Nghị luận về câu nói “Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hoá cho ta nhặt”

Nghị luận về câu nói “Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hoá cho ta nhặt”

Download.vn xin giới thiệu Bài làm văn mẫu lớp 12: Nghị luận về câu nói “Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hoá cho ta nhặt”, là một tài liệu có thể giúp ích cho học sinh lớp 12 trong kỳ thi THPT Quốc Gia sắp tới.

Bạn đang đọc: Nghị luận về câu nói “Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hoá cho ta nhặt”

Tài liệu này gồm dàn ý chi tiết và 3 bài văn mẫu lớp 12 Nghị luận về câu nói “Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hoá cho ta nhặt”, kính mời quý thầy cô và các bạn cùng tham khảo.

Bài làm văn mẫu lớp 12: Nghị luận về câu nói “Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hoá cho ta nhặt”

    Dàn ý nghị luận về câu nói

    I. Mở bài

    – Dẫn dắt câu nói: “Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hoá cho ta nhặt”.

    II. Thân bài

    1. Giải thích

    – “gói tiền”: hình ảnh tượng trưng cho những giá trị vật chất trong cuộc sống.

    – “nhặt được một gói tiền”: vật chất, của cải là những thứ dễ dàng để đạt được trong cuộc sống.

    – “gói văn hóa”: những giá trị nhân văn cao đẹp trong cuộc sống con người.

    – “không ai đánh rơi gói văn hóa cho ta nhặt”: những giá trị văn hóa không dễ dàng có được mà được xây dựng từ lâu đời.

    => Câu nói mang đến một bài học ý nghĩa cho chúng ta trong cuộc sống: Con người có thể dễ dàng tạo ra của cải vật chất nhưng văn hóa lại được xây dựng trong suốt một quá trình.

    2. Chứng minh

    – Chúng ta có thể dễ dàng “nhặt được một gói tiền bởi”:

    • Tiền bạc của cải nói riêng, những giá trị vật chất nói chung là những thứ có thể dễ dàng cầm nắm hay mang theo bên cạnh.
    • Chính vì vậy mà có những lúc con người có thể đánh mất.

    – Nhưng “không có ai đánh rơi một gói văn hóa cho ta nhặt”

    • Văn hóa là một giá trị tinh thần, là những cái vô hình mà con người không thể cầm nắm hay mang theo nên sẽ không thể đánh rơi.
    • Văn hóa không tự nhiên mà có mà đòi hỏi con người cần phải cố gắng rèn luyện kiến thức cũng như phẩm chất đạo đức mới có được.

    3. Bình luận

    – Những giá trị vật chất chỉ tồn tại và có giá trị ở một thời điểm nhất định.

    – Văn hóa lại có giá trị lâu bền và tốt đẹp hơn.

    4. Liên hệ bản thân

    Học sinh cần:

    – Chủ động tích cực học hỏi để tăng thêm vốn hiểu biết cho bản thân cũng như rèn luyện những phẩm chất đạo đức tốt đẹp.

    – Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ để trở thành một người có ích cho xã hội.

    III. Kết bài

    – Câu nói trên đã để lại trong mỗi người những bài học thật quý giá.

    Nghị luận về câu nói – Mẫu 1

    Cuộc sống có rất nhiều giá trị tốt đẹp mà con người cần xây dựng và giữ gìn. Cũng giống như lời khuyên mà câu nói: “Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hoá cho ta nhặt” dành cho mỗi người.

    Trước hết, ta dễ dàng nhận thấy trong ý kiến trên có đề cập đề hình ảnh mang tính biểu tượng đó là “gói tiền” biểu trưng cho những giá trị vật chất cụ thể có thể cầm nắm đo đếm. Tiền có thể rơi bị rơi mất cũng có thể nhặt được dễ dàng do vận may. Hình ảnh “gói văn hóa” là biểu tượng cho giá trị tinh thần, chúng ta có thể hiểu đó là biểu trưng cho giá trị tinh thần cho nên không thể cầm nắm, đo đếm. Giá trị văn hóa cũng bền vững do con người phải tiếp thu nhận thức mới có được. Đặc biệt ý kiến trên đã sử dụng cách nói đối lập tương phản: “có thể – không thể” để cho thấy sự khác biệt giữa giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Từ đó, câu nói muốn nhấn mạnh rằng: “Để có được văn hóa, con người phải khổ công rèn luyện tu dưỡng, văn hóa không tự nhiên mà có, cũng không thể trông chờ vào sự may mắn.

    Văn hóa, được hiểu là trình độ học vấn, vốn tri thức hiểu biết của con người thể hiện qua lối sống, công việc, cách ứng xử… Văn hóa thuộc về phương diện tinh thần, là những giá vô cùng quý giá và quan trọng, khẳng định vị trí nhân cách của mỗi con người trong xã hội. Trình độ văn hóa là thước đo chính xác nhất cho sự phát triển toàn diện của con người. Con người được yêu quý, ngưỡng mộ hay tôn vinh không phải bắt đầu từ sự hào nhoáng của vật chất mà từ trình độ văn hóa, từ cách sống cách nhận thức của người ấy.

    Trong lịch sử Việt Nam, chúng ta có thể kể đến Nguyễn Đình Chiểu, một con người có cuộc đời bất hạnh, nhà nghèo. Trên đường đi thi hay tin mẹ mất, ông khóc thương và ốm đau để rồi khiến cho đôi mắt bị mù lòa. Bằng nghị lực phi thường và sự vươn lên không ngừng nghỉ, ông đã trở thành một nhà giáo, thầy thuốc và nhà thơ. Nguyễn Đình Chiểu được thủ tướng Phạm Văn Đồng ca ngợi là “ngôi sao sáng nhất trên bầu trời văn nghệ”. Hay như nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, sinh ra với cuộc đời bất hạnh bị tật nguyền, hai tay không cầm được bút. Với khát vọng vươn đến ánh sáng của văn hóa cùng với nghị lực phi thường, Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành người thầy giáo gương mẫu, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.

    Văn hóa là những giá trị tinh thần sống lại được biểu hiện rất cụ thể sống động của ngôn ngữ cử chỉ thói quen hay cách ăn mặc giao tiếp hằng ngày của con người với thể giới xung quanh. Nó được thể hiện qua tiếng nói cảm ơn và xin lỗi. Một lời cảm ơn không làm ta giàu lên, cũng không làm cho người nói hào mòn giá trị vật chất nhưng nó lại cho mọi người thấy ta là người có văn hóa và ta không thản nhiên nhận tấm lòng của người khác, ngược lại còn trân trọng và nâng niu. Khi ta biết nói lời xin lỗi, đôi khi không phải vì chúng ta mắc lỗi mà đó là vì chúng ta sống có văn hóa. Văn hóa cũng không tự nhiên mà có, chỉ có được hình thành thông qua quá trình học tập, rèn luyện tích lũy lâu dài và bền bỉ. Tiền có thể mua được những sản phẩm văn hóa nhưng không thể mua được văn hóa, vì vậy mỗi con người phải không ngừng tích lũy và nâng cao giá trị văn hóa cho bản thân để góp phần làm nên bản sắc của một dân tộc. Điều đó giống như việc chúng ta có thể mua một đĩa nhạc – đó là sản phẩm của văn hóa. Nhưng ta không thể mua được văn hóa cho ta.

    Thật tiếc trong cuộc sống hiện đại hôm nay bên cạnh những con người sống có văn hóa thì có một bộ phận không nhỏ xuất hiện tư tưởng đề cao giá trị vật chất, coi thường giá trị tinh thần văn hóa. Đó là những học sinh đua đòi, ăn chơi, chạy theo những giá trị vật chất màu mè. Hoặc những cô gái chỉ chọn người yêu với tiêu chí phải là đại gia… Văn hóa không thể hiện ở bằng cấp trình độ, học vấn mà nó còn thể hiện trong hành động cách ứng xử của con người trong cuộc sống. Mỗi học sinh hãy nâng cao ý thức học tập, tu dưỡng để hoàn thiện nhân cách góp phần xây dựng xã hội văn hóa, văn minh, góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc.

    Tóm lại, văn hóa chính là cái còn lại sau cùng. Tiền có thể mua được những sản phẩm của văn hóa nhưng không thể làm nên văn hóa cho một con người.

    Nghị luận về câu nói – Mẫu 2

    Trong cuộc sống, văn hóa và tiền bạc của cải là hai giá trị đối lập nhau. Nếu như tiền bạc, của cải thuộc về giá trị vật chất thì văn hóa lại thuộc về giá trị tinh thần. Và câu nói “Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hoá cho ta nhặt” đã đem đến cho mỗi người nhiều suy tư, suy nghĩ.

    Tiền bạc, của cải nói riêng hay vật chất nói chung là đại lượng có thể đo đếm một cách rõ ràng, cụ thể. Đó cũng là những vật mà con người có thể mang theo bên mình nên cũng có thể dễ dàng đánh mất. Hình ảnh “ta có thể nhặt được gói tiền” muốn nói cho chúng ta rằng tiền bạc của cải là những thứ vật chất, dễ dàng đánh mất nhưng cũng có thể dễ dàng lấy lại được, thậm chí là nhặt được từ người khác. Còn “văn hóa” lại thuộc về những giá trị tinh thần cao quý và đẹp đẽ, khó cầm nắm được khó tạo ra được, nên không ai “đánh rơi văn hóa” cho chúng ta nhặt được. Tóm lại, câu nói trên mang đến một bài học ý nghĩa cho chúng ta trong cuộc sống: Con người có thể dễ dàng tạo ra của cải vật chất nhưng văn hóa lại được xây dựng trong suốt một quá trình.

    Tại sao chúng ta có thể dễ dàng nhặt được một gói tiền? Chúng ta có thể nhặt được một gói tiền vì nó cũng giống như những vật tùy thân, dù có gìn giữ nhưng cũng sẽ có lúc bất cẩn mà đánh rơi. Còn văn hóa thì khác, đó là những giá trị tinh thần thuộc về ý thức của mỗi người, không thể cầm nắm, không thể “đánh rơi” hay “nhặt được”. Hơn nữa nó là kết quả của quá trình tích lũy không ngừng nghỉ chứ không tự nhiên có ở mỗi người, không ai dễ dàng có được nó nhờ sự may mắn trong cuộc sống.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một biểu tượng về văn hóa cho nhân tộc Việt Nam. Cuộc đời của Người là kết tinh của những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương đất nước với những giá trị của văn minh nhân loại. Người không chỉ là một vị lãnh tụ lỗi lạc mà còn là một nhà thơ nhà văn lớn của Việt Nam và thế giới. Trong suốt những năm tháng của cuộc đời mình, Hồ Chủ tịch đã không ngừng học tập và rèn luyện để có thể trở thành tấm gương cho mỗi người dân Việt Nam như ngày hôm nay.

    Như vậy, đây là một quan điểm đúng đắn và sâu sắc. Mỗi học sinh hãy nâng cao ý thức học tập, tu dưỡng để hoàn thiện nhân cách góp phần xây dựng xã hội văn hóa, văn minh, góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc.

    Văn hóa chính là một giá trị tinh thần quan trọng đối với con người. Cũng giống như câu nói của Albert Camus: “Không có văn hóa và thứ tự do tương đối nó gợi lên, xã hội ngay cả khi hoàn hảo cũng chỉ là rừng rậm. Vì vậy mọi sáng tạo đích thực đều là món quà gửi tới tương lai”.

    Nghị luận về câu nói – Mẫu 3

    John Abbott – thủ tướng của Canada đã từng nói: “Năng lực của mỗi người có thể gia tăng hoặc mạnh mẽ hơn nhờ văn hóa”. Văn hóa là một giá trị tinh thần quan trọng đối với mỗi con người, không phải tự nhiên mà có được, cũng giống như câu nói: “Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ không có ai đánh rơi một gói văn hoá cho ta nhặt”.

    Gói tiền” biểu trưng cho những giá trị vật chất cụ thể có thể cầm nắm đo đếm nên con người có thể dễ dàng “nhặt” được. Còn hình ảnh “gói văn hóa” là biểu tượng cho giá trị tinh thần, không thể cầm nắm, đo đếm. Giá trị văn hóa cũng phải do con người tiếp thu, nhận thức mới có được. Đặc biệt ý kiến trên đã sử dụng cách nói đối lập tương phản: “có thể – không thể” để cho thấy sự khác biệt giữa giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Những giá trị tinh thần thì ai cũng có thể dễ dàng đạt được những giá trị tinh thần thì không phải vậy. Để có được văn hóa, con người phải khổ công rèn luyện tu dưỡng, văn hóa không tự nhiên mà có, cũng không thể trông chờ vào sự may mắn.

    Nếu văn hóa được hiểu là trình độ học vấn, vốn tri thức hiểu biết của con người thể hiện qua lối sống, công việc, cách ứng xử… Nó thuộc về phương diện tinh thần, là những giá vô cùng quý giá và quan trọng, khẳng định vị trí nhân cách của mỗi con người trong xã hội. Con người được yêu quý, ngưỡng mộ hay tôn vinh không phải bắt đầu từ sự hào nhoáng của vật chất mà từ trình độ văn hóa từ cách sống cách nhận thức của người ấy. Chắc có lẽ, không ai là không biết đến giáo sư Văn Như Cương. Những ai từng là học trò của thầy hay theo học tại trường Lương Thế Vinh, thì sẽ cảm thấy giáo sư Văn Như Cương chính là một người thầy đáng quý. Một người thầy luôn dành tình yêu thương cho học trò và cả đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp giáo dục. Thầy nghiêm khắc và kỷ cương, nhưng cũng thật gần gũi, luôn quan tâm tới đời sống của học sinh dù là ở trường hay trên mạng xã hội, làm gì cũng hết lòng vì học sinh trước nhất. Ở con người ấy toát lên một cách sống mẫu mực nhưng cũng đầy yêu thương.

    Văn hóa là những giá trị tinh thần nhưng đôi khi lại được biểu hiện cụ thể qua những hành động và lời nói hằng ngày. Đó có thể là cách ứng xử một cách tôn trọng và lịch sử với những người xung quanh. Đó có thể là hành động bảo vệ môi trường sống tự nhiên bằng việc hạn chế sử dụng rác thải nhựa. Đó cũng là cách ăn mặc lịch sự và phù hợp khi ra vào những nơi thanh tịnh như chùa chiền… Những hành động nhỏ nhưng cũng thể hiện được một lối sống có văn hóa. Tuy là như vậy, nhưng không dễ dàng để trở thành một người sống có văn hóa. Vì để có được con người phải không ngừng tích lũy, rèn luyện và cố gắng sống tốt hơn mỗi ngày. Những tấm gương như thần đồng Đỗ Nhật Nam – một cậu bé nổi tiếng với khả năng nói tiếng Anh và diễn thuyết. Câu đã trở thành một nhân vật truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam. Để có được thành công từ lúc còn nhỏ tuổi như vậy, chính cậu cũng phải cố gắng học tập mới có thể đạt được, chứ không phải do bẩm sinh đã được như vậy.

    Hiện nay, có một bộ phận nhỏ những người có lối sống thiếu văn hóa. Có những bạn trẻ bất chấp luân thường đạo lý thuần phong mỹ tục mong được nổi tiếng bằng cách chà đạp lên những giá trị văn hóa: tạo ra những tin đồn không hay về bản thân để nổi tiếng… Là một học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi học sinh hãy nâng cao ý thức học tập, tu dưỡng để hoàn thiện nhân cách góp phần xây dựng xã hội văn hóa, văn minh, góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc.

    Văn hóa chính là một trong những tiêu chí đánh giá giá trị của một con người. Giống như câu nói trên, chúng ta không thể may mắn nhặt được văn hóa, mà phải tự trau dồi, rèn luyện mới có được.

    Để lại một bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *