Giáo án STEM Sinh học 10 là tài liệu cực kì hữu ích gồm nhiều chủ đề khác nhau như: sản xuất giấm ăn, ứng dụng của vi sinh vật trong nông nghiệp tại địa phương,… giúp giáo viên có thêm nhiều gợi ý tham khảo để nhanh chóng soạn giáo án môn Sinh học lớp 10.
Bạn đang đọc: Giáo án STEM Sinh học 10
Kế hoạch bài dạy STEM môn Sinh học 10 nhằm hướng tới cho học sinh có khả năng vận dụng những kiến thức, kĩ năng chế tạo ra được sản phẩm, phát triển các năng lực chung, năng lực cốt lõi và hình thành các phẩm chất cho học sinh. Vậy dưới đây nội dung chi tiết Giáo án STEM Sinh học 10 mời các bạn theo dõi. Bên cạnh đó quý thầy cô tham khảo thêm nhiều tài liệu khác tại chuyên mục giáo án lớp 10.
Giáo án STEM Sinh học 10
Chủ đề : SẢN XUẤT GIẤM ĂN
Bài 21- Sinh học 10
YCCĐ trong CT GDPT 2018:
- Nêu được khái niệm sinh trưởng ở vi sinh vật.
- Biết được thế nào là nuôi cấy liên tục, nuôi cấy không liên tục.
- Đặc điểm của các pha trong môi trường nuôi cấy không liên tục, nuôi cấy liên tục
- Phân biệt nuôi cấy không liên tục, nuôi cấy liên tục
- Trình bày được các yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng của vi sinh vật.
- Làm được một số sản phẩm trao đổi chất từ vi sinh vật (sữa chua, giấm chua, dưa chua, bánh mì,…).
- Ứng dụng vào thực tiễn làm được một số sản phẩm từ quá trình trao đổi chất của vsv
I. Mục tiêu:
1. Năng lực:
1.1. Năng lực Sinh học
– Nêu được một số ví dụ về quá trình tổng hợp và phân giải các chất ở vi sinh vật.
– Nêu được khái niệm sinh trưởng ở vi sinh vật. Trình bày được đặc điểm các pha sinh trưởng của quần thể vi khuẩn.
– Trình bày được các yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng của vi sinh vật.
– Làm được một số sản phẩm trao đổi chất từ vi sinh vật (sữa chua, giấm chua, dưa chua, bánh mì,…).
– Thực hiện được quy trình để làm sản phẩm trao đổi chất từ vi sinh vật ( giấm ăn, sữa chua…) và đánh giá sản phẩm đã thực hiện.
1.2. Năng lực chung
– Năng lực tự chủ và tự học: tìm kiếm thông tin, đọc sách giáo khoa, quan sát tranh ảnh để tìm hiểu về trao đổi chất, sinh trưởng và sinh sản ở vi sinh vật.
– Năng lực giao tiếp và hợp tác: thảo luận nhóm để tìm hiểu quá trình tổng hợp và phân giải các chất, các pha sinh trưởng của vi sinh vật, các yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng của vi sinh vật.
2. Về phẩm chất:
– Chăm chỉ: Chăm học, chịu khó tìm tòi tài liệu và thực hiện các nhiệm vụ cá nhân nhằm tìm hiểu về trao đổi chất, sinh trưởng ở vi sinh vật..
– Trách nhiệm: Có trách nhiệm trong hoạt động nhóm, chủ động nhận và thực hiện nhiệm vụ học tập.
II. Thiết bị dạy học và học liệu.
1. Giáo viên
– SGK, kế hoạch bài dạy, Powerpoint. Pc kết nối internet, Zalo,..
– Phiếu học tập.
– Khuẩn acetic (giấm ăn)
2. Học sinh
– SGK, vở ghi, giấy nháp, đồ dùng học tập (bút, thước…), bảng nhóm, bút viết bảng nhóm. Tìm hiểu sách báo, internet,…
– Tìm hiểu trước ở nhà về trao đổi chất, sinh trưởng ở vi sinh vật;
– Dụng cụ: lọ thủy tinh 1 lít ( hoặc lọ nhựa) có nắp đậy;
– Nguyên liệu: chuối xiêm chín, đường, nước lọc, nước dừa,..
III. Tiến trình dạy học:
Hoạt động 1: XÁC ĐỊNH VẤN ĐỀ (Thời gian 5 phút )
a/Mục tiêu:
Tạo hứng thú cho học sinh trong học tập, ôn tập kiến thức đã học và gắn kết với kiến thức mới.
b. Tổ chức thực hiện:
(1) Chuyển giao nhiệm vụ
– Cho học sinh xem một số hình ảnh; Chuối chín, nước lọc, đường, nước dừa.Theo các em từ những nguyên liệu này người ta sẽ tạo nên những sản phẩm gì ?
(2) Thực hiện nhiệm vụ
– HS dự đoán sản phẩm.
(3) Báo cáo, thảo luận
– Liệt kê các sản phẩm ( rượu, giấm, sirô,..)
(4) Kết luận, nhận định
– Vi sinh vật được ứng dụng nhiều trong thực tiễn. Bài học hôm nay chúng ta tìm hiểu một trong số các ứng dụng của vi sinh vật và cùng thực hiện sản phẩm ứng dụng trao đổi chất làm giấm ăn
Hoạt động 2: NGHIÊN CỨU KIẾN THỨC NỀN VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
(Thời gian 15 phút )
a. Mục tiêu:
Nêu được khái niệm sinh trưởng ở vi sinh vật.
Biết được thế nào là nuôi cấy liên tục, nuôi cấy không liên tục.
Đặc điểm của các pha trong môi trường nuôi cấy không liên tục, nuôi cấy liên tục
Phân biệt nuôi cấy không liên tục, nuôi cấy liên tục
b. Tổ chức thực hiện:
(1) Chuyển giao nhiệm vụ
– Giáo viên chia lớp thành 4 nhóm và giao các nhiệm vụ như sau:
Nhiệm vụ 1 : HS hoạt động nhóm (6 HS/ nhóm) đọc SGK, tìm hiểu về quá trình sinh trưởng ở vi sinh vật
Trả lời câu hỏi
1) Khái niệm sinh trưởng ở vi sinh vật có gì khác so với sinh trưởng ở thực vật và
động vật? Giải thích vì sao có sự khác nhau đó.
2) Phân biệt nuôi cấy liên tục và nuôi cấy không liên tục
3) Vẽ sơ đồ nuôi cấy không liên tục.
Nhiệm vụ 2 :Tìm hiểu các sản phẩm của quá trình nuôi cấy không liên tục và nuôi cấy liên tục
Nhiệm vụ 3: Tìm hiểu sản phẩm nuôi giấm ăn ở gia đình
(2) Thực hiện nhiệm vụ : HS thực hiện nhiệm vụ , thảo luận nhóm để thực hiện các yêu cầu học tập, tranh luận về kết quả thảo luận ( nếu có)
** Kiến thức mới thu được qua nhiệm vụ 1
1)- Khái niệm sinh trưởng ở vi sinh vật:
Sự sinh trưởng của quần thể vi sinh vật chỉ sự tăng lên về mặt số lượng tế bào trong quần thể.
– Khái niệm sinh trưởng ở vi sinh vật khác so với sinh trưởng ở động vật, thực vật ở chỗ:
+ Ở VSV: tăng lên về số lượng tế bào trong quần thể.
+ Ở động vật, thực vật tăng lên về khối lượng, kích thước của cơ thể của từng cá thể.
– Có sự khác biệt đó là do vi sinh vật chúng có kích thước rất nhỏ nên sự sinh trưởng về kích thước rất khó quan sát; vì vậy sự sinh trưởng sẽ được xét trên toàn bộ quần thể
2) Điểm giống nhau
– Cả hai phương pháp nuôi cấy liên tục và không liên tục đều bắt đầu với pha tiềm phát. Tiếp đến là pha lũy thừa và pha cân bằng.
*Điểm khác nhau
– Ở phương pháp nuôi cấy liên tục, chất dinh dưỡng luôn được bổ sung và được lấy ra sinh khối nhưng phương pháp nuôi cấy không liên tục thì chất dinh dưỡng không được bổ sung và cũng không được lấy ra.
– Ở phương pháp nuôi cấy liên tục sẽ dừng lại ở pha cân bằng động, không có pha suy vong như phương pháp nuôi cấy không liên tục. Ở phương pháp nuôi cấy liên tục có pha lũy thừa và pha cân bằng dài hơn ở phương pháp nuôi cấy không liên tục.
– Sự sinh trưởng ở phương pháp nuôi cấy liên tục luôn được duy trì liên tục nhưng ở nuôi cấy không liên tục chỉ được duy trì đến 1 giới hạn nào đó thì sinh trưởng ngừng hẳn và sinh khối giảm.
Dưới đây là bảng so sánh phương pháp nuôi cấy liên tục và không liên tục
Nuôi cấy liên tục |
Nuôi cấy không liên tục |
Thường xuyên bổ sung chất dinh dưỡng mới |
Không bổ sung chất dinh dưỡng mới |
Thường xuyên rút bỏ chất thải và sinh khối |
Không rút bỏ chất thải và sinh khối |
Quần thể vi sinh vật sinh trưởng ở pha lũy thừa trong thời gian dài, mật độ vi sinh vật tương đối ổn định, không có pha tiềm phát |
Quần thể vi sinh vật sinh trưởng theo 4 pha: tiềm phát, lũy thừa, cân bằng, suy vong |
Vi sinh vật không bị phân hủy ở thời gian suy vong |
Vi sinh vật tự phân hủy ở pha suy vong |
– Trên đây là toàn bộ kiến thức về phân biệt nuôi cấy liên tục và không liên tục đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về bản chất, đặc điểm giống và khác nhau của hai phương pháp này.
Hiện nay để duy trì và giữ vững một số vi khuẩn có lợi, tế bào,… người ta sẽ sử dụng hai phương pháp này, nuôi cấy ở trong những Lab chuyên biệt.
3)HS vẽ sơ đồ
**Kiến thức mới thu qua nhiệm vụ 2:
Sản phẩm nuôi cấy không liên tục như : rượu, bia, tương…
Sản phẩm nuôi cấy liên tục như : giấm ăn, sữa chua,…
** Kiến thức mới thu qua nhiệm vụ 3:
Giấm ăn đều có các đặc điểm như sau : Giấm là một chất lỏng có vị chua, thành phần gồm 4 – 7% axit axetic ( CH3COOH ) và 93 – 96% là nước, được hình thành bằng công thức trao đổi chất. Giấm xuất hiện khá lâu với nhiều hương vị cũng như tên gọi khác nhau tùy vào nguyên liệu làm giấm
(3) Báo cáo, thảo luận
– GV tổ chức cho các nhóm báo cáo sản phẩm nhiệm vụ đã chuyển giao : Gọi 1,2 nhóm trình bày kết quả hoạt động nhóm mời các nhóm khác góp ý, nhận xét, bổ sung
– GV tổ chức cho lớp thảo luận về sản phẩm nuôi cấy liên tục sau thời nuôi mà không thu sản phẩm thì có tác hại gì?
(4) Kết luận, nhận định
GV nhận xét, đánh giá hoạt động nhóm
GV kết luận, chuẩn hóa kiến thức.
Hoạt động 3: LỰA CHỌN GIẢI PHÁP (Thời gian:20 phút)
a/Mục tiêu:
HS làm được một số sản phẩm trao đổi chất từ vi sinh vật (sữa chua, giấm chua, dưa chua, bánh mì,…).
b. Tổ chức thực hiện:
(1) Chuyển giao nhiệm vụ
Gv giao nv cho các nhóm từ các nguyên liệu mà gv gợi ý ( Nhóm 6/hs )
Gv yêu cầu hs tìm hiểu qui trình làm giấm ăn.
Dự kiến sản phẩm
(2) Thực hiện nhiệm vụ (ở nhà)
– Các nhóm học sinh thực hiện nhiệm vụ và đề xuất quy trình làm giấm ăn
+ Học sinh tìm hiểu quy trình làm giấm ăn và cơ sở khoa học của các bước thực hiện.
+ Học sinh thực hiện thí nghiệm và giải thích, đề xuất quy trình làm giấm ăn với những loại nguyên liệu sử dụng và tỉ lệ nguyên liệu
– Giáo viên hỗ trợ (nếu cần)
(3) Báo cáo, thảo luận
– Giáo viên yêu cầu các nhóm báo cáo kết quả thí nghiệm và quy trình thực hiện giấm ăn;
– Các nhóm báo cáo, học sinh nghe, nhận xét, đặt câu hỏi;
– Giáo viên nhận xét, góp ý, hướng dẫn cho học sinh lựa chọn phương án khả thi nhất;
– Giáo viên duyệt quy trình làm giấm đã được từng nhóm lựa chọn, yêu cầu các nhóm thực hiện theo đúng quy trình;
(4) Kết luận, nhận định
– Giáo viên nhận xét chung về quy trình thực hiện của các nhóm và yêu cầu các nhóm về nhà thực hiện sản phẩm.
Hoạt động 4: CHẾ TẠO, THỬ NGHIỆM VÀ ĐÁNH GIÁ (Thời gian :2 tuần)
a. Mục tiêu:
Làm được một số sản phẩm trao đổi chất từ vi sinh vật (sữa chua, giấm chua, dưa chua, bánh mì,…).
b. Tổ chức thực hiện:
(1) Chuyển giao nhiệm vụ
– Các nhóm tiến hành thực hiện quy trình làm giấm ăn tại nhà.
(2) Thực hiện nhiệm vụ:
– Từng nhóm học sinh phân công thành viên thực hiện quy trình sản xuất giấm ăn;
– Trong quá trinh thực hiện quy trình, học sinh quan sát và ghi nhận lại sự thay đổi của sản phẩm;
– Học sinh giải thích được sự thay đổi của sản phẩm ( mùi, vị, màu sắc…);
– Giáo viên giám sát, hỗ trợ và theo dõi kết quả các nhóm (zalo).
(3) Báo cáo, thảo luận
– Các nhóm chụp ảnh gửi sản phẩm để GV kiểm tra và hỗ trợ kịp thời hiệu quả hoạt động của nhóm ( 3 ngày 1 lần qua zalo lớp );
– Học sinh thảo luận, thống nhất và viết báo cáo về quy trình thực hiện sản xuất giấm ăn.
(4) Kết luận, nhận định
– Giáo viên nhận xét chung về tinh thần, thái độ và sự hợp tác của các nhóm trong quá trình làm sản phẩm.
Hoạt động 5: CHIA SẺ, THẢO LUẬN VÀ ĐIỀU CHỈNH (Thời gian: 45 phút)
a. Mục tiêu:
– Các nhóm trình bày được quy trình sản xuất và sản phẩm (giấm ăn);
– Trình bày ý tưởng, những điều chỉnh trong quá trình hoàn thiện sản phẩm;
– Đề xuất những phương án điều chỉnh, khắc phục khó khăn trong quá trình thực hiện.
b. Tổ chức thực hiện:
(1) Chuyển giao nhiệm vụ
Giáo viên giao nhiệm vụ cho HS thuyết trình giới thiệu sản phẩm với những nội dung sau:
+ Giới thiệu về sản phẩm và một số ứng dụng của sản phẩm trong đời sống;
+ Tự nhận xét sản phẩm của nhóm;
+ Nêu một số thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện.
(2) Thực hiện nhiệm vụ
– HS báo cáo và trả lời các câu hỏi thảo luận.
– Giáo viên tổ chức, điều hành.
(3) Báo cáo, thảo luận
– Các nhóm báo cáo kết cáo kết quả, các nhóm còn lại lắng nghe và ghi lại những thắc mắc về kết quả báo cáo từ nhóm bạn.
– Giáo viên tổ chức cho các nhóm nhận xét sản phẩm của các nhóm bạn.
(4) Kết luận, nhận định
– Giáo viên kết luận về ứng dụng vi sinh vật trong thực tiễn.
– Giáo viên tổ chức đánh giá chéo giữa các nhóm về sản phẩm.
– Giáo viên đánh giá tổng kết.
………….
Tải file tài liệu để xem thêm Kế hoạch bài dạy STEM môn Sinh học 10