Download.vn xin giới thiệu đến bạn đọc Bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận về câu nói “Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống”, bàn luận về đức tính khiêm tốn của con người.
Bạn đang đọc: Nghị luận về câu nói “Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống” (Dàn ý + 3 mẫu)
Tài liệu trên gồm dàn ý và 3 bài văn mẫu lớp 12 Nghị luận về câu nói “Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống”, hy vọng có thể giúp ích cho học sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới.
Bài làm văn mẫu lớp 12: Nghị luận về câu nói “Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống”
Dàn ý nghị luận “Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống”
I. Mở bài
Giới thiệu câu nói: “Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống”
II. Thân bài
1. Giải thích
– “cúi xuống”: là cách cư xử của con người với con người, điều đó không đồng nghĩa với sự nhẫn nhục hay chịu đựng mà là sự cúi đầu của thái độ khiêm nhường của những người có đạo đức.
– “lớn hơn”: không phải chỉ sự to lớn về kích thước mà thể hiện sự trưởng thành của một con người.
=> Câu nói trên khẳng định giá trị của lòng khiêm tốn, lối sống khiêm nhường.
2. Bình luận và chứng minh
– Cuộc sống là một hành trình vô tận, nếu chúng ta bằng lòng với hiện tại thì có nghĩa là sẽ thất bại trong tương lai. Con người dù có giỏi giang bao nhiêu cũng không phải là người giỏi nhất.
– Khi biết cúi xuống tức là biết nhận thức đúng vị trí của bản thân để tiếp tục học hỏi và cố gắng.
– Thái độ khiêm tốn là biểu hiện của một người có văn hóa, có đạo đức. Người sống khiêm tốn sẽ được mọi người xung quanh yêu mến và kính trọng.
– Khiêm tốn nhưng không có nghĩa là cảm thấy tự ti về bản thân.
3. Bài học
– Câu nói trên nhắc nhở mỗi người phải có cách ứng xử phù hợp.
– Mỗi người hãy tự biết nhìn nhận và đánh giá đúng về bản thân mình để ngày càng tốt hơn.
III. Bài học
– Câu nói “Người ta lớn hơn vì biết cúi đầu” là hoàn toàn đúng đắn.
– Câu nói giúp chúng ta có được bài học quý giá về cách ứng xử.
Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống – Mẫu 1
Nhà văn, nhà thơ Walter Scott – người Scotland đã từng nói rằng: “Một cái đầu tỉnh táo, một trái tim trung thực và một linh hồn khiêm nhường, đó là ba người dẫn đường tốt nhất qua thời gian và cõi vĩnh hằng”. Thật vậy, con người khi trưởng thành sẽ hiểu được bài học của sự khiêm tốn. Cũng giống như câu nói: “Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống”.
“Cúi xuống” không chỉ đơn giản là một hành động như chúng ta vẫn biết mà trong câu nói này đó là cách cư xử của con người với con người. Hành động “cúi xuống” đã thể hiện được một thái độ biết khiêm nhường của một người có đạo đức, văn hóa. Còn “lớn hơn” không phải để biểu thị sự thay đổi to lớn về kích thước mà đang nói đến mức độ trưởng thành của một con người. “Lớn hơn” cũng có nghĩa là vĩ đại hơn, giá trị hơn so với lúc ban đầu. Khi con người biết khiêm tốn cũng là khi giá trị của con người đã cao hơn một bậc. Như vậy câu nói: “Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống” muốn khẳng định giá trị của đức tính khiêm tốn trong xã hội.
Cuộc sống là một hành trình vô tận, thành công của hôm nay có thể là thất bại của tương lai. Con người dù có tài năng, hiểu biết thế nào vẫn không phải là người giỏi nhất. Chính vì vậy khi biết “cúi xuống” có nghĩa là con người đã ý thức được bản thân đang đứng ở vị trí nào. Từ đó, chúng ta cố gắng học hỏi và tích lũy thêm những kiến thức kĩ năng với một thái độ cầu thị và khiêm tốn. Khi biết sống khiêm tốn chúng ta sẽ nhận được sự yêu mến, kính trọng của người khác. Không chỉ vậy, sự giúp đỡ và chỉ bảo dành cho chúng ta cũng sẽ xuất phát từ một tấm lòng chân thành để truyền đạt hết những kinh nghiệm, kiến thức mà họ biết.
Người khiêm tốn sẽ tự nhận mình là một người còn yếu kém và thiếu hiểu biết. Họ luôn không ngừng học hỏi. Họ coi những thành công đạt được chỉ là một bước đi ban đầu. Ngay cả những nhà bác học nổi tiếng của thế giới cũng luôn tự nhận mình là những con người bình thường. Isaac Newton được biết đến vai trò của một nhà vật lý, nhà thiên văn học, nhà triết học, nhà toán học, nhà thần học và nhà giả kim người Anh. Ông được xem là một trong những nhà khoa học vĩ đại và có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử thế giới, với vai trò là nhân vật chính trong cuộc cách mạng khoa học. Vậy mà chính Newton đã tự so sánh mình chỉ như đứa trẻ dạo chơi trên bãi biển may mắn nhặt được hòn sỏi đẹp và trước mắt vẫn còn là một bể chân lý bao la. Ông còn nói rằng: “Nếu tôi nhìn xa hơn những người khác thì đó là vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ”. Còn chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của chúng ta cũng từng khẳng định: “Khiêm tốn là một đạo đức mà mọi người cách mạng phải luôn luôn trau dồi”. Không chỉ vậy, Người cũng chính là tấm gương tiêu biểu của lối sống khiêm tốn, giản dị. Trong suốt những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, Bác Hồ đã từng làm nhiều nghề để kiếm sống, đối với nghề nào có thể làm được mà chỉ cần là không biết đều chịu khó học hỏi. Hành trình cứu nước đầy vất vả nhưng Người vẫn học hỏi nên am hiểu văn hóa của nhiều nước, nghe nói thành thạo nhiều ngôn ngữ nước ngoài. Với một thái độ khiêm nhường, lối sống giản dị, Hồ Chí Minh chưa bao giờ cho rằng bản thân tài năng hơn người. Nhân cách Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về lối sống giản dị, khiêm tốn để mỗi người dân Việt Nam học tập và làm theo.
Vậy làm thế nào để rèn luyện đức tính khiêm tốn? Mỗi người phải biết đánh giá đúng đắn về thực lực của chính mình từ đó nâng cao ý thức học tập, không ngừng tư duy sáng tạo và thay đổi để hoàn thiện bản thân. Cũng không nên coi thường những người xung quanh, đặc biệt là những người nhỏ tuổi, vì tài năng đâu có đợi tuổi. Thái độ khiêm tốn chính là biểu hiện của một người có văn hóa, có đạo đức. Người sống khiêm tốn trước hết sẽ học hỏi được nhiều điều. Sau đó, họ cũng được mọi người xung quanh yêu mến và kính trọng. Biết khiêm tốn là tốt nhưng đôi khi không nên quá tự ti. Người có thái độ tự ti sẽ cảm thấy mặc cảm về bản thân, từ đó không có động lực để cố gắng và càng thụt lùi về phía sau. Ngược lại, có những người lại quá tự mãn về bản thân. Đó là khi họ đạt được một thành công nhất định, ngồi vào một vị trí vững chắc đã mãn nguyện mà không cần cố gắng nữa. Những thái độ như vậy thật đáng lên án và tránh xa.
Đối với thế hệ trẻ như chúng tôi – những học sinh vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường luôn có một khát khao khẳng định chính mình. Điều đó tốt nhưng đôi khi khiến cho chúng tôi dễ trở nên tự mãn, tự kiêu về bản thân. Chính bởi vậy, việc rèn luyện cách sống khiêm tốn thực sự quan trọng. Ý thức được điều đó, bản thân tôi cũng đang tự nhìn nhận lại lối sống của mình, cũng như tích cực học hỏi những người xung quanh để nâng cao hiểu biết. Chỉ có như vậy, thành công mới thực sự tìm đến mỗi chúng ta.
Qua phân tích, câu nói trên mang lại cho mỗi người những bài học thật quý giá. Hãy luôn học cách sống khiêm tốn giản dị để bản thân có thể đạt được hạnh phúc nơi cuối con đường.
Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống – Mẫu 2
Trong xã hội từ xưa đến này, có ai bước đến thành công mà không biết “cúi đầu”. Cũng giống như lời khuyên: “Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống” đã để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc.
“Cúi đầu” hay “cúi xuống” trước hết là một hành động mà con người thường làm trong cuộc sống khi đối diện với những có vai vế, quyền lực hơn mình. Nhưng trong câu nói này, đó không phải là một hành động đơn thuần như chúng ta vẫn biết. Mà đó là biểu hiện của một thái độ sống khiêm tốn, khiêm nhường và giản dị. Khi con người biết sống khiêm tốn có nghĩa là họ trưởng thành hơn về mặt nhận thức vì đã ý thức được vị trí và giá trị của bản thân trong cuộc sống này.
Con người không phải là thần thánh cũng không ai là hoàn hảo. Trong đường đời dài vô tận, chắc chắn mỗi người không ít lần vấp ngã hay mắc phải những sai lầm. Những lỗi lầm ấy có thể gây ra cho ta những đau khổ hay đem đến những bài học. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn chính là thái độ đối diện với những sai lầm ấy. Hãy biết “cúi xuống” nhìn nhận lại những sai lầm để vượt qua và thay đổi. Khi chúng ta giải sai một bài toàn, điều cần làm là nhận ra và nghiêm túc tìm ra phương hướng giải đúng đắn. Chứ không phải nóng vội hay tức giận xé bỏ bài giải chúng ta vừa làm xong. Điều ấy cũng tương tự như hành vi lấp liếm đi những lỗi lầm vậy, chỉ làm sai càng thêm sai. Học cách “cúi xuống” trước sai lầm không thể hiện bạn là người thua kém. Điều ấy chỉ khiến cho mọi người nể phục bạn hơn mà thôi.
Không chỉ là học cách “cúi xuống” trước sai lầm mà còn cả trước hiện thực cuộc sống. Ai trong đời mà chẳng mang trong mình những ước mơ dù nhỏ bé giản dị dù to lớn vĩ đại. Nhưng ước mơ và thực tại lại luôn có những khoảng cách nhất định. Đôi khi, con người không đạt được những ước mơ ấy. Nhưng đừng vội đánh mất đi lý tưởng ban đầu. Những lúc như vậy, chúng ta có thể “cúi xuống” nhìn nhận lại vị trí của bản thân: những kiến thức của mình học được đã đủ nhiều, khát khao đã đủ lớn, sự cố gắng đã đủ mạnh… Nếu biết khiêm tốn đánh giá lại chính mình chắc chắn mỗi người sẽ nhận ra những điều bản thân còn thiếu sót để tiếp tục học hỏi và tích lũy. Cuối cùng chắc chắn thành công sẽ đợi chúng ta ở đích đến.
Có một câu chuyện rất hay về sự khiêm tốn mà tôi đã từng đọc. Đó là câu chuyện về một con trai nhỏ trong hồ nước. Có một con trai nhỏ sống trong hồ nước. Nó thường mở miệng ra rồi lại đóng vào để khoe với những động vật xung quanh hai viên ngọc đẹp đẽ của nó. Một ngày nọ, trai nhỏ nhìn thấy một con trai lớn hơn nằm im trên bãi cỏ không động đậy. Nó lại gần rồi khoe với trai lớn: “Anh hãy nhìn em này, em có thể tạo được hai viên ngọc tuyệt đẹp. Còn anh thì sao, sao anh cứ ngậm miệng lại thế?”. Mặc kệ con trai nhỏ khoe khoang, trai lớn vẫn nằm im như thế. Bỗng một hôm, con trai nhỏ không nhịn được đã lên tiếng giễu cợt: “Anh không chịu mở miệng cho xem ngọc, chẳng lẽ trong thân thể anh không có viên ngọc nào sao? Chắc chắn là như vậy, thật đáng xấu hổ!”. Thấy vậy, con trai lớn không đáp lại mà chỉ từ từ mở miệng và để lộ những hàng ngọc trai lớn sáng lóng lánh chiếu sáng cả bãi cỏ và vùng nước xung quanh”. Vậy đấy, trai nhỏ mới chỉ có được hai viên ngọc nhỏ đã lên tiếng khoe khoang khắp nơi, để rồi đến khi gặp được trai lớn lại chế giễu và kết quả khi trai lớn tạo ra cả một hàng ngọc lấp lánh, nó mới thấy xấu hổ về bản thân. Trai nhỏ chính là biểu tượng cho những người có tính tự kiêu, thích khoe khoang. Còn trai lớn chính là biểu tượng cho những con người khiêm tốn, giản dị. Họ luôn lặng lẽ cố gắng từng ngày từng ngày để cuối cùng đạt được trái ngọt.
Như vậy, bài học của sự khiêm tốn đem đến cho con người sẽ là những thành quả ngọt ngào. Chính vì vậy, hãy biết “cúi xuống” khi còn có thể.
Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống – Mẫu 3
Có ai đó đã từng nói rằng: “Người ta lớn hơn vì biết cúi xuống”. Câu nói trên đã để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc.
Trước hết, hành động “cúi xuống” thể hiện được một thái độ khiêm nhường, khiêm tốn của con người đối với những người xung quanh. Còn “lớn hơn” thể hiện được sự trưởng thành về mặt nhận thức hiểu biết của con người. Tóm lại, câu nói trên muốn khẳng định vai trò quan trọng của đức tính khiêm tốn trong cuộc sống của con người.
Kiến thức giống như một đại dương mênh mông còn những gì mỗi người học được, biết được và hiểu được lại như một giọt nước nhỏ bé giữa đại dương ấy. Không có một nhà bác học thực sự am hiểu hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Chính vì vậy, ngay cả những nhà bác học vĩ đại nhất cũng phải biết khiêm nhường. Lênin từng có lời khuyên cho thanh niên: “Nếu tôi biết tôi biết ít tôi sẽ tìm cách để hiểu biết hơn”. Đó chính là một thái độ sống đúng đắn của một nhà cách mạng vĩ đại mà chúng ta nên học tập.
Cuộc sống chính là một cuộc chiến đấu giữa những con người bản lĩnh. Nhưng không phải trong cuộc chiến đó, chúng ta chỉ có tranh giành mà còn phải biết học hỏi lẫn nhau. Một thái độ đúng đắn để học hỏi cũng giống như trong câu nói: “Những người thông thái thật sự cũng tựa như những bông lúa. Khi còn lép, chúng vươn cao đầu lên đầy kiêu hãnh, nhưng khi hạt đã đầy và chắc, chúng bắt đầu khiêm nhường cúi đầu xuống”. Càng thành công, chúng ta càng phải học hỏi nhiều hơn. Nếu bằng lòng với hiện tại, con người sẽ thụt lùi về phía sau. Một người tự cho mình là uyên bác không chịu tìm tòi nâng cao kiến thức. Một người giàu có chỉ biết ăn chơi, tiêu xài phung phí không chịu làm ăn… Những con người đó sẽ không thể đi đến đích cuối cùng của thành công.
Mỗi người phải hiểu được rằng “cúi xuống” không phải là sự nhẫn nhục hay hèn hạ. Đó là hành động của một người có văn hóa, đạo đức trong xã hội. Cái cúi xuống của một người ý thức được giá trị của bản thân cũng như đánh giá được giá trị của những người xung quanh. Abraham Lincoln đã trải qua nhiều lần thất bại trong suốt 28 năm. Thậm chí năm 1833, ông bị mắc chứng suy nhược thần kinh và thua cuộc khi ra ứng cử chức vụ phát ngôn viên. Năm 1848, ông tiếp tục thua cuộc tái nhiệm chức vào Quốc hội và bị gạt bỏ chức nhân viên đất đai (land officer) vào năm 1849. Năm 1854, ông bị thua trong cuộc bầu cử vào Thượng Nghị Viện. Hai năm sau ông lại bị thua trong cuộc bổ nhiệm vào chức phó tổng thống và một lần nữa thất bại trong cuộc bầu cử cho Thượng Nghị Viện năm 1858. Tuy nhiên, lòng ông vẫn kiên định, bất chấp những thất bại. Năm 1860 ông đắc cử Tổng thống. Nếu như ông không biết “cúi xuống” nhìn nhận lại bản thân đâu là lý do của những thất bại ấy và tiếp tục nỗ lực rèn luyện không ngừng. Có lẽ, ngày hôm nay, chúng ta đã không biết đến một vị tổng thống vĩ đại của nước Mỹ.
Nhưng đôi khi, khiêm tốn không có nghĩa là tự ti. Sự tự ti sẽ khiến con người trở nên mặc cảm, không chịu nỗ lực để đạt được thành công mà bản thân mong muốn. Đối với thế hệ trẻ như chúng tôi – những học sinh vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường với một khát khao khẳng định mình. Điều đó khiến cho chúng tôi dễ trở nên tự mãn, tự kiêu về bản thân. Nên việc rèn luyện cho bản thân cách sống khiêm tốn thực sự quan trọng. Ý thức được điều đó, tôi cũng đang nhìn nhận lại lối sống của bản thân, tích cực học hỏi những người xung quanh để nâng cao hiểu biết. Chỉ có như vậy, thành công mới thực sự tìm đến mỗi chúng ta.
Socrates từng nói: “Đúng vậy, phàm là ai cao hơn ba thước, nếu muốn đứng được ở giữa trời và đất, thì phải biết cúi đầu xuống”. Quả là như vậy, hãy biết sống khiêm tốn để có thể trở thành một phiên bản tốt hơn qua mỗi ngày.