Chiến thuật ôn thi môn Văn THPT Quốc gia 2023 – Phần nghị luận xã hội

Hướng dẫn làm bài Nghị luận xã hội ôn thi THPT Quốc gia môn Văn là một trong những tài liệu hữu ích giúp các bạn học sinh có thêm nhiều gợi ý tham khảo để học tốt môn Ngữ văn.

Bạn đang đọc: Chiến thuật ôn thi môn Văn THPT Quốc gia 2023 – Phần nghị luận xã hội

Đối với bài thi THPT Quốc gia câu hỏi nghị luận xã hội chiếm tới 2 điểm trong bài thi môn Ngữ văn. Vì vậy, nắm chắc cách làm một bài nghị luận xã hội là điều vô cùng quan trọng. Chính vì thế các bạn học sinh cần trau dồi củng cố kiến thức nắm được cách viết văn nghị luận hay để lại ấn tượng trong lòng đọc giả. Bên cạnh đó các bạn xem thêm bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn.

Hướng dẫn làm bài Nghị luận xã hội ôn thi THPT Quốc gia môn Văn

    Phần 1: Kiến thức chung về văn nghị luận

    1. Các loại văn nghị luận

    Văn nghị luận là một thể loại có có truyền thống lâu đời, có giá trị và tác dụng hết sức to lớn trong trường kì lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

    Căn cứ vào đối tượng nghị luận (đề tài), có thể chia văn nghị luận thành 2 loại chính:

    a. Nghị luận văn học: Bàn về các vấn đề văn chương – nghệ thuật như một tác phẩm hoặc đoạn trích tác phẩm văn học, một vấn đề lí luận văn học, một nhận định văn học sử¼Tiêu biểu là các văn bản Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc của Phạm Văn Đồng, Một thời đại trong thi ca của Hoài Thanh¼

    b. Nghị luận xã hội: Bàn về các vấn đề xã hội – chính trị như một tư tưởng đạo lí, một lối sống, một hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực của đời sống, một vấn đề thiên nhiên, môi trường¼ Loại này thường có 3 kiểu bài nghị luận xã hội mà học sinh THPT phải học và thi trong chương trình: Nghị luận về một tư tưởng đạo lí, nghị luận về một hiện tượng đời sống, nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học.

    2. Điểm giống nhau của các dạng văn nghị luận

    a. Mục đích

    – Đều nhằm phát biểu trực tiếp tư tưởng, tình cảm, thái độ, quan điểm của người viết.

    – Đều nhằm tác động đến nhận thức và tình cảm của người đọc, người nghe, từ đó thuyết phục người đọc người nghe tin và hành động theo quan điểm mà người viết đã thể hiện.

    b. Đặc trưng

    Đặc trưng cơ bản của văn nghị luận – và cũng là sức hấp dẫn chủ yếu của loại văn này là: lập luận thống nhất, chặt chẽ; lí lẽ sắc sảo, thông minh; dẫn chứng chính xác, chân thực, giàu sức thuyết phục.

    c. Sự kết hợp giữa lí lẽ và tình cảm

    Văn nghị luận nói chung là sản phẩm của tư duy lô gích, suy lí,.. vì thế ý tứ phải rõ ràng, lập luận phải chặt chẽ, văn phong phải sáng sủa, bảo đảm độ chính xác, giàu sức thuyết phục,… Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là văn nghị luận chỉ trình bày vấn đề một cách khô khan, trừu tượng, từ chối mọi cảm xúc và hình ảnh. Trái lại muốn tăng thêm sức thuyết phục, bên cạnh việc “gõ” vào lí trí, bài văn nghị luận cần tác động mạnh mẽ vào tình cảm của người đọc. Muốn thế người viết văn nghị luận cần phải có tình cảm, cảm xúc cao độ. Ngôn ngữ văn nghị luận cũng cần phải hấp dẫn, lôi cuốn bằng các từ ngữ giàu hình ảnh và có sức biểu cảm cao.

    Phần 2: Những kiến thức cơ bản về văn nghị luận xã hội

    I. Hệ thống kiến thức sử dụng trong chuyên đề

    – Kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, kiến thức về kĩ năng làm bài văn nghị luận xã hội…

    – Kiến thức về đời sống xã hội, hiện tượng đời sống, vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học qua các tài liệu tham khảo và hướng dẫn giảng dạy dành cho giáo viên và học sinh.

    – Các đề thi Đại học, THPT Quốc gia trong các năm gần đây.

    II. Hệ thống các dạng đề nghị luận xã hội

    – Nghị luận về một tư tưởng đạo lí.

    – Nghị luận về một hiện tượng đời sống.

    – Nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học.

    III. Hệ thống các phương pháp

    – Phân loại các dạng đề nghị luận xã hội theo cấu trúc đề thi Đại học trong những năm gần đây.

    – Tổ chức hệ thống kiến thức cơ bản, ôn luyện và hướng dẫn làm một số dạng đề thường gặp trong các kỳ thi Đại học, kỳ thi THPT Quốc gia.

    – Vận dụng phương pháp đàm thoại, tổ chức, hướng dẫn học sinh cách làm các dạng đề.

    – Trong quá trình ôn thi GV có thể đọc một số đoạn văn mẫu, bài văn mẫu cho HS tham khảo.

    IV. Kĩ năng làm bài văn nghị luận xã hội.

    1. Tìm hiểu chung về văn nghị luận xã hội

    Tính chất của đề văn nghị luận xã hội: Đó là bài văn nghị luận mà chủ đề là một vấn đề thuộc phạm trù khoa học xã hội bao hàm nhiều lĩnh vực khác nhau như: đạo đức, văn hoá, giáo dục, lao động việc làm, chính trị, tai tệ nạn xã hội…

    Những vấn đề xã hội được khai thác làm đề thi thường liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến thanh niên và nằm trong khả năng hiểu biết, khả năng xem xét đánh giá của thanh niên.

    2. Các kỹ năng cần rèn luyện cho học sinh khi làm bài văn nghị luận xã hội

    2.1. Thu thập và tích lũy kiến thức về xã hội.

    2.1.1.Nguồn kiến thức: Từ đời sống xã hội, qua internet, sách, đài, báo…

    2.1.2. Cách thu thập kiến thức

    – Thu thập kiến thức, dẫn chứng theo chủ đề: lý tưởng, mục đích sống, tâm hồn, tính cách, quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, cách ứng xử; tai nạn giao thông, hiện tượng môi trường bị ô nhiễm, những tiêu cực trong thi cử, nạn bạo hành trong gia đình, phong trào thanh niên tiếp sức mùa thi, cuộc vận động giúp đỡ đồng bào hoạn nạn, cuộc đấu tranh chống nạn phá rừng, những tấm gương người tốt việc tốt…).

    – Ghi chép kiến thức và dẫn chứng trong cuốn sổ tay văn học một cách ngắn gọn, đầy đủ, chính xác, có hệ thống.

    2.2. Kỹ năng phân tích đề.

    – Đọc kỹ đề, gạch chân những từ ngữ quan trọng để:

    + Xác định nội dung nghị luận.

    + Xác định các thao tác nghị luận.

    + Xác định phạm vi kiến thức, dẫn chứng.

    2.3. Kỹ năng lập ý, lập dàn ý (kỹ năng xác lập luận điểm, luận cứ).

    2.3.1. Lập ý:

    – Căn cứ vào đề (cả phần chỉ dẫn) để xác lập luận điểm, luận cứ, luận chứng( xác lập ý lớn, ý nhỏ…).

    – Xác lập ý theo một trình tự khoa học, logic.

    2.3.2. Lập dàn ý:

    – Mở bài

    + Giới thiệu vấn đề, nêu luận đề (nếu có- dẫn nguyên văn hoặc tóm tắt nội dung chính của vấn đề).

    – Thân bài (tùy thuộc vào từng dạng đề nghị luận về tư tưởng đạo lý hay nghị luận về hiện tượng đời sống hoặc nghị luận về một vấn đề đặt ra trong tác phẩm để triển khai ý)

    + Giải thích vấn đề.

    + Phân tích, bình luận vấn đề (nếu là đề nghị luận về một hiện tượng đời sống phải phân tích hiện trạng, chỉ ra nguyên nhân, hậu quả…).

    – Kết bài:

    + Rút ra bài học nhận thức và hành động; bày tỏ suy nghĩ riêng của người viết (đối với bài nghị luận về một hiện tượng đời sống).

    2.4. Kỹ năng sử dụng các thao tác lập luận

    * Các thao tác lập luận thường được sử dụng trong kiểu bài này là giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ. Yêu cầu HS phải nắm vững các thao tác này.

    – Sử dụng thao tác lập luận giải thích để làm rõ ý nghĩa vấn đề, các nghĩa tường minh, nghĩa hàm ẩn (nếu có)

    – Sử dụng thao tác lập luận phân tích để chia tách vấn đề thành nhiều khía cạnh, nhiều mặt, chỉ ra các biểu hiện cụ thể của vấn đề.

    – Sử dụng thao tác lập luận chứng minh để làm sáng tỏ vấn đề, dẫn chứng chủ yếu dùng tư liệu thực tế, có thể lấy dẫn chứng trong thơ văn nhưng không cần nhiều(tránh lạc sang nghị luận văn học)

    – Sử dụng thao tác lập luận so sánh, bình luận, bác bỏ để đối chiếu với các vấn đề khác cùng hướng hoặc nghịch hướng, phủ định những cách hiểu sai lạc, bàn bạc tìm ra phương hướng.

    Tùy theo từng dạng đề nghị luận xã hội để sử dụng các thao tác lập luận cho hợp lý.

    2.5. Viết đoạn văn nghị luận.

    – Xác định viết đoạn văn theo cách nào (diễn dịch, quy nạp, song hành, tổng phân hợp…).

    – Bố cục của đoạn văn có mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.

    – Các câu trong đoạn văn phải cùng thể hiện một chủ đề chung của đoạn văn.

    – Đầu đoạn văn phải viết hoa và lùi đầu dòng. Cuối đoạn văn phải có dấu chấm hết. Đoạn văn chỉ nên viết khoảng mười đến mười lăm dòng tránh viết đoạn văn cả một trang giấy thậm chí hai trang giấy.

    2.6. Kỹ năng mở bài, kết bài của bài văn nghị luận xã hội.

    2.6.1. Kỹ năng mở bài

    – Có hai cách mở bài: mở bài theo lối trực tiếp, mở bài theo lối gián tiếp

    – Nguyên tắc mở bài: giới thiệu đúng vấn đề, mở bài một cách ngắn gọn, không được phân tích, giải thích, bình luận lấn sang phần thân bài.

    – Để phần mở bài gây được sự chú ý với người đọc, người viết có thể mở bài bằng cách trích danh ngôn có nội dung, ý nghĩa đúng với vấn đề hoặc mở bài bằng cách dẫn dắt nội dung bằng câu chuyện nhỏ liên quan đến nội dung của đề bài hoặc mở bài bằng cách đặt câu hỏi.

    2.6.2. Kỹ năng viết kết bài

    Kết bài phải khái quát được vấn đề, từ đó phải nêu ra được bài học nhận thức và hành động; Bày tỏ suy nghĩ riêng của người viết.

    – Kết bài cũng phải tuân theo nguyên tắc: Viết ngắn gọn, khái quát trong một đoạn văn khoảng 5 đến 7 dòng.

    – Kết bài cũng có thể mượn câu danh ngôn, câu thơ… phù hợp với nội dung nêu ở phần thân bài.

    2.7. Kỹ năng lựa chọn và phân tích dẫn chứng.

    – Trong bài nghị luận xã hội, người viết phải huy động cả dẫn chứng trong sách vở và thực tế đời sống.

    – Mục đích của việc đưa dẫn chứng vào bài văn nghị luận xã hội là để người đọc người nghe tin vào lý lẽ, lập luận của người viết nên dẫn chứng đưa vào bài văn phải thật chính xác, toàn diện tránh đưa dẫn chứng một cách tràn lan, lệch hoặc không sát với vấn đề nghị luận. Dẫn chứng cần phải đan xen trong bài viết. Khi đưa dẫn chứng cần có sự phân tích dẫn chứng để cho bài văn sâu sắc.

    2.8. Kỹ năng diễn đạt, triển khai ý và kỹ năng trình bày của bài văn nghị luận xã hội.

    – Kỹ năng diễn đạt: Bài viết phải thể hiện được quan điểm, lập trường tư tưởng của người viết đối với vấn đề đặt ra trong bài văn. Để làm được điều đó người viết phải xác định được tư cách của người viết đối với vấn đề dặt ra trong đề bài.

    + Bài viết diễn đạt trong sáng dễ hiểu, tự nhiên, linh hoạt, ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ. Lời văn có sự kết hợp giữa lý và tình. Tránh viết lan man, dài dòng và sử dụng những từ ngữ xa lạ.

    – Kỹ năng triển khai ý: triển khai ý một cách rõ ràng, mạch lạc, khoa học tuân thủ theo những thao tác kỹ năng, trình tự xắp xếp các luận điểm, luận cứ .

    – Trình bày bài văn phải sạch đẹp, rõ ràng, khoa học.

    – Để bồi dưỡng thêm kỹ năng trình bày, diễn đạt học sinh có thể đọc tham khảo các bài văn mẫu- các bài nghị luận hay ở các sách tham khảo hay của học sinh giỏi đạt điểm cao.

    3. Kỹ năng làm các dạng bài nghị luận xã hội cụ thể

    3.1. Bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí

    3.1.1. Ví dụ

    R.Ta-go, nhà thơ Ấn Độ cho rằng: Thà làm một bông hoa sen nở khi thấy mặt trời rồi mất hết tinh nhụy, còn hơn giữ nguyên hình nụ búp trong sương lạnh vĩnh cửu của mùa đông.

    Suy nghĩ của anh (chị) về nhận định trên.

    * Tìm hiểu đề:

    – Xác định nội dung nghị luận của đề văn: Trong cuộc sống phải biết sống và cống hiến hết mình còn hơn sống nhút nhát, thụ động.

    – Thao tác lập luận sử dụng trong bài văn: Giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận.

    – Phạm vi kiến thức: Kiến thức thực tế trong cuộc sống xã hội mà người viết đã trải nghiệm, đã từng bắt gặp.

    *Lập dàn ý

    – Mở bài: Giới thiệu dẫn dắt vấn đề nghị luận

    – Thân bài:

    Giải thích ý nghĩa của lời nhận định

    Hoa sen: Là loài hoa ủ mầm trong bùn đất tối khuất, nhơ bẩn nhưng mạnh mẽ vươn lên. Hoa sen là biểu tượng cho phẩm cách thanh sạch, biết vươn lên trong cuộc sống của con người.

    Mặt trời: Đó là ánh sáng vĩnh cửu đem lại sự sống cho vạn vật. Mặt trời tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ, sự huy hoàng.

    Nụ búp: Ẩn dụ cho cái non nớt, nhút nhát, e sợ của con người.

    – Sương lạnh vĩnh cửu: là môi trường lạnh giá, khắc nghiệt, ở đó vạn vật phải ẩn mình, thu mình, không thể sinh sôi phát triển. Vì thế nó tượng trưng cho những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

    => Ý nghĩa câu nói: Ý kiến của Ta- go là một triết lí sống mạnh mẽ, tích cực và tiến bộ. Trong cuộc sống có rất nhiều khó khăn thử thách, nhưng nếu biết sống và cống hiến hết mình ta sẽ nhận được thành quả xứng đáng. Nếu sống nhút nhát, thụ động thì cuộc đời thật nhạt nhẽo, vô nghĩa.

    Bàn luận, mở rộng vấn đề

    a. Tại sao nên chọn cách sống như “bông hoa sen”?

    – Cuộc sống rất quý giá nhưng lại ngắn ngủi, và chỉ đến duy nhất một lần. Ta phải sống thế nào cho xứng đáng, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những tháng năm đã sống hoài, sống phí. Ta cần có một trái tim đầy nhiệt huyết để sống hết mình, để cảm nhận từng hơi thở trong khoảnh khắc của đời mình.

    – Đã là con người thì cần phải có ước mơ, lý tưởng và khát khao thực hiện những điều đó. Tuy nhiên, cuộc sống luôn ẩn chứa những khó khăn, thử thách và những điều tốt đẹp không bỗng dưng mà có. Thay vì để khó khăn đánh bại, ta hãy đón nhận chúng như một cơ hội để rèn luyện bản lĩnh của chính mình, để ta thêm trưởng thành.

    – Khi ta chọn làm “bông hoa sen nở trong ánh mặt trời” đó là lúc ta sống hết mình và cống hiến hết mình. Ta sẽ có cơ hội được toả sáng, được khẳng định, lưu lại dấu chân trên con đường đã đi và tận hưởng những điều tuyệt diệu mà cuộc sống mang lại. Đó cũng chính là cách khiến cuộc sống của ta thêm ý nghĩa và trở nên có ích. Đó mới là cuộc sống đích thực của con người.

    b. Tại sao không nên chọn cách sống như “nụ búp”?

    Nếu ta không dám đối mặt trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống vì ta sợ sai lầm, sợ sẽ thất bại, sợ bị cười chê… để rồi mãi mãi ta sống trong vỏ bọc hèn nhát của mình. Đó là lối sống mòn, sống thừa, sống vô ích mà không được ai biết đến. Một “cuộc sống đang mòn ra, đang rỉ đi, đang nổi váng.”

    – Cuộc sống không mục tiêu, ước mơ, hoài bão thật vô vị. Sống như thế thực chất chỉ là tồn sự tại mà thôi, là chết ngay cả khi đang sống.

    Nâng cao

    – Liệu có phải lúc nào ta cũng sống hết mình? Nếu cứ hết mình như thế sẽ có lúc ta kiệt sức. Vậy ta cần phải biết lượng sức mình, không phải lúc nào cũng nên lao về phía trước. Để đối mặt với mọi thử thách trên đường đời trước tiên ta phải trân trọng chính bản thân ta. Đừng nôn nóng theo đuổi mục đích mà quên mất bản thân mình.

    – Có những phút giây ta nên thu mình lại khi đã cảm thấy mỏi mệt. Khi ấy không phải ta đang hèn nhát, chỉ là ta đang tìm kiếm chút bình yên cho tâm hồn, tìm được lại ý chí, lòng quyết tâm để tiếp tục tiến lên phía trước.

    Bài học nhận thức và hành động

    – Phê phán lối sống yếu mềm, thụ động, chỉ biết ngồi chờ vận may và sự thuận lợi.

    – Cuộc sống của mỗi người được quyết định bởi sự tự nhận thức, bản lĩnh và nghị lực vươn lên không ngừng. Cuộc sống quá ngắn ngủi, hãy cứ cháy hết mình đến tận cùng của khát vọng, ước mơ.

    3.1.2. Đặc điểm nhận diện loại đề nghị luận về một tư tưởng đạo lí.

    – Tư tưởng đạo lý thường là quan điểm về đạo đức, thế giới quan, nhân sinh quan của con người về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phương pháp, tư tưởng.

    – Đề tài nghị luận về một hiện tượng đời sống: phong phú, đa dạng, bao gồm các vấn đề:

    + Về mục đích (lý tưởng, mục đích sống).

    + Về tâm hồn, tính cách (lòng yêu nước, lòng nhân ái, vị tha, bao dung độ lượng, tính trung thực, dũng cảm, chăm chỉ, cần cù, thái độ hòa nhã, khiêm tốn, thói ích kỷ, ba hoa, vụ lợi…).

    + Về quan hệ gia đình(tình mẩu tử, tình anh em…), quan hệ xã hội (tình đồng bào, tình thầy trò, tình bạn…).

    + Về cách ứng xử, những hành động của mỗi người trong cuộc sống.

    – Hình thức trình bày: đề nghị luận về một tư tưởng đạo lí thường được trình bày dưới dạng một danh ngôn, một phương ngôn hoặc một câu nói nổi tiếng, cũng có khi vấn đề tư tưởng đạo lí đó được hỏi trực tiếp.

    – Yêu cầu của đề thường được trình bày dưới dạng suy nghĩ về ý kiến trên, giải thích và bình luận ý kiến trên.

    3.1.3. Cách làm bài nghị luận về một tư tưởng đạo lý

    * Kết cấu thông thường của một bài nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lý gồm ba phần:

    I,. MỞ BÀI

    – Dẫn dắt, giới thiệu tư tưởng, đạo lí cần bàn luận

    – Mở ra hướng giải quyết vấn đề.

    II. THÂN BÀI

    1.Giải thích tư tưởng, đạo lí cần bàn luận: 0,5 điểm

    (Trả lời câu hỏi: là gì?)

    Khi giải thích cần lưu ý:

    – Bám sát tư tưởng đạo lí mà đề yêu cầu, tránh suy diễn chủ quan, tuỳ tiện.

    – Chỉ giải thích những từ ngữ, hình ảnh còn ẩn ý hoặc chưa rõ nghĩa.

    – Phải đi từ yếu tố nhỏ đến yếu tố lớn: giải thích từ ngữ, hình ảnh trước, rồi mới khái quát ý nghĩa của toàn bộ tư tưởng đạo lí mà đề yêu cầu.

    2. Bàn luận tư tưởng đạo lí mà đề yêu cầu: 2,0 điểm

    a. Lí giải vấn đề. (Trả lời câu hỏi: tại sao?)

    + Giải thích: người viết phải cắt nghĩa, làm sáng tỏ về ý nghĩa của đề, làm rõ chủ đề. Thường người viết sẽ cắt nghĩa theo từng vế câu, từng phần của câu nói, mỗi phần được giải thích sẽ tương đương với một luận điểm lớn của bài văn. Khái quát nội dung chính của tư tưởng đạo lí đó.

    b. Đánh giá, luận bàn về vấn đề đặt ra trong nhận định của đề bài. (Trả lời một số câu hỏi nhằm lật ngược vấn đề, nhìn nhận vấn đề trong nhiều chiều, nhiều góc độ, thấu đáo hơn, tránh áp đặt khiên cưỡng, ví dụ: có ngoại lệ hay không?, vấn đề có thể đúng, sai trong những hoàn cảnh khác nhau như thế nào?.v.v…)

    b1. Bàn luận về mức độ đúng đắn, chính xác, sâu sắc của tư tưởng đạo lí mà đề yêu cầu:

    Khi bàn luận nội dung này, cần lưu ý:

    – Phân tích, chia tách tư tưởng đạo lí thành các khía cạnh để xem xét, đánh giá.

    – Dùng lí lẽ, lập luận và dẫn chứng để chứng minh tính đúng đắn, đồng thời bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến vấn đề tư tưởng, đạo lí được bàn luận.

    – Khi bàn luận, đánh giá cần thận trọng, khách quan, có căn cứ vững chắc.

    b2. Bày tỏ quan điểm để bàn luận về mức độ đầy đủ, toàn diện của tư tưởng đạo lí mà đề yêu cầu:

    Khi bàn luận nội dung này, cần lưu ý:

    – Người viết nên tự đặt ra và trả lời các câu hỏi: Tư tưởng đạo lí ấy đã đầy đủ, toàn diện chưa? Có thể bổ sung thêm điều gì?

    – Người viết cần lật đi lật lại vấn đề, xem xét từ nhiều góc độ, nhiều quan hệ để đánh giá và bổ sung cho hợp lí, chính xác.

    – Người viết cần có bản lĩnh, lập trường tư tưởng vững vàng, cần có suy nghĩ riêng, dám đưa ra chính kiến riêng, miễn là có lí, có tinh thần xây dựng và phù hợp đạo lí.

    3. Rút ra bài học nhận thức và hành động trong cuộc sống: 0,5 điểm

    Khi đưa ra bài học nhận thức và hành động, cần lưu ý:

    – Bài học phải được rút ra từ chính tư tưởng đạo lí mà đề yêu cầu, phải hướng tới tuổi trẻ, phù hợp và thiết thực với tuổi trẻ, tránh chung chung, trừu tượng.

    – Nên rút ra 2 bài học, một về nhận thức, một về hành động.

    – Bài học cần được nêu chân thành, giản dị, tránh hô khẩu hiệu, tránh hứa suông hứa hão.

    KẾT BÀI

    – Đánh giá ngắn gọn, khái quát về tư tưởng, đạo lí đã bàn luận.

    – Phát triển, liên tưởng, mở rộng, nâng cao vấn đề.

    ………..

    Mời các bạn tải về để xem nội dung chi tiết tài liệu.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *