Đáp án tự luận Mô đun 1 môn Tiếng Anh giúp thầy cô tham khảo, nhanh chóng trả lời các câu hỏi tự luận của 9 chủ đề môn Tiếng Anh trong chương trình tập huấn Mô đun 1 – GDPT 2018.
Bạn đang đọc: Gợi ý đáp án tự luận Mô đun 1 môn Tiếng Anh
Nhờ đó, thầy cô sẽ đạt được kết quả cao trong khóa tập huấn Module 1.0 này. Bên cạnh đó, thầy cô có thể tham khảo thêm công thức tính điểm Mô đun 1, cùng hướng dẫn đánh giá phần tự luận Mô đun 1. Vậy mời thầy cô cùng theo dõi nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây của Download.vn:
Đáp án tự luận Module 1 môn Tiếng Anh
Chủ đề 1
Theo Thầy/Cô, môn Tiếng Anh (3-12) trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 có những đặc điểm nổi bật gì trong mối quan hệ với các môn học khác ở trường phổ thông?
Môn Tiếng Anh (3-12) trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 có những đặc điểm nổi bật gì trong mối quan hệ với các môn học khác ở trường phổ thông như sau:
- Cùng nằm trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 tổng thể.
- Tiếng Anh là một trong những môn học công cụ ở trường phổ thông, môn Tiếng Anh không chỉ giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh mà còn góp phần hình thành và phát triển các năng lực chung, để sống và làm việc hiệu quả hơn, để học tập tốt các môn học khác cũng như để học suốt đời.
- Môn Tiếng Anh còn liên quan trực tiếp và có tác động qua lại với nhiều môn học/nội dung giáo dục khác như Ngữ văn/Tiếng Việt, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lí, Nghệ thuật, Giáo dục thể chất, Tin học, Hoạt động trải nghiệm. Tiếng Anh còn là công cụ để dạy và học các môn học khác, đặc biệt là môn Toán và các môn khoa học tự nhiên.
- Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh đảm bảo tính liên thông và tiếp nối của việc dạy học Tiếng Anh giữa các cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tính liên thông và tiếp nối được thể hiện ở chỗ sau mỗi cấp học, học sinh đạt một bậc trình độ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Chủ đề 2
Một trong những quan điểm xây dựng CT GDPT môn Tiếng Anh (3-12) là chương trình được xây dựng theo hướng “mở”, linh hoạt. Thầy/Cô hiểu như thế nào về quan điểm trên?
Chương trình bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của nhà trường, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội. – Chương trình chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết, để tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình. – Chương trình bảo đảm tính ổn định và khả năng phát triển trong quá trình thực hiện cho phù hợp với tiến bộ khoa học- công nghệ và yêu cầu của thực tế. Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh đảm bảo tính linh hoạt, mềm dẻo và tính mở nhằm đáp ứng nhu cầu và phù hợp với điều kiện dạy học Tiếng Anh đa dạng ở các địa phương, tùy theo đối tượng học sinh để giáo viên có thê xây dựng lên một kế hoạch giảng dạy phù hợp, nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu, quy định, vẫn đảm bảo được tính hệ thống theo khung tham chiếu Châu Âu.
Chủ đề 3
Thầy/Cô hãy cho biết cần lưu ý gì về mục tiêu hình thành và phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh ở trường THCS Việt Nam.
Trong đường hướng dạy ngôn ngữ giao tiếp, giáo viên đảm nhiệm nhiều vai trò, trong đó bốn vai trò sau đây được cho là nổi bật: (i) người dạy học và nhà giáo dục, (ii) người cố vấn; (iii) người tham gia vào quá trình học tập; (iv) người học và người nghiên cứu.
Với vai trò là người dạy học và nhà giáo dục, giáo viên giúp học sinh học kiến thức và phát triển kĩ năng giao tiếp bằng tiếng Anh, giáo dục các em trở thành những công dân tốt, có trách nhiệm.Với vai trò là người cố vấn, giáo viên là người tạo điều kiện cho quá trình giao tiếp giữa học sinh với nhau trong lớp học, giữa học sinh với sách giáo khoa và với các nguồn học liệu khác. Là cố vấn cho quá trình học tập, giáo viên sẽ giúp cho chính mình hiểu được những gì học sinh cần trong quá trình học tập, những gì là sở thích của các em, và những gì các em có thể tự làm được để chuyển giao một số nhiệm vụ cho các em tự quản; khuyến khích học sinh thể hiện rõ những ý định của mình để qua đó phát huy được vai trò chủ động và sáng tạo của các em trong học tập; hướng sự tham gia tích cực của học sinh vào những mục tiêu thực tế nhất trong khi học tiếng Anh để đạt hiệu quả cao trong học tập.
Trong vai trò là người tham gia vào quá trình học tập, giáo viên hoạt động như là một thành viên tham gia vào quá trình học tập ở trên lớp của các nhóm học sinh. Với tư cách vừa là người cố vấn vừa là người cùng tham gia vào quá trình học tập, giáo viên còn đảm nhiệm thêm một vai trò quan trọng nữa, đó là nguồn tham khảo cho học sinh, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc, giúp học sinh tháo gỡ những khó khăn trong quá trình học tập, trong thực hành giao tiếp ở trong và ngoài lớp học.
Trong vai trò là người học và người nghiên cứu, giáo viên, ở một mức độ nào đó, có điều kiện trở lại vị trí của người học để hiểu và chia sẻ những khó khăn cũng như những trách nhiệm học tập với học sinh. Có thực hiện được vai trò là người học thì giáo viên mới có thể phát huy được vai trò tích cực của học sinh, mới có thể lựa chọn được những phương pháp và thủ thuật dạy học phù hợp. Với tư cách là người nghiên cứu, giáo viên có thể đóng góp khả năng và kiến thức của mình vào việc tìm hiểu bản chất của quá trình dạy – học ngoại ngữ, bản chất của giao tiếp trong lớp học, những yếu tố ngôn ngữ, tâm lý và xã hội ảnh hưởng đến quá trình học một ngoại ngữ. Ngoài ra, thông qua nghiên cứu, giáo viên sẽ ý thức được rằng dạy – học là một nhiệm vụ liên nhân (liên chủ thể) – một nhiệm vụ mà cả người dạy và người học đều có trách nhiệm tham gia, trong đó học có vai trò trung tâm, dạy có vai trò tạo điều kiện và mục tiêu học tập chi phối toàn bộ quá trình dạy – học.
Những vai trò đã nêu trên đòi hỏi giáo viên có trách nhiệm (i) xây dựng ý thức học tập cho học sinh, (ii) giúp học sinh ý thức được trách nhiệm của mình với tư cách là những người học và về mục đích học tập của mình, (iii) giúp học sinh lựa chọn các phương pháp học tập phù hợp, (iv) giúp học sinh có quan niệm toàn diện về thế nào là biết một ngoại ngữ. Khía cạnh thứ nhất liên quan đến việc xây dựng động cơ học ngoại ngữ đúng đắn cho học sinh, những cố gắng mà các em sẵn sàng bỏ ra để học tập, thái độ của các em đối với tiếng Anh. Khía cạnh thứ hai bao gồm việc giúp học sinh phát triển sự hiểu biết của mình về việc học tiếng Anh nhằm những mục đích gì, trên cơ sở đó đề ra những mục tiêu phù hợp trong từng giai đoạn học tập. Khía cạnh thứ ba liên quan đến việc giúp học sinh xây dựng phong cách hay phương pháp học đúng đắn, có các chiến lược học tập phù hợp để đạt kết quả học tập cao nhất và các hoạt động khác nhau có thể thúc đẩy quá trình học tập trên lớp cũng như ở ngoài lớp. Khía cạnh thứ tư yêu cầu giáo viên, thông qua giảng dạy, giúp học sinh hiểu được khái niệm “thế nào là biết một ngoại ngữ”; nghĩa là ngôn ngữ được cấu tạo và sử dụng như thế nào trong các tình huống giao tiếp.
Chủ đề 4
Thầy/Cô hãy cho biết cách thức môn Tiếng Anh (3-12) góp phần phát triển các năng lực và phẩm chất chung quy định trong CTGD phổ thông 2018 tổng thể
Môn Tiếng Anh giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp, đồng thời phát triển năng lực tư duy và nâng cao sự hiểu biết của học sinh về văn hoá, xã hội của các quốc gia trên thế giới cũng như hiểu biết sâu hơn về văn hoá, xã hội của dân tộc mình.
Môn Tiếng Anh không chỉ giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh mà còn góp phần hình thành và phát triển các năng lực chung, để sống và làm việc hiệu quả hơn, để học tập tốt các môn học khác cũng như để học suốt đời.
Bộ môn Tiếng Anh giúp học sinh có hiểu biết khái quát về đất nước, con người và nền văn hoá của một số quốc gia nói tiếng Anh và của các quốc gia khác trên thế giới; có thái độ và tình cảm tốt đẹp đối với đất nước, con người, nền văn hoá và ngôn ngữ của các quốc gia đó. Ngoài ra, Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh còn góp phần hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất và năng lực cần thiết đối với người lao động: ý thức và trách nhiệm lao động, định hướng và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích, khả năng thích ứng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp mới.
Chủ đề 5
Theo Thầy/Cô, yêu cầu về năng lực đặc thù đối với cấp THCS nêu trong CT có khả thi hay không? Thầy/Cô hãy giải thích ý kiến của mình.
Theo tôi yêu cầu về năng lực đặc thù đối với cáp THCS nêu trong chương trình có khả thi vì: Khác với yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực chung, việc hình thành và phát triển năng lực chuyên môn phải dựa vào ưu thế nổi trội của mỗimôn học, có nghĩa là mỗi môn học lựa chọn một/một số năng lực nào đó mà môn học này có điều kiện và ưu thế phát triển tốt nhất. Theo đó, môn Tiếng Anh có thể hình thành và phát triển năng lực giao tiếp. Năng lực giao tiếp chủ yếu thể hiện ở việc sử dụng tiếng Anh trong các tình huống giao tiếp liên quan đến cuộc sống và học tập của học sinh, thể hiệnqua các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết trong phạm vi các chủ điểm, chủ đề quen thuộc, hấp dẫn, sinh động, thiết thực. Năng lực này được hình thành dần dần qua từng lớp và các cấp học. Ở tiểu học, học sinh chủ yếu học sử dụng ngôn ngữ một cách vô thức, tự phát, theo quán tính sau đó mới tiến đến sự dụng một cách có ý thức ở các cấp học trên. Chương trình môn Tiếng Anh không chủ trương dạy sâu vào các nội dung mang tính hàn lâm nhằm nghiên cứu ngôn ngữ, mà chỉ cung cấp một số kiến thức ngôn ngữ cơ bản, nền tảng để người học có thể sử dụng trong việc thực hành giao tiếp trong các tình huống và ngữ cảnh phù hợp. Ngoài ra, Chương trình môn Tiếng Anh còn chú trọng đến việc trang bị những kiến thức ngôn ngữ tiếng Anh cần thiết để người học có thể học sâu hơn về ngôn ngữ này ở bậc học cao hơn.
Chủ đề 6
Thầy/Cô hãy nêu ý kiến bình luận của mình về tính kế thừa và phát triển của nội dung dạy học trong Chương trình môn Tiếng Anh (3-12) 2018.
Tính kế thừa và phát triển của nội dung dạy học trong Chương trình môn Tiếng Anh (3-12) 2018 sẽ giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp). Các kỹ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể, trong các chủ điểm và chủ đề phù hợp với nhu cầu và khả năng của học sinh phổ thông nhằm giúp các em đạt được các yêu cầu quy định trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), cụ thể là học sinh kết thúc cấp tiểu học đạt Bậc 1, học sinh kết thúc cấp trung học cơ sở đạt Bậc 2, học sinh kết thúc cấp trung học phổ thông đạt Bậc 3.
Chủ đề 7
Thầy/Cô hãy nêu các giải pháp để dạy học có hiệu quả Chương trình môn Tiếng Anh (3-12) theo đường hướng phát triển năng lực ngôn ngữ giao tiếp trong điều kiện trường THCS của Việt Nam.
Giải pháp để dạy học có hiệu quả Chương trình môn Tiếng Anh (3-12) theo đường hướng phát triển năng lực ngôn ngữ giao tiếp trong điều kiện trường THCS của Việt Nam là:
– Đối với giáo viên:
- Cần nắm rõ được mục tiêu, nội dung, kế hoạch của chương trình môn Tiếng Anh (3-12), đồng thời cần nắm rõ vai trò của người giáo viên trong phương pháp dạy học phát triển năng lực ngôn ngữ giao tiếp.
- Cần nắm rõ đặc điểm tình hình của địa phương mình công tác, và nắm rõ được đối tượng học sinh của mình giảng dạy để từ đó có những phương pháp, kế hoạch dạy học phù hợp.
- Người giáo viên cần xây dựng được môi trường dạy học tiếng Anh qua tiếp
– Đối với học sinh:
- Cần nắm rõ được tầm quan trọng của bộ môn Tiếng Anh.
- Chủ động trong việc tiếp cận Tiếng Anh thông qua nhiều kênh khác nhau.
- Chủ động trong các hoạt động học tập ở trong lớp.
- Góp phần xây dựng môi trường học tập tích cực
Chủ đề 8
Thầy/Cô hãy nêu những khó khăn khi triển khai đổi mới đánh giá kết quả học tập môn Tiếng Anh (3-12) trong trường THCS và đề xuất một số giải pháp khả thi để thực hiện ở cơ sở giáo dục địa phương.
Những khó khăn khi triển khai đổi mới đánh giá kết quả học tập môn Tiếng Anh (3-12) trong trường THCS và đề xuất một số giải pháp khả thi để thực hiện ở cơ sở giáo dục địa phương:
1. Những khó khăn khi triển khai đổi mới đánh giá kết quả học tập môn Tiếng Anh (3-12) trong trường THCS:
- GV chưa có kỹ năng phân tích kết quả thi, kiểm tra; cách tiếp cận và vận dụng các phương pháp, kĩ thuật kiểm tra, đánh giá (KTĐG) còn hạn chế do quen với kiểm tra, đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng.
- Hệ thống tài liệu, công cụ thi, kiểm tra, đánh giá để hỗ trợ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh chưa đầy đủ, thiếu tính hệ thống.
2. Các giải pháp:
- Tiếp tục tuyên truyền, giới thiệu về ý nghĩa, giải pháp đổi mới kiểm tra, thi và đánh giá (gọi chung là đánh giá) chất lượng theo yêu cầu đánh giá phải góp phần hướng dẫn việc học, điều chỉnh việc dạy, vì sự tiến bộ của học sinh; kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của trò, đánh giá trong quá trình dạy với đánh giá kết quả, đánh giá học sinh với đánh giá nhà trường, địa phương và cả nước; tham gia các kỳ đánh giá quốc tế.
- Đa dạng hóa các hình thức, công cụ kiểm tra, đánh giá đồng thời với tập huấn cán bộ quản lý và giáo viên về kỹ thuật và phương pháp đánh giá theo yêu cầu đánh giá phẩm chất và năng lực như: kỹ thuật viết câu hỏi và thiết kế đề thi, đánh giá các dự án học tập, đánh giá đề tài nghiên cứu khoa học, đánh giá hoạt động trải nghiệm sáng tạo…, hạn chế đánh giá kết quả học thuộc và ghi nhớ máy móc, học tủ, học đối phó.
- Đổi mới nội dung, tăng cường thời lượng đào tạo về đánh giá trong các cơ sở đào tạo giáo viên.
- Tổ chức các kỳ thi, kiểm tra nghiêm túc, bảo đảm phản ánh đúng trình độ và kết quả học tập của học sinh.
- Xây dựng các tài liệu hướng dẫn phụ huynh và các bên liên quan hỗ trợ đánh giá người học.
Chủ đề 9
Thầy/cô hãy cho biết ưu điểm và hạn chế của việc nhận xét bằng lời đối với học sinh THCS.
Ưu điểm và hạn chế của việc nhận xét bằng lời đối với học sinh THCS:
Ưu điểm: việc nhận xét bằng lời, đặc biệt là việc nhận xét sự tiến bộ, hướng dẫn để HS thành công sẽ có tác dụng góp phần bồi dưỡng động cơ học tập đúng đắn và động viên các em phấn đấu vươn lên trong học tập. Chính sự thành công trong học tập sẽ mang lại niềm vui, hứng thú học tập cho HS, giúp HS thích học và học tốt hơn.
Vì vậy GV có thể dựa vào mục tiêu, nội dung bài học, đối chiếu sản phẩm đạt được theo cách học của học HS với chuẩn kiến thức, kĩ năng; xem xét, cân nhắc các đặc điểm tâm sinh lí, hoàn cảnh… của HS để có nhận xét xác đáng, kịp thời, sao cho khích lệ được HS, làm cho các em hứng thú học tập; đồng thời tư vấn, hướng dẫn các em phát hiện được những hạn chế và biết tự mình khắc phục.
Hạn Chế:
- Việc nhận xét bằng lời đối với học sinh phụ thuộc nhiều vào tính công bằng, sự công tâm của người giáo viên.
- Bên cạnh đó nếu giáo viên không nhận xét không khéo léo sẽ gây ra tâm lý không tốt cho học sinh.