Hỏi đáp về sách Tiếng Việt lớp 2 bộ Chân trời sáng tạo

Hỏi đáp về sách Tiếng Việt lớp 2 bộ Chân trời sáng tạo

Hỏi đáp về sách Tiếng Việt lớp 2 bộ Chân trời sáng tạo giúp thầy cô nhanh chóng giải đáp những thắc mắc về bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 mới. Nhờ đó, sẽ hiểu hơn về bộ sách để soạn giáo án, cũng như giảng dạy hiệu quả trong năm học 2021 – 2022 sắp tới.

Bạn đang đọc: Hỏi đáp về sách Tiếng Việt lớp 2 bộ Chân trời sáng tạo

Ngoài ra, thầy cô có thể tham khảo thêm hỏi đáp về sách Toán, cùng 33 câu hỏi đáp về Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy mời thầy cô cùng theo dõi nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây của Download.vn:

Những câu hỏi thường gặp về sách Tiếng Việt 2 năm 2021 – 2022 bộ Chân trời sáng tạo

Câu hỏi 1: Sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 2 – bộ CTST được biên soạn theo quan điểm nào?

Trả lời:

Về định hướng chung

Bộ sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt được biên soạn nhằm đáp ứng các yêu cầu: (1) Tuân thủ định hướng đổi mới giáo dục phổ thông: chuyển từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh (HS) hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực; (2) Bám sát các tiêu chuẩn SGK mới theo Thông tư số 33/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 22/12/2017.

Bộ SGK Tiếng Việt được biên soạn theo chủ trương “một chương trình (CT), một số sách giáo khoa” được quy định tại Nghị quyết 88 của Quốc hội và căn cứ theo Điều 32 Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019 (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT–BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Về quan điểm giao tiếp và quan điểm tích hợp

Nhóm tác giả quan niệm SGK Tiếng Việt 2 cần dạy học ngôn ngữ thông qua các hoạt động đọc, viết, nói và nghe trong ngữ cảnh tự nhiên, gần gũi với đời sống thực, khơi gợi được hứng thú của HS thông qua hệ thống ngữ liệu và cách khai thác phù hợp. SGK Tiếng Việt 2 cần đảm bảo: (1) Sự phù hợp giữa chương trình, SGK với cách thức học tập, khả năng tham gia hoạt động học tập của HS; (2) Sự phù hợp với các đặc tính cá nhân của HS khi tham gia vào quá trình dạy học ngôn ngữ; (3) Việc tạo môi trường ngôn ngữ chân thật giúp HS hình thành và phát triển năng lực đọc, viết, nói và nghe.

Để đảm bảo quan điểm giao tiếp, SGK Tiếng Việt 2 tập trung hình thành năng lực giao tiếp tiếng Việt cho HS; tổ chức các hoạt động đọc, viết, nghe nói có mục đích giao tiếp; tổ chức bài học thành chuỗi hệ thống hoạt động/ bài tập; dạy học kĩ năng ngôn ngữ gắn liền ngữ cảnh chân thực với HS; công nhận, khai thác, vận dụng kinh nghiệm ngôn ngữ, xã hội của HS; ưu tiên việc dạy ý nghĩa của ngôn từ hơn dạy cấu trúc, hình thức ngôn ngữ.

Để đảm bảo quan điểm tích hợp, Tiếng Việt 2 tích hợp dạy học 4 kĩ năng đọc, viết, nói và nghe; tích hợp dạy ngôn ngữ và dạy văn chương nhằm bồi dưỡng phẩm chất, năng lực sử dụng ngôn ngữ; tích hợp dạy các giá trị văn hoá, giáo dục, phát triển nhân cách; tích hợp phát triển ngôn ngữ và tư duy; tích hợp dạy Tiếng Việt với các môn học và hoạt động giáo dục khác (Đạo đức, Tự nhiên – Xã hội, Âm nhạc, Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm,…).

Câu hỏi 2: Tiếng Việt 2, bộ sách CTST kết nối, kế thừa Tiếng Việt 1 CTST như thế nào?

Trả lời:

1. Tiếng Việt 2 kế thừa và phát triển hệ thống các chủ điểm ở sách Tiếng Việt 1 với những tên gọi gần gũi, thân thuộc với HS, lấy HS làm trung tâm, nhưEm đã lớn hơn, Mỗi người một vẻ, Bố mẹ yêu thương, Ông bà yêu quý, Những người bạn nhỏ, Ngôi nhà thứ hai, Bạn thân ở trường, Nghề nào cũng quý; Nơi chốn thân quen, Bốn mùa tươi đẹp, Thiên nhiên muôn màu, Sắc màu quê hương, Bác Hồ kính yêu, Việt Nam mến yêu,…

Các nội dung giáo dục về những nét đẹp của văn hoá, phong tục tập quán được bố trí, sắp xếp hài hoà gần như trùng với các dịp lễ tết, các hoạt động văn hoá, giáo dục. Chẳng hạn chủ điểm Em đã lớn hơn được học ngay sau ngày khai trường; các chủ điểm Ngôi nhà thứ hai, Bạn thân ở trường được học vào dịp chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam; chủ điểm Nơi chốn thân quen và chủ điểm Bốn mùa tươi đẹp được học vào dịp tết Nguyên đán; chủ điểm Bài ca Trái Đất được học vào dịp hưởng ứng Ngày Trái Đất của thế giới,…

2. Tiếng Việt 2 kế thừa và phát triển các đặc điểm về cấu trúc và nội dung tư tưởng, quan điểm biên soạn và triết lí giáo dục đã được khẳng định ở Tiếng Việt 1. Chẳng hạn:cấu trúc các bài học của một chủ điểm, cấu trúc từng bài học; quan điểm giao tiếp và tích hợp trong biên soạn; triết lí dạy chữ – dạy người; ứng dụng những thành tựu của giáo dục học, tâm lí học hiện đại, tâm lí nhận thức, tâm lí ngôn ngữ của HS trong việc lựa chọn hệ thống ngữ liệu, thiết kế bài tập,…

3, Tiếng Việt 2 kế thừa và phát triển việc chọn lọc xây dựng ngữ liệu của bài đọc và bài tập (BT) hướng tới mục đích giáo dục, chứa đựng triết lí giáo dục: Giáo dục HS biết tôn trọng sự khác biệt, phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm hạn chế của bản thân; giáo dục quyền con người, bình đẳng giới; biết yêu quý, tôn trọng mọi người, mọi vật xung quanh; Giáo dục ý thức về văn hoá truyền thống; Bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước; Giáo dục ý thức về cuộc sống hiện đại, về môi trường.

Câu hỏi 3: Tiếng Việt 2, bộ sách CTST có cấu trúc chung như thế nào?

Trả lời:

Cấu trúc chung của Tiếng Việt 2 bộ sách CTST được thể hiện qua cấu trúc sách, cấu trúc chủ điểm và cấu trúc bài học.

(1) Cấu trúc sách

Sách được biên soạn cho 35 tuần thực học, tổng cộng 350 tiết; chia thành 2 tập:

  • Tập một: dành cho học kì I, gồm 18 tuần với 16 tuần dạy bài mới (8 chủ điểm), 1 tuần ôn tập giữa học kì và 1 tuần ôn tập, kiểm tra đánh giá cuối học kì.
  • Tập hai: dành cho học kì II, gồm 17 tuần với 15 tuần dạy bài mới (7 chủ điểm), 1 tuần ôn tập giữa học kì và 1 tuần ôn tập, kiểm tra đánh giá cuối học kì.

Mỗi tập sách gồm Kí hiệu dùng trong sách, Lời nói đầu, Mục lục và các bài học được sắp xếp theo chủ điểm, tuần. Cuối sách có bảng Một số thuật ngữ dùng trong sách và bảng chú thích về tên nước ngoài được dùng trong sách.

(2) Cấu trúc chủ điểm

– Về thời lượng: Mỗi chủ điểm gồm 2 tuần học, mỗi tuần 10 tiết.

– Về số bài và kiểu bài: Mỗi chủ điểm có 4 bài đọc hiểu kèm theo các nội dung thực hành luyện tập các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe. Mỗi bài được thiết kế đều gồm 4 hoạt động chính: Khởi động, Khám phá, Luyện tậpVận dụng.

– Về loại thể văn bản: Mỗi chủ điểm có 4 văn bản, mỗi thể loại thơ, truyện, miêu tả và thông tin: 01 văn bản.

(3) Cấu trúc bài học trong từng chủ điểm

Mỗi chủ điểm có 4 bài học. Trong đó, bài 1 và bài 3 được phân bố trong 4 tiết, bài 2 và bài 4 được phân bố trong 6 tiết.

Về văn bản trong các chủ điểm đều được phân bố theo thể loại: bài 1: văn bản truyện, bài 2: văn bản thông tin,

Câu hỏi 4: Bài học trong sách Tiếng Việt 2, bộ sách CTST có cấu trúc như thế nào?

Trả lời:

Bài học trong Tiếng Việt 2, được phân bố thành bài 4 tiết và bài 6 tiết. Mỗi chủ điểm có 2 tuần, mỗi tuần có một bài 4 tiết và một bài 6 tiết.

(1) Cấu trúc bài học 4 tiết

Phần 1: KHỞI ĐỘNG

– Mở đầu bài học là hoạt động khởi động nhằm kết nối trải nghiệm của người học với bài học và văn bản đọc.

– Phần khởi động gồm (các) câu lệnh và thường kèm tranh ảnh để khơi gợi hứng thú, giúp HS kết nối với bài học từ những trải nghiệm về văn hoá, xã hội, ngôn ngữ sẵn có.

Phần 2: KHÁM PHÁ VÀ LUYỆN TẬP

j Đọc

* Văn bản đọc và tranh minh hoạ:

– Phần văn bản đọc và tranh minh hoạ bài đọc được trình bày dưới phần khởi động.

– Kèm theo phần văn bản đọc có thể có phần giải nghĩa từ khó vừa giúp HS nâng cao năng lực đọc trôi chảy vừa tạo điều kiện để HS nắm nội dung bài đọc.

* Cùng tìm hiểu: Sau phần văn bản đọc và tranh minh hoạ bài đọc là các câu hỏi hướng dẫn tìm hiểu bài bao gồm câu hỏi đọc hiểu nội dung, câu hỏi đọc hiểu hình thức và câu hỏi liên hệ, kết nối, so sánh.

* Cùng sáng tạo: Sau hoạt động Cùng tìm hiểu là hoạt động Cùng sáng tạo (ở bài 1 và bài 3) trong sự gắn kết nội dung và kĩ năng với bài đọc.

k Tập viết: Nội dung tập viết được bố trí trong suốt 2 học kì, gồm: luyện viết chữ hoa cỡ vừa, cỡ nhỏ; luyện viết câu ứng dụng.

l Luyện từ: Các bài tập hỗ trợ HS tích luỹ, hệ thống hoá và tích cực hoá vốn từ.

m Luyện câu: Các bài tập giúp HS rèn luyện và phát triển kĩ năng tạo câu.

Phần 3: VẬN DỤNG

Vận dụng trong phạm vi bài học và vận dụng vào thực tiễn cuộc sống: giúp HS vận dụng các nội dung đã học vào thực tế đời sống kết hợp phát triển ngôn ngữ với hình thức thông dụng, được các em yêu thích như chơi trò chơi, hát, vẽ,… tạo điều kiện cho HS rèn luyện kĩ năng sử dụng tiếng Việt.

(2) Cấu trúc bài học 6 tiết

Phần 1: KHỞI ĐỘNG

Tương tự bài học 4 tiết.

Phần 2: KHÁM PHÁ VÀ LUYỆN TẬP

j Đọc: Tương tự bài học 4 tiết.

k Chính tả: HS được luyện tập chính tả (nhìn – viết, nghe – viết), làm BT chính tả để tránh lỗi chính tả thường gặp.

l Luyện từ: Tương tự bài học 4 tiết.

m Luyện câu: Tương tự bài học 4 tiết.

n Nói và nghe (tuần lẻ)/ Kể chuyện (tuần chẵn)

Nói và nghe: Bao gồm các bài tập rèn kĩ năng nói và nghe theo nghi thức, nói và nghe tương tác.

Kể chuyện: Bao gồm các nội dung hướng dẫn, gợi ý cho hoạt động kể chuyện theo các hình thức: nghe – kể, đọc – kể, xem – kể như: tên truyện, tranh minh họa kèm câu/ từ ngữ gợi ý/ câu hỏi về nội dung và ý nghĩa; kĩ năng kể (kể từng đoạn, kể toàn bộ, kể phân vai).

o Rèn luyện kĩ năng viết đoạn văn: Bao gồm các bài học, bài tập thực hành viết, như: dựa vào gợi ý viết 3 – 4 – 5 câu thuật lại một sự việc đã chứng kiến hoặc tham gia; tả hoặc giới thiệu một đồ vật gần gũi, quen thuộc; nói về tình cảm với người thân hoặc sự việc; đặt tên cho một bức tranh; viết thời gian biểu, bưu thiếp, tin nhắn, lời cảm ơn, lời xin lỗi,…

Phần 3: VẬN DỤNG

Hoạt động đọc mở rộng (ĐMR): Được thiết kế hàng tuần với thể loại, nội dung thay đổi theo chủ điểm và theo mạch kiến thức; gợi ý bố trí: sau bài đọc văn bản thông tin và văn bản miêu tả. GV hướng dẫn trước cho HS cách tìm và đọc văn bản. HS thực hiện việc tìm kiếm và đọc văn bản ngoài giờ học, trong giờ học. HS chia sẻ về văn bản đã đọc và viết vào Phiếu đọc sách theo hướng dẫn của GV.

Vận dụng trong phạm vi bài học và vận dụng vào thực tiễn cuộc sống: Tương tự bài học 4 tiết.

Câu hỏi 5: Sách Tiếng Việt 2, bộ sách CTST thiết kế các hoạt động rèn luyện kĩ năng đọc, viết, nói và nghe như thế nào?

Trả lời:

(1) Thiết kế theo nguyên tắc đảm bảo tính tiến trình theo hướng tăng dần về số lượng, chất lượng. Chẳng hạn hoạt động đọc mở rộng (ĐMR) bắt đầu từ nêu tên văn bản, tên tác giả, nguồn của văn bản đọc, chi tiết em thích đến việc nêu nội dung, bài học rút ra, đánh giá về bài đọc; từ chia sẻ với bạn đến việc biết hỏi lại điều mình muốn bạn nói rõ hơn,…

(2) Tích hợp, liên kết chặt chẽ giữa ngữ liệu đọc với việc phát triển các kĩ năng nói, nghe, đọc, viết.

(3) Thiết kế quy trình khép kín cho các hoạt động rèn luyện và phát triển kĩ năng

Bên cạnh đảm bảo tính tích hợp, mỗi kĩ năng riêng biệt còn được chú ý thiết kế theo một quy trình hoạt động khép kín nhằm đảm bảo tính phù hợp với khả năng tiếp nhận của HS, tính trọn vẹn của một kĩ năng, hướng đến việc học sinh tự khám phá, tự làm chủ quy trình thực hiện một kĩ năng ngôn ngữ.

(4) Trao quyền chủ động, sáng tạo cho giáo viên và học sinh trong các hoạt động dạy học

Theo định hướng và yêu cầu cần đạt mà Chương trình Giáo dục phổ thông và Chương trình môn Ngữ văn – Bộ Giáo dục và Đào tạo 2018 đã chỉ rõ, các hoạt động dạy học, các bài tập nhằm rèn luyện và phát triển kĩ năng đọc, viết, nói và nghe được trình bày trong SGK Tiếng Việt 2 đều được thiết kế theo hướng tạo điều kiện nhiều nhất cho tính chủ động và sáng tạo của người dạy và người học.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *