Giáo án Đạo đức lớp 3 (Sách mới)

Giáo án Đạo đức lớp 3 (Sách mới)

Giáo án Đạo đức lớp 3 mang tới Kế hoạch bài dạy sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cánh diều trọn bộ cả năm, giúp thầy cô soạn giáo án môn Đạo đức lớp 3 theo chương trình mới.

Bạn đang đọc: Giáo án Đạo đức lớp 3 (Sách mới)

Với nội dung được biên soạn kỹ lưỡng, cách trình bày khoa học thầy cô sẽ tiết kiệm khá nhiều thời gian trong quá trình soạn giáo án lớp 3 của mình. Vậy chi tiết mời thầy cô tải miễn phí giáo án Đạo đức lớp 3 sách mới trong bài viết dưới đây của Download.vn:

Giáo án Đạo đức lớp 3 sách mới

    Giáo án Đạo đức lớp 3 sách Kết nối tri thức với cuộc sống

    TUẦN 1

    ĐẠO ĐỨC
    CHỦ ĐỀ 1: EM YÊU TỔ QUỐC VIỆT NAM
    Bài 01: Chào cờ và hát Quốc Ca (T1)

    I. YÊU CẦU CẦN ĐẠT:

    1. Năng lực đặc thù: Sau bài học, học sinh sẽ:

    • Nhận biết được Quốc hiệu, Quốc kì, Quốc ca Việt Nam.
    • Thực hiện được nghiêm trang khi chào cờ và hát Quốc ca.
    • Thực hiện được hành vi, việc làm để thể hiện tình yêu Tổ quốc Việt Nam; yêu quý, bảo vệ thiên nhiên; trân trọng và tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của đất nước.
    • Rèn năng lực điều chỉnh hành vi, phát triển bản thân.
    • Hình thành và phát triển lòng yêu nước.

    2. Năng lực chung.

    • Năng lực tự chủ, tự học: lắng nghe, trả lời câu hỏi, làm bài tập.
    • Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: tham gia trò chơi, vận dụng.
    • Năng lực giao tiếp và hợp tác: hoạt động nhóm.

    3. Phẩm chất.

    • Phẩm chất yêu nước: Có biểu hiện yêu nước hành vi, việc làm để thể hiện tình yêu Tổ quốc Việt Nam; yêu quý, bảo vệ thiên nhiên; trân trọng và tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa của đất nước.
    • Phẩm chất nhân ái: Có ý thức giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động nhóm để hoàn thành nhiệm vụ.
    • Phẩm chất chăm chỉ: Chăm chỉ suy nghĩ, trả lời câu hỏi; làm tốt các bài tập.
    • Phẩm chất trách nhiệm: Giữ trật tự, biết lắng nghe, học tập nghiêm túc.

    II. ĐỒ DÙNG DẠY HỌC

    • Kế hoạch bài dạy, bài giảng Powerpoint.
    • SGK và các thiết bị, học liệu phục vụ cho tiết dạy.

    III. HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC

    Hoạt động của giáo viên

    Hoạt động của học sinh

    1. Khởi động:

    – Mục tiêu: Tạo không khí vui vẻ, phấn khởi trước giờ học.

    – Cách tiến hành:

    – GV mở bài hát: “Lá cờ Việt Nam” (sáng tác Lý Trọng (Đỗ Mạnh Thường) để khởi động bài học.

    + GV nêu câu hỏi về lá cờ Việt Nam có trong bài hát.

    – GV Nhận xét, tuyên dương.

    – GV dẫn dắt vào bài mới.

    – HS lắng nghe bài hát.

    + HS trả lời theo hiểu biết của bản thân

    – HS lắng nghe.

    2. Khám phá:

    Hoạt động 1: Tìm hiểu Quốc hiệu, Quốc kì, Quốc ca Việt Nam. (Làm việc cá nhân)

    Mục tiêu:

    + Nhận biết được Quốc hiệu, Quốc kì, Quốc ca Việt Nam.

    Cách tiến hành:

    – GV yêu cầu 1HS đọc đoạn hội thoại trong SGK.

    + Quốc hiệu của nước ta là gì?

    + Hãy mô tả Quốc kì Việt Nam.

    + Nêu tên bài hát và tác giả Quốc ca Việt Nam.

    + Vì sao phải nghiêm trang khi chào cờ và hát Quốc ca?

    – GV nhận xét tuyên dương, sửa sai (nếu có)

    – 1 HS đọc đoạn hội thoại.

    + Quốc hiệu là tên một nước. Quốc hiệu của nước ta là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

    + Quốc kì Việt Nam là lá cờ đỏ sao vàng.

    + Quốc ca Việt Nam là bài hát “Tiến quân ca” do cố nhạc sĩ Văn Cao sáng tác.

    + Nghiêm trang khi chào cờ và hát Quốc ca là thể hiện tình yêu Tổ quốc và niềm tự hào dân tộc.

    + HS lắng nghe, rút kinh nghiêm.

    Hoạt động 2: Tìm hiểu những việc cần làm khi chào cờ và hát Quốc ca. (Hoạt động nhóm)

    – Mục tiêu:

    + Học sinh biết những việc cần làm khi chào cờ và hát Quốc ca.

    – Cách tiến hành:

    – GV yêu cầu HS thảo luận nhóm 2, quan sát tranh và trả lời câu hỏi:

    + Khi chuẩn bị chào cờ, em cần phải làm gì?

    + Khi chào cờ, em cần giữ tư thế như thế nào?

    + Khi chào cờ, em cần hát quốc ca như thế nào?

    – GV mời các nhóm nhận xét.

    – GV chốt nội dung, tuyên dương các nhóm.

    – HS làm việc nhóm 2, cùng nhau thảo luận các câu hỏi và trả lời:

    + Khi chuẩn bị chào cờ, em cần chỉnh sửa trang phục, bỏ mũ, nón.

    + Khi chào cờ, em cần giữ tư thế nghiêm trang, dáng đứng thẳng, mắt nhìn cờ Tổ quốc.

    + Khi chào cờ, em cần hát Quốc ca to, rõ ràng, trôi chảy, diễn cảm.

    – Các nhóm nhận xét nhóm bạn.

    3. Vận dụng.

    – Mục tiêu:

    + Củng cố kiến thức về cách chào cờ và hát Quốc ca.

    + Vận dụng vào thực tiễn để thực hiện tốt lễ chào cờ và hát Quốc ca.

    – Cách tiến hành:

    GV tổ chức vận dụng bằng hình thức thi đua chào cờ đúng nhất. Lớp trưởng điều hành lễ chào cờ.

    + GV yêu cầu học sinh chia ra thành các nhóm (3-4 nhóm). Mỗi nhóm thực hành làm lễ chào cờ và hát Quốc ca 1 lượt.

    + Mời các thành viên trong lớp nhận xét trao giải cho nhóm chào cờ tốt nhất, hát Quốc ca đúng và hay nhất.

    – Nhận xét, tuyên dương

    – HS chia nhóm và tham gia thực hành chào cờ.

    + Lần lượt các nhóm thực hành theo yêu cầu giáo viên.

    + Các nhóm nhận xét bình chọn

    – HS lắng nghe, rút kinh nghiệm

    4. Điều chỉnh sau bài dạy:

    ………………………………………………………………………………………………………………………

    ………………………………………………………………………………………………………………………

    ………………………………………………………………………………………………………………………

    TUẦN 2

    ĐẠO ĐỨC
    CHỦ ĐỀ 1: EM YÊU TỔ QUỐC VIỆT NAM
    Bài 01: Chào cờ và hát Quốc Ca (T2)

    I. YÊU CẦU CẦN ĐẠT:

    1. Năng lực đặc thù: Sau bài học, học sinh sẽ:

    • Củng cố tri thức, kĩ năng đã khám phá, điều chỉnh hành vi lệch chuẩn khi chào cờ và hát Quốc ca.
    • Hình thành và phát triển lòng yêu nước, biết điều chỉnh bản thân để có thái độ và hành vi chuẩn mực khi chào cờ và hát Quốc ca.

    2. Năng lực chung.

    • Năng lực tự chủ, tự học: lắng nghe, trả lời câu hỏi, làm bài tập.
    • Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: tham gia trò chơi, vận dụng.
    • Năng lực giao tiếp và hợp tác: hoạt động nhóm.

    3. Phẩm chất.

    • Phẩm chất yêu nước: Có biểu hiện yêu nước qua thái độ nghiêm túc khi nhận xét các tình huống chào cờ và hát Quốc ca.
    • Phẩm chất nhân ái: Có ý thức giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động nhóm để hoàn thành nhiệm vụ.
    • Phẩm chất chăm chỉ: Chăm chỉ suy nghĩ, đưa ra ý kiến đúng để giải quyết vấn đề trong các tình huống.
    • Phẩm chất trách nhiệm: Giữ trật tự, biết lắng nghe, học tập nghiêm túc.

    II. ĐỒ DÙNG DẠY HỌC

    • Kế hoạch bài dạy, bài giảng Powerpoint.
    • SGK và các thiết bị, học liệu phục vụ cho tiết dạy.

    III. HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC

    Hoạt động của giáo viên

    Hoạt động của học sinh

    1. Khởi động:

    – Mục tiêu: + Tạo không khí vui vẻ, phấn khởi trước giờ học.

    + Củng cố kiến thức đã học về cách chào cờ và hát Quốc ca.

    – Cách tiến hành:

    – GV mở video làm lễ chào cờ để khởi động bài học.

    + GV nêu câu hỏi về phong cách các bạn làm lễ chào cờ, hát quốc ca trong video.

    – GV Nhận xét, tuyên dương.

    – GV dẫn dắt vào bài mới.

    – HS lắng nghe bài hát.

    + HS trả lời theo hiểu biết của bản thân

    – HS lắng nghe.

    2. Luyện tập:

    Mục tiêu:

    + Củng cố tri thức, kĩ năng đã khám phá, điều chỉnh hành vi lệch chuẩn khi chào cờ và hát Quốc ca

    Cách tiến hành:

    Bài tập 1: Nhận xét hành vi. (Làm việc nhóm đôi)

    – GV yêu cầu 1HS quan sát tranh và thảo luận: Em đồng tình hoặc không đồng tình với tư thế, hành vi của bạn nào trong bức tranh sau? Vì sao?

    Giáo án Đạo đức lớp 3 (Sách mới)

    + GV mời các nhóm nhận xét?

    – GV nhận xét tuyên dương, sửa sai (nếu có)

    Bài tập 2. Em sẽ khuyên bạn điều gì? (làm việc nhóm 4)

    – GV yêu cầu 1HS quan sát các tình huống trong tranh và thảo luận: Em sẽ khuyên bạn điều gì?

    Giáo án Đạo đức lớp 3 (Sách mới)

    – GV mời các nhóm nhận xét.

    – GV nhận xét, kết luận.

    – HS thảo luận nhóm đôi, quan sát tranh và đưa ra chính kiến của mình:

    + Hành vi đúng: 4 bạn đứng đầu hàng; nghiêm trang khi chào cờ.

    + Hành vi chưa đúng: 2 bạn nữ đứng sau nói chuyện trong lúc chào cờ; 1 bạn nam đội mũ , quần áo xộc xệch; bạn nam bên cạnh khoác vai bạn, không nhìn cờ mà nhìn bạn.

    + Các nhóm nhận xét.

    – HS thảo luận nhóm 4, quan sát tranh và đưa ra lời khuyên:

    + Tranh 1: Bạn ơi nên ra chào cờ cùng với các bạn trong lớp. Bạn nên cố gắng tập hát để khi chào cờ hát thật hay nhé.

    + Trang 2: Bạn nên bỏ mũ xuống và không nên tranh giành khi chào cờ.

    + Các nhóm nhận xét.

    3. Vận dụng.

    – Mục tiêu:

    + Củng cố kiến thức về cách chào cờ và hát Quốc ca.

    + Vận dụng vào thực tiễn để thực hiện tốt lễ chào cờ.

    – Cách tiến hành:

    GV tổ chức vận dụng bằng hình thức thi vẽ lá cờ Tổ Quốc đúng và đẹp.

    + GV yêu cầu học sinh chuẩn bị giấy, bút màu để vẽ lá cờ Tổ Quốc.

    + Mời học sinh nhận xét và bình chọn người vẽ đẹp.

    – Nhận xét, tuyên dương

    + HS vận dụng bằng cách thi vẽ lá cờ Tổ quốc.

    + HS nhận xét bài của bạn và bình chọn những người vẽ đúng và đẹp.

    – HS lắng nghe,rút kinh nghiệm

    4. Điều chỉnh sau bài dạy:

    ………………………………………………………………………………………………………………………

    ………………………………………………………………………………………………………………………

    ………………………………………………………………………………………………………………………

    Kế hoạch bài dạy môn Đạo đức 3 sách Chân trời sáng tạo

    BÀI 1: AN TOÀN GIAO THÔNG KHI ĐI BỘ. (Tiết 2)

    I. YÊU CẦU CẦN ĐẠT

    1. Kiến thức:

    Với bài này, HS:

    • Nêu được một số quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ.
    • Nhận biết được sự cần thiết phải tuân thủ quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ.
    • Tuân thủ quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ.
    • Đồng tình với những hành vi tuân thủ quy tắc an toàn giao thông; không đồng tình với những hành vi vi phạm quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ.

    2. Năng lực:

    Năng lực chung:

    • Tự chủ và tự học: Tự giác tuân thủ quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ và tìm hiểu thêm các quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ phù hợp với lứa tuổi.
    • Giao tiếp và hợp tác: Thảo luận nhóm và hợp tác tích cực trong sắm vai xử lý tình huống. Ứng xử văn minh, lịch sự trong các tình huống giao thông khi đi bộ.

    Năng lực riêng:

    – Năng lực nhận thức chuẩn mực hành vi:

    • Nêu được một số quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ.
    • Nhận biết được sự cần thiết phải tuân thủ quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ.

    – Năng lực đánh giá hành vi của bản thân và người khác: Đồng tình với những hành vi tuân thủ quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ; không đồng tình với những hành vi vi phạm quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ.

    – Năng lực điều chỉnh hành vi: Tuân thủ quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ phù hợp với lứa tuổi.

    3. Phẩm chất:

    • Trách nhiệm: Có ý thức tuân thủ quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ.
    • Nhân ái: Sẵn sàng giúp đỡ và hướng dẫn người khác thực hiện quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ phù hợp với lứa tuổi

    II. THIẾT BỊ DẠY HỌC

    • GV: SGK Đạo đức 3, Vở bài tập Đạo đức 3, video clip bài hát Đi đường em nhớ, bài giảng điện tử, máy tính, máy chiếu (nếu có), điều 32 luật giao thông đường bộ, giấy A4 (giấy ghi chú hoặc giấy nháp), sơ đồ tư duy vẽ sẵn trên giấy A1 hoặc A0; các hình ảnh biển báo giao thông dành cho người đi bộ, các hình ảnh minh hoạ tình huống tuân thủ quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ. Bộ trò chơi “Tham gia giao thông” (đèn tín hiệu, vạch trắng dành cho người đi bộ, mô hình tay lái xe máy, xe ô tô,…)
    • HS: SGK Đạo đức 3, Vở bài tập Đạo đức 3, bút, viết, bảng con, phấn; bút lông viết bảng; các tình huống tham gia giao thông khi đi bộ, thẻ hai mặt: xanh, đỏ.

    III. HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC

    HOẠT ĐỘNG CỦA GV

    HOẠT ĐỘNG CỦA HS

    1. Khởi động

    Mục tiêu: Khơi gợi cảm xúc, giúp HS xác định được chủ đề bài học: An toàn giao thông khi đi bộ.

    Cách tiến hành:

    – GV tổ chức cho HS chia sẻ với nhau về việc đi về hàng ngày từ nhà đến trường.

    – GV mời HS trình bày trước lớp

    – GV nhận xét, kết nối giới thiệu nội dung của tiết học: An toàn giao thông khi đi bộ (tt)

    – HS theo nhóm đôi chia sẻ cùng nhau theo câu hỏi gợi ý:

    + Bạn đi đến trường bằng phương tiện gì?

    + Nếu đi bộ thì bạn đi như thế nào cho đúng?

    + Muốn đi qua đường bạn phải làm sao?

    – HS trình bày.

    2. Luyện tập

    2.1. Hoạt động 1: Em đồng tình hay không đồng tình với những hành vi nào? Vì sao?

    Mục tiêu: Đồng tình với những hành vi tuân thủ quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ; không đồng tình với những hành vi vi phạm quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ.

    Cách tiến hành:

    – GV giới thiệu lần lượt từng tình huống, yêu cầu HS đưa thẻ (đồng tình là thẻ màu xanh, không đồng tình là thẻ màu đỏ).

    – GV nêu câu hỏi để HS giải thích, bày tỏ thái độ cho từng tình huống: Vì sao em không đồng tình?

    Giáo án Đạo đức lớp 3 (Sách mới)

    – GV nhận xét, khen ngợi HS và bổ sung thêm nhiều tình huống xảy ra ở địa phương để HS bày tỏ thái độ đồng tình hoặc không đồng tình. (Có thể cho HS nêu tình huống mà mình đã gặp khi tham gia giao thông để các bạn bày tỏ thái độ).

    – GV kết luận: Việc nhắc nhở và phê phán các hành vi sai khi vi phạm quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ cũng là cách góp phần xây dựng trật tự xã hội.

    2.2. Hoạt động 2: Xử lý tình huống

    Mục tiêu: HS vận dụng kiến thức đã học để rèn luyện việc tuân thủ quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ phù hợp với lứa tuổi.

    Cách tiến hành:

    – GV chia lớp theo 6 nhóm, sắm vai xử lý tình huống. Khi HS thảo luận tập sắm vai, xử lý tình huống, GV cần theo dõi, gợi ý, giúp đỡ để các em chọn cách xử lý hay nhất.

    Giáo án Đạo đức lớp 3 (Sách mới)

    – Mời các nhóm trình bày, nhận xét

    – GV nhận xét và nhấn mạnh lại quy tắc an toàn giao thông thể hiện trong từng tình huống cũng như các quy tắc khác đã được học trong bài.

    + Tình huống 1: Dù có muộn học thì chúng ta cũng không được vượt đèn đỏ khi đi bộ.

    + Tình huống 2: Hãy đi qua đường trên vạch trắng dành cho người đi bộ.

    + Tình huống 3: Tuân thủ các quy tắc đi bộ qua đường sắt : quan sát tàu hoả, tuân thủ tín hiệu đèn dừng lại và không được vượt hoặc leo trèo, chui qua rào chắn.

    => Chúng ta luôn tuân thủ quy tắc giao thông khi đi bộ để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác.

    – HS nghe và thực hiện

    + Tranh 1: Chạy thể dục dưới lòng đường (không đồng tình). Vì lòng đường dành cho xe cộ lưu thông, chạy thể dục dưới lòng đường dễ gây tai nạn cho mình và cho người khác,…

    + Tranh 2: Có cầu vượt dành cho người đi bộ, biển báo cầu vượt nhưng có hai học sinh (nam và nữ) qua đường phía dưới, không đi bằng cầu vượt. (không đồng tình). Vì đi như thế là sai quy định an toàn giao thông, dễ gây tai nạn….

    + Tranh 3: 3 học sinh đi bộ dàn hàng ngang trên đường, không đi sát mép đường. (không đồng tình). Vì 3 bạn đi sai quy định, giành hết đường của người khác, dễ gây tai nạn,…

    + Tranh 4: Hai bạn leo trèo qua dải phân cách. (không đồng tình). Vì đi sai quy định, vi phạm luật giao thông, dễ gây tai nạn, …

    – HS tham gia nêu tình huống trong giao thông mà mình đã gặp và bày tỏ thái độ.

    – HS lắng nghe.

    – Theo nhóm, nhận tình huống, thảo luận, phân vai và thực hiện.

    Nhóm 1,4 (tình huống 1): Hai bạn cùng đi bộ đến trường, vì sắp muộn học nên bạn nam đề nghị bạn nữ vượt đèn đỏ đi bộ sang đường.

    + Nhóm 2,5 (tình huống 2): Hai bạn cùng đi bộ đến trường, bạn nam không biết cách băng qua đường nên hỏi bạn nữ đi cùng.

    + Nhóm 3,6 (tình huống 3): Hai bạn cùng đi bộ đến trường, bạn nam đề nghị bạn nữ trèo qua rào chắn đường sắt để đi nhanh hơn.

    – HS trình bày trước lớp, nhóm khác nhận xét.

    – HS lắng nghe.

    3. Vận dụng

    3.1. Hoạt động 3: Thực hiện quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ.

    Mục tiêu: HS củng cố kiến thức, thái độ và luyện tập việc thực hiện quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ phù hợp với lứa tuổi.

    Cách tiến hành:

    – GV giao nhiệm vụ rèn luyện việc thực hiện quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ phù hợp với lứa tuổi theo Phiếu rèn luyện trong Vở bài tập Đạo đức 3.

    – GV tổ chức cho HS chia sẻ cùng nhau về việc tuân thủ quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ trong thời gian qua.

    – GV nhận xét, khen ngợi HS và nói thêm: Ngoài việc nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ, chúng ta cũng nên tích cực tham gia tuyên truyền các quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ đến với mọi người xung quanh. Cần bày tỏ thái độ không đồng tình với những hành vi vi phạm quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ và có lời nhắc nhở lịch sự.

    3.2. Hoạt động 4: Củng cố, dặn dò.

    Mục tiêu: HS ôn lại những kiến thức, kỹ năng đã học, điều chỉnh được hành vi để tuân thủ quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ.

    Cách tiến hành:

    – GV tổ chức trò chơi: “Tham gia giao thông”. Sử dụng khoảng trống trước lớp, biến nó thành con đường, có ngã 4, có tín hiệu đèn (cử HS điều khiển), có vạch kẻ trắng dành cho người đi bộ. Yêu cầu HS đóng vai người tham gia giao thông đi xe máy, đi xe ô tô, đi bộ trên đường.

    – Nhận xét, khen ngợi HS tuân thủ quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ. Giới thiệu bài thơ (SGK trang 9).

    – GV sử dụng Thư gửi các bậc cha mẹ HS để phối hợp với gia đình HS những nội dung sau:

    Thư gửi các bậc cha mẹ học sinh

    1. Phụ huynh thường xuyên nhắc nhở con thực hiện việc tuân thủ quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ phù hợp với lứa tuổi.

    2. Phụ huynh làm gương để con quan sát, học hỏi theo trong việc tuân thủ quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ. Phụ huynh quan sát cách con bày tỏ thái độ với các hành vi không tuân thủ quy tắc an toàn giao thông khi đi bộ và hướng dẫn con cách nhắc nhở người khác hoặc cách ứng xử lịch sự.

    – HS thực hiện

    – HS chia sẻ với nhau về việc thực hiện quy tắc an toàn giao thông của mình trong thời gian qua. Có thể là: Bình thường khi đi học mình được mẹ đưa từ nhà đến trường và rước về. Có hôm mẹ bận việc, mình phải đi bộ một mình, lúc đó mình đi sát lề bên tay phải của mình. Để băng qua đường vào trường học, mình đến những vạch kẻ trắng dành cho người đi bộ, nhìn sang trái, nhìn sang phải thấy không có xe cộ qua lại, lúc đó mình mới đi sang đường.

    – HS tham gia trò chơi

    – HS đọc bài thơ và nêu suy nghĩ, cảm xúc sau giờ học. (Học xong bài này em biết thêm được cách đi bộ an toàn ở vùng nông thôn và cả thành thị đông đúc. Em rất vui vì biết tham gia giao thông an toàn sẽ có lợi cho bản thân và người khác).

    IV. ĐIỀU CHỈNH SAU BÀI DẠY (Rút kinh nghiệm)

    …………………………………………………………………………………………………………………

    …………………………………………………………………………………………………………………

    …………………………………………………………………………………………………………………

    Kế hoạch bài dạy Đạo đức lớp 3 sách Cánh diều

    TUẦN 1

    ĐẠO ĐỨC
    CHỦ ĐỀ 1: EM YÊU TỔ QUỐC VIỆT NAM
    Bài 01: EM KHÁM PHÁ ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM (T1)

    I. YÊU CẦU CẦN ĐẠT:

    1. Năng lực đặc thù: Sau bài học, học sinh sẽ:

    • Nhận biết được Quốc hiệu, Quốc kì, Quốc ca Việt Nam.
    • Có cảm xúc tự hào khi nghe bài hát Quốc ca.

    2. Năng lực chung.

    • Năng lực tự chủ, tự học: Biết quan sát và nhận biết được Quốc hiệu, Quốc kì, Quốc ca Việt Nam.
    • Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Tự tìm hiểu thêm về Quốc kì, Quốc ca Việt Nam.
    • Năng lực giao tiếp và hợp tác: Biết chia sẻ, trao đổi, trình bày trong hoạt động nhóm.

    3. Phẩm chất.

    • Phẩm chất yêu nước: Có cảm xúc tự hào ki nghe bài hát Quốc Ca.
    • Phẩm chất nhân ái: Có ý thức giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động nhóm để hoàn thành nhiệm vụ.
    • Phẩm chất chăm chỉ: Chăm chỉ quan sát, suy nghĩ, trả lời câu hỏi; Quốc hiệu, Quốc kì, Quốc ca Việt Nam.
    • Phẩm chất trách nhiệm: Giữ trật tự, biết lắng nghe, học tập nghiêm túc.

    II. ĐỒ DÙNG DẠY HỌC

    • Kế hoạch bài dạy, bài giảng Power point.
    • SGK và các thiết bị, học liệu phục vụ cho tiết dạy.

    III. HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC

    Hoạt động của giáo viên

    Hoạt động của học sinh

    1. Khởi động:

    – Mục tiêu: Tạo không khí vui vẻ, phấn khởi trước giờ học.

    – Cách tiến hành:

    – GV giới thiệu một số bức tranh, yêu cầu HS quan sát và chọn những hình ảnh về đất nước con người Việt Nam.

    Giáo án Đạo đức lớp 3 (Sách mới)

    – GV Nhận xét, tuyên dương.

    – GV dẫn dắt vào bài mới.

    – HS quan sát tranh.

    + HS trả lời về những hình ảnh về đất nước con người Việt Nam.

    + Tranh 1: Bác Hồ kính yêu

    + Tranh 2: Múa rối nước.

    + Tranh 4: Chùa Một Cột.

    – HS lắng nghe.

    2. Khám phá:

    Mục tiêu: Nhận biết được Quốc hiệu Việt Nam.

    Cách tiến hành:

    Hoạt động 1: Tìm hiểu Quốc hiệu Việt Nam. (Làm việc chung cả lớp)

    – GV mời HS nêu yêu cầu.

    – GV giới thiệu tranh yêu cầu HS quan sát, đọc thầm câu chuyện theo tranh và trả lời câu hỏi:

    + Quốc hiệu của nước ta là gì?

    Giáo án Đạo đức lớp 3 (Sách mới)

    – GV mời HS tham gia ý kiến về Quốc hiệu của Việt Nam.

    – GV mời HS khác nhận xét.

    – GV nhận xét tuyên dương, sửa sai (nếu có)

    Hoạt động 2: Tìm hiểu Quốc kì Việt Nam. (làm việc nhóm 4).

    – GV mời HS nêu yêu cầu.

    – GV giới thiệu tranh yêu cầu HS thảo luận nhóm 4, quan sát và trả lời câu hỏi:

    + Hãy tìm Quốc kì của Việt Nam trong các hình dưới đây.

    + Hãy mô tả Quốc kì nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    Giáo án Đạo đức lớp 3 (Sách mới)

    – GV mời các nhóm trình bày.

    – GV mời các nhóm khác nhận xét.

    – GV nhận xét tuyên dương và kết luận:

    Quốc kì nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có khung hình chữ nhật, chiều rộng bằng 2/3 chiều dài, nền cờ màu đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh.

    – 1 HS nêu yêu cầu.

    – cả lớp cùng quan sát tranh và đọc nội dung câu chuyện qua tranh để tìm ra Quốc hiệu của đất nước.

    + Quốc hiệu là tên một nước. Quốc hiệu của nước ta là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

    – 3-5 HS trình bày

    – HS khác nhận xét, bổ sung.

    + HS lắng nghe, rút kinh nghiêm.

    – 1 HS nêu yêu cầu.

    – Các nhóm thảo luận, trao đổi và tìm ra Quốc kì Việt Nam.

    – Các nhóm trình bày:

    + Quốc kì Việt Nam:

    Giáo án Đạo đức lớp 3 (Sách mới)

    + Trình bày mô tả Quốc kì của nước Việt Nam theo nhận biết của nhóm.

    – Các nhóm khác khác nhận xét, bổ sung.

    + HS đọc lại mô tả Quốc kì Việt Nam.

    3. Luyện tập

    – Mục tiêu:

    + Học sinh biết về bài hát Quốc ca của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    + Nêu được cảm xúc của mình khi nghe hát Quốc ca.

    – Cách tiến hành:

    Hoạt động 3: Tìm hiểu Quốc ca Việt Nam. (làm cá nhân).

    – GV mời HS nêu yêu cầu.

    – GV mở bài hát “Tiến Quân ca” cho HS nghe và trả lời câu hỏi:

    + Quốc ca Việt Nam có tên gốc là gì? Do nhạc sĩ nào sáng tác?

    + Nêu cảm xúc của em khi nghe Quốc ca Việt Nam.

    Giáo án Đạo đức lớp 3 (Sách mới)

    – GV mời HS trình bày theo hiểu biết của mình.

    – GV mời các nhóm nhận xét.

    – GV chốt nội dung, tuyên dương.

    – 1 HS đọc yêu cầu bài.

    – HS làm việc cá nhân, lắng nghe bài hát và trả lời câu hỏi:

    + Quốc ca Việt Nam có tên gốc là bài hát Tiến quân ca. Do cố nhạc sĩ Văn Cao sáng tác.

    + Nêu cảm xúc của em khi nghe Quốc ca Việt Nam: Cảm thấy tự hào khi nghe Quốc ca.

    – HS trình bày

    – Các nhóm nhận xét nhóm bạn.

    3. Vận dụng.

    – Mục tiêu:

    + Củng cố kiến thức về Quốc hiệu, Quốc kì và Quốc ca Việt Nam.

    + Vận dụng vào thực tiễn để thực hiện tốt lễ chào cờ và hát Quốc ca.

    – Cách tiến hành:

    GV tổ chức vận dụng bằng hình thức thi đua chào cờ đúng nhất. Lớp trưởng điều hành lễ chào cờ.

    + GV yêu cầu học sinh chia ra thành các nhóm (3-4 nhóm). Mỗi nhóm thực hành làm lễ chào cờ và hát Quốc ca 1 lượt.

    + Mời các thành viên trong lớp nhận xét trao giải cho nhóm chào cờ tốt nhất, hát Quốc ca đúng và hay nhất.

    – Nhận xét, tuyên dương

    – HS chia nhóm và tham gia thực hành chào cờ.

    + Lần lượt các nhóm thực hành theo yêu cầu giáo viên.

    + Các nhóm nhận xét bình chọn

    – HS lắng nghe,rút kinh nghiệm

    4. Điều chỉnh sau bài dạy:

    ………………………………………………………………………………………………………………………

    ………………………………………………………………………………………………………………………

    ………………………………………………………………………………………………………………………

    >> Tải file để tham khảo trọn bộ Giáo án Đạo đức 3 Cả năm!

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *