Giải bài tập SGK Địa lí 10 Bài 14 trang 61, 62, 63 sách Chân trời sáng tạo giúp các em học sinh lớp 10 xem gợi ý giải các câu hỏi bài Đất thuộc Chương 6 Sinh quyển.
Bạn đang đọc: Địa lí 10 Bài 14: Đất
Soạn Địa lí 10 Chân trời sáng tạo Bài 14: Đất sẽ giúp các em sẽ biết cách trả lời toàn bộ các câu hỏi phần luyện tập, vận dụng. Đồng thời, qua tài liệu này giúp quý thầy cô tham khảo để soạn giáo án cho riêng mình. Vậy sau đây là nội dung chi tiết tài liệu Giải Địa lí 10 trang 61, 62, 63 Chân trời sáng tạo, mời các bạn cùng theo dõi tại đây.
Địa lí 10 Bài 14: Đất
Hình thành kiến thức mới Địa lí 10 Bài 14
I. Đất và lớp vỏ phong hóa
Câu hỏi trang 61: Dựa vào hình 14.1 và thông tin trong bài, em hãy:
– Trình bày khái niệm về đất.
– Phân biệt đất và lớp vỏ phong hóa.
Gợi ý đáp án
– Khái niệm: Đất là lớp vật chất tơi xốp ở bề mặt lục địa, được đặc trưng bởi độ phì.
– Đất và vỏ phong hóa
+ Đất là lớp vật chất tơi xốp ở bề mặt lục địa.
+ Vỏ phong hóa là lớp sản phẩm vụn thô ở phần trên cùng của vỏ Trái Đất, kết quả của các quá trình phong hóa làm đá và khoáng vật bị biến đổi.
II. Các nhân tố hình thành đất
Câu hỏi trang 62 : Dựa vào hình 14.2 và thông tin trong bài, em hãy:
– Kể tên các nhân tố hình thành đất.
– Trình bày vai trò của các nhân tố hình thành đất.
Gợi ý đáp án
– Các nhân tố hình thành đất: đá mẹ, địa hình, khí hậu, sinh vật, con người và thời gian.
– Đá mẹ
+ Tất cả các loại đất đều được hình thành từ những sản phẩm phong hóa của đá gốc.
+ Đất hình thành trên những loại đá mẹ khác nhau sẽ không giống nhau về thành phần khoáng vật, cấu trúc, tính chất lí hóa và cả màu sắc.
– Địa hình
+ Địa hình tác động đến sự hình thành đất thông qua yếu tố độ cao, độ dốc và hướng địa hình.
+ Càng lên cao thì nhiệt độ càng giảm, quá trình phong hóa đá diễn ra chậm, dẫn đến quá trình hình thành đất yếu.
+ Độ dốc địa hình ảnh hưởng đến tốc độ xói mòn đất, nên những nơi bằng phẳng thường có tầng đất dày hơn nơi địa hình dốc.
+ Hướng sườn núi khác nhau nhận được lượng nhiệt ẩm không giống nhau, làm cho đất ở các sườn núi cũng có nhiều khác biệt.
– Khí hậu
+ Nhân tố khí hậu giữ vai trò quan trọng trong quá trình hình thành đất.
+ Nhiệt độ, mưa và các chất khí đã phá hủy đá gốc thành các sản phẩm phong hóa – vật liệu cơ bản thành tạo đất.
+ Các yếu tố khí hậu như nhiệt độ, độ ẩm,… ảnh hưởng tới quá trình hình thành đất.
+ Khí hậu còn ảnh hưởng tới đất thông qua sinh vật.
– Sinh vật
+ Sinh vật đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và bảo vệ đất.
+ Thực vật cung cấp vật chất hữu cơ; vi sinh vật phân giải xác hữu cơ và tổng hợp mùn.
+ Động vật (giun, loài gặm nhấm,…) giúp đất tơi xốp, góp phần tạo cấu trúc đất.
+ Sinh vật còn chống xói mòn và giữ ẩm cho đất.
– Thời gian
+ Toàn bộ các quá trình và hiện tượng xảy ra trong đất đều cần đến thời gian.
+ Thời gian dài hay ngắn ảnh hưởng rất lớn đến mức độ biến đổi lí học, hóa học và sinh học trong đất.
– Con người
+ Tích cực: Con người có thể làm tăng độ phì của đất thông qua các hoạt động sản xuất kinh tế và sinh hoạt phù hợp như làm thủy lợi, làm ruộng bậc thang,…
+ Tiêu cực: Sử dụng đất không hợp lí, con người cũng là nhân tố làm đất bị thoái hóa, bạc màu.
Giải Luyện tập, vận dụng Địa 10 Bài 14 trang 63
Luyện tập 1
Em hãy lập sơ đồ thể hiện các nhân tố hình thành đất.
Gợi ý đáp án
Luyện tập 2
Chứng minh rằng khí hậu vừa có ảnh hưởng trực tiếp, vừa có ảnh hưởng gián tiếp đến sự hình thành đất.
Gợi ý đáp án
– Ảnh hưởng trực tiếp
+ Các yếu tố nhiệt độ, mưa và các chất khí đã phá hủy đá gốc thành các sản phẩm phong hóa – vật liệu cơ bản thành tạo đất.
+ Các yếu tố khí hậu như nhiệt độ, độ ẩm,… còn ảnh hưởng tới quá trình hình thành đất: nơi có nhiệt ẩm cao, quá trình hình thành đất diễn ra mạnh mẽ tạo nên lớp vỏ phong hóa và lớp đất dày; nơi có điều kiện nhiệt ẩm không thuận lợi thì lớp đất thô và mỏng.
– Ảnh hướng gián tiếp: Khí hậu còn ảnh hưởng tới đất thông qua sinh vật. Trong các đới khí hậu khác nhau, sự sinh trưởng và phát triển của sinh vật không đồng đều, dẫn đến thành phần hữu cơ của đất cũng không giống nhau.
Vận dụng
Cho ví dụ cụ thể về tác động của con người đến sự hình thành và biến đổi đất ở địa phương em.
Gợi ý đáp án
Ví dụ
– Tích cực: bón phân thích hợp, trồng rừng, trồng các cây họ đậu cố định đạm,…
– Tiêu cực: sử dụng nhiều phân bón, sử dụng nhiều hóa chất trong nông nghiệp, phá rừng làm xói mòn đất,…