Luyện từ và câu: Ôn tập về dấu câu (Dấu ngoặc kép) trang 151

Luyện từ và câu: Ôn tập về dấu câu (Dấu ngoặc kép) trang 151

Ôn tập về dấu câu (Dấu ngoặc kép) – Tuần 33 giúp các em học sinh lớp 5 nhanh chóng trả lời các câu hỏi SGK Tiếng Việt 5 Tập 2 trang 151. Qua đó, giúp các em hiểu rõ tác dụng dấu ngoặc kép, biết cách sử dụng dấu ngoặc kép cho đúng.

Bạn đang đọc: Luyện từ và câu: Ôn tập về dấu câu (Dấu ngoặc kép) trang 151

Đồng thời, cũng giúp thầy cô tham khảo để soạn giáo án Luyện từ và câu Tuần 33 cho học sinh của mình. Vậy mời thầy cô và các em cùng tải miễn phí bài viết dưới đây để ôn tập thật tốt kiến thức cho tiết Luyện từ và câu.

Ôn tập về dấu câu (Dấu ngoặc kép) trang 151 – Tuần 33

    Hướng dẫn giải Luyện từ và câu SGK Tiếng Việt 5 tập 2 trang 151, 152

    Câu 1

    Có thể đặt dấu ngoặc kép vào những chỗ nào trong đoạn văn sau để đánh dấu lời nói trực tiếp hoặc ý nghĩ của nhân vật?

    Tốt-tô-chan rất yêu quý thầy hiệu trưởng. Em mơ ước lớn lên sẽ trở thành một giáo viên của trường, làm mọi việc giúp đỡ thầy. Em nghĩ: Phải nói ngay điều này để thầy biết. Thế là, trưa ấy, sau buổi học, em chờ sẵn thầy trước phòng họp và xin gặp thầy.

    Thầy hiệu trưởng vui vẻ mời em vào phòng. Ngồi đối diện với thầy và hơi nghiêng đầu mỉm cười, cô bé nói một cách chậm rãi, ngọt ngào, ra vẻ người lớn: Thưa thầy, sau này lớn lên, em muốn làm nghề dạy học. Em sẽ dạy học ờ trường này.

    Theo KU-RÔ-Y-A-NA-GI
    (Phí Văn Gừng dịch)

    Trả lời:

    Tốt-tô-chan rất yêu quý thầy hiệu trưởng. Em mơ ước lớn lên sẽ trở thành một giáo viên của trường, làm mọi việc giúp đỡ thầy. Em nghĩ: “Phải nói ngay điều này để thầy biết”. Thế là, trưa ấy, sau buổi học, em chờ sẵn thầy trước phòng họp và xin gặp thầy.

    Thầy hiệu trưởng vui vẻ mời em vào phòng. Ngồi đối diện với thầy và hơi nghiêng đầu mỉm cười, cô bé nói một cách chậm rãi, ngọt ngào, ra vẻ người lớn: “Thưa thầy, sau này lớn lên, em muốn làm nghề dạy học. Em sẽ dạy học ờ trường này”.

    Theo KU-RÔ-Y-A-NA-GI
    (Phí Văn Gừng dịch)

    – Dấu ngoặc kép đánh dấu ý nghĩ của nhân vật.

    – Dấu ngoặc kép đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật.

    Câu 2

    Có thể đặt dấu ngoặc kép vào những chỗ nào trong đoạn văn sau để đánh dấu những từ ngữ được dùng với ý nghĩa đặc biệt?

    Lớp chúng tôi tổ chức bình chọn người giàu có nhất. Đoạt danh hiệu trong cuộc thi này là cậu Long, bạn thân nhất của tôi. Cậu ta có một gia tài về sách các loại: sách bách khoa tri thức học sinh, từ điển tiếng Anh, sách bài tập Toán và Tiếng Việt, sách dạy chơi cờ vua, sách tập y-ô-ga, sách chơi đàn oóc…

    Trả lời:

    Lớp chúng tôi tổ chức bình chọn “người giàu có nhất”. Đoạt danh hiệu trong cuộc thi này là cậu Long, bạn thân nhất của tôi. Cậu ta có một “gia tài” về sách các loại: sách bách khoa tri thức học sinh, từ điển tiếng Anh, sách bài tập Toán và Tiếng Việt, sách dạy chơi cờ vua, sách tập y-ô-ga, sách chơi đàn oóc…

    Câu 3

    Viết một đoạn văn khoảng 5 câu thuật lại một phần cuộc họp của tổ em, trong đó có dùng dấu ngoặc kép để dẫn lời nói trực tiếp hoặc đánh dấu những từ ngữ có ý nghĩa đặc biệt.

    Trả lời:

    Mẫu 1:

    Trong buổi sinh hoạt lớp ngày thứ bảy, tổ chúng em đã họp sơ kết về học tập và sinh hoạt trong tuần vừa qua. Mở đầu buổi họp, bạn Ngọc Anh tổ trưởng, đứng dậy thông báo với toàn tổ: “Trong tuần vừa qua, chúng ta đã đạt được 8 điểm 10, đạt thành tích cao nhất trong các tổ. Tuy nhiên, vẫn còn bạn Tuấn chưa làm bài tập về nhà, đề nghị bạn Tuấn cần khắc phục trong tuần sau.”. Dứt lời Ngọc Anh nói, Tuấn đã đứng lên nhận khuyết điểm của mình và hứa sẽ chăm chỉ làm bài để tổ không bị trừ điểm thi đua nữa. Sau khi tổng kết xong xuôi, bạn Ngọc Anh tiếp tục phổ biến kế hoạch “Hoa điểm tốt” do nhà trường phát động, chào mừng ngày 20/11 để các bạn trong tổ cùng cố gắng thực hiện.

    Mẫu 2:

    Mở đầu cuộc họp, bạn Hạnh tổ trưởng với gương mặt “lạnh lùng” đầy vẻ nghiêm trọng làm cho tất cả thành viên trong tổ “thót tim” nói: “Mình có một chuyện rất quan trọng cần thông báo. Đề nghị các bạn “bình tĩnh” nghe mình nói”. Vài ý nghĩ khẽ lướt qua trong đầu chúng tôi đứa nào cũng phỏng đoán một chuyện chẳng lành nên im lặng, chăm chú nghe. Hạnh nói tiếp: “Tuần này tổ ta xếp hạng nhất, lại là tổ đạt nhiều điểm tốt nhất, hoàn thành tốt các bài tham dự cuộc thi tìm hiểu về Đội do trường tổ chức. Đúng như lời cô chủ nhiệm đã hứa, chúng ta sẽ được cô dẫn đi ăn kem”. Thông báo xong, Hạnh làm một bộ điệu rất vui. Chúng tôi thở phào, không khí như muốn vỡ òa. Tổ trưởng lúc nào cũng tạo điều bất ngờ.

    Mẫu 3:

    Hôm nay là ngày họp của tổ tôi, bạn Nguyệt bắt đầu nói: ”Trong tuần vừa qua, tớ thấy tổ chúng ta vẫn còn mắc một số khuyết điểm, nhưng vẫn tiến bộ hơn các tuần trước, tớ chúc mừng cả tổ. Sau đây tớ sẽ nói lên kế hoạch tuần tới. Về trực nhật lớp thì bạn Mười và bạn Công sẽ làm. Bạn Tuấn và bạn Dào đi tưới cây, nhặt cỏ. Về học tập bạn Trang và tớ sẽ kèm thêm cho bạn Hoàng và bạn Công. Bài nào không hiểu có thể hỏi tớ và bạn Trang. Buổi họp kết thúc, tớ mong tuần sau chúng ta sẽ làm tốt hơn”. Buổi họp đã kết thúc, cả nhóm chúng tôi rất mừng khi có người tổ trưởng tốt như Nguyệt.

    >> Tham khảo: Đoạn văn thuật lại một phần cuộc họp của tổ em

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *