Đề cương ôn thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 8 năm 2023 – 2024 (Sách mới)

Đề cương ôn tập giữa kì 2 Ngữ văn 8 năm 2023 – 2024 là tài liệu rất hay dành cho các bạn học sinh tham khảo. Tài liệu bao gồm 3 sách Kết nối tri thức, Cánh diều và Chân trời sáng tạo giới hạn nội dung ôn thi kèm theo đề thi minh họa có đáp án giải chi tiết.

Bạn đang đọc: Đề cương ôn thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 8 năm 2023 – 2024 (Sách mới)

Đề cương giữa kì 2 Ngữ văn 8 giúp các bạn làm quen với các dạng bài tập, nâng cao kỹ năng làm bài và rút kinh nghiệm cho bài thi giữa học kì 2 lớp 8. Từ đó có định hướng, phương pháp học tập để đạt kết quả cao trong các bài kiểm tra. Vậy sau đây là trọn bộ đề cương giữa kì 2 Ngữ văn 8 năm 2023 – 2024 mời các bạn theo dõi. Ngoài ra các bạn xem thêm đề cương ôn tập giữa kì 2 môn Toán 8.

Đề cương ôn tập giữa kì 2 Ngữ văn 8 năm 2023 – 2024

    1. Đề cương ôn tập giữa kì 2 Ngữ văn 8 Kết nối tri thức

    TRƯỜNG THCS ………….

    ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP GIỮA KÌ 2

    NĂM HỌC 2023 – 2024

    MÔN: NGỮ VĂN 8

    I. PHẠM VI ÔN TẬP GIỮA KÌ 2

    1. Đọc hiểu

    • Truyện
    • Thơ

    – Nhận biết đề tài, bối cảnh, chi tiết tiêu biểu.

    – Nhận biết được nhân vật, cốt truyện, tình huống, các biện pháp xây dựng nhân vật.

    – Nhận biết được các trợ từ, thán từ, thành phần biệt lập.

    – Phân tích được tình cảm, thái độ của người kể chuyện.

    – Phân tích được vai trò, tác dụng của cốt truyện đơn tuyến và cốt truyện đa tuyến.

    – Hiểu và lí giải được chủ đề, tư tưởng, thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc thông qua hình thức nghệ thuật của văn bản.

    – Nêu được tác dụng của trợ từ, thán từ, thành phần biệt lập được sử dụng trong văn bản.

    – Nhận xét được nội dung phản ánh và cách nhìn cuộc sống, con người của tác giả qua văn bản.

    – Nêu được những thay đổi trong suy nghĩ, tình cảm, nhận thức của bản thân sau khi đọc văn bản.

    – Vận dụng những hiểu biết về vai trò của tưởng tượng trong tiếp nhận văn học để đánh giá giá trị của tác phẩm.

    2. Viết

    – Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về một bài thơ tự do

    Yêu câu cần đạt: Viết được đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ tự do (khoảng 300 chữ), nêu được chủ đề, dẫn ra và phân tích được tác dụng của một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật được dùng trong tác phẩm.

    – Xác định được kiểu bài viết được đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ tự do.

    – Giới thiệu tác giả, bài thơ.

    – Bố cục đoạn văn được trình bày hợp lí, có mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.

    – Xác định được cảm hứng chủ đạo của tác giả trong bài thơ.

    – Nêu được chủ đề, tư tưởng, thông điệp của bài thơ dựa trên những yếu tố hình thức nghệ thuật.

    – Chỉ ra được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh, bố cục.

    – Dẫn chứng là các hình ảnh, từ ngữ,… được trích dẫn từ văn bản.

    – Vận dụng các kĩ năng tạo lập văn bản để viết được đoạn văn ghi lại cảm xác về một bài thơ tự do.

    – Khẳng định ý kiến, cảm nghĩ của người viết về bài thơ và đánh giá thành công nghệ thuật của bài thơ.

    – Rút ra được thông điệp của tác giả được gửi gắm qua bài thơ.

    II. ĐỀ THI MINH HỌA GIỮA KÌ 2 NGỮ VĂN 8

    Phần I. Đọc hiểu (5,0) điểm

    Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

    Trên bãi cát những người lính đảo
    Ngồi ghép nhau bao nỗi nhớ nhà
    Chiều áo rộng vài vạt mây hờ hững
    Họ cứ ngồi như chum vại hứng mưa

    Đảo tái cát
    Khóc oan hồn trôi dạt
    Tao loạn thời bình
    Gió thắt ngang cây.

    Đất hãy nhận những đứa con về cội
    Trong bao dung bóng mát của người
    Cay hãy gọi bàn tay về hái quả
    Võng gọi về nghe lại tiếng à ơi…
    À ơi tình cũ nghẹn lời
    Tham vàng bỏ ngãi kiếp người mong manh.

    (Lời sóng 4, trích Trường ca Biển, Hữu Thỉnh, NXB Quân đội nhân dân, 1994)

    Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?

    A. Thơ tự do
    B. Thơ 6 chữ
    C. Thơ 7 chữ
    D. Thơ lục bát

    Câu 2. Phương thức biểu đạt của văn bản trên là?

    A. Tự sự
    B. Miêu tả
    C. Biểu cảm
    D. Nghị luận

    Câu 3. Những phép liên kết nào được sử dụng trong đoạn trích?

    A. Phép lặp, phép thế
    B. Phép lặp, phép nối
    C. Phép nối, phép thế
    D. Phép nối

    Câu 4. Đối tượng trữ tình trong văn bản trên là?

    A. Biển
    B. Người lính đảo
    C. Những đứa con
    D. Đáp án khác

    Câu 5 (0,5 điểm) Cuộc sống của người lính đảo được nhà thơ tái hiện qua những chi tiết, hình ảnh nào?

    Câu 6 (0,5 điểm) Theo anh/chị, ý nghĩa của hai câu thơ Chiều áo rộng vài vạt mây hờ hững – Họ cứ ngồi như chum vại hứng mưa là gì?

    Câu 7 (1,0 điểm) Nêu hiệu quả của biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong câu thơ Đảo tái cát – Khóc oan hồn trôi dạt – Tao loạn thời bình – Gió thắt ngang cây.

    Câu 8 (1,0 điểm) Hình ảnh người lính đảo và thông điệp “kiếp người mong manh” mà nhà thơ gửi gắm ở câu thơ cuối gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về giá trị của cuộc sống.

    Phần II. Viết (5,0 điểm)

    Anh/ chị hãy viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ của mình về bài thơ Đồng chí của Chính Hữu

    ĐÁP ÁN ĐỀ THI MINH HỌA

    Phần I. Đọc hiểu (5,0 điểm)

    Câu

    Nội dung cần đạt

    Điểm

    Câu 1

    A. Thơ tự do

    0,5 điểm

    Câu 2

    C. Biểu cảm

    0,5 điểm

    Câu 3

    A. Phép lặp, phép thế

    0,5 điểm

    Câu 4

    B. Người lính đảo

    0,5 điểm

    Câu 5

    Cuộc sống của những người lính đảo được nhà thơ tái hiện qua những chi tiết, hình ảnh: bãi cát, nỗi nhớ nhà, đảo tái cát, oan hồn trôi dạt, tao loạn thời bình..

    0,5 điểm

    Câu 6

    Ý nghĩa của hai câu thơ Chiều áo rộng vài vạt mây hờ hững – Họ cứ ngồi như chum vại hứng mưa :

    – Gợi hình ảnh những người lính đảo: Ngồi quây quần bên nhau trong sự tĩnh lặng, sự sẻ chia, trong nỗi nhớ quê hương vời vợi, sự gian khổ, vất vả.

    – Thể hiện tâm hồn nhạy cảm, giàu yêu thương, tinh thần kiên cường, bền bỉ của họ.

    0,5 điểm

    Câu 7

    Hiệu quả:

    – Tăng tính hàm súc và gợi tả cho câu thơ.

    – Gợi nỗi đau, những mất mát lớn lao trước sự hi sinh của người lính, nỗi đau lan tỏa cả đất trời và gợi lên những nghịch lí oan trái mà người lính thời bình phải chịu. Đó là sự hi sinh thầm lặng để mang lại cuộc sống hòa bình cho Tổ quốc.

    1,0 điểm

    Câu 8

    Có thể theo hướng sau:

    – Người lính đảo có cuộc sống rất khó khăn nhưng đó là cuộc sống đầy ý nghĩa. “Kiếp người mong manh” nói về thời gian sống của mỗi cá nhân rất ngắn ngủi, hữu hạn. Bởi vậy, mỗi người đều cần biết tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi đó để tạo nên giá trị cuộc sống.

    – Giá trị cuộc sống gồm cả những giá trị vật chất như sức khỏe, tiền bạc.. cũng gồm cả những giá trị tinh thần như tri thức, phẩm chất, tâm hồn, sự cống hiến, hi sinh, quan hệ xã hội.. Con người cần tạo ra và tích lũy những giá trị đó, đồng thời biết cân bằng và hài hòa giữa các giá trị. Có như vậy mới có được cuộc sống có ý nghĩa và góp phần phát triển xã hội.

    – Phê phán những con người chọn lối sống ích kỉ, thực dụng, sống hoài, sống phí.

    – Liên hệ bản thân: Bản thân là người trẻ tuổi đã sử dụng thời gian như thế nào để sống có ích nhất, đóng góp được nhiều nhất cho xã hội.

    1,0 điểm

    Phần II. Viết (5,0 điểm)

    Câu

    Đáp án

    Điểm

    a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do:

    Mở đoạn giới thiệu được tác giả và văn bản. Thân đoạn triển khai các yếu tố về nội dung và nghệ thuật. Kết đoạn nêu được cảm nghĩ của bản thân về bài thơ.

    0,25 điểm

    b. Xác định đúng yêu cầu của đề: Viết đoạn văn bộc lộ cảm nghĩ của em về bài thơ Đồng chí – Chính Hữu

    0,25 điểm

    c. Bài viết có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo các ý sau:

    1. Mở đoạn

    Nêu cảm nghĩ chung về yếu tố nội dung hay nghệ thuật ở dòng, khổ, đoạn và bài thơ.

    2. Thân đoạn

    – Nêu cảm nhận của em về nội dung bài thơ cũng như phong cách nghệ thuật của nhà thơ Chính Hữu đã sử dụng cho bài thơ; Đồng thời qua đó thể hiện tình cảm của em dành cho những người lính.

    3. Kết đoạn

    Khái quát lại cảm xúc, suy nghĩ của bản thân về yếu tố nội dung hoặc nghệ thuật đã trình bày.

    4,0 điểm

    d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

    0,25 điểm

    e. Sáng tạo: Diễn đạt sáng tạo, sinh động, giàu hình ảnh, có giọng điệu riêng.

    0,25 điểm

    Lưu ý: Chỉ ghi điểm tối đa khi thí sinh đáp ứng đủ các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng.

    2. Đề cương ôn tập giữa kì 2 Ngữ văn 8 Cánh diều

    TRƯỜNG THCS ………….

    ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP GIỮA KÌ 2

    NĂM HỌC 2023 – 2024

    MÔN: NGỮ VĂN 8

    I. PHẠM VI ÔN TẬP GIỮA KÌ 2

    1. Phần đọc hiểu

    a. Thơ Đường luật và thơ trào phúng

    – Nhận biết được một số đặc điểm của các thể thơ Đường luật (bố cục, niêm, luật, vần, nhịp, đối) và phân biệt được các thể thơ Đường luật

    – Phân tích được giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố thi luật của thơ thất ngôn bát cú, thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật

    – Phân tích được một số thủ pháp nghệ thuật của thơ trào phúng

    – Xác định được giá trị nội dung, nghệ thuật của thơ trữ tình và thơ trào phúng trung đại làm theo thể Đường luật

    – Nêu được những suy nghĩ, tình cảm của em về văn bản thơ Đường luật

    b. Đảo ngữ, câu hỏi tu từ, từ tượng hình, từ tượng thanh

    – Phân tích được tác dụng của biện pháp đảo ngữ, câu hỏi tu từ, từ tượng hình, từ tượng thanh có sử dụng trong câu văn, đoạn văn, đoạn thơ

    – Viết được các câu văn, đoạn văn có sử dụng biện pháp đảo ngữ, câu hỏi tu từ, từ tượng hình, từ tượng thanh

    2. Phần Viết

    Viết bài văn phân tích một tác phẩm thơ

    – Nhận biết được yêu cầu cần có về hình thức và nội dung cần có của kiểu văn bản nghị luận văn học (văn bản thơ)

    – Viết đúng về hình thức của bài văn (bố cục, dung lượng, từ ngữ, diễn đạt…)

    – Viết đúng, đủ về nội dung cần có của bài văn (chủ đề, đề tài)

    – Về nội dung:

    • Nêu được chủ đề, tư tưởng của tác phẩm văn học
    • Nêu và phân tích được tác dụng của một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong tác phẩm văn học (bố cục, niêm, luật, vần, nhịp, đối…)

    – Về hình thức:

    • Lập luận chặt chẽ, có bằng chứng tin cậy từ tác phẩm, diễn đạt mạch lạc
    • Sử dụng các phương tiện liên kết hợp lí để giúp người đọc nhận diện được mạch lập luận

    – Viết có các hình ảnh sử dụng biện pháp tu từ sáng tạo, có liên tưởng tưởng tượng độc đáo, ấn tượng

    – Viết có liên hệ nội dung, nghệ thuật với các tác phẩm văn học thể loại

    II. ĐỀ THI MINH HỌA GIỮA KÌ 2 NGỮ VĂN 8

    Phần I. Đọc hiểu (5,0 điểm)

    Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

    ĐỨA CON NGƯỜI VỢ LẼ

    Tư nằm dán mình trên giường. Đầu anh nặng trĩu trên chiếc gối bông cáu ghét. Mắt nhìn trân trân lên sàn nhà; lúc ấy anh không nghĩ ngợi gì. Hai tay nặng nề rời rạc, thỉnh thoảng lại cố gượng đập nhẹ xuống phản, để xua đuổi những nỗi tê tê buồn buồn chạy trong các ống xương. Anh xoay mình lại cho đỡ mỏi. Mắt se sẽ nhắm lại, và lắng nghe những cảm giác chạy trong người. Ruột anh xót như cào. Bụng hóp lại. Mặt phờ phạc. Anh thấy cáu kỉnh vẩn vơ, những muốn càu nhàu mấy tiếng. Tư đói quá, đói lả người đi. Đã hai hôm nay rồi, anh chưa có hột cơm nào vào trong bụng. [..]

    Tư là con vợ ba. Thầy mẹ anh lấy nhau không phải là đôi bên bác mẹ gả bán, không phải nhà hiếm hoi, không phải tình yêu. Cha anh hơn mẹ anh đến ba mươi tuổi. Mẹ già anh lấy mẹ anh về để có người cáng đáng việc đồng. Vốn là người quê mùa, nên việc đồng mẹ anh rất thạo. Mẹ già anh rất chiều quý, họ chiều vậy chẳng qua là muốn chạy việc. Thầy anh mất năm trước, mẹ già anh mất năm sau. Nhà không làm ruộng nữa. Các anh Tư đều đi chợ trên, Tư phải thôi học ở nhà. Hai mẹ con lâm vào cảnh thất nghiệp. Ruộng không có mà làm; đi buôn – buôn xùng buôn xằng thôi cũng không có vốn. Anh em họ mạc thì thờ ơ lạnh nhạt, họ coi hình như không có mẹ con Tư trong gia đình nữa. Vả lại dẫu rằng nghèo, nhưng mẹ anh rất khái, không muốn chịu tiếng nhờ ai. Bà đi khâu thuê vá mướn kiếm gạo về nuôi con. Nhiều khi không có việc làm, mẹ con đành chịu đói. Những hôm ấy, bà thường trốn tránh, bà rất sợ phải nhìn cảnh mẹ con đói khát. Muốn cho mẹ cất gánh nặng, đã nhiều lần Tư xin làm phó nhỏ mấy hiệu thợ may và sơn guốc, nhưng họ đều từ chối vì dạo này hàng ế. Họ hứa đến tháng tám này sẽ gọi anh làm. Bất đắc dĩ anh phải đóng vai ăn bám.

    Tư nghĩ liên miên: Anh thấy một niềm oán trách ngấm ngầm trong thâm tâm. Anh oán cha anh, người đã sinh ra anh mà săn sóc không chu đáo. Anh oán một cái gì không tên đã đẩy anh vào cảnh khốn quẫn. Tư nhếch một nụ cười thảm hại. Một ý tưởng chua chát hiện ra trong trí: Là một thằng con vợ lẽ, không phải vì hương khói, chỉ là thằng thừa trong gia đình. Tư thấy bứt rứt khó chịu. Những ý tưởng hỗn loạn ở trong óc. Anh thong thả nằm xuống. Mắt nhắm lại, muốn ngủ đi, để những tư tưởng hắc ám khỏi đến quấy nhiễu. Nhưng không sao ngủ được với cái dạ dày. [..]

    Trên nhà, ông Cả vùng thức dậy. Ông vươn vai, bẻ khục, vặn mình kêu răng rắc. Ông vừa ngáp vừa gọi:

    – Tư ơi?

    – Dạ.

    – Thoáng cái là lỉnh. Thoáng cái là lỉnh thôi.

    Tư gượng gạo đứng lên, lệt xệt bước lên trên nhà. Ông Cả vứt một hào ra bàn, dịu giọng:

    – Đi mua một hào phở?

    – Vâng.

    – Đem bát mà đi.

    – Vâng.

    Tư thất thểu lê bước. Tay bưng có bát phở mà mỏi rã rời. Khói bốc lên nghi ngút. Anh thèm quá. Trông những bánh tráng trắng phau mềm dẻo, ẩn hiện trong nước dùng váng sao, những miếng thịt bò mỏng tang xếp gọn ghẽ, những hành, mùi, hồ tiêu rắc lên trên, thơm ngào ngạt phả mãi vào mũi anh. Con tỳ, con vị như thức dậy, bụng sôi sùng sục, vần lên chuyển xuống. Nước bọt cứ ứa mãi ra, anh ao ước được một bát.

    Tư đặt bát phở lên bàn cho anh, rồi lặng lẽ ra ngoài thềm. Ông Cả vừa ăn vừa cắm cáu gắt:

    – Gớm! Phở! Ăn rẳng như đấm vào họng!

    Tư se sẽ nuốt nước bọt. Thật là mỉa mai. Ăn xong, buông đũa buông bát, ông Cả vội vã cắp cặp ra đi. Ông còn cay mấy hội bạch cược hôm qua.

    Ông Cả đi rồi. Tư cũng chẳng buồn ra đóng cửa. Anh định đem bát ra chậu ngâm, nhưng lại thôi, là vì anh thấy còn đến lưng bát nước dùng ăn thừa. Lúc khác ai còn giữ lại làm gì? Nhưng lúc này.. Tư đưa bát phở lên mũi ngửi, mùi thơm ngào ngạt bốc lên. Anh nếm một ngụm chèm chẹp miệng. Trời ơi sao mà ngon thế! Anh ước ao giá mà được một bát cơm nguội trộn ăn thì phải biết! Nghĩ đến cơm nguội, anh lại nhớ đến một hôm, cũng đói như hôm nay. Thân, bạn chí thiết của anh, đến chơi nèo mãi anh về nhà. Rồi mời anh:

    – Nhà đi vắng cả, chỗ anh em với nhau, tôi nói thật: Anh ở đây ăn cơm nguội – cơm nguội thôi – với tôi cho vui nhé.

    Cái bữa cơm nguội với cà ấy sao mà ngon thế! Tư còn nhớ mãi, có lẽ suốt đời: Tư so sánh ông Cả với Thân. Nỗi căm hờn nổi dậy trong lòng. Hai mắt anh quắc lên một cách dữ dội. Anh nghiến răng ném mạnh “bát phở” ra sân. Tiếng bát vỡ làm cho lòng anh dịu. Anh bật cười thấy mình vô lý và thấy tiêng tiếc. Tư thấy mỏi rã rời. Toàn thân run lên. Anh nằm lả xuống.

    Chiều tàn đã lâu. Cảnh vật thẫm lại. Gió khua lá lao xao. Những lùm cây đen thẫm lắc lư trên nền trời sẫm đục. Thân, một tay ôm gói bọc giấy báo, một tay đẩy mạnh cánh cửa. Một tiếng rít rền trong yên lặng. Anh xăm xăm bước, nhớn nhác nhìn vào mấy gian nhà tối om. Miệng lẩm bẩm:

    – Quái sao nhà cửa để tối thế này!

    Thân im bặt vì biết mình nhỡ lời. Anh thong thả bước lên nhà. Đặt gói lên bàn, Tư vẫn nằm rũ trên tràng kỷ không biết bạn đến. Thân lay bạn:

    – Tư! Tư!

    Tư thều thào:

    – Thân đấy à?

    – Ừ, Tư ngủ à?

    Giọng Tư nhỏ đầy mệt nhọc:

    – Không.. Thân vào tôi cũng biết, nhưng mệt.. quá..

    Thân ái ngại nhìn bạn trong bóng tối. Đoạn anh nói rất nhẹ nhàng:

    – Tôi đem cho Tư ít hạt mít đây. Tư ăn đi.

    Tư cảm động quá. Nước mắt chảy ròng ròng, anh nghẹn ngào:

    – Thân tốt với tôi quá.

    – Ồ! Anh.

    Đôi bạn ngồi âm thầm trong bóng tối. Tiếng Tư nhai hạt mít trong im lặng. Tư chợt nghĩ đến mẹ, anh ngóc đầu bảo bạn:

    – Thân cất đi cho tôi một nửa nhé.

    Anh định tâm để dành cho mẹ, Thân ôn tồn:

    – Ừ, còn nhiều anh ạ.

    Tư lại nghĩ đến mình, đến tương lai. Một tương lai mờ mịt của đứa con vợ lẽ. Anh thở dài não ruột.

    – Gì thế anh?

    – Không.

    Hai người im lặng.

    (Đứa con người vợ lẽ, Kim Lân, Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 33, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, tr. 475 – 479)​

    Câu 1. Truyện ngắn trên được kể theo ngôi thứ mấy?

    A. Ngôi thứ nhất
    B. Ngôi thứ hai
    C. Ngôi thứ ba
    D. Có sự thay đổi ngôi kể

    Câu 2. Đề tài của truyện ngắn trên là?

    A. Thân phận tủi nhục, khó khăn của người vợ lẽ và đứa con riêng
    B. Số phận những con người bất hạnh trong xã hội cũ
    C. Cuộc sống êm ấm của đứa con người vợ cả
    D. Tình bạn đáng quý

    Câu 3. Trong truyện ngắn Đứa con người vợ lẽ, thầy Tư lấy mẹ Tư vì điều gò>

    A. Vì tình cảm sâu nặng dành cho mẹ Tư
    B. Vì mẹ Tư là người phụ nữ có nhan sắc nổi bật
    C. Vì bị cha mẹ ép lấy
    D. Vì để cáng đáng việc đồng

    Câu 4. Nhân vật chính của truyện ngắn là ai?

    A. Ông cả
    B. Tư
    C. Thân
    D. Mẹ Tư

    Câu 5 (0,5 điểm) Nêu tác dụng của việc sử dụng ngôi kể trong văn bản?

    Câu 6 (0,5 điểm) Nhận xét sự kết nối giữa lời người kể chuyện, lời nhân vật trong đoạn sau: “Tư đưa bát phở lên mũi ngửi, mùi thơm ngào ngạt bốc lên. Anh nếm một ngụm chèm chẹp miệng. Trời ơi sao mà ngon thế! Anh ước ao giá mà được một bát cơm nguội trộn ăn thì phải biết”?

    Câu 7 (1,0 điểm) Chi tiết “Anh oán một cái gì không tên đã đẩy anh vào cảnh khốn quẫn. Tư nhếch một nụ cười thảm hại. Một ý tưởng chua chát hiện ra trong trí: Là một thằng con vợ lẽ, không phải vì hương khói, chỉ là thằng thừa trong gia đình” cho ta hiểu gì về nỗi lòng của nhân vật Tư?

    Câu 8 (1,0 điểm) Từ nhân vật Tư trong văn bản, anh/chị suy nghĩ gì về tác động của hoàn cảnh sống đối với con người?

    Phần II. Viết (5,0 điểm)

    Anh/ chị hãy viết bài văn phân tích nhân vật Tư trong văn bản Đứa con người vợ lẽ của Kim Lân.

    ĐÁP ÁN ĐỀ THI MINH HỌA

    Phần I. Đọc hiểu

    Câu

    Nội dung cần đạt

    Điểm

    Câu 1

    C. Ngôi thứ ba

    0,5 điểm

    Câu 2

    A. Thân phận tủi nhục, khó khăn của người vợ lẽ và đứa con riêng

    0,5 điểm

    Câu 3

    D. Vì để cáng đáng việc đồng

    0,5 điểm

    Câu 4

    B. Tư

    0,5 điểm

    Câu 5

    – Việc sử dụng ngôi kể thứ ba có tác dụng:

    + Tạo nên sự khách quan, trung thực. Ngôi thứ ba cho phép người kể chuyện đứng ngoài tác phẩm, kể lại câu chuyện một cách khách quan, trung thực. Điều này giúp người đọc có cái nhìn toàn diện, chân thực về cuộc sống, con người. Trong đoạn trích, việc sử dụng ngôi thứ ba giúp nhà văn kể lại sự tủi nhục của thân phận con trai người vợ lẽ của Tư cùng với biết bao suy nghĩ bên trong con người anh mà không hề đơn điệu như ngôi thứ nhất.

    + Thể hiện được nhiều góc nhìn khác nhau. Ngôi thứ ba cho phép người kể chuyện kể lại câu chuyện từ nhiều góc nhìn khác nhau, bao gồm góc nhìn của nhân vật, góc nhìn của người kể chuyện, góc nhìn của người đọc. Điều này giúp người đọc hiểu rõ hơn về câu chuyện, về nhân vật, về cuộc sống.

    0,5 điểm

    Câu 6

    Trong đoạn trích trên, lời giữa người kể chuyện và lời của nhân vật Tư đan xen với nhau, sự đan xen ấy của tác giả tạo nên sự sinh động hấp dẫn, thể hiện được suy nghĩ, tâm trạng của Tư khi đưa bát phở lên ngửi dù Tư không trực tiếp nói ra.

    1,0 điểm

    Câu 7

    Chi tiết “Anh oán một cái gì không tên đã đẩy anh vào cảnh khốn quẫn. Tư nhếch một nụ cười thảm hại. Một ý tưởng chua chát hiện ra trong trí: Là một thằng con vợ lẽ, không phải vì hương khói, chỉ là thằng thừa trong gia đình” cho ta hiểu gì về nỗi lòng đau xót của một con người thừa. Tư là con của vợ lẽ, sinh ra muộn nhất và không có bất kỳ địa vị, vai trò gì trong gia đình và bị những người anh em cùng cha khác mẹ của mình xa lánh. Tư hiểu rõ điều đó, hiểu rõ thân phận của mình và mẹ.

    1,0 điểm

    Câu 8

    – Hoàn cảnh sống là môi trường, điều kiện sống của con người. Hoàn cảnh sống bao gồm nhiều yếu tố khác nhau, như: Môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, môi trường gia đình.

    – Hoàn cảnh sống có tác động rất lớn đến con người, cả về mặt tích cực và tiêu cực.

    – Hoàn cảnh sống ảnh hưởng đến nhân cách của mỗi người. Hoàn cảnh sống tốt, những mối quan hệ, giao tiếp lành mạnh thì nhân cách sẽ được định hình theo một chiều hướng tích cực và ngược lại.

    – Tuy nhiên, tính chất và mức độ ảnh hưởng của hoàn cảnh sống đối với sự hình thành và phát triển nhân cách còn tùy thuộc vào lập trường, quan điểm, thái độ của cá nhân.

    0,5 điểm

    Phần II. Viết

    Câu

    Đáp án

    Điểm

    a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận về tác phẩm truyện

    Mở bài giới thiệu được tác giả, tác phẩm. Thân bài phân tích tác phẩm truyện. Kết bài nêu được cảm nghĩ của bản thân về tác phẩm truyện.

    0,25 điểm

    b. Xác định đúng yêu cầu của đề: Phân tích nhân vật Tư trong truyện ngắn Đứa con người vợ lẽ – Kim Lân

    0,25 điểm

    c. Bài viết có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo các ý sau:

    A. Mở bài:

    – Giới thiệu tác giả Kim Lân và văn bản Đứa con người vợ lẽ

    – Giới thiệu nhân vật Tư

    B. Thân bài:

    – Khái quát nội dung nghệ thuật văn bản Đứa con người vợ lẽ

    – Phân tích đặc điểm nhân vật Tư:

    + Số phận thua thiệt, bất hạnh: Con vợ ba, anh em họ mạc thờ ơ lạnh nhạt..

    + Cư xử đúng mực: Hiểu rõ phận ăn bám nên kính phục người anh cùng cha khác mẹ, lầm lũi thực hiện những điều anh ta sai bảo.

    + Thương mẹ: Muốn mẹ bớt gánh nặng, nhiều lần Tư xin làm phó nhỏ mấy hiệu thợ may và sơn guốc, để dành một nửa túi hạt mít cho mẹ.

    + Có lòng tự trọng: Đang trong cơn đói nhưng nghiến răng ném mạnh bát phở ra sân.

    C. Kết bài:

    Cảm nhận khái quát về tác phẩm truyện ngắn

    4,0 điểm

    d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

    0,25 điểm

    e. Sáng tạo: Diễn đạt sáng tạo, sinh động, giàu hình ảnh, có giọng điệu riêng.

    0,25 điểm

    Lưu ý: Chỉ ghi điểm tối đa khi thí sinh đáp ứng đủ các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng.

    3. Đề cương ôn tập giữa kì 2 Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo

    TRƯỜNG THCS ………….

    ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP GIỮA KÌ 2

    NĂM HỌC 2023 – 2024

    MÔN: NGỮ VĂN 8

    I. Yêu cầu cần đạt:

    – Ôn tập củng cố và vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học về đọc hiểu văn bản truyện, thơ Đường luật

    – Ôn tập và nắm chắc kiến thức tiếng Việt trong các bài 6,7

    – Củng cố kiến thức về quá trình tạo lập và vận dụng tạo lập hoàn chỉnh bài văn phân tích tác phẩm truyện và phân tích một tác phẩm thơ, viết đoạn văn trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học

    – Vận dụng kiến thức, kĩ năng đọc hiểu văn bản và tạo lập văn bản đã học để thực hiện các đề minh họa kiểm tra đánh giá giữa học kì II.

    – Góp phần phát triển các năng lực: tự học, giải quyết vấn đề.

    II. Nội dung ôn tập

    1. Phần đọc hiểu

    a. Về văn bản truyện:

    – Nhận biết được một số yếu tố hình thức (chi tiết tiêu biểu, cốt truyện, ngôn ngữ, nhân vật,…) và phân tích được nội dung (đề tài, chủ đề, thông điệp,…) mà nhà văn muốn gửi đến ngừoi đọc thông qua hình thức nghệ thuật của văn bản.

    b. Về văn bản thơ Đường luật

    – Xác định được giá trị nội dung, nghệ thuật của thơ trữ tình và thơ trào phúng trung đại làm theo thể Đường luật. Nhận biết, phân tích được giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố thi luật (bố cục, niêm, luật, vần, nhịp, đối) của thơ thất ngôn bát cú, thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật và một số thủ pháp nghệ thuật của thơ trào phúng.

    2. Phần tiếng Việt

    – Nhận biết và hiểu tác dụng của các từ ngữ toàn dân, từ ngữ địa phương, biệt ngữ xã hội trong đời sống và trong tác phẩm văn học

    – Hiểu được đặc điểm, tác dụng và biết sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ, câu hỏi tu từ, từ tượng hình, từ tượng thanh

    3. Phần viết

    a. Viết bài văn phân tích tác phẩm truyện: nêu được chủ đề, dẫn ra và phân tích được tác dụng của một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật được dùng trong tác phẩm

    1. Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm (nhan đề, tác giả); nêu ý kiến khái quát về tác phẩm.

    2. Thân bài:

    + Nêu nội dung chính của tác phẩm.

    + Nêu chủ đề của tác phẩm.

    + Chỉ ra và phân tích tác dụng của một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

    3. Kết bài: Khẳng định ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.

    b. Viết bài văn phân tích tác phẩm thơ: chỉ ra và làm rõ những điểm nổi bật (thành công, có thể cả hạn chế) trong nội dung và nghệ thuật của tác phẩm

    1. Mở bài: Giới thiệu khái quát, ngắn gọn về tác giả bài thơ (nhan đề, đề tài, thể thơ…); nêu ý kiến chung về bài thơ.

    2. Thân bài

    + Phân tích đặc điểm nội dung:

    · Phân tích hình tượng thơ (thiên nhiên, con người…)

    · Phân tích cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ.

    · Khái quát chủ đề của bài thơ.

    + Phân tích một số nét đặc sắc về nghệ thuật:

    · Cách sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú và tứ tuyệt Đường luật (theo mô hình chuẩn mực hay có sự cách tân).

    · Những nét đặc sắc trong nghệ thuật tả cảnh, tả tình.

    · Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ (từ ngữ, cấu trúc thơ, biện pháp tu từ…)

    3. Kết bài: Khẳng định vị trí và ý nghĩa của bài thơ.

    III. ĐỀ LUYỆN THỬ

    Đề 1:

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN (6,0 điểm)

    Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:

    Một gia đình nọ mới dọn đến ở trong một khu phố mới. Sáng hôm sau, vào lúc ăn điểm tâm, đứa con thấy bà hàng xóm giăng tấm vải trên giàn phơi. “Tấm vải bẩn thật!” – Cậu bé thốt lên “- Bà ấy không biết giặt, có lẽ bà ấy cần một thứ xà bông mới thì giặt sẽ sạch hơn”. Người mẹ nhìn cảnh ấy nhưng vẫn im lặng. Cậu bé vẫn cứ tiếp tục lời bình phẩm ấy mỗi lần bà hàng xóm phơi tấm vải.

    Ít lâu sau, vào một buổi sáng, cậu bé ngạc nhiên vì thấy tấm vải của bà hàng xóm rất sạch, nên cậu nói với mẹ “Mẹ nhìn kìa! Bây giờ bà ấy đã biết giặt tấm vải sạch sẽ, trắng tinh rồi”. Người mẹ đáp: “Không, sáng nay mẹ đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy”.

    (Phỏng theo “Nhìn qua khung cửa sổ”, www.goctamhon.com)

    Thực hiện các yêu cầu

    Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên là gì?

    A. Tự sự
    B. Miêu tả
    C. Biểu cảm
    D. Nghị luận

    Câu 2: Hãy cho biết câu văn“Tấm vải bẩn thật!” thuộc kiểu câu nào trong các kiểu câu sau?

    A. Câu nghi vấn
    B. Câu trần thuật
    C. Câu cảm thán
    D. Câu cầu khiến

    Câu 3: Tại sao nói lời kể trong câu chuyện ở văn bản trên là của người kể chuyện giấu mặt?

    A. Vì câu chuyện sử dụng ngôi kể thứ nhất số ít.
    B. Vì câu chuyện sử dụng ngôi kể thứ nhất số nhiều.
    C. Vì câu chuyện sử dụng ngôi kể thứ ba.
    D. Vì câu chuyện sử dụng kết hợp ngôi kể thứ nhất và thứ ba.

    Câu 4: Chủ đề của văn bản trên là:

    A. Lối sống sẻ chia, giàu tình thương yêu
    B. Đức tính trung thực
    C. Sự thay đổi cách nhìn cuộc sống theo hướng tích cực.
    D. Lòng hiếu thảo

    Câu 5: Qua lời đáp của người mẹ: “Không, sáng nay mẹ đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy”, em thấy mẹ giải đáp, giải thích điều gì cho con?

    A. Mẹ nói về công việc sáng nay mẹ làm với con.
    B. Mẹ giải đáp, giải thích điều cần thay đổi là khung cửa sổ nhà cậu bé.
    C. Mẹ cho con biết mắt con nhìn không rõ.
    D. Mẹ nhắc con phải thường xuyên lau kính cửa sổ nhà mình.

    Câu 6: Qua những lời bình phẩm của cậu bé, em nhận thấy đâu không phải là tính cách nổi bật của nhân vật?

    A. Cậu bé là người tinh ý, biết quan tâm, nhận xét thế giới quanh mình.
    B. Cậu bé biết nghĩ tới giải pháp giúp người khác thay đổi
    C. Cậu bé có cái nhìn chủ quan, đầy định kiến
    D. Cậu bé luôn xét nét và hẹp hòi với người khác

    Câu 7: Từ nội dung văn bản phần đọc hiểu em rút ra được bài học gì cho mình? (1 điểm)

    Câu 8: Qua văn bản trên, em hãy viết đoạn văn khoảng 8-10 câu nêu ý nghĩa của thái độ sống tích cực. (2 điểm)

    PHẦN II. VIẾT (4,0 điểm)

    Viết bài văn phân tích câu chuyện “Nhìn qua khung cửa sổ”.

    Phần 2: GV hướng dẫn theo dàn ý phân tích một tác phẩm truyện

    ………….

    Tải file tài liệu để xem thêm Đề cương ôn tập Văn 8 giữa học kì 2 

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *