Dẫn chứng về Cho và nhận tổng hợp những ví dụ, những tấm gương tiêu biểu, đặc sắc nhất trong cuộc sống, văn học, xã hội về Cho và nhận, để các em lồng ghép vào bài văn Nghị luận về Cho và Nhận của mình.
Bạn đang đọc: Dẫn chứng về Cho và nhận
Qua đó, giúp bài văn nghị luận thêm thuyết phục, lập luận chặt chẽ, đạt điểm cao. Chính vì thế việc đưa dẫn chứng rất cần thiết cho bài làm văn nghị luận. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn để có thêm nhiều dẫn chứng về Cho và nhận:
Dẫn chứng về Cho và nhận
1. Anh Trần Phước Hòa ở quận Bình Tân là người đã xây dựng hệ thống quán cơm chay giá 5000 đồng để giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn. “Việc quan sát bà con đến ăn ở quán, hỏi họ dăm ba câu đã thành thói quen của tôi. Tôi cảm thấy ấm lòng mình khi họ được no bụng”. (Theo tuoitre)
2. Một hình ảnh đặc trưng cho sự nhân ái của người Sài Gòn chính là những bình trà đá miễn phí đặt ở vỉa hè. Hành động giản đơn nhưng ấm áp tình người, làm nên hình ảnh một Sài Gòn nhân hậu, thân thiện, hiếu khách.
3. Khi chưa là tỉ phú, một lần Billgate mua báo ở một quầy báo gần sân bay mà không có tiền, người bán báo vui vẻ tặng ông mà không đòi hỏi gì. Sau này, khi trở thành tỉ phú nước Mỹ, ông lại đến mua báo nhưng lại không có tiền lẻ, người bán báo vẫn vui vẻ tặng ông một tờ báo dù biết ông là tỉ phú. Điều đó làm Bill Gate vô cùng ngạc nhiên và rút ra một bài học quý giá: Hãy biết cho đi khi có thể và không đòi hỏi điều gì. Cho đi là mãi mãi.
4. Tác giả Tố Hữu đã từng có câu thơ rất hay rằng “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” hay “Người với người sống để yêu nhau”. Nếu con người trong cộng đồng sống quá ích kỷ chỉ biết tới quyền lợi, lợi ích của mình mà không quan tâm yêu thương những người xung quanh mình, không quan tâm tới cộng đồng, thì xã hội của chúng ta khi đó sẽ chỉ là một xã hội ích kỷ, chỉ có đấu tranh hận thù và căm ghét lẫn nhau. Như vậy con người chẳng khác nào những con rô bốt vô tri vô giác.
5. Kinh Phật có dẫn: đức Ca-diếp trong một lần đi hành khất đã dừng chân tại một túp lều rách của bà lão ăn xin. Bà bệnh nặng sắp chết. Không có gì để bố thí trong khi đức Ca-diếp nhất định không đi chỗ khác, bà đành đổ phần nước cháo đã thiu cho ngài. Lập tức bà được siêu sinh về cõi cực lạc. Đức Ca-diếp, ông nhận bát nước cháo, và cho đi sự từ tâm và sự hồi hướng phước đức đối với bà lão nghèo.
6. Những thùng mì tôm, những bao gạo mà chúng ta ủng hộ đồng bào bị thiên tai là một nghĩa cử cao đẹp. Một mẩu bánh mì mà những đứa trẻ nghèo chia sẻ cho nhau cũng khiến chúng ta cảm thấy ấm lòng hơn. Không nhất thiết những thứ mang cho người khác phải là những thứ quý giá, cao sang mà đó có thể là những món đồ rất nhỏ bé… Hoặc đôi khi chỉ là tấm lòng yêu thương, trân trọng. “Điều ước thứ 7” – một chương trình ý nghĩa sẽ giúp nhân vật chính trong mỗi tập thực hiện ước mơ của mình. Đó là ước mơ trở thành kỹ sư của em Sùng A Dí, ước mơ gặp lại gia đình người thân trong nhiều năm xa cách, ước mơ được gặp em trai của bạn Tạ Thành Công… Khi nhắc đến hoàn cảnh của em Tạ Thành Công có lẽ mỗi chúng ta đều cảm thấy đau xót. Bố mẹ của Công bị chết cháy trong một vụ hỏa hoạn, em trai Tạ Công Minh bị viêm phổi nặng. Chương trình “Điều ước thứ 7” đã kết nối với những tấm lòng nhân ái muốn giúp đỡ, chia sẻ khó khăn cùng hai em. Ngoài số tiền quyên góp nhận được, hai em còn được hỗ trợ chi phí học tập đến năm mười tám tuổi. Hàng năm các tổ chức vẫn thực hiện chương trình “Mùa đông ấm”, “Mùa đông cho em” nhằm quyên góp, ủng hộ thức ăn, quần áo, giày dép, sách vở cho các em dân tộc vùng cao bởi hòa cảnh các em ấy còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Những tấm lòng ấy thật đáng được trân quý.
7. Câu chuyện về bé Nguyễn Hải An – cô bé bị ung thư khi 7 tuổi đã cho đi giác mạc – đôi mắt của mình để những người con sống khác được mang đôi mắt sáng. Dẫu rằng con người mất đi rồi là hết, là trở về với cát bụi nhưng những gì bé Hải An cho đi đã để lại cho chúng ta, không chỉ là đôi mắt sáng, mà còn là ánh sáng của niềm tin vào cuộc sống. Đó mới là những giá trị quý báu, là điều sẽ còn lại mãi trong đời.
8. Có thể kể đến các mạnh thường quân gửi tiền quyên góp nhưng không để lại tên tuổi, hay là những người ngã xuống hy sinh thầm lặng để bảo vệ tổ quốc… Tuy nhiên, cũng có rất nhiều sống theo một lối sống ích kỉ, chỉ biết nhận mà không muốn cho. Họ không quan tâm đến chuyện gì, cũng như không quan tâm đến những người xung quanh. Trong cuộc sống, nếu con người ta cạnh tranh để sống thì cho đi không được hiểu theo cái nghĩa đơn thuần nữa mà nó giống như một sự trao đổi. Cho đi thì ít nhưng muốn nhận lại thật nhiều. Vì danh lợi, vì tiền tài, vì những thứ vật chất tầm thường mà họ bóp méo hai chữ cho và nhận theo đúng nghĩa của nó. Mỗi chúng ta phải biết cho đi như chính cái nghĩa của chúng, luôn phải xuất phát từ tấm lòng, từ tình thương.Trong cuộc sống này, không phải ai cũng may mắn, vì vậy mỗi người hãy biết cho đi, để nhận lại nhiều thêm. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi…”. Sống trong cuộc sống này, mỗi người chúng ta cần phải biết quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh.