KHTN Lớp 7 Bài 22: Vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở sinh vật

KHTN Lớp 7 Bài 22: Vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở sinh vật

Giải KHTN 7 Bài 22: Vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở sinh vật giúp các em học sinh lớp 7 tham khảo để trả lời các câu hỏi trong SGK Khoa học tự nhiên 7 Chân trời sáng tạo trang 105, 106, 107.

Bạn đang đọc: KHTN Lớp 7 Bài 22: Vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở sinh vật

Qua đó, còn giúp các em nêu được khái niệm, vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong cơ thể. Đồng thời, cũng giúp thầy cô soạn giáo án Bài 22 Chủ đề 7: Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở sinh vật. Chi tiết mời thầy cô và các em cùng tham khảo bài viết dưới đây của Download.vn:

Giải KHTN Lớp 7 Bài 22: Vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở sinh vật

    Giải câu hỏi Mở đầu Khoa học tự nhiên 7 Chân trời sáng tạo bài 22

    Khi chơi thể thao, nhiệt độ cơ thể tăng hơn mức bình thường, đồng thời nhịp hô hấp cũng tăng lên. Hiện tượng này được giải thích như thế nào?

    Trả lời:

    Khi chơi thể thao, cơ bắp hoạt động liên tục nên cần sử dụng nhiều năng lượng (nhu cầu năng lượng của cơ thể tăng lên) dẫn đến quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng diễn ra mạnh để đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể. Từ đó, ta thấy:

    – Quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng ngoài giải phóng năng lượng cho cơ thể sử dụng còn giải phóng ra nhiệt. Do đó, khi quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng diễn ra mạnh, nhiệt lượng tỏa ra càng nhiều khiến nhiệt độ cơ thể tăng hơn mức bình thường.

    – Quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng cần sử dụng khí oxygen và thải ra khí carbon dioxide. Do đó, khi quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng diễn ra mạnh, nhu cầu trao đổi khí cũng cao hơn khiến nhịp hô hấp cũng tăng lên.

    Giải câu hỏi Luyện tập Khoa học tự nhiên 7 Chân trời sáng tạo bài 22

    Luyện tập trang 106

    Sinh vật có sử dụng hết toàn bộ các chất được lấy từ môi trường không? Giải thích?

    Trả lời:

    Sinh vật không sử dụng hết toàn bộ các chất được lấy từ môi trường vì trong quá trình trao đổi chất có thải ra ngoài các chất không cần thiết và các chất dư thừa.

    Luyện tập trang 107

    Điều gì sẽ xảy ra đối với sinh vật nếu quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng bị ngừng lại? Giải thích?

    Trả lời:

    Nếu quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng bị ngừng lại thì sự sống, sự sinh trưởng, phát triển và sinh sản của sinh vật không được duy trì (sinh vật sẽ chết) do tế bào, cơ thể không được cung cấp nguyên liệu cấu tạo, nguyên liệu thực hiện chức năng và năng lượng để thực hiện các hoạt động sống.

    Giải câu hỏi Vận dụng Khoa học tự nhiên 7 Chân trời sáng tạo bài 22

    Nhiệt độ cơ thể của một vận động viên đang thi đấu và một nhân viên đang làm việc trong văn phòng có gì khác nhau? Giải thích?

    Trả lời:

    – Nhiệt độ cơ thể của một vận động viên đang thi đấu cao hơn nhiệt độ cơ thể của một nhân viên đang làm việc trong văn phòng.

    – Giải thích: Ở vận động viên đang thi đấu, cơ thể hoạt động mạnh nên nhu cầu năng lượng của cơ thể tăng nên khiến cho tốc độ chuyển hóa vật chất và năng lượng nhanh hơn. Quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng ngoài giải phóng năng lượng cho cơ thể sử dụng còn giải phóng ra nhiệt. Do đó, khi quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng diễn ra nhanh hơn, nhiệt lượng tỏa ra càng nhiều khiến nhiệt độ cơ thể của vận động viên đó tăng hơn mức bình thường.

    Giải câu hỏi thảo luận Khoa học tự nhiên 7 Chân trời sáng tạo bài 22

    Câu 1

    Quan sát Hình 22.1, em hãy cho biết:

    a) Cơ thể người lấy những chất gì từ môi trường và thải những chất gì ra khỏi Cơ thể?

    b) Các chất được lấy từ môi trường được sử dụng để làm gì?

    c) Trao đổi chất ở sinh vật gồm những quá trình nào?

    d) Thế nào là trao đổi chất?

    KHTN Lớp 7 Bài 22: Vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở sinh vật

    Trả lời:

    a) Cơ thể con người lấy oxygen, nước, chất dinh dưỡng từ môi trường và thải carbon dioxide, nhiệt và chất thải ra khỏi cơ thể.

    b) Các chất được lấy từ môi trường để phục vụ cho quá trình trao đổi chất của cơ thể.

    c) Trao đổi chất ở sinh vật gồm 2 quá trình: trao đổi chất giữa cơ thể với môi trường và chuyển hoá các chất diễn ra trong tế bào.

    d) Trao đổi chất là quá trình cơ thể sinh vật lấy các chất từ môi trường cung cấp cho quá trình chuyển hoá trong tế bào, đồng thời thải các chất không cần thiết ra ngoài môi trường.

    Câu 2

    Quá trình nào sau đây thuộc trao đổi chất ở sinh vật?

    a) Phân giải protein trong tế bào?

    b) Bài tiết mồ hôi.

    c) Vận chuyển thức ăn từ miệng xuống dạ dày.

    d) Lấy carbon dioxide và thải oxygen ở thực vật.

    Trả lời:

    Quá trình thuộc trao đổi chất ở sinh vật:

    • Phân giải protein trong tế bào.
    • Bài tiết mồ hôi.
    • Lấy carbon dioxide và thải oxygen ở thực vật.

    Câu 3

    Thế nào là quá trình chuyển hoá các chất trong tế bào? Cho ví dụ?

    Trả lời:

    Quá trình chuyển hoá các chất trong tế bào là tập hợp tất cả các phản ứng hoá học diễn ra trong tế bào, được thể hiện qua quá trình tổng hợp và phân giải các chất.

    • Ví dụ:
      • Tổng hợp đường glucose từ nước và carbon dioxide trong quá trình quang hợp ở thực vật.
      • Phân giải đường glucose trong quá trình hô hấp tế bào.

    Câu 4

    Thế nào là chuyển hoá năng lượng?

    Trả lời:

    Chuyển hoá năng lượng là sự biến đổi năng lượng từ dạng này sang dạng khác.

    Câu 5

    Sự biến đổi nào sau đây là chuyển hoá năng lượng trong cơ thể sinh vật?

    a) Quang năng → Hoá năng.

    b) Điện năng → Nhiệt năng.

    c) Hoá năng → Nhiệt năng.

    d) Điện năng → Cơ năng.

    Trả lời:

    Sự biến đổi là chuyển hoá năng lượng trong cơ thể sinh vật:

    • Quang năng → Hoá năng.
    • Hoá năng → Nhiệt năng.

    Câu 6

    Quá trình trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng có vai trò gì đối với cơ thể sinh vật? Cho vị dụ.

    Trả lời:

    Vai trò của quá trình trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng đối với cơ thể sinh vật:

    Cung cấp nguyên liệu cấu tạo, thực hiện chức năng của tế bào và cơ thể:

    • Sản phẩm của các quá trình chuyển hoá trong tế bào tạo nên nguồn nguyên liệu tham gia cấu tạo nên tế bào và cơ thể: protein là thành phần cấu tạo nên màng sinh chất,…
    • Tham gia thực hiện chức năng của tế bào: diệp lục tham gia quá trình quang hợp,…

    Cung cấp năng lượng: Quá trình phân giải các chất hữu cơ giải phóng năng lượng để cung cấp cho các hoạt động sống của cơ thể như vận động, vận chuyển các chất,…

    Ví dụ: Quá trình phân giải đường glucose trong hô hấp tế bào tạo ra năng lượng được tích trữ trong ATP và cung cấp cho các hoạt động của cơ thể.

    Giải bài tập Khoa học tự nhiên 7 Chân trời sáng tạo bài 22

    Bài 1

    Cho ba trường hợp sau: (A) người đang chơi thể thao, (B) người đang ngủ, (C) người đang đi bộ.

    a) Hãy so sánh tốc độ trao đổi chất ở ba trường hợp trên. Giải thích.

    b) Xác định quá trình chuyển hoá năng lượng ở trường hợp (A) và (C).

    Trả lời:

    a) Tốc độ trao đổi chất từ nhanh đến chậm: (A) – (C) – (B).

    • Người đang chơi thể thao và người đi bộ có tốc độ trao đổi chất nhanh vì họ cần nhiều năng lượng để phục vụ cho hoạt động của cơ thể. Các quá trình hô hấp, bài tiết mồ hôi,… cũng diễn ra nhanh và liên tục để điều hoà nhiệt độ, giải phóng chất độc hại ra khỏi cơ thể,…
    • Người đang ngủ có tốc độ trao đổi chất chậm nhất vì họ chỉ cần một phần năng lượng vừa đủ để duy trì các hoạt động sống cơ bản như tuần hoàn, hô hấp, tiêu hoá,…

    b) Xác định:

    • Trường hợp (A): Quang năng → Hoá năng, Hoá năng → Động năng, Động năng → Nhiệt năng.
    • Trường hợp (B): Quang năng → Hoá năng, Hoá năng → Động năng, Động năng → Nhiệt năng.

    Bài 2

    Hãy xác định một số biện pháp giúp tăng cường quá trình trao đổi chất ở cơ thể .

    Trả lời:

    Một số biện pháp giúp tăng cường quá trình trao đổi chất ở cơ thể:

    • Uống đủ nước, cung cấp đầy đủ các nhóm chất cho cơ thể.
    • Vận động thường xuyên và chú ý nâng cao cường độ luyện tập.
    • Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia,…
    • Không thức khuya, ngủ đủ giấc (6-8 tiếng/ngày).

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *