hiện lòng nhớ thương của những người con Việt Nam đối với Bác. Tuy là một bài thơ ra đời khá muộn, nhưng “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương vẫn để lại trong lòng người đọc những cảm xúc sâu lắng, bởi đó là tình cảm của một người con miền Nam lần đầu được gặp Bác. Bài thơ là một lời tâm sự thiết tha, là nỗi lòng thành kính và tha thiết của một người con Miền Nam đối với Bác Hồ. Hai khổ thơ đầu bài thơ là cảm xúc chân thành, thiết tha của nhà thơ khi đứng trước lăng Bác .
=> Cách gián tiếp:
* Mở bài: Viễn Phương quê ở tỉnh An Giang là nhà thơ trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Thơ ông với giọng điệu nhỏ nhẹ giàu tình cảm cảm xúc và chất thơ mộng ngay trong hoàn cảnh ác liệt của chiến trường. “Viếng lăng Bác”(1976), với giọng điệu trang trọng và thiết tha nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp và gợi cảm, bài thơ đã thể hiện lòng thành kính trang nghiêm và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và mọi người đối với người cha vô cùng kính yêu đã đi xa. Hai khổ thơ nằm ở phần đầu của bài thơ đã diễn tả cảm xúc chân thành của tác giả khi đứng trước lăng Bác.
Sau khi đã hướng dẫn cụ thể cho HS các cách mở bài trên, GV tiến hành cho HS rèn viết đoạn mở bài và tin chắc rằng HS sẽ viết tốt.
Bước kế tiếp, GVsẽ hướng dẫn HS viết phần thân bài (gồm nhiều đoạn, GV có thể chọn cho HS viết một đoạn tiêu biểu )
* Đoạn thân bài:
Trước hết, GV nên xác định vai trò của phần thân bài cho HS nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của nó trong một bài văn. Phần thân bài sẽ lần lượt trình bày, nhận xét, đánh giá về những từ ngữ, hình ảnh tín hiệu ngôn từ ở từng câu thơ, hình ảnh… các luận điểm của vấn đề được đặt ra trong đề bài ( thực hiện vừa đủ, không thiếu, không thừa các nhiệm vụ đã đề ra ỏ phần mở bài ).
Ở từng luận điểm, cần phân tích những từ ngữ, hình ảnh cụ thể, biện pháp tu từ chính xác bằng những dẫn chứng sinh động trong đoạn thơ. Phần thân bài là tập hợp của các đoạn văn. Mỗi đoạn văn chứa một luận điểm hoặc nhiều đoạn văn trình bày một luận điểm. Cách viết các đoạn văn bao gồm những cách sau: Quy nạp, diễn dịch, móc xích và song hành…
Giữa các luận điểm, đoạn văn cần có sự liên kết, chuyển tiếp một cách linh hoạt, uyển chuyển, tránh gò bó, máy móc, công thức.
Dưới đây là một trong những đoạn thân bài của đề bài
Đề bài: Phân tích cái hay của đoạn thơ sau:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
……………………………
Mà sao nghe nhói ở trong tim.”
(“Viếng lăng Bác”- Viễn Phương)
* Thân bài: Cảm xúc của tác giả khi đứng trước lăng Bác:
– Khổ 2: Sự tôn kính của tác giả khi đứng trước lăng Bác: Sương tan Mặt trời dần lên cao và hình ảnh mặt trời gợi trong lòng tác giả những liên tưởng mới mẻ:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”
Hai câu thơ sóng nhau, hô ứng nhau với hai hình ảnh “mặt trời”. Một “mặt trời” thiên nhiên rực rỡ vĩnh hằng và một “mặt trời” trong lăng rất đỏ – hình ảnh Bác Hồ vĩ đại. “Mặt trời” của thiên nhiên thì đem lại ánh sáng ban ngày và sự sống cho trái đất. Còn “mặt trời” trong lăng rất đỏ, một “mặt trời” vẫn toả sáng mạnh mẽ rực rỡ là hình ảnh ẩn dụ nói được một cách sâu sắc vẻ đẹp, sức sống và ý nghĩa của cuộc đời Bác đối với dân tộc, với thế giới. Người là ánh sáng soi đường đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Màu sắc rất đỏ đã làm câu thơ có hình ảnh đẹp và ấn tượng sâu xa hơn nó gợi lên trái tim đầy nhiệt huyết vì lí tưởng cách mạng và lòng yêu nước nồng nàn của Bác: “Bác ơi Tim Bác mênh mông thế – ôm mọi giang sơn ôm mọi kiếp người”(Tố Hữu) Nhiều người đã ví Bác như mặt trời (Người rực rỡ như mặt trời cách mạng) đặt Bác sánh ngang với mặt trời thiên nhiên là hình ảnh ẩn dụ đầy sáng tạo của Viễn Phương. Cách nói đó vừa ca ngợi sự vĩ đại, bất tử của Bác vừa thể hiện sự tôn kính ngưỡng mộ và biết ơn đối với Bác.
Hình ảnh dòng người xếp hàng vào lăng viếng Bác cũng gợi bao xúc động trong lòng nhà thơ:
“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng mười chín mùa xuân”.
Hai câu thơ với nhịp thơ chậm rãi, giọng điệu thành kính trang nghiêm. Điệp ngữ “ngày ngày”(hai lần) gây cảm giác một thời gian vô tận vĩnh viễn như tấm lòng nhân dân không nguôi nhớ Bác. Cũng trong cái vĩnh viễn của thời gian ấy còn là lòng thương nhớ vô tận của con người Việt Nam và nhân loại. Hình ảnh dòng người đi trong thương nhớ là hình ảnh thực: Những dòng người từ khắp nơi trên đất nước và thế giới về đây chiêm ngưỡng, tưởng niệm Bác mà đi trong bao xúc động bồi hồi, lòng tiếc thương, kính cẩn và nặng trĩu nỗi nhớ thương. Từng đoàn người di chuyển từ phía sau lăng, vòng ra trước, quay vào chính diện lăng tạo thành một vòng tròn khiến nhà thơ liên tưởng đến “tràng hoa”. Điều đáng lưu ý là vòng hoa dùng để viếng người đã khuất còn ở đây “tràng hoa” để “dâng bảy mươi chín mùa xuân”. Từ “dâng” gói gém bao tình cảm tri ân nghĩa tình. Nhà thơ không nói 79 tuổi mà nói “bảy mươi chín mùa xuân” là hình ảnh hoán dụ mang ý nghĩa tượng trưng nói về cuộc đời Bác đẹp như những mùa xuân, một cuộc đời tươi đẹp mang đến cho đời bao hạnh phúc ngọt ngào. Và “tràng hoa” trong thơ Viễn Phương có ý nghĩa thật đặc biệt nó được kết bằng lòng ngưỡng mộ, nhớ thương Bác một cách chân thành và sâu sắc.
Bên trên chỉ là một đoạn tiêu biểu của phần thân bài (gồm nhiều đoạn), GV có thể hướng dẫn HS viết các đoạn khác nhau của các đề khác. Dù là đoạn văn nào thì GV cũng phải phân tích cho HS thấy rõ các tín hiệu nghệ thuật được phản ánh trong bài thơ hay đoạn thơ cách trình bày nội dung một đoạn văn.
* Kết bài:
Đoạn kết bài phải thể hiện đúng quan điểm đã trình bày ở phần thân bài. Chỉ nêu những ý nhận xét, đánh giá khái quát, không trình bày lan man hay lặp lại ý diễn giải, minh hoạ, cụ thể, chi tiết. Cũng không nên lặp lại nguyên văn lời lẽ của phần mở bài . Khác với mở bài, phần kết bài thiên về đánh giá, tổng kết vấn đề.
Có nhiều cách kết bài khác nhau, tuỳ theo dụng ý của người viết. Có khi kết bài là tóm tắt, khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Có khi kết bài là tổng hợp những cảm nhận sâu sắc về tác giả, tác phẩm . Có khi kết bài lại là liên tưởng đến các vấn đề khác có liên quan.
Thế nên, để hướng dẫn HS viết được những kết bài sâu sắc, người GV cần phải giúp HS nhận thức được tầm quan trọng của đoạn kết bài (không chỉ khép lại, hoàn chỉnh bài văn mà còn làm cho bài văn thêm khái quát, nâng cao về mọi mặt: tư tưởng, tình cảm, chủ đề, quan niệm sống tốt đẹp …
Dưới đây là một trong những đoạn kết bài của đề bài
Đề bài: Phân tích cái hay của đoạn thơ sau:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
…………………………………
Mà sao nghe nhói ở trong tim.”
(“Viếng lăng Bác”- Viễn Phương)
GV có thể giới thiệu cho HS tham khảo.
=> Cách 1:
“Viếng lăng Bác” là một trong những bài thơ viết muộn màng, rất lâu, sau ngày chủ tịch HCM qua đời, sau hàng nghìn bài thơ viết về nỗi đau mất Bác. Thế nhưng, bài thơ vẫn tìm cho mình một tiếng nói riêng. Cái mới ấy xuất phát từ tấm lòng chân thành của nhà thơ, nguyên nhân chủ yếu tạo nên thành công của bài thơ chính là điều đó.
=> Cách 2:
Bài thơ “Viếng lăng Bác” đã để lại trong lòng bạn đọc những cảm xúc sâu lắng và tha thiết. Với những hình ảnh ẩn dụ độc đáo và những biện pháp tu từ đặc sắc, Viễn Phương đã thể hiện một hồn thơ rất riêng. Qua bài thơ, Viễn Phương đã thay nhân dân miền Nam nói riêng và nhân dân cả nước nói chung dâng lên Bác niềm cảm xúc chân thành, lòng tôn kính thiêng liêng. Bài thơ sẽ tiếp tục sống trong lòng người đọc, gợi nhắc cho những thế hệ kế tục thành quả rực rỡ của cách mạng cách sống sao cho xứng đáng với sự hi sinh của một con người vĩ đại mà giản dị- Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã sống trọn một đời cho đất nước.
“Chỉ biết quên mình cho hết thảy
Như dòng sông chảy nặng phù sa”
4. Đọc và sửa lỗi.
Đây là bước cuối cùng khi hoàn thiện bài văn nghị luận về đoạn thơ, bài thơ. Người viết phải có thói quen rà soát lại bài làm của mình để sửa lỗi về nội dung lẫn hình thức.
Về nội dung, người viết phải soát lại hệ thống luận điểm, luận cứ.
Về hình thức, người viết phải soát lại bố cục, các đoạn văn, các câu văn diễn đạt, lỗi chính tả thường mắc phải.
Có thể nói, hướng dẫn học sinh cách làm bài văn Nghị luận về đoạn thơ, bài thơ tức là đi tìm và khám phá ra cái hay, cái đẹp trong văn chương nghệ thuật. Từ khâu tìm hiểu đề, tìm ý, lập dàn ý, viết đoạn và liên kết đoạn là cả một quá trình lao động nghệ thuật sáng tạo. Giúp các em hiểu ra chân lí ấy sẽ là con đường ngắn nhất hướng các em yêu thích văn chương và có hứng thú khi làm bài tập làm văn kiểu bài nghị luận về tác phẩm văn học nói chung và tác phẩm thơ nói riêng.
Với tâm huyết giảng dạy thật tốt kiểu bài nghị luận về đoạn thơ, bài thơ và qua tích luỹ một vài kinh nghiệm hướng dẫn học sinh phân tích đề, tìm ý, lập dàn ý, viết đoạn và liên kết đoạn, tôi đã giúp học sinh của các lớp do chính tôi trực tiếp giảng dạy đạt được kết quả tốt trong các kì kiểm tra học kì II và thi Tuyển vào lớp 10 luôn đảm bảo chỉ tiêu chất lượng từ 75% trở lên và chất lượng năm sau cao hơn năm trước.
Đa số bài làm của các em đều đáp ứng được yêu cầu của đề; khai thác được ý hay, ý sâu sắc; phân tích tinh tế, có cảm xúc, biết tìm tòi và sáng tạo mang phong cách riêng, không còn gượng ép, máy móc hay khuôn sáo. Rất ít bài làm sơ lược, ý nghèo nàn hoặc không tìm được ý. Chính hiệu quả đạt được trên, đã động viên, thôi thúc tôi hoàn thành kinh nghiệm giảng dạy này.
V. Dàn ý chung bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ
I. Mở bài:
- Giới thiệu sơ lược về tác giả: tên tuổi, bút danh, vị trí trong nền văn học, chủ đề sáng tác, phong cách sáng tác, những đóng góp của tác giả đối với phong trào văn học, giai đoạn văn học và nền văn học dân tộc.
- Giới thiệu tổng quát về bài thơ: hoàn cảnh xuất xứ, đại ý, nội dung chính của đoạn thơ/bài thơ. Dẫn vào đoạn thơ, bài thơ cần phân tích: trích lại bài thơ (nếu ngắn) còn khổ thơ thì phải ghi lại tất cả.
II. Thân bài:
– Khái quát về vị trí trích đoạn hoặc bố cục, mạch cảm xúc chủ đạo của khổ thơ, bài thơ
– Phân tích bài thơ/đoạn thơ: trích thơ rồi lần lượt phân tích những từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ, v.v. trong từng câu thơ, giải mã đúng từ ngữ, hình ảnh đó để giúp người đọc cảm thấy được những cái hay, cái đặc sắc về nội dung, nghệ thuật cảu bài thơ. Lưu ý: nên phân tích từ nghệ thuật đến nội dung, khi phân tích phải dựa vào từ ngữ có trong bài thơ, hoàn cảnh ra đời, phong cách sáng tác của tác giả để tránh suy diễn miên man, không chính xác, cụ thể:
– Phân tích khổ thơ thứ nhất:
- Nêu nội dung chính của khổ thơ thứ nhất: (Trích thơ)
- Áp dụng các thủ pháp phân tích thơ để phân tích những hình ảnh, từ ngữ, biện pháp nghệ thuật tu từ, nhịp điệu, v.v. trong từng câu thơ; giải mã những từ ngữ, hình ảnh đó có ý nghĩa gì, nó hay, đặc sắc ở chỗ nào.
- Liên hệ, so sánh với những bài thơ cùng chủ dề.
- Chuyển sang khổ thứ hai.
– Phân tích khổ thơ thứ hai:
- Cách làm bốn bước tương tự khổ thứ nhất.
- Rồi cứ tiếp tục như thế đến hết bài.
(Lưu ý: đôi khi có thể phân tích hai khổ thơ cùng một lúc nếu hai khổ thơ cùng một ý nghĩa)
– Nhận xét đánh giá bài thơ:
- Đánh giá về nội dung, tư tưởng của bài thơ. (Nét đặc sắc về nội dung của bài thơ là gì? Thành công/hạn chế?)
- Đánh giá về nghệ thuật. (Thành công/hạn chế?)
- Đánh giá về phong cách tác giả. (Qua bài thơ em thấy tác giả là người như thế nào; có thể nói thêm những đặc điểm về phong cách nghệ thuật và đóng góp của nhà thơ trên văn đàn lúc bấy giờ).
III. Kết bài:
- Khẳng định lại toàn bộ gia trị về nội dung, nghệ thuật của bài thơ.
- Liên hệ bản thân (nếu có).