Giải bài tập Công nghệ 7 Bài 4: Giới thiệu chung về rừng sách Cánh diều là tài liệu vô cùng hữu ích, giúp các em học sinh lớp 7 có thêm nhiều tư liệu tham khảo, đối chiếu lời giải hay, chính xác để biết cách trả lời các câu hỏi trang 25→27.
Bạn đang đọc: Công nghệ 7 Bài 4: Giới thiệu chung về rừng
Giải bài tập SGK Công nghệ 7 bài 4 giúp các bạn học sinh nắm vững kiến thức về vai trò của rừng và các loại rừng phổ biến ở nước ta. Đồng thời có thêm tài liệu tham khảo so sánh với kết quả mình đã làm, rèn luyện củng cố, bồi dưỡng và kiểm tra vốn kiến thức của bản thân. Vậy sau đây là nội dung chi tiết bài soạn Công nghệ 7 bài 4 sách Cánh diều, mời các bạn cùng theo dõi tại đây.
Giải Công nghệ 7 Bài 4: Giới thiệu chung về rừng
1. Vai trò của rừng
Câu hỏi trang 26
Đọc nội dung Vai trò của rừng và hoàn thiện sơ đồ theo mẫu ở Hình 4.2.
Gợi ý đáp án
Rừng có vai trò rất quan trọng đối với môi trường sinh thái, đời sống sinh hoạt và sản xuất:
– Vai trò với môi trường sinh thái:
- + Rừng được ví là lá phổi xanh của Trái Đất, hấp thụ carbon dioxide (CO2) và cung cấp oxygen (O2) giúp điều hòa khí hậu.
- + Phòng hộ: Chống xói mòn đất, giữ nước, giảm lũ lụt, hạn hán, có vai trò chắn cát, chắn gió, bảo vệ cho vùng đất bên trong.
- + Liên tục tạo chất hữu cơ làm tăng độ phì nhiêu cho đất.
- + Là nơi cư trú của nhiều loài động vật và cả con người.
– Vai trò với sinh hoạt và sản xuất:
- + Cung cấp củi đốt, nguyên liệu cho sản xuất, lâm sản cho gia đình, công sở, xuất khẩu.
- + Cung cấp nguồn dược liệu và nhiều nguồn gene quý.
- + Là nơi du lịch sinh thái, thắng cảnh thiên nhiên
- + Việc giao đất, giao rừng tạo việc làm và thu nhập cho người dân
Câu hỏi Tìm hiểu thêm trang 26
Có bao nhiêu khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam?
Gợi ý đáp án
Có 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới:
1. Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (2000).
2. Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (2001).
3. Khu dự trữ sinh quyển Châu thổ sông Hồng (2004).
4. Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (2004).
5. Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang (2006).
6. Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An (2007).
7. Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm (2009).
8. Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau (2009).
9. Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang (Đà Lạt) (2015).
10. Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (Ninh Thuận) (2021)
11. Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng (Gia Lai) (2021).
2. Các loại rừng phổ biến ở nước ta
Câu hỏi trang 27
Rừng ở nước ta được phân chia thành mấy loại?
Gợi ý đáp án
Theo mục đích sử dụng, rừng được chia thành ba loại:
– Rừng đặc dụng: là loại rừng được thành lập để bảo tồn thiên nhiên, nguồn gene sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa. Kiểu rừng này gồm có: vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng văn hóa – lịch sử – môi trường.
– Rừng phòng hộ: là loại rừng được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường. Rừng phòng hộ gồm: rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; rừng phòng hộ bảo vệ môi trường.
– Rừng sản xuất: được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh gốm, các lâm sản ngoài gỗ và kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường.
Luyện tập trang 27
1. Dựa vào nội dung phân loại rừng, em hãy hoàn thành Bảng 4.1.
Loại rừng |
Mục đích sử dụng |
Rừng đặc dụng |
– Để bảo tồn thiên nhiên, nguồn gene sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa. |
Rừng phòng hộ |
– Để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường. |
Rừng sản xuất |
– Để sản xuất, kinh doanh gỗ, các lâm sản ngoài gỗ và kết hợp phòng hộ, góp phần bào vệ môi trường. |
2. Kể tên những loại rừng có trong Hình 4.3.
Gợi ý đáp án
Hình 4.3.a: Rừng đước: Rừng phòng hộ
Hình 4.3.b: Rừng phòng hộ
Hình 4.3.c: Rừng đặc dụng
Hình 4.3.d: Rừng sản xuất
Vận dụng trang 27 SGK Công nghệ 7
Nêu và mô tả đặc điểm một loại rừng mà em biết.
Gợi ý đáp án
Rừng ngập mặn Rú Chá nằm ở hạ nguồn sông Hương thuộc thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, thành phố Huế, là một trong những khu rừng ngập mặn nguyên sinh quý hiếm còn sót lại trên hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai và của cả nước. Khu rừng này có vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai và được xem như “lá phổi” xanh, có tổng diện tích khoảng 5 ha. Địa danh này hấp dẫn du khách ngay từ cái tên hoang sơ, đầy bí ẩn và ma mị của nó. Rú Chá có tổng diện tích khoảng 5 ha trong đó 90 % diện tích nơi đây được bao phủ bởi cây chá. Chúng nằm san sát nhau, với những bộ rễ đâm lên khỏi mặt đất, bao phủ khắp không gian tạo nên một khung cảnh đầy ma mị và bí ẩn. Đi dạo trên những con đường bê tông uốn lượn xuyên qua khu rừng, được bao bọc xung quanh bởi những bộ rễ chá với hình thù lạ mắt bạn sẽ có được những trải nghiệm vô cùng thú vị. Hiện nay, Rú Chá được bảo vệ, phát triển với nhiều định hướng thúc đẩy kinh tế xã hội, du lịch của địa phương và các mục đích to lớn khác…Nằm cách trung tâm thành phố Huế chỉ khoảng 15 km, rừng Rú Chá không chỉ là một địa điểm tham quan, du lịch nổi tiếng của đất Cố Đô mà còn là nơi để rất nhiều các nhà khoa học cũng như các bạn học sinh, sinh viên đến thực hiên công tác nghiên cứu.
Câu hỏi Tìm hiểu thêm trang 27
Dấu chân carbon là gì?
Gợi ý đáp án
Dấu chân cacbon (Carbon footprint) là lượng khí nhà kính chủ yếu là cacbon dioxide, được thải vào khí quyển bởi một hoạt động cụ thể của con người.