Kiến thức trọng tâm về tác giả, tác phẩm Ngữ văn 7

Kiến thức trọng tâm về tác giả, tác phẩm Ngữ văn 7

Trong chương trình môn Ngữ văn 7, học sinh sẽ được tìm hiểu về khá nhiều tác phẩm văn học. Hôm nay, Download.vn sẽ cung cấp đến các bạn học sinh tài liệu: Kiến thức trọng tâm về tác giả, tác phẩm Ngữ văn 7.

Bạn đang đọc: Kiến thức trọng tâm về tác giả, tác phẩm Ngữ văn 7

Kiến thức trọng tâm về tác giả, tác phẩm Ngữ văn 7

Kiến thức trọng tâm về tác giả, tác phẩm Ngữ văn 7

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp ích cho các bạn học sinh lớp 7 khi ôn tập kiến thức của môn Ngữ văn lớp 7. Mời tham khảo nội dung chi tiết được chúng tôi đăng tải ngay sau đây.

Kiến thức trọng tâm về tác giả, tác phẩm Ngữ văn 7

    Cổng trường mở ra

    1. Tác giả

    – Lý Lan sinh năm 1957.

    – Bà là một nhà văn, nhà thơ và dịch giả.

    – Quê hương: Bà sinh ra tại Thủ Dầu 1, tỉnh Bình Dương.

    – Một số tác phẩm sáng tác như: Chàng nghệ sĩ (truyện dài đầu tay), Cỏ hát (tập truyện ngắn đầu tay). Cổng trường mở ra được in trong SGK Ngữ Văn 7, tập 1.

    2. Tác phẩm

    a. Hoàn cảnh sáng tác

    “Cổng trường mở ra” được in trên báo Yêu trẻ, số 166 ngày 1 tháng 9 năm 2000.

    b. Tóm tắt

    Vào đêm trước ngày khai trường của con, mẹ không ngủ được. Còn con thì háo hức nhưng mẹ chỉ dỗ một lát là con đã ngủ ngon lành. Khi con đã ngủ say, mẹ nhớ lại ngày đầu tiên con đi học lúc con mới ba tuổi. Nhìn con, mẹ cũng nhớ lại tuổi thơ của mình với buổi khai trường đầu tiên khi được bà ngoại đưa tới trường. Mẹ nhắc đến câu chuyện ở Nhật, người ta coi ngày lễ khai trường là ngày lễ của toàn xã hội. Người lớn thường nghỉ việc để đưa trẻ con đến trường còn đường phố thì được thu dọn sạch sẽ và trang hoàng lộng lẫy. Cuối cùng, mẹ tưởng tưởng về hình ảnh ngày mai, mẹ sẽ đưa con đến trường cầm tay con dắt qua cánh cổng rồi buông tau mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”.

    c. Bố cục

    • Phần 1: Từ đầu đến “ mẹ vừa bước vào”. Diễn biến tâm trạng của người mẹ đêm trước ngày khai trường của con.
    • Phần 2. Còn lại. Suy nghĩ của mẹ về vai trò của giáo dục.

    d. Nội dung và nghệ thuật

    – Nội dung: “Cổng trường mở ra” giống như những dòng nhật kí tâm tình nhỏ nhẹ và sâu lắng. Tác phẩm giúp người đọc hiểu được tấm lòng yêu thương của người mẹ dành cho đứa con và khẳng định vai trò to lớn của nhà trường.

    – Nghệ thuật: Giọng điệu thủ thỉ, tâm tình; Ngôn ngữ giàu hình ảnh….

    Mẹ tôi

    1. Tác giả

    – Ét-môn-đô đơ A-mi-xi (1846 – 1908) là nhà văn người I-ta-li-a.

    – Ông là tác giả của những cuốn sách như: Cuộc đời của các chiến binh (tập truyện ngắn, 1868), Cuốn truyện của người thầy (1890), Giữa trường và nhà (tập truyện ngắn 1892) …

    – Ông được biết đến với tác phẩm dành cho thiếu nhi nổi tiếng khắp thế giới: Những tấm lòng cao cả (1886).

    2. Tác phẩm

    a. Hoàn cảnh sáng tác

    Văn bản “Mẹ tôi” trong SGK được rút ra từ tập truyện “Những tấm lòng cao cả” sáng tác năm 1886.

    b. Tóm tắt

    En-ri-cô đã có thái độ vô lễ với mẹ khi cô giáo đến thăm khiến cho bố rất phiền lòng. Chính vì vậy, bố đã viết thư cho em để bày tỏ thái độ và khuyên nhủ con. Bố cũng kể lại những việc làm, sự hy sinh và tình cảm của mẹ dành cho con. Cuối cùng là lời yêu thương và hy vọng En-ri-cô không tái phạm lại lỗi lầm.

    c. Bố cục

    • Phần 1: Từ đầu đến “xúc động vô cùng”. Lời bộc bạch của En-ri-cô khi nhận được thư của bố.
    • Phần 2: Còn lại. Nội dung bức thư: Thái độ và lời khuyên nhủ của người bố dành cho En-ri-cô trước hành động thiếu lễ độ với mẹ.

    d. Nội dung và nghệ thuật

    – Nội dung: Văn bản đề cao giá trị của tình cảm gia đình, nhất là tình cảm kính trọng yêu thương dành cho cha mẹ.

    – Nghệ thuật: Văn bản được viết dưới dạng một bức thư giúp người viết dễ dàng bộc lộ cảm xúc. Giọng văn nhẹ nhàng nhưng cũng mạnh mẽ góp phần thể hiện thái độ của người viết.

    Cuộc chia tay của những con búp bê

    1. Tác giả

    – Khánh Hoài sinh năm 1937, quê ở Đông Hưng, Thái Bình.

    – Một số tác phẩm của ông đã được xuất bản: Trận chung kết (truyện dài, 1975), Những chuyện bất ngờ (truyện vừa 1978), Chuyện ở lớp, chuyện ở nhà (hay Băng ngũ hổ, truyện vừa, 1993 – 1994), Cuộc chia tay của những con búp bê (truyện, 1992)…

    2. Tác phẩm

    a. Hoàn cảnh sáng tác

    Truyện được trao giải Nhì trong cuộc thi thơ – văn viết về quyền trẻ em do Viện Khoa học Giáo dục và Tổ chức cứu trợ trẻ em Rát-đa Bác-nen – Thụy Điển tổ chức vào năm 1992.

    b. Tóm tắt

    Hai anh em Thành và Thủy hết mực yêu thương nhau. Nhưng vì bố mẹ ly hôn nên hai anh em không thể tiếp tục sống với nhau được nữa. Trước ngày chia tay, mẹ ra lệnh cho cả hai phải chia đồ chơi. Thành dành hầu hết số đồ chơi cho em: bộ tú lơ khơ, bàn cá ngựa, những con ốc biển và bộ chỉ màu và ngay cả hai con búp bê là Em Nhỏ và Vệ Sĩ. Ngày hôm sau, Thành đưa Thủy đến trường để chia tay cô giáo và bạn bè. Cô tặng cho Thủy một quyển sổ và một chiếc bút mực nhưng Thủy không dám nhận vì không còn được đi học nữa. Khi hai anh em về đến nhà thì đã nhìn thấy một chiếc xe tải đỗ trước cổng, cuộc chia tay quá đột ngột khiến cả hai bàng hoàng. Thủy chạy vào nhà lấy con Vệ Sĩ đưa cho Thành để nó gác cho anh ngủ. Nhưng sau đó, cô bé lại đem cả con Em Nhỏ lại cho anh và bắt anh hứa không bao giờ để chúng phải xa nhau nữa.

    c. Bố cục

    • Phần 1: Từ đầu đến “hiếu thảo như vậy”. Cảnh hai anh em chia đồ chơi.
    • Phần 2. Tiếp theo đến “ươm trùm lên cảnh vật”. Cuộc chia tay của hai anh em với thầy cô và bạn bè.
    • Phần 3. Còn lại. Cuộc chia tay của hai anh em.

    d. Nội dung và nghệ thuật

    – Nội dung: Cuộc chia tay của những con búp bê là câu chuyện kể về cuộc chia tay đầy đau đớn và cảm động của hai anh em. Cuộc chia tay khiến cho người đọc nhận ra: Tổ ấm gia đình là vô cùng quý giá và quan trọng. Mỗi người hãy cố gắng bảo vệ và giữ gìn, không nên vì bất cứ lý do gì làm tổn hại những tình cảm tự nhiên, trong sáng.

    – Nghệ thuật: Truyện được kể theo ngôi thứ nhất; Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế…

    Sông núi nước Nam

    1. Tác giả

    • Chưa rõ tác giả bài thơ là ai.
    • Sau này có nhiều sách ghi là Lý Thường Kiệt.

    2. Tác phẩm

    a. Thể loại

    Thơ thất ngôn tứ tuyệt: bốn câu, mỗi câu có bảy chữ.

    b. Hoàn cảnh sáng tác

    – Có nhiều lời kể về sự ra đời của bài thơ.

    – Nhưng nổi tiếng nhất là truyền thuyết: Năm 1077, quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy sang xâm lược nước ta. Vua Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt đem quân chặn giặc ở phòng tuyến sông Như Nguyệt. Bỗng một đêm, quan sĩ ngh từ trong đền thờ hai anh em trương Hống và Trương Hát – hai vị tướng đánh giặc giỏi của Triệu Quang Phục được tôn là thần sông Như Nguyệt – có giọng ngâm bài thơ này.

    c. Bố cục

    • Phần 1: Hai câu đầu. Lời khẳng định chủ quyền lãnh thổ của quốc gia, dân tộc.
    • Phần 2: Hai câu sau. Sự quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của quốc gia, dân tộc.

    d. Nội dung và nghệ thuật

    – Nội dung: Bài thơ là lời khẳng định đanh thép chủ quyền lãnh thổ của quốc gia dân tộc cũng như nêu cao ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đó trước mọi kẻ thù.

    – Nghệ thuật: thể thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn hàm súc, giọng thơ đanh thép, hình ảnh mang tính biểu tượng cao.

    Phò giá về kinh

    1. Tác giả

    – Trần Quang Khải (1241 – 1294) là con trai thứ ba của vua Trần Nhân Tông được phong Thượng tướng, có công rất lớn trong hai cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên (1284 – 1285, 1287 – 1288), đặc biệt là hai trận Hàm Tử và Chương Dương.

    – Ông không chỉ là một vị tướng tài ba mà còn là một người có tài văn chương.

    2. Tác phẩm

    a. Thể thơ

    Ngũ ngôn tứ tuyệt: 4 câu, mỗi câu có năm chữ.

    b. Hoàn cảnh sáng tác

    – Bài thơ được làm lúc ông đi đón Thái thượng hoàng Trần Thái Tông và vua Trần Nhân Tông về Thăng Long (Hà Nội ngày nay) ngay sau chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử và giải phóng kinh đô năm 1285.

    c. Bố cục

    • Phần 1. Hai câu đầu: Hào khí chiến thắng của quân dân ta.
    • Phần 2. Hai câu sau. Khát vọng thái bình thịnh trị của dân tộc ta.

    d. Nội dung và nghệ thuật

    – Nội dung: Bài thơ thể hiện hào khí chiến thắng và khát vọng thái bình thịnh trị của dân tộc ta ở thời đại nhà Trần.

    – Nghệ thuật: Thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, hình thức diễn đạt cô đúc, dồn nén cảm xúc vào bên trong ý tưởng, động từ mạnh kết hợp với biện pháp tu từ liệt kê.

    Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra

    1. Tác giả

    – Trần Nhân Tông (1258 – 1308) tên thật là Trần Khâm, con trưởng của Trần Thánh Tông.

    – Ông nổi tiếng là một vị vua yêu nước, anh hùng, nổi tiếng khoan hòa, nhân ái đã cùng vua cha lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống giặc Mông – Nguyên thắng lợi vẻ vang.

    – Trần Nhân Tông theo đạo Phật, đến năm 1299 ông về tu ở chùa Yên Tử (thuộc tỉnh Quảng Ninh ngày nay) và trở thành vị tổ thứ nhất của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

    – Trần Nhân Tông không chỉ là một vị vua mà còn là một nhà văn hóa, một nhà

    2. Tác phẩm

    a. Hoàn cảnh sáng tác

    Bài thơ Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra được sáng tác trong dịp Trần Nhân Tông về thăm quê cũ ở Thiên Trường (thuộc tỉnh Nam Định ngày nay).

    b. Bố cục

    • Phần 1. Hai câu đầu. Cảnh sắc thiên nhiên ở phủ Thiên Trường.
    • Phần 2. Hai câu sau. Sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên.

    c. Nội dung và nghệ thuật

    – Nội dung: Bài thơ đã khắc họa hình ảnh bức tranh làng quê trầm lặng nhưng không đìu hiu. Ở đây vẫn ánh lên sự sống của con người trong sự hòa hợp với thiên nhiên.

    – Nghệ thuật: Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, hình ảnh thơ sinh động.

    Bài ca Côn Sơn

    1. Tác giả

    – Nguyễn Trãi (1380 – 1442) hiệu là Ức Trai, con của Nguyễn Phi Khanh.

    – Quê hương: Tỉnh Hải Dương.

    – Nguyễn Trãi là một nhân vật lịch sử lỗi lạc, toàn tài hiếm có.

    – Năm 1442, ông bị vướng vào vụ án Lệ Chi Viên và bị kết tội chu di tam tộc. Đến thời vua Lê Thánh Tông, ông mới được rửa oan.

    – Nguyễn Trãi là người đầu tiên của Việt Nam được công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới (1980).

    2. Tác phẩm

    a. Hoàn cảnh sáng tác

    Bài ca Côn Sơn có nhiều khả năng được sáng tác trong khoảng thời gian ông bị chèn ép ở triều đình, phải cáo quan về quê sống ở Côn Sơn.

    b. Thể thơ

    Trong nguyên văn chữ Hán, bài thơ được viết theo thể thơ khác nhưng ở bản dịch là thể thơ lục bát (câu 6 – câu 8).

    c. Nội dung và nghệ thuật

    – Nội dung: Bài thơ cho thấy sự khung cảnh thiên nhiên ở Côn Sơn nên thơ hấp dẫn cũng như sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên được bắt nguồn từ tâm hồn thi sĩ của Nguyễn Trãi.

    – Nghệ thuật: thể thơ lục bát, điệp ngữ…

    Sau phút chia ly

    1. Tác giả

    – “Chinh phụ ngâm khúc” nguyên văn chữ Hán của Đặng Trần Côn.

    – Ông là người làng Nhân Mục – nay thuộc quận Thanh Xuân Hà Nội, sống vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII.

    – Bản diễn Nôm từng được xem là của Đoàn Thị Điểm (1705 – 1748), bà là một phụ nữ tài sắc, người làm Giai Phạm, huyện Văn Giang, xứ Kinh Bắc, nay là huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Có ý kiến lại cho rằng đó là của Phan Huy Ích.

    2. Tác phẩm

    – “Chinh phụ ngâm khúc” là khúc ngâm về nỗi lòng sầu thương, nhớ nhung của người vợ có chống ra trận.

    – Đoạn trích “Sau phút chia ly” nói về tâm trạng của người vợ ngay sau phút chia ly, tiễn chồng ra chiến trường.

    – Thể thơ: Bản diễn Nôm được viết theo thể Song thất lục bát (gồm hai câu bảy chữ, tiếp đến hai câu 6 – 8). Bốn câu thành một khổ thơ không hạn định.

    – Nội dung: Đoạn trích cho thấy nỗi sầu của người chinh phụ sau lúc tiễn đưa chồng ra trận. Nỗi buồn ấy vừa có tác dụng tố cáo chiến tranh, vừa thể hiện niềm khát khao hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ trong xã hội xưa.

    – Nghệ thuật: nghệ thuật ngôn từ điêu luyện, biện pháp tu từ điệp ngữ, hình ảnh mang tính tượng trưng, thể thơ song thất lục bát…

    Bánh trôi nước

    1. Tác giả

    – Hồ Xuân Hương (chưa rõ năm sinh, năm mất) quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An nhưng bà chủ yếu sống ở kinh thành Thăng Long.

    – Hồ Xuân Hương có một ngôi nhà riêng ở gần Hồ Tây có tên là Cố Nguyệt Đường.

    – Bà từng đi nhiều nơi và quen biết với nhiều danh sĩ nổi tiếng (trong đó có cả Nguyễn Du).

    – Cuộc đời của Hồ Xuân Hương từng trải qua nhiều cuộc tình ngang trái, thường rơi vào cảnh ngộ éo le (làm vợ lẽ).

    – Các tác phẩm của bà chủ yếu bao gồm thơ Nôm và thơ chữ Hán. Theo các nhà nghiên cứu, hiện nay còn khoảng 40 bài thơ được tương truyền là của Hồ Xuân Hương.

    – Các sáng tác của bà đa phần đều viết về phụ nữ với tiếng nói thương cảm, cũng như sự khẳng định đề cao khát vọng của họ.

    – Hồ Xuân Hương từng được mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm”.

    – Một số bài thơ nổi tiếng như: Bánh trôi nước, Khóc Tổng Cóc, Không chồng mà chửa, Quả mít…

    2. Tác phẩm

    a. Hoàn cảnh sáng tác

    Được in trong “Hợp tuyển thơ văn Việt Nam”, tập III, NXB Văn hóa, Hà Nội năm 1963.

    b. Thể thơ

    • Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt.
    • Bài thơ có bốn câu, mỗi câu có bảy chữ, cách hiệp vần ở câu 1, 2 và 4 (tròn – non – son).

    c. Bố cục

    • Phần 1: Hình ảnh tả thực chiếc bánh trôi
    • Phần 2: Vẻ đẹp, số phận của người phụ nữ Việt Nam.

    d. Nội dung và nghệ thuật

    – Nội dung: Bánh trôi nước thể hiện sự trân trọng trước vẻ đẹp, phẩm chất trong trắng của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa. Đồng thời thể hiện niềm thương cảm cho cuộc đời lận đận của họ.

    – Nghệ thuật: Ngôn ngữ bình dị, hình ảnh ẩn dụ, thể thơ thất ngôn tứ tuyệt cô đọng, hàm súc…

    Qua đèo Ngang

    1. Tác giả

    – Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh, sống ở thế kỉ XIX, chưa rõ năm sinh năm mất.

    – Quê ở làng Nghi Tàm nay thuộc quận Tây Hồ, Hà nội.

    – Chồng bà làm tri huyện Thanh Quan (thuộc Thái Ninh), tỉnh Thái Bình, do đó mà có tên gọi Bà Huyện Thanh Quan.

    – Bà là một trong số nữ sĩ tài danh hiếm có trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

    2. Tác phẩm

    a. Thể thơ

    “Qua đèo ngang” là một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật (gồm 8 câu, mỗi câu 7 chữ).

    b. Bố cục

    • Hai câu đề: Cảnh vật thiên nhiên nơi Đèo Ngang.
    • Hai câu thực: Cuộc sống con người nơi Đèo Ngang.
    • Hai câu luận: Tâm trạng nhớ nhà của nhà thơ khi đứng trước Đèo Ngang.
    • Hai câu kết: Nỗi cô đơn tột cùng của nhà thơ.

    c. Nội dung và nghệ thuật

    – Nội dung: Bài thơ đã khắc họa khung cảnh thiên nhiên Đèo Ngang thoáng đãng mà heo hút, thấp thoáng sự sống con người nhưng vẫn còn hoang sơ. Đồng thời thể hiện nỗi nhớ nước thương nhà.

    – Nghệ thuật: Vận dụng thể thơ thất ngôn bát cú, biện pháp tu từ đảo ngữ, hình ảnh tượng trưng ước lệ…

    Bạn đến chơi nhà

    1. Tác giả

    – Nguyễn Khuyến (1835 – 1909): lúc nhỏ tên là Thắng.

    – Quê ngoại ở làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam nay thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Quê nội của nhà thơ ở thôn Vị Hạ (làng Và), xã Yên Đổ, nay thuộc xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

    – Thuở nhỏ nhà nghèo nhưng vốn tính thông minh lại học giỏi nên khi đi thi đều đỗ đầu cả ba kì thi: Hương, Hội, Đình. Do đó ông được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ.

    – Nhà thơ Nguyễn Khuyến được biết đến là một vị quan có phẩm chất trong sạch, mặc dù làm quan nhưng ông nổi tiếng là người rất thanh liêm, chính trực Ông làm quan khoảng mười năm, đến khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Bộ liền cáo quan về ở ẩn.

    – Nguyễn Khuyến là một nhà thơ lớn của dân tộc. Thơ ca của ông chủ yếu được sáng tác vào giai đoạn sau ngày cáo quan về quê sống ở Yên Đổ.

    2. Tác phẩm

    a. Hoàn cảnh sáng tác

    Bài thơ được sáng tác khi nhà thơ cáo quan về quê sống ở ẩn ở Yên Đổ. Một hôm, người bạn tri kỷ của ông đến thăm nhưng ông lại chẳng có gì để thiết đãi bạn. Nguyễn Khuyến đã làm bài thơ “Bạn đến chơi nhà” để giãi bày nỗi lòng và khẳng định tình bạn tri kỷ.

    b. Bố cục

    • Phần 1. Câu đầu: Giới thiệu việc bạn đến chơi nhà.
    • Phần 2. 6 câu tiếp: Hoàn cảnh của nhà thơ khi bạn đến thăm nhà.
    • Phần 3. Câu cuối: Tình cảm bạn bè thắm thiết.

    c. Thể thơ

    Bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật.

    d. Nội dung và nghệ thuật

    – Nội dung: Bài thơ “Bạn đến chơi nhà” đã ca ngợi tình bạn chân thành, thắm thiết.

    – Nghệ thuật: Thể thơ thất ngôn bát cú, ngôn ngữ và hình ảnh giản dị, giọng thơ chất phác hồn nhiên…

    Xa ngắm thác núi Lư

    1. Tác giả

    – Lý Bạch (701 – 762) là nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc vào thời nhà Đường. Tự là Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cư sĩ.

    – Quê hương: Cam Túc (huyện Thiên Thủy – tức Lũng Tây ngày xưa).

    – Khi cong nhỏ, ông cùng với gia đình về định cư ở làng Thanh Liên, huyện Xương Long thuộc Miên Châu (Tứ Xuyên) nên nhà thờ vẫn thường coi Tứ Xuyên là quê hương của mình.

    – Lý Bạch là một trong những nhà thơ nổi tiếng của Trung Hoa, ông được người đời gọi là “thi tiên” (tiên thơ).

    – Thơ ông thường thể hiện một tâm hồn tự do, hào phóng. Hình ảnh trong thơ thường mang tính chất tươi sáng, kì vĩ, ngôn ngữ tự nhiên mà điêu luyện.

    – Đề tài: thường viết nhiều và viết hay về chiến tranh, thiên nhiên, tình yêu và tình bạn.

    – Một số tác phẩm tiêu biểu:

    • Tả cảnh thiên nhiên tươi đẹp: Cổ phong, Quan san nguyệt…
    • Cảm thông cho người chinh phụ: Trường can hành, Khuê tình, Tử dạ thu ca…
    • Tình bạn: Tống hữu nhân, Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng, Văn Vương Xương Linh thiên Long Tiêu…
    • Tình yêu đôi lứa: Oán tình, Xuân tứ…
    • Tình cảm với quê hương: Tĩnh dạ tứ, Ức Đông Sơn…
    • Đặc biệt là thơ về tửu (rượu): Đối tửu, Thương tiến tửu, Bả tửu vấn nguyệt…

    2. Tác phẩm

    a. Hoàn cảnh sáng tác

    Bài thơ là một trong những bài thơ tiêu biểu viết về đề tài thiên nhiên đất nước của Lý Bạch.

    b. Thể thơ

    Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.

    c. Bố cục

    • Phần 1. Câu đầu: Miêu tả khung cảnh núi Hương Lô
    • Phần 2. 3 câu tiếp: Miêu tả khung cảnh thác nước núi Lư.

    d. Nội dung và nghệ thuật

    – Nội dung: Bài thơ đã miêu tả một cách sinh động vẻ đẹp của thác nước chảy từ đỉnh Hương Lô thuộc dãy núi Lư. Đồng thời thể hiện tình yêu thiên nhiên đằm thắm và phần nào bộc lộ tính cách mạnh mẽ, hào phóng của nhà thơ.

    – Nghệ thuật: Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, hình ảnh thiên nhiên tráng, cách sử dụng ngôn từ…

    Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh

    1. Tác giả

    – Lí Bạch (như trên)

    2. Tác phẩm

    a. Hoàn cảnh sáng tác

    – Trong thơ Lý Bạch, hình ảnh ánh trăng thường xuất hiện rất nhiều và đa dạng, ý nghĩa vô cùng phong phú.

    – Chủ đề của bài thơ: “Vọng nguyệt hoài hương” (Trông trăng nhớ quê), cách thể hiện rất giản dị mà độc đáo.

    – Thuở nhỏ, ông thường lên đỉnh núi Nga Mi ở quê ngắm trăng. Từ năm 25 tuổi, ông phải xa quê nên mỗi lần nhìn thấy ánh trăng là nhà thơ lại nhớ tới quê hương.

    – Lý Bạch sáng tác bài thơ trên khi ông đang ở rất xa quê hương của mình.

    b. Thể thơ

    – Bài thơ được viết theo hình thức cổ thể – một thể thơ trong đó mỗi câu thường có 5 hoặc 7 chữ, không chịu ảnh hưởng bởi những quy tắc niêm luật và đối.

    – Ngũ ngôn cổ thể (4 câu, mỗi câu 5 chữ).

    c. Bố cục

    • Phần 1. 2 câu đầu: Hình ảnh ánh trăng trong đêm thanh tĩnh.
    • Phần 2. 2 câu cuối. Nỗi nhớ quê hương của tác giả.

    d. Nội dung và nghệ thuật

    – Nội dung: Bài thơ đã thể hiện tình yêu quê hương cùng nỗi nhớ da diết của một người sống xa quê trong đêm trăng thanh tĩnh.

    – Nghệ thuật: Thể thơ ngũ ngôn cổ thể, hình ảnh giản dị mà tinh tế…

    Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê

    1. Tác giả

    – Hạ Tri Chương (659 – 744) tự Quý Chân, hiệu Tứ Minh cuồng khách.

    – Quê ở Vĩnh Hưng, Việt Châu (nay thuộc huyện Tiêu Sơn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc).

    – Ông là một nhà thơ nổi tiếng của thời nhà Đường.

    – Năm 695, ông đỗ tiến sĩ, sinh sống và làm quan hơn 50 năm ở kinh đô Trường An và rất được Đường Huyền Tông nể phục.

    – Lúc xin từ quan về quê làm đạo sĩ, vua Đường có tặng thơ và các quan, thái tử đều đến đưa tiễn.

    – Ông còn được biết đến là một người bạn vong niên (bạn chơi với nhau không kể tuổi tác) với nhà thơ Lý Bạch.

    – Hạ Tri Chương là một con người hào phóng, cởi mở và rất thích uống rượu.

    2. Tác phẩm

    a. Hoàn cảnh sáng tác

    – Bài thơ được Hạ Tri Chương sáng tác nhân lúc về thăm quê cũ ở Vĩnh Hưng, Việt Châu (nay thuộc huyện Tiêu Sơn, tỉnh Chiết Giang(Trung Quốc).

    – Bài thơ được viết với tâm trạng đau xót khi về quê cũ mà lại bị người ở quê coi là “khách xa xứ” do đã lâu không về quê. Đồng thời bộc lộ tình yêu quê hương tha thiết, sâu đậm.

    – Đây là bài thơ nổi tiếng nhất của Hạ Tri Chương với nhiều giá trị cả về nội dung lẫn nghệ thuật.

    b. Thể thơ

    Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.

    c. Bố cục

    • Phần 1. Hai câu đầu: Sự thay đổi của nhân vật trữ tình khi trở về quê hương.
    • Phần 2. Hai câu sau: Sự thay đổi của quê hương sau nhiều năm nhân vật trữ tình trở về quê.

    d. Nhan đề

    Nhan đề có sự độc đáo ở chỗ: “ngẫu nhiên viết” – không hoàn toàn chủ định viết mà nhân buổi trở về quê hương, đối mặt với sự đổi thay mà viết thành bài thơ bộc lộ tâm tư tình cảm của mình. Qua đó, tác giả bộc lộ tình yêu quê hương tha thiết.

    e. Nội dung và nghệ thuật

    – Nội dung: Bài thơ đã thể hiện tình yêu sâu sắc của một người con xa quê lâu ngày nay được trở về quê.

    – Nghệ thuật: Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, giọng điệu hài hước mà đầy sâu sắc.

    Bài ca nhà tranh bị gió thu phá

    1. Tác giả

    – Đỗ Phủ (712 – 770), tự Tử Mĩ, hiệu Thiếu Lăng, là một nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc thời nhà Đường.

    – Ông làm quan trong một thời gian rất ngắn nhưng gần như sống trong cảnh đau khổ, bệnh tật.

    – Năm 755, tướng An Lộc Sơn nổi dậy chống lại triều đình. Vì không được trọng dụng và cũng muốn tránh khỏi hiểm họa, ông cáo quan về quê ở cùng tây Nam.

    – Đỗ Phủ cùng với Lý Bạch là hai nhà thơ vĩ đại và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Trung Quốc.

    – Một số sáng tác tiêu biểu như:

    • Tập thơ Ngao du nam bắc (731 – 745)
    • Tập thơ Trường An khốn đốn (746 – 755)
    • Tập thơ Lưu vong làm quan (756 – 759)
    • Tập thơ Phiêu bạc tây nam (760 – 770)

    2. Tác phẩm

    a. Hoàn cảnh sáng tác

    – Năm 760, được bạn bè và người thân giúp đỡ, Đỗ Phủ dựng được một ngôi nhà tranh bên cạnh Cán Hoa ở phía Tây Thành Đô.

    – Ông vừa ở chẳng được bao lâu thì căn nhà bị gió phá nát. Chính vì vậy, ông đã sáng tác bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá để thuật lại sự kiện này.

    – Đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông. Bút pháp hiện thực và tinh thần nhân đạo của bài thơ có ảnh hưởng sâu rộng đến thơ ca Trung Hoa sau này.

    b. Bố cục

    • Phần 1. Khổ thơ thứ nhất: Cảnh nhà tranh bị gió thu phá.
    • Phần 2. Khổ thơ thứ 2: Cảnh lũ trẻ trong thôn đến ăn cắp tranh.
    • Phần 3. Khổ thơ thứ 3: Cuộc sống của gia đình trong đêm nhà tranh bị phá.
    • Phần 4. Khổ thơ thứ 4. Mong muốn của nhà thơ về tương lai.

    c. Nội dung và nghệ thuật

    – Nội dung: Bài thơ đã thể hiện được nỗi khổ của nhà thơ vì căn nhà tranh bị gió thu phá. Đồng thời bộc lộ khát vọng cao cả đó là có một ngôi nhà vững chắc để che chở cho tất cả người nghèo trong thiên hạ.

    – Nghệ thuật: Kết hợp nhiều phương thức biểu đạt, hình ảnh chân thực.

    Cảnh khuya

    1. Tác giả

    – Hồ Chí Minh (1890 – 1969) là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và cách mạng Việt Nam. Người đã lãnh đạo nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

    – Hồ Chí Minh có tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung. Quê ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

    – Gia đình: Thân phụ là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – một nhà Nho yêu nước có tư tưởng tiến bộ có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của Người. Thân mẫu của Người là bà Hoàng Thị Loan.

    – Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã sử dụng nhiều tên gọi khác nhau: Nguyễn Tất Thành, Văn Ba, Nguyễn Ái Quốc… Tên gọi “Hồ Chí Minh” được sử dụng lần đầu tiên trong hoàn cảnh: Ngày 13 tháng 8 năm 1942, khi Trung Quốc với danh nghĩa đại diện của cả Việt Minh và Hội Quốc tế Phản Xâm lược Việt Nam để tranh thủ sự ủng hộ của Trung Hoa Dân Quốc.

    – Không chỉ là một nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc, Hồ Chí Minh còn được biết đến với tư cách là một nhà văn nhà thơ lớn.

    – Hồ Chí Minh được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thể giới.

    – Một số tác phẩm nổi bật:Tuyên ngôn độc lập (1945, văn chính luận); Bản án chế độ thực dân Pháp (1925, văn chính luận); Đường Kách Mệnh (1927, tập hợp những bài giảng); Nhật kí trong tù (thơ, 1942 – 1943) …

    2. Tác phẩm

    a. Hoàn cảnh sáng tác

    Bài thơ được Bác Hồ sáng tác khi còn ở chiến khu Việt Bắc, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954). Cuối năm 1947, quân Pháp ồ ạt tấn công lên căn cứ Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não và lãnh đạo của quân ta.Nhưng với sự đồng lòng cùng sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chiến dịch Việt Bắc đã làm thất bại kế hoạch của quân địch.

    b. Thể thơ

    Bài thơ viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.

    c. Bố cục

    • Phần 1. Hai câu đầu: Cảnh thiên nhiên ở chiến khu Việt Bắc trong đêm khuya.
    • Phần 2. Hai câu sau: Tâm trạng của nhà thơ trong đêm khuya ở chiến khu Việt Bắc.

    d. Nội dung và nghệ thuật

    – Nội dung:Bài thơ đã miêu tả cảnh ánh trăng ở chiến khu Việt Bắc cũng như thể hiện tình yêu thiên nhiên, lòng yêu nước của nhà thơ.

    – Nghệ thuật: Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, hình ảnh giản dị, sử dụng biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ…

    Rằm tháng giêng

    1. Tác giả

    Hồ Chí Minh (như trên)

    2. Tác phẩm

    a. Hoàn cảnh sáng tác

    Bài thơ được Bác Hồ sáng tác khi còn ở chiến khu Việt Bắc, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954). Cuối năm 1947, quân Pháp ồ ạt tấn công lên căn cứ Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não và lãnh đạo của quân ta. Nhưng với sự đồng lòng cùng sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chiến dịch Việt Bắc đã làm thất bại kế hoạch của quân địch.

    a. Thể thơ

    Bài thơ viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.

    b. Bố cục

    • Phần 1. Hai câu đầu: Cảnh thiên nhiên ở chiến khu Việt Bắc trong đêm trăng.
    • Phần 2. Hai câu sau: Hình ảnh con người trong đêm trăng.

    c. Nội dung và nghệ thuật

    – Nội dung: Bài thơ “Rằm tháng giêng” đã miêu tả hình thanh thiên nhiên ở chiến khu Việt Bắc trong đêm trăng rằm tháng giêng. Qua đó nhà thơ đã bộc lộ tình yêu thiên nhiên, tấm lòng yêu nước và niềm tin chiến thắng vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.

    – Nghệ thuật: Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, hình ảnh giản dị, sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ…

    Tiếng gà trưa

    1. Tác giả

    – Xuân Quỳnh sinh năm 1942 và mất năm 1988, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh.

    – Quê ở làng An Khê, ven thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).

    – Bà là một trong những nhà thơ nữ xuất sắc của Việt Nam, được mệnh danh là nữ hoàng thơ tình yêu của Việt Nam.

    – Thơ của Xuân Quỳnh thường viết về những tình cảm gần gũi, bình dị, trong sáng của đời sống gia đình và cuộc sống hàng ngày, biểu lộ những rung cảm và khát vọng của một trái tim phụ nữ chân thành, tha thiết và đằm thắm.

    – Xuân Quỳnh được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật vào năm 2011.

    – Một số tác phẩm tiêu biểu:

    • Các tập thơ: Chồi biếc (1963), Hoa dọc chiến hào (1968), Lời ru trên mặt đất (1978), Chờ trăng (1981), Tự hát (1984). Trong đó có một số bài thơ đặc biệt nổi tiếng: Thuyền và biển, Sóng, Tiếng gà trưa, Thơ tình cuối mùa thu…
    • Một số tác phẩm viết cho thiếu nhi: Mùa xuân trên cánh đồng (truyện thiếu nhi, 1981), Bầu trời trong quả trứng (thơ văn thiếu nhi, 1982)…

    2. Tác phẩm

    a. Hoàn cảnh sáng tác

    • Tiếng gà trưa được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
    • Bài thơ được in lần đầu trong tập thơ Hoa dọc chiến hào (1968) của Xuân Quỳnh.

    b. Thể thơ

    Bài thơ được viết theo thể thơ ngũ ngôn (mỗi câu có 5 chữ).

    c. Bố cục

    • Phần 1: Từ đầu đến “Nghe gọi về tuổi thơ”. Những rung cảm ban đầu của cháu khi nghe tiếng gà trưa.
    • Phần 2. Tiếp theo đến “Đi qua nghe sột soạt”. Tiếng gà trưa gợi về những kỉ niệm tuổi thơ.
    • Phần 3. Còn lại. Những suy tư của người cháu từ tiếng gà trưa.

    d. Nhan đề

    – Tiếng gà: là âm thanh quen thuộc thường nghe thấy ở mỗi làng quê Việt Nam.

    – Tiếng gà trưa: là nguồn cảm hứng của tác giả.

    => Từ hình ảnh tiếng gà nhớ về người bà tần tảo, để rồi bộc lộ tình yêu với bà và lời khẳng định mục đích chiến đấu cao cả.

    e. Nội dung và nghệ thuật

    – Nội dung: Tiếng gà trưa đã khơi gợi những kỉ niệm tuổi thơ và tình cảm bà cháu. Tình cảm gia đình đã làm cho tình cảm yêu nước trở nên sâu sắc.

    – Nghệ thuật: Thể thơ năm chữ diễn đạt tình cảm tự nhiên, sử dụng các biện pháp tu từ: nhân hóa, điệp ngữ, ẩn dụ…

    Một thứ quà của lúa non: Cốm

    1. Tác giả

    – Thạch Lam (1910 – 1942) tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi là Nguyễn Tường Lân.

    – Ông sinh ra trong một gia đình công chức gốc quan ở Hà Nội. Khi còn nhỏ, ông chủ yếu sống ở quê ngoại là thành phố Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

    – Là một nhà văn nổi tiếng, một trong những thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn trong giai đoạn trước Cách mạng tháng 8 năm 1945.

    – Thạch Lam là nhà văn có sở trường về truyện ngắn với ngòi bút tinh tế, nhạy cảm, đặc biệt khi khai thác thế giới nội tâm của con người.

    – Quan niệm văn chương: Trong lời giới thiệu cho tập truyện ngắn “Gió đầu mùa” xuất bản trước Cách mạng, Thạch Lam viết: “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”.

    – Một số tác phẩm tiêu biểu:

    • Các tập truyện ngắn: Gió lạnh đầu mùa (NXB Đời nay, 1937), Nắng trong vườn (NXB Đời nay, 1938), Sợi tóc (Nhà xuất bản Đời nay, 1942).
    • Tập truyện dài: Ngày mới (Nhà xuất bản Đời nay, 1939)
    • Tùy bút: Hà Nội băm sáu phố phường (Nhà xuất bản Đời nay, 1943)
    • Truyện viết cho thiếu nhi: Quyển sách và Hạt ngọc (Nhà xuất bản Đời Nay, 1940).
    • Bình luận văn học: Theo giòng (Nhà xuất bản Đời nay, 1941)

    2. Tác phẩm

    a. Xuất xứ

    “Một thứ quà của lúa non: Cốm” được rút từ tập “Hà Nội băm sáu phố phường” (1943). Đây là tập tùy bút viết về cảnh sắc và phong vị của Hà Nội đặc biệt là những món ăn, thứ quà thường ngày bình dị, không mấy cao sang nhưng lại đậm đà hương vị truyền thống, thể hiện sự khéo léo tinh tế của bản sắc người Hà Nội.

    b. Thể loại

    Tùy bút là một thể văn, tuy khá giống với bút kí, kí sự ở yếu tố miêu tả, ghi chép những hình ảnh sự việc quan sát, chứng kiến được. Nhưng tùy bút lại thiên nhiều về biểu cảm, chú trọng đến thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của người viết. Ngôn ngữ giàu hình ảnh, chất trữ tình.

    c. Bố cục

    • Phần 1: Từ đầu đến “vút lên như những chiếc thuyền rồng”. Giới thiệu khái quát về cốm và sự hình thành của cốm.
    • Phần 2: Tiếp theo đến “những kẻ mới giàu vô học có biết đâu mà thưởng thức được những vẻ cao quý kín đáo và nhũn nhặn”. Ca ngợi những giá trị của cốm.
    • Phần 3: Còn lại. Bàn về cách thưởng thức cốm.

    d. Nội dung và nghệ thuật

    – Nội dung: Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng bát ngát, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ.

    – Nghệ thuật: Ngòi bút miêu tả tinh tế, nhạy cảm và tấm lòng trân trọng…

    Sài Gòn tôi yêu

    1. Tác giả

    • Minh Hương quê ở Quảng Nam, có nhiều năm sống ở Nam Bộ.
    • Có nhiều tác phẩm viết về thành phố Sài Gòn.

    2. Tác phẩm

    a. Xuất xứ

    Sài Gòn tôi yêu được sáng tác cuối tháng 12 năm 1990 và được in trong tập Nhớ Sài Gòn, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.

    b. Bố cục

    • Phần 1: Từ đầu đến “Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”. Những ấn tượng bạn đầu về thành phố Sài Gòn.
    • Phần 2: Tiếp theo đến “Ngày nay đã leo lên hơn năm triệu ”. Cảm nhận về lối sống và tính cách của người Sài Gòn.
    • Phần 3. Còn lại. Tình cảm của tác giả dành cho Sài Gòn.

    c. Nội dung và nghệ thuật

    – Nội dung: Sài Gòn là thành phố trẻ trung, năng động, có nét hấp dẫn riêng về thiên nhiên và khí hậu. Người Sài Gòn có phong cách cởi mở, bộc trực, chân tình và trọng đạo nghĩa.

    – Nghệ thuật: Ngôn ngữ mộc mạc, giọng văn tự nhiên…

    Mùa xuân của tôi

    1. Tác giả

    – Vũ Bằng (1913 – 1984) sinh ra tại Hà Nội. Quê gốc ở làng Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

    – Ông là một nhà văn và nhà báo đã sáng tác trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 với sở trường là tùy bút, bút kí và truyện ngắn.

    – Sau năm 1954, Vũ Bằng chuyển vào Sài Gòn sống, vừa làm báo vừa viết văn, vừa hoạt động cách mạng.

    – Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

    – Một số tác phẩm tiêu biểu:

    • Bút ký: Miếng ngon Hà Nội (1960), Miếng lạ miền Nam (1969), Thương nhớ mười hai (1972)…
    • Tiểu thuyết: Lọ văn (tập văn trào phúng, 1931), Một mình trong đêm tối (tiểu thuyết, 1937), Truyện hai người (tiểu thuyết, 1940), Tội ác và hối hận (tiểu thuyết, 1940)….
    • Các tập truyện: Quých và Quác (truyện thiếu nhi, 1941), Ba truyện mổ bụng (tập truyện, 1941)…

    2. Tác phẩm

    a. Xuất xứ

    Bài văn “Mùa xuân của tôi” trích từ thiên tùy bút “Tháng giêng mơ về trăng non rét ngọt” trong tập tùy bút – bút ký “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng. Tên văn bản được người biên soạn SGK đặt.

    b. Hoàn cảnh sáng tác

    Tác phẩm được viết trong hoàn cảnh đất nước bị chua cắt, tác giả đang sống ở cùng kiểm soát của Mỹ – Ngụy, xa cách quê hương. Nhà văn đã bộc lộ nỗi nhớ quê hương, gia đình da diết và lòng mong mỏi sớm ngày được trở về quê khi đất nước đã hòa bình, thống nhất hai miền.

    c. Bố cục

    • Phần 1: Từ đầu đến “người mê luyến mùa xuân”. Tình cảm của con người với mùa xuân.
    • Phần 2. Tiếp theo đến “bướm ra ràng mở hội liên hoan”. Cảnh sắc, không khí chung của mùa xuân.
    • Phần 3. Còn lại. Cảnh sắc mùa xuân sau rằm tháng giêng.

    d. Nội dung và nghệ thuật

    – Nội dung: Cảnh sắc thiên nhiên, không khí mùa xuân ở Hà Nội và miền Bắc được cảm nhận, tái hiện trong nỗi nhớ thương da diết của một người xa quê.

    – Nghệ thuật: Hình ảnh so sánh độc đáo, sử dụng nhiều biện pháp tu từ…

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *