Giáo án Giáo dục thể chất 8 sách Chân trời sáng tạo

Giáo án Giáo dục thể chất 8 sách Chân trời sáng tạo

Giáo án Giáo dục thể chất 8 Chân trời sáng tạo được biên soạn rất cẩn thận, trình bày khoa học bài 3: Kỹ thuật trên không và rơi xuống cát (đệm) theo chương trình sách giáo khoa mới. Qua đó giúp thầy cô tham khảo để soạn giáo án dạy môn Giáo dục thể chất lớp 8 năm 2023 – 2024 cho học sinh của mình.

Bạn đang đọc: Giáo án Giáo dục thể chất 8 sách Chân trời sáng tạo

Giáo án Giáo dục thể chất 8 Chân trời sáng tạo giúp học sinh tiếp thu kiến thức tốt nhất. Đồng thời giúp giáo viên có một cách dạy mạch lạc, rõ ràng, dễ hiểu khiến các bạn tiếp thu kiến thức tốt nhất, việc nhớ kiến thức bằng sự vận dụng trong bài giảng là cần thiết.

Kế hoạch bài dạy Giáo dục thể chất 8 Chân trời sáng tạo

Ngày soạn: …/…/…

Ngày dạy: …/…/…

BÀI 3: KĨ THUẬT TRÊN KHÔNG VÀ RƠI XUỐNG CÁT (ĐỆM)

I. MỤC TIÊU:

1. Kiến thức:

Sau bài học này, HS sẽ:

  • Thực hiện được kĩ thuật trên không và rơi xuống cát (đệm)
  • Phối hợp được các giai đoạn trong nhảy cao kiểu bước qua
  • Biết một số điều luật cơ bản của môn nhảy cao
  • Học tập nghiêm túc, tránh xảy ra chấn thương

2. Năng lực

Năng lực chung:

  • Tự chủ và tự học: biết lắng nghe và chia sẻ ý kiến cá nhân với bạn, nhóm và GV. Tích cực tham gia các hoạt động tập luyện.
  • Giao tiếp và hợp tác: có thói quen trao đổi, giúp đỡ nhau trong học tập; biết cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ theo sự hướng dẫn của thầy cô.
  • Giải quyết vấn đề và sáng tạo: biết phối hợp với bạn bè khi làm việc nhóm, có sáng tạo khi tham gia các hoạt động giáo dục thể chất.

Năng lực giáo dục thể chất:

  • Thực hiện được kĩ thuật trên không và rơi xuống cát (đệm).
  • Có sự phát triển về năng lực phối hợp vận động và nhịp điệu.

3. Phẩm chất

  • Rèn luyện tính kiên trì, nỗ lực, tự giác trong tập luyện.
  • Có ý thức hợp tác, giúp đỡ bạn bè.
  • Thường xuyên tự học và rèn luyện thân thể.

II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU

1. Đối với GV:

  • Giáo án, SHS, SGV Giáo dục thể chất 8.
  • Sân bãi rộng rãi, sạch sẽ; không ẩm ướt, trơn trượt và không còn những vật nguy hiểm.
  • Còi, phấn viết, đồng hồ bấm giờ.

2. Đối với HS:

  • SGK Giáo dục thể chất 8.
  • Giày thể thao, quần áo thể dục.

III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC

1. HOẠT ĐỘNG KHỞI ĐỘNG

a) Mục tiêu:

– Tạo sự hứng thú, tâm thế sẵn sàng cho HS bước vào bài học mới.

– Thu hút sự tập trung chú ý của HS đối với nội dung bài học.

b) Nội dung:

– GV cho HS khởi động chung, khởi động chuyên môn.

– GV sử dụng phương tiện trực quan giới thiệu khái quát về giai đoạn trên không và rơi xuống cát đệm, đặt câu hỏi cho HS.

c) Sản phẩm:

– HS thực hiện bài tập khởi động, trò chơi theo yêu cầu và hướng dẫn của GV.

– HS liên hệ với những hiểu biết đã có về nhảy cao để trả lời câu hỏi của GV.

d) Tổ chức thực hiện:

Nhiệm vụ 1: Khởi động

Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ:

– GV tổ chức cho HS thực hiện các hoạt động:

+ Khởi động chung: Chạy chậm, xoay các khớp và căng cơ (mỗi động tác thực hiện 2 lần 8 nhịp hoặc trong 10 – 15 giây)

+ Khởi động chuyên môn: Chạy bước nhỏ, chạy nâng cao đùi, chạy đạp sau, chạy tăng tốc độ cự li 10 – 15 m; chạy 1 bước, 3 bước kết hợp giậm nhảy đá lăng liên tục với cự li 10 – 15 m, thực hiện 2 lần mỗi động tác; chạy đà 1 – 3 bước, đá lăng chạm vật chuẩn, thực hiện 2 – 3 lần.

+ Trò chơi hỗ trợ khởi động: Đôi chân khéo léo

  • Dụng cụ: Thang dây, còi, vật chuẩn, phấn viết.
  • Cách thực hiện: Người chơi chia thành những đội đều nhau, đứng theo hàng dọc sau vạch xuất phát. Khi có lệnh, người đầu tiên bật tách hai chân ở hai bên thang dây, tiếp đó bật chụm chân vào trong ô. Thực hiện bật tách, chụm chân liên tục vào các ô kế tiếp cho đến hết thang dây rồi vòng qua vật chuẩn chạy về vạch xuất phát chạm tay bạn tiếp theo đứng cuối hàng. Các bạn lần lượt thực hiện đến hết. Đội có người cuối cùng hoàn thành lượt chơi trước là đội chiến thắng.

Bước 2: HS tiếp nhận, thực hiện nhiệm vụ học tập

– HS vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để khởi động chung, khởi động chuyên môn.

– HS lắng nghe GV hướng dẫn, phổ biến luật chơi trò chơi Đuổi bắt, vận dụng kĩ năng đã học để chơi trò chơi.

– GV quan sát, hướng dẫn, hỗ trợ HS (nếu cần thiết).

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động, thảo luận

– HS thực hiện bài tập khởi động, chơi trò chơi theo yêu cầu và hướng dẫn của GV.

– GV quan sát thái độ, tác phong, động tác của HS trong quá trình khởi động, chơi trò chơi.

Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ

– GV nhận xét, đánh giá, chỉnh sửa động tác cho HS (nếu có).

GV dẫn dắt HS vào bài học: Bài 3 – Kĩ thuật trên không và rơi xuống cát (đệm).

2. HÌNH THÀNH KIẾN THỨC MỚI

Hoạt động 1: Tìm hiểu kĩ thuật trên không và rơi xuống cát (đệm)

a) Mục tiêu:

– Giúp HS hiểu được mục đích, tác dụng của luyện tập kĩ thuật trên không và rơi xuống cát (đệm).

– HS làm quen kĩ thuật trên không và rơi xuống.

b) Nội dung: GV giới thiệu nội dung kiến thức về kĩ thuật trên không và rơi xuống cát (đệm), sau đó hướng dẫn HS làm quen động tác mới.

c) Sản phẩm: HS thực hiện từng động tác theo hiệu lệnh và động tác mẫu của GV.

d) Tổ chức thực hiện:

HOẠT ĐỘNG CỦA GV VÀ HS

SẢN PHẨM DỰ KIẾN

Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ:

a) Giới thiệu nội dung kiến thức mới

– GV giới thiệu mục đích, tác dụng của luyện tập kĩ thuật trên không và rơi xuống cát (đệm).

– GV sử dụng hình ảnh trực quan, động tác mẫu giới thiệu yêu cầu và cách luyện tập kĩ thuật trên không và rơi xuống cát (đệm):

b) Hướng dẫn HS làm quen động tác mới

– GV chỉ dẫn HS thực hiện thử kĩ thuật trên không và rơi xuống để có cảm nhận ban đầu về cấu trúc và yêu cầu thực hiện kĩ thuật.

– GV hướng dẫn HS luyện tập kĩ thuật trên không và rơi xuống theo động tác mẫu và hiệu lệnh của GV.

Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập:

– HS quan sát động tác mẫu, hình thành biểu tượng đúng về kĩ thuật trên không và rơi xuống.

– HS thực hiện từng động tác theo hình ảnh đã ghi nhớ.

– HS luyện tập kĩ thuật theo hiệu lệnh và động tác mẫu của GV.

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động, thảo luận:

– HS tự đánh giá và quan sát, đánh giá kết quả luyện tập của mình và các bạn qua các nội dung sau:

+ Mức độ thực hiện được kĩ thuật trên không và rơi xuống cát.

+ Vị trí giậm nhảy, tốc độ và hướng đá lăng.

+ Tư thế chân giậm, chân lăng khi chuyển qua xà.

+ Tư thế thân người và hai chân khi rơi xuống cát.

Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện:

– GV nhận xét và chỉnh sửa động tác cho HS (nếu cần).

1. Kĩ thuật trên không và rơi xuống cát (đệm)

Kĩ thuật trên không

Sau khi kết thúc giậm nhảy đá lăng (Hình 2a), chân lăng nhanh chóng chuyển qua và hạ xuống bên kia xà (Hình 2b), thân người hơi gập về trước, chân giậm nhảy chuyển qua xà theo hình vòng cung, gối và bàn chân hơi xoay về phía xà, hai tay hạ xuống dưới (Hình 2c).

Rơi xuống cát (đệm)

Chuyển động bước qua kết thúc khi chân lăng hạ xuống chạm cát (đệm) trước, sau đó đến chân giậm. Khi tiếp cát (đệm), hai chân khuỵu gối để giảm chấn động (Hình 2d)

Hoạt động 2: Phối hợp các giai đoạn trong nhảy cao kiểu bước qua

a) Mục tiêu:

– Giúp HS biết cách phối hợp thực hiện các giai đoạn trong nhảy cao kiểu bước qua

b) Nội dung: GV giới thiệu nội dung kiến thức về phối hợp các giai đoạn trong nhảy cao kiểu bước qua, sau đó hướng dẫn HS cách phối hợp.

c) Sản phẩm: HS thực hiện từng động tác theo hiệu lệnh và động tác mẫu của GV.

d) Tổ chức thực hiện:

HOẠT ĐỘNG CỦA GV VÀ HS

SẢN PHẨM DỰ KIẾN

Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ:

– GV hướng dẫn và lưu ý HS cách phối hợp thực hiện các giai đoạn trong nhảy cao kiểu bước qua.

Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập:

– HS quan sát động tác mẫu, ghi nhớ những lưu ý khi thực hiện phối hợp

– HS luyện tập kĩ thuật theo hiệu lệnh và động tác mẫu của GV.

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động, thảo luận:

– HS tự đánh giá và quan sát, đánh giá kết quả luyện tập của mình và các bạn.

Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện:

– GV nhận xét và chỉnh sửa động tác cho HS (nếu cần).

2. Phối hợp các giai đoạn trong nhảy cao kiểu bước qua

Khi phối hợp thực hiện các giai đoạn trong nhảy cao kiểu bước qua cần chú ý:

– Cần ổn định tư thế chạy đà và số bước chạy đà (cự li chạy đà)

– Trong chạy đà cần chú ý tốc độ chạy và nhịp điệu các bước đà, đặc biệt là 3 bước cuối

– Kết hợp giậm nhảy nhanh, mạnh, phối hợp nhịp nhàng với giai đoạn trên không và rơi xuống cát (đệm).

Hoạt động 3: Tìm hiểu một số điều luật cơ bản trong nội dung nhảy cao

a) Mục tiêu:

– Giúp HS nêu được một số điều luật cơ bản trong nội dung nhảy cao.

b) Nội dung: GV giới thiệu nội dung kiến thức về một số điều luật cơ bản trong nội dung nhảy cao

c) Sản phẩm: HS ghi nhớ và nêu một số điều luật cơ bản trong nội dung nhảy cao.

d) Tổ chức thực hiện:

HOẠT ĐỘNG CỦA GV VÀ HS

SẢN PHẨM DỰ KIẾN

Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ:

– GV giới thiệu HS một số điều luật cơ bản trong nội dung nhảy cao, mời một số HS nhắc lại.

Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập:

– HS lắng nghe GV giới thiệu điều luật.

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động, thảo luận:

– HS nêu lại một số điều luật cơ bản trong nội dung nhảy cao.

Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện:

– GV nhận xét và chuyển sang nội dung tiếp theo

3. Một số điều luật cơ bản trong nội dung nhảy cao

– Không được giậm nhảy bằng hai chân

– Vận động viên sẽ bị phạm quy nếu sau khi nhảy, xà bị rơi khỏi giá đỡ do hành động của vận động viên khi nhảy.

– Mỗi mức xà được nhảy tối đa 3 lần.

4. HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP

a) Mục tiêu: HS tham gia các hoạt động nhằm củng cố kĩ thuật được học, hình thành thói quen tập luyện và tự chủ trong việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao tinh thần thể thao.

b) Nội dung:

– GV phổ biến nội dung, yêu cầu luyện tập kĩ thuật trên không và rơi xuống cát.

– GV tổ chức các hình thức tập luyện: cá nhân, cặp đôi, nhóm, cả lớp.

– GV chỉ dẫn, đánh giá hoạt động luyện tập của HS; hướng dẫn HS phát hiện và sửa chữa sai sót trong luyện tập.

c) Sản phẩm học tập:

– HS luyện tập cá nhân, theo nhóm các bài tập mô phỏng động tác qua xà, phối hợp 3 – 5 bước đà giậm nhảy qua xà thấp.

– HS rèn luyện thể lực qua Đá lăng có dây chun và Bật cao liên tục qua các vật cản thấp

– HS phát triển tố chất sức mạnh qua Trò chơi phát triển sức mạnh

d) Tổ chức thực hiện:

Nhiệm vụ 1: Luyện tập cá nhân, theo nhóm

Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập

– GV tổ chức luyện tập cho từng HS nội dung:

Bài tập trên không và rơi xuống cát (đệm)

+ Chạy đà trên đường thẳng 3 – 5 bước kết hợp giậm nhảy đá lăng, lặp lại 2 – 4 lần

+ Chạy đà chính diện, giậm nhảy đá lăng qua xà thấp rơi xuống bằng chân giậm lặp lại 2 – 4 lần

+ Đứng tại chỗ bật cao bằng hai chân qua xà cao từ 50 – 60 cm, lặp lại 3 – 5 lần

Bài tập phối hợp các giai đoạn kĩ thuật

+ Tại chỗ thực hiện giậm nhảy đá lăng với xà cao, lặp 3 – 4 lần

+ Chạy đà chếch 3 – 5 bước, giậm nhảy đá lăng qua mức xà thấp, lặp lại 2 – 4 lần

+ Thực hiện toàn bộ kĩ thuật với chiều dài đà tăng dần và nâng dần độ cao của xà, lặp lại 3 – 5 lần.

+ Thi đấu tập nhảy cao kiểu bước qua

– GV hướng dẫn HS tự đánh giá và quan sát nhận xét kết quả tập luyện của các bạn qua các nội dung sau:

+ Tư thế của các bộ phận cơ thể (tay, chân, thân) khi ở trên không và khi tiếp cát (đệm)
+ Mức độ hoàn thành các bài tập.

Bước 2: HS tiếp nhận, thực hiện nhiệm vụ học tập

– HS lắng nghe GV phổ biến các nội dung tập luyện.

– HS tập luyện theo cá nhân, theo nhóm, người chỉ huy điều khiển tập luyện và các bạn trong nhóm góp ý, sửa chữa cho nhau. Các thành viên thay nhau điều khiển nhóm. Cả nhóm cùng thực hiện các động tác theo hiệu lệnh của người điều khiển.

– GV quan sát và kịp thời điều chỉnh, giúp đỡ HS trong suốt quá trình thực hiện.

– GV chỉ ra những sai lầm và sửa chữa cho HS ngay ở giai đoạn dạy học ban đầu.

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động, thảo luận

– GV mời đại diện theo cá nhân, cặp đôi, nhóm luyện tập trước lớp các bài tập.

– GV yêu cầu các HS khác quan sát, nhận xét, góp ý cho bạn.

Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ

– GV quan sát, đánh giá kết quả luyện tập của HS.

Nhiệm vụ 2 : Luyện tập chung cả lớp – Góc rèn luyện thể lực

Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập

– GV nêu nhiệm vụ, hướng dẫn và tổ chức Đá lăng có dây chun và Bật cao liên tục qua các vật cản thấp:

Đá lăng có dây chun

+ Mục đích: Phát triển sức mạnh của chân

+ Cách thực hiện: Thực hiện động tác đá lăng với dây chun, một đầu dây buộc vào nơi cố định, đầu dây còn lại buộc vào cổ chân lăng. Tay trái đánh vuông góc, tay phải vịn vào thang gióng (tường, hàng rào,…). Thực hiện 10 lần, 2 tổ, nghỉ giữa các tổ 2 – 4 phút.

Bật cao liên tục qua các vật cản thấp

+ Mục đích: Phát triển sức mạnh của chân

+ Cách thực hiện: Bật liên tục bằng hai chân qua 8 vật cản cao 15 – 20 cm. Thực hiện 2 – 3 lần, nghỉ giữa các lần 2 – 4 phút.

Bước 2: HS tiếp nhận, thực hiện nhiệm vụ học tập

– HS lắng nghe GV phổ biến các nội dung rèn luyện thể lực.

– HS luyện tập dưới sự điều khiển và hướng dẫn của GV.

– GV quan sát và kịp thời điều chỉnh, giúp đỡ HS trong suốt quá trình thực hiện.

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động, thảo luận

– GV mời đại diện theo cá nhân, cặp đôi, nhóm luyện tập trước lớp các bài tập.

– GV yêu cầu các HS khác quan sát, nhận xét, góp ý cho bạn.

Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ

– GV quan sát, đánh giá kết quả luyện tập của HS.

Nhiệm vụ 3 : Trò chơi phát triển sức mạnh

Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập

– GV nêu nhiệm vụ, hướng dẫn HS có thể lựa chọn một số trò chơi sau:

Trò chơi 1: Cặp đôi di chuyển

+ Mục đích: Rèn luyện sức mạnh của chân

+ Dụng cụ: Thước đo, phấn viết, còi, đồng hồ bấm giờ

+ Cách thực hiện: Người chơi chia thành những đội đều nhau, đứng theo các hàng dọc sau vạch xuất phát. Mỗi lượt chơi có hai người đứng khuỵu gối, dựa lưng vào nhau. Khi có hiệu lệnh, từng cặp di chuyển đến vạch giới hạn, khi đến vạch giới hạn thì các đội di chuyển trở về vạch xuất phát, chạm tay cặp tiếp theo và về đứng cuối hàng. Các bạn lần lượt thực hiện đến hết. Nếu các cặp để rời lưng ở vị trí nào thì phải thực hiện lại từ vị trí đó. Đội thực hiện nhanh nhất là đội chiến thắng

Trò chơi 2: Nhảy dây tiếp sức

+ Mục đích: Rèn luyện sức mạnh của chân

+ Dụng cụ: Thước đo, phấn viết, còi, dây nhảy

+ Cách thực hiện: Người chơi chia thành những đội đều nhau, đứng theo các hàng dọc sau vạch xuất phát. Khi có hiệu lệnh, người chơi nhảy dây đồng thời bật chụm hai chân về trước đến vạch giới hạn, nhảy quay về xuất phát, đưa dây cho bạn tiếp theo và đứng cuối hàng. Các bạn lần lượt thực hiện đến hết. Đội thực hiện nhanh nhất là đội chiến thắng.

Trò chơi 3: Thu hoạch

+ Mục đích: Phát triển sức mạnh chân, khả năng phối hợp vận động

+ Dụng cụ: Vòng nhựa lớn, rào thấp (cao 25 – 30 cm), còi, phấn viết, đồng hồ bấm giờ, các món đồ vật nhỏ (quả cầu, bóng,…)

+ Cách thực hiện: Người chơi chia thành những đội đều nhau, đứng theo các hàng dọc sau vạch xuất phát. Khi có hiệu lệnh, người đầu tiên bật chụm hai chân liên tiếp vào vòng, chạy vượt qua các rào thấp đến vòng tròn nhặt một món đồ bất kì (hoặc theo yêu cầu của người chỉ huy) và chạy nhanh về vạch xuất phát, chạm tay bạn tiếp theo và về đứng cuối hàng. Các bạn lần lượt thực hiện đến hết. Đội có người cuối cùng hoàn thành trước là đội chiến thắng.

Bước 2: HS tiếp nhận, thực hiện nhiệm vụ học tập

– HS lắng nghe GV phổ biến các nội dung các trò chơi, lựa chọn trò chơi và tham gia tích cực.

– GV quan sát, hỗ trợ

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động, thảo luận

– GV mời các đội phối hợp trong cách chơi và động viên cổ vũ đồng đội khi tham gia trò chơi.

– GV quan sát, hỗ trợ.

Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ

– GV công bố kết quả, nhận xét ưu điểm và hạn chế của từng đội.

5. HOẠT ĐỘNG VẬN DỤNG

a) Mục tiêu: HS củng cố, vận dụng các kiến thức đã học để thực hiện bài tập vận dụng

b) Nội dung: GV yêu cầu HS thực hiện phần Vận dụng SGK trang 30.

c) Sản phẩm học tập: HS vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để thực hiện nhiệm vụ.

d) Tổ chức thực hiện:

Bước 1: GV chuyển giao nhiệm vụ học tập

– GV yêu cầu HS thực hiện nhiệm vụ:

  1. Em hãy vận dụng một số điều luật cơ bản trong nhảy cao để tổ chức thi đấu tập.
  2. Em hãy vận dụng các bài tập đã học để nâng cao thành tích học tập và thi đấu.

Bước 2: HS tiếp nhận, thực hiện nhiệm vụ học tập

– HS vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học về kĩ thuật trên không và rơi xuống cát (đệm) để thực hiện nhiệm vụ học tập.

+ HS có thể sử dụng các bài tập phối hợp giậm nhảy trên không và rơi xuống để rèn luyện và phát triển thể lực chung, năng lực định hướng và thăng bằng.

+ Phải luyện tập kĩ thuật trên không và rơi xuống ở sân tập có cát hoặc đệm vì giai đoạn trên không và rơi xuống cát là giai đoạn đòi hỏi người tập có sự nỗ lực tối đa về sức mạnh, về tốc độ thực hiện động tác và tiếp đất lần lượt từng chân → luyện tập ở sân tập có cát hoặc đệm có độ đàn hồi tốt là điều kiện cần thiết đề phòng ngừa chấn thương, đảm bảo an toàn…

– GV hướng dẫn, hỗ trợ HS (nếu cần thiết).

Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động, thảo luận

– HS thực hiện các yêu cầu phần Vận dụng trong SGK.

Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ

– GV nhận xét, đánh giá, chuẩn kiến thức và kết thúc tiết học.

* HƯỚNG DẪN VỀ NHÀ

– Ôn tập và luyện tập lại kiến thức đã học: Kĩ thuật trên không và rơi xuống cát (đệm)

– Vận dụng các bài tập, trò chơi trong bài học để rèn luyện sức mạnh và sự khéo léo của đôi chân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *